Phật Thuyết Kinh đại Bi - Phẩm Hai - Phẩm Thương Chủ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Na Liên Đề Da Xá, Đời Cao Tề
PHẬT THUYẾT KINH ĐẠI BI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Na Liên Đề Da Xá, Đời Cao Tề
PHẨM HAI
PHẨM THƯƠNG CHỦ
Lúc bấy giờ có ma con tên là Thương Chủ qua lời Phật dạy đã kính tin một cách thâm sâu, khi nghe Phật nhập Niết Bàn tâm liền sầu khổ, tóc trên đầu dựng đứng lên. Liền đến chỗ Phật đê đầu đảnh lễ.
Sau đó lui ra và hướng về phía Phật bạch rằng: Duy nguyện Thế Tôn! Ngài có lòng từ đối với chúng sanh, làm cho chúng sanh an lạc, là bậc cứu giúp thế gian, cũng đã làm lợi ích cho Trời người nữa.
Mong Ngài hãy trụ thế thêm một kiếp nữa mới vào Niết Bàn. Con cùng với Chư Thiên và loài người kính khuyến thỉnh Ngài như vậy.
Kính bạch Thế Tôn! Khiến cho chúng sanh như mắt bị mờ. Không có ai nói cho chúng con nghe. Không có người dẫn đường, không có người cứu giúp, không có chỗ nương nhờ và không có chỗ đến nữa.
Sau khi Thương Chủ thưa lời ấy rồi, Phật liền bảo rằng: Này Thương Chủ!
Cho ngươi là Ba Tuần, trước đã thỉnh ta nhập Niết Bàn và đã nói rằng: Bà Già Bà! Hãy vào Niết Bàn.
Tu Già Đà! Hãy và Niết Bàn, hãy vào Niết Bàn! Tu Già Bà.
Nay đúng là lúc ta phải vào Niết Bàn.
Này Thương Chủ! Điều ấy cha ngươi là Ba Tuần đã yêu cầu ta. Ta đã tùy theo lời đó mà hứa sẽ nhập Niết Bàn.
Này Thương Chủ! Đó là nhân duyên. Ta nay đã đến lúc mà phải giữ lời hứa để vào Niết Bàn.
Thương Chủ lại bạch Phật rằng: Kính bạch Đức Thế Tôn! Đó chính là Ma Ba Tuần chứ không phải phụ thân của con ma cũng chẳng phải là thiên hữu của con. Nếu hay làm chuyện sát hại, con sợ rằng gia đình con được hiểu là đại ác. Thường muốn cho con không được an vui và hòa hợp yên ổn.
Hãy làm cho việc này mất đi! Không có gì lợi ích cả, thưa Thế Tôn. Loài ma ấy vì con mà làm chuyện đại ác, ngăn chặn Trời người, làm chuyện đáng lo. Hãy vì ánh sáng trí tuệ, ánh đại quang minh mà làm đèn tiêu diệt vậy.
Kính bạch Thế Tôn! Nếu có kẻ nào nói lời như vậy, điều ấy có nghĩa là trong Chư Thiên, loài người đã xuất hiện nơi đời một người cực ác vậy. Đây phải biết là Ma Ba Tuần vậy.
Kính bạch Đức Thế Tôn! Nếu có người đích thực nói lời ấy, có nghĩa là người ấy chẳng làm lợi ích gì cho cá nhân, cũng chẳng làm lợi ích cho kẻ khác và nhiều chúng sanh khác để phát tâm.
Phải biết rằng kẻ đó chính là Ma Ba Tuần vậy! Kính bạch Thế Tôn! Nếu lại có người nói thật điều đó thì phải biết người đó chẳng vì sự lân mẫn lợi ích cho Chư Thiên, loài người, Ma Phạm, A Tu La, Sa Môn, Bà La Môn và tất cả thế gian vậy.
Lại cũng chẳng phải vì muốn hòa hợp an ổn, làm cho người phát tâm bị thối lui khổ não. Điều này phải biết đó là Ma Ba Tuần vậy.
Kính bạch Thế Tôn! Con đã từng nghe Phật dạy như thế này: Có hai loại người. Loại thứ nhất như pháp. Loại thứ hai không đúng pháp, mà Thế Tôn đã hứa vào Niết Bàn tức không như pháp vậy.
Duy nguyện Thế Tôn! Hãy làm cho lời hứa này đừng phát sanh nữa. Có như thế mới làm lợi ích an ổn cho Chư Thiên, loài người và tất cả chúng sanh. Hãy bỏ lời hứa này mà ở lại với đời một kiếp nữa.
Nếu như Phật ở đời lâu dài thì Chư Thiên, loài người được lợi ích an ổn vậy. Cho nên Đức Thế Tôn đừng vội vào Niết Bàn.
Phật bảo Thương Chủ rằng: Lành thay! Lành thay! Nếu mà được sự lợi ích cho chúng sanh thì đúng như vậy.
Này Thương Chủ! Nếu có người cúng dường lễ quán đảnh cho Đại Vương, hoặc có kẻ cúng cho Vương Tử, Đại Thần hoặc cho kẻ phòng giữ đất nước, thành ấp, làng xóm v.v… thì người này mỗi mỗi thuộc về Vua, sẽ thọ được tước hiệu phước lộc, mà các vị Vua này thường hay vì người và con cháu thân thuộc, cũng lại đầy đủ phước lộ để giúp đời.
Này Thương Chủ! Nếu nay vì Như Lai mà cúng dường Vô Thượng Pháp Vương thì tâm sinh thanh tịnh. Khi thanh tịnh rồi, Như Lai giống như phước lộc này vậy. Ta nay giống như việc này. Từ Phật mà phát sanh tín tâm thiện căn thanh tịnh.
Như vậy nên biết! Này Thương Chủ! Hãy biết điều tịnh tín căn lành này. Sau khi ta diệt độ, vì đời sau mà làm Bích Chi Phật, tên là Từ Mẫn Thương Chủ. Sau khi ta nhập Niết Bàn, chánh pháp diệt rồi thì Ma Ba Tuần rất vui mừng.
Vì sự vui thú ấy mà đọa lạc vào ma cung, sinh vào A Tỳ Địa Ngục, phải chịu nhiều nỗi khổ sở khác nhau.
Vì sao vậy?
Vì lẽ Ma Ba Tuần đã thắng các ánh sáng, các sự yên ổn nên mới sinh tâm vui mừng như thế.
Này Thương Chủ! Nếu có người đích thật nói với người khác như vậy thì chính người ấy cũng tự hại. Vì tự hại như vậy cho nên do việc làm này mà việc ác phát sanh. Phải biết rằng đây là Ma Ba Tuần vậy.
Vì sao vậy?
Này Thương Chủ! Sau khi ta diệt độ cho đến khi chánh pháp ở đời, tùy theo thời tiết mà Ma Ba Tuần được ở vào ma cung. Khi pháp của ta đã diệt rồi thì ma rất vui và luôn có ý xưng tán. Chỉ trong một tít tắc rơi vào cung ma, đọa vào A Tỳ Địa Ngục.
Này Thương Chủ! Ví như có người ở trên cây cùng cây và hoa quả đầy đủ, thì người này tự xưng hoa quả. Sau khi thọ dụng rồi lại phải ở trên cây.
Này Thương Chủ! Vì sao vậy?
Có phải người ấy lúc bấy giờ có thể ở mãi trên cây chăng?
Tại trên cây này có được an lạc chăng?
Có được gọi là trí chăng?
Thương Chủ thưa: Không phải vậy, thưa Đức Bà Già Bà. Không phải, thưa Đức Tu Già Đà.
Phật bảo: Này Thương Chủ! Ma cũng vậy! Luôn muốn Như Lai vào Niết Bàn. Cho nên để được vui, Như Lai đã nói chánh pháp Tỳ Ni.
Từ Thương Chủ cho đến Chánh Pháp trụ thế, Ma Ba Tuần cũng tùy theo thời tiết mà được ở cung ma.
Khi pháp của ta diệt rồi thì Ma Ba Tuần có vẻ hoan hỷ xưng tụng ý này.
Xuống đến cung ma vào nơi địa ngục A tỳ.
Này Thương Chủ! Dụ như người kia ở trên cây tự làm hại mình như vậy đó.
Ma cũng như thế! Tự mình hại vậy! Cũng lại làm hại người khác nữa, mà nên phát tâm.
Này Thương Chủ! Ma này sau đó tùy thời mà đọa vào địa ngục thọ nhiều khổ bệnh. Như cướp mạng khổ, làm khổ tiếp nhau. Lúc bấy giờ mới nhớ nghĩ đến Như Lai Ứng Cúng chánh biến tri.
Đây là lời nói chân thật! Là kẻ thành thật. Người nói không khác. Không là lời hư dối. Nói lời tốt lành. Lành thay thân đứng đắn đúng luật nghi. Lành thay mộng đúng với luật nghi.
Lành thay! Ý đúng với giới luật. Thân làm việc đúng. Khẩu nói điều đúng.
Ý nghĩ đều đúng! Cho nên có thể được vui, được điều ưa thích, được từ ái nơi quả báo của ý. Nếu thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác thì sẽ không được vui, không được sự mong cầu, không được yêu thương, không được xưng tán.
Họ từ xưa cùng với thân kia đã làm điều ác, tương ứng với mộng với ý. Nên đã thọ nghiệp báo và nay đọa vào địa ngục, thọ lãnh như vậy các cực hình của thân và tất cả những khổ não. Chịu không thể nổi như mới chết vào đường khổ. Lúc đó Ma Ba Tuần đang hiện hữu.
Làm cho họ nhớ lời nói để được sinh tín tâm. Khi sanh tín tâm rồi tức thời từ địa ngục kia mệnh chung thác sanh vào Cõi Trời thứ ba mươi ba.
Vì sao vậy?
Này Thương Chủ! Nếu có tâm ác thì nơi Như Lai làm cho các việc ấy qua đi, khi thân hoại mạng chung, bị đọa vào đại địa ngục. Nếu lại có tâm từ biết cúng dường Như Lai với kẻ không cầu thì khi mạng chung sẽ vào đường lành như Trời người v.v… kẻ kia nhờ căn lành này mà được gần Phật.
Khi gần Phật rồi, liền sanh căn lành, các căn lành này tiếp theo sẽ được vô lậu Niết Bàn.
Này Thương Chủ! Từ Như Lai mà biết sanh tín tâm thanh tịnh. Từ thiện căn này mà gặp Đức Di Lặc xuất thế.
Sau khi gặp Phật Di Lặc rồi thì có thể giác ngộ về những sự ngủ nghỉ, phóng dật buông lung của chúng sanh v.v… liền nói lời rằng: Này các chúng sanh hãy dũng mãnh và nên làm các nghiệp thiện. Như Lai Ứng Cúng chánh biến tri ra đời thật khó thay. Như Hoa Ưu Đàm chỉ một lần hiện.
Như Lai cũng chỉ xuất hiện một lần, không có chốn Niết Bàn, có lúc nói rằng thân người khó được, tám nạn khó lìa, được gần Phật mà sanh ra thật là hy hữu. Điều ấy cho nên hãy thận trọng, đừng có buông lung. Hãy siêng tu hành, sau này khỏi hối.
Này Thương Chủ! Khi nhận lãnh lời dạy của Đức Phật Di Lặc hãy lãnh lấy điều ấy. Vì Ngài là Vô Thượng Pháp Vương cùng nhân dân nơi đó đương có tâm từ, không ác, không giận hờn, có tâm bi, tâm lạc và có cả tâm hộ trì dưỡng dục vậy. Do thiện căn này mà tại cung điện của ma làm chủ các ma, giàu có hơn lên, làm Vua Tự Tại.
Này Thương Chủ! Nếu có chúng sanh ở nơi Như Lai mà sanh các căn lành, cho đến được phát một niệm thanh tịnh thì chúng sanh đó đã có căn lành gần nơi Cam Lồ. Cam Lồ số một trên các Cam Lồ.
Này Thương Chủ! Từ căn lành này mà được báo thân làm Trời người, sau khi trải qua tám mươi kiếp, thân sau sẽ thành Bích Chi Phật, có tên là Bi Mẫn.
Vì sao vậy?
Này Thương Chủ! Vì sau khi nghe ta nhập Niết Bàn, từ chỗ ta mà sinh tâm thanh tịnh, từ chúng sanh mà sinh tâm Bi Mẫn. Vì tất cả chúng sanh mà được an lạc vậy. Cầu thỉnh ta ở lại đường vào Đại Bát Niết Bàn.
Lại trong Pháp Hội của Đức Di Lặc cũng vì chúng sanh mà Bi Mẫn như thế. Làm cho chúng sanh khỏi hôn trầm và phóng dật. Luôn luôn nhớ nghĩ không sanh buông lung. Nói pháp lành xong, vì lẽ ấy mà được thọ ký thành Bích Chi Phật.
Này Thương Chủ! Ta nay đang có những phước báo lành như vậy!
Lúc bấy giờ Thương Chủ lại bạch Phật rằng: Kính bạch Đức Thế Tôn! Nếu Phật không nhận lời thỉnh cầu của con mà vào Niết Bàn thì con nguyện từ bây giờ cho đến lúc pháp trụ sẽ lìa ngũ dục và chuyên trì Hiếu Đạo. Không du hí, không mặc áo khác, không cài hoa trên tóc và tẩm hương vào mình. Cũng không thọ dụng thắng báo của Chư Thiên.
Vì sao vậy?
Như vậy Thế Tôn, chúng sanh là vật quý đã cùng với con xa lìa xứ khác, chưa thể gặp mặt. Chưa có trở lại, chưa thấy nhau.
Kính bạch Đức Thế Tôn! Con có niềm vui nào và sự tươi cười nào đâu.
Sao có thể vui, sao có thể xứng ý?
Như vậy tối đại ánh sáng và trí tuệ quang minh! Nếu có người mất đi con sẽ vì họ mà làm những việc xưng tán hoan hỷ. Như vậy là mặt trời đại trí có vô lượng trăm ngàn ánh sáng quyến thuộc. Làm cho diệt trừ vô minh và tăm tối vậy, làm nên bậc có trí sáng suốt, như vậy chưa hết, con nay có nói cũng chẳng thể hết.
Sao có niềm vui?
Sao có nụ cười. Con đã đối với các chúng sanh trân quý này biệt ly từ lâu mà so sánh chúng sanh thì chúng sanh chẳng giảm, lại trong chúng sanh đó cũng có nhiều chúng sanh không có tội, không ngu si, là chúng sanh vô thượng tối thượng chúng sanh, không giống chúng sanh, không so sánh được chúng sanh, hay cứu tất cả chúng sanh, chúng sanh vi diệu chúng sanh.
Chúng sanh cùng chung chúng sanh, cộng thừa chúng sanh, điều phục chúng sanh, lân mẫn chúng sanh, là kẻ giác ngộ, là người nói thật, là người đúng thời, nói đúng lúc, không nói lời khác, như thuyết mà tu hành, ở trong đại bi vì các chúng sanh mà tâm vô quái ngại.
Vì các chúng sanh mà có tâm bình đẳng, không hí luận, không có ta và không thuộc về ta, kẻ không chứa nhóm, không giữ nhà cửa, không nương tựa, không hoang phí, không dơ.
Kẻ hay cứu tế, kẻ chỉ đường, kẻ hóa đạo, kẻ hay giúp đỡ, hay cởi trói, kẻ dưỡng dục, kẻ hay nhớ nghĩ đến chúng sanh, hay làm cho chúng sanh tỉnh ngộ, kẻ chỉ bày và hay thắng thế, kẻ xa lìa, là ông Vua trị nội tâm, là kẻ cho nhiều thuốc hay, là người độ cứu cánh qua khỏi sự khổ.
Là bậc Thương Chủ đúng nghĩa, hiện ra nơi xứ lành, kẻ mang đồ nhẹ, kẻ mang ánh sáng, làm cho sáng thêm, tạo ra ánh sáng, kẻ chiếu sáng, kẻ cho mắt, kẻ dẫn đường làm cho đến nơi chốn yên ổn, xa lìa tất cả dơ bẩn, không khát ái dục, xa lìa chúng.
Đó là tham, sân, si, là kẻ xa lìa phiền não, kiêu mạn, phẫn nộ. Đó chính là kẻ đại trượng phu, diệu đại trượng phu, cực đại trượng phu, làm đại trượng phu, mãnh đại trượng phu, Liên Hoa trượng phu, Phần Đà Lợi trượng phu, đại trượng phu rồng, đại trượng phu thầy của rồng, sư tử trượng phu, thượng thủ trượng phu, sợ hãi trượng phu.
Mạnh mẽ trượng phu, voi trượng phu, vô thượng trượng phu, vô thượng điều ngự trượng phu, với người cùng đi, với người tất cả sức mạnh, được bốn điều không sợ, được đầy đủ mười tám pháp bất cộng, người chứng được trí tuệ rộng lớn, đầy đủ vô lượng giáo pháp, kẻ không có tật đố.
Không có tất cả chứng nạn, trong vô thượng đại thí chủ là thí chủ tối thắng, tâm không ngờ vực, người chứng được đại thiền định, người chứng đến cảnh giới tam muội Tam Ma Bạt Đề.
Người có vô lượng trí tuệ, người không có chứng nạn của trí tuệ, chứng được cảnh giới không so sánh, người không lay động. Qua khỏi chỗ bùn dơ, kẻ đến bên kia bờ. Người ở bờ bên kia, đến chỗ không sợ hãi, trừ tất cả sự sợ hãi của chúng sanh. Người luôn luôn an ổn, những người hiền của chúng sanh, sau đêm nay thời xa lìa, không thể thấy được nữa.
Kính bạch Đức Thế Tôn! Như Lai đang ở trong đại chúng, tiếng hống của sư tử ấy không còn nghe được. Con làm sao có thể giải thích hết được.
Kính bạch Đức Thế Tôn: Ví như người đã được phước lộ quán đảnh của Vua Sát Lợi. Sau khi Vua băng, sanh tâm sầu khổ, hiểu ơn dưỡng dục của Vua, nhớ ơn dưỡng dục của Vua, nhận được ân huệ của Vua mà các chúng sanh này vì Vua chuyên giữ hiếu đạo, hoặc một ngày hai ngày cho đến bảy ngày, từ nửa tháng cho đến một tháng thường hay nhớ nghĩ than khóc.
Bạch Đức Thế Tôn! Con cũng như thế. Sau khi Như Lai diệt độ cho đến chánh pháp còn ở đời, tùy theo thời gian, xa rời năm dục chuyên giữ đạo hiếu, không cười nói đùa giỡn, không thay đổi y phục, không cài hoa lên tóc, không xông hương vào mình và không thọ dụng quả báo của Chư Thiên.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba