Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Mười Một - Phẩm Bố Thí Ba La Mật đa - Phần Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH 

ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

HỘI THỨ MƯỜI MỘT  

PHẨM BỐ THÍ BA LA MẬT ĐA  

PHẦN NĂM   

Lúc bấy giờ, Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Sự phát tâm ban đầu có thù thắng hơn phát tâm sau không?

Phật Bảo: Lành thay! Lành thay! Thầy khéo hỏi Như Lai ý nghĩa sâu xa như vậy. Thầy nên lắng nghe. Ta sẽ vì thầy mà nói nghĩa phát tâm ban đầu thù thắng hơn phát tâm sau. Nghĩa là, các A La Hán với tâm vô lậu, tuy xa lìa tất cả phiền não tự thân, nhưng không thể hóa độ vô lượng hữu tình đều phát tâm xả bỏ các phiền não.

Bồ Tát mới phát tâm đại bồ đề, tuy đối với phiền não tự thân chưa chấm dứt, nhưng có thể giáo hóa vô lượng hữu tình đều phát tâm xả bỏ các phiền não, lần lượt lợi ích vô lượng hữu tình. Đây gọi là nghĩa phát tâm ban đầu thù thắng hơn phát tâm sau.

Lại có các Ðộc giác với tâm vô lậu, tuy xa lìa tất cả phiền não tự thân, nhưng không giáo hóa vô lượng hữu tình đều phát tâm xả bỏ các phiền não.

Bồ Tát mới phát tâm đại bồ đề, tuy đối với phiền não tự thân chưa chấm dứt, nhưng có thể giáo hóa vô lượng hữu tình đều phát tâm xả bỏ các phiền não, lần lượt lợi ích vô lượng hữu tình. Đây gọi là nghĩa phát tâm ban đầu thù thắng hơn phát tâm sau.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Sự phát tâm đại bồ đề của Bồ Tát, hoặc tu hoặc tập, hoặc làm nhiều việc đều dẫn đến bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, bát nhã Ba la mật đa và vô lượng vô biên Phật Pháp khác, mau chứng đắc trí nhất thiết trí.

Do đó hóa độ vô lượng hữu tình này đắc quả Thanh Văn, Ðộc giác thừa, hoặc chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, hoặc tu thiện nghiệp thù thắng ở Cõi Trời, Người, được an vui ở Cõi Trời, Người, thoát khỏi khổ nơi đường ác.

Tâm của các vị Thanh Văn, Độc Giác đã được vô lậu, tự thân tuy đã chứng sự an vui Niết Bàn, nhưng lại không thể dẫn đến bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, bát nhã Ba la mật đa và vô lượng vô biên Phật Pháp khác.

Cũng không thể chứng đắc trí nhất thiết trí, không thể hóa độ vô lượng hữu tình, khiến chứng đắc quả Thanh Văn, Độc Giác thừa, hoặc chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, hoặc tu thiện nghiệp thù thắng ở Cõi Trời, Người và được an vui ở Cõi Trời, Người, thoát khỏi khổ nơi đường ác. Đó gọi là nghĩa phát tâm ban đầu thù thắng hơn phát tâm sau.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Sự phát tâm đại bồ đề của Bồ Tát, oai lực thật thù thắng. Nếu khéo tu tập, thì mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, thọ ký không điên đảo cho hữu tình. Nghĩa là thọ ký hữu tình như vậy, như vậy, ở đời vị lai trải qua bấy nhiêu kiếp, lưu chuyển trong vòng sanh tử tu hạnh Bồ Tát, sẽ chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, làm lợi ích lớn cho các hữu tình.

Hoặc thọ ký hữu tình như vậy, như vậy, ở đời vị lai trải qua bấy nhiêu kiếp, lưu chuyển trong vòng sanh tử tu hạnh Ðộc giác, ở Cõi Trời, Người gặp duyên chứng đắc Ðộc giác bồ đề, đầy đủ sáu phép thần thông, tự tại an lạc. Hoặc thọ ký hữu tình như vậy, như vậy, ở đời vị lai trải qua bấy nhiêu kiếp, lưu chuyển trong vòng sanh tử tu hạnh Thanh Văn, đắc quả Thanh Văn ở Cõi Trời, Người.

Hoặc thọ ký hữu tình như vậy, như vậy, ở đời vị lai trải qua bấy nhiêu kiếp làm các nghiệp thiện, ác, sanh ở Cõi Trời, Người, hoặc đọa đường ác, trôi lăn theo dòng sanh tử. Ngược lại các Ðộc giác chẳng thể thọ ký không điên đảo cho các hữu tình. Nghĩa là không thọ ký như lời các Bồ Tát.

Ông ở đời vị lai, trải qua bấy nhiêu kiếp sẽ được làm Phật hiệu…, tên…, cũng không thọ ký hữu tình như vậy, ở đời vị lai trải qua bấy nhiêu kiếp, nhất định sẽ đắc Ðộc giác bồ đề, hoặc quả Thanh Văn, hoặc ở các Cõi thiện, ác chịu các khổ, vui. Cũng vậy, Thanh Văn không thể thọ ký cho người khác, nếu có đều nghe từ Phật. Đó gọi là nghĩa phát tâm ban đầu thù thắng hơn phát tâm sau.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Bồ Tát đã phát tâm đại bồ đề, muốn lợi ích tất cả hữu tình đến đời vị lai. Bấy giờ đại địa, các núi, biển cả biến động sáu cách. Ma Vương kinh hãi sợ sệt.

Các Trời, Rồng, Thần đều rất vui mừng nói: Bồ Tát sẽ chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, cứu vớt chúng ta thoát khổ lớn sanh tử, được an lạc. Thanh Văn, Ðộc giác khi an trụ tâm vô lậu tối hậu, thì không có việc như thế. Đây gọi là nghĩa phát tâm ban đầu thù thắng hơn phát tâm sau.

Lại nữa, Xá Lợi Tử!  Giả sử giáo hóa tất cả hữu tình đều trụ quả Ðộc giác, A La Hán thì không thể hộ trì Ba la mật đa và trí nhất thiết. Nếu có dạy dỗ giáo huấn Bồ Tát, làm cho họ phát tâm quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, tức là hộ trì bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, bát nhã Ba la mật đa và trí nhất thiết.

Vì sao?

Vì Thanh Văn, Ðộc giác không thành tựu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề được, bởi vì phát tâm rất yếu ớt, chỉ có các Bồ Tát mới thành tựu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Đó gọi là nghĩa phát tâm ban đầu thù thắng hơn phát tâm sau. Do đó muốn chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề đều nên phát tâm cầu trí nhất thiết.

Khi ấy, Xá Lợi Tử lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Làm sao biết được tướng các Bồ Tát tu những hạnh gì được gọi là Bồ Tát?

Phật Bảo Xá Lợi Tử: Nếu có ai phát tâm đại bồ đề, siêng năng tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, bát nhã Ba la mật đa không mệt mỏi, tuy gặp nhiều bạn xấu làm thối duyên nhưng không khuất phục. Đây là tướng Bồ Tát. Ai đầy đủ tướng này gọi là Bồ Tát.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Nếu các hữu tình tu nhiều thiện pháp, tâm không nhàm chán, thọ trì tịnh giới, trọn không hủy phạm, thường ưa làm lợi lạc cho tất cả hữu tình, tuy gặp khổ duyên nhưng không khiếp nhược. Tùy sự tu học nguyện cùng hữu tình đồng chứng Bồ Đề rốt ráo an lạc. Ðấy gọi là tướng Đại Bồ Tát. Đầy đủ tướng này gọi là Bồ Tát.

Xá Lợi Tử lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Làm sao hiểu được nghĩa sâu xa Phật đã thuyết?

Đó là tâm Bồ Tát thù thắng hơn tâm vô lậu của các Ðộc giác và A La Hán. Cúi xin Thế Tôn vì con mà giải thích nghĩa đó, làm cho chúng con hiểu rõ để thọ trì không sai trái.

Phật hỏi Xá Lợi Tử: Thầy cho tâm Bồ Tát còn có tham, còn có sân, còn có si, còn có mạn v.v… các tùy phiền não chăng?

Xá Lợi Tử thưa: Bạch Thế Tôn! Đúng như vậy. Bạch Thiện Thệ! Đúng như vậy. Con cho tâm Bồ Tát còn có tham, còn có sân, còn có si và còn có mạn v.v… các tùy phiền não.

Phật lại hỏi Xá Lợi Tử: Thầy có cho tâm Ðộc giác và A La Hán đã lìa tham, lìa sân, lìa si và lìa mạn v.v… các tùy phiền não không?

Xá Lợi Tử thưa: Bạch Thế Tôn! Đúng như vậy.

Bạch Thiện Thệ! Đúng như vậy. Con cho tâm Ðộc giác và A La Hán đã lìa tham, lìa sân, lìa si và lìa mạn v.v… các tùy phiền não.

Phật lại hỏi Xá Lợi Tử: Thầy có cho Ðộc giác và A La Hán đã dứt hẳn các lậu, khi muốn nhập vô lượng từ bi, hoá độ vô lượng vô biên hữu tình, làm cho họ được an lạc và xa lìa các khổ.

Những vị ấy có làm cho các hữu tình thật sự được an lạc và xa lìa các khổ chăng?

Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chẳng phải vậy.

Bạch Thiện Thệ! Chẳng phải vậy. Các Ðộc giác và A La Hán kia, tâm họ hoàn toàn không có phương tiện thiện xảo, làm sao nhập vào vô lượng từ bi, hóa độ vô lượng vô biên hữu tình, làm cho hữu tình thật sự được an lạc, xa lìa các khổ.

Tạm thời xét như vậy: Chúng Bồ Tát phát tâm bồ đề, quyết định cầu trí nhất thiết trí, vì muốn tất cả hữu tình được lợi lạc đến tận đời vị lai, thường không gián đoạn. Cho nên Bồ Tát nhập định từ bi, khiến cho vô lượng vô biên hữu tình đều được an lạc và xa lìa các khổ. Ai nghiệp chướng không nặng thì chỉ trong sát na này thật sự được an lạc và xa lìa các khổ.

Huống khi khi đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, chẳng lẽ không làm cho các hữu tình thật sự được an lạc và xa lìa các khổ ư?

Do nhân duyên này nếu nói Bồ Tát thật sự làm lợi lạc cho tất cả hữu tình, thường không gián đoạn, điều này có lý. Còn nếu nói Ðộc giác và A La Hán đầy Châu Thiệm Bộ, đủ tám giải thoát, đồng thời nhập vô lượng định từ bi, muốn lợi lạc vô lượng vô biên hữu tình, trong đó nếu có một người thật sự được lợi lạc, thì điều này không có lý.

Phật Bảo Xá Lợi Tử: Đúng vậy! Đúng vậy!

Đúng như lời thầy nói. Do nhân duyên này nên tâm các Bồ Tát đối với tâm vô lậu của các Ðộc giác và A La Hán là tối, là thắng, là tôn, là cao, là diệu, là vi diệu, là thượng, là vô thượng.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Giả sử tất cả hữu tình ở mười phương đều dứt các lậu thành A La Hán, đầy đủ các công đức: sáu thần thông, tám giải thoát v.v… Mỗi mỗi hữu tình lại hóa làm trăm ức quân ma.

Các ma quân đó có nhiều không?

Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều.

Bạch Thiện Thệ! Rất nhiều. Số các A La Hán kia đã rất nhiều, huống chi tất cả đều hóa làm trăm ức quân ma. Các quân ma này đâu có thể lường biết được.

Phật lại hỏi Xá Lợi Tử: Như vậy, vô biên các A La Hán đã hóa làm vô lượng, vô số quân ma, có năng lực làm cho tâm một vị Bồ Tát bất thối, bị biến chuyển tạm thời không?

Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không thể được.

Bạch Thiện Thệ! Không thể được. Vô lượng vô số quân ma như vậy, không thể làm cho tâm một Bồ Tát bất thối bị biến chuyển được.

Phật lại hỏi Xá Lợi Tử: Ý thầy thế nào?

Như vậy, tất cả A La Hán tâm dứt hẳn các lậu cùng với tâm một Bồ Tát bất thối, thì thế lực oai thần vị nào thù thắng hơn?

Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Theo con hiểu nghĩa lời Phật nói, tâm Bồ Tát bất thối thế lực thù thắng hơn, chẳng phải tâm vô số vô lượng A La Hán.

Phật Bảo: Đúng vậy! Đúng như lời thầy nói.

Thầy nên quán như vậy: Vô lượng tâm vô lậu các A La Hán lìa hẳn tham dục, sân giận, ngu si và kiêu mạn v.v… tất cả lại hóa làm trăm ức quân ma mạnh mẽ. Các quân ma này dùng hết thần lực của mình, cũng không thể làm cho tâm Bồ Tát còn phiền não tham, sân, si mạn v.v… bị biến chuyển được. Do đây, nên biết tâm lực Bồ Tát thù thắng hơn tâm lậu tận của các A La Hán.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Ý thầy thế nào?

Ai đối với tâm A La Hán lìa phiền não tham, sân, si, mạn v.v… như thế là tối, là thắng, là tôn, là cao, là diệu, là vi diệu, là thượng, là vô thượng?

Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tâm các Bồ Tát bất thối, tuy còn phiền não tham dục, sân giận, ngu si, kiêu mạn v.v… nhưng đối với tâm vô lậu A La Hán là tối, là thắng, là tôn, là cao, là diệu, là vi diệu, là thượng, là vô thượng.

Vì sao?

Vì tâm vô lượng, vô biên A La Hán vô lậu như vậy và người được hóa ra, đem hết thần lực đó cũng không thể làm cho tâm một Bồ Tát bất thối đầy đủ phiền não tham, sân, si, mạn v.v… bị biến chuyển được.

Phật lại hỏi Xá Lợi Tử: Nay ta hỏi thầy, thầy cứ tùy ý trả lời.

Ý thầy thế nào?

Nếu có đống ngọc Ca già mạt ni ngọc thuỷ tinh, trong đó đặt một viên ngọc Lưu ly, thì giá trị ánh sáng của Ca già mạt ni có thể lấn át, hay hút mất giá trị ánh sáng của viên ngọc Lưu ly không?

Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không thể được.

Bạch Thiện Thệ! Không thể được. Giá trị ánh sáng của một viên ngọc Lưu ly có thể che mất ánh sáng của một đống ngọc Ca già mạt ni.

Vì sao?

Vì ngọc Lưu ly sáng suốt từ trong ra ngoài, Ca già mạt ni thì không như vậy. Ánh sáng ngọc Lưu ly rực rỡ, Ca già mạt ni thì không như vậy. Ngọc Lưu ly bản chất xanh biếc, Ca già mạt ni thì không như vậy.

Loại ngọc Lưu ly thù thắng, Ca già mạt ni thì không như vậy. Ngọc Lưu ly oai đức rộng lớn, Ca già mạt ni thì không như vậy. Ngọc Lưu ly giá trị vô lượng, Ca già mạt ni thì không như vậy.

Ngọc Lưu ly là vật trang sức của người tôn quí, do sức nghiệp tăng thượng nên sanh nơi bãi biển lớn. Ngọc Ca già mạt ni thì sang hèn đều dùng được, vì do công nghiệp tạo ra, nên giá trị ánh sáng của ngọc Lưu ly vượt hơn và che mất tất cả giá trị ánh sáng ngọc Ca già mạt ni.

Bấy giờ, Phật Bảo Xá Lợi Tử: Tâm Đại Bồ Tát bất thối cũng lại như vậy, che khắp tâm tất cả Ðộc giác, Thanh Văn giống như ngọc Lưu ly che mất ánh sáng ngọc Ca già.

Ta quán nghĩa này nên nói như vậy: Tâm Đại Bồ Tát bất thối đối với tâm vô lậu các Thanh Văn và Ðộc giác đã chấm dứt xa lìa phiền não, là tối, là thắng, là tôn, là cao, là diệu, là vi diệu, là thượng, là vô thượng. Tâm Bồ Tát bất thối đầy đủ từ bi, có thể làm cho hữu tình được an lạc, xa lìa các khổ. Tâm Thanh Văn, Ðộc giác đầy đủ từ bi, chỉ có giả tưởng nhưng không thực dụng.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có A La Hán dứt hẳn các lậu, đầy đủ các công đức: sáu thần thông, tám giải thoát v.v…, có thể dùng thần lực đẩy Thế Giới này để ở các phương, nhưng không thể làm cho tâm Bồ Tát bất thối có biến chuyển.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có A La Hán dứt hẳn các lậu, đầy đủ các công đức: sáu thần thông, tám giải thoát v.v…, có thể dùng thần lực làm khô nước biển lớn, nhưng không thể làm cho tâm Bồ Tát bất thối có biến chuyển.

Lại nữa, Xá Lợi Tử!Có A La Hán dứt hẳn các lậu, đầy đủ các công đức: sáu thần thông, tám giải thoát v.v…, có thể dùng thần lực thổi nát hằng hà sa số Thế Giới. Trong ấy, tất cả núi Diệu Cao đều như tro bụi, nhưng không thể làm cho tâm Bồ Tát bất thối có biến chuyển.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có A La Hán dứt hẳn các lậu, đầy đủ các công đức: sáu thần thông, tám giải thoát v.v…, có thể dùng sức thần thông, thổi đống lửa hằng hà sa số Thế Giới đại kiếp đang bốc cháy dữ dội đều tắt, nhưng không thể làm cho tâm Bồ Tát bất thối có biến chuyển.

Do nhân duyên này nên ta nói như vậy: Tâm Đại Bồ Tát bất thối đối với tâm vô lậu các Ðộc giác và các Thanh Văn vĩnh viễn xa lìa phiền não, là tối, là thắng, là tôn, là cao, là diệu, là vi diệu, là thượng, là vô thượng.

Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thật kỳ lạ.

Bạch Thiện Thệ! Thật hy hữu. Tâm Đại Bồ Tát bất thối đầy đủ đại lực oai thần như vậy. Thanh Văn, Ðộc giác không thể biến chuyển được.

Phật Bảo Xá Lợi Tử: Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời thầy nói.

Vì sao?

Xá Lợi Tử! Lời nói của Chư Phật, Thế Tôn không hai. Nghĩa Phật đã thuyết đều thật không dối. Thầy nên thọ trì, thuyết rộng cho người khác.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Vô lượng, vô biên các loài hữu tình ở mười phương Thế Giới, giả sử trong vô lượng, vô biên hằng hà sa… các Thế Giới ở mười phương đó, mỗi một hằng hà sa lại biến thành bấy nhiêu loại hữu tình.

Giả sử đất, nước, lửa, gió ở mười phương vô lượng, vô số, vô biên Thế Giới đó biến nát thành cực vi, tất cả đều biến làm bấy nhiêu hữu tình, thì các hữu tình này có nhiều không?

Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều.

Bạch Thiện Thệ! Rất nhiều.

Phật Bảo: Tất cả hữu tình như vậy. Giả sử tất cả đồng thành A La Hán, dứt hẳn các lậu, đầy đủ các công đức: sáu thần thông, tám giải thoát v.v…, thành tựu thần thông tự tại rộng lớn như Đại Thái Thúc Thị Đại Mục Kiền Liên. Tất cả đại A La Hán ấy đều hóa làm bấy nhiêu quân ma. Mỗi ác ma lại hóa làm bấy nhiêu quân voi, quân ngựa, quân xe, quân bộ dũng mãnh.

Các quân như thế có thể biết được số bao nhiêu không?

Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không thể biết được.

Bạch Thiện Thệ! Không thể biết được.

Phật Bảo: Giả sử có số lượng Thiện Nam, hoặc Thiện Nữ bằng ba ngàn đại thiên Thế Giới biết được số đó, họ dùng sức thần thông phá tan các quân ma.

Ý thầy thế nào?

thần thông oai lực của Thiện Nam, hoặc Thiện Nữ này có rộng lớn không?

Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Rộng lớn.

Bạch Thiện Thệ! Rộng lớn. Thần thông oai lực của thiện nam, hoặc thiện nữ này không ai có thể địch nổi, chẳng thể nghĩ bàn.

Phật Bảo: Giả sử thiện nam, thiện nữ như đã nói ở trước, và số các hữu tình như nói ở trước, mỗi người nam, người nữ ở mười phương vô lượng, vô số, vô biên Thế Giới hằng hà sa… đại kiếp mà trụ từng niệm, từng niệm, hóa thành vô lượng ác ma như đã nói ở trước, mỗi ác ma lại hóa làm vô lượng quân ngựa, các quân dũng mạnh như đã nói ở trước, cũng không thể làm cho tâm Bồ Tát bất thối bị biến chuyển.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Ý thầy thế nào?

Có bấy nhiêu hữu tình thành A La Hán. Tất cả lại hóa làm bấy nhiêu ác ma. Mỗi ác ma đầy đủ thần lực lớn.

Thần lực như thế so với thần lực của tâm một Bồ Tát bất thối chuyển, bên nào thù thắng hơn?

Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thần lực của tâm một Đại Bồ Tát bất thối đối với kia thù thắng hơn.

Vì sao?

Vì thần lực của tâm một Đại Bồ Tát bất thối vô lượng vô số, không thể nghĩ bàn, không thể nói được.

Phật lại bảo Xá Lợi Tử:Ý thầy thế nào?

Thần lực của tâm một Đại Bồ Tát bất thối đối với thần lực vô lượng, vô biên các A La Hán đầy đủ Đại thần thông, như đã nói ở trước thì ai có thể nói kia là tối, là thắng, là tôn, là cao, là diệu, là vi diệu, là thượng, là vô thượng?

Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Theo như con hiểu nghĩa lời Phật đã thuyết, thì chỉ có Phật Thế Tôn mới thuyết thần lực của tâm Đại Bồ Tát bất thối kia, đối với thần lực của vô lượng, vô biên các A La Hán đầy đủ đại thần thông như đã nói ở trước là tối, là thắng, là tôn, là cao, là diệu, là vi diệu, là thượng, là vô thượng.

Vì sao?

Vì thần lực của tâm Đại Bồ Tát bất thối trừ thần lực của tâm tương ưng với trí nhất thiết trí, thì không ai sánh bằng. Do nhân duyên này nên thần lực của tâm Đại Bồ Tát bất thối, chỉ có Phật mới biết được, chỉ có Phật mới nói được, đối với các thần lực khác là tối, là thắng, là tôn, là cao, là diệu, là vi diệu, là thượng, là vô thượng.

Phật Bảo Xá Lợi Tử: Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời thầy nói.

Vì sao?

Xá Lợi Tử! Vì tâm Đại Bồ Tát bất thối không có hữu tình nào khác làm biến chuyển được, cũng không có người biết, người thuyết đúng như sự thật. Chỉ có Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác biết tâm Bồ Tát bất thối chuyển kia, vì các hữu tình tuyên thuyết như thật.

Lúc bấy giờ, Mãn Từ Tử hỏi Xá Lợi Tử: Do nhân duyên gì mà tâm Đại Bồ Tát bất thối không bị biến chuyển?

Xá Lợi Tử đáp: Do khi các Bồ Tát hành bố thí đều duyên nơi trí nhất thiết trí, nên tâm kia vững chắc không thể lay động. Khi chứng đắc bất thối chuyển như vậy, tâm không tùy duyên mà bị biến chuyển.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Ví như có người khéo giải quyết, xử đoán mọi việc, từng ở trong vô lượng trưởng giả, cư sĩ, nhà buôn, xử đoán nhiều việc. Có người túng thiếu đến trưởng giả, cư sĩ v.v… vay mượn tiền tài vật chất. Vì sợ người kia đến đòi, không đủ sức trả nợ, bèn dựa vào Vua để khỏi bị bắt. Các chủ nợ vì sợ lệnh Vua nên không dám lôi kéo sĩ nhục người kia.

Vì sao?

Vì người kia dựa vào thế lực rất lớn, khó đương đầu nổi với Vua. Bồ Tát cũng vậy, hoặc mới phát tâm, hoặc bất thối chuyển đều y vào Đại thần lực của trí nhất thiết trí. Nên tất cả Ðộc giác và A La Hán đều không thể làm cho tâm kia có biến động.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Như người dựa vào Vua, tuy rất nghèo thiếu nhưng không bị nhục. Bồ Tát cũng vậy, dựa vào trí nhất thiết trí, ác ma và nhị thừa không thể lay động mà lại chiến thắng tất cả ác ma.

Ðối với nhị thừa kia là tối, là thắng, là tôn, là cao, là diệu, là vi diệu, là thượng, là vô thượng. Vì vậy Bồ Tát muốn không thối chuyển thì thường y chỉ vào trí nhất thiết trí, tu hạnh Bồ Tát, chớ ưa thích thừa nào khác.

Mãn Tử Tử hỏi: Những gì Bồ Tát không bằng các Ðộc giác, Thanh Văn?

Xá Lợi Tử đáp: Nếu các Bồ Tát nghe nói thắng sự của Ðộc giác, Thanh Văn lòng sanh ưa mến, nghĩ như vậy Ta phải làm sao được pháp như vậy, cũng rất thích khen ngợi giáo lý nhị thừa. Các Bồ Tát này do khởi tác ý phi lý như vậy, liền bị sự chiến thắng của tất cả Ðộc giác, Thanh Văn.

Mãn Từ Tử lại hỏi cụ thọ Xá Lợi Tử: Do duyên gì mà nói tác ý của Bồ Tát này là phi lý?

Xá Lợi Tử đáp: Vì điều này chướng ngại trí nhất thiết trí, có thể làm cho sự phát tâm trí nhất thiết càng yếu dần, xa dần, nên gọi là Bồ Tát tác ý phi lý. Giống như thầy Du Già muốn chứng thật tế, vui mừng nhập vào Chánh tánh ly sanh, nếu gặp tham, sân, si khởi lên thì làm cho sự phát tâm A La Hán có chướng ngại, bị yếu dần, xa dần.

Cho nên nói là tác ý phi lý. Bồ Tát cầu đại bồ đề như vậy, nếu khởi tác ý tương ưng nhị thừa thì chướng ngại trí nhất thiết, tổn hại tâm bồ đề. Cho nên gọi là tác ý phi lý. Nếu các Bồ Tát có tác ý này liền bị sự chiến thắng của nhị thừa.

Mãn Từ Tử liền bảo cụ thọ Xá Lợi Tử: Nếu các Bồ Tát phát khởi tác ý tương ưng nhị thừa, liền bị nhị thừa chinh phục, nên biết, không dựa vào số Bồ Tát.

Vì sao?

Xá Lợi Tử! Vì Bồ Tát chỉ cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, nếu khởi tác ý tương ưng với nhị thừa, trái với bổn nguyện, không thể chứng đắc trí nhất thiết. Như Bậc Dự Lưu có phiền não hiện hành, liền trái với sự cầu hoặc trí hoặc đoạn. Vì siêng năng cầu trí, đoạn nên gọi là Dự Lưu. Chẳng phải phiền não hiện hành là có nghĩa cầu cầu.

Vì sao?

Xá Lợi Tử! Vì Bậc Dự Lưu thì cầu hai biến tri:

1. Một là trí biến tri.

2. Hai là đoạn biến tri.

Nếu phiền não hiện hành thì hai sự cầu kia đều hoại, cho nên Bậc Dự Lưu thường nên tinh cần diệt trừ các phiền não cầu trí biến tri. Bồ Tát nếu khởi tác ý tương ưng với nhị thừa như vậy, liền trái với bổn nguyện mong cầu trí nhất thiết trí. Nếu các Bồ Tát xa lìa tâm và tâm sở, mong cầu trí nhất thiết trí, thì không gọi là chơn thật Bồ Tát.

Vì sao?

Xá Lợi Tử! Vì điều cốt yếu của Bồ Tát là thường mong cầu tâm trí nhất thiết trí, không gián đoạn. Nếu các Bồ Tát trụ tâm Bồ Tát, thì các ác ma nhị thừa không thể chinh phục được, mà còn chiến thắng được ác ma nhị thừa.

Như người bắn cung giỏi đứng đúng tư thế, không bị sự chinh phục của tất cả oán địch, mà chinh phục được oán địch, xa lìa các sự sợ hãi. Bồ Tát trụ tâm Bồ Tát như vậy, tất cả ác duyên không thể phá hoại được, mà phá hoại tất cả sự nghiệp của chúng ma.

Nếu nghe tuyên thuyết giáo pháp nhị thừa, liền nghĩ như vậy: ta sẽ chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, cũng nên tuyên thuyết giáo pháp như vậy cho các hữu tình, giống như ngày nay Thế Tôn Năng Nhân Tịch Tịnh Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác tuyên thuyết giáo pháp tương nhị thừa cho các vị chủng tánh Ðộc giác, Thanh Văn ở đời vị lai, khi ta được làm Phật, cũng vì các hữu tình như vậy mà tuyên thuyết giáo pháp như thế để họ được lợi lạc.

Bồ Tát như vậy trụ tâm Bồ Tát, dùng phương tiện khéo léo, tuy nghe giáo pháp tương ưng với nhị thừa nhưng không bị tổn giảm.

Nghĩa là tuy nghe pháp giáo tương ưng kia, nhưng đối với nhị thừa không có sự tham nhiễm. Bồ Tát trụ tâm Bồ Tát như vậy, không bị ác ma nhị thừa chinh phục, mà chinh phục được ác ma nhị thừa. Như Thầy Du Già đối với cảnh không bị thu hút, vì định đã hoàn toàn thiện xảo.

Vì sao?

Vì định đã khéo điều phục tâm đối với cảnh, nên được tự tại. Bồ Tát trụ tâm Bồ Tát như vậy, ác ma nhị thừa không thể chinh phục.

Vì sao?

Vì các Bồ Tát này đối với tâm Bồ Tát thường không xa lìa.

Xá Lợi Tử hỏi Mãn Từ Tử: Tất cả Bồ Tát hoặc mới phát tâm, hoặc đã được bất thối, hoặc ngồi tòa Bồ Đề đều không thể chinh phục được sao?

Mãn Từ Tử đáp: Tất cả Bồ Tát hoặc mới phát tâm, hoặc đã được bất thối, hoặc ngồi tòa Bồ Đề, nên biết tất cả không thể chinh phục được.

Vì sao?

Xá Lợi Tử! Vì các Bồ Tát này đối với tất cả ác duyên, không bị làm cho xả bỏ bản nguyện. Nghĩa là các Bồ Tát phát tâm bồ đề, đối với các hữu tình chỉ vì muốn làm lợi ích. Giữ vững hai điều thệ nguyện như thế thì tất cả ác duyên không lay động được. Nếu các Bồ Tát an trụ tâm này thì ác ma nhị thừa không thể chinh phục.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử!Cũng như các Như Lai, hoặc mới thành Phật, hoặc đã thành Phật, trụ trăm ngàn năm đều không lìa bỏ tâm trí nhất thiết, đối với tất cả thời thành trí nhất thiết. Bồ Tát cũng vậy, hoặc mới phát tâm, hoặc đã được bất thối, hoặc ngồi tòa Bồ Đề, đối với tất cả thời duyên trí nhất thiết, suy nghĩ cầu chứng, chưa từng tạm bỏ.

Xá Lợi Tử hỏi: Nếu như thế thì các ngôi vị Bồ Tát đâu có gì sai khác?

Mãn Từ Tử đáp: Các ngôi vị Bồ Tát tâm không khác biệt, chỉ có thành Phật thì mau chậm không đồng. Nghĩa là tâm Bồ Tát trước, sau, giữa đều cầu đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, an trụ tâm này thường không thối chuyển.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Như A La Hán quyết không thối lui tâm A La Hán. Nghĩa là tâm vô lậu chắc chắn không thối chuyển. Bồ Tát cũng vậy, quyết không thối thất tâm đại bồ đề.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Ý Tôn Giả thế nào?

Nếu tâm A La Hán có thối thất thì kia có là chơn thật A La Hán không?

Xá Lợi Tử đáp: Cụ thọ, không phải. Nếu tâm A La Hán có thối thất, nên biết vị kia là tăng thượng mạn, nhất định chưa đắc quả A La Hán.

Mãn Từ Tử! Bồ Tát cũng vậy, nếu có Bồ Tát thối tâm bồ đề nên biết, trước kia tự xưng Bồ Tát, chẳng phải Bồ Tát thật, là tăng thượng mạn, làm nhiễm ô chúng Bồ Tát. Như ốc sên làm dơ nước sạch, chẳng thể uống được.

Xá Lợi Tử! Đúng vậy! Đúng vậy! Nên biết hàng kia bị vô trí che lấp tâm, tự xưng là Bồ Tát, thật sự chưa được vào số Bồ Tát chơn thật, chỉ có giả danh. Ví như trượng phu, nam căn phải đầy đủ. Có người thiếu căn cũng tự xưng trượng phu, chỉ có hư ngôn nhưng không có nghĩa thật.

Bồ Tát thối tâm bồ đề cũng vậy, chỉ có giả danh, chẳng thật Bồ Tát. Như người thiếu căn gọi là dị hình. Bồ Tát thối tâm gọi là Bồ Tát hư ngụy. Cho nên Bồ Tát ở đầu, giữa, sau nhất định không thối tâm đại bồ đề. Nếu thối tâm này chẳng phải Bồ Tát.

Mãn Từ Tử hỏi Xá Lợi Tử: Nếu các Bồ Tát muốn chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề phải khởi tác ý tương ưng với những gì?

Xá Lợi Tử đáp: Nếu các Bồ Tát muốn chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề nên phát khởi tác ý tương ưng với trí nhất thiết trí. Tất cả pháp Bồ Tát cần phải an trụ tác ý như vậy. Nếu các Bồ Tát trụ tác ý này tu hành bố thí, thì các Bồ Tát này liền hồi hướng trí nhất thiết trí.

Nếu các Bồ Tát hồi hướng trí nhất thiết trí như vậy, thì các Bồ Tát này gìn giữ bố thí Ba la mật đa. Nếu các Bồ Tát không hồi hướng trí nhất thiết trí, thì sự tu hành bố thí của các Bồ Tát này không gọi là bố thí Ba la mật đa.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Nếu khi các Bồ Tát hành bố thí, lại suy nghĩ: ta xả phần ít, hay không xả phần ít. Ta xả vật này, hay không xả vật này. Ta bố thí loài kia, hay không bố thí loài kia. Các Bồ Tát này do dự suy nghĩ đó làm chướng ngại trí nhất thiết, phải trải qua thời gian lâu mới được trí nhất thiết. Để nhiều thời gian bố thí Ba la mật đa mới được viên mãn.

Vì vậy Bồ Tát muốn trí nhất thiết trí không bị chướng ngại, muốn mau chứng đắc trí nhất thiết trí, muốn làm cho bố thí Ba la mật đa mau được viên mãn, nên xa lìa suy nghĩ phân biệt như vậy. Nên xả bỏ tất cả phân biệt, nên bố thí tất cả vật, đối với tất cả loài nên bố thí bình đẳng.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Nếu các Bồ Tát muốn chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề nên trụ bố thí Ba la mật đa, nên đối với bố thí Ba la mật đa mà trụ như vậy. Nếu các Bồ Tát vào buổi sáng trong ngày đem các loại thức ăn thượng diệu, bố thí cho hằng hà sa số hữu tình.

Đã bố thí rồi lại bố thí y phục, vàng ròng thượng diệu. Vào buổi trưa trong ngày cũng dùng các loại thức ăn thượng diệu, bố thí hằng hà sa số hữu tình. Đã bố thí rồi lại bố thí y phục, vàng ròng thượng diệu. Vào buổi chiều trong ngày cũng đem các loại thức ăn thượng diệu, bố thí cho hằng hà sa số hữu tình.

Đã bố thí rồi lại bố thí y phục, vàng ròng thượng diệu, tiếp đến ba thời của ban đêm cũng lại như vậy. Bố thí như vậy trải qua hằng hà sa số đại kiếp thường không gián đoạn. Các Bồ Tát này bố thí như vậy rồi, nếu không hồi hướng cầu trí nhất thiết trí, tuy gọi bố thí nhưng chẳng phải bố thí Ba la mật đa.

Nếu hồi hướng cầu trí nhất thiết trí thì mới gọi bố thí Ba la mật đa. Nghĩa là sau khi bố thí không khởi sự phân biệt, tùy nhiều ít mà phát tâm rộng lớn, nhờ hữu tình bố thí tất cả.

Khi Bồ Tát này hành bố thí, tuy không xả nhiều để bố thí tất cả, nhưng thành tựu bố thí Ba la mật đa.

Vì sao?

Vì muốn chứng đắc vô lượng Phật Pháp mà hành bố thí Ba la mật đa. Nếu khi bố thí tâm có hạn lượng, nhất định không chứng vô lượng Phật Pháp.

Nếu tâm các Bồ Tát có hạn lượng mà hành bố thí, thì các Bồ Tát này nhất định không chứng trí nhất thiết trí, chắc chắn đối với bố thí Ba la mật đa không được viên mãn. Vì vậy Bồ Tát muốn chứng vô lượng trí nhất thiết trí phải nên phát khởi tâm không hạn lượng mà hành bố thí.

Nếu các Bồ Tát có tâm hạn lượng mà hành bố thí, thì các Bồ Tát này còn tham lam không muốn dứt bỏ, không thể hộ trì trí nhất thiết trí. Chống trái với tướng này, làm sao chứng đắc trí nhất thiết trí, viên mãn bố thí Ba la mật đa.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Chúng Bồ Tát muốn hành bố thí nên khởi tâm này: Ta nên tu hành bố thí không hạn lượng khi chưa chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, đối với các hữu tình nên hành tài thí. Nếu chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, đối với các hữu tình phải hành pháp thí.

Nghĩa là nếu chưa chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, đối với hữu tình nên cho tiền tài, khiến họ xa lìa nghèo khổ, được an lạc ở thế gian. Nếu chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, đối với các hữu tình phải đem cho chánh pháp, để họ xa lìa phiền não, được an lạc xuất thế gian.

Như người phụng sự Vua, trước thì được y phục, nuôi sống vợ con. Sau được lòng Vua thì được hưởng nhiều tiền của châu báu. Bản thân mình và vợ con đều thọ hưởng sự phú quý an ổn khoái lạc.

Bồ Tát cầu chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề cũng vậy, tu hơn trăm ngàn hạnh khổ khó hành, trước thì dùng tiền tài bố thí cho các hữu tình, để họ xa lìa sự khổ nghèo ở thế gian. Về sau khi chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, dùng pháp vô nhiễm dạy dỗ giáo huấn các hữu tình, giúp họ thoát khỏi các khổ sanh tử.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Như hơn trăm ngàn các hữu tình siêng năng phụng sự vương tử suốt cả ngày đêm. Bấy giờ, vương tử trợ cấp y phục, vật ăn uống, ngọa cụ v.v… sau khi lên ngôi Vua, tùy theo công lao xưa, khả năng kham nhiệm mà ban quyền cao tước lộc.

Hoặc là chủ sự nghiệp, hoặc chủ núi sông, hoặc chủ thành lớn, hoặc chủ cửa ải, hoặc chủ làng xóm, hoặc chủ quân lính. Bồ Tát cầu trí nhất thiết cũng vậy, khi chưa chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, trước hết phải đem của cải cho hữu tình.

Sau khi chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, tùy theo sự hiểu biết khác nhau của các hữu tình, dùng giáo pháp vô thượng dạy dỗ giáo huấn, làm cho họ an trụ quả A La Hán, hoặc quả Bất Hoàn, hoặc quả Nhất Lai, hoặc quả Dự Lưu, hoặc mười đường lành, hoặc thắng vị Bồ Tát.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Các Bồ Tát này cầu đại bồ đề, hành hạnh Bồ Tát. Khi chưa chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, làm lợi ích lớn cho các hữu tình. Nếu khi chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, cũng làm lợi ích lớn cho hữu tình.

Sau khi Niết Bàn cũng làm lợi ích lớn cho vô lượng, vô biên hữu tình. Ví như vương tử chưa nối ngôi Vua, làm lợi ích lớn cho các hữu tình. Nếu nối ngôi Vua cũng làm lợi ích lớn cho hữu tình. Sau khi băng hà cũng làm lợi ích lớn cho hữu tình.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Như người phụng sự Vua, tinh tấn đúng mực, trải qua thời gian lâu, bổng lộc cứ thế cứ thế tăng dần. Bồ Tát cầu trí nhất thiết cũng như vậy, tinh tấn đúng mực, trải qua thời gian lâu dài, công đức cứ thế cứ thế dần dần tăng trưởng.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Các Bồ Tát này khi chưa chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, đem tiền của cho các hữu tình. Nghĩa là dùng các loại y phục, vật ăn uống, ngọa cụ, thuốc men và các tài vật khác, dùng phương tiện khéo léo hộ trì, làm lợi ích hữu tình.

Nếu khi chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, dùng chánh pháp hộ trì các hữu tình. Nghĩa là dùng các pháp như bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, bát nhã Ba la mật đa và vô lượng vô biên Phật Pháp khác hộ trì lợi ích.

Hoặc dùng các pháp như: niệm, trụ, chánh, đoạn, thần túc, căn, lực, giác chi, đạo chi và vô lượng vô biên Phật Pháp khác hộ trì lợi ích.

Hoặc dùng các việc phước nghiệp của thí, việc phước nghiệp của giới, việc phước nghiệp của tu và vô lượng vô biên thiện pháp thế gian hộ trì lợi ích. Sau khi vào Niết Bàn cũng làm lợi ích lớn cho vô lượng vô biên hữu tình. Nghĩa là cúng dường Xá Lợi Phật.

Hoặc đối với chánh pháp vô thượng của Như Lai thọ trì, đọc tụng, tu hành như đã thuyết, đều được lợi ích rộng lớn vô biên. Nghĩa là được an lạc ở Cõi Trời, Người, hoặc nhập Niết Bàn, hoặc đại bồ đề an lạc rốt ráo.

Mãn Từ Tử bảo Xá Lợi Tử: Đúng vậy! Đúng vậy! Thật đúng như lời Tôn Giả đã nói. Tôn Giả đã thuyết đều đúng nghĩa. Cho nên Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác nói Tôn Giả là Bậc trí tuệ biện tài đệ nhất trong hàng Thanh Văn.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Ví như vàng ròng thường lợi ích lớn cho hữu tình. Nghĩa là chưa ra khỏi quặng hoặc khi đã ra, hoặc biến chuyển thành các vật trang sức, hoặc đem ra bán đổi để mua vật khác, đều lợi ích cho vô lượng vô biên hữu tình. Tùy theo sự ứng dụng của họ làm lợi ích lớn.

Như vậy, Bồ Tát tu hạnh Bồ Tát, khi chưa chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, làm lợi ích lớn cho các hữu tình. Nghĩa là dùng tài pháp, tùy theo sự thích ứng của họ mà dùng phương tiện khéo léo hộ trì lợi ích.

Nếu khi chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, chuyển pháp luân vi diệu, làm lợi ích lớn. Nghĩa là tuyên thuyết sắc uẩn thường, vô thường v.v… bất khả đắc. Tuyên thuyết thọ, tưởng, hành, thức uẩn thường, vô thường v.v… cũng bất khả đắc. Tuyên thuyết nhãn xứ thường, vô thường v.v… bất khả đắc.

Tuyên thuyết nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ thường, vô thường v.v… cũng bất khả đắc. Tuyên thuyết sắc xứ thường, vô thường v.v… bất khả đắc. Tuyên thuyết thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ thường, vô thường v.v… cũng bất khả đắc. Tuyên thuyết nhãn giới thường, vô thường v.v… bất khả đắc.

Tuyên thuyết nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới thường, vô thường v.v… cũng bất khả đắc. Tuyên thuyết sắc giới thường, vô thường v.v… bất khả đắc. Tuyên thuyết thanh, hương, vị, xúc, pháp giới thường, vô thường v.v… cũng bất khả đắc. Tuyên thuyết nhãn thức giới thường, vô thường v.v… bất khả đắc.

Tuyên thuyết nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới thường, vô thường v.v… cũng bất khả đắc. Tuyên thuyết nhãn xúc thường, vô thường v.v… bất khả đắc. Tuyên thuyết nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc thường, vô thường v.v… cũng bất khả đắc.

Tuyên thuyết các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra thường, vô thường v.v… bất khả đắc. Tuyên thuyết các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra thường, vô thường v.v… cũng bất khả đắc.

Tuyên thuyết địa giới thường, vô thường v.v… bất khả đắc. Tuyên thuyết thủy, hỏa, phong, không, thức giới thường, vô thường v.v… cũng bất khả đắc. Tuyên thuyết nhân duyên thường, vô thường v.v… bất khả đắc. Tuyên thuyết đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên, tăng thượng duyên thường, vô thường v.v… cũng bất khả đắc.

Tuyên thuyết vô minh thường, vô thường v.v… bất khả đắc. Tuyên thuyết hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử thường, vô thường v.v… cũng bất khả đắc. Tuyên thuyết ngã thường, vô thường v.v… bất khả đắc.

Tuyên thuyết hữu tình, mạng giả, sanh giả, dưỡng giả, sĩ phu, Bổ Đặc Già La người, ý sanh, thanh niên, người biết, người thấy thường, vô thường v.v… cũng bất khả đắc. Tuyên thuyết Cõi Dục thường, vô thường v.v… bất khả đắc. Tuyên thuyết Cõi Sắc, Vô Sắc thường, vô thường v.v… bất khả đắc.

Tuyên thuyết các Pháp Môn như vậy, làm lợi ích lớn cho các hữu tình. Sau khi nhập Niết Bàn, chánh pháp, Tượng pháp và Xá Lợi cũng làm lợi ích lớn cho các hữu tình. Thanh Văn, Ðộc giác không có việc như vậy.

Cho nên chúng Đại Bồ Tát tu hạnh Bồ Tát thường làm lợi ích lớn cho các hữu tình. Do đây nên nói các Bồ Tát đối với nhị thừa kia là tối, là thắng, là tôn, là cao, là diệu, là vi diệu, là thượng, là vô thượng.

Lúc bấy giờ, Phật dạy A Nan Đà: Thầy nên thọ trì những gì Xá Lợi Tử đã thuyết. Chúng Đại Bồ Tát mặc áo giáp đại nguyện, đến đại bồ đề, đầy đủ khéo léo thù thắng, ý muốn tăng thượng, tu hành bố thí Ba la mật đa xả bỏ pháp, xả bỏ tiền tài, không nhiễm không trước.

Khi đức Bạc Già Phạm thuyết Kinh này, cụ thọ Xá Lợi Tử, cụ thọ Mãn Từ Tử, cụ thọ A Nan Đà và các Thanh Văn, chúng Bồ Tát cùng với Thế Gian, Trời, Rồng, Dược Xoa, Kiện Đạt Phược, A Tố Lạc, Yết Lộ Trà, Khẩn Nại Lạc, Mạc Hô Lạc Già, Nhân Phi Nhân v.v…, tất cả đại chúng, nghe lời Phật thuyết đều phấn khởi vui mừng và tin thọ phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần