Phật Thuyết Kinh đại Bi đại ái - Phẩm Hai Mươi - Phẩm Bốn Vô úy
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BI ĐẠI ÁI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM HAI MƯƠI
PHẨM BỐN VÔ ÚY
Phật nói: Thiện nam!
Như Lai Chí Chân đầy đủ bốn pháp vô úy, làm mọi việc. Như Lai Chánh Giác tự biết tất cả. Trời, Người, Sa Môn, Phạm Chí, Ma Vương, Đế Thích, Phạm Thiên không thể gây trở ngại nơi pháp của Như Lai, không hiểu lời của Như Lai, không thể thành Phật.
Vì sao Như Lai được tôn là Đẳng Chánh Giác?
Vì hiểu tất cả các pháp bình đẳng không thiên lệch. Pháp phàm phu và Pháp Phật bình đẳng. Pháp Hữu Học, pháp Vô Học, pháp Duyên Giác, pháp Bồ Tát, Pháp Phật đều bình đẳng. Pháp thế gian, pháp xuất thế gian, có tội không tội, có lậu hoặc, không lậu hoặc, hữu vi, vô vi, có số, không số đều bình đẳng.
Vì sao bình đẳng?
Vì tất cả đều rỗng lặng, không tướng, không nguyện, vì ba cõi tự nhiên. Không hành vì hành tự nhiên. Do không khởi vì dấy khởi tự nhiên. Do không nương tựa vì chỗ nương tựa tự nhiên. Như có thể suy xét ba đời tự nhiên. Trí tuệ bình đẳng, vì vô minh ân ái tự nhiên. Niết Bàn bình đẳng vì sinh tử tự nhiên.
Thiện Nam! Như Lai hiểu sự bình đẳng của các pháp nên thành Chánh Giác và nhờ thế Như Lai có đủ phương tiện từ bi, tùy thuận chúng sinh thuyết giảng Kinh Pháp, giúp chúng sinh nương tựa pháp, diệt trừ nguồn gốc khổ não.
Có những kẻ không phải là Đạo Sư tự cho là Đạo Sư, không phải là tối tôn tự xưng là tối tôn, chưa thành Chánh Giác tự cho là Chánh Giác. Như Lai đối với các trường hợp ấy hiện bày tính vô sở úy. Như Lai siêu vượt, không ai sánh được. Đó là hạnh thứ mười một của Phật.
Đức Phật lại nói kệ:
Biết các pháp bình đẳng
Thành tựu trí Chánh Giác
Với trí giác bình đẳng
Như Lai thấy các pháp.
Phàm phu và Chư Phật
Bình đẳng không sai khác
Pháp Hữu Học, Vô Học
Pháp của các Duyên Giác.
Tất cả pháp thế gian
Và các pháp xuất thế
Pháp lành cùng pháp ác
Niết Bàn hay sinh tử.
Rỗng lặng, không hình tướng
Nào đâu có nguyện thệ
Không sinh, không tạo tác
Như Lai thấy tất cả.
Hiểu các nghiệp như vậy
Giảng dạy cũng như thế
Nhờ thế độ chúng sinh
Đó là pháp của Phật.
Phật nói: Thiện Nam! Như Lai tự biết đã trừ hết các lậu hoặc, Trời người không ai có thể hủy báng Phật, không ai dám nói là Phật chưa đoạn hết lậu hoặc. Như Lai đoạn hết lậu hoặc nghĩa là Như Lai thoát khỏi nguồn ái dục, không còn bị trở ngại trong dục, trừ tất cả hạnh trần dục, được tôn là Như Lai Chí Chân.
Vì trừ hết lậu hoặc nên Như Lai vào đời bằng trí tuệ đệ nhất, không ai có thể ngăn ngại Pháp Phật. Như Lai giúp chúng sinh diệt trừ nhiễm trần, tu tập chứng đạo, không gì là không diệt, không để sinh khởi là tận.
Sự đoạn tận của Như Lai là chân đế không cùng tận, là vô vi, không thọ, hiện khắp, không nơi chốn, tạo lập, Như Lai an trụ không sinh, các pháp trụ trong pháp giới, là tùy thuận, không diệt độ, không thành, không đắc, không trừ. Như Lai từ bi, tìm đủ mọi phương tiện, vì chúng sinh giảng thuyết Kinh Pháp, trừ lậu hoặc. Đó là hạnh mười hai của Phật.
Lúc ấy, Đức Phật nói kệ:
Như Lai diệt hết mọi lậu hoặc
Không còn chướng ngại do tham dục
Thế Tôn vượt thoát dòng sinh tử
Đoạn trừ tất cả mọi cấu uế.
Như Lai an trụ trừ vô minh
Không còn chấp thấy sự ngu tối
Sư tử trong đời không chấp kiến
Nên không trở ngại, không dục trần.
Như Lai tùy thời giảng Kinh Pháp
Trừ hết lậu hoặc không sinh tử
Quán biết các pháp không sở hữu
Làm sao trừ diệt hay nuôi lớn.
Những gì đoạn tận không ai sánh
Cái đã đoạn tận chỉ giả danh
Pháp đã đoạn tận: Hai hữu vi
Tất cả đều không có ba tướng.
Vào cõi thế gian không chấp chặt
Với trí tuệ sáng Phật giải thoát
Tùy thuận thời cơ để thuyết giảng
Hạnh thứ mười hai của Thế Tôn.
Phật nói: Thiện nam! Như Lai hiểu rõ về dục trần chướng ngại nên không còn bị trở ngại.
Trời, người không ai có thể chê trách Như Lai là không tùy pháp.
Thế nào là thoái chuyển?
Có một pháp làm cho thoái chuyển: Chê trách Như Lai không chuyên nhất. Nghĩa là tâm tán loạn, không chuyên tinh.
Lại có hai: Không hổ, không thẹn.
Lại có ba: Thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác.
Lại có bốn pháp: Trái nghịch, sân hận, đố kị, ngu si.
Lại có năm: Sát sinh, trộm cắp, dâm dục, nói dối, uống rượu.
Lại có sáu: Không cung kính, giấu Kinh Điển, khinh hủy giới cấm, không tu định, không niệm pháp, kiêu mạn.
Lại có bảy: Tự đại, ngã mạn, trọng mạn, chấp ngã, tà mạn, mạn mạn, tăng thượng mạn.
Lại có tám: Tà kiến, tà niệm, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, ta tư duy, tà định, tà tuệ.
Lại có chín: Khinh khi những người đáng kính, kính trước mặt, tổn hại sau lưng, cung kính người không đáng kính, hại trước mặt, kính sau lưng, ghét người từng hại mình, hại trước mặt, hại sau lưng. Chính vì thế luôn khởi tâm não hại.
Lại có mười pháp: Sát sinh, trộm cướp, dâm dục, nói dối, nói hai lời, nói lời ác, lời nói thêu dệt, tham, sân, si. Đó là không thuận pháp, khinh ghét người thuận pháp, luôn điên đảo, bị năm cái ấm che lấp, sống trong tà kiến, tham ái, trái với chánh pháp.
Những pháp đó sẽ luôn cản trở. Như Lai trừ hết các pháp đó, tùy thuận thuyết giảng, giúp chúng sinh vượt ấm cái, giải thoát. Đó là hạnh mười ba của Phật.
Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:
Thế Tôn hiểu rõ các pháp
Trói buộc không thể giải thoát
Chấp trước không thể xả bỏ
Lại cũng không biết hổ thẹn.
Thân, khẩu, ý cùng làm ác
Không thể nào bảo vệ được
Tham, sân, si cùng lo sợ
Sát sinh lại phạm trộm cướp.
Dâm dục, nói dối, say rượu
Đủ sáu tình bảy kiêu mạn
Sống theo tám thứ pháp tà
Trở ngại nơi đạo giải thoát.
Không tự kìm chế về mình
Lại gây tạo mười pháp ác
Không xả, không biết thuận pháp
Nên không thể đạt giải thoát.
Điên đảo lại thêm chấp trước
Ỷ lại cùng tự buông lung
Không nên làm những việc ấy
Là Bậc Thế Tôn trong đời.
Phật nói: Thiện nam! Như Lai biết hạnh nguyện của Bồ Tát, sống bình đẳng, diệt hết khổ não. Chúng sinh làm lành sẽ giải thoát, sống bình đẳng sẽ diệt hoạn nạn. Trời, Người không thể gây trở ngại chánh pháp của Như Lai. Dù có kẻ cho Như Lai không được Thánh chúng tôn phụng, không biết đạo lớn, Như Lai vẫn không lo sợ. Pháp đáng tôn trọng là đạo Nhất thừa tạo mọi thanh tịnh cho chúng sinh.
Lại có hai pháp: Tịch tĩnh, thệ nguyện.
Lại có ba pháp: Không, vô tướng, vô nguyện.
Lại có bốn: Thân, thọ, tâm, pháp.
Lại có năm: Tín, tấn, định, niệm, tuệ căn.
Lại có sáu: Niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, niệm thí, niệm giới, niệm thiên.
Lại có bảy: Ý, pháp, tinh tấn, hoan hỷ, tín, định, hộ xả giác ý.
Lại có tám: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh niệm, chánh định, chánh tuệ.
Lại có chín: Thiền một, thiền hai, thiền ba, thiền bốn, không, thức, xứ, phi tưởng, diệt tận.
Lại có mười: Trư bỏ sát sinh, trộm cướp, dâm dục, nói dối, nói hai lời, nói ác, mắng nhiếc, thêu dệt, sân hận, tà kiến. Đó là ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Nhờ tu giới đạt định, tu định đạt tuệ, từ tuệ có giải thoát, đạt trí hiểu vượt, thành tựu sự không thọ sinh của Hiền Thánh.
Nghĩa là bình đẳng làm mọi việc của bậc Hiền Thánh, không thấy có hai, không hai, có quyền, không quyền, có tiến, thoái, sinh không sinh, không thọ, không xả, vượt qua hạnh bình đẳng.
Do các pháp không hai nên tu tập bằng tuệ. Vì thế, Như Lai không thọ sinh, tùy thuận chúng sinh giảng thuyết, chúng sinh thực hành sẽ diệt hết khổ não. Đó là hạnh mười bốn của Phật.
Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:
Gần gũi thanh tịnh
Không thể suy lường
Mọi người nương tựa
Chứng đạt tịch tĩnh.
Như Lai nghe thấy
Biết hết tất cả
Như Lai tùy thuận
Giảng pháp cam lồ.
Thành tựu pháp lành
Và vô số pháp
Thanh tịnh trợ đạo
Chư Phật Thế Tôn.
Dũng mãnh tu tập
Chứng đạt giải thoát
Giảng thuyết Kinh Pháp
Không có xứ sở.
Tùy thuận là hành
Diệt hết khổ não
Các pháp phương tiện
Phong phú, không lo.
Không chấp giữ pháp
Không theo phi pháp
Bình đẳng giải thoát
Tinh tấn không ngừng.
Công đức pháp lành
Không từ đạo pháp
Cũng chẳng trống không
Hư không không niệm.
Như huyễn như hóa
Như cảnh trong mộng
Như thế sẽ vượt
Các dòng sinh tử.
Đó là Thế Tôn
Làm tất cả việc
Giúp chúng giải thoát
Bao trùm tất cả.
Như Lai từ bi
Độ thoát hết thảy
Trí tuệ siêu vượt
Không ai sánh bằng.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Một Nghìn Hai Trăm Chín Mươi Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật - Phần Mười
Phật Thuyết Kinh đại Thừa đồng Tánh - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh Trì Tâm Phạm Thiên Sở Vấn - Phẩm Hai - Phẩm Bốn Pháp