Phật Thuyêt Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Mười Chín - Phẩm Thánh Hạnh - Phần Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương  

PHẨM MƯỜI CHÍN

PHẨM THÁNH HẠNH  

PHẦN BỐN  

Bạch Thế Tôn! Các phái ngoại đạo nhiều cách nói có thường, lạc, ngã, tịnh, nên biết quyết định có thường, lạc, ngã, tịnh.

Do nghĩa đó nên các phái ngoại đạo cũng nói được rằng: Ta có Chân Đế.

Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Nếu có Sa Môn hay Bà La Môn mà có thường, có lạc, có ngã, có tịnh, thời người đó chẳng phải là Sa Môn chẳng phải là Bà La Môn. Vì họ mê nơi sanh tử xa lìa bậc Đại Đạo Sư nhất thế trí. Hàng Sa Môn và Bà La Môn như vậy thiếu kém pháp lành tham đắm các dục nhiễm.

Hàng ngoại đạo này ràng buộc trong ngục tham dục, sân khuể, ngu si mà kham nhẫn thọ lạc. Các ngoại đạo này dầu biết nghiệp quả mình làm mình chịu, nhưng còn chẳng thể xa lìa pháp ác.

Hàng ngoại đạo này chẳng phải là chánh pháp, chánh mạng, để tự sống, vì họ không có lửa trí huệ nên chẳng thể tiêu được vậy.

Các phái ngoại đạo dầu tham đắm ngũ dục thượng diệu, tham nơi pháp lành nhưng chẳng siêng tu. Ngoại đạo này dầu muốn đến chánh giải thoát, nhưng trì cấm giới chẳng thành tựu.

Các ngoại đạo này dầu muốn cầu vui nhưng chẳng có thể cầu nhân duyên của vui.

Các ngoại đạo này dầu bị bốn rắn độc lớn đeo vấn nhưng vẫn phóng dật chẳng cẩn thận.

Các ngoại đạo này bị vô minh che đậy, xa lìa phương pháp lành, thích ở trong Tam Giới, lửa vô thường đốt cháy mà chẳng thể ra được.

Các ngoại đạo này gặp những bệnh phiền não khó lành mà họ chẳng cầu bực lương y đại trí.

Các ngoại đạo này thuở vị lai sẽ đi trên đường xa hiểm vô biên, mà chẳng biết tu tập tư lương pháp lành để tự trang nghiêm.

Các ngoại đạo này thường bị tay độc dâm dục làm hại mà trở lại ôm ấp rương độc ngũ dục.

Các ngoại đạo này giận hờn hung dữ mà trở lại gần gũi bạn ác.

Các ngoại đạo này thường bị vô minh che đậy mà trở lại tìm cầu pháp tà ác.

Các ngoại đạo này thường bị tà kiến mê lầm mà trở lại thân thiện với tà kiến.

Các ngoại đạo này trông mong ăn trái ngọt mà lại gieo giống đắng.

Các ngoại đạo này đã ở trong nhà tối phiền não mà trở lại xa lìa đuốc sáng đại trí.

Các ngoại đạo này mang bệnh khát phiền não mà trở lại uống nước mặn dục nhiễm.

Các ngoại đạo này mê lầm điên đảo nói các hạnh là thường.

Cho các hạnh là thường thời không đúng.

Này thiện nam tử! Đức Phật quán sát các hạnh thảy đều vô thường.

Tại sao biết như vậy?

Vì các hạnh đều do nhân duyên. Phàm những pháp do nhân duyên, mà sanh thời biết là vô thường. Các ngoại đạo này không có một pháp gì chẳng từ nhân duyên sanh.

Này thiện nam tử! Phật Tánh không sanh không diệt, không đi không đến, chẳng phải quá khứ vị lai hiện tại, chẳng phải do nhân làm ra cũng chẳng phải không nhân, chẳng phải tu tác chẳng phải tác giả chẳng phải tướng chẳng phải không tướng, chẳng phải có danh chẳng phải không danh, chẳng phải danh sắc, chẳng phải dài ngắn, chẳng phải nhiếp trì trong ấm, giới, nhập. Vì thế nên Phật Tánh gọi là thường.

Này thiện nam tử! Phật Tánh là Như Lai, Như Lai là pháp, pháp là thường.

Này thiện nam tử! Thường là Như Lai, Như Lai là Tăng, Tăng là thường. Do nghĩa này nên những pháp từ nhân duyên mà sanh chẳng gọi là thường.

Các ngoại đạo này không có một pháp gì chẳng từ nhân duyên mà sanh. Các ngoại đạo này chẳng thấy Phật Tánh Như Lai là pháp. Vì thế nên lời nói của ngoại đạo đều là vọng ngữ, không có Chân Đế.

Người phàm phu lúc trước thấy bình, xe cộ, nhà cửa, thành quách, nước sông, rừng núi, nam nữ, voi ngựa, trâu dê, lúc sau thấy tương tợ bèn nói là thường, phải biết những vật ấy thiệt chẳng phải là thường.

Này thiện nam tử! Tất cả pháp hữu vi đều là vô thường. Pháp vô vi là thường. Hư không và Phật Tánh là vô vi nên là thường. Hư không tức là Phật Tánh, Phật Tánh là Như Lai, Như Lai là vô vi, vô vi là thường. Thường là pháp, pháp là Tăng, Tăng là vô vi, vô vi là thường.

Này thiện nam tử! Có hai thứ pháp hữu vi: Một là sắc pháp, hai là phi sắc pháp.

Phi sắc pháp là tâm và tâm sở. Sắc pháp là địa thủy hỏa phong.

Này thiện nam tử! Tâm gọi là vô thường vì tánh nó phan duyên phân biệt. Tánh của nhãn thức khác, nhẫn đến tánh của ý thức khác, nên là vô thường. Cảnh giới sắc khác, nhẫn đến cảnh Giới pháp khác, nên là vô thường.

Này thiện nam tử! Nếu tâm là thường thời nhãn thức lẽ ra một mình duyên tất cả pháp. Nếu nhãn thức khác, nhẫn đến ý thức khác, thời biết là vô thường. Bởi các pháp tương tợ niệm niệm sanh diệt, người phàm phu thấy đó chấp cho là thường.

Này thiện nam tử! Vì các tướng nhân duyên có thể phá hoại, nên cũng gọi là vô thường. Như nhân nhãn căn, nhân sắc, nhân ánh sáng, nhân tư duy mà sanh nhãn thức. Lúc nhĩ thức sanh ra nhân duyên đều khác chẳng phải là nhân duyên của nhãn thức, nhẫn đến nhân duyên của ý thức cũng khác như vậy.

Này thiện nam tử! Nhân duyên phá hoại các hạnh sai khác, nên tâm gọi là vô thường. Như tâm tu vô thường khác, tâm tu khổ, không, vô ngã khác. Nếu tâm là thường lẽ ra thường tu vô thường.

Còn chẳng đặng quán khổ, không, vô ngã huống lại quán thường, lạc, ngã, tịnh. Do nghĩa này nên trong giáo pháp của ngoại đạo chẳng có thể nhiếp lấy thường, lạc, ngã, tịnh, phải biết tâm pháp quyết định là vô thường.

Này thiện nam tử! Vì tâm tánh sai khác nên gọi là vô thường. Như tâm tánh Thanh Văn khác, tâm tánh Duyên Giác khác, tâm tánh Chư Phật khác.

Tất cả ngoại đạo có ba thứ tâm: Một là tâm xuất gia, hai là tâm tại gia, ba là tâm xa lìa tại gia. Tâm tương ưng với lạc khác, tâm tương ưng với khổ khác, tâm tương ưng với bất khổ bất lạc khác, tâm tương ưng với tham dục khác, tâm tương ưng với sân khuể khác, tâm tương ưng với ngu si khác.

Tâm tướng của tất cả ngoại đạo cũng khác: Các tâm tương ưng với ngu si, nghi hoặc cùng tà kiến đều khác, lúc đi đứng nằm ngồi tâm đó cũng khác.

Nếu tâm là thường thời lẽ ra chẳng phân biệt được các sắc như xanh, vàng, đỏ, trắng, tía.

Nếu tâm là thường lẽ ra chẳng quên những việc đã từng ghi nhớ. Nếu tâm là thường thời sự đọc tụng lẽ ra chẳng tăng trưởng.

Nếu tâm là thường lẽ ra chẳng nên nói rằng: Đã làm, đương làm, sẽ làm.

Nếu có đã làm, đương làm, sẽ làm thời biết rằng tâm này quyết định là vô thường.

Nếu tâm là thường thời không có oán thù thân ái cũng chẳng oán chẳng thân.

Nếu tâm là thường thời chẳng nên nói rằng vật của tôi, vật của người hoặc sống hoặc chết.

Nếu tâm là thường thời dầu có tạo tác lẽ ra chẳng tăng trưởng. Do những nghĩa đó, nên biết tâm tánh mỗi mỗi đều sai khác. Vì sai khác nên biết là vô thường.

Này thiện nam tử! Nay Đức Phật ở trong tâm pháp này diễn nói nghĩa vô thường, đã rõ, vì ông mà nói sắc là vô thường. Sắc này vô thường vốn không có sanh, vì sanh đã diệt.

Lúc thân ở thai bào vốn không có sanh, vì sanh đã biến đổi. Các mầm cây vốn không có sanh, vì sanh đã biến đổi. Do đó biết rằng, tất cả sắc pháp thảy đều vô thường.

Này thiện nam tử! Sắc thân tùy theo thời gian mà biến đổi: Lúc tượng thai nhẫn đến lúc mới sanh đều đổi khác. Lúc thơ bé, lớn khôn nhẫn đến tuổi già luôn luôn đổi khác. Lúc nẩy mầm, lên cây, mọc nhánh sanh lá, trổ bông, kết trái đều đổi khác.

Này thiện nam tử! Chất vị ở trong cũng đổi khác, lúc tượng thai nhẫn đến lúc già luôn luôn biến đổi. Mầm cây, nhánh, lá, hoa, trái, chất vị cũng đều đổi khác. Sức lực lúc tượng thai nhẫn đến sức lực lúc tuổi già đều đổi khác.

Trạng mạo lúc tượng thai nhẫn đến trạng mạo lúc tuổi già đều đổi khác. Quả báo lúc tượng thai nhẫn đến quả báo lúc tuổi già cũng khác.

Danh tự lúc tượng thai nhẫn đến danh tự lúc tuổi già cũng sai khác. Sắc thân có hoại có hiệp nên biết là vô thường. Cây cối cũng có hoại có hiệp nên biết là vô thường. Thứ đệ sanh lần lần, như lúc tượng thai sanh lần lần đến tuổi già.

Lúc này mầm sanh lần lần đến khi kết trái. Vì thế nên biết là vô thường vì những sắc pháp có thể hoại diệt, như lúc tượng thai hoại diệt nhẫn đến lúc tuổi già hoại diệt đều sai khác, lúc nẩy mầm hoại diệt nhẫn đến lúc kết trái đều hoại diệt nên biết là vô thường.

Người phàm phu không hiểu biết thấy tương tợ sanh ra chấp cho là thường. Do những nghĩa này nên gọi là vô thường. Đã là vô thường thời chính là khổ, đã là khổ thời chính là bất tịnh.

Này thiện nam tử! Các hạnh đều không có ngã.

Tổng tất cả pháp không ngoài hai thứ: Sắc và tâm. Sắc không phải ngã, vì sắc có thể phá có thể hoại, có thể vỡ có thể đập, có thể tăng trưởng. Ngã thời chẳng thể phá hoại vỡ đập sanh trưởng. Do nghĩa này nên biết sắc chẳng phải là ngã.

Tâm cũng chẳng phải ngã vì do nhân duyên mà sanh khởi. Các ngoại đạo do chuyên niệm mà biết là có ngã.

Tánh chuyên niệm thiệt ra chẳng phải ngã. Nếu cho chuyên niệm là ngã, những việc quá khứ có lúc quên mất, vì có quên mất nên quyết định biết là không ngã. Nếu các ngoại đạo do ức tưởng mà biết là có ngã, vì có lúc không ức tưởng nên quyết định biết là không ngã.

Như nói: Thấy người bàn tay có sáu ngón, bèn hỏi rằng chúng ta ngày trước gặp nhau ở chỗ nào. Nếu là có ngã thời chẳng nên lại hỏi. Vì hỏi nhau nên quyết định biết là không ngã.

Nếu các ngoại đạo cho rằng vì có ngăn ngại mà biết là có ngã. Xét ra vì có ngăn ngại nên quyết định biết là vô ngã, như nói Điều Đạt thời trọn chẳng nói rằng không phải Điều Đạt. Cũng vậy, nếu ngã quyết định là ngã thời trọn chẳng ngăn ngại ngã. Nhưng vì cũng ngăn ngại ngã nên quyết định biết là vô ngã. Nếu vì ngăn ngại mà biết là có ngã, nay ông chẳng ngăn ngại đáng lẽ là không ngã!

Này thiện nam tử! Nếu các ngoại đạo cho rằng vì bạn cùng chẳng phải bạn mà biết rằng có ngã. Cứ nơi thuyết này mà suy, vì không bạn lẽ ra không có ngã.

Có những pháp không bạn: Như Lai, hư không, Phật Tánh, ngã cũng như vậy thiệt không có bạn. Do vì nghĩa này nên quyết định biết là không ngã.

Này thiện nam tử! Nếu có ngoại đạo cho rằng vì có danh tự mà biết là có ngã.

Trong pháp không ngã cũng có danh tự ngã: Như người nghèo hèn mà tên là phú quí. Như nói ta chết, nếu ta chết thời là ta giết ta, nhưng ngã thiệt chẳng có thể giết, giả danh là giết ngã. Cũng như người lùn mà tên là Trưởng Giả. Do nghĩa này nên quyết định biết không ngã.

Này thiện nam tử! Nếu các ngoại đạo cho rằng vì người mới sanh đã biết đòi bú nên biết là có ngã. Nếu có ngã thời tất cả trẻ thơ chẳng nên bốc phẩn, đất, lửa, rắn, thuốc độc. Do nghĩa này nên quyết địng biết không ngã.

Này thiện nam tử! Tất cả chúng sanh đối với ba pháp: Dâm dục, uống ăn, kinh sợ đều có sự hiểu biết đồng nhau, vì thế nên không có ngã.

Này thiện nam tử! Nếu các ngoại đạo cho rằng vì có tướng mạo mà biết là có ngã. Vì có tướng thời không có ngã, không có tướng cũng là không ngã.

Như lúc ngủ, người không thể đi đứng ngước cúi nhìn ngó, chẳng biết khổ biết vui, như thế thời đáng lẽ không có ngã. Nếu cho rằng vì có đi đứng cúi ngước mà biết là có ngã, thời người máy lẽ ra cũng có ngã.

Như Lai chẳng đi, chẳng đứng, chẳng cúi, chẳng ngước, chẳng nhìn, chẳng ngó, chẳng khổ, chẳng vui, chẳng tham sân si. Như Lai như vậy mà có ngã chân thật.

Này thiện nam tử! Nếu các ngoại đạo vì thấy người khác ăn trái cây, trong miệng mình sanh nước miếng, nên biết là có ngã.

Do vì nhớ tưởng thấy thời sanh nước miếng, nước miếng chẳng phải ngã, ngã cũng chẳng phải là nước miếng, chẳng phải vui buồn, chẳng phải ngáp, chẳng phải cười, chẳng phải nằm, chẳng phải đứng, chẳng phải đói, chẳng phải no. Do nghĩa này nên quyết định biết là không ngã.

Này thiện nam tử! Các ngoại đạo ấy ngu si như trẻ nít không có trí huệ phương tiện chẳng hiểu thấu được thường cùng vô thường, khổ, vui, tịnh, bất tịnh, ngã, vô ngã, thọ mạng, phi thọ mạng, chúng sanh, phi chúng sanh, thật, phi thật, hữu, phi hữu.

Ở trong Phật Pháp họ lấy chút ít phần rồi vọng chấp là có thường, lạc, ngã, tịnh, như người sanh manh chẳng biết màu sữa, bèn hỏi người khác rằng màu sữa giống như thứ gì?

Người khác đáp: Màu sữa trắng như vỏ ốc.

Người sanh manh lại hỏi: Thế thì màu sữa như tiếng thổi ốc ư?

Đáp: Không phải.

Người sanh manh lại hỏi màu ốc giống thứ gì?

Màu ốc trắng như bột gạo.

Người sanh manh nghe nói cho rằng màu sữa mịn nhuyễn như bột gạo. Khi biết không phải lại hỏi.

Người khác đáp: Màu sữa trắng như tuyết.

Người sanh manh lại cho rằng màu sữa lạnh lẽo như tuyết.

Người khác lại bảo màu sữa trắng như lông chim bạch hạc.

Người sanh manh ấy dầu nghe cả bốn thứ thí dụ tỉ lệ, nhưng trọn chẳng biết được màu sắc thiệt của sữa.

Cũng vậy, các ngoại đạo này trọn không thể biết được thường, lạc, ngã, tịnh. Do nghĩa này trong Phật Pháp của ta có chân thật đế, không phải hàng ngoại đạo có được.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bạch Phật:

Hi hữu thay: Hôm nay Đức Như Lai sắp nhập Niết Bàn phương tiện chuyển pháp luân vô thượng, bèn phân biệt chân thật đế như vậy.

Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Nay ông cớ sao ở nơi Đức Như Lai mà sanh quan niệm nhập Niết Bàn.

Này thiện nam tử!  Như Lai thiệt là thường trụ chẳng biến đổi chẳng nhập Niết Bàn.

Này thiện nam tử! Đức Như Lai trọn chẳng có quan niệm ta là Phật, ta thành Vô Thượng Chánh Giác, ta chính là pháp, pháp là cái có của ta, ta là đạo, đạo là của ta có, ta là Thế Tôn, Thế Tôn là của ta, ta là Thanh Văn, Thanh Văn là của ta, ta có thể thuyết pháp làm cho người khác nghe và thọ trì, ta chuyển pháp luân, người khác không chuyển được.

Đức Như Lai trọn không có quan niệm như vậy nên Đức Như Lai chẳng chuyển pháp luân.

Này thiện nam tử! Như Lai không có những quan niệm ta thấy biết, sự thấy biết là của ta, tai nghe, mũi ngửi v.v… cũng như vậy, ta là sắc, sắc là của ta, thinh, hương, nhẫn đến pháp cũng như vậy, ta là địa đại, địa đại là của ta, thủy hỏa phong đại cũng như vậy.

Như Lai cũng không có những quan niệm ngã là tín là Đa Văn, tín và Đa văn là của ta, ta là Đàn ba la mật.

Là thi Ba La Mật, nhẫn đến là bát nhã Ba La Mật, đàn Ba La Mật nhẫn đến là bát nhã Ba La Mật, đàn Ba La Mật nhẫn đến bát nhã Ba La Mật là của ta, ta là tứ niệm xứ là tứ chánh cần, nhẫn đến là bát Thánh đạo, tứ niệm xứ nhẫn đến bát Thánh đạo là của ta. Như Lai trọn chẳng có những quan niệm như vậy, nên Như Lai chẳng chuyển pháp luân.

Này thiện nam tử! Nếu nói thường trụ không biến đổi, sao lại nói rằng Phật chuyển pháp luân! Vì thế nên ông chẳng nên nói rằng Đức Như Lai phương tiện chuyển pháp luân.

Này thiện nam tử! Như nhân nhãn căn, sắc trần, ánh sáng và tư duy hoà hiệp sanh ra nhãn thức. Nhãn căn chẳng nghĩ rằng ta sanh ra thức, sắc, ánh sáng và tư duy cũng chẳng nghĩ rằng ta sanh nhãn thức, nhãn thức cũng chẳng nghĩ rằng ta có thể tự sanh.

Những pháp như vậy nhân duyên hòa hợp đặng gọi là thấy. Cũng vậy, Đức Như Lai nhân sáu Ba La Mật cùng ba mươi bảy pháp trợ đạo mà giác ngộ rõ thấu các pháp.

Lại nhân yết hầu, lưỡi răng, môi miệng có ra lời ra tiếng, vì các ông Kiều Trần Như v.v… mà thuyết pháp lần đầu tiên, gọi đó là chuyển pháp luân. Do nghĩa này nên Đức Như Lai chẳng gọi là chuyển pháp luân.

Này thiện nam tử! Nếu chẳng chuyển thời gọi là pháp, pháp là Như Lai. Như do bùi nhùi, do cọ xát, do tay, do phân bò khô mà có lửa sanh ra. Bùi nhùi v.v… đều chẳng nghĩ rằng ta sanh ra lửa. Lửa chũng chẳng nói rằng ta có thể tự sanh. Cũng vậy, Đức Như Lai nhân sáu Ba la mật v.v…

Vì các ông Kiều Trần Như thuyết pháp gọi là chuyển pháp luân, Đức Như Lai trọn chẳng nghĩ rằng ta chuyển pháp luân. Nếu chẳng nghĩ tưởng như vậy thời gọi đó là Chuyển Chánh Pháp Luân. Chuyển pháp luân như vậy bèn gọi là Như Lai.

Như do nơi chất lạc, nước khuấy, bình, giây, tay người mà có chất tô sanh ra. Lạc v.v… chẳng nghĩ rằng ta sanh ra tô. Tô cũng chẳng nói rằng ta có thể tự sanh ra. Do các duyên hòa hiệp nên sanh ra chất tô. Cũng vậy, Đức Như Lai trọn chẳng nghĩ rằng ta chuyển pháp luân.

Nếu chẳng nghĩ như vậy, thời gọi đó là Chuyển Chánh Pháp Luân. chuyển pháp luân như vậy thời là Như Lai.

Này thiện nam tử! Như do hột giống, đất, nước, phân, hơi nóng, gió, thời gian, công tác của người mà có mầm mọc lên. Hột giống v.v… chẳng nghĩ rằng ta sanh ra mầm. Mầm cũng chẳng nói rằng ta có thể tự sanh.

Cũng vậy, Đức Như Lai trọn chẳng nghĩ rằng ta chuyển pháp luân. Nếu chẳng nghĩ như vậy thời gọi đó là Chuyển Chánh Pháp Luân. chuyển pháp luân như vậy thời là Như Lai.

Này thiện nam tử! Như do trống, khoảng không, do, dùi, người hòa hiệp nhau mà sanh ra tiếng trống v.v… chẳng nghĩ rằng ta sanh ra tiếng. Tiếng cũng chẳng nói rằng ta có thể tự sanh.

Cũng vậy, Đức Như Lai trọn chẳng nghĩ rằng ta chuyển pháp luân. Chẳng nghĩ như vậy thời gọi đó là chuyển chánh pháp luân. chuyển pháp luân như vậy thời là Như Lai.

Này thiện nam tử! chuyển pháp luân là cảnh giới của Chư Phật Thế Tôn chẳng phải hàng Thanh Văn Duyên Giác biết được.

Này thiện nam tử! Hư không chẳng phải sanh, chẳng phải xuất, chẳng phải tạo tác chẳng phải pháp hữu vi. Cũng vậy, Như Lai chẳng phải sanh, xuất, tạo tác chẳng phải pháp hữu vi. Phật Tánh cũng như vậy.

Này thiện nam tử! Chư Phật Thế Tôn lời thuyết giáo có hai thứ: Một là thế ngữ hai là xuất thế ngữ.

Đức Như Lai vì hàng Thanh Văn Duyên Giác dùng thế ngữ để thuyết giáo. Vì các vị Bồ Tát nói xuất thế ngữ.

Này thiện nam tử! Hàng đại chúng nghe pháp cũng có hai hạng: Một là hạng cầu tiểu thừa, hai là hạng cầu đại thừa.

Ngày trước ở thành Ba La Nại ta chuyển pháp luân cho hàng Thanh Văn. Nay ở thành Câu Thi Na này mới vì các vị Bồ Tát Chuyển Đại Pháp Luân.

Này thiện nam tử! Lại có hai hạng người trung căn và thượng căn. Vì hạng trung căn ở thành Ba La Nại ta chuyển pháp luân. Vì hạng thượng văn như Ca Diếp Bồ Tát v.v… ở nơi thành Câu Thi Na này ta Chuyển Đại Pháp Luân.

Này thiện nam tử! Hạng tột hạ căn Đức Như Lai trọn chẳng chuyển pháp luân cho họ. Hạng tột hạ căn tức là nhất xiển đề.

Này thiện nam tử! Người cầu Phật Đạo có hai hạng: Một là hạng trung tinh tấn, hai là hạng thượng tinh tấn.

Như Lai ở thành Ba La Nại vì hạng trung tinh tấn mà chuyển pháp luân. Nay ở thành Câu Thi Na này chuyển đại pháp luân cho hạng thượng tinh tấn.

Này thiện nam tử! Ngày trước Như Lai ở thành Ba La Nại, chuyển pháp luân lần đầu tiên, có tám muôn Thiên Nhân chứng đặng quả Tu Đà Hoàn. Nay trong hội thuyết pháp tại thành Câu Thi Na này, có tám mươi muôn ức người chứng bực bất thối chuyển vô thượng bồ đề.

Này thiện nam tử! Ngày trước ở thành Ba La Nại, Đại Phạm Thiên Vương đảnh lễ thỉnh Phật chuyển pháp luân. Nay tại thành Câu Thi Na này, Ca Diếp Bồ Tát đảnh lễ thỉnh Phật Chuyển Đại Pháp Luân.

Này thiện nam tử! Ngày trước ở thành Ba La Nại lúc chuyển pháp luân Phật giảng thuyết về vô thường, khổ, không và vô ngã. Nay tại thành Câu Thi Na này Như Lai giảng thuyết về thường, lạc, ngã và tịnh.

Này thiện nam tử! Ngày trước ở thành Ba La Nại, lúc thuyết pháp tiếng nói của Phật nghe xa đến Trời Phạm Thiên. Nay tại thành Câu Thi Na này, lúc chuyển pháp luân tiếng của Phật khắp đến hai mươi hằng hà sa thế giới ở mười phương.

Này thiện nam tử! Chư Phật Thế Tôn phàm có lời nói ra đều gọi là chuyển pháp luân.

Ví như Chuyển Luân Thánh Vương có Luân Bảo, kẻ chưa hàng phục có thể làm cho hàng phục, người đã hàng phục có thể làm cho an ổn. Chư Phật Thế Tôn phàm có thuyết pháp cũng như vậy. Vô lượng phiền não người chưa điều phục có thể làm cho điều phục, người đã điều phục làm cho sanh căn lành.

Ví như Chuyển Luân Thánh Vương có Luân Bảo có thể phá tan tất cả oán tặc. Cũng vậy, Đức Như Lai thuyết pháp có thể làm cho tất cả giặc phiền não thảy đều tịch tịnh.

Ví như Chuyển Luân Thánh Vương có Luân Bảo trên dưới xoay chuyển. Cũng vậy, Như Lai thuyết pháp có thể làm cho các chúng sanh ở ác thú sanh lên Cõi Trời cõi người nhẫn đến thành Phật Đạo.

Này thiện nam tử! Vì thế nên nay ông chẳng nên khen rằng Đức Như Lai ở nơi đây lại chuyển pháp luân.

Văn Thù Sư Lợi bạch Phật rằng: Thế Tôn! Đối với nghĩa này chẳng phải là tôi không biết. Hỏi Phật là vì muốn lợi ích cho những chúng sanh. Từ lâu tôi đã biết chuyển pháp luân thiệt là cảnh giới của Chư Phật Như Lai, chẳng phải hàng Thanh Văn, Duyên Giác biết được.

Phật bảo Ca Diếp Bồ Tát: Này thiện nam tử! Đây gọi là Bồ Tát trụ nơi Kinh Đại Thừa Đại Niết Bàn thật hành Thánh Hạnh.

Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: Thế Tôn, do nghĩa gì gọi là Thánh Hạnh?

Này thiện nam tử! Thánh là nói Chư Phật Thế Tôn. Do nghĩa này nên gọi là Thánh Hạnh.

Bạch Thế Tôn! Nếu là chỗ thật hành của Chư Phật thời chẳng phải hàng Thanh Văn Duyên Giác, Bồ Tát có thể tu hành được.

Này thiện nam tử! Đây là Chư Phật Thế Tôn an trụ nơi Đại Niết Bàn này mà phân biệt khai thị như vậy, do nghĩa này nên gọi là Thánh Hạnh. Hàng Thanh Văn, Duyên Giác, và Bồ Tát nghe như vậy rồi thời có thể phụng hành nên gọi là Thánh Hạnh.

Đại Bồ Tát này đặng tu hành hạnh đây rồi thời đặng trụ nơi bực vô sở úy. Chẳng còn sợ tham, sân, si, sanh, lão, bệnh, tử. Cũng chẳng còn sợ ác đạo, địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ.

Này thiện nam tử! Luận về sự ác có hai hạng: Một là A Tu La, hai là trong loài người.

Trong loài người có ba hạng ác: Một là Nhất Xiển Đề, hai là hủy báng Kinh Điển Đại Thừa Phương Đẳng, ba là phạm bốn tội trọng.

Trụ trong Vô sở úy này, hàng Bồ Tát trọn chẳng sợ đọa trong những hạng ác như vậy. Cũng chẳng còn sợ Sa Môn, Bà La Môn, ngoại đạo tà kiến, Thiên Ma Ba Tuần. Cũng chẳng còn sợ thọ thân trong hai mươi lăm Cõi. Vì thế nên bực này gọi là Vô sở úy.

Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát trụ bực vô sở úy chứng đặng hai mươi lăm môn tam muội, phá hoại hai mươi lăm cõi.

Đặng vô cấu tam muội có thể phá hoại cõi địa ngục.

Đặng bất thối tam muội có thể phá hoại cõi súc sanh.

Đặng tâm lạc tam muội có thể phá hoại cõi ngạ quỷ.

Đặng hoan hỷ tam muội có thể phá hoại cõi A tu la.

Đặng nhật quang tam muội có thể dứt cõi Phất Bà Đề.

Đặng Nguyệt Quang tam muội có thể dứt cõi Cù Da Ni.

Đặng nhiệt diện tam muội có thể dứt cõi Uất Đơn Việt.

Đặng như huyễn tam muội có thể dứt cõi Diêm Phù Đề.

Đặng nhất thiết pháp bất động tam muội có thể dứt Cõi Tứ Thiên Vương.

Đặng tối phục tam muội có thể dứt Cõi Đao Lợi Thiên.

Đặng Duyệt ý tam muội có thể dứt Cõi Diệm Ma Thiên.

Đặng Thanh sắc tam muội có thể dứt Cõi Đâu Suất Thiên.

Đặng Huỳnh sắc tam muội có thể dứt Cõi Hoá Lạc Thiên.

Đặng xích sắt tam muội có thể dứt Cõi Tha Hoá Tự Tại Thiên.

Đặng Bạch sắc tam muội có thể dứt Cõi Sơ Thiền.

Đặng chủng chủng tam muội có thể dứt Cõi Đại Phạm Vương.

Đặng song tam muội có thể dứt Cõi Nhị Thiền.

Đặng lôi âm tam muội có thể dứt Cõi Tam Thiền.

Đặng chú võ tam muội có thể dứt Cõi Tứ Thiền.

Đặng như Hư Không tam muội có thể dứt Cõi Vô Tưởng.

Đặng chiếu cảnh tam muội có thể dứt Cõi Tịnh Cư A Na Hàm.

Đặng vô ngại tam muội có thể dứt Cõi Không Xứ Thiên.

Đặng thường tam muội có thể dứt Cõi Thức Xứ Thiên.

Đặng lạc tam muội có thể dứt Cõi Bất Dụng Xứ Thiên.

Đặng ngã tam muội có thể được Cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên.

Đây gọi là Bồ Tát chứng đặng hai mươi lăm tam muội dứt hai mươi lăm cõi.

Này thiện nam tử! Hai mươi lăm môn tam muội này gọi là Vua của các môn tam muội. Đại Bồ Tát nhập trong những môn tam muội Vương này, nếu muốn thổi hoại núi Tu Di liền có thể tùy ý. Nều muốn biết tâm niệm của mọi loài chúng sanh trong Cõi Đại Thiên, cũng đều có thể biết.

Muốn đem mọi loài chúng sanh trong Cõi Đại Thiên để vào trong một lỗ chân lông nơi thân của mình liền có thể tùy ý, cũng có thể làm cho những chúng sanh đó không có quan niệm chật hẹp.

Nếu muốn hoá làm vô lượng chúng sanh đầy khắp trong Cõi Đại Thiên, cũng liền có thể tùy ý. Muốn chia một thân làm nhiều thân, lại hiệp nhiều thân làm một thân, dầu làm những sự như vậy nhưng tâm không trụ trước, dường như hoa sen.

Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát nhập trong những môn tam muội Vương như vậy rồi, liền đặng trụ nơi bực tự tại. Bồ Tát trụ bực tự tại này thời đặng sức tự tại, tùy ý muốn sanh chỗ nào liền đặng Vãng Sanh.

Ví như Chuyển Luân Thánh Vương thống lãnh bốn cõi thiên hạ, tùy ý qua lại không bị chướng ngại. Cũng vậy, tất cả chỗ muốn thọ sanh Bồ Tát này có thể tùy ý vãng sanh.

Bồ Tát này nếu thấy tất cả chúng sanh nơi địa ngục, kẻ nào có thể làm cho sanh căn lành, Bồ Tát liền qua mà thọ sanh trong đó, dầu sanh nhưng chẳng phải là nghiệp quả, do sức tự tại mà thọ sanh trong đó. Bồ Tát này dầu ở nơi địa ngục nhưng chẳng bị những sự khổ đốt cháy nát thân v.v…

Này thiện nam tử! Bồ Tát này thành tựu vô lượng vô biên trăm ngàn muôn ức công đức như vậy, còn không thể nói hết, huống là công đức của Phật mà có thể nói được.

Bấy giờ trong chúng hội, có một vị Bồ Tát tên là Trụ Vô Cấu Tạng Vương, có oai đức lớn thành tựu thần thông, đặng đại tổng trì đầy đủ môn tam muội, chứng bực vô sở úy, liền đứng dậy trịch y bày vai bên hữu qùy gối hữu, chắp tay bạch Phật rằng: Thế Tôn!

Như lời Đức Phật nói: Chư Phật Bồ Tát thành tựu vô lượng vô biên trăm ngàn muôn ức công đức thiệt không thể nói được.

Ý tôi còn cho rằng vẫn chẳng bằng Kinh Điển đại thừa này vì nhân sức của Kinh Đại Thừa Phương Đẳng này nên có thể xuất sanh Chư Phật Thế Tôn Vô Thượng Chánh Giác.

Phật khen rằng: Lành thay! Lành thay! Phải lắm đúng như lời ông nói. Những Kinh Phương Đẳng Đại Thừa dầu thành tựu vô lượng công đức, muốn so sánh với Kinh này thời không thể kịp được, trăm lần, ngàn lần, trăm ngàn muôn ức lần, nhẫn đến toán số thí dụ cũng chẳng kịp được.

Ví như từ bò có sữa, từ sữa sanh ra chất lạc, từ lạc sanh ra chất sanh tô, từ sanh tô sanh ra chất thục tô, từ thục tô sanh ra chất Đề Hồ. Chất Đề Hồ là vị hơn hết, nếu có người uống chất này các thứ bệnh đều tiêu trừ, bao nhiêu chất thuốc đều vào trong Đề Hồ.

Cũng vậy, từ Phật có ra mười hai loại Kinh, từ mười hai loại Kinh có ra Tu Đa La, từ Tu Đa La có ra Kinh Phương Đẳng, từ Kinh Phương Đẳng có ra bát nhã Ba la mật, từ bát nhã Ba la mật có ra Đại Niết Bàn, như chất Đề Hồ. Chất Đề Hồ dụ cho Phật Tánh. Phật Tánh tức là Như Lai.

Này thiện nam tử! Do nghĩa này nên nói rằng Như Lai có vô lượng vô biên công đức chẳng thể nói được tính được.

Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: Thế Tôn! Như lời Phật khen Kinh Đại Niết Bàn như chất Đề Hồ là vị thượng diệu, nếu có người uống Đề Hồ thời những chứng bệnh đều tiêu trừ, tất cả các vị thuốc đều vào trong chất Đề Hồ.

Tôi nghe lời này trộm nghĩ rằng: Nếu có người chẳng nghe chẳng lãnh thọ được Kinh này, phải biết người đó rất là ngu si không có tâm lành.

Bạch Thế Tôn! Nay tôi thiệt có thể kham chịu lột do làm giấy, chích máu làm mực, lấy tủy làm nước, chẻ xương làm viết, biên chép Kinh Đại Niết Bàn này. Biên chép đọc tụng thông thuộc, rồi vì người mà giảng rộng ý nghĩa đó.

Bạch Thế Tôn! Nếu có chúng sanh tham trước của cải, tôi sẽ bố thí của cải rồi sau đem Kinh Đại Niết Bàn này khuyên họ đọc. Nếu có người sang quý, tôi trước dùng ái ngữ để được cảm tình, rồi sau lần lần sẽ đem Kinh Đại Thừa Đại Niết Bàn này khuyên họ đọc.

Nếu là kẻ thường dân, tôi sẽ dùng oai thế ép họ đọc tụng.

Nếu với người kiêu mạn tôi sẽ làm tôi tớ họ, tùy thuận ý của họ cho họ vui lòng, rồi sau sẽ đem Kinh Đại Niết Bàn này mà dẫn dắt họ.

Nếu có người hủy báng Kinh đại thừa tôi sẽ dùng thế lực hàng phục họ, rồi sau khuyên họ đọc Kinh Đại Niết Bàn.

Nếu có người ưa thích Kinh đại thừa, tôi đích thân đến cung kính cúng dường tôn trọng tán thán họ.

Phật khen Ca Diếp Bồ Tát: Lành thay! Lành thay! Ông thiệt đáng là người ưa thích Kinh Điển đại thừa, tham Kinh đại thừa, thọ Kinh đại thừa, say Kinh đại thừa, kính tin tôn trọng cúng dường Kinh đại thừa.

Này thiện nam tử! Nay do tâm lành này, ông sẽ siêu việt vô lượng vô biên hằng hà sa Đại Bồ Tát, đặng thành Vô Thượng Chánh Giác trước, chẳng bao lâu ông cũng sẽ vì đại chúng diễn nói tạng bí mật Đại Niết Bàn, Như Lai, Phật Tánh, như ta hôm nay.

Này thiện nam tử! Về thuở quá khứ thời kỳ không có Phật ra đời, lúc đó ta làm Bà La Môn tu hạnh Bồ Tát, có thể thông đạt những Kinh Luận của tất cả ngoại đạo, tu hạnh tịch diệt, đầy đủ oai nghi, tâm ta thanh tịnh chẳng bị các dục nhiễm ở ngoài phá hoại, dứt lửa sân hận, thọ trì pháp môn thường, lạc, ngã, tịnh.

Khắp nơi ta tìm cầu Kinh Điển đại thừa, nhẫn đến vẫn chẳng được nghe danh tự Kinh Phương Đẳng.

Bấy giờ ta ở núi Tuyết, núi này thanh tịnh có suối chảy ao tắm, rừng rậm cây thuốc, hoa thơm nở khắp núi, chim thú không thể tính đếm, nhiều thứ trái ngon, lại có vô lượng ngó sen, củ ngọt củ thơm.

Ta ở một mình trong núi chỉ ăn các thứ trái, ăn xong ngồi thiền chuyên tâm quán tưởng.

Ta tu khổ hạnh như vậy trải qua vô lượng năm, cũng chẳng được nghe có Phật ra đời cùng tên Kinh đại thừa.

Thích Đề Hoàn Nhân và Chư Thiên thấy ta bền tu khổ hạnh như vậy lòng họ kinh sợ bảo nhau rằng:

Chúng ta nên xem coi.

Trong núi Tuyết thanh tịnh,

Người ly dục tịch tịnh.

Vua công đức trang nghiêm,

Đã lìa tham sân mạn.

Dứt hẳn lòng ngu si,

Miệng chưa từng nói ra,

Những lời thô ác thảy.

Có một vị Thiên Tử tên là Hoan Hỷ lại nói kệ rằng:

 Người ly dục như vậy,

Thanh tịnh siêng tinh tấn,

Toan chẳng cầu Đế Thích,

Và làm Chư Thiên ư! 

Nếu là hạng ngoại đạo,

Họ tu hành khổ hạnh,

Phần nhiều đều mong cầu,

Tòa ngồi của Đế Thích.

Có một vị Tiên Thiên Tử lại vì Đế Thích mà nói kệ rằng: 

Thiên Chúa Kiều Thi Ca,

Chẳng nên sanh lòng lo,

Ngoại đạo tu khổ hạnh,

Hà tất cầu Đế Thích.

Thiên Tử này lại thưa với Đế Thích: Bực Đại Sĩ trong đời vì chúng sanh nên chẳng tham luyến thân mình mà tu vô lượng khổ hạnh để làm lợi ích cho chúng sanh. Hạng người như vậy thấy rõ những lỗi lầm trong dòng sanh tử, dầu của báu đầy cả mặt đất, Đại Sĩ này cũng chẳng tham muốn như thấy mũi dãi.

Bực Đại Sĩ này rời bỏ của cải vợ con đầu mắt tủy não tay chân da thịt, nhà cửa, voi ngựa, xe cộ, tôi tớ, cũng chẳng mong cầu sanh lên Cõi Trời, chỉ mong muốn làm cho tất cả chúng sanh được an vui.

Như chỗ tôi hiểu bậc Đại Sĩ như vậy lòng thanh tịnh không ô nhiễm, đã dứt hết phiền não chỉ muốn cầu quả vô thượng bồ đề.

Thích Đề Hoàn Nhân bảo rằng: Theo như lời ông nói thời người ấy vì nhiếp thủ tất cả chúng sanh trong đời.

Này Đại Tiên! Nếu trong đời này có Phật dứt trừ được tất cả rắn độc phiền não của Chư Thiên, loài người và A tu la. Nếu các chúng sanh ở trong bóng mát của Phật thời tất cả những độc phiền não đều tiêu diệt.

Này Đại Tiên! Bực Đại Sĩ này nếu trong đời vị lai sẽ thành Phật, thời chúng ta sẽ được dứt trừ vô lượng phiền não.

Việc này thiệt là khó tin, vì vô lượng chúng sanh phát tâm vô thượng bồ đề, bị chút ít duyên liền thối thất bồ đề tâm, như bóng trăng trong nước, nước động thời trăng động. Lại như họa tượng, khó thành mà dễ hư. Cũng vậy, tâm bồ đề khó phát mà dễ thối thất.

Này Đại Tiên! Như có nhiều người mặc giáp cầm gậy muốn đi dẹp giặc, lúc ra đến chiến trận lòng sợ sệt thời bèn chay lui. Cũng vậy vô lượng chúng sanh phát tâm bồ đề tự trang nghiêm bền chắc, lúc thấy lỗi sanh tử lòng sợ sệt bèn thối thất.

Này Đại Tiên! Ta từng thấy vô lượng chúng sanh sau khi phát tâm bồ đề đều bị thối chuyển. Vì thế nên nay dầu thấy người này tu khổ hạnh tịch tịnh không phiền não nhưng ta chưa tin được.

Nay ta sẽ đến thử xem coi người này thiệt có thể gánh vác nổi vô thượng bồ đề chăng?

Này Đại Tiên! Như xe có hai bánh thời có công dụng chở chuyên, như chim có hai cánh mới có thể bay đi. Người tu khổ hạnh này, dầu thấy là giữ gìn giới cấm, nhưng chưa biết có trí sâu chăng. Nếu có sâu thời có thể gánh nổi vô thượng bồ đề.

Này Đại Tiên! Như cá mẹ đẻ ra bầy cá con, nhưng số cá được lớn khôn rất ít. Như cây Am La nhiều bông mà ít trái. Chúng sanh phát tâm bồ đề đông vô lượng nhưng ít người được thành tựu.

Này Đại Tiên! Ông nên cùng ta đồng qua thử đó. Như vàng ròng sau khi thử đủ ba cách mới biết là vàng thiệt, là đốt, đập và mài. Nay chúng ta cũng thử người tu khổ hạnh này.

Lúc đó Thích Đề Hoàn Nhân tự biến thân mình làm quỷ La Sát dung mạo đáng sợ, bay xuống núi Tuyết đến gần người tu khổ hạnh, cất tiếng thanh nhã tuyên nói nửa bài kệ của Phật quá khứ: Các hạnh vô thường, là pháp sanh diệt.

Quỷ La Sát nói nửa kệ xong liếc mắt tìm ngó bốn phía. Người tu khổ hạnh nghe hai câu kệ ấy lòng rất vui mừng, như người khách buôn ban đêm đến đường hiểm lạc mất đồng bạn, kinh sợ tìm kiếm bỗng gặo được đồng bạn, lòng rất vui mừng.

Cũng như người bệnh lâu chưa gặp được lương y, về sau bỗng gặp được. Như người trôi nổi ngoài biển khơi bỗng gặp được thuyền bè. Như người quá khát gặp được nước mát trong. Như người bị oán địch rượt mà chạy thoát được.

Như người bi trói nhốt đã lâu bỗng đặng thả. Cũng như nhà nông trời nắng hạn mà gặp mưa. Như người đi xa trở về đến nhà, cả nhà đều vui mừng.

Này thiện nam tử! Lúc nghe được nửa bài kệ ấy, lòng người khổ hạnh vui mừng cũng như vậy.

Liền đứng dậy lấy tay đỡ tóc lên ngó tìm bốn phía nói rằng: Chẳng biết ai vừa nói hai câu kệ?

Ngó mãi không thấy người nào khác chỉ thấy quỷ La Sát bèn nói rằng: Ai khai môn giải thoát như vậy?

Ai có thể thuật lời của Phật như vậy?

Ai có thể ở trong giấc ngủ sanh tử mà có thể riêng được giác ngộ xướng lên lời đó vậy?

Ai có thể ở chốn này đem đạo vị vô thượng chỉ dạy cho chúng sanh đang đói khát trong vòng sanh tử?

Ai có thể làm thuyền lớn cứu vớt vô lượng chúng sanh đang nổi chìm trong biển sanh tử?

Những chúng sanh này thường mang bệnh nặng phiền não, ai có thể làm lương y nói hai câu kệ ấy khai ngộ tâm của tôi. Như Mặt Trăng nửa như hoa sen hé nở.

Người khổ hạnh lúc đó không thấy có ai khác chỉ thấy quỷ La Sát nghĩ rằng có lẽ quỷ này nói hai câu kệ ấy chăng?

Rồi lại nghĩ rằng quỷ này hình dung hung dữ đáng sợ, phàm người đặng nghe những câu kệ ấy thời tất cả sự sợ sệt xấu xa liền tiêu trừ, đâu có lẽ người hình mạo xấu xa này mà có thể nói lời kệ ấy. Như trong lửa mọc được hoa sen.

Trong ánh nắng Mặt Trời chẳng sanh được nước mát.

Rồi lại tự trách: Ta thật là vô trí hoặc quỷ này đặng gặp Chư Phật quá khứ, nên được nghe nửa bài kệ ấy, nay ta nên hỏi ý nghĩa của lời ấy.

Suy nghĩ xong liền đến trước quỷ La Sát nói rằng: Lành thay lành thay! Đại Sĩ! Ngài ở đâu mà học được nửa bài kệ của Phật quá khứ như vậy?

Quỷ La Sát liền đáp rằng: Này Bà La Môn! Ông chẳng nên hỏi ta về việc ấy. Vì ta đã nhiều ngày không được ăn đói khát khổ não tâm ý mê loạn. Ta tìm cầu khắp nơi vẫn chẳng được thức ăn. Vì thế nên ta nói những lời như vậy.

Người khổ hạnh lại nói với quỷ La Sát: Nếu Đại Sĩ có thể vì tôi nói trọn bài kệ, tôi sẽ trọn đời làm đệ tử ngài.

Kệ của Đại Sĩ vừa nói lời chẳng đủ, nghĩa chẳng trọn, sao Đại Sĩ chẳng nói cho trọn?

Luận về tài thí thời có cạn hết, còn pháp thí thời chẳng thể cùng tận, nhiều sự lợi ích. Tôi nghe nửa bài kệ ấy sanh lòng kinh nghi. Trông mong Ngài vì tôi mà nói cho trọn, tôi sẽ trọn đời làm đệ tử ngài.

Quỷ La Sát nói: Ông tham thái quá chỉ biết tự thương thân mình mà chẳng nghĩ đến người. Ta đương đói khổ thiệt không thể nói đặng.

Người khổ hạnh hỏi: Thức ăn của Ngài là vật gì?

Quỷ nói: Ông đừng hỏi, nếu ta nói ra thời mọi người phải kinh sợ.

Người khổ hạnh nói: Giữa đây chỉ có mình tôi không có người nào khác. Tôi không sợ, Ngài cứ nói.

Quỷ nói: Tôi chỉ ăn thịt người tươi nóng, chỉ uống máu nóng của người. Vì ta phước mõng nên chỉ ăn những thứ đó. Ta tìm khắp các nơi mà chẳng đặng. Trong đời dầu có người đông nhiều, nhưng mỗi người đều có phước đức, lại được Chư Thiên Thần thủ hộ, ta không đủ sức bắt ăn được.

Người khổ hạnh nói: Ngài cứ nói đủ bài kệ ấy, tôi nghe kệ rồi sẽ đem thân này dâng cho Ngài dùng. Thưa Đại Sĩ nếu lúc tôi chết thân này sẽ không dùng vào việc gì được, sẽ bị cọp, sói, chim hiêu, kên kên ăn mổ, không được một mảy phước đức.

Nay tôi vì cầu vô thượng bồ đề xả thí thân vô thường chẳng bền này, để đổi lấy thân thường trụ bền chắc.

Quỷ nói: Ai tin được lời của ông, chỉ vì có tám chữ mà thí bỏ thân đáng mến đáng tiếc.

Người khổ hạnh nói: Như có người đem đồ sành bố thí cho người khác mà đặng đồ bằng thất bảo. Cũng vậy, tôi xả thí thân vô thường này để đặng thân kim cương.

Ngài nói ai tin được lời tôi?

Các vị Đại Phạm Thiên Vương, Thích Đề Hoàn Nhân và Tứ Thiên Vương có thể chứng minh lời tôi.

Lại có các vị Bồ Tát tu hành đại thừa đủ Lục Độ, lợi ích vô lượng chúng sanh, có Thiên Nhãn cũng chứng biết được lời của tôi, thập phương Chư Phật cũng chúng biết cho tôi vì tám chữ mà xả thí thân mạng.

Quỷ nói: Nếu ông có thể xả thí thân mạng như vậy, thời nên lắng nghe kỹ tôi sẽ vì ông nói nửa bài kệ sau.

Người khổ hạnh nghe quỷ hứa nói vui mừng hớn hở, liền cởi tấm da nai đang mặc trên thân trải tòa rồi mời quỷ: Bạch Hòa Thượng xin thỉnh Ngài lên tòa này.

Quỷ ngồi xong người khổ hạnh qùy dài, vòng tay thưa rằng: Mong Hòa Thượng vì tôi mà nói nửa bài kệ còn lại cho được đầy đủ.

Quỷ La Sát liền tuyên rằng: Sanh diệt diệt rồi, tịch diệt là vui.

Quỷ La Sát nói hai câu kệ rồi bảo rằng: Này Đại Bồ Tát nay ông đã nghe đủ cả nghĩa bài kệ, lòng mong muốn của ông đã đầy đủ, nếu ông muốn lợi ích chúng sanh giờ đây nên thí thân cho ta.

Người khổ hạnh suy nghĩ kỹ những nghĩa trong bài kệ rồi biên chép lên trên đá, trên vách, trên cây, bên đường đi. Tự cột áo xiêm sợ sau khi chết thân thể lõa lồ rồi leo lên cây cao.

Thọ Thần bảo người khổ hạnh: Lành thay! Nay ông muốn làm việc gì?

Người khổ hạnh đáp: Tôi muốn thí xả thân này để trả giá bài kệ.

Thọ Thần nói: Bài kệ như vậy có những lợi ích gì?

Người khổ hạnh đáp: Những câu kệ ấy là lời thuyết pháp của Phật ba đời, trong ấy chỉ dạy đạo pháp chân không. Tôi vì pháp này muốn lợi ích tất cả chúng sanh mà thí xả thân này, chẳng phải vì lợi danh, chẳng cầu Chuyển Luân Thánh Vương, Tứ Thiên Vương, Thích Đề Hoàn Nhân, Đại Phạm Thiên Vương, chẳng cầu quả vui của người của Trời.

Lúc sắp sửa xả thân, người khổ hạnh nói rằng: Nguyện cho tất cả người tham lam bỏn sẻn đều thấy tôi xả thân. Những người bố thí chút ít sanh lòng cống cao cũng đặng thấy tôi vì một bài kệ mà xả thân mạng.

Nói xong, người khổ hạnh buông mình từ trên cây rơi xuống. Lúc thân chưa tới đất. Trong hư không vang ra các thứ tiếng thấu đến Cõi Trời Sắc Cứu Cánh. Quỷ La Sát hườn lại hình Thiên Đế hứng lấy thân người khổ hạnh để nhẹ nhàng xuống đất.

Bấy giờ Thích Đề Hoàn Nhân, Đại Phạm Thiên Vương cùng Chư Thiên đảnh lễ người khổ hạnh mà khen rằng: Lành thay! Lành thay! Thiệt là Bồ Tát có thể lợi ích nhiều cho vô lượng chúng sanh, muốn thắp đuốc pháp lên giữa đêm tối vô minh. Vì tôi mến tiếc pháp lớn của Như Lai nên cố nhiễu não ngài.

Ngưỡng mong Ngài cho tôi sám hối tội lỗi. Thuở vị lai Ngài quyết định thành Vô Thượng Chánh Giác. Khi được thành Phật, mong Ngài tế độ chúng tôi.

Nói xong, Thích Đề Hoàn Nhân và Chư Thiên đảnh lễ người khổ hạnh, cáo từ, bỗng nhiên ẩn mất.

Này thiện nam tử! Người khổ hạnh thuở xưa chính là tiền thân của ta. Ngày trước vì nửa bài kệ mà ta xả thí thân mạng. Do cớ đó ta đặng vượt bực thành Phật trước Di Lặc mười hai kiếp.

Này thiện nam tử! Ta đặng vô lượng công đức như vậy đều do cúng dường chánh pháp của Như Lai. Nay ông phát tâm vô thượng bồ đề, thời ông cũng đã vượt hơn vô lượng vô biên hằng hà sa Bồ Tát.

Này thiện nam tử! Đây gọi là Bồ Tát trụ nơi Đại Thừa Đại Bát Niết Bàn tu hành Thánh Hạnh.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần