Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Phù Di

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:01 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống  

KINH PHÙ DI

 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca Lan Đà, thành Vương Xá. Bấy giờ Tôn Giả Tỳ Kheo Phù Di ở tại núi Kỳ Xà Quật. Lúc ấy có một số đông chúng xuất gia ngoại đạo đến chỗ Tôn Giả Phù Di, cùng chào hỏi và chúc tụng nhau.

Sau khi chào hỏi và chúc tụng nhau, rồi ngồi qua một bên, nói với Tôn Giả Phù Di: Chúng tôi có điều muốn hỏi, Tôn Giả có rảnh thì giờ giải đáp cho không?

Tôn Giả Phù Di bảo các xuất gia ngoại đạo: Tùy theo những gì các vị hỏi, tôi sẽ trả lời các vị.

Lúc ấy, chúng xuất gia ngoại đạo hỏi Tôn Giả Phù Di: Khổ lạc có phải là do tự tác không?

Tôn Giả Phù Di đáp: Này các vị xuất gia ngoại đạo, nói khổ lạc là do tự tác. Điều này Đức Thế Tôn bảo, ta không khẳng định.

Lại hỏi: Khổ lạc có phải là do tha nhân tác không?

Đáp: Khổ lạc là do tha nhân tác. Điều này Đức Thế Tôn bảo ta không khẳng định.

Lại hỏi: Khổ lạc có phải là do vừa tự vừa tha nhân tác không?

Đáp: Khổ lạc là do vừa tự vừa tha nhân tác.

Những điều này Đức Thế Tôn bảo: Ta không khẳng định.

Lại hỏi: Khổ lạc có phải là chẳng phải vừa tự vừa tha nhân tác, mà vô nhân tạo không?

Đáp: Khổ lạc là chẳng vừa tự vừa tha nhân tác, mà vô nhân tạo, những điều này Đức Thế Tôn bảo: Ta không khẳng định.

Chúng xuất gia ngoại đạo lại hỏi: Thế nào, Tôn Giả Phù Di, khi chúng tôi hỏi có phải khổ lạc là do tự tác. Thì bảo là không khẳng định. Khi hỏi khổ lạc có phải do tha nhân tác, thì bảo rằng không khẳng định.

Khi hỏi khổ lạc có phải là do vừa tự vừa tha nhân tác, thì bảo rằng không khẳng định. Khi hỏi khổ lạc có phải là chẳng vừa tự vừa tha nhân tác, mà vô nhân tạo, thì bảo rằng không khẳng định. 

Vậy hiện tại Sa Môn Cù Đàm nói khổ lạc được sanh ra như thế nào?

Tôn Giả Phù Di đáp: Này chúng xuất gia ngoại đạo, Đức Thế Tôn bảo khổ lạc được sanh ra từ duyên khởi. Lúc ấy chúng xuất gia ngoại đạo nghe những gì Tôn Giả Phù Di nói, tâm không hoan hỷ, chỉ trích, rồi bỏ ra đi. 

Bấy giờ, Tôn Giả Xá Lợi Phất ở cách chỗ Tôn Giả Phù Di không xa, đang ngồi dưới bóng cây. Lúc ấy Tôn Giả Phù Di biết chúng xuất gia ngoại đạo đã đi rồi, mới đến chỗ Tôn Giả Xá Lợi Phất, hai vị cùng chào hỏi và chúc tụng nhau.

Sau khi chúc tụng rồi, Tôn Giả đem những câu hỏi của chúng xuất gia ngoại đạo trình lại đầy đủ cho Tôn Giả Xá Lợi Phất: Tôi đã giải đáp như vậy, không mắc tội hủy báng Đức Thế Tôn chăng?

Nói như thuyết chăng?

Nói như pháp chăng?

Nói tùy thuận pháp, hành pháp chăng?

Không bị những người khác nhân nơi luận pháp đến nạn vấn chỉ trích chăng?

Tôn Giả Xá Lợi Phất nói: Này Tôn Giả Phù Di, những điều thầy nói là đúng như lời Phật dạy, không hủy báng Như Lai, nói như những gì Phật đã nói, nói như pháp, pháp hành, pháp thuyết, không bị những người khác nhân nơi luận nghĩa, mà đến cật vấn, quở trách.

Vì sao?

Vì Đức Thế Tôn dạy khổ lạc được sanh ra từ duyên khởi. Tôn Giả Phù Di, những gì các Sa Môn, Bà La Môn kia hỏi về khổ lạc là do tự tác, điều này cũng sanh ra từ duyên khởi.

Nếu bảo rằng chúng không sanh ra từ duyên khởi, điều này không thể có được. Khổ lạc là do tha nhân tác, do tự tha tác, cũng chẳng phải do tự chẳng phải do tha tác, hay bảo là vô duyên tạo, chúng cũng đều sanh ra từ duyên khởi.

Nếu bảo không phải sanh ra từ duyên khởi, điều này không thể có được. Tôn Giả Phù Di, những gì mà các Sa Môn, Bà La Môn kia nói về khổ lạc là do tự tác, chúng cũng duyên xúc mà sanh ra.

Nếu bảo là chúng không sanh ra từ xúc, điều này không thể có được. Khổ lạc là do tha tạo, là do tự tha nhân tác, do tự tha tác, cũng chẳng phải do tự chẳng phải do tha tác, vô nhân tác, chúng cũng duyên vào xúc mà sanh ra. Nếu bảo không phải sanh ra từ xúc, điều này không thể có được.

Bấy giờ, Tôn Giả A Nan đang ngồi dưới bóng cây cách Tôn Giả Xá Lợi Phất không xa, nghe Tôn Giả Xá Lợi Phất cùng Tôn Giả Phù Di bàn luận những việc như vậy.

Sau khi nghe, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem những lời bàn luận giữa Tôn Giả Xá Lợi Phất cùng Tôn Giả Phù Di bạch một cách đầy đủ lên Đức Thế Tôn.

Phật bảo A Nan: Lành thay! Lành thay! A Nan, Tôn Giả Xá Lợi Phất có người đến hỏi, đã có thể tùy thời mà đáp.

Lành thay! Vì Xá Lợi Phất là người có trí ứng phó kịp thời, nên có người đến hỏi, liền có thể tùy thời mà giải đáp. Hàng Thanh Văn của ta nếu gặp có người hỏi, thì cũng nên tùy thời mà đáp như cách Xá Lợi Phất đã nói.

Này A Nan, trước đây khi ta ở trong núi tại Tiên Nhân trú xứ, thành Vương Xá, bấy giờ có chúng xuất gia ngoại đạo đã đem ý vị như vậy, văn cú như vậy, nghĩa lý như vậy đến hỏi Ta.

Ta vì họ mà đem ý vị thế này, văn cú thế này, nghĩa lý thế này nói cho họ, giống như những gì Tôn Giả Xá Lợi Phất đã nói.

A Nan, nếu các Sa Môn, Bà La Môn cho rằng khổ lạc là do tự tác, ta liền đến hỏi họ: Thật sự các vị có nói khổ lạc là do tự tác không?

Họ đáp: Tôi nói như vậy.

Ta liền nói với họ: Các vị có thể chấp chặt lấy nghĩa này cho đây là chân thật, còn những gì khác đều là ngu dối. ta không chấp nhận như vậy.

Vì sao?

Vì ta nói sự sanh khởi của khổ lạc khác hẳn với điều này.

Nếu họ hỏi ta: Cù Đàm nói sự sanh khởi của khổ lạc là khác như thế nào?

Ta đáp: Khổ lạc sanh ra từ duyên khởi.

Cũng vậy nếu họ nói: Khổ lạc là do tha nhân tác, do tự tha tác, chẳng phải do tự, chẳng phải do tha, vô nhân tạo, ta cũng đến chỗ họ nói như trên.

Tôn Giả A Nan bạch Phật: Như nghĩa lý Thế Tôn vừa nói, con đã hiểu. Có sanh nên có già chết, chẳng phải duyên nào khác mà có sanh nên có già chết. Cho đến vì vô minh nên có hành, chẳng phải duyên nào khác mà có vô minh nên có hành. Nếu vô minh diệt thì hành diệt, cho đến sanh diệt thì già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não cũng diệt. Và thuần một khối khổ lớn diệt.

Phật nói Kinh này xong, Tôn Giả A Nan nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường