Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Bốn - Phẩm Buông Lung - Tập Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM BỐN

PHẨM BUÔNG LUNG  

TẬP NĂM  

Thế nào là thường nhớ nghĩ diệt ý?

Là thường phải chuyên niệm, giữ ý không cho lăng xăng. Chớ tìm lỗi người, kiêu hãnh khoe mình. Đã được chánh định thì tà ma bên ngoài không phá được. Ác Ma Ba Tuần không có dịp làm hại.

Ác ma này thay đổi y phục biến thành cha mẹ, anh em đi đến để gạt gẫm người thiện nam, nhưng không được dịp. Khi tâm đã được định thì không bao giờ quên mất pháp lành vô lậu. Khi đã được pháp lành thì liền thọ danh hiệu Như Lai. Khi đã thọ danh hiệu thì Phật Pháp được tồn tại lâu dài.

Cho nên nói:

Thường nhớ nghĩ diệt ý.

Khéo cầu xuất ly

Thuận theo pháp Phật

Phải diệt ma chết

Voi ra nhà đẹp.

Khéo cầu xuất ly: Mau tìm cách thức, giỏi tìm bạn bè, chán họa sinh tử, dứt bỏ tham dục, lại suy nghĩ quán xét những vật bất tịnh thường rịn ra.

Dù đang sống trong sinh tử nhưng tâm không đắm nhiễm sinh tử. Xuất ly nghĩa là xuất ly sinh tử, cũng xuất ly ba cõi, không còn sinh trở lại. Xuất ly cũng chính là xuất gia học đạo, vứt bỏ gia đình, sản nghiệp, tu theo đạo vô thượng. Xuất ly là phơi bày chí khí trong sang của mình, không tìm cách che đậy.

Cho nên nói: Khéo cầu xuất ly.

Thuận theo pháp Phật: Thế nào là thuận theo pháp Phật?

Là giữ gìn chánh kiến, không theo tà kiến, tương ưng với sự thực hành, không thiếu tâm đạo. Tương ưng với sự thực hành chính là chứng quả A La Hán. Không thiếu tâm đạo nghĩa là phải dứt bỏ các kết sử, các pháp bất thiện, các tà kiến điên đảo. Nếu làm trái các điều vừa nói thì không tương ưng với Phật Pháp.

Cho nên nói: Thuận theo Phật Pháp.

Phải diệt ma chết: Thế nào là ma chết?

Chính là một trăm lẻ tám kết sử. Phải tìm cách dứt bỏ, không để chúng sinh ra nữa.

Lại nói về thế nào là bọn ma chết?

Đó là sinh, già, bệnh, cũng phải tìm cách dứt bỏ không để chúng tái sinh. Giương cao ngọn cờ thệ nguyện rộng lớn, đánh trống tứ đẳng từ, bi, hỷ, xả, kêu gọi những người được hóa độ hãy từ bỏ sinh, già, bệnh, chết, treo phướn giải thoát, phát tiếng nói lớn vang khắp Thế Giới, thông báo cho các loài bò bay máy cựa biết rằng nay ta đã thành đạo Đẳng Chánh Giác.

Sinh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm xong, không còn tái sinh. Phải biết đúng như thật. Các thầy cũng phải như ta là nhổ sạch cội gốc sinh tử, bước vào thành vô úy, không còn bị các phiền não làm trôi lăn trong vòng sinh tử.

Cho nên nói: Phải diệt ma chết kết sử.

Voi ra nhà đẹp: Xưa, có một người bắt được một con voi lớn, xiềng chân bằng xích sắt, đem dâng cho Vua Ba Tư Nặc. Voi này rất hung dữ, giết hại nhân dân nhiều không tính kể. Có người đánh lại nó, nó phá chợ búa, nhổ hết cây trái, không thể ngăn cản nổi. Vua Ba Tư Nặc sai nhiều người vây bắt trói nó lại, bỏ nhốt vào nhà đẹp, trói chặt không cho ăn uống để trừng phạt sự hung dữ của nó.

Bấy giờ, nhà vua lại cho chuẩn bị các voi dữ khác, đều đeo khí giới để đi đánh trận. Theo pháp đánh trận bằng voi thì lúc xung trận cùng la lên cho có khí thế.

Bấy giờ voi đang bị buộc trói ấy nghe tiếng la nọ, nó biết là đang có giặc xâm phạm cõi bờ. Nó rất giận dữ giựt đứt dây khóa mà xông ra, phá tan ngôi nhà đẹp, rong ruổi khắp nơi để chiến đấu với quân địch. Ai nấy thấy vậy đều kinh hoàng lo sợ.

Bấy giờ Đức Thế Tôn dùng dùng thiên nhãn trong suốt, không chút tì vết, Ngài thấy con voi bị xiềng nọ thoát chạy được đem hết mạng sống đối đầu với quân địch, nó muốn tiêu diệt hết để tìm an vui mãi mãi.

Đức Như Lai muốn làm sáng tỏ đức dũng cảm của nó để chúng sinh đời sau thấy tỏ được ý nghĩ trong sang đó và cũng muốn chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian, nên ở trước đại chúng, Đức Thế Tôn nói bài kệ này:

Khéo cầu xuất ly

Thuận theo pháp Phật

Phải diệt ma chết

Voi ra nhà đẹp.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Voi mạnh xuất hiện thì chắc chắn có lợi ích. Dù là thú nuôi, nhưng nó vốn có cái hiểu rất sâu sắc, sinh ra chỗ có tám nạn, xa lìa nhân nghĩa, khi nghe tiếng nhiều con voi được trang bị vũ khí đi đánh bọn giặc xâm lấn biên giới, nhất tề rống lớn lên, con voi của vua còn biết giựt đứt dây cột, rong chạy khắp nơi, sợ không tránh được nạn súc vật ngu tối mà còn được như vậy, huống nữa là Tỳ Kheo các thầy.

Luôn luôn theo hầu Như Lai, nghe cú nghĩa, vị nghĩa, cú thân, vị thân mà các thầy lại không có khả năng dứt bỏ mọi dính mắc kết sử, thoát hẳn sinh tử, lại tự cột trói trong lao ngục như thế?

Ngài lại bảo bốn bộ chúng: Mọi sự trói buộc ở thế gian không gì bền chắc, hiểm nguy, làm hao mòn đạo pháp. Không thể lìa bỏ gia đình, dứt bỏ quyến thuộc, bỏ mọi ràng buộc dính líu với thế tục, tự không nhớ nghĩ đến đạo, lại không giáo hóa kẻ khác thực hành đạo ấy. Voi kia bị cột trói chưa qua mười hôm, nhưng nó đã tự tìm cách thoát khỏi mà được an ổn vô vi.

Các vị đắm nhiễm sinh tử. Nhớ lại chuyện chịu tấm thân vô số kiếp thì thân này chất cao như các núi non trong mười phương. Mắt thấy người chết mà đổ lệ nhiều như nước bốn biển trong mười phương. Số tóc mà con người dứt bỏ lại nhiều như số cỏ tươi trong mười phương, vậy mà còn chưa tránh được các tai nạn.

Như người phạm trọng tội, một năm ba lần đổi nhà giam, được thả ra rồi lại bị nhốt vào, vì y không biết sửa đổi tội lỗi để được thả ra hẳn. Tại sao các vị lại tham đắm buông lung, không cầu giải thoát, thường ở tại gia, tiếp xúc, sống với biết bao ô uế, lo nuôi vợ, nuôi con nặng nề. Phải tìm cách hay để dứt bỏ tâm dính mắc ấy.

Bấy giờ, mọi người được mở tỏ tâm ý, xin xuất gia nhập đạo.

Họ bảo nhau: Chúng ta phải dứt bỏ mọi trói buộc thế tục, lại phải dứt bỏ sự trói buộc sinh tử nữa. Rồi họ chuyên tâm tinh tấn đêm ngày không ngừng nghỉ, ai nấy lần lượt chứng quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán.

Bấy giờ, Như Lai thấy các Tỳ Kheo đều thấy được đạo, Ngài vui mừng khen ngợi: Lành thay! Là những người con nhà dòng dõi phải làm những việc chân chánh, thế nên những người con nhà dòng dõi đã cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo, tu phạm hạnh vô thượng, sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm xong, không còn tái sinh. Biết một cách như thật.

Thọ nhận của tín thí không luống uổng, rất xứng đáng làm ruộng phước cho người. Không phải chỉ bây giờ riêng ta mới khen ngợi các vị, mà các vị đắc đạo khác cũng đều khen ngợi các người. Các vị có khả năng tự độ, lại có khả năng làm lợi ích cho kẻ khác.

Xoay vần làm lợi ích cho nhau thì hạt giống Phật không bị đoạn dứt. Chánh pháp cũng được tồn tại lâu dài trên thế gian, nếu có chúng sinh bố thí kịp thời y phục, thức ăn, giường chõng, thuốc men thì được phước vô lượng, không thể tính kể.

6. Gắn đủ thứ khí giới vào thân voi, như cặp song kiếm vào ngà, dao găm vào lỗ tai, đao thương vào đuôi vào chân v. v…

Nếu đối với chánh pháp

Không còn tâm buông lung

Dứt sinh, già, bệnh, chết

Vượt khổ qua bờ kia.

Nếu đối với chánh pháp này mà bên trong tu học đều là chánh pháp. Không có tâm buông lung, mặc tình tha hồ không còn vào bào thai, thọ sinh nhiều kiếp. Dù phải tái sinh thì cũng sinh vào trung quốc, dứt hết gốc khổ. Vì vậy ta nói về nguồn cội của khổ.

Cho nên nói bài kệ rằng:

Nếu đối với chánh pháp

Không còn tâm buông lung

Dứt sinh, già, bệnh, chết

Vượt khổ qua bờ kia.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần