Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Ba - Phẩm Quán Chiếu - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
HỘI THỨ HAI
PHẨM BA
PHẨM QUÁN CHIẾU
PHẦN MỘT
Lúc bấy giờ, Xá Lợi Tử thưa: Bạch Thế Tôn! Chư Đại Bồ Tát nên tu hành bát nhã Ba la mật đa như thế nào?
Phật dạy: Này Xá Lợi Tử! Khi tu hành bát nhã Ba la mật đa Đại Bồ Tát nên quán như vậy: Thật có Bồ Tát, không thấy có Bồ Tát, không thấy tên Bồ Tát. Không thấy bát nhã Ba la mật đa, không thấy tên bát nhã Ba la mật đa. Không thấy hành, không thấy chẳng hành.
Vì sao?
Này Xá Lợi Tử! Vì tự tánh Bồ Tát là không, danh Bồ Tát cũng không.
Vì sao?
Vì tự tánh của sắc là không, chẳng phải do không, không của sắc chẳng phải sắc. Sắc chẳng lìa không, không chẳng lìa sắc. Sắc tức là không, không tức là sắc. Tự tánh của thọ, tưởng, hành, thức là không, chẳng phải do không.
Không của thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức. Thọ, tưởng, hành, thức chẳng lìa không, không chẳng lìa thọ, tưởng, hành, thức. thọ, tưởng, hành, thức tức là không, không tức là thọ, tưởng, hành, thức.
Vì sao?
Này Xá Lợi Tử! Đây chỉ có danh gọi là Bồ Đề, đây chỉ có danh gọi là Tát Đỏa, đây chỉ có danh gọi là Bồ Tát. Đây chỉ có danh gọi là không. Đây chỉ có danh gọi là sắc thọ, tưởng, hành, thức. Tự tánh như vậy không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh. Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa như thế, không thấy sanh, không thấy diệt, không thấy nhiễm, không thấy tịnh.
Vì sao?
Chỉ giả lập danh tự, đối với các pháp sanh phân biệt giả lập danh tự tùy theo đó mà sanh lời nói, lời nói như như. Như vậy, như vậy sanh ra chấp trước. Đại Bồ Tát khi tu hành bát nhã Ba la mật đa đối với tất cả pháp do không thấy nên không sanh chấp trước.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, nên quán như vậy: Bồ Tát chỉ có danh, Phật chỉ có danh, bát nhã Ba la mật đa chỉ có danh. Sắc chỉ có danh, thọ, tưởng, hành, thức chỉ có danh, tất cả pháp khác cũng chỉ có danh.
Này Xá Lợi Tử! Như ngã chỉ có danh, gọi nó là ngã thật bất khả đắc. Như vậy hữu tình, mạng sống, sanh giả, sự nuôi dưỡng, sĩ phu, Bổ Đặc Già La, ý sanh, đồng tử, người làm, người sai làm, khởi xướng, người sai khởi xướng, người nhận, người bảo nhận, người biết, người thấy cũng chỉ có danh, nghĩa là hữu tình cho đến người thấy, thật bất khả đắc.
Do chẳng thể nắm bắt không nên chỉ tùy theo thế tục mà giả lập danh tự. Các pháp cũng vậy, không nên chấp trước. Vì vậy, Đại Bồ Tát khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, không thấy có ngã cho đến người thấy, cũng không thấy tánh của tất cả pháp.
Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa như vậy, trừ trí tuệ của Chư Phật, còn trí tuệ của tất cả Thanh Văn, Độc Giác v.v… đều không thể sánh bằng. Vì chẳng thể nắm bắt không.
Vì sao?
Vì Đại Bồ Tát này đối với danh, sở danh đều vô sở đắc, vì không quán thấy nên không chấp trước.
Này Xá Lợi Tử! Nếu Đại Bồ Tát có thể thực hành bát nhã Ba la mật đa như vậy mới gọi là khéo thực hành bát nhã Ba la mật đa.
Này Xá Lợi Tử! Giả sử những ngươi có trí tuệ như ông và Đại Mục Kiền Liên nhiều như lúa, mè, tre, lau, mía, rừng đầy khắp Cõi Châu Thiệm Bộ, so với trí tuệ mà Đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật đa thì trăm phần không bằng một, ngàn phần không bằng một, trăm ngàn phần không bằng một, trăm câu chi phần không bằng một, ngàn câu chi phần không bằng một, trăm ngàn câu chi phần không bằng một, số phần, toán phần, kế phần, dụ phần cho đến cực số phần không bằng một.
Vì sao?
Vì trí tuệ của Đại Bồ Tát này có thể làm cho tất cả hữu tình hướng vào Niết Bàn. Còn trí tuệ của tất cả Thanh Văn, Độc Giác không được như vậy.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Trí tuệ mà Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa chỉ trong một ngày thì trí tuệ của tất cả Thanh Văn, Độc Giác cũng không bì kịp.
Này Xá Lợi Tử! Thôi, tạm gác Châu Thiệm Bộ lại. Giả sử những người có trí tuệ như ông và Đại Mục Kiền Liên như lúa, mè, tre, lau, mía, rừng v.v… đầy khắp bốn đại châu so với trí tuệ của Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa thì trăm phần không bằng một, ngàn phần không bằng một, trăm ngàn phần không bằng một, cho đến cực số phần cũng chẳng kịp một.
Vì sao?
Vì trí tuệ của Đại Bồ Tát này hay làm cho tất cả hữu tình hướng đến Niết Bàn, còn trí tuệ của tất cả Thanh Văn, Độc Giác không được như vậy.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Trí tuệ mà Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa chỉ trong một ngày thì trí tuệ của tất cả Thanh Văn, Độc Giác cũng không bì kịp.
Này Xá Lợi Tử! Thôi, tạm gác bốn đại châu lại. Giả sử những người có trí tuệ như ông và Đại Mục Kiền Liên nhiều như lúa, mè, tre, lau, mía, rừng đầy khắp ba ngàn đại thiên Thế Giới so với trí tuệ của Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa thì trăm phần không bằng một, ngàn phần không bằng một, trăm ngàn phần không bằng một, cho đến cực số phần không bằng một.
Vì sao?
Vì trí tuệ của Đại Bồ Tát này có thể làm cho tất cả hữu tình hướng đến Niết Bàn, trí tuệ của tất cả Thanh Văn, Độc Giác không được như vậy.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Trí tuệ mà Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa chỉ trong một ngày thì trí tuệ của tất cả Thanh Văn, Độc Giác cũng không bì kịp.
Này Xá Lợi Tử! Thôi, tạm gác ba ngàn đại thiên Thế Giới lại. Giả sử những người có trí tuệ như ông và Đại Mục Kiền Liên nhiều như lúa, mè, tre, lau, mía, rừng đầy khắp cả Thế Giới Chư Phật trong mười phương so với trí tuệ của Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa thì trăm phần không bằng một, ngàn phần không bằng một, trăm ngàn phần không bằng một, cho đến cực số phần không bằng một.
Vì sao?
Vì trí tuệ của Đại Bồ Tát này có thể làm cho tất cả hữu tình hướng đến Niết Bàn. Trí tuệ của tất cả Thanh Văn, Độc Giác không được như vậy.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Trí tuệ mà Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa chỉ trong một ngày thì trí tuệ của tất cả Thanh Văn, Độc Giác cũng không bì kịp.
Lúc bấy giờ, Xá Lợi Tử thưa: Bạch Thế Tôn! Trí tuệ của Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn, A La Hán, Thanh Văn, hoặc Trí tuệ của Độc Giác, hoặc Trí tuệ của Đại Bồ Tát, hoặc Trí tuệ của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều không sai khác, không chống trái nhau, không sanh, không diệt, tự tánh đều là không.
Nếu pháp không sai khác, không chống trái nhau, không sanh diệt, tự tánh là không, pháp này không sai khác đã bất khả đắc, thì tại sao Thế Tôn lại nói Trí tuệ của Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa chỉ trong một ngày, trí tuệ của tất cả Thanh Văn, Độc Giác không bì kịp?
Phật Bảo: Này Xá Lợi Tử! Ý ông thế nào?
Trí tuệ của Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa trong một ngày hơn bát nhã tất cả Thanh Văn, Độc Giác.
Việc này có không?
Xá Lợi Tử thưa: Bạch Thế Tôn! Không!
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Ý ông thế nào?
Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa trong một ngày suy nghĩ: Ta sẽ tu hành trí nhất thiết tướng vi diệu, trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, làm lợi ích an lạc cho tất cả hữu tình.
Hiểu biết tất cả tướng của nhất thiết pháp, rồi dùng phương tiện hướng dẫn tất cả chúng sanh vào Vô Dư Y Niết Bàn, trí tuệ của tất cả Thanh Văn, Độc Giác, có việc này không?
Xá Lợi Tử thưa: Bạch Thế Tôn! Không!
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Ý ông thế nào?
Tất cả Thanh Văn, Độc Giác, có thể suy nghĩ: Ta sẽ chứng A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, dùng phương tiện hướng dẫn tất cả hữu tình vào Vô Dư Y Niết Bàn không?
Xá Lợi Tử thưa: Bạch Thế Tôn! Không!
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Ý ông thế nào?
Tất cả Thanh Văn, Độc Giác có thể suy nghĩ: Ta sẽ tu hành sáu Ba la mật đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh Cõi Phật, viên mãn mười lực Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám Pháp Phật bất cộng, sẽ chứng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, dùng phương tiện hướng dẫn vô lượng, vô số hữu tình vào Vô Dư Y Niết Bàn không?
Xá Lợi Tử thưa: Bạch Thế Tôn! Không!
Phật dạy: Này Xá Lợi Tử! Các Đại Bồ Tát đều suy nghĩ: Ta nên tu hành sáu Ba la mật đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh Cõi Phật, viên mãn mười lực Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám Pháp Phật bất cộng, sẽ chứng vô thượng Bồ Đề, dùng phương tiện hướng dẫn vô lượng, vô số hữu tình vào Vô Dư Y Niết Bàn.
Này Xá Lợi Tử! Ví như đom đóm không nghĩ như vậy: Ánh sáng của ta có thể chiếu khắp Châu Thiệm Bộ, làm cho rực sáng.
Cũng vậy, tất cả Thanh Văn, Độc Giác không nghĩ: Ta sẽ tu hành sáu Ba la mật đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh Cõi Phật, viên mãn mười lực Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám Pháp Phật bất cộng, sẽ chứng quả vô thượng bồ đề, dùng phương tiện hướng dẫn vô lượng, vô số hữu tình vào Vô Dư Y Niết Bàn.
Này Xá Lợi Tử! Thí như ánh sáng mặt trời sáng rực khắp Cõi Châu Thiệm Bộ, không có chỗ nào mà không chiếu đến.
Như vậy, Đại Bồ Tát đều suy nghĩ: Ta sẽ tu hành sáu Ba la mật đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh Cõi Phật, viên mãn mười lực Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám Pháp Phật bất cộng, chứng quả vô thượng bồ đề, dùng phương tiện hướng dẫn vô lượng, vô số hữu tình vào Vô Dư Y Niết Bàn.
Này Xá Lợi Tử! Do đó nên biết tất cả trí tuệ của Thanh Văn, Độc Giác, so với trí tuệ của Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa chỉ trong một ngày thì trăm phần không bằng một, ngàn phần không bằng một, trăm ngàn phần không bằng một, cho đến cực số phần cũng không bằng một.
Lúc bấy giờ, Xá Lợi Tử thưa: Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát làm thế nào có thể vượt qua địa vị tất cả Thanh Văn, Độc Giác, có thể được địa vị Bồ Tát Bất Thối Chuyển, có thể làm thanh tịnh Phật đạo?
Phật dạy: Này Xá Lợi Tử! Các Đại Bồ Tát từ lúc mới phát tâm, tu hành sáu Ba la mật đa, an trụ pháp không, vô tướng, vô nguyện, nên có thể vượt qua địa vị tất cả Thanh Văn. Độc Giác, có thể được địa vị Bồ Tát Bất Thối Chuyển, có thể làm thanh tịnh Phật đạo.
Bấy giờ, Xá Lợi Tử lại thưa: Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát an trụ những địa vị nào mà có thể làm phước điền chân chánh cho tất cả Thanh Văn, Độc Giác.
Phật dạy: Này Xá Lợi Tử! Các Đại Bồ Tát khi mới phát tâm tu hành sáu Ba la mật đa, an trụ pháp không, vô tướng, vô nguyện cho đến lúc ngồi tòa Bồ Đề, thường làm phước điền chân chánh cho tất cả Thanh Văn, Độc Giác.
Vì sao?
Vì nương vào Đại Bồ Tát, tất cả thiện pháp xuất hiện ở thế gian như: Mười nghiệp đạo thiện, năm giới cận sự, tám giới cận trụ, bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, bốn trí Thánh Đế, bốn niệm trụ, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi Thánh Đạo, sáu Ba la mật đa, mười tám không, mười lực Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám Pháp Phật bất cộng, trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng.
Vô lượng, vô số các thiện pháp như vậy xuất hiện ở thế gian. Do các thiện pháp của Bồ Tát này nên thế gian có dòng họ Sát Đế Lợi, dòng họ Bà La Môn, Trưởng Giả, Cư Sĩ, Thiên Chúng, Trời Tứ Đại Vương chúng, Trời Ba Mươi Ba, Trời Dạ Ma, Trời Đổ Sử Đa, Trời Lạc Biến Hóa, Trời Tha Hóa Tự Tại, Trời Phạm Chúng, Trời Phạm Phụ, Trời Phạm Hội.
Trời Đại Phạm, Trời Quang, Trời Thiểu Quang, Trời Vô Lượng Quang, Trời Cực Quang Tịnh, Trời Tịnh, Trời Thiểu Tịnh, Trời Vô Lượng Tịnh, Trời Biến Tịnh, Trời Quảng, Trời Thiểu Quảng, Trời Vô Lượng Quảng, Trời Quảng Quả, Trời Vô Tưởng Hữu Tình, Trời Vô Phiền, Trời Vô Nhiệt, Trời Thiện Hiện, Trời Thiện Kiến, Trời Sắc Cứu Cánh, Trời Không Vô Biên Xứ, Trời Thức Vô Biên Xứ, Trời Vô Sở Hữu Xứ, Trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.
Lại do các thiện pháp của Bồ Tát liền có quả Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn, A La Hán, Độc Giác, Đại Bồ Tát và chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác xuất hiện ở thế gian.
Khi ấy, Xá Lợi Tử lại thưa: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát có cần phải trả ơn thí chủ không?
Phật dạy: Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát không cần phải trả ơn thí chủ.
Vì sao?
Vì đã trả đủ rồi.
Vì sao?
Này Xá Lợi Tử! Vì Đại Bồ Tát là vị đại thí chủ, bố thí các thiện pháp cho chúng hữu tình. Nghĩa là bố thí chúng hữu tình mười nghiệp đạo thiện, năm giới cận sự, tám giới cận trụ, bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định Vô Sắc, bốn trí Thánh Đế, bốn niệm trụ, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi Đẳng Giác, tám chi Thánh đạo, sáu Ba la mật đa, mười tám không v.v… mười lực Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám Pháp Phật bất cộng.
Trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Vì Bồ Tát bố thí cho các hữu tình vô lượng, vô số thiện pháp như vậy nên gọi là đại thí chủ. Do đó đã trả ơn cho thí chủ, phước điền chân thật thanh tịnh, sanh vô lượng phước.
Lúc bấy giờ, Xá Lợi Tử thưa: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa, tương ưng với pháp nào mà nói là tương ưng với bát nhã Ba la mật đa?
Phật dạy: Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa tương ưng với không của sắc nên nói tương ưng với bát nhã Ba la mật đa. Vì tương ưng với không của thọ, tưởng, hành, thức nên nói tương ưng với bát nhã Ba la mật đa.
Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa vì tương ưng với không của nhãn xứ nên nói tương ưng với bát nhã Ba la mật đa. Vì tương ưng với không của nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ nên nói tương ưng với bát nhã Ba la mật đa. Vì tương ưng với không của sắc xứ nên nói tương ưng với bát nhã Ba la mật đa. Vì tương ưng với không của thanh hương, vị, xúc, pháp xứ nên nói tương ưng với bát nhã Ba la mật đa.
Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa vì tương ưng với không của nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới nên nói tương ưng với bát nhã Ba la mật đa.
Vì tương ưng với không của nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới nên nói tương ưng với bát nhã Ba la mật đa. Vì tương ưng với không của tỷ giới, hương giới, tỷ thức giới nên nói tương ưng với bát nhã Ba la mật đa.
Vì tương ưng với không của thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới nên nói tương ưng với bát nhã Ba la mật đa. Vì tương ưng với không của thân giới, xúc giới, thân thức giới nên nói tương ưng với bát nhã Ba la mật đa. Vì tương ưng với không của ý giới, pháp giới, ý thức giới nên nói tương ưng với bát nhã Ba la mật đa.
Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa vì tương ưng với không của Thánh Đế khổ nên nói tương ưng với bát nhã Ba la mật đa. Vì tương ưng với không của Thánh Đế tập, diệt, đạo nên nói tương ưng với bát nhã Ba la mật đa.
Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa vì tương ưng với không của vô minh nên nói tương ưng với bát nhã Ba la mật đa. Vì tương ưng với không của hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử, sầu, than, khổ, ưu, não nên nói tương ưng với bát nhã Ba la mật đa.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba