Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bồ Tát Tạng Chánh Pháp - Phẩm Mười Một - Phẩm Tuệ Thù Thắng Ba La Mật đa - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI THỪA BỒ TÁT TẠNG CHÁNH PHÁP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM MƯỜI MỘT

PHẨM TUỆ THÙ THẮNG BA LA MẬT ĐA  

TẬP HAI  

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát đối với pháp môn tuệ thù thắng Ba la mật đa sáng suốt thanh tịnh vi diệu và các Thánh giả phát khởi chánh kiến, như lời Đức Phật dạy mà tu hành, học theo hai nhân duyên:

Một là đạt được lời nói người khác.

Hai là tự tác ý. Nếu các Bồ Tát đối với hạnh tương ưng chánh pháp Bồ Tát tạng này mà không thể lắng nghe, hoặc nghe rồi, đối với pháp luật sâu xa Tam Ma Địa chỉ được một phần nhỏ, hoan hỷ cho đó là đủ, thì nên biết người ấy ôm lấy tăng thượng mạn đọa vào lưới ma.

Đối với sinh, già, bệnh, chết, lo, buồn khổ não và tùy phiền não đắm trước năm dục lạc, luân hồi liên tục. Như Lai đem điều đó dạy cho các hữu tình, bởi vì hữu tình luôn xuôi dòng hữu lậu không thể giải thoát.

Này Xá Lợi Tử! Nếu có người thân cận Pháp Sư, lắng nghe biết rõ được chánh pháp này, không tạo tội, xa lìa việc lợi phi nghĩa, tăng trưởng văn tuệ, thấy được Niết Bàn vi diệu, dũng mãnh thanh tịnh, đạt được cái vui thù thắng vi diệu.

Đại Bồ Tát nên biết, người này đối với chánh pháp Bồ Tát tạng pháp luật hy hữu nghĩa lợi thù thắng này, thọ trì đọc tụng, cho đến lắng nghe diễn giải rộng rãi, chỉ dạy cho mọi người được hạnh tương ưng.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Nếu Đại Bồ Tát đối với chánh pháp Bồ Tát tạng này mà không chịu lắng nghe, thì không thể đạt được ý tương ưng ấy, như vậy càng trái với Thánh đạo. Đức Như Lai đem điều này để dạy cho hữu tình, đối với già, chết, giải thoát phải thường tác ý.

Sao gọi là tác ý tương ưng?

Nghĩa là, Đại Bồ Tát này phải xa lìa tương ưng và không tương ưng. Đó là ý tương ưng, đối với ý tương ưng không có khái niệm.

Lại nữa, Bồ Tát ý tương ưng là đối với tiếng vang không thể phát khởi, các A La Hán cũng không thể phát, nhưng lại biết rõ chỗ phát ra tiếng vang ấy không thể được, đối với tiền tế hậu tế tùy chỗ quán xét, nên sinh chỗ nào diệt chỗ nào. Nếu thông đạt được tiếng vang đã nói quá khứ, thì quá khứ đã diệt.

Nếu thông đạt tiếng vang đã nói vị lai thì vị lai chưa đến. Nếu thông đạt tiếng vang đã nói hiện tại, thì hiện tại không dừng trụ. Như vậy đã nói chưa nói và sẽ nói tìm cầu khắp tất cả cũng không thể được. Nên học ý tương ưng như vậy.

Này Xá Lợi Tử! Bồ Tát nên học ý tương ưng như vậy.

Sao gọi la quán sát?

Nghĩa là, Bồ Tát này quán tự tánh của tất cả pháp vốn diệt, quán tự thể của tất cả pháp vốn vắng lặng, quán tự tánh của tất cả pháp bình đẳng, quán tất cả pháp rốt ráo không sinh, quán tất cả pháp rốt ráo không khởi, quán tất cả pháp rốt ráo không tập, quán tất cả pháp rốt ráo không diệt.

Lúc đó nói quán như thật cũng không phải sở quán. Như vậy không phải sở quán, không phải không sở quán. Đó gọi là ý quán sát. Nên học như vậy. Nếu có Bồ Tát đối với chánh pháp này mà còn nghi hoặc tối tăm không thể hiểu, cho rằng pháp này không phải là môn giải thoát, đoạn mọi siêng năng dũng mãnh, không khởi thông đạt, ý không tương ưng với các điều đó.

Lại nữa, đối với pháp chánh kiến này liền thấy như như.

Sao gọi là các pháp tức là thấy Như như?

Nghĩa là không thấy, không thấy như vậy tức là không sinh khái niệm, không sinh khái niệm tức là không tích tập.

Sao gọi là không tích tập?

Nghĩa là, đối với khái niệm không có đối ngại. Do vậy Như Lai đã nói quán sát các hành vô sinh vô tác, đối với chánh kiến đã đạt được hạnh xuất ly chân chánh.

Lại nữa, hạnh xuất ly chân chánh lấy gì làm nhân?

Nghĩa là tất cả pháp tức là pháp Phật. Thế nên, người muốn cầu hạnh xuất ly chân chánh thì phải thọ trì đọc tụng chánh pháp Bồ Tát tạng nghĩa lợi thù thắng, diễn nói cho mọi người, cho đến đối với chánh pháp này được ý tương ưng. Đó gọi là hạnh xuất ly chân chánh.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Nếu Bồ Tát thực hành hạnh tuệ thù thắng Ba la mật đa, đối với pháp môn sáng suốt thanh tịnh vi diệu này, giác ngộ chánh thiện, đối với ý xứ quán sát ý sinh nhập giải.

Những gì là ý xứ?

Sao gọi là nhập giải?

Nghĩa là, Bồ Tát đối với Tam Ma Địa gia trì xứ, Tỳ Bát Xá Na tầm từ xứ, hy vọng tối thượng xứ, tâm ham muốn xứ, liên tục không gián đoạn xứ, vô thường xứ, nhân duyên xứ, duyên sinh xứ. Vô ngã, vô nhân, vô thọ giả xứ.

Không trụ không thể không trụ, không khứ không thể không khứ xứ. Không tập không hoại nhân quả xứ, không, vô tướng, vô nguyện tập quán xứ. Không phải không, không tướng, không nguyện, sở thú xứ. Tam Ma Địa, Tam Ma Bát Để phát sinh xứ.

Thần thông trí sở thủ xứ, không phải lậu tận xứ, quán sát vô sinh xứ, không phải hạnh xuất ly xứ, quán sát tất cả hữu tình vô ngã xứ, không xả đại bi xứ, thấy sự sợ hãi của tất cả chúng sinh xứ, tâm có chấp trước xứ, xuất ly tham xứ, không lìa pháp tham hiện hành xứ, bỏ năm thứ dục lạc xứ, không bỏ pháp vui xứ, lìa tất cả hý luận xứ, không bỏ phương tiện khéo léo xứ. Tất cả pháp như vậy đều hiểu rõ cả.

Này Xá Lợi Tử! Đó là ý xứ nhập giải.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Đối với ý xứ ấy sao gọi là đạo chánh lý?

Nghĩa là lấy ý là đạo. Lấy môn là đạo. Lấy diệu môn là đạo. Lấy nhân là đạo. Lấy hợp tập là đạo. Lấy không trái nhau là đạo. Lấy không tranh luận là đạo. Lấy xả là đạo. Không nhập không phải không nhập là đạo. Không hy luận là đạo. Không hủy báng là đạo. Không tăng là đạo.

Không giảm là đạo. Không sinh là đạo. Không thay đổi là đạo. Không đối trị là đạo. Chân như là đạo. Thật tế là đạo. Như Lai là đạo. Không sai khác là đạo. Như như là đạo. Ba đời bình đẳng là đạo. Phân biệt không trụ sắc, thọ, tưởng, hành, thức là đạo.

Không trụ nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới là đạo. Không trụ nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới là đạo. Không trụ tỷ giơi, hương giới, tỷ thức giới là đạo. Không trụ thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới là đạo. Không trụ thân giới, xúc giới, thân thức giới là đạo.

Không trụ ý giới, pháp giới, ý thức giới là đạo. Tùy thuận thắng nghĩa là đạo. Tùy thuận chánh trí là đạo. Tùy thuận liễu nghĩa Khế Kinh là đạo. Tùy thuận chánh pháp là đạo.

Này Xá Lợi Tử! Đây gọi là đạo chánh lý. Đại Bồ Tát đem ý nhập giải đối với đạo chánh lý cho nên quán sát khong có đối tượng để quán sát, như thế là không phải quán sát, không phải không quán sát. Đó gọi là ý quán sát.

Này Xá Lợi Tử! Nếu Đại Bồ Tát dùng ý tương ưng đối với chánh pháp này mà còn nghi hoặc thì pháp này không gọi là môn giải thoát, đoạn các siêng năng dũng mãnh, không khởi sự tăng trưởng tối thắng, không có thông đạt đối với ý ấy đều không tương ưng. Nếu các hữu tình thấy đúng như vậy tức là thấy như như.

Sao gọi là thấy Như như?

Nghĩa là không thấy, không thấy tức là không sinh khái niệm, cho đến không đối danh. Nói rộng như trước, đối với hạnh tuệ thù thắng Bồ Tát Tạng Ba la mật đa này. Nên học như vậy.

Lại nữa, đối với ý vô ngã, đối với tất cả pháp vô ngã cũng vậy. Nếu tất cả pháp là vô ngã thì đối với các hữu tình vô ngã cũng vậy, quán sát như thế là ý quán sát ý. Lại luân hồi giới cùng với Niết Bàn giới tương ưng bình đẳng.

Như vậy thể tánh phiền não cùng với thể tánh của tất cả pháp tương ưng. Tương ưng ấy cùng với không tương ưng đều không đắm trước. Đối với ý quán sát được hiểu một cách thù thắng, cho đến Bồ Tát có tương ưng vô dư, gia trì tất cả hữu tình mà không xả bỏ, gia trì chánh pháp mà không trái nhau.

Này Xá Lợi Tử! Đây gọi là Đại Bồ Tát đạt được tướng sở văn ý tương ưng, đối với ý nhập giải quán sát như vậy, cái thấy như như ấy, thắng tuệ bất động.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát thực hành hạnh tuệ thù thắng Ba la mật đa được trụ tuệ thù thắng, nhưng không cùng với tất cả pháp hữu vi. Nghĩa là, không cùng với vô minh cho đến lão tử.

Lại cùng với Tát ca da kiến, cho đến gốc ngọn của sáu mươi hai kiến, tám pháp thế gian, hoặc chê, hoặc khen đều không cùng chung với nhau. Năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới cho đến tất cả phan duyên đều không cùng với nhau. Lại đối với mạn, tăng thượng mạn, tà mạn, cho đến hai mươi tùy phiền não đều không cùng với nhau.

Lại đối với thượng, trung, hạ phẩm, hoặc thô, hoặc tế, cho đến tất cả phiền não, đều không cùng với nhau. Lại đối với si ám tối tăm chướng ngại, các thứ trói buộc cho đến tất cả pháp hạ liệt đều không cùng với nhau.

Lại đối với các loại phiền não ma, uẩn ma, thiên ma, tử ma, cho đến tất cả ma nghiệp đều không cùng với nhau. Lại đối với ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, dưỡng giả, sĩ phu, Bổ Đặc Già La, ý sinh, nho đồng cho đến tất cả ngã kiến đều không cùng với nhau.

Lại đối với nghiệp chướng, phiền não chướng, pháp chướng, kiến chướng, báo chướng, trí chướng, cho đến tất cả tập khí liên tục đều không cùng với nhau. Lại đối với tướng chướng suy nghĩ phân biệt, thấy, nghe, hay, biết các thứ trói buộc đều không cùng với nhau.

Lại đối với xan tham, bố thí, hủy giới, trì giới, sân nhuế, nhẫn nhục, biếng nhác, siêng năng, tán loạn, thiền định, ác tuệ, thắng tuệ, cho đến tất cả Ba la mật đa, có, không đối trị, trí đúng, trí sai… đều không cùng với nhau.

Lại đối với hiềm tỵ báo thù, thường, vô thường, thiện, ác, có tội, không tội, luân hồi, Niết Bàn, cho đến tất cả pháp tà đối trị đều không cùng với nhau. Lại đối với tất cả pháp Phật, tất cả sát độ, tất cả hữu tình đều không cùng với nhau.

Lại đối với thắng nghĩa, thế tục, có trí, không trí, cho đến tướng tác ý của tất cả hữu tình đều không cùng với nhau. Lại đối với thắng tuệ thắng hạnh, thể tướng hữu vi, cho đến tất cả trụ tâm ý thức và tác giả làm ra đều không cùng với nhau.

Này Xá Lợi Tử! Đó là Đại Bồ Tát thực hành hạnh tuệ thù thắng Ba la mật đa, đối với vô lượng hành pháp hữu vi như vậy đều không cùng với nhau.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát thực hành hạnh tuệ thù thắng Ba la mật đa, đối với Bồ Tát tạng có khả năng an trụ, dùng tuệ thù thắng lựa chọn tất cả pháp, cho nên đạt được mười thứ thiện xảo:

1. Uẩn thiện xảo.

2. Giới thiện xảo.

3. Xứ thiện xảo.

4. Đế thiện xảo.

5. Chánh tri thiện xảo.

6. Tùy thuận thiện xảo.

7. Tri thức thiện xảo.

8. Bồ Đề phần thiện xảo.

9. Thánh đạo thiện xảo.

10. Duyên sinh thiện xảo.

Sao gọi là uẩn thiện xảo?

Nghĩa là năm uẩn như bọt nước, như bong bóng nổi trên mặt nước, như sóng nắng, như cây chuối, như huyễn, như mộng, như tiếng vang trong hang động, như hình bóng, như mây trôi, như bóng trong gương.

Nói sắc uẩn cũng như bọt nước, nghĩa là bọt nước ấy không ngã, không nhân, không chúng sinh, không thọ giả, khong sĩ phu, không ý sinh, không nho đồng. Nếu thể tánh thế gian như vậy, thì thể tánh của sắc uẩn cũng lại như vậy. Đây là sắc uẩn thiện xảo.

Thọ uẩn như bọt nước. Bọt nước ấy không ngã, không nhân, không chúng sinh, không thọ giả, không ý sinh, không sĩ phu, không nho đồng. Nếu thể tánh thế gian như vậy thì thể tánh của thọ uẩn cũng như vậy. Đây là thọ uẩn thiện xảo.

Nói tưởng uẩn như sóng nắng. Sóng nắng ấy không ngã, không nhân, không chúng sinh, không thọ giả. Đó là tưởng uẩn thiện xảo.

Nói hành uẩn cũng như cây chuối. Cây chuối ấy không có ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. Đó là hành uẩn thiện xảo.

Nói thức uẩn cũng như huyễn. Cái huyễn ấy không có ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. Đó là thức uẩn thiện xảo.

Lại nữa, năm uẩn là cái tướng thế gian biến đổi hoại diệt trong sát na. Nếu thể tánh thế gian này như vậy thì thể tánh của thế gian kia cũng như vậy.

Sao gọi là thể tánh?

Nghĩa là tánh khổ, vô thường, cái thể tánh uẩn kia cũng như vậy.

Này Xá Lợi Tử! Đây là Đại Bồ Tát thực hành hạnh tuệ thù thắng Ba la mật đa mới có khả năng đạt được các uẩn thiện xảo.

Lại nữa, sao gọi là giới thiện xảo?

Nghĩa là địa giới tức pháp giới, pháp giới không có tướng thô rít. Thủy giới tức là pháp giới, pháp giới không có tướng mềm mại. Hỏa giới tức là pháp giới, pháp giới không có tướng lạnh nóng. Phong giới tức là pháp giới, phong giới không có tướng động chuyển. Nhãn thức giới là pháp giới, pháp giới không có tướng ngắm nhìn. Nhĩ thức giới tức là pháp giới, pháp giới không có tướng tiếng vọng lai.

Tỷ thức tức là pháp giới, pháp giới không có tướng ngửi hương. Thiệt thức giới tức là pháp giới, pháp giới không có tướng phân biệt vị. Thân thức giới tức pháp giới, pháp giới không có tướng giác xúc. Ý thức giơi tức pháp giới, pháp giới không có tướng quán sát. Tự thể như vậy, giới cùng pháp giới không hai không khác.

Lại nữa, Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới vốn không hai cũng không khác. Luân hồi giới và Niết Bàn giới vốn không hai cũng không khác. Tất cả pháp giới của không giới này vốn không hai cũng không khác. Do vì tánh không cho nên lìa phân biệt, không hai không khác. Do hiểu rõ giới hữu vi nên hiểu rõ giới vô vi, cho đến nói vô lượng giới như vậy là lựa chọn hiểu rõ.

Này Xá Lợi Tử! Đây là Đại Bồ Tát đối với hạnh tuệ thù thắng Ba la mật đa đạt được các giới thiện xảo.

Lại nữa, sao gọi là xứ thiện xảo?

Nghĩa là nhãn xứ vốn không và nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ vốn không. Các căn ấy không có ngã cũng không có ngã sở. Bồ Tát đối với thể tánh của nhãn như vậy, cho đến thể tánh của ý hiểu rõ như thật, tức là không có chỗ lựa chọn, không có chủng loại lựa chọn, không lựa chọn thiện, không đối với pháp thiện bất thiện, không có hai tướng chuyển. Đó gọi là xứ thiện xảo.

Xứ thiện xảo nghĩa là nhãn xứ sắc xứ, mắt thấy sắc sinh ra nhàm chán xa lìa, nhàm chán xa lìa như vậy tức là không phải chánh hạnh.

Lại nữa, nhĩ xứ thanh xứ, tỷ xứ hương xứ, thiệt xứ vị xứ, thân xứ xúc xứ, ý xứ pháp xứ, như vậy cho đến ý thức mà sinh ra nhàm chán xa lìa, nhàm chán xa lìa tức không phải chánh hạnh.

Lại nữa, Bồ Tát đối với Thánh đạo xứ, không phải Thánh đạo xứ đều hay tích tập chứng thành đại bi, đối với các hiểm nạn không phải là Thánh đạo xứ, khiến các hữu tình trụ vào chánh đạo, đối với Thánh đạo xứ ấy cũng không xả bỏ.

Này Xá Lợi Tử! Đây là Đại Bồ Tát thực hành hạnh tuệ thù thắng Ba la mật đa nên đạt được các xứ thiện xảo.

Lại nữa, sao gọi là nhập giải Đế thiện xảo?

Đế thiện xảo này lại có bốn thứ.

Đó là: Khổ trí, tập trí, diệt trí và đạo trí.

Sao gọi là khổ trí?

Là không khởi uẩn. Đó là khổ trí.

Sao gọi là tập trí?

Là lìa ái tập. Đó là tập trí.

Sao gọi là diệt trí?

Là diệt rồi không sinh lại. Đó là diệt trí.

Sao gọi là đạo trí?

Là có khả năng đạt được pháp bình đẳng và không bình đẳng. Đó là đạo trí.

Nếu Bồ Tát đối với bốn đế trí tuệ như vậy mà không tác chứng việc thành thục hữu tình thì đó là đế thiện xảo.

Lại nữa, đế thiện xảo lại có ba thứ?

Đó là: Thế tục đế, thắng nghĩa đế và tướng đế.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần