Phật Thuyết Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới - Phần Hai - Thích Ca Mâu Ni phật

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Phật Đà Phiến Đa, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Đà Phiến Đa, Đời Nguyên Ngụy  

PHẦN HAI

THÍCH CA MÂU NI PHẬT  

Bấy giờ, Đức Thích Ca Mâu Ni, từ lúc sơ khởi hiện thân nơi Thế Giới Liên Hoa Đài Tạng, rồi qua phương Đông đến tại cung của Thiên Vương, diễn nói Kinh Ma Thọ Hóa.

Sau đó, Ngài giáng sanh nơi cõi Nam Diêm Phù Đề tại nước Ca Tỳ La, Vua Tịnh Phạn là Thân Phụ, và Hoàng Hậu Ma Gia là Sinh Mẫu, nhũ danh của Ngài là Tất Đạt Đa.

Xuất gia bảy năm, ba mươi tuổi thành đạo hiệu Ngài là Thích Ca Mâu Ni Phật. Từ Bửu Tòa Kim Cương Hoa Quang nơi Đạo Tràng Tịch Diệt nhẫn đến nơi cung của Đại Tự Tại Thiên Vương, trong mười nơi ấy Đức Phật tuần tự ngự đến thuyết pháp. Lúc đó nhơn khi xem bửu tràng mành lưới của Đại Phạm Thiên Vương, Đức Phật vì đại chúng mà giảng Kinh Phạm Võng.

Ngài dạy rằng: Vô lượng Thế Giới dường như là lỗ lưới. Mỗi Thế Giới đều khác nhau cả, khác nhau đến số vô lượng. Giáo pháp của Phật cũng như vậy.

Đức Phật đã tám nghìn lần đến thế giới Ta Bà này, ngự trên Bửu Tòa Kim Cương Hoa Quang nhẫn đến ngự nơi cung của Đại Tự Tại Thiên Vương, lược giảng tâm địa pháp môn cho cả thảy đại chúng trong những Pháp Hội ấy.

Sau đó từ cung của Thiên Vương, Đức Phật trở xuống ngự dưới cội Bồ Đề nơi cõi Diêm Phù, vì tất cả chúng sanh trên quả đất này, hạng người phàm ngu tối mà giảng một giới pháp Kim Cương Quang Minh Bửu Giới.

Giới pháp này là lời thường trì tụng của Phật Lô Xá Na, khi Ngài mới phát bồ đề tâm trong thời kỳ tu nhân của Ngài. Giới pháp này cũng chính là bổn nguyên của tất cả Phật, là bổn nguyên của tất cả Bồ Tát và là chủng tử của Phật Tánh. Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh.

Tất cả ý thức, sắc, tâm, là tình, là tâm đều vào trong phạm vi giới pháp Phật Tánh. Vì chắc chắn  thường có chánh nhân, nên chắc chắn pháp thân thường trụ.

Mười Ba La Đề Mộc Xoa như thế xuất hiện trong đời. Giới pháp này là chỗ kính trọng, thọ trì của tất cả chúng sanh trong ba thủa.

Giờ đây, Đức Phật sẽ vì trong đại chúng này mà giảng lại giới phẩm vô tận tạng, là giới phẩm của tất cả chúng sanh, bổn nguyên tự tánh thanh tịnh.

Nay ta là Lô Xá Na,

Đương ngồi trên đài Liên Hoa.

Trên nghìn cánh sen đơm vòng

Lại hiện ra nghìn Thích Ca.

Mỗi cánh sen trăm ức cõi

Mỗi cõi một Phật Thích Ca.

Đều ngồi dưới cội Bồ Đề

Đồng thời thành chánh giác đạo.

Nghìn trăm ức Phật như vậy

Lô Xá Na là bổn thân.

Nghìn trăm ức Phật Thích Ca

Đều đem theo vi trần chúng

Cùng nhau đến tại chỗ ta

Để nghe ta tụng Phật Giới,

Ta liền giảng môn Cam Lộ.

Bây giờ nghìn trăm ức Phật,

Trở về Đạo Tràng của mình,

Đều ngồi nơi cội Bồ Đề

Tụng mười trọng, bốn mươi tám

Giới của Bổn Sư Xá Na,

Giới như vừng nhật nguyệt sáng,

Cũng như chuỗi báu ngọc châu,

Chúng Bồ Tát như vi trần

Do giới này mà thành Phật,

Đây là Đức Xá Na tụng

Ta đây cũng tụng như vậy.

Các ông tân học Bồ Tát

Phải cung kính thọ trì giới!

Khi thọ trì giới này rồi

Nên truyền lại cho chúng sanh,

Lắng nghe ta đang trì tụng

Pháp Ba La Đề Mộc Xoa

Là giới tạng trong Phật Pháp.

Đại chúng lòng nên tin chắc:

Các người là Phật sẽ thành,

Ta đây là Phật đã thành.

Thường có lòng tin như vậy

Thời giới phẩm đã tròn vẹn

Tất cả những người có tâm

Đều nên nhiếp hộ Phật Giới.

Chúng sanh nào thọ Phật Giới

Chính là vào hàng Chư Phật.

Đã đồng hàng bậc Đại Giác

Mới thật là con Chư Phật.

Đại chúng đều nên cung kính

Chí tâm nghe lời ta tụng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần