Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Câu Hi La - Phần Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH CÂU HI LA
PHẦN BỐN
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở tại Vườn Trúc, khu Ca Lan Đà, thành Vương Xá. Bấy giờ Tôn Giả Xá Lợi Phất và Tôn Giả Ma Ha Câu Hi La đang ở tại núi Kỳ Xà Quật. Buổi chiều, sau khi từ thiền tịnh tỉnh giấc, Tôn Giả Câu Hi La đi đến chỗ Tôn Giả Xá Lợi Phất, cùng nhau chào hỏi.
Sau khi chào hỏi, ngồi lui qua một bên, nói với Tôn Giả Xá Lợi Phất: Tôi có điều muốn hỏi.
Tôn Giả có rảnh để giải đáp cho không?
Tôn Giả Xá Lợi Phất nói với Tôn Giả Ma Ha Câu Hi La: Nhân giả cứ hỏi. Nếu biết tôi sẽ trả lời.
Tôn Giả Ma Ha Câu Hi La nói với Tôn Giả Xá Lợi Phất: Đa văn Thánh đệ tử, ở trong pháp luật này, thành tựu pháp nào để gọi là có đầy đủ chánh kiến, thành tựu được trực kiến.
Thành tựu bất hoại tín đối với Phật, thâm nhập chánh pháp, đạt được chánh pháp này, tỏ ngộ chánh pháp này?
Tôn Giả Xá Lợi Phất nói với Tôn Giả Ma Ha Câu Hi La: Đa văn Thánh đệ tử biết như thật đối với pháp bất thiện, biết như thật bất thiện căn, biết như thật thiện pháp, biết như thật thiện căn.
Thế nào là biết như thật pháp bất thiện?
Các nghiệp chẳng lành của thân, miệng, ý. Đó gọi là pháp bất thiện. Biết như thật pháp bất thiện là như vậy.
Thế nào là biết như thật bất thiện căn?
Ba căn chẳng lành, tham là gốc căn chẳng lành, sân là gốc chẳng lành, si là gốc chẳng lành. Đó gọi là bất thiện căn. Biết như thật bất thiện căn là như vậy.
Thế nào là biết như thật về thiện pháp?
Các nghiệp lành của thân, miệng, ý. Đó gọi là thiện pháp. Biết như thật về thiện pháp là như vậy.
Thế nào là biết như thật về thiện căn?
Ba căn lành không tham, không sân, không si. Đó gọi là ba thiện căn. Biết như thật về thiện căn là như vậy.
Này Tôn Giả Ma Ha Câu Hi La, như vậy, đa văn Thánh đệ tử biết như thật pháp bất thiện, biết như thật pháp thiện, biết như thật căn bất thiện, biết như thật về thiện pháp, biết như thật về thiện căn.
Cho nên ở trong pháp luật này, có đầy đủ chánh kiến, thành tựu trực kiến. Thành tựu bất hoại tín đối với Phật, thâm nhập chánh pháp, đạt được chánh pháp này, tỏ ngộ chánh pháp này.
Tôn Giả Ma Ha Câu Hi La nói với Tôn Giả Xá Lợi Phất: Thật chỉ có những pháp này, hay ngoài ra còn có pháp nào khác?
Tôn Giả Xá Lợi Phất đáp: Có. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về thức ăn, biết như thật về sự tập khởi của thức ăn, về sự diệt tận của thức ăn, về con đường đưa đến sự diệt tận của thức ăn.
Thế nào là biết như thật về thức ăn?
Có bốn loại thức ăn.
Đó là: Một là thức ăn nắm thô, hai là thức ăn tế xúc, ba là thức ăn bởi ý tư và bốn là thức ăn của thức. Đó gọi là thức ăn. Biết như thật về thực là như vậy.
Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của thức ăn?
Khát ái đối với hữu tương lai, đi đôi với hỷ tham, tham đắm hệ lụy nơi này nơi kia. Đó gọi là sự tập khởi của thức ăn. Biết như thật về sự tập khởi của thực là như vậy.
Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của thức ăn?
Khát ái đối với hữu tương lai, đi đôi với hỷ tham, tham đắm hệ lụy nơi này nơi kia, thảy đều dứt bỏ không còn sót, xả bỏ, nhả ra, đoạn tận, ly dục, diệt, tịch tĩnh. Đó gọi là sự diệt tận của thức ăn. Biết như thật về sự diệt tận của thức ăn là như vậy.
Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của thức ăn?
Tám Thánh Đạo: Chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mệnh, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định. Đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của thức ăn. Biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của thức ăn là như vậy.
Đa văn Thánh đệ tử như vậy là biết như thật về thức ăn, biết như thật về sự tập khởi của thức ăn, biết như thật về sự diệt tận của thức ăn, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của thức ăn.
Cho nên đa văn Thánh đệ tử ở trong pháp luật này, có đầy đủ chánh kiến, thành tựu trực kiến. Thành tựu bất hoại tín đối với Phật, thâm nhập chánh pháp, đạt được chánh pháp này, tỏ ngộ chánh pháp này.
Bấy giờ Tôn Giả Ma Ha Câu Hi La hỏi Tôn Giả Xá Lợi Phất: Thật chỉ có những pháp này, hay còn có những pháp nào khác?
Tôn Giả Xá Lợi Phất nói với Tôn Giả Ma Ha Câu Hi La: Lại còn có những pháp khác. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về lậu, biết như thật về sự tập khởi của lậu, biết như thật về sự diệt tận của lậu, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của lậu.
Thế nào là biết như thật về lậu?
Có ba thứ lậu: Dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, đó gọi là lậu. Phải biết như thật về sự hiện hữu của lậu là như vậy.
Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của lậu?
Vô minh tập khởi là lậu tập khởi. Biết như thật về sự tập khởi của lậu là như vậy.
Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của lậu?
Vô minh diệt là lậu diệt. Biết như thật về sự diệt tận của lậu là như vậy.
Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của lậu?
Tám Thánh đạo nói như trên. Biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của lậu là như vậy. Đa văn Thánh đệ tử như vậy là biết như thật về lậu, biết như thật về sự tập khởi của lậu, biết như thật về sự diệt tận của lậu, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của lậu.
Cho nên đa văn Thánh đệ tử ở trong pháp luật này, có đầy đủ chánh kiến, thành tựu trực kiến. Thành tựu bất hoại tín đối với Phật, thâm nhập chánh pháp, đạt được chánh pháp này, tỏ ngộ chánh pháp này.
Tôn Giả Ma Ha Câu Hi La hỏi Tôn Giả Xá Lợi Phất: Thật chỉ có những pháp này, hay còn có những pháp nào khác?
Tôn Giả Xá Lợi Phất nói với Tôn Giả Ma Ha Câu Hi La: Cũng có những pháp khác nữa. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về khổ, biết như thật về sự tập khởi của khổ, biết như thật về sự diệt tận của khổ, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ.
Thế nào là biết như thật về khổ?
Sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, ái xa lìa là khổ, oán ghét gặp nhau là khổ, mong muốn không được là khổ. Như vậy, nói tóm, năm thọ ấm là khổ. Đó gọi là khổ. Biết như thật về khổ là như vậy.
Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của khổ?
Khát ái đối với hữu tương lai, đi đôi với hỷ tham, tham đắm hệ lụy nơi này nơi kia. Đó gọi là sự tập khởi của khổ. Biết như thật về sự tập khởi của khổ là như vậy.
Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của khổ?
Khát ái đối với hữu tương lai, đi đôi với hỷ tham, tham đắm hệ lụy nơi này nơi kia, thảy đều đoạn trừ, không còn sót, cho đến, tịch tĩnh. Đó gọi là sự diệt tận của khổ. Biết như thật về sự diệt tận của khổ là như vậy.
Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ?
Tám Thánh Đạo như đã nói ở trên. Đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của khổ. Biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ là như vậy.
Đa văn Thánh đệ tử như vậy là biết như thật về khổ, biết như thật về sự tập khởi của khổ, biết như thật về sự diệt tận của khổ, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ.
Như vậy Thánh đệ tử ở trong pháp luật này, có đầy đủ chánh kiến, thành tựu trực kiến. Thành tựu bất hoại tín đối với Phật, thâm nhập chánh pháp, đạt được chánh pháp này, tỏ ngộ chánh pháp này.
Lại hỏi Tôn Giả Xá Lợi Phất: Thật chỉ có pháp này, còn có pháp nào khác nữa không?
Tôn Giả Xá Lợi Phất đáp: Còn có pháp khác. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về già chết, biết như thật về sự tập khởi của già chết, biết như thật về sự diệt tận của già chết, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của già chết. Như Kinh Phân biệt đã nói ở trước.
Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của già chết?
Sanh tập khởi thì già chết tập khởi, sanh diệt tận thì già chết diệt tận… con đường đưa đến sự diệt tận của già chết là gồm tám Thánh đạo như trước đã nói. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật đối với già chết này… cho đến, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của già chết.
Như vậy Thánh đệ tử ở trong pháp luật này, có đầy đủ chánh kiến, thành tựu trực kiến. Thành tựu bất hoại tín đối với Phật, thâm nhập chánh pháp, đạt được chánh pháp này, tỏ ngộ chánh pháp này.
Cũng vậy, đối với sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục nhập xứ, danh sắc, thức, hành. Thánh đệ tử biết như thật về hành, sự tập khởi của hành, sự diệt tận của hành, con đường đưa đến sự diệt tận của hành.
Thế nào là biết như thật về hành?
Hành có ba thứ:
Thân hành, khẩu hành và ý hành. Biết như thật về sự hiện hữu của hành là như vậy.
Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của hành?
Vô minh tập khởi thì hành tập khởi. Biết như thật về sự tập khởi của hành là như vậy.
Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của hành?
Vô minh diệt tận thì hành diệt tận. Biết như thật về sự diệt tận của hành là như vậy.
Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của hành?
Là tám Thánh đạo như trước đã nói.
Này Tôn Giả Ma Ha Câu Hi La, đó gọi là Thánh đệ tử biết như thật về hành, biết như thật về sự tập khởi của hành, biết như thật về sự diệt tận của hành, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của hành.
Trong pháp luật này, có đầy đủ chánh kiến, thành tựu trực kiến. Thành tựu bất hoại tín đối với Phật, thâm nhập chánh pháp, đạt được chánh pháp này, tỏ ngộ chánh pháp này.
Tôn Giả Ma Ha Câu Hi La lại hỏi Tôn Giả Xá Lợi Phất: Chỉ có những pháp này, hay còn có pháp nào khác không?
Tôn Giả Xá Lợi Phất đáp: Tôn Giả Ma Ha Câu Hi La, thầy đuổi theo cái gì vậy, rốt cuộc rồi thầy cũng không thể đến chỗ tột cùng của các luận thuyết, đạt đến biên tế của chúng được. Nếu Thánh đệ tử đã đoạn trừ vô minh và phát sanh minh trí, thì đâu cần tìm cầu gì nữa.
Sau khi đàm đạo xong, hai vị Chánh Sĩ mỗi người trở về trú xứ của mình.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh độ Thế Phẩm - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Bốn Mươi Chín
Phật Thuyết Kinh đại Thừa đồng Tánh - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Bảy - Phẩm Thân Niệm Xứ - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Bốn - Bốn Pháp - Phẩm Hai - Phẩm Hành - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tam Muội Ngồi Thiền - Phần Ba - Pháp Môn Trị Ngu Si