Phật Thuyết Kinh Thập địa - Phẩm Mười - Phẩm địa Pháp Vân - Tập Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thi La Đạt Ma, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH THẬP ĐỊA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thi La Đạt Ma, Đời Đường
PHẨM MƯỜI
PHẨM ĐỊA PHÁP VÂN
TẬP BA
Phật Tử! Ví như núi Trì Song, toàn bằng vật báu, là nơi ở của Thần Dược Xoa, không bao giờ vắng. Bồ Tát trụ nơi địa nan thắng là nơi phát sinh oai lực thần thông biến hóa, mà những việc này hỏi đáp bao giờ cho hết.
Phật Tử! Ví như núi Mã Nhĩ, toàn bằng vật báu, là nơi có đủ các loại trái hái hoài không hết. Cũng thế, Bồ Tát trụ nơi địa hiện tiền là nơi nương tựa để thâm nhập diễn giảng pháp duyên khởi, chứng được quả vị Thanh Văn hỏi đáp bao giờ cho hết.
Phật Tử! Ví như núi Trì ngư toàn bằng vật báu, là nơi ở của thần rồng sức lớn, không bao giờ hết. Cũng thế, Bồ Tát trụ nơi địa viễn hành là nơi nương tựa để diễn giảng trí tuệ phương tiện, chứng được quả vị Độc Giác, việc hỏi đáp bao giờ cho hết.
Phật Tử! Ví như núi Thiết Luân Vi, toàn bằng vật báu, là nơi ở của chúng tự tại, không bao giờ vắng. Cũng vậy, Bồ Tát trụ nơi địa bất động là nơi để tất cả Bồ Tát học hỏi, mà trong thế gian việc phân tích giải đáp là không cùng tận.
Phật Tử! Ví như núi Tràng tướng, toàn bằng vật báu, là nơi ở của chúng A Tu La oai đức, không bao giờ vắng họ. Cũng thế, Bồ Tát trụ nơi địa Thiện tuệ, là nơi để chúng sinh lưu chuyển, dừng nghỉ, nương tựa hành động. Mà việc này thu khắp thế gian an trụ học hỏi không bao giờ hết.
Phật Tử! Ví như núi Diệu Cao, toàn bằng vật báu, là nơi ở của Chư Thiên uy đức, không bao giờ vắng. Cũng thế, Bồ Tát trụ nơi địa Pháp vân, là nơi phát sinh uy lực, pháp vô úy, bất cộng của Như Lai. Chỉ dạy mọi việc chánh pháp không bao giờ hết.
Phật Tử! Mười núi báu lớn này đều từ biển cả hiển hiện. Cũng thế, mười địa Bồ Tát đều từ nơi trí nhất thiết trí, cũng là sự hiển hiện của trí nhất thiết trí.
Phật Tử! Ví như biển lớn có mười hành tướng, nên không bị chiếm đoạt.
Mười hành tướng đó là gì?
1. Từ cạn đến sâu.
2. Không chứa xác chết.
3. Nước từ các sông chảy vào đều mất tên cũ.
4. Chỉ có một vị mặn.
5. Nhiều vật báu.
6. Sâu xa khó đến đáy.
7. Rộng mênh mông.
8. Nơi ở của những loài có thân hình to lớn.
9. Nước dâng nhưng không tràn.
10. Chứa tất cả nước mưa.
Phật Tử! Cũng thế, Bồ Tát có mười hành tướng, ở trong hạnh lớn, không bị chiếm đoạt.
Mười hạnh đó là gì?
1. Địa Cực hỷ, phát nguyện từ cạn đến sâu.
2. Địa Ly cấu, không dung nạp xác chết của kẻ phá giới.
3. Địa Phát quang, chúng sinh vào đó không còn tên tuổi địa vị cũ.
4. Địa Diệm tuệ, tin Phật Pháp không hoại, chỉ có một vị.
5. Địa Nan thắng, phát khởi vô lượng phương tiện thần thông biến hóa, đem lại nhiều trâu báu cho thế gian.
6. Địa hiện tiền, quán sát lý duyên khởi sâu xa.
7. Địa Viễn hành, dùng vô số trí tuệ phân biệt khéo léo.
8. Địa Bất động, thị hiện phát khởi những việc trang nghiêm.
9. Địa Thiện tuệ, thông đạt đúng lý pháp giải thoát sâu xa và mọi việc thế gian không bao giờ vượt giới hạn.
10. Địa Pháp vân, lãnh thọ, tất cả mưa pháp sáng lớn của Phật không bao giờ biết đủ.
Phật Tử! Ví như ngọc ma ni quý hơn mười thứ quý báu khác, người thợ giỏi sẽ mài dũa thật tròn khéo, không tỳ vết, trong suốt, kết thành dây đeo, đính trên đỉnh cờ cao, phát ra đủ loại ánh sáng đẹp, và có thể làm rơi xuống các vật báu khác, chúng sinh theo sở thích muốn giữ lấy để có thể thỏa nguyện.
Phật Tử! Tâm bồ đề của Bồ Tát cũng thế, chủng tánh cao vượt hơn mười hàng Thánh, phát sinh nhiều công đức, khéo léo điều phục kẻ hủy giới, đầy đủ thiền định, tam muội.
Đầy đủ hành tướng, đạo chi thanh tịnh, quán triệt thần thông phương tiện, quán pháp duyên sinh, xâu dây phương tiện tuệ, đặt trên ngọn cờ tự tại, phóng ra ánh sáng trí tuệ, quán sát hành nghiệp của chúng sinh, được tưới nước trí Chánh Đẳng Giác, nên được gọi là bậc nhất thiết trí, có thể làm mọi Phật trong thế gian.
Phật Tử nên biết! Vị này có thể tích tập đầy đủ hạnh Bồ Tát, pháp phần vi diệu, nhất thiết chủng trí, trí nhất thiết trí, chúng sinh nào chưa có căn lành thì không sao nghe được.
Bồ Tát Giải Thoát Nguyệt thưa: Nếu có chúng sinh nghe được pháp phần vi diệu, nhất thiết chủng trí, trí nhất thiết trí thì đạt bao nhiêu công đức?
Bồ Tát Kim Cang Tạng đáp: Phật Tử! Phước đức uy lực tự tại được phát khởi từ trí nhất thiết trí của Bồ Tát. Có được bao nhiêu, thì phước đức nơi người nghe pháp vi diệu này cũng đạt bấy nhiêu.
Vì sao?
Phật Tử nên biết.
Pháp phần vi diệu nơi trí nhất thiết trí này, không phải là Bồ Tát thì không thể nghe được, không thể tin hiểu, thì làm sao tu tập, siêng năng gia hành?
Phật Tử! Vì thế nên biết, nếu có chúng sinh nào chuyên tâm nghe pháp môn này, nghe rồi tin hiểu, hiểu rồi thọ trì, tu hành liên tục thì chúng sinh ấy tùy thuận pháp môn nhất thiết trí.
Lúc ấy, do oai lực của Phật nên vô số cõi nước ở mười phương đều có mười tám tướng biến động theo sáu cách.
Đó là:
1. Động, biến động cùng khắp.
2. Nổi, nổi lên, nổi khắp mọi nơi.
3. Vọt, vọt lên, vọt lên cùng khắp.
4. Rung, rung lên, rung cùng khắp.
5. Gầm, gầm lên, gầm vang cùng khắp.
6. Vỗ, vỗ vang, vỗ vang cùng khắp.
Lại do oai lực của Phật nên có nhiều loại mưa pháp hiện ra, như mưa hoa trời, vòng hoa, y phục, báu vật, đồ trang sức, lọng báu, cờ phướn nhạc hay, rền vang tiếng ca ngợi đấng nhất thiết trí của Chư Thiên. Đó là ở Thế Giới của bốn đại châu, còn như ở cung Trời Tha Hóa Tự Tại, đang diễn nói pháp này, nhờ Phật lực, ngoài vô số cõi nước ở mười phương, còn có vô số Bồ Tát ở khắp nơi cũng đều đến nơi đây.
Đến nơi rồi, ai nấy đều khen: Hay thay! Hay thay! Phật Tử! Đại Sĩ đã khéo chỉ rõ pháp tánh của Bồ Tát.
Phật Tử! Chúng tôi đều cùng một hiệu là Kim Cang Tạng. Cõi nước của chúng tôi tên Kim Cang Thắng. Các Đức Phật ở đó đều có tên Kim Cang Tạng. Chúng tôi từ những nơi đó đến đây, nhờ thần lực Phật nên nơi tất cả cõi ấy đều rền vang tiếng pháp này, văn tự âm nghĩa đều không khác ở đây.
Chúng tôi nương vào thần lực Phật đến đây, để chứng minh cho Đại Sĩ. Tất cả các cõi nước nơi bốn đại châu trong khắp cả mười phương, đều đến điện ma ni bảo tạng thuộc cung Trời Tha Hóa Tự Tại, đều là để chứng minh.
Lúc ấy, Bồ Tát Kim Cang Tạng quán sát chúng hội trong khắp mười phương pháp giới. Vì muốn khen ngợi người phát tâm bồ đề. Muốn thị hiện cảnh giới Bồ Tát. Muốn làm thanh tịnh nẻo hành trì hạnh lực của Bồ Tát. Muốn giảng nói việc gìn giữ đạo nhất thiết chủng. Muốn thị hiện việc trang nghiêm bằng trí không thể nghĩ bàn.
Muốn hiển hiện công đức thù thắng của Bồ Tát.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Minh độ Kinh đạo Hành Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Hai Mươi Sáu - Phẩm Bất Tận
Phật Thuyết Kinh đà La Ni Tập - Phần Hai Mươi Mốt - Công đức Thiên Pháp
Phật Thuyết Kinh Chư Pháp Tập Yếu - Phẩm Hai Mươi Sáu - Tinh Tấn
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Ba Mươi Tám
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh ưu Bà Tắc
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh An Na Ban Na Niệm - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Mười Một - Phẩm Bố Thí Ba La Mật đa - Phần Ba