Phật Thuyết Kinh Như ý Bảo Tổng Trì Vương

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thi Hộ, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH

NHƯ Ý BẢO TỔNG TRÌ VƯƠNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống  

Như vậy tôi nghe!

Một thời Đức Phật ngự trong cung Trời Đổ Sử Đa Tuṣta: Đâu Suất cùng với vô số ngàn Bồ Tát Ma Ha Tát thuộc nhóm Diệu Trụ đến dự. Các vị Bồ Tát Ma Ha Tát ấy đều được đầy đủ pháp chuyển bánh xe bất thoái, một đời sẽ được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Khi ấy lại có vô lượng Thiên Chúng và các doanh tòng cũng đến tập hội.

Bấy giờ Đức Thế Tôn ở trong đại chúng, ngồi yên trên tòa báu to lớn, xem xét Đại Hội rồi muốn nói pháp màu nhiệm.

Thời Diệu Trụ Bồ Tát Ma Ha Tát từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước mặt Đức Thế Tôn, cúi năm vóc lễ sát đất rồi bạch rằng: Thế Tôn! Có kẻ trai lành kia được Như Ý Bảo Tổng Trì Chương Cú này, một lòng thọ trì nhưng đối với Đức Thế Tôn của ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai lại chẳng thấy chẳng nghe, cũng chẳng được gặp gỡ.

Bạch Đức Thế Tôn! Việc ấy như thế nào?

Nguyện xin Đức Như Lai rộng vì chúng con mỗi mỗi diễn nói để cho tất cả chúng sinh đời vị lai không còn một chút nghi hoặc.

Nói lời ấy xong, vị Bồ Tát ấy ngồi yên lặng.

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo Diệu Trụ Bồ Tát rằng: Ông thường dùng phương tiện lớn nên hay hỏi việc này.

Ông hãy lắng nghe! Ta sẽ vì ông mà nói.

Đức Phật bảo: Này Diệu Trụ! Kẻ trai lành kia tuy thọ trì Như Ý Bảo Tổng Trì Chương Cú này nhưng ở ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai chỉ hành sự lợi ích và thường trú ở nghiệp phước đồng thời chưa cắt đứt sự nghi ngờ nơi Tổng Trì Chương Cú này.

Này Diệu Trụ! Kẻ ấy tuy thọ trì mà thật chẳng thọ trì.

Tại sao thế?

Vì người này trụ ở tâm hữu vi, không có trí khéo léo, không có phương tiện.

Nếu kẻ trai lành ấy đối với tổng trì chương cú này không có tâm nghi hoặc, lại quyết định chuyên chú thì mới được gọi là chân thọ trì. Kẻ ấy được gọi là biết tên của bậc thầy nói pháp trong ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai. Lại cũng gọi là thấy tướng của bậc thầy nói pháp trong ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai và cũng gọi là được thấy Bậc Chính Biến Tri của ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai.

Tại sao thế?

Này Diệu Trụ! Vì người ấy được Diệu Giải ở Môn Tổng Trì vậy. Lại trụ ở tín, bất tín. Lại hiểu rõ về sự không có đi không có lại, chẳng sinh chẳng diệt, chẳng không chẳng phải chẳng không, không có tướng điềm lành cũng chẳng phải không có tướng điềm lành, không có nguyện cầu cũng chẳng phải không có nguyện cầu, cũng lại nơi pháp như vậy không có thủ trước.

Này Diệu Trụ! Kẻ trai lành ấy hay gom chứa các điều như vậy mà đi đứng không có chỗ trụ vô sở trụ. Đấy gọi là Trụ, là đắc Niết Bàn, cũng gọi là thọ trì cúng dường Như Ý Bảo Tổng Trì Chương Cú này.

Lại nữa, điều ấy cũng gọi là được nghĩa không có lối nẻo vô thú, không hư hoại, được sức không nghi, được Thi La thanh tĩnh, được tất cả pháp bình đẳng, cứu cánh thành Phật. Thấy pháp đã nói, không có tự không có tha, chẳng hòa hợp chẳng phải chẳng hòa hợp.

Này Diệu Trụ! Kẻ trai lành ấy luôn luôn tu theo hạnh đó liền được tự vô nhiễm. Nếu được vô nhiễm không có nhiễm dính thì cũng được vô phộc không có trói buộc. Nếu tự mìng không có trói buộc thì cũng khiến cho kẻ khác không bị trói buộc. Nếu ta, người không bị trói buộc thì cũng chẳng trụ giải thoát.

Này Diệu Trụ! Nếu kẻ kia chẳng có nhiễm, chẳng có trói buộc, chẳng trụ giải thoát thì gọi là được Như Ý Bảo Tổng Trì. Lại ở Như Lai Tộc Tathāgata kulāya được gọi là biết Minh Vidya tối thượng của Phật quá khứ, cũng gọi là biết Minh Tối Thượng của Phật vị lai, cũng gọi là biết Minh Tối Thượng của Phật hiện tại.

Này Diệu Trụ! Như Ý Bảo Tổng Trì Chương Cú này Cũng chính là Phật Mẫu Buddha Mātṛ của ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai.

Do nhân duyên nào thế?

Chính vì trụ ở quá khứ, hiện tại, vị lai mà được lợi ích như vậy.

Diệu Trụ! Nếu Bồ Tát Ma Ha Tát thọ trì Như Ý Bảo Tổng Trì Chương Cú này thì được gọi là cúng dường xưng tán vô số Chư Phật. Lại cũng gọi là được nghe pháp vô thượng ở vô số Phật và được vô số Chư Phật khen ngợi hộ niệm, đồng thời cũng được sinh vô lượng phước trí của Phật.

Diệu Trụ! Nếu thọ trì Như Ý Bảo Tổng Trì Chương Cú này. Phàm có sự mong cầu thì không có gì không đạt được. Cầu thông minh được thông minh, cầu tổng trì được tổng trì, cầu bảy báu được bảy báu.

Diệu Trụ! Nếu kẻ trai lành đối với việc như vậy, có người mong cầu thì nên ở chính giữa tháng, trong sạch, chí tâm dùng sữa làm thức ăn. Đối với Phật Tộc của ta, nên làm cúng dường to lớn, xong rồi trì tụng Như Ý Bảo Tổng Trì Chương Cú này, một lòng chuyên chú không có gián đoạn ắt mọi việc mong cầu không có gì không đạt được.

Này Diệu Trụ! Nếu có người thọ trì Tổng Trì Chương Cú như vậy. Dùng sức uy đức của Tổng Trì Chương Cú này. Giả sử trong hằng hà sa số Thế Giới có bao nhiêu hàng Trời, Rồng, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Cưu Bàn Trà cho đến Người, Phi Nhân … các chúng như vậy có tâm cực ác cũng chẳng thể gây nhiễu loạn người kia được. Cho dù hàng Tinh Tú với hàng Vĩ Dã Noa cũng chẳng thể gây não hại được.

Tại sao thế?

Vì kẻ kia đã dùng nơi gia hộ của pháp lực.

Lại có hàng Hiền Ái Bồ Tát, Đại Kim Cương Thủ Bồ Tát ủng hộ. Vị Bồ Tát này thường ủng hộ từ Trời Tri Túc cho đến Trời Sắc Cứu Cánh huống chi đối với kẻ trì tụng ở nhân gian.

Này Diệu Trụ! Chẳng phải chỉ có hàng Bồ Tát này thôi mà tâm của Chư Phật cũng thường hộ niệm.

Tại sao thế?

Vì thọ trì Như Ý Bảo Tổng Trì Chương Cú này vậy.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói pháp này xong thì Diệu Trụ Bồ Tát và vô số ngàn Bồ Tát trong Hội cùng với Thiên chúng và các hàng doanh tòng được nghe pháp xong, liền hớn hở vui vẻ, lễ Phật rồi lui ra.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần