Phật Thuyết Kinh đại Pháp Cổ - Phần Sáu

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI PHÁP CỔ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống   

PHẦN SÁU  

Lúc bấy giờ, Tôn Giả Ca Diếp liền cùng tám mươi các đại Thanh Văn và năm trăm vị Bồ Tát như Hiền Hộ đều cùng khuyến khích Đồng Tử Nhất Thiết Thế Gian Nhạo Kiến Ly Xa: Này Đồng Tử! Đức Thế Tôn nói rằng ông đủ sức tìm kiếm ác ma.

Lúc bấy giờ, Đồng Tử ở giữa đại chúng bạch Tôn Giả Ca Diếp: Nay tôi có khả năng tìm kiếm ác ma.

Nhưng có tám mươi vị Đại Thanh Văn, năm trăm vị Đại Bồ Tát như Hiền Hộ… và Văn Thù Sư Lợi, Quán Thế Âm, Đắc Đại Thế dứt bỏ các đường ác, Bồ Tát Di Lặc,… vì sao chẳng tìm mà bảo tôi tìm vậy?

Phải bảo các vị ấy tìm trước sau đó mới đến tôi.

Ca Diếp nói: Hàng phục ác ma không có phước sao?

Đồng Tử đáp: Này Ca Diếp! Tôn Giả biết có phước thì nên tự mình làm đi, tôi không thể làm được.

Lúc bấy giờ, Ca Diếp bạch việc này lên Đức Phật.

Đức Phật bảo Ca Diếp: Đồng Tử này nói như thế nào?

Ca Diếp bạch Phật: Đồng Tử nói rằng các vị Đại Đức tìm trước, sau đó mới đến mình, mình là người tục, căn tánh lại thấp kém. Các vị Đại Đức đó là tám mươi vị Thanh Văn và năm trăm vị thượng thủ như ngài Hiền Hộ… họ đều là bậc trên trước, sau đó mới đến mình.

Khi ấy, các vị Thanh Văn và Hiền Hộ… tất cả đều tìm kiếm nhưng đều không thể tìm được như dã nhân kia tìm con chẳng được, đều nói rằng chẳng có khả năng, rồi họ đứng sang một bên.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo Ca Diếp: Nay ông được nghe Kinh Đại Pháp Cổ này, sau khi ta diệt độ trong vòng bốn mươi năm, ông phải khéo giữ gìn chánh pháp như hiện nay.

Ông hãy đánh trống đại pháp, thổi loa đại pháp, thiết lập đại pháp hội, xây dựng ngọn cờ đại pháp, sau đó Đồng Tử Nhất Thiết Thế Gian Nhạo Kiến Ly xa, khi chánh pháp sắp diệt tận sẽ dùng năm điều ràng buộc trói ác ma kia và quyến thuộc của chúng trong hơn tám năm như trói con thỏ nhỏ, rồi sẽ giảng nói Kinh Đại Pháp Cổ. Ông sẽ đánh trống đại pháp, thổi loa đại pháp, thiết lập đại pháp hội, xây dựng ngọn cờ đại pháp.

Ca Diếp bạch Phật: Vào lúc nào?

Đức Phật bảo Ca Diếp: Vào lúc chánh pháp sắp diệt tận còn hơn tám mươi năm nữa.

Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con muốn thấy ác ma.

Phật bảo Đồng Tử: Hãy mau chỉ ác ma cho đại chúng thấy.

Bấy giờ, Đồng Tử chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn rồi liền chỉ: Hãy xem ác ma này từ phương khác đến như các vị Bồ Tát mang dáng vẻ Tỳ Kheo, ngồi trong đại chúng, đại chúng đều thấy, hiện bị năm thứ trói buộc.

Ma nói với Đồng Tử: Ta đối với Kinh này không còn làm trở ngại. Ma nói như vậy ba lần.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo chúng Bồ Tát như Đồng Tử Nhất Thiết Thế Gian Nhạo Kiến Ly xa…

Ma ha Ca Diếp đã có khả năng giữ gìn chánh pháp trong vòng bốn mươi năm sau khi ta diệt độ. Các vị ai là người cuối cùng có khả năng giữ gìn chánh pháp sau khi ta diệt độ.

Phật nói như vậy ba lần, không ai có khả năng.

Đức Phật bảo đại chúng: Các vị chớ khởi lên tư tưởng khinh mình yếu kém. Trong chúng này của ta có nhiều đệ tử có khả năng giữ gìn chánh pháp, giảng nói Kinh này sau khi ta diệt độ.

Trong năm trăm vị Bồ Tát, như Hiền Hộ… cuối cùng có một người, là Đồng Tử Nhất Thiết Thế Gian Nhạo Kiến Ly xa, sau khi ta diệt độ sẽ đánh trống đại pháp, thổi loa đại pháp, thiết lập đại pháp hội, xây dựng ngọn cờ đại pháp.

Lúc bấy giờ, Đồng Tử liền thả ác ma ra. Khi đó, các đại chúng nói với Đồng Tử: Ông đã được thọ ký.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo Đại Ca Diếp: Nay Ca Diếp! Như người giữ ruộng, không phương tiện khéo léo, không có khả năng giữ gìn Kinh này. Nay Đồng Tử này nghe Kinh này rồi, có khả năng đọc tụng, hiện tiền giữ gìn, giảng nói cho người nghe, thường thị hiện làm thân phàm phu, trụ ở địa thứ bảy.

Khi chánh pháp sắp diệt còn hơn tám mươi năm nữa, ở tại phương Nam, nước Văn Trà La, thôn Đại Ba Lợi, bên bờ sông Thiện phương tiện, Đồng Tử sinh ra trong họ Ca Da Lê, sẽ làm Tỳ Kheo trì niệm danh hiệu ta.

Như người canh giữ ruộng lúa có phương tiện khéo léo, đối với các thứ ngã mạn, trì trệ, biếng nhác lìa tục xuất gia, dùng bốn nhiếp pháp mà nhiếp hóa chúng ấy. Được Kinh sâu này đọc tụng thông suốt khien cho Tăng Chúng thanh tịnh, xả bỏ những vật vốn bất tịnh đã thọ trước đây.

Giảng Kinh Đại Pháp Cổ cho họ nghe, lần thứ hai giảng nói Kinh Đại Thừa không cho họ nghe, lần thứ ba giảng nói Kinh Chúng Sinh Giới Như Lai Thường Trụ Đại Pháp Cổ cho họ nghe.

Ông đánh trống đại pháp, thổi loa đại pháp, thiết lập đại pháp hội, xây dựng ngọn cờ đại pháp. Ông sẽ ở trước ta mặc giáp thệ nguyện rộng lớn, suốt trăm năm tuổi thọ thường rải mưa pháp, giảng nói Kinh này. Sau trăm năm thì thị hiện năng lực thần thông rộng lớn mà vào Niết Bàn.

Đức Phật Thích Ca Mâu ni nói lời ký như vậy, những người đến đây hôm nay đều phải cung kính chiêm ngưỡng lễ bái.

Đức Phật lại nói tiếp: Như vậy Như Lai thường trụ An Lạc. Các nhân giả hãy quán sát chân thật thường lạc như ta đã nói.

Lúc bấy giờ, trên không trung Chư Phật mười phương đều hiện thân nói như vậy: Đúng vậy, đúng vậy, như lời Thế Tôn nói! Tất cả đều phải kính tin lời nói khéo léo ấy.

Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát phải thành tựu bao nhiêu công đức mới thấy được pháp thân Như Lai thường trụ bất hoại, khi sắp qua đời hiện năng lực thần thông rộng lớn?

Đức Phật bảo Ca Diếp: Nếu Bồ Tát Ma Ha Tát thành tựu được tám công đức thì hiện tiền thấy được pháp thân Như Lai thường trụ bất hoại.

Tám công đức ấy:

1. Giảng nói Kinh sâu này tâm không lười biếng.

2. Giảng nói thuyết tam thừa tam chủng kia chẳng biết mỏi mệt.

3. Không bao giờ lìa bỏ người đáng hóa độ.

4. Nếu Tăng bị hủy hoại thì làm cho hòa hợp thành một vị.

5. Không bao giờ gần gũi Tỳ Kheo Ni, người nữ, huỳnh môn.

6. Không gần gũi quốc vương và người có thế lực lớn.

7. Thường ưa thích thiền định.

8. Suy nghĩ quan sát bất tịnh vô ngã. Đó là thành tựu tám thứ công đức.

Lại có bốn việc, bốn việc ấy:

1. Có khả năng giữ gìn chánh pháp.

2. Thường tự vui mừng Lành thay! Vui sướng với việc lành to lớn mà ta đã làm.

3. Tự quy y, nghĩ: Ta được lợi ích tốt lành.

4. Đối với Như Lai thường trụ, quyết định không nghi ngờ, ngày đêm thường nhớ nghĩ công đức của Như Lai. Do cái nhân duyên này hiện tiền được thấy pháp thân thường trụ, hiện năng lực thần thông rộng lớn sau đó mới mạng chung.

Này Ca Diếp! Các thiện nam, thiện nữ như thế tùy theo chỗ đã ở, thành ấp xóm làng, ta vì những người ấy thị hiện pháp thân mà nói lời này: Này thiện nam, thiện nữ! Như Lai thường trụ. Từ hôm nay các vị nên thường thọ trì đọc tụng Kinh này, giải thích cho người khác nghe.

Rồi Đức Phật nói: Phải biết Như Lai thường trụ an vui, chánh tâm hy vọng chớ làm những điều tà vạy, phải biết Thế Tôn thường trụ như thế, người có hy vọng thanh tịnh, ta sẽ hiện thân.

Này Đại Ca Diếp! Nên tin tưởng, nên quán xét.

Nếu chang tu hành theo pháp như vậy thì do đâu mà thấy được ta?

Làm sao có thể thị hiện được thần thông?

Như ta vì Thanh Văn thừa mà nói nếu Tỳ Kheo xả bỏ được một pháp thì ta bảo nhận cho họ chứng được quả A Na Hàm. Cái gọi la công đức mà người ấy thực hành thành tựu cũng giống như vậy. Như ta trước có nói Tỳ Kheo giữ giới thì suốt đời được Thiên Thần thường theo cúng dường, thờ phụng. Vậy nên các ông chớ tham lợi dưỡng, nên phải nhàm lìa trụ trong thân niệm xứ.

Lại nữa, này Ca Diếp! Tỳ Kheo trì niệm danh hiệu ta thường khiến cho Chúng Tăng thanh tịnh.

Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đây gọi là gì?

Phật bảo Ca Diếp: Khi thực hành nhiếp thủ thì đầy đủ những việc phạm giới, tham ô, như phương tiện khéo léo kia giữ gìn bốn nhiếp pháp. Năm trăm Bồ Tát như Hiền Hộ… trước chẳng có khả năng, nay họ do dự nên không có khả năng.

au khi ta diệt độ việc giữ gìn chánh pháp sau này cùng khi Tỳ Kheo trì niệm danh hiệu ta thực hành bốn Nhiếp pháp để nhiếp hóa các Tỳ Kheo buông lung, biếng nhác thì phải tu tập, gần gũi, cúng dường Kinh này, giữ gìn những tin tức về phiền não, như cách nuôi trâu, khi biết có thể hàng phục, thì mới điều phục. Nếu nhiếp lấy điều phục mà chẳng sửa đổi thì phải bỏ đi, chớ để cho mũi tên độc gây thương tổn cho điều lành thanh tịnh.

Tỳ Kheo thực hành bốn nhiếp pháp kia lại nghĩ: Chớ làm cho Tỳ Kheo tịnh hạnh nhân đó mà phạm giới. Bọn kia nói chẳng phải pháp, làm những việc ác thì chẳng nên cung kính cùng nhóm họp pháp hội làm các việc. Tăng như Bố Tát, Tự Tứ, Yết Ma đều chẳng nên cùng làm. Như vị vua diệt kẻ địch kia cũng giống như vậy.

Dùng phương tiện như thế để điều phục người ấy rồi thì trong trăm năm thường rưới mưa pháp. Đánh trống đại pháp, thổi loa đại pháp, thiết lập đại pháp hội, xây dựng ngọn cờ đại pháp, thị hiện năng lực thần thông rộng lớn, mạng chung Niết Bàn.

Đã qua một ngàn Đức Phật, sáu mươi hai kiếp, trải qua trăm ngàn Duyên Giác và sau khi tám Đức Như Lai nhập Niết Bàn mới thành Phật Đạo, danh hiệu Trí Tích Quang Minh Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác. Khi ấy, vị Tỳ Kheo trì niệm danh hiệu ta là Đồng Tử Nhất Thiết Thế Gian Nhạo Kiến Ly xa, sẽ ở cõi này thành Đẳng Chánh Giác.

Này Ca Diếp phải biet! Đạo vô thượng bồ đề thật là khó được.

Này Ca Diếp! Đã là người phàm có thể được chăng?

Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn, không được vậy!

Phật bảo Ca Diếp: Một Cõi Phật có một Đức Phật làm việc Phật. Cõi Phật thứ hai, thứ ba cũng giống như vậy. Như trong một hạt cải có nhiều Thế Giới, tới lui qua lại mà không tự biết.

Ai giữ đi lại?

Ai an ta đây?

Tùy chỗ nên biết, tùy thuận mà làm. Như vậy hoặc có người biết ta, hoặc có người chẳng biết ta. Thế Giới này trong núi Kỳ xà quật có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tức là trong đó có Phật A Dật Đa. Ở Thế Giới này hoặc thấy kiếp thiêu hoặc thấy nói pháp. Điều đặc biệt lạ lùng như vậy rất là ít có.

Lại có những điều tối thượng đặc biệt gì?

Gọi là Đồng Tử Nhất Thiết Thế Gian Nhạo Kiến chẳng sinh ra ở nhà phàm tục vì người sinh ra vị ấy đều là Bồ Tát.

Này Ca Diếp phải biết! Người cúng dường, cung cấp kia thảy đều vui mừng, bà con thương yêu nhớ nghĩ, đều nói: Trong dòng họ ta sinh ra được người như vậy. Tất cả những người này đều chịu sự sai khiến của ta.

Này Ca Diếp nên biết! Vị Đại Bồ Tát kia nếu bốn chúng khác làm quyến thuộc, đều nghe nói Kinh Đại Pháp Cổ này thì tất cả đều được đạo vô thượng bồ đề.

Này Ca Diếp! Thuở xưa, cách nay rất lâu xa, tại thành Tỳ Xá Ly Ta làm Vua Chuyển Luân tên là Nan Đề Tư Na. Lúc bấy giờ, thành Tỳ Xá Ly như tứ thiên hạ Cõi Diêm Phù Đề, như Thế Giới Nhẫn. Các thiên hạ khác cũng giống như vậy.

Cứ như vậy tam thiên đại thiên Thế Giới, tuổi thọ của ta khi ấy dài lâu không thể suy nghĩ bàn luận. Ta làm Vua Chuyển Luân Thánh Vương như vậy, thực hành A tăng kỳ việc bố thí thù thắng và các công đức, giữ giới thanh tịnh, tu các hạnh lành, tập hợp vô lượng phước đức như vậy.

Nếu có thiện nam, thiện nữ nghe giảng nói Kinh Nhất Thừa Đại Pháp Cổ ben cười đùa mà đến, nghe, dù cho chỉ một niệm thôi thì cũng được công đức hơn cả phước nghiệp của ta trước kia, không thể, ghi chép, đo lường, thí dụ, tính kể. Như có vua thần chú tên là Diễm Chiêu, tụng chú này một biến được che chở giữ gìn bốn tháng.

Này Ca Diếp phải biết! Thế lực phàm chú của thế gian mà còn như vậy huống chi một lần đọc Kinh Đại Pháp Cổ mà năng lực không thể che chở trọn đời hay sao. Vậy nên có người cúng dường Kinh này thì các chúng sinh này vì đạo vô thượng bồ đề đã tạo cái nhân quyết định, cho đến bồ đề rốt ráo chẳng lìa Kinh này.

Khi ấy, các đại chúng đồng thanh nói: Lành thay, lành thay, rất kỳ lạ, bạch Thế Tôn! Nay Đồng Tử này sẽ là Tỳ Kheo trì niệm danh hiệu Phật. Nếu ông nhập Niết Bàn thì thần cây cỏ rừng Kỳ Hoàn không chỗ nương cậy.

Vì sao?

Vì ông ấy từ phương Nam đến chỗ Đức Phật mà vào Niết Bàn.

Đức Phật bảo đại chúng: Ông ấy cũng chẳng đến đây, ta tự đến chỗ ông ấy. Thị hiện thân kia, trước để lại Kinh này, sau đó mới đến.

Vì sao?

Vì nếu Kinh này chẳng đến trong tay ông ấy thì ông ấy sẽ sinh tâm thoái chuyển. Nếu chỗ ấy có chúng sinh nên điều phục thì ta cùng đại chúng đến trụ trước vị ấy, vị ấy thấy ta rồi sẽ trở về, đến đón rước vị ấy rồi bèn vào Niết Bàn. Tùy theo chỗ mong muốn hóa độ chúng sinh mà vào Niết Bàn.

Lúc bấy giờ, con trai Trời Đế Thích tên là A Tỳ Mạn Nhu sẽ nương thần thông mà đến cõi này. Người kia tuy trẻ thơ nhưng chân tâm thanh tịnh kính tin ưa thích đại thừa. Chỉ riêng một người không có ai bằng, ở trong các Trời, người thọ trì Kinh Điển đại thừa sâu xa này. Cho nên người ấy giảng nói cái nhân giải thoát, được Đức Phật thọ ký.

Khi ấy, đại chúng đồng thanh nói kệ:

Lạ thay nhất thiết

Thế gian nhạo kiến

Hiện dáng Tỳ Kheo

Đánh trống đại pháp

Giữ gìn Phật pháp

Khiến ở đời lâu

Sau khi Niết Bàn

Thế gian trống rỗng

Vị ấy diệt độ

Không ai sánh bằng

Tỳ Kheo như vậy

Thế gian ít khó

Vì người thế gian

Nói đạo rốt ráo.

Lúc bấy giờ, Tôn Giả Ca Diếp, Tôn Giả A Nan, Bồ Tát Hiền Hộ… vô lượng đại chúng nghe lời Phật nói, vui mừng thực hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần