Phật Thuyết Kinh đại Pháp Cổ - Phần Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI PHÁP CỔ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
PHẦN BA
Phật bảo Ca Diếp: Kia có hành phần, ta nói pháp chúng sinh này trừ Trời Vô Tưởng.
Ca Diếp bạch Phật: Chúng sinh là sắc hay chẳng phải sắc?
Phật bảo Ca Diếp: Chúng sinh chẳng phải sắc, cũng chẳng phải chẳng phải sắc, nhưng thành tựu được pháp kia thì gọi là chúng sinh.
Ca Diếp bạch Phật: Nếu như vậy, khong phải chúng sinh thành tựu pháp, lại có chúng sinh khác, chẳng nên có Cõi Trời Vô Sắc. Nếu vậy thì không có hai pháp thế gian sắc và Vô Sắc.
Phật bảo Ca Diếp: Pháp cũng chẳng phải sắc, chẳng phải pháp cũng chẳng phải sắc.
Ca Diếp bạch Phật: Thế nào là pháp cùng chung với giải thoát?
Thế nào là chẳng phải pháp cùng chung với giải thoát?
Trời Vô Sắc cũng có giải thoát.
Phật bảo Ca Diếp: Không phải vậy, chỉ có pháp hữu vi, pháp vô vi. Vậy nên Trời Vô Sắc là hữu vi số, giải thoát là vô vi. Trời Vô Sắc có sắc tánh vậy.
Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tất cả hữu vi là sắc, chẳng phải sắc là vô vi. Trời Vô Sắc có sắc ấy là cảnh giới Phật, không phải cảnh giới của chúng con.
Phật bảo Ca Diếp: Lành thay, lành thay! Đúng là cảnh giới của ta, không phải cảnh giới của các ông. Cũng như thế Chư Phật Thế Tôn đến giải thoát thì Chư Phật đều có sắc, giải thoát cũng có sắc.
Phật bảo Ca Diếp: Thế nào là Trời Vô Sắc?
Những việc mà các vị Trời làm, ông có biết chăng?
Này Ca Diếp! Thế nào là Trời Hữu Sắc?
Gọi là Vô Sắc số chăng?
Ca Diếp bạch Phật: Không phải cảnh giới của chúng con.
Phật bảo Ca Diếp: Cũng như vậy, Chư Phật Thế Tôn đến giải thoát đều có sắc.
Ông phải quán xét!
Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu như thế mà được giải thoát thì lẽ ra phải còn thọ khổ vui.
Phật bảo Ca Diếp: Nếu có chúng sinh bệnh, uống thuốc hết bệnh rồi, trở lại bệnh nữa sao?
Ca Diếp bạch Phật: Nếu có nghiệp thì phải có bệnh.
Phật bảo Ca Diếp: Nếu không có nghiệp thì người ấy có bệnh chăng?
Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn, không!
Phật bảo Ca Diếp: Đúng vậy, lìa khổ vui là giải thoát, phải biết khổ vui là bệnh. Như trượng phu là được Niết Bàn.
Ca Diếp bạch Phật: Nếu lìa khổ vui là được giải thoát thì không nghiệp, có được hết bệnh chăng?
Phật bảo Ca Diếp: Ở thế gian, hễ có vui thì có khổ, lìa được khổ vui, như thế nghiệp hết thì được giải thoát.
Ca Diếp bạch Phật: Không còn chung tận chăng?
Phật bảo Ca Diếp: Ví hư không như biển thì hư không có như biển chăng?
Hư không không thể thí dụ, giải thoát không thể thí dụ, cũng giống như vậy. Như Trời Vô Sắc có sắc mà không thể biết, cũng không thể biết giống như cái này, giống như cái kia, cũng như vậy, ở chốn rong chơi như vậy…, không phải là cảnh giới của Thanh Văn, Duyên Giác, giải thoát cũng giống như vậy.
Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh do ai tạo ra?
Phật bảo Ca Diếp: Chúng sinh tự tạo ra.
Ca Diếp bạch Phật: Nghĩa ấy ra sao?
Phật bảo Ca Diếp: Làm phước là Phật, làm ác là chúng sinh.
Ca Diếp bạch Phật: Chúng sinh đầu tiên do ai tạo ra?
Phật bảo Ca Diếp: Các tầng Trời Vô Sắc như Phi tưởng phi phi tưởng, do ai tạo ra?
Sống như thế nào?
An trụ như thế nào?
Ca Diếp bạch Phật: Ở đó các nghiệp còn không thể biết, chỉ theo nghiệp mà an trụ.
Những chúng sinh như thế, sinh tử la đen và Niết Bàn là trắng do ai tạo ra?
Phật bảo Ca Diếp: Do nghiệp tạo ra. Nghiệp sinh ra vô lượng pháp. Thiện sinh ra vô lượng pháp.
Ca Diếp bạch Phật: Thế nào là nghiệp khởi?
Thế nào là thiện khởi?
Phật bảo Ca Diếp: Nghiệp khởi là hữu. Thiện khởi là giải thoát.
Ca Diếp bạch Phật: Ở cõi vô sinh thì làm sao thiện khởi?
Phật bảo Ca Diếp: Như như không khác.
Ca Diếp bạch Phật: Nếu thiện khởi thì làm sao đến chỗ vô sinh?
Phật bảo Ca Diếp: Thực hành nghiệp lành.
Ca Diếp bạch Phật: Do ai dạy bảo?
Phật bảo Ca Diếp: Do Phật giáo vô thỉ dạy bảo.
Ca Diếp bạch Phật: Tất cả Phật vô thỉ, ai hóa độ?
Ai dạy bảo?
Phật bảo Ca Diếp: Vô thỉ này tất cả Thanh Văn, Duyên Giác không thể suy nghĩ, lường biết được. Nếu có sĩ phu ra khỏi thế gian, trí tuệ học rộng như Xá Lợi Phất mà đêm dài suy nghĩ, cũng không bao giờ biết được vô thỉ của Phật thì ai là người đầu tiên. Cho đến ở trong Niết Bàn cũng không biết được.
Lại nữa, này Ca Diếp! Như Đại Mục liên dùng năng lực thần thông để tìm Thế Giới Phật đầu tiên thì vô thỉ chung, không bao giờ biết được, cũng như vậy, tất cả Thanh Văn, Duyên Giác, Thập Địa Bồ Tát như Bồ Tát Di Lặc… đều không thể biết được. Như nguyên khởi của Phật khó có thể biết được, nguyên khởi của chúng sinh cũng giống như vậy.
Ca Diếp bạch Phật: Vậy Thế Tôn! Không có tác giả, không có thọ giả.
Phật bảo Ca Diếp: Nhân là tác giả, thọ giả.
Ca Diếp bạch Phật: Thế gian có tận diệt hay không có tận diệt.
Phật bảo Ca Diếp: Thế gian không hề có tận diệt, không có chỗ tận diệt, không có thời gian tận diệt.
Phật bảo Ca Diếp: Như dùng một sợi lông để chấm nước biển cả thì có thể hết được chăng?
Ca Diếp bạch Phật: Dạ, có thể hết được.
Phật bảo Ca Diếp: Thuở xưa, cách nay vô lượng A tăng kỳ đại kiếp, có Đức Phật hiệu là Kể la bà ra đời, giảng rộng giáo pháp. Lúc bấy giờ, trong thành có một Đồng Tử Ly xa tên là Nhất Thiết Thế Gian Nhạo Kiến, làm Chuyển Luân Thánh Vương, cai trị bằng chánh pháp. Nhà vua cùng với trăm ngàn đại quyến thuộc đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Ngài, đi nhiễu bên phải ba vòng.
Sau khi cúng dường xong rồi nhà vua bạch Phật: Còn bao lâu nữa con sẽ được đạo Bồ Tát?
Đức Phật bảo nhà vua: Chuyển luân Thánh Vương tức là Bồ Tát đâu có khác.
Vì sao?
Vì không có người khác làm Đế Thích, Phạm Vương và Chuyển Luân Thánh Vương như Bồ Tát ấy. Tức là Đế Thích, Phạm Vương, Chuyển Luân Thánh Vương, trước đã làm rất nhiều Đế Thích, Phạm Vương, sau đó mới làm Chuyển Luân Thánh Vương, cai trị bằng chánh pháp. Ông đã từng làm hằng hà sa số a tăng kỳ thân Phạm Vương, Đế Thích, nay làm Chuyển luân Thánh Vương.
Nhà vua bạch Phật: Đế Thích, Phạm Vương thuộc loại hình nào?
Phật bảo đại vương: Đế Thích, Phạm Thiên Vương cũng như đại vương hôm nay, đầu đội Thiên quan. Nhưng họ đoan nghiêm không bằng được đại vương. Như sắc tướng đoan nghiêm đặc biệt của Đức Phật thì hàng Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát chẳng bằng được, đại vương cũng như vậy.
Này Ca Diếp! Lúc bấy giờ Thánh Vương lại hỏi Phật: Chừng bao lâu nữa con sẽ thành Phật?
Phật bảo đại vương: Muốn thành Phật thì phải trải qua thời gian rất lâu.
Vì sao?
Vì giả như khiến nhà vua bỏ cái phước đức hiện nay của mình, trở lại người thường rồi lấy một sợi lông mà chấm vào nước biển cả đến khô cạn, còn như vũng nước dấu chân trâu, khi ấy sẽ có một Đức Như Lai ra đời, hiệu là Đăng Quang Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, bây giờ có vị quốc vương tên là Địa Tự Tại.
Đức Đăng Quang Như Lai thọ ký cho vua sẽ được thành Phật.
Lúc bấy giờ, ông sẽ làm trưởng tử thứ nhất của vua kia, cũng đều được thọ ký, thì bấy giơ Đức Như Lai kia sẽ nói như vậy: Này Đại Vương! Đứa con lớn của ông đây từ thuở xa xưa đến nay như biển cả dần cạn, sinh làm con ông. Ở trong khoảng ấy chẳng làm tiểu vương, hoặc là Đế Thích, Phạm Vương, Chuyển Luân Thánh Vương, cai trị bằng chánh pháp.
Đứa con lớn của ông đây mạnh mẽ tinh tấn như vậy.
Này Địa Tự Tại! Bồ Đề khó được. Vì nhân duyên này nên nói thí dụ ấy.
Này Địa Tự Tại! Đứa con lớn của ông đây có sáu muôn thể nữ xinh đẹp khác thường, trang nghiêm bằng chuỗi anh lạc giống như các cô gái Cõi Trời mà bỏ đi như nhổ bỏ đàm dãi.
Biết dục là vô thường, mong manh chẳng bền chắc, bèn nói: Ta sẽ xuất gia.
Nói rồi, anh ta tin nhà chẳng phải nhà nên bỏ nhà đi học đạo.
Cho nên Đức Phật kia thọ ký cho Đồng Tử ấy: Vào đời sau có Đức Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni, Thế Giới tên là nhẫn.
Này Đồng Tử! Ngươi tên là Nhất Thiết Thế Gian Nhạo Kiến Ly xa. Sau khi Đức Phật Niết Bàn, lúc chánh pháp sắp diệt, còn tám mươi năm, ngươi làm Tỳ Kheo thọ trì danh hiệu Phật, giảng nói Kinh này, chẳng đoái hoài đến thân mạng.
Thọ một trăm tuổi, sau khi mạng chung vãng sinh về cõi nước An Lạc, được thần lực rộng lớn, trụ Đệ Bát Địa. Một thân trụ trên Cõi Trời Đâu Suất, một thân trụ ở nước An Lạc. Lại hóa một thân nữa đến thỉnh vấn Bồ Tát A Dật Đa về Kinh ấy.
Bấy giờ, vua Địa Tự Tại nghe lời Phật thọ ký cho con mình, vui mừng hớn hở nghĩ: Hôm nay Đức Như Lai thọ ký cho con ta được trụ Đệ bát địa. Đồng Tử kia nghe lời thọ ký thì càng thêm tinh tấn mạnh mẽ.
Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Cho nên một sợi lông chấm lấy nước biển cả, vẫn còn có thể cạn.
Phật bảo Ca Diếp: Nghĩa ấy thế nào?
Ca Diếp bạch Phật: Bach Thế Tôn! Ví như có người đi buôn đếm số tiền vàng để trong một cái thùng. Khi con khóc đòi thì lấy cho một tiền. Tiền trong thùng kia mỗi ngày một ít đi, cũng giống như vậy, Bồ Tát Ma ha tát đối với nước trong biển cả, từng giọt, từng giọt tổn giảm đều, đều có thể biết được, cũng biết cả số còn lại.
Huống chi là Đức Thế Tôn đối với chúng sinh đông đảo mà không biết hay sao?
Nhưng các chúng sinh không có tổn giảm và diệt tận. Tất cả Thanh Văn, Duyên Giác không thể biết được, chỉ có Phật Thế Tôn mới có thể biết.
Đức Phật bảo Ca Diếp: Lành thay, lanh thay, như lời ông nói! Chúng sinh đông đảo không có lúc cùng tận.
Ca Diếp bạch Phật: Chúng sinh Bát Niết Bàn ấy là có cùng tận, hay là vô tận?
Phật bảo Ca Diếp: Chúng sinh không có cùng tận.
Ca Diếp bạch Phật: Sao gọi là chúng sinh biết tận?
Phật bảo Ca Diếp: Nếu chúng sinh cùng tận thì nên có tổn giảm. Kinh này trở nên vô nghĩa.
Vậy này Ca Diếp! Các Đức Phật Thế Tôn Bát niếtbàn thảy đều thường trụ. Do ý nghĩa này nên Chư Phật, Thế Tôn Bát Niết Bàn nhưng chẳng bị mài mòn tiêu diệt.
Ca Diếp bạch Phật: Sao gọi là Chư Phật nhập Niết Bàn, không rốt ráo diệt?
Phật bảo Ca Diếp: Đúng vậy, đúng vậy! Nhà hoại thì trở thành hư không.
Đúng vậy, đúng vậy! Chư Phật Niết Bàn tức là giải thoát.
Lúc bấy giờ, Đưc Thế Tôn bảo Đại Ca Diếp: Ví như có vị vua thực hành bố thí, trong nước của vị vua ấy xuất hiện nhiều kho báu trong lòng đất.
Vì sao?
Vì vị vua ấy chu cấp mọi thứ cho chúng sinh nghèo khổ. Vậy nên các kho tàng tự nhiên xuất hiện.
Cũng giống như vậy, này Ca Diếp! Vị Bồ Tát có phương tiện rộng lớn, vì chúng sinh giảng nói Pháp bảo sâu xa nên được Kinh lìa phi pháp sâu xa này, còn gọi là Kinh Không Vô Tướng Vô Tác Tương Ưng, lại được Kinh Như Lai thường trụ như thế và có được tạng Kinh Như Lai.
Này Ca Diếp! Như ở cõi Uất đan việt, thức ăn thức uống tự nhiên có, mọi người đều lấy dùng mà không hề tổn giảm.
Vì sao?
Vì trong suốt cuộc sống họ không có ý tưởng về ngã sở và ý tưởng về xan tham.
Cũng giống như vậy, này Ca Diếp! Ở Cõi Diêm Phù Đề này Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di được Kinh Điển sâu xa này mà sao chép, thọ trì, đọc tụng, thông đạt rốt ráo, giảng nói rộng rãi cho người nghe, không bao giờ mệt mỏi, nhàm chán, không nghi ngờ, không hủy báng.
Nhờ năng lực thần thông của Phật, họ thường được cúng dường như ý tự nhiên, cho đến khi chứng quả Bồ Đề, không hề thiếu thốn, không bao giờ hết được, ngoại trừ nghiệp báo đã định.
Như vị Tỳ Kheo giữ giới chẳng biếng nhác đối với việc giữ giới thì suốt đời được Thiên Thần theo hầu hạ cúng dường. Nếu như họ có thể đối với Kinh Điển sâu xa như vậy, thậm chí chẳng nghĩ đến không khởi một ý tưởng bài báng thì sẽ được Như Lai tạng, Như Lai thường trụ, thường gặp các Đức Phật, gần gũi cúng dường.
Như vị Chuyển luân Thánh Vương, hễ có đi đâu thì bảy vật báu thường theo bên mình, cũng giống như vậy Thuyết An Úy ấy là chỗ trụ. Như vậy Kinh này thường đi chung với thuyết ấy, như chỗ ở của vị Chuyển luân Thánh Vương thì bảy vật báu thường có mặt, không ở chỗ khác được, đó chẳng phải là trân bảo ở chỗ khác.
Thuyết An Úy cùng với Kinh này hiện tại đã trụ như thế đều từ phương khác đến chỗ ấy. Các Kinh chẳng rõ nghĩa không tương ưng thì trụ ở chỗ khác. Thuyết An Úy này trụ nơi nào thì chốn ấy có Kinh này thường theo.
Như nơi nào vị Chuyển Luân Thánh Vương đến thì các chúng sinh khác đều thuận theo vua mà nghĩ: Chỗ vua ấy an trụ, chúng ta cũng nên đi.
Cũng giống như thế, chỗ Thuyết An Úy này an trụ, Kinh này cũng lại thường theo, như khi vị Chuyển Luân Thánh Vương ra đời thì bảy món báu cũng ra đời theo. Cũng giống như vậy Thuyết An Úy này xuất hiện ở thế gian thì Kinh này cũng xuất hiện theo.
Như vị Chuyển Luân Thánh Vương đã có bảy vật báu. Nếu bị mất một vật báu thì vị vua ấy sẽ tìm cho được, ắt phải đến chỗ báu. Cũng giống như vậy, Thuyết An Úy này vì nghe có Kinh này nên tìm cầu khắp nơi thì tất yếu phải đến chỗ Kinh.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Tạo Tượng Công đức - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tăng Già Tra - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Lê Tê đạt đa - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Kim Quang Minh Hợp Bộ - Phẩm Hai Mươi Bốn - Phẩm Tán Phật
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Ba - Phẩm Quán Chiếu - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh Phương Quảng - Phần Mười Hai - Tâm Giải Thoát