Phật Thuyết Kinh đại Minh độ Kinh đạo Hành Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Bốn - Phẩm Công đức
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chi Khiêm, Đời Ngô
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI MINH ĐỘ KINH ĐẠO
HÀNH BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Chi Khiêm, Đời Ngô
PHẨM BỐN
PHẨM CÔNG ĐỨC
Lại nữa, này Đế Thích!
Trong thiên hạ này, nếu đem bố thí đầy khắp Xá Lợi của Như Lai và đem bố thí Kinh trí độ vô cực thì ngươi chọn lấy việc bố thí nào?
Đế Thích thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Con chọn lấy trí độ.
Vì sao?
Vì con đâu dám không cung kính Xá Lợi, nhưng Xá Lợi của Đấng Thiên Trung Thiên do trí độ này sinh ra nên được Trời người tôn kính. Như con và Chư Thiên cùng ngồi, nhưng tòa ngồi khác hẳn nhau. Nếu con chưa đến thì các Thiên Tử lễ lạy, nhiễu quanh tòa ngồi rồi đi, vì tòa ngồi này cao quý. Con ở đây lãnh thọ Kinh, còn Chư Thiên ở nơi kia lễ lạy.
Như vậy bạch Đức Thế Tôn! Trí độ sinh ra Xá Lợi của Như Lai Vô Sở Trước Chánh Chân Đạo Tối Chánh Giác. Từ trong trí nhất thiết sinh ra thân. Do đó, trong hai việc bố thí, con chọn lấy trí độ. Giả sử xálợi đầy khắp trong Cõi Tam Thiên Đại Thiên là một việc, Kinh trí độ là một việc thì con chọn lấy Kinh.
Vì sao?
Vì từ trong trí độ sinh ra Xá Lợi cúng dường.
Ví như người mắc nợ cho vào hầu Vua, không còn ai hỏi, cũng không hề lo sợ.
Vì sao?
Vì ở cạnh Vua có sức mạnh.
Ví như ngọc minh nguyệt vô giá. Người nào có ngọc quý này, tính chất của nó không có gì sánh bằng. Chỗ để ngọc, quỷ thần không vào được vào bên trong. Nếu người nam, người nữ giữ gìn chỗ để viên ngọc minh nguyệt thì quỷ thần lập tức bỏ đi.
Nếu ở trong nóng, gió, lạnh mà đeo hạt ngọc minh nguyệt vào mình thì hết nóng, gió, lạnh. Ban đêm đem nó vào chỗ tối liền sáng. Nóng, mát, lạnh, ấm, các độc xâm nhập vào mình, đem ngọc châu ra thì các độc liền tan hết.
Như vậy, bạch Đức Thế Tôn! Hạt ngọc minh nguyệt thật tôn quý. Nếu người bị đau mắt đặt nó bên cạnh liền hết đau. Tính chất của nó thật nhiều công dụng. Đặt hạt ngọc ở nơi nào thì nơi đó có màu sắc giống như hạt ngọc. Giả sử đem nhiều loại lụa gói hạt ngọc rồi bỏ xuống nước, nước sẽ có màu của hạt ngọc. Nước đục liền trong. Tính chất của hạt ngọc này không gì sánh bằng.
Tôn Giả A Nan hỏi Đế Thích: Này Đế Thích! Thế nào, chỉ có ông có hạt ngọc, hay ở cõi này cũng có?
Đế Thích thưa: Thưa Tôn Giả! Cũng có nhưng không được đầy đủ như tôi đã nói, nó khác hẳn với vật báu tầm thường trong thiên hạ. Không giống như tính chất của hạt ngọc minh nguyệt kia, cao quý gấp trăm ngàn muôn ức lần. Nếu đặt vào trong rương thì ánh sáng của nó thấu ra ngoài. Nếu đem nó ra khỏi trong rương thì ánh sáng vẫn như cũ.
Bạch Đức Thế Tôn! Công đức của bậc trí nhất thiết cho đến sau khi Như Lai diệt độ, Xá Lợi của bậc trí nhất thiết được phân chia cúng dường như vậy. Đặt Xá Lợi của Đức Như Lai đầy khắp trong Cõi Tam Thiên Đại Thiên. Dù cho Xá Lợi đầy khắp hằng hà sa Cõi Phật là một phần, Kinh trí độ này là một phần, trong hai phần, con chọn lấy Kinh.
Đức Phật bảo Đế Thích: Như Lai ở quá khứ đều từ trong pháp này sinh ra, tự đến khi thành Phật. Chư Phật vị lai và Chư Phật hiện tại ở mười phương vô số Cõi Phật cũng đều từ trong pháp này sinh ra. Ta là người ở trong vô số ấy tự đạt đến thành tựu.
Đế Thích thưa rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Tâm mong cầu của tất cả chúng sinh, Đức Như Lai từ minh độ đều biết rõ hết.
Đức Phật dạy: Do đó, Bồ Tát Đại Sĩ lúc nào cũng mong cầu minh độ.
Đế Thích thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Chỉ cầu Đại minh độ mà không cầu các độ khác sao?
Đức Phật dạy: Sáu Độ vô cực đều mong cầu. Bồ Tát bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm phân biệt các Kinh không bằng cầu minh độ. Ví như thiên hạ này gieo hạt giống trồng cây, bao nhiêu màu sắc, mỗi loại lá hoa thật sự đều khác nhau. Bóng nó không khác, các bóng đều giống nhau. Như vậy năm độ từ minh độ sinh ra. Trí nhất thiết, mỗi trí thành tựu cho nhau không khác.
Đế Thích bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Đức sáng của bóng ấy cao quý khó có gì sánh bằng.
Phật dạy nếu có người nào viết chép Kinh này, phụng thờ, cúng dường hương hoa, lụa là, phướn lọng, lại còn trao cho người khác, phước đó có nhiều không?
Đế Thích thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Tự mình cúng dường, còn phân chia cho người, phước ấy rất nhiều.
Đức Phật dạy: Viết chép Kinh, cúng dường hương hoa, các vật báu: Phướn lọng, lụa là danh tiếng còn như thế. Nếu có ai viết Kinh cúng dường, lại còn chia cho người thì phước ấy vô lượng. Nơi người trì Kinh ở càng thanh tịnh hơn, phước ấy rất nhiều.
Lại nữa, người trong một thiên hạ đều giữ mười giới, đặt ra như vậy khắp bốn thiên hạ.
Lại trong một nước nhỏ, nước vừa hai ngàn, ba ngàn nước lớn, người dân trong các Cõi Phật nhiều như số cát Sông Hằng đều khiến họ giữ mười giới thì phước ấy có nhiều không?
Đế Thích thưa: Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều!
Đức Phật dạy: Không bằng viết chép, thọ trì Kinh này rồi chia cho người để họ viết chép, học tập, thì phước ấy nhiều gấp bội. Đặt ra mười giới trên, rồi khiến họ thực hành bốn khí, bốn bạt khổ, bốn sự không và năm thông đều thành tựu.
Thế nào, phước ấy có nhiều gấp bội không?
Đế Thích thưa: Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều!
Đức Phật dạy: Không bằng viết chép Kinh này, đưa cho người ta viết chép, hoặc đọc tụng thì phước ấy nhiều gấp bội.
Lại nữa, học hiểu đúng trí tuệ, phước ấy rất nhiều.
Đế Thích bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Học Trí tuệ độ như thế nào để hiểu đúng trí tuệ?
Phật dạy: Đời vị lai có thiện sĩ nào muốn được vô thượng chánh chân đạo Tối Chánh Giác, thích học minh độ nhưng bạn ác dạy học chẳng có trí tuệ.
Đế Thích hỏi: Thế nào là không có trí tuệ?
Đức Phật dạy: Tỳ Kheo đời vị lai được Kinh này, muốn học tập thì bạn ác dạy họ năm ấm vô thường. Học năm ấm vô thường, cầu cái học này mất đại minh, giữ gìn không có trí tuệ.
Đức Phật dạy: Người cầu không phá cái thấy năm ấm vô thường.
Vì sao?
Vì vốn là không. Như vậy nên bắt chước theo cái học của bóng sáng thì phước ấy không lường được.
Lại nữa, người trong một thiên hạ đắc đạo Dư Lưu, Tần Lai, Bất Hoàn, Ứng Nghi, Duyên Giác đều thành tựu. Lại người trong các Cõi Phật nhiều như số cát Sông Hằng đều cầu phước của đạo Vô Thượng Chánh Chân không bằng dùng định thanh tịnh giảng nói rộng các nghĩa. Trí tuệ độ.
Vì sao?
Vì do định này đắc được trí nhất thiết, mười hai bộ Kinh. Và cũng nhờ học minh độ này mà thành Phật. Vô tận Đức Phật sinh ra, liền sinh Dự Lưu, Tần Lai, Bất Hoàn, Ứng Nghi, Duyên Giác và người phát tâm cầu Phật được định này thì phước đức rất tôn quý. Nếu có ai luôn phát nguyện muốn mau thành Phật thì đem Kinh này cho họ để thành Đại Sĩ. Người nào đắc định này, phước ấy khó hết được.
Đế Thích bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Đúng thế, rất là an ổn. Bồ Tát Đại Sĩ này mau được gần Phật, do đó được phước ấy càng gấp bội.
Vì sao?
Vì vị ấy được pháp này mau gần tòa Phật.
Thiện Nghiệp nói với Đế Thích: Lành thay, lành thay! Nên hiểu như thế. Bồ Tát lãnh thọ định thanh tịnh mau được hạnh Phật đã làm. Như ngay trong chỗ đã hỏi, nếu tịnh không được cảnh định thì không được thành Phật.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Nguyệt đăng Tam Muội - Phần Ba Mươi Tám
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Chín - Pháp Hội đại Thừa Thập Pháp - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng đại Tập Hiền Hộ Bồ Tát - Phẩm Bảy - Phẩm Giới Hạnh đầy đủ
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bán
Phật Thuyết Kinh Tương ứng Tương Khả
Phật Thuyết Kinh đại Bi - Phẩm Mười Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Ni Kiền - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Bổn Nghiệp - Phẩm Năm - Phẩm Phật Mẫu
Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng đại Tập Hiền Hộ Bồ Tát - Phẩm Mười Một - Phẩm đầy đủ Năm Pháp