Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Hai Mươi Hai - Phẩm Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý đức Vương Bồ Tát - Phần Bảy

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương  

PHẨM HAI MƯƠI HAI

PHẨM QUANG MINH BIẾN CHIẾU

CAO QUÝ ĐỨC VƯƠNG BỒ TÁT  

PHẦN BẢY  

Bạch Thế Tôn! Nếu như vậy tại sao lại nói Bồ Tát được quả báo thanh tịnh, vì không thí, không báo nên gọi là thanh tịnh?

Này thiện nam tử! Nếu có người chẳng thấy bố thí cùng quả báo bố thí, nên biết rằng, người này chẳng gọi là phá giới tà kiến.

Này thiện nam tử! Nếu y theo nhị thừa nói rằng chẳng thấy bố thí cùng quả báo, đây gọi là phá giới tà kiến. Nếu nương Kinh Đại Niết Bàn này mà chẳng thấy bố thí cùng quả báo thời gọi là trì giới chánh kiến.

Đại Bồ Tát có niệm xứ khác lạ, do tu tập niệm xứ này nên chẳng thấy chúng sanh trì giới phá giới người thí người thọ và quả báo bố thí, nên được gọi là trì giới chánh kiến. Vì những nghĩa trên đây nên Đại Bồ Tát chẳng thấy phước điền và chẳng phải phước điền.

Thế nào gọi là thanh tịnh Cõi Phật?

Đại Bồ Tát tu hành Kinh Đại Niết Bàn vì vô thượng bồ đề vì độ chúng sanh, nên lìa tâm giết hại. Do căn lành này nguyện cùng tất cả chúng sanh đồng thành Phật, nguyện chúng sanh đặng thọ mạng dài lâu có thế lực lớn được thần thông lớn. Do sức thệ nguyện này, nên đời vị lai lúc Bồ Tát thành Phật, tất cả chúng sanh trong cõi nước được thọ mạng dài lâu có thế lực lớn và thần thông lớn.

Đại Bồ Tát tu hành Kinh Đại Niết Bàn, vì vô thượng bồ đề vì độ chúng sanh, nên lìa tâm trộm cướp. Đem căn lành này nguyện cùng tất cả chúng sanh, đồng thành Phật. Nguyện cõi nước thuần là bảy báu, chúng sanh đầy đủ vật cần dùng tùy theo ý muốn. Do sức thệ nguyện này, nên Đời vị lai lúc Bồ Tát thành Phật, cõi nước thuần là bảy báu, chúng sanh giàu đủ tùy ý tự tại.

Đại Bồ Tát tu hành Kinh Đại Niết Bàn, vì vô thượng bồ đề, vì độ chúng sanh, nên lìa tâm tham dục. Đem căn lành này nguyện cùng chúng sanh đồng thành Phật. Nguyện tất cả chúng sanh không có tham dục, sân khuể, ngu si, cũng không có người đói khát khổ não. Do sức thệ nguyện này, nên đời vị lai lúc Bồ Tát thành Phật chúng sanh trong cõi nước xa lìa tâm tham dục sân khuể, ngu si, không có người đói khát khổ não.

Đại Bồ Tát tu hành Kinh Đại Niết Bàn vì vô thượng bồ đề vì độ chúng sanh nên lìa tâm vọng ngữ. Đem căn lành này nguyện tất cả chúng sanh cùng thành Phật. Nguyện các cõi nước thường có cây bông, cây trái, cây mùi thơm, chúng sanh đều được tiếng nói tốt. Do sức thệ nguyện này nên đời vị lai lúc Bồ Tát thành Phật, cõi nước thường có cây bông, cây trái, cây mùi thơm chúng sanh đều được tiếng nói tốt thanh tịnh.

Đại Bồ Tát tu hành Kinh Đại Niết Bàn vì vô thượng bồ đề vì độ chúng sanh nên xa lìa tâm lưỡng thiệt. Đem căn lành này nguyện cùng tất cả chúng sanh đồng thành Phật. Nguyện các cõi nước tất cả chúng sanh thường hòa hiệp nhau, cùng nhau giảng nói chánh pháp. Do sức thệ nguyện này, nên đời vị lai lúc Bồ Tát thành Phật, tất cả chúng sanh trong cõi nước đều hòa hiệp nhau cùng nhau giảng luận pháp yếu.

Đại Bồ Tát tu hành Kinh Đại Niết Bàn, vì vô thượng bồ đề, vì độ chúng sanh nên xa lìa tâm ác khẩu. Đem căn lành này nguyện cùng tất cả chúng sanh đồng thành Phật, nguyện các cõi nước mặt đất bằng thẳng, không có sạn sỏi gai góc, chúng sanh đều có tâm bình đẳng. Do sức thệ nguyện này, nên đời vị lai lúc Bồ Tát thành Phật, cõi nước bằng thẳng không có sạn sỏi gai góc, tâm chúng sanh đều bình đẳng.

Đại Bồ Tát tu hành Kinh Đại Niết Bàn vì vô thượng bồ đề, vì độ chúng sanh nên lìa lời nói vô nghĩa. Đem căn lành này nguyện cùng tất cả chúng sanh đồng thành Phật. Nguyện chúng sanh không có khổ não. Do sức thệ nguyện này, nên đời vị lai lúc Bồ Tát thành Phật, tất cả chúng sanh trong cõi nước không có khổ não.

Đại Bồ Tát tu hành Kinh Đại Niết Bàn, vì vô thượng bồ đề vì độ chúng sanh nên xa lìa tâm tham lam tật đố. Đem căn lành này nguyện cùng tất cả chúng sanh đồng thành Phật. Nguyện chúng sanh không có tham lam tật đố, não hại, tà kiến. Do sức thệ nguyện này, nên đời vị lai lúc Bồ Tát thành Phật, chúng sanh trong cõi nước đều không có tâm tham lam, tật đố, não hại, tà kiến.

Đại Bồ Tát tu hành Kinh Đại Niết Bàn vì vô thượng bồ đề vì độ chúng sanh, nên xa lìa tâm não hại. Đem căn lành này nguyện cùng tất cả chúng sanh đồng thành Phật. Nguyện chúng sanh đồng tu tập đại từ đại bi, đặng bậc nhất tử. Do sức thệ nguyện này nên đời vị lai lúc Bồ Tát thành Phật, chúng sanh trong cõi nước đều tu tập đại từ đại bi, được bậc nhất tử.

Đại Bồ Tát tu hành Kinh Đại Niết Bàn vì vô thượng bồ đề vì độ chúng sanh nên xa lìa tà kiến đem căn lành này nguyện cùng tất cả chúng sanh đồng thành Phật. Nguyện chúng sanh đều được Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật. Do sức thệ nguyện này, nên đời vị lai lúc Bồ Tát thành Phật, chúng sanh trong cõi nước đều được thọ trì Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật, đây gọi là Bồ Tát tu hành thanh tịnh Cõi Phật.

Thế nào Đại Bồ Tát dứt trừ hữu dư?

hữu dư có ba thứ: Một là phiền não dư báo, hai là dư nghiệp, ba là dư hữu.

Nếu có chúng sanh quen gần tham dục, báo này thành thục phải đọa nơi địa ngục, ra khỏi địa ngục phải thọ thân súc sanh: Bồ câu, se sẻ v.v… các loài chim, cá trạch cùng khỉ, vượn cheo, nai v.v… nếu được làm người, thời phải thọ thân hoàng môn, phụ nữ, hai căn, không căn, dâm nữ.

Nếu được xuất gia thời phạm giới trọng ban đầu. Đây gọi là dư báo. Nếu có chúng sanh quen gần sân, khuể, báo này thành thục phải đọa địa ngục.

Ra khỏi địa ngục phải thọ thân súc sanh: Rắn độc, sư tử, cọp, sói, beo, gấu, mèo, chồn, ó, diều, v.v… Nếu được làm người thời đủ cả mười sáu nghiệp ác. Nếu được xuất gia thời phạm giới trọng thứ ba. Đây gọi là dư báo.

Nếu có chúng sanh quen gần ngu si, báo này thành thục sẽ đọa địa ngục.

Ra khỏi địa ngục phải thọ thân súc sanh: Voi, heo, bò, trâu, dê, rận, rệp, muỗi, ruồi, kiến, mối v.v… Nếu được làm người thời bị đui, điếc, câm, ngọng, lưng gù, tàn tật, thời không thể học tập. Nếu được xuất gia thời ưa phạm giới trọng. Đây gọi là dư báo. Nếu có người quen gần kiêu mạn, báo này thành thục sẽ đọa địa ngục.

Ra khỏi địa ngục thọ thân súc sanh: Lạc đà, lừa, ngựa, chó v.v… nếu được làm người thọ thân tôi tớ nghèo cùng ăn xin. Nếu được xuất gia thường bị chúng sanh khinh tiện, phạm giới thứ tư. Đây gọi là dư báo.

Như trên đây gọi là phiền não dư báo. Đại Bồ Tát do tu tập Kinh Đại Niết Bàn đều có thể trừ diệt.

Thế nào là dư nghiệp?

Tất cả nghiệp của phàm phu, nghiệp của Thanh Văn: Tu Đà Hoàn có nghiệp bảy lần thọ thân, Tư Đà Hàm có nghiệp hai lần thọ thân, A Na Hàm có nghiệp thọ thân cõi sắc, đây gọi là dư nghiệp. Đại Bồ Tát tu tập Kinh Đại Niết Bàn đều có thể dứt trừ những nghiệp dư này.

Thế nào là dư hữu?

A La Hán đặng quả A La Hán, Bích Chi Phật đặng quả Bích Chi Phật, không nghiệp, không kiết sử, mà còn hai quả, đây gọi là dư hữu. Đại Bồ Tát tu tập Kinh Đại Niết Bàn đều có thể trừ ba thứ hữu dư trên đây, nên gọi là Đại Bồ Tát diệt trừ hữu dư.

Thế nào là Bồ Tát tu thân thanh tịnh?

Đại Bồ Tát tu giới bất sát có năm thứ tâm: Hạ, trung, thượng, thượng thượng, thượng trung thượng, nhẫn đến chánh kiến cũng lại như vậy. Năm mươi tâm này gọi là sơ phát tâm. Quyết định đầy đủ thành tựu năm mươi tâm này đây gọi là viên mãn. Một trăm tâm như vậy gọi là một trăm phước đức. Đầy đủ một trăm phước làm thành một tướng tốt. Lần lượt đầy đủ thành tựu ba mươi hai tướng tốt, thời gọi là thân thanh tịnh.

Sở dỉ lại tu tám mươi vẻ đẹp, vì trong đời có chúng sanh phụng thờ tám mươi vị Thiên Thần: Thập nhị nhật Thần, mười hai vị Trời lớn, năm ngôi sao lớn, sao Bắc Đẩu, Mã Thiên, Hành Đạo Thiên, Bà La Đọa Bạt Xà Thiên, Công Đức Thiên, Nhị Thập Bát Tú, Địa Thiên, Phong Thiên, Thủy Thiên, Hỏa Thiên, Phạm Thiên, Lâu Đà Thiên, Nhân Đề Thiên, Câu Ma La Thiên, Bát Tý Thiên, Ma Hê Thủ La Thiên, Bàn Xà La Thiên, Qủi Tử Mẫu Thiên, Tứ Thiên Vương Thiên, Tạo Thơ Thiên, Bà Tẩu Thiên, đây gọi là tám mươi.

Vì những chúng sanh này mà Bồ Tát tu tập tám mươi vẻ đẹp để trang nghiêm nơi thân. Đây gọi là Bồ Tát tu thân thanh tịnh.

Vì tám mươi Thiên Thần này được chúng sanh kính trọng, nên Bồ Tát tu tập tám mươi vẻ đẹp, thân thể không đổi dời, làm cho chúng sanh tùy theo lòng tin, đều được thấy, sanh lòng tôn kính mà phát tâm vô thượng bồ đề.

Ví như có người muốn thỉnh Quốc Vương, thời phải sửa sang trần thiết nhà cửa cho thật sạch sẽ khéo léo, sắm đủ trăm thứ thực phẩm thơm ngon rồi sau mới rước Quốc Vương ngự đến nhà.

Cũng vậy, Đại Bồ Tát muốn thỉnh đấng Pháp Vương vô thượng bồ đề, thời phải trước tu thân cho thật thanh tịnh, rồi sau Pháp Vương mới đến ngự.

Ví như có người muốn uống chất Cam Lộ thời phải trước rửa thân thật sạch. Cũng vậy, Đại Bồ Tát muốn uống pháp vị vô thượng bát nhã Ba La Mật, trước phải tu tám mươi vẻ đẹp để trang nghiêm nơi thân.

Ví như đem bình vàng, chậu bạc đựng nước trong sạch thời cả trong lẫn ngoài đều trong sạch. Cũng vậy, Đại Bồ Tát dùng thân thanh tịnh chứa vô thượng bồ đề, thời trong ngoài đều thanh tịnh.

Như y trắng Ba La Nại dễ ăn màu thuốc nhuộm, vì chất y vốn trắng sạch. Cũng vậy, Đại Bồ Tát do thân thanh tịnh nên mau thành vô thượng bồ đề.

Do nghĩa này nên Đại Bồ Tát tu thân thanh tịnh, thế nào là Bồ Tát khéo biết các duyên?

Đại Bồ Tát chẳng thấy sắc tướng, chẳng thấy sắc duyên, chẳng thấy sắc thể, chẳng thấy sắc sanh, chẳng thấy sắc diệt, chẳng thấy một tướng, chẳng thấy nhiều tướng, chẳng thấy người thấy, chẳng thấy tướng mạo, chẳng thấy người thọ, vì đã rõ nhân duyên. Như đối với sắc, tất cả pháp cũng như vậy. Đây gọi là Bồ Tát rõ biết các duyên.

Thế nào là Bồ Tát lìa các thù địch?

Bậc Ngũ Trụ Bồ Tát chẳng xem phiền não là oán thù. Vì do phiền não mà Bồ Tát có thọ sanh, do thọ sanh nên có thể xoay vần giáo hoá chúng sanh.

Những gì là oán thù đối với Bồ Tát?

Chính là kẻ hủy báng Kinh Điển Đại Thừa. Bồ Tát thọ sanh không sợ địa ngục, súc sanh, ngạ quỉ, chỉ sợ kẻ hủy báng Kinh Điển Đại Thừa. Có tám thứ ma là oán thù của Bồ Tát, xa lìa được tám thứ ma này thời gọi là lìa thù địch.

Thế nào là Bồ Tát xa lìa hai bên?

Hai bên là hai mươi lăm cõi và ái phiền não. Bồ Tát luôn xa lìa hai mươi lăm cõi cùng ái phiền não. Đây gọi là Đại Bồ Tát tu hành Kinh Đại Niết Bàn thành tựu đầy đủ phần công đức thứ tư.

Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch Phật: Thế Tôn!

Như lời Đức Phật vừa nói: Nếu Bồ Tát tu hành Kinh Đại Niết Bàn thời thành tựu mười công đức như vậy.

Cớ sao Đức Như Lai chỉ tu có chín điều mà không Tu Tịnh Độ?

Phật nói: Này thiện nam tử! Từ xưa ta thường tu tập đủ cả mười điều. Tất cả Đại Bồ Tát cùng tất cả Như Lai không có ai là chẳng tu tập trọn cả mười điều như vậy. Giả sử Thế Giới đầy dẫy nhơ uế, không bao giờ Như Lai xuất hiện nơi ấy.

Này thiện nam tử! Ông chớ cho rằng Chư Phật xuất hiện nơi Thế Giới nhơ uế. Nên biết rằng tâm tưởng như vậy là kém hẹp chẳng tốt. Ông nên biết rằng thiệt ra ta không có xuất hiện nơi Diêm Phù Đề.

Như có người nói riêng cõi này có mặt nhật, mặt nguyệt, cõi khác không có. Lời nói này không có nghĩa lý. Nếu có Bồ Tát nói cõi này nhơ uế xấu xa, cõi khác thanh tịnh xinh đẹp đây cũng là lời không có nghĩa lý.

Này thiện nam tử! Về phương Tây, cách cõi Ta Bà này bốn mươi hai hằng hà sa Cõi Phật, có thế giới tên là Vô Thắng, những sự trang nghiêm xinh đẹp trong cõi đó đều bình đẳng, như cõi Cực Lạc, như cõi Mãn Nguyệt. Hiện tại ta xuất hiện trong cõi Vô Thắng đó. Vì hoá độ chúng sanh nên ta thị hiện chuyển pháp luân nơi Diêm Phù Đề này.

Chẳng phải riêng gì thân ta thị hiện chuyển pháp luân nơi cõi này, mà tất cả Chư Phật cũng chuyển pháp luân trong cõi này. Do nghĩa này nên Chư Phật đều tu đủ cả mười điều như vậy.

Này thiện nam tử! Do thệ nguyện, nên đời đương lai, Từ Thị Bồ Tát làm cho cõi này trở thành thanh tịnh trang nghiêm. Do nghĩa này nên tất cả Thế Giới của Chư Phật đều thanh tịnh trang nghiêm.

Này thiện nam tử! Thế nào là Đại Bồ Tát tu hành Kinh Đại Niết Bàn, thành tựu đầy đủ phần công đức thứ năm?

Nơi đây có năm điều công đức.

Một là nơi thân các căn đều trọn vẹn.

Hai là chẳng sanh chốn biên địa.

Ba là chư Thiên Thần mến tưởng.

Bốn là thường được chư Thiên, Ma Vương, Sa Môn, Bà La Môn v.v… cung kính, năm là được trí túc mạng. Do năng lực Kinh Đại Niết Bàn mà Bồ Tát đồng đủ năm công đức như vậy.

Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch Phật: Thế Tôn!

Ngày trước Phật dạy: Nếu có người bố thí thời được năm công đức.

Sao nay Như Lai lại bảo nhân Kinh Đại Niết Bàn mà đặng năm công đức?

Phật nói: Lành thay! Lành thay! Này thiện nam tử! Các công đức ấy đều có nghĩa sai khác. Nay ta sẽ vì ông mà giảng nói. Năm điều công đức do bố thí mà được là không định, không thương, không tịnh, không thắng, không lạ, không phải vô lậu, không thể lợi ích an lạc xót thương tất cả chúng sanh.

Nếu là năm điều công đức do y theo Kinh Đại Niết Bàn mà được thời là định, là thường, là tịnh, là thắng, là lạ, là vô lậu, có thể lợi ích an lạc xót thương tất cả chúng sanh.

Này thiện nam tử! Xét về người bố thí thời xa lìa đói khát. Kinh Đại Niết Bàn có thể làm cho chúng sanh đều được xa lìa bệnh khát ái trong hai mươi lăm cõi. Do nơi bố thí làm cho sanh tử nối luôn, Kinh Đại Niết Bàn có thể làm cho sanh tử phải dứt. Nhân bố thí nên thọ lấy pháp phàm phu, nhân Kinh Đại Niết Bàn mà được pháp Bồ Tát.

Do bố thí nên dứt được sự nghèo cùng khổ não, Kinh Đại Niết Bàn có thể dứt tất cả sự nghèo thiếu về pháp. Do bố thí mà có phần, có quả, do Kinh Đại Niết Bàn mà được vô thượng bồ đề không phần không quả. Đây gọi là Bồ Tát tu hành Kinh Đại Niết Bàn thành tựu đầy đủ phần công đức thứ năm.

Thế nào là Bồ Tát tu hành Kinh Đại Niết Bàn thành tựu đầy đủ phần công đức thứ sáu?

Đại Bồ Tát tu hành Kinh Đại Niết Bàn được Kim Cang tam muội. An trụ trong chánh định này thời phá tan được tất cả pháp.

Thấy tất cả pháp đều là vô thường, đều là tướng lay động, là nhân duyên của sự khủng bố, bệnh khổ, cướp trộm, niệm niệm dứt hoại không chân thiệt. Tất cả đều là cảnh giới của ma, không có tướng đáng thấy.

Đại Bồ Tát an trụ trong tam muội này, nhẫn đến không thấy một chúng sanh thiệt. Vì chúng sanh mà Bồ Tát tinh cần tu tập Thi La Ba la mật, nhẫn đến bát nhã Ba la mật.

Nếu Bồ Tát còn thấy có một chúng sanh thời không thể rốt ráo đầy đủ Đàn Ba la mật nhẫn đến bát nhã Ba la mật.

Này thiện nam tử! Ví như vật gì bị chất Kim Cang dóa đập thời đều bể tan, mà chất Kim Cang này không hề hư tổn. Cũng vậy, pháp gì bị Kim Cang tam muội chiếu đến thời đều nát rã, mà tam muội này không hề hao tổn.

Trong các thứ châu báu, chất Kim Cang là hơn tất cả. Cũng vậy, trong các tam muội, Kim Cang tam muội là thứ nhất. Vì Bồ Tát tu tập tam muội này thời tất cả tam muội đều đến quy thuộc.

Như các Vua chúa nhỏ đều đến quy thuộc Chuyển Luân Thánh Vương, tất cả chánh định đều đến quy thuộc Kim Cang tam muội.

Ví như có người là kẻ thù địch của quốc gia mọi người đều nhàm ghét, ai giết được người này thời cả nước đều ngợi khen công lao.

Cũng vậy, Bồ Tát tu tập Kim Cang tam muội có thể phá hoại oán thù của tất cả chúng sanh, thế nên thường được tất cả tam muội tôn kính.

Ví như có người mạnh mẽ không ai cự lại, nếu có người thắng được người này thời được người đời khen tặng. Cũng vậy, Kim Cang tam muội có sức phá dẹp những pháp khó phá, nên được tất cả tam muội đến quy thuộc.

Như người đến tắm nơi biển lớn, phải biết rằng người này đã dùng nước của các sông ngòi suối ao. Cũng vậy, Bồ Tát tu tập Kim Cang tam muội, thời là đã tu tập tất cả tam muội khác.

Như trong Hương Sơn có một suối nước tên A Na Bà Đạp Đa, người nào được uống nước suối này thời không có những bệnh hoạn, vì nước suối này đủ tám vị.

Cũng vậy, Kim Cang tam muội đủ tám chánh đạo, Bồ Tát tu tập tam muội này thời dứt sạch những bệnh nặng phiền não tội lỗi.

Như người cúng dường Trời Ma Hê Thủ La, thời là đã cúng dường tất cả Chư Thiên. Cũng vậy, người tu tập Kim Cang tam muội thời là đã tu tập tất cả tam muội khác.

Này thiện nam tử! Nếu Bồ Tát an trụ trong Kim Cang tam muội thời thấy tất cả pháp không bị chướng ngại, như xem trái A Ma Lặc trong bàn tay. Bồ Tát này dầu được thấy như vậy, nhưng trọn không có quan niệm là thấy tất cả pháp.

Như có người ngồi nơi ngã tư đường, thấy mọi người đi, đứng, ngồi, nằm. Cũng vậy, Bồ Tát an trụ Kim Cang tam muội thời thấy sự sanh diệt mọc lặn của tất cả pháp.

Như người lên núi cao trông xa thấy rõ tất cả cảnh vật. Cũng vậy, Bồ Tát lên núi Kim Cang chánh định thời thấy rõ tất cả pháp.

Như mùa xuân, trời mưa láy pháy, giọt mưa li ti không có chỗ hở trống, người mắt sáng thời thấy rõ ràng. Cũng vậy, Bồ Tát đặng mắt thanh tịnh Kim Cang tam muội, thấy rõ những Thế Giới thành hoại ở mười phương, không chướng ngại.

Như do núi Càn Đà, bảy mặt trời đồng mọc, bao nhiêu cây cối nơi núi ấy đều cháy cả. Cũng vậy, Bồ Tát tu tập Kim Cang tam muội thời bao nhiêu rừng rậm phiền não liền tiêu diệt.

Như chất Kim Cang dầu có thể phá nát tất cả vật, nhưng trọn không có quan niệm rằng ta hay phá nát. Cũng vậy, Bồ Tát tu tập Kim Cang tam muội có thể phá phiền não mà trọn chẳng có quan niệm niệm rằng ta hay phá hoại phiền não.

Như quả đất có thể giữ gìn muôn vật nhưng trọn chẳng có quan niệm rằng sức ta có thể giữ gìn. Lửa cũng chẳng nghĩ rằng ta hay đốt cháy. Nước cũng chẳng nghĩ rằng ta hay thấm nhuần. Gió cũng chẳng nghĩ rằng ta hay thổi động.

Hư Không cũng chẳng nghĩ rằng ta hay dung chứa. Niết Bàn cũng chẳng nghĩ rằng ta làm cho chúng sanh đặng diệt độ. Cũng vậy, Kim Cang tam muội dầu có thể diệt trừ tất cả phiền não, nhưng vẫn không nghĩ rằng ta hay diệt trừ.

Nếu có Bồ Tát an trụ nơi Kim Cang tam muội này, trong khoảng một niệm biến vô lượng thân như Phật, khắp cả hằng hà sa Thế Giới ở mười phương, dầu biến hoá như vậy nhưng Bồ Tát vẫn không có lòng kiêu mạn.

Vì Bồ Tát thường nghĩ rằng: Ai có chánh định này và biến hoá được như vậy?

Chỉ có Bồ Tát an trụ Kim Cang tam muội này mới có thể biến hóa như vậy. Bồ Tát này trong một niệm đi khắp hằng hà sa thế giới ở mười phương rồi trở về bổn xứ, dầu có thần lực như vậy nhưng cũng chẳng nghĩ rằng ta được thần lực ấy đó là do sức của Kim Cang tam muội.

Bồ Tát này lại ở trong một niệm có thể dứt những phiền não của chúng sanh trong hằng hà sa Thế Giới ở mười phương, mà vẫn không có quan niệm rằng ta hay dứt phiền não của chúng sanh, đó là do sức Kim Cang tam muội.

Bồ Tát này dùng một tiếng nói để thuyết pháp làm cho tất cả chúng sanh riêng theo loài của mình mà đặng hiểu rõ, lại thị hiện một sắc thân mà làm cho tất cả chúng sanh đều riêng thấy sắc thân riêng khác.

Bồ Tát ở an một chỗ thân không dời đổi mà có thể làm cho chúng sanh theo chỗ ở của nó đều đặng thấy Bồ Tát diễn nói một pháp: Hoặc giới, hoặc nhập, mà tất cả chúng sanh đều riêng theo chỗ đã hiểu biết mà đặng nghe đó. 

Bồ Tát an trụ Kim Cang tam muội dầu thấy chúng sanh mà vẫn không có tướng chúng sanh, dầu thấy nam nữ nhưng không tướng nam nữ, dầu thấy sắc thọ vị nhưng không có tướng sắc thọ vị, dầu thấy ngày đêm mà không có tướng ngày đêm, dầu thấy tất cả pháp nhưng không có tướng tất cả pháp.

Dầu thấy tất cả phiền não kiết sử cũng không có tướng tất cả phiền não, dầu thấy tám Thánh đạo mà không có tướng tám Thánh đạo, dầu thấy bồ đề thấy Niết Bàn nhưng không có tướng bồ đề, Niết Bàn, vì tất cả pháp vốn không có tướng. Bồ Tát này do sức Kim Cang tam muội nên thấy tất cả pháp bổn lai không có tướng.

Này thiện nam tử! Thế nào gọi là Kim Cang tam muội?

Như chất Kim Cang nếu ở trong ánh nắng thời màu sắc chẳng nhất định. Cũng vậy, Kim Cang tam muội ở trong đại chúng cũng chẳng nhất định, vì thế nên gọi là Kim Cang tam muội.

Như chất Kim Cang tất cả người đời không thể bình luận giá cả. Cũng vậy, Kim Cang tam muội có bao nhiêu công đức tất cả Trời người không thể nghĩ lường được, do đây nên lại gọi là Kim Cang tam muội.

Như người nghèo đặng báu Kim Cang thời hết nghèo cùng khốn khổ, lại khỏi ác quỷ tà độc. Cũng vậy, Đại Bồ Tát được tam muội này thời có thể dứt hết phiền não khổ hoạn xa lìa các ma tà độc, do đây nên gọi là Kim Cang tam muội. Đây gọi là Bồ Tát tu hành Kinh Đại Niết Bàn thành tựu đầy đủ phần công đức thứ sáu.

Thế nào là Đại Bồ Tát tu hành Kinh Đại Niết Bàn thành tựu đầy đủ phần công đức thứ bảy?

Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát này nghĩ rằng: Pháp gì có thể làm nhân duyên gần với Đại Niết Bàn?

Bồ Tát này liền biết có bốn điều:

Làm nhân duyên gần, nếu rời bốn pháp này thời không thể được Đại Niết Bàn: Vì thế nên nói rằng siêng tu tất cả khổ hạnh mà được Đại Niết Bàn, thời không đúng.

Đây là bốn điều:

Một là gần gũi bạn lành.

Hai là chuyên tâm nghe pháp.

Ba là nhiếp niệm tư duy.

Bốn là tu hành đúng pháp.

Như có người mang bệnh: Hoặc nóng, hoặc lạnh, hư lao, các tà quỷ độc, người bệnh này, tìm đến lương y, lương y liền theo bệnh cho thuốc. Người bệnh này hết lòng y theo lời chỉ dẫn của lương y, uống thuốc đúng cách, bệnh được lành, thân được an.

Người bệnh dụ cho Bồ Tát. Lương y dụ cho thiện tri thức. Phương thuốc của lương y nói dụ cho Kinh Đại Thừa. Y theo lời chỉ dẫn của lương y dụ cho khéo suy nghĩ nghĩa lý của Kinh Đại Thừa.

Hiệp thuốc uống đúng cách dụ cho tu hành đúng pháp. Bịnh lành dụ cho dứt hết phiền não. Thân an dụ cho đặng Niết Bàn thường, lạc, ngã, tịnh.

Ví như có Quốc Vương muốn cai trị đúng pháp, làm cho nhân dân được an vui, nhà Vua hỏi cách cai trị nơi các quan. Các quan bèn đem cách thức của Tiên Vương tâu với Quốc Vương.

Quốc Vương liền chí tâm tin tưởng thật hành theo, đúng như pháp cai trị nước nhà, làm cho cả nước không giặc cướp, nhân dân an vui. Quốc Vương dụ cho Bồ Tát, các quan dụ cho bạn lành.

Cách thức cai trị của các quan tâu dụ cho mười hai Bộ Kinh. Quốc Vương hết lòng tin tưởng thật hành dụ cho Bồ Tát nhiếp tâm tư duy nghĩa lý của mười hai Bộ Kinh.

Quốc Vương cai trị đúng pháp dụ cho Bồ Tát tu hành đúng theo sáu môn Ba la mật. Cả nước không giặc cướp dụ cho Bồ Tát đã lìa phiền não kiết sử. Nhân dân được an vui dụ cho Bồ Tát chứng được Đại Niết Bàn thường, lạc, ngã, tịnh.

Như có người bị bệnh phong hủi, có trí thức bảo rằng: Nếu ông đến được bên núi Tu Di thời bệnh có thể lành. Vì nơi đó có vị thuốc hay như Cam Lộ, uống được thuốc đó thời bệnh gì cũng lành. Người bệnh tin theo lời đi đến bên núi hái lấy thuốc Cam Lộ mà uống, tật bệnh liền hết, thân được an vui. Người bệnh dụ cho phàm phu.

Trí thức dụ cho Đại Bồ Tát. Tin theo lời bảo dụ cho bốn tâm vô lượng. Núi Tu Di dụ tám Thánh Đạo. Vị thuốc Cam Lồ dụ cho Phật Tánh. Bịnh hủi được lành dụ lìa phiền não. Đặng an vui dụ đặng Niết Bàn thường, lạc, ngã, tịnh.

Ví như có người nuôi những đệ tử thông minh trí huệ, ngày đêm người này luôn dạy dỗ chẳng biết mõi. Bồ Tát cũng như vậy, tất cả chúng sanh hoặc tin, hoặc chẳng tin, Bồ Tát luôn giáo hóa không biết nhàm mõi.

Này thiện nam tử! Thiện tri thức là nói Chư Phật Bồ Tát và hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật, cùng những người tin Kinh Đại Thừa.

Thế nào gọi là thiện tri thức?

Hàng thiện tri thức có thể chỉ dạy cho chúng sanh xa lìa mười điều ác, tu hành mười điều lành, do nghĩa này nên gọi là thiện tri thức.

Lại hàng thiện tri thức lời nói đúng như pháp thật hành đúng như lời nói, chính là tự mình chẳng sát sanh cũng bảo người chẳng sát sanh, nhẫn đến tự mình có chánh kiến, cũng đem chánh kiến dạy cho người.

Nều có thể được như đây thời gọi là chân thiệt thiện tri thức. Tự mình tu tập bồ đề cũng có thể dạy người tu hành bồ đề. Tự mình tu hành chánh tín, trì giới, bố thí, đa văn, trí huệ, cũng có thể dạy người như vậy, do đây nên gọi là thiện tri thức.

Này thiện nam tử! Hàng thiện tri thức có thiện pháp.

Những gì là thiện pháp?

Những việc của mình thật hành chẳng mong cầu tự vui, mà thường vì chúng sanh cầu an vui, thấy người khác có lỗi không rao nói, miệng thường tuyên nói những việc thuần thiện, do đây nên gọi là thiện tri thức.

Này thiện nam tử! Như mặt trăng từ đêm mùng một đến đêm rằm lần lần thêm lớn đầy đủ. Cũng vậy, thiện tri thức làm cho những người học đạo lần lần xa lìa pháp ác, thêm lớn pháp lành.

Nếu người gần gũi thiện tri thức, từ trước chưa có giới định huệ giải thoát, giải thoát tri kiến nay bèn có đó, người chưa đầy đủ thời được thêm rộng, do vì gần gũi thiện tri thức.

Sự gần gũi này làm cho người lại được rõ thấu nghĩa sâu của mười hai Bộ Kinh. Nếu có thể chăm nghe nghĩa sâu của mười hai Bộ Kinh thời gọi là thính pháp.

Nghe Kinh Đại Thừa thời gọi là chân thật thính pháp. Chân thật thính pháp chính là nghe Kinh Đại Niết Bàn, nghe có Phật Tánh, Như Lai rốt ráo chẳng nhập Niết Bàn, do đây nên gọi là chuyên tâm thính pháp.

Chuyên tâm thính pháp gọi là tám Thánh đạo, do tám Thánh đạo có thể dứt tham dục, sân khuể, ngu si, nên gọi là thính pháp.

Xét về người thính pháp gọi là mười một pháp không, do pháp không này đối với tất cả pháp chẳng thấy có tướng mạo.

Xét về người thính pháp gọi là sơ phát tâm nhẫn đến rốt ráo tâm vô thượng bồ đề, nhân nơi sơ tâm mà đặng Đại Niết Bàn, chẳng phải do nghe pháp mà đặng Đại Niết Bàn. Chính là do tu tập nên chứng Đại Niết Bàn.

Như người bệnh dầu nghe lời chỉ dẫn của lương y cùng tên của món thuốc nhưng chẳng thể lành bệnh, phải do uống thuốc bệnh mới được lành.

Dầu nghe mười hai nhân duyên nhưng chẳng thể dứt được tất cả phiền não, cần phải nhiếp niệm khéo tư duy mới dứt được phiền não. Đây gọi là pháp nhiếp niệm tư duy thứ ba.

Lại do nghĩa gì gọi là nhiếp niệm tư duy?

Đây là nói ba môn tam muội: Không tam muội, vô tướng tam muội, vô tác tam muội. Không là đối với hai mươi lăm cõi chẳng thấy một cõi nào là có thật. Vô tác là đối với hai mươi lăm cõi chẳng mong cầu.

Vô tướng là không có mười tướng, chính là không có sắc tướng, thinh tướng, hương tướng, vị tướng, xúc tướng, sanh tướng, trụ tướng, diệt tướng, nam tướng, nữ tướng. Tu tập ba môn tam muội như vậy thời gọi là Bồ Tát nhiếp niệm tư duy.

Thế nào gọi là tu hành đúng pháp?

Chính là tu hành Đàn Ba la mật nhẫn đến bát nhã Ba la mật, biết tướng chân thật của ấm nhập giới, cũng biết Thanh Văn, Duyên Giác Chư Phật đồng một đạo mà nhập Niết Bàn, chính là thường, lạc, ngã, tịnh, chẳng sanh già, bệnh, chết, chẳng đói khát, khổ não, chẳng thối chuyển chẳng hư mất.

Này thiện nam tử! Người hiểu nghĩa sâu của Đại Niết Bàn, thời biết Chư Phật trọn chẳng rốt ráo nhập Niết Bàn.

Này thiện nam tử! Bậc thiện tri thức chân thật thứ nhất là Bồ Tát và Chư Phật, vì bậc này thường dùng ba pháp khéo điều ngự: Một là lời nói hoàn toàn dịu hòa, hai là hoàn toàn quở trách, ba là dịu hòa cùng quở trách. Do đây nên Bồ Tát và Chư Phật là bậc thiện tri thức chân thật. Phật và Bồ Tát là bậc Đại Lương Y nên gọi là thiện tri thức, vì biết bệnh, biết thuốc, cho thuốc đúng bệnh.

Ví như lương y thông thạo tám môn trị bệnh xem bệnh có ba tướng: Phong, nhiệt, hàn. Người bệnh phong cho uống thuốc dầu tô, người bệnh nhiệt cho uống thuốc thạch mật, người bệnh hàn cho uống nước gừng. Do biết gốc bệnh cho thuốc được lành nên gọi là lương y.

Cũng vậy, Chư Phật và Bồ Tát biết phàm phu có ba thứ bệnh: Tham dục, sân khuể, ngu si. Người tham dục dạy quán tướng xương trắng, người sân khuể dạy quán từ bi, người ngu si dạy quán mười hai nhân duyên. Do đây nên Chư Phật và Bồ Tát gọi là thiện tri thức.

Như thuyền chủ vì giỏi đưa người nên gọi là đại thuyền chủ. Cũng vậy, Chư Phật và Bồ Tát đưa chúng sanh khỏi biển sanh tử nên gọi là thiện tri thức.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần