Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Bốn - Phẩm Chuyển Sanh - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
HỘI ĐẦU
PHẨM BỐN
PHẨM CHUYỂN SANH
PHẦN MỘT
Lúc bấy giờ, Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn!
Các Đại Bồ Tát an trụ bát nhã Ba la mật đa, xả thân từ cõi nào đến sanh ở cõi này.
Xả thân từ cõi này, sẽ sanh ở cõi nào?
Đức Phật bảo cụ thọ Xá Lợi Tử: Các Đại Bồ Tát an trụ bát nhã Ba la mật đa, có vị xả thân từ Cõi Phật ở phương khác, đến sanh ở cõi này. Có vị xả thân từ cõi Trời Đỗ Sử Đa, đến sanh ở cõi này. Có vị xả thân từ trong cõi người rồi sanh lại trong cõi người.
Xá Lợi Tử! Nếu Đại Bồ Tát an trụ bát nhã Ba la mật đa, xả thân từ Cõi Phật khác, đến sanh ở cõi này, thì vị Đại Bồ Tát ấy, chóng tương ưng với bát nhã Ba la mật đa. Do vì cùng tương ưng với bát nhã Ba la mật đa, nên khi chuyển sanh, liền được pháp môn thâm diệu hiện ra ngay.
Từ đây về sau, thường chóng được tương ưng với bát nhã Ba la mật đa. Tại nơi sanh ra, thường được gặp Phật, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, có khả năng khiến cho bát nhã Ba la mật đa, dần dần được viên mãn.
Xá Lợi Tử! Nếu Đại Bồ Tát an trụ bát nhã Ba la mật đa, xả thân từ cõi Trời Đỗ sử đa, đến sanh ở cõi này, thì vị Đại Bồ Tát ấy, phần nhiều trọn đời gắn liền với bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa, tự tại hiện tiền, thường chẳng quên mất. Đối với tất cả pháp môn Đà La Ni, pháp môn Tam Ma Địa, cũng tự tại hiện tiền, thường chẳng quên mất.
Xá Lợi Tử! Nếu Đại Bồ Tát an trụ bát nhã Ba la mật đa, xả thân từ trong cõi người, rồi sanh lại trong cõi người, thì Đại Bồ Tát ấy, trừ sự bất thối chuyển ra, căn trí chậm lụt, tuy là siêng tu hành bát nhã Ba la mật đa, nhưng chẳng có thể chóng tương ưng với bát nhã Ba la mật đa. Lại đối với tất cả pháp môn Đà La Ni, pháp môn Tam Ma Địa chưa được tự tại.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Câu hỏi sau của Ngươi là Các Đại Bồ Tát an trụ bát nhã Ba la mật đa, xả thân từ cõi này, sẽ sanh về cõi nào.
Xá Lợi Tử! Vị Đại Bồ Tát ấy, do vì luôn luôn cùng tương ưng với bát nhã Ba la mật đa, nên xả thân từ cõi này, sẽ sanh về Cõi Phật khác, rồi từ Cõi Phật đó, sanh đến Cõi Phật khác nữa. Tại mỗi nơi sanh ra, thường được gặp Chư Phật Thế Tôn, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, cho đến khi chứng được quả vị giác ngộ cao tột, cũng không xa Phật.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát, vì không phương tiện thiện xảo, nên nhập sơ tịnh lự, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ tịnh lự, cũng có thể tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa. Vị Đại Bồ Tát ấy, vì chứng được tịnh lự, nên sanh đến Cõi Trời Trường Thọ. Ở nơi đó, thọ mạng hết, sanh vào cõi người, được gặp Chư Phật, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen.
Tuy hành Bố Thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa, nhưng các căn chậm lụt, chẳng được lanh lợi, các việc làm chẳng được thiện xảo lắm!
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Các Đại Bồ Tát, nhập sơ tịnh lự, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ tịnh lự, cũng có thể tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa, vị Đại Bồ Tát ấy, vì không phương tiện thiện xảo, khi xả các tịnh lự, sanh vào Cõi Dục, nên biết vị Đại Bồ Tát ấy, các căn cũng chậm lụt, chẳng được lanh lợi, các việc làm chẳng được thiện xảo lắm!
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát, nhập sơ tịnh lự, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ tịnh lự, nhập từ vô lượng, nhập bi, hỷ, xả vô lượng, nhập định Không vô biên xứ, nhập định Thức vô biên xứ, định Vô sở hữu xứ, định Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Tu hành bố thí Ba la mật đa, tu hành tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa. An trụ cái không nội, an trụ cái không ngoại, cái không nội ngoại, cái không không, cái không lớn, cái không thắng nghĩa, cái không hữu vi, cái không vô vi, cái không rốt ráo.
Cái không không biên giới, cái không tản mạn, cái không không đổi khác, cái không bổn tánh, cái không tự tướng, cái không cộng tướng, cái không tất cả pháp, cái không không thể nắm bắt được, cái không không tánh, cái không tự tánh, cái không không tánh tự tánh.
An trụ chơn như, an trụ pháp giới, pháp tánh, tánh không hư vọng, tánh không đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, định pháp, trụ pháp, thật tế, cõi hư không, cõi không thể nghĩ bàn. Tu hành bốn niệm trụ, tu hành bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi Đẳng Giác, tám chi Thánh đạo.
An trụ Thánh đế khổ, an trụ Thánh đế tập, diệt, đạo. Tu hành tám giải thoát, tu hành tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ. Tu hành pháp môn giải thoát không, tu hành pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện. Tu hành tất cả pháp môn Đà La Ni, tu hành tất cả pháp môn Tam Ma Địa.
Tu hành năm loại mắt, tu hành sáu phép thần thông, tu hành mười lực của Phật, tu hành bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng.
Tu hành pháp không quên mất, tu hành tánh luôn luôn xả, tu hành trí nhất thiết, tu hành trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Vị Đại Bồ Tát ấy, vì có phương tiện thiện xảo, nên chẳng theo sức mạnh của tịnh lự, vô lượng, vô sắc mà thọ sanh.
Tùy nơi sanh ra, thường gặp Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, thường chẳng xa lìa bát nhã Ba la mật đa xâu xa, nên biết vị Đại Bồ Tát ấy, ở trong hiền kiếp này, nhất định chứng được quả vị giác ngộ cao tột.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát, nhập sơ tịnh lự, nhập đệ nhị, đệ tam, đệ tứ tịnh lự. Nhập từ vô lượng, nhập bi, hỷ, xả, vô lượng. Nhập định Không vô biên xứ, nhập định Thức vô biên xứ, định Vô sở hữu xứ, định Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Vị Đại Bồ Tát ấy, vì có phương tiện thiện xảo, nên chẳng theo sức mạnh của tịnh lự, vô lượng, vô sắc mà sanh, sanh trở lại Cõi Dục, hoặc là dòng dõi lớn Sát Đế Lợi, hoặc dòng dõi lớn Bà La Môn, hoặc dòng dõi lớn Trưởng Giả, hoặc dòng dõi lớn Cư Sĩ. Vì muốn thành thục hữu tình, chứ không vì tham nhiễm đời sau mà sanh.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát, nhập sơ tịnh lự, nhập đệ nhị, đệ tam, đệ tứ tịnh lự. Nhập từ vô lượng, nhập bi, hỷ, xả, vô lượng. Nhập định Không vô biên xứ, nhập định Thức vô biên xứ, định Vô sở hữu xứ, định Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Vị Đại Bồ Tát ấy, vì có phương tiện thiện xảo, nên chẳng theo sức mạnh của tịnh lự, vô lượng, vô sắc mà sanh.
Hoặc là sanh ở các cảnh Trời trong cõi Tứ Đại Thiên Vương, hoặc sanh ở cõi Trời Ba Mươi Ba, hoặc sanh ở cõi Trời Dạ Ma, hoặc sanh ở cõi Trời Đỗ Sử Da, hoặc sanh ở cõi Trời Lạc Biến Hóa, hoặc sanh ở cõi Trời Tha Hóa Tự Tại. Vì muốn thành thục hữu tình, và vì muốn nghiêm tịnh các Cõi Phật, nên thường gặp Chư Phật, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, không bỏ sót vị nào.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát, nhập sơ tịnh lự, nhập đệ nhị, đệ tam, đệ tứ tịnh lự. Nhập từ vô lượng, nhập bi, hỷ, xả, vô lượng. Nhập định Không vô biên xứ, nhập định Thức vô biên xứ, định Vô sở hữu xứ, định Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Vị Đại Bồ Tát ấy, tu hành bát nhã Ba la mật đa, vì có phương tiện thiện xảo, nên xả thân ở nơi này, sanh đến Cõi Phạm Thế, làm Đại Phạm Vương, oai đức lẫy lừng hơn các Phạm Chúng khác, nhiều gấp trăm ngàn lần.
Từ nơi cõi Trời đang ở, dạo qua các Cõi Phật, từ Cõi Phật này, đến Cõi Phật khác. Trong đó, có Đại Bồ Tát nào chưa chứng quả vị giác ngộ cao tột, khuyên chứng quả vị giác ngộ cao tột. Đã chứng quả vị giác ngộ cao tột rồi, mà chưa chuyển pháp luân, thì thỉnh chuyển pháp luân, vì muốn lợi lạc cho các hữu tình.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát, vì trọn đời gắn liền với phương tiện thiện xảo, nhập sơ tịnh lự, nhập đệ nhị, đệ tam, đệ tứ tịnh lự.
Nhập từ vô lượng, nhập bi, hỷ, xả, vô lượng. Nhập định Không vô biên xứ, nhập định Thức vô biên xứ, định Vô sở hữu xứ, định Phi tưởng phi phi tưởng xứ, tu hành bố thí Ba la mật đa, tu hành tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa.
An trụ cái không nội, an trụ cái không ngoại, cái không nội ngoại, cái không không, cái không lớn, cái không thắng nghĩa, cái không hữu vi, cái không vô vi, cái không rốt ráo, cái không không biên giới, cái không tản mạn, cái không không đổi khác, cái không bổn tánh, cái không tự tướng, cái không cộng tướng, cái không tất cả pháp, cái không không thể nắm bắt được, cái không không tánh, cái không tự tánh, cái không không tánh tự tánh.
An trụ chơn như, an trụ pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, định pháp, trụ pháp, thật tế, cõi hư không, cõi không thể nghĩ bàn. Tu hành bốn niệm trụ, tu hành bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi Đẳng Giác, tám chi Thánh đạo.
An trụ Thánh đế khổ, an trụ Thánh đế tập, diệt, đạo. Tu hành tám giải thoát, tu hành tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ. Tu hành pháp môn giải thoát không, tu hành pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện. Tu hành tất cả pháp môn Đà La Ni, tu hành tất cả pháp môn Tam Ma Địa.
Tu hành năm loại mắt, tu hành sáu phép thần thông, tu hành mười lực của Phật, tu hành bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng.
Tu hành pháp không quên mất, tu hành tánh luôn luôn xả. Tu hành trí nhất thiết, tu hành trí đạo tướng, tu hành trí nhất thiết tướng. Vị Đại Bồ Tát ấy, chẳng theo sức mạnh của tịnh lự, vô lượng, vô sắc mà sanh, hiện tiền phụng sự, thân cận cúng dường Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hiện tại.
Ở nơi Cõi Phật đó, siêng tu phạm hạnh. Xả thân từ Cõi Phật đó, sanh đến cõi Trời Đỗ sử đa, khi hết tuổi thọ, các căn không khuyết, trí nhớ minh mẫn, vô lượng, vô số, trăm ngàn ức Thiên chúng vây quanh đi theo, dùng thần thông dạo chơi, rồi lại sanh vào cõi người, thị hiện tu khổ hạnh, chứng được quả vị giác ngộ cao tột, chuyển bánh xe pháp mầu nhiệm, độ vô lượng chúng sanh.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát, chứng được sáu phép thần thông, chẳng sanh vào Cõi Dục, chẳng sanh vào Cõi Sắc, chẳng sanh vào Cõi Vô Sắc, dạo chơi các Cõi Phật, từ Cõi Phật này, đến Cõi Phật khác, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen vô lượng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Tu các hạnh Đại Bồ Tát, dần dần chứng được điều mong cầu là quả vị giác ngộ cao tột.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát, chứng được sáu phép thần thông, tự tại dao chơi, từ Cõi Phật này, đến Cõi Phật khác. Các Cõi Phật đã đi qua, không có các tên Thanh Văn, Độc Giác v.v… chỉ có Nhất thừa chân phạm hạnh.
Vị Đại Bồ Tát ấy, ở các Cõi Phật, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen vô lượng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, tu hành bát nhã Ba la mật đa, dần dần được viên mãn, nghiêm tịnh Cõi Phật, thành thục hữu tình, thường không lười biếng, bỏ phế.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát, chứng đắc sáu phép thần thông tự tại dạo chơi, từ Cõi Phật này, đến Cõi Phật khác. Các Cõi Phật đã đi qua, tuổi thọ của hữu tình chẳng thể tính biết. Vị Đại Bồ Tát ấy, ở nơi các Cõi Phật, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen vô lượng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, tu hành bát nhã Ba la mật đa, dần dần viên mãn, nghiêm tịnh Cõi Phật, thành thục hữu tình, từng không lười biếng, mệt mỏi.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát, chứng được sáu phép thần thông, tự tại dao chơi, từ Thế Giới này, đến Thế Giới khác. Có các Thế Giới, chẳng nghe tên Phật, tên Pháp, tên Tăng. Vị Đại Bồ Tát ấy, đến Thế Giới đó, xưng dương tán thán ngôi báu Phật, Pháp, Tăng, khiến các hữu tình sinh lòng tin trong sạch, sâu sắc, gọi đó là đêm dài mà được lợi ích an vui.
Vị Đại Bồ Tát ấy, xả thân ở cõi này, sanh vào cõi có Phật, tu các hạnh Đại Bồ Tát, dần dần chứng được điều mong cầu là quả vị giác ngộ cao tột, lợi ích an lạc các loài hữu tình.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát, từ khi mới phát tâm, dũng mãnh tinh tiến, chứng được sơ tịnh lự, chứng được đệ nhị, đệ tam, đệ tứ tịnh lự. Chứng được từ vô lượng, chứng được bi, hỷ, xả vô lượng, chứng được định Không vô biên xứ, chứng được định Thức vô biên xứ, định Vô sở hữu xứ, định Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Tu hành bố thí Ba la mật đa, tu hành tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa. an trụ cái không nội, cái không ngoại, cái không nội ngoại, cái không không, cái không lớn, cái không thắng nghĩa, cái không hữu vi, cái không vô vi, cái không rốt ráo, cái không không biên giới, cái không tản mạn.
Cái không không đổi khác, cái không bổn tánh, cái không tự tướng, cái không cộng tướng, cái không tất cả pháp, cái không không thể nắm bắt được, cái không không tánh, cái không tự tánh, cái không không tánh tự tánh.
An trụ chơn như, an trụ pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, định pháp, trụ pháp, thật tế, cõi hư không, cõi không thể nghĩ bàn.
Tu hành bốn niệm trụ, tu hành bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi Đẳng Giác, tám chi Thánh đạo. An trụ Thánh đế khổ, an trụ Thánh đế tập, diệt, đạo. Tu hành tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ.
Tu hành pháp môn giải thoát không, tu hành pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện. Tu hành tất cả pháp môn Đà La Ni, tu hành tất cả pháp môn Tam Ma Địa. Tu hành Bậc Cực Hỷ, tu hành Bậc Ly Cấu, Bậc Phát Quang, Bậc Diệm Tuệ, Bậc Cực Nan Thắng, Bậc Hiện Tiền, Bậc Viễn Hành, Bậc Bất Động, Bậc Thiện Tuệ, Bậc Pháp Vân.
Tu hành năm loại mắt, tu hành sáu phép thần thông, tu hành mười lực của Phật, tu hành bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng.
Tu hành pháp không quên mất, tu hành tánh luôn luôn xả. Tu hành trí nhất thiết, tu hành trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Vị Đại Bồ Tát ấy, chẳng sanh Cõi Dục, chẳng sanh Cõi Sắc, chẳng sanh cõi Vô Sắc, thường sanh chỗ có thể làm lợi ích cho các hữu tình, để làm lợi ích an lạc cho tất cả hữu tình.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát, trước đã tu tập bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa, khi mới phát tâm, liền nhập chánh tánh ly sanh của Bồ Tát, cho đến khi chứng được Bậc Bất thối chuyển.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát, trước đã tu tập sáu phép Ba la mật đa và vô lượng, vô biên pháp Phật khác, khi mới phát tâm, đã có thể lần lượt chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, chuyển bánh xe pháp mầu nhiệm, độ vô lượng chúng sanh, ở trong cảnh giới Vô dư y Đại Niết Bàn, mà nhập Niết Bàn. Sau khi nhập Niết Bàn, chánh pháp đã nói, tồn tại trên đời một kiếp, hoặc hơn một kiếp, lợi lạc vô biên cho các loài hữu tình.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát, trước đã tu tập sáu phép Ba la mật đa và các hạnh Đại Bồ Tát khác, khi mới phát tâm, đã cùng tương ưng với bát nhã Ba la mật đa, cùng với vô lượng, vô số, trăm ngàn ức Đại Bồ Tát, vây quanh trước sau, dạo chơi các Cõi Phật, từ Cõi Phật này, đến Cõi Phật khác, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, Chư Phật Thế Tôn, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh Cõi Phật.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa, chứng đắc bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Đối với chín bậc định, đạt đến chỗ vượt qua thứ lớp, thuận nghịch vào ra, tự tại dạo chơi, chẳng phải cảnh giới của các Thanh Văn, Độc Giác. Vị Đại Bồ Tát ấy, có khi nhập sơ tịnh lự.
Từ sơ tịnh lự khởi, nhập định diệt tận. Từ định diệt tận khởi, nhập đệ nhị tịnh lự. Từ đệ nhị tịnh lự khởi, nhập định diệt tận. Từ định diệt tận khởi, nhập đệ tam tịnh lự. Từ đệ tam tịnh lự khởi, nhập định diệt tận.
Từ định diệt tận khởi, nhập đệ tứ tịnh lự. Từ đệ tứ tịnh lự khởi, nhập định diệt tận. Từ định diệt tận khởi, nhập định không vô biên xứ. Từ định không vô biên xứ khởi, nhập định diệt tận. Từ định diệt tận khởi, nhập định thức vô biên xứ. Từ định thức vô biên xứ khởi, nhập định diệt tận.
Từ định diệt tận khởi, nhập định vô sở hữu xứ. Từ định vô sở hữu xứ khởi, nhập định diệt tận. Từ định diệt tận khởi, nhập định Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Từ định Phi tưởng phi phi tưởng xứ khởi, nhập định diệt tận. Từ định diệt tận khởi, nhập sơ tịnh lự.
Xá Lợi Tử! Vị Đại Bồ Tát này, tu hành bát nhã Ba la mật đa, đối với các Bậc định, đã đạt đến phương tiện thiện xảo, vượt qua thứ lớp, tự tại dạo chơi. nhưng ở trong đó, không nhiễm, không đắm.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát, tuy đã đắc bốn niệm trụ, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi Đẳng Giác, tám chi Thánh đạo. Tuy đã đắc pháp môn giải thoát không, pháp môn giải thoát vô tướng, pháp môn giải thoát vô nguyện.
Tuy đã trụ Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Tuy đã đắc tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ, nhưng chẳng thủ quả Dự Lưu, quả Nhất Lai, quả Bất Hoàn, hoặc quả A La Hán, hoặc quả vị Độc Giác.
Vị Đại Bồ Tát ấy, tu hành bát nhã Ba la mật đa, phương tiện thiện xảo, khiến các hữu tình tu hành bốn niệm trụ, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi Đẳng Giác, tám chi Thánh đạo.
Tu hành pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. An trụ Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Tu hành tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ, đắc quả Dự Lưu, quả Nhất Lai, quả Bất Hoàn, hoặc quả A La Hán, hoặc quả vị Độc Giác.
Xá Lợi Tử! Vị Đại Bồ Tát này, tuy đã tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa. Tuy đã trụ cái không nội, cái không ngoại, cái không nội ngoại, cái không không, cái không lớn, cái không thắng nghĩa, cái không hữu vi, cái không vô vi.
Cái không rốt ráo, cái không không biên giới, cái không tản mạn, cái không không đổi khác, cái không bổn tánh, cái không tự tướng, cái không cộng tướng, cái không tất cả pháp, cái không không thể nắm bắt được, cái không không tánh, cái không tự tánh, cái không không tánh tự tánh.
Tuy đã trụ chơn như, pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, định pháp, trụ pháp, thật tế, cõi hư không, cõi không thể nghĩ bàn.
Tuy đã tu tất cả pháp môn Đà La Ni, pháp môn Tam Ma Địa. Tuy đã tu Bậc Cực Hỷ, Bậc Ly Cấu, Bậc Phát Quang, Bậc Diệm Tuệ, Bậc Cực Nan Thắng, Bậc Hiện Tiền, Bậc Viễn Hành, Bậc Bất Động, Bậc Thiện Tuệ, Bậc Pháp Vân. Tuy đã tu năm loại mắt, sáu phép thần thông.
Tuy đã tu mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng. Tuy đã tu pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Tuy đã tu trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, mà chẳng thủ quả vị giác ngộ cao tột.
Vị Đại Bồ Tát ấy, tu hành bát nhã Ba la mật đa, phương tiện thiện xảo, khiến các hữu tình tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa, cho đến tu hành trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột.
Xá Lợi Tử! Quả trí của tất cả Thanh Văn, Độc Giác tức là nhẫn của Đại Bồ Tát.
Xá Lợi Tử! Nên biết, vị Đại Bồ Tát ấy, trụ ở Bậc Bất Thối Chuyển, an trụ bát nhã Ba la mật đa, mới có thể làm được việc này.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát đã từ lâu, an trụ bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa, và vô lượng, vô biên pháp Phật khác, nghiêm tịnh Cõi Trời Đỗ Sử Đa.
Xá Lợi Tử! Nên biết vị Đại Bồ Tát này, ở trong hiền kiếp này, nhất định chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát, tu hành bát nhã Ba la mật đa, tuy đã đắc bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Đã đắc bốn niệm trụ, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi Đẳng Giác, tám chi Thánh đạo. Đã tu pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Đã tu tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ.
Đã tu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa. Đã tu tất cả pháp môn Đà La Ni, pháp môn Tam Ma Địa. Đã tu Bậc Đại Bồ Tát. Đã tu năm loại mắt, sáu phép thần thông.
Đã tu mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng. Đã tu pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Đã tu trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, mà đối với Thánh đế hiện chưa thông đạt.
Xá Lợi Tử! Nên biết, vị Đại Bồ Tát này, một đời bị trói buộc.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát, tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa, dạo chơi các Thế Giới, từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác, nghiêm tịnh Cõi Phật, an lập hữu tình ở quả vị giác ngộ cao tột.
Xá Lợi Tử! Vị Đại Bồ Tát ấy, cần phải trải qua vô lượng, vô số đại kiếp, mới chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát an trụ bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa, thường cần tinh tấn, lợi ích hữu tình, miệng thường chẳng nói lời vô nghĩa, thân, ý chẳng nghĩ, làm việc vô nghĩa.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát, tu hành sáu pháp Ba la mật đa, thường cần tinh tấn, lợi ích hữu tình, từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác, dứt trừ ba đường hướng đến điều ác của các hữu tình, phương tiện an lập vào trong đường hướng đến điều thiện.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát, tuy trụ sáu pháp Ba la mật đa, nhưng thường lấy bố thí Ba la mật đa làm đầu, dũng mãnh tu tập, bố thí cho tất cả hữu tình những đồ ưa thích, thường không lười biếng bỏ bê. Tất cả hữu tình cần ăn, cho ăn. Cần uống, cho uống. Cần xe, cho xe. Cần áo, cho áo. Cần hoa hương, cho hoa hương. Cần anh lạc, cho anh lạc.
Cần phòng xá, cho phòng xá. Cần giường chõng, cho giường chõng. Cần đồ nằm, cho đồ nằm. Cần đèn sáng, cho đèn sáng. Cần tiền gạo, cho tiền gạo. Cần trân bảo, cho trân bảo. Cần kỹ nhạc, cho kỹ nhạc. Cần người hầu, cho người hầu. Tùy theo nhu cầu các loại của cải, mà vui vẻ ban cho, khiến không còn thiếu thốn. bố thí rồi, khuyên họ tu ba đạo Bồ Đề.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát, tuy trụ sáu pháp Ba la mật đa, nhưng thường lấy tịnh giới Ba la mật đa làm đầu, dũng mãnh tu tập. thân, ngữ, ý đầy đủ luật nghi thanh tịnh, khuyên các hữu tình, cũng nên tu tập luật nghi như vậy, khiến mau viên mãn.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát, tuy trụ sáu pháp Ba la mật đa, nhưng thường lấy an nhẫn Ba la mật đa làm đầu, dũng mãnh tu tập, xa lìa vĩnh viễn tất cả các tâm giận dữ, khuyên các hữu tình, cũng nên tu tập an nhẫn như vậy, khiến mau viên mãn.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát, tuy trụ sáu pháp Ba la mật đa, nhưng thường lấy tinh tấn Ba la mật đa làm đầu, dũng mãnh tu tập, tu hành đầy đủ tất cả pháp lành, khuyên các hữu tình, cũng nên tu tập tinh tấn như vậy, khiến mau viên mãn.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát, tuy trụ sáu pháp Ba la mật đa, nhưng thường lấy tịnh lự Ba la mật đa làm đầu, dũng mãnh tu tập, tu hành đầy đủ tất cả định thù thắng, khuyên các hữu tình, cũng nên tu tập các định thù thắng như vậy, khiến mau viên mãn.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát, tuy trụ sáu pháp Ba la mật đa, nhưng thường lấy bát nhã Ba la mật đa làm đầu, dũng mãnh tu tập, tu hành đầy đủ tất cả trí tuệ, khuyên các hữu tình, cũng nên tu tập trí tuệ thù thắng như vậy, khiến mau viên mãn.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa, phương tiện thiện xảo, hóa thân Chư Phật, biến nhập địa ngục, bàng sanh, quỉ giới, Nhân, Thiên. tùy theo tiếng của mỗi loài mà nói Chánh Pháp, khiến được lợi ích an lạc thù thắng.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát an trụ bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa, hóa thân Chư Phật, biến khắp vô số Thế Giới Chư Phật trong mười phương, vì các hữu tình, tuyên nói Chánh Pháp, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, Chư Phật Thế Tôn.
Ở chỗ các Đức Phật, lóng nghe chánh pháp, nghiêm tịnh Cõi Phật, xem khắp cảnh tượng thanh tịnh vi diệu, của Cõi Phật rất thủ thắng ở mười phương, mà tự khởi tạo Cõi Phật, vô cùng trang nghiêm thanh tịnh. Ở trong đó, an xử các Đại Bồ Tát, một đời bị ràng buộc, khiến mau chứng đắc điều mong cầu là quả vị giác ngộ cao tột.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa, đầy đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu, tám mươi vẻ đẹp kèm theo, viên mãn trang nghiêm, các căn mãnh mẽ, lanh lợi, hết sức thanh tịnh, chúng sanh thấy đều ái kính, khởi tâm thanh tịnh. Nhân đó, khuyên bảo, chỉ dạy, tùy theo điều mong muốn, khiến dần dần chứng đắc Niết Bàn của Ba thừa.
Như vậy, Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa, nên học việc làm của thân, ngữ, ý thanh tịnh.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa, tuy được các căn rất sáng suốt lanh lợi, nhưng chẳng ỷ vào đó mà trọng mình, khinh người.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát, từ khi mới phát tâm cho đến lúc chưa chứng đắc Bậc Bất Thối Chuyển, thường trụ bố thí, tịnh giới Ba la mật đa, ở tất cả mọi lúc, chẳng đọa đường ác.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát, từ khi mới phát tâm cho đến lúc chưa chứng đắc Bậc Bất Thối Chuyển, thường chẳng lìa bỏ Mười Thiện Nghiệp Đạo.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát, an trụ bố thí, tịnh giới Ba la mật đa, làm Vua Chuyển Luân, thành tựu bảy báu, dùng pháp giáo hóa, không dùng phi pháp, an lập hữu tình ở mười đường lành, cũng đem của báu bố thí cho người nghèo khổ.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát, an trụ bố thí, tịnh giới Ba la mật đa, được quả báo nhiều trăm ngàn đời làm Chuyển Luân Vương, gặp vô lượng trăm ngàn Chư Phật, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, không bỏ sót vị nào.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có Đại Bồ Tát, an trụ bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa, thường vì hữu tình bị tà kiến làm mù quáng, làm pháp soi sáng. Cũng đem ánh sáng này, thường tự soi mình, cho đến quả vị giác ngộ cao tột, từng chẳng lìa bỏ pháp soi sáng này.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba