Phật Thuyết Kinh Tọa Thiền Tam Muội - Phần Sáu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT
KINH TỌA THIỀN TAM MUỘI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẦN SÁU
Đã xả bỏ hỷ nên nhận biết đúng, nhớ nghĩ về lạc, xả. Bậc Thánh gọi là lạc, xả, người khác bỏ lạc là khó bậc nhất. Từ thiền này trở lên không có lạc, cho nên tất cả Bậc Thánh Nhân đối với các cõi tịnh đều nói từ là niềm vui bậc nhất, lạc tức là vướng bận.
Vì sao?
Vì trong thiền thứ nhất, tâm không loạn động. Do vô sự nên có động tưc có chuyển, có chuyển thì có khổ. Cho nên, thiền thứ ba cho lạc là sự trở ngại. Lại dùng sự tốt đẹp để xả bỏ khổ lạc ấy. Trước hết trừ tâm ưu, hỷ, trừ bỏ khổ lạc, giữ niệm thanh tịnh, đạt được thiền thứ tư, không khổ không lạc, giữ niệm thanh tịnh, nhất tâm. Vì thế, Đức Phật dạy, giữ niệm thanh tịnh tột bậc gọi là thiền thứ tư. Vì nơi lạc, thiền thứ ba do làm động niệm gọi là khổ.
Cho nên, thiền thứ tư trừ diệt khổ, lạc nên gọi là nơi chốn không còn động niệm, dần dần quán cõi không, phá trừ các tưởng có đối đãi, không nhớ nghĩ các thứ sắc, quán vô lượng cõi không thường quán xét sắc xứ, nhớ nghĩ công đức thượng diệu của định nơi không xư, tu tập nhớ nghĩ pháp ấy, đạt được không xứ, nhớ nghĩ vô lượng thức xứ, quán vượt qua không xứ, nhớ nghĩ công đức của vô lượng thức xứ, tu tập nhớ nghĩ pháp ấy, đạt được thức xứ.
Đặt niệm vào vô sở hữu xứ, quán vượt qua thức xứ, nhớ nghĩ công đức của vô sở hữu xứ. Tu tập, đặt niệm vào pháp ấy liền đạt được vô sở hữu xứ. Đặt niệm vào phi hữu tưởng, phi Vô Tưởng xứ.
Nếu như tất cả tưởng đều là chướng ngại lớn như bệnh, như sự hủy diệt, nếu vô tưởng là chốn mê mờ thì phi hữu tưởng, phi vô tưởng là cõi lành an ổn bậc nhất. Quán vượt qua vô sở hữu xứ, nhớ nghĩ công đức của phi hữu tưởng, phi vô tưởng, tu tập đặt niệm vào pháp ấy liền chứng được phi hữu tưởng, phi vô tưởng xứ.
Hoặc có hành giả từ địa thứ nhất cho đến địa trên, ở trong địa trên tu tập thực hành tâm từ, trước hết tự mình được an lạc, diệt trừ các độc giận dữ, thứ đến ban cho chúng sinh khắp cả mười phương. Khi ấy, đạt được tam muội tâm từ. Tâm bi thương xót khổ của chúng sinh, có thể diệt trừ mọi thứ phiền não, thể hiện đến khắp vô lượng chúng sinh, khi ấy liền được tam muội tâm bi.
Có thể diệt trừ mọi thứ trở ngại an lạc, khiến cho vô lượng chúng sinh đều được an vui, khi ấy liền được Tam Muội tâm hỷ. Có thể phá trừ khổ lạc, quán xét vô lượng chúng sinh khắp mười phương, khi ấy liền đắc Tam Muội tâm xả. thiền thứ hai cũng lại như vậy. Thiền thứ ba và thứ tư thì trừ hỷ.
Nếu người tu học đạt được năm thông thì thân có thể bay đi, biến hóa tự tại. Hành giả nhất tâm nhằm đạt đến các tinh tấn của mình, nhất tâm của tuệ. Nhất tâm quán xét thân, thường khởi tưởng nhẹ nhàng để bay được, hoặc lớn hoặc nhỏ, hai thứ này đều là trở ngại đối với sự tinh tấn vượt bậc.
Có thể nhất tâm tư duy quán xét nhẹ nhàng như người có thể bơi, sức của tâm mạnh mẽ nên không bị chìm đắm, cũng như vượn khỉ từ cao rơi xuống thấp nhờ sức của tâm mạnh mẽ nên thân không bị tổn thương. Như vậy, năng lực nơi dục, năng lực của tinh tấn, năng lực nơi nhất tâm, năng lực của trí tuệ khiến cho tâm lực đó rộng lớn mà thân lại nhỏ, liền có thể bay được.
Lại nữa, quán xét thân ở cõi không, thường tập quán này, năng lực của dục, năng lực của tinh tấn, năng lực của nhất tâm, năng lực của trí tuệ thật là rộng lớn nên thân liền có thể bay lên, như sức của gió lớn có thể dời vật nặng đến chỗ xa. Người này cũng như vậy.
Ban đầu nên tự thử nghiệm, cách đất một thước, hai thước, dẫn đến một trượng, rồi trở lại chỗ cũ như chim con tập bay, trẻ nhỏ tập đi, tư duy kỹ biết năng lực của tâm đều có thể đạt đến chỗ cao xa, tập học quán bốn đại từ bỏ đại địa, chỉ quán ba đại, tâm nghĩ không tán loạn liền được tự tại, thân vô ngại như chim bay đi. Lại phải học tập xa tưởng gần, xa nên gần diệt, xa hiện bày. Lại có thể biến hóa các vật như quán các loại cây cối, đất đai từ bỏ các thứ khác. Cây cối liền biến thành đất.
Vì sao?
Vì trong cây cối có phần của đại địa. Thủy, hỏa, phong, không và các vật báu vàng bạc đều như vậy.
Vì sao?
Vì trong cây có đủ các thành phần đó. Ở Sơ Thiền thần thông làm căn bản. Ở thiền thứ tư có mười bốn tâm biến hóa.
Sơ Thiền có hai quả: Một là là Sơ Thiền, hai là Cõi Dục.
Thiền thứ hai có ba quả: Một là là Nhị Thiền, hai là Sơ Thiền, ba là Cõi Dục.
Thiền thứ ba có bốn quả: Một là Tam Thiền, hai là Nhị Thiền, ba là Sơ Thiền, bốn là Cõi Dục.
Thiền thứ tư có năm quả: Một là Tứ Thiền, hai là Tam Thiền, ba là Nhị Thiền, bốn là Sơ Thiền, năm là Cõi Dục.
Ngoài các thần thông này, trong luận Đại Thừa có nói: Đệ tử của Đức Thế Tôn tu tập năm pháp môn mong cầu chứng Niết Bàn.
Có hai hạng người: Phần nhiều người thích thiền định đắm chấp lạc, hoặc người phần nhiều ưa thích trí mà lại sợ nạn khổ. Người nhiều định, trước tu tập pháp thiền, sau đó chứng đắc Niết Bàn. Người nhiều trí hướng thẳng Niết Bàn, nhưng người này chưa đoạn được phiền não, cũng chưa đạt được thiền định nên chuyên tâm không tán loạn, mong cầu chứng Niết Bàn vượt qua các phiền não như tham ái. Đó gọi là Niết Bàn.
Thân thật sự là vô thường, kho, không, vô ngã. Vì thân điên đảo nên có thường, lạc, ngã, tịnh. Do những việc như vậy nên tham ái chấp vào thân này, tức là hàng chúng sinh thấp kém. Hành giả muốn diệt trừ điên đảo nên tu tập chỉ, quán bốn Niệm xứ, quán thân đủ các khổ nạn.
Từ nhân duyên sinh nên vô thường, đủ các khổ não. Thân có ba mươi sáu thứ bất tịnh. Vì không được tự tại nên vô ngã. Tu tập quán như vậy để quán trong thân, ngoài thân, quán trong lẫn ngoài thân. Tu tập quán như vậy gọi là thân niệm chỉ. Thật tướng của thân là như vậy.
Do đâu đối với thân này khởi điên đảo tham chấp?
Tư duy kỹ, suy niệm thọ lạc của thân. Vì ưa thích thọ lạc nên ham thích thân này. Quán thọ lạc thật không thể nắm bắt được.
Tại sao không thể đạt được lạc?
Do nơi y phục và thức ăn dẫn đến lạc. Lạc tăng nhiều là sinh khổ, chẳng phải là lạc chân thật, như nạn khổ ung nhọt, nên dùng thuốc để chữa trị, khổ hết tức là lạc, chẳng phải lạc chân thật.
Lại nữa, cho khổ cũ là khổ, khổ mới là lạc, như gánh nặng khi đổi vai cho rằng đã hết nặng nên lạc, chẳng phải là lạc, như tánh lửa nóng bức không có lúc nào lạnh. Nếu là lạc đích thật thì không có phi lạc. Hoặc cho rằng sự việc bên ngoài là lạc, nhân duyên chưa hẳn là lạc.
Hoặc khi là nhân của lạc, khi là nhân của khổ. Nếu khiến tâm pháp tương ưng với sự ưa thích, bấy giờ là lạc. Nếu khi tâm pháp tương ưng với sự giận dữ tức là khổ, cùng tương ưng với vô minh tức là không khổ, không lạc. Từ đấy suy ra có thể biết được có lạc hay không có lạc.
Đáp: Không đúng như vậy. Dâm dục không phải là lạc.
Vì sao?
Nếu dâm dục ở bên trong thì không phải cầu sắc bên ngoài của người nữ. Cầu sắc bên ngoài của người nữ nên biết dâm dục là khổ. Nếu dâm dục là lạc thì không phải luôn từ bỏ. Nếu từ bỏ thì không phải là lạc. Đối với khổ lớn cho khổ nhỏ là lạc, như người bị đày tội chết, chỉ chịu hình phải roi cho là lạc.
Tâm dục hừng hực nên cho dục là lạc. Khi già nhàm chán dục, biết dục chẳng phải là lạc. Nếu tưởng lạc chân thật thì không nên nhàm chán, đầy đủ các nhân duyên. Như vậy, tướng dục lạc thật không thể nắm bắt được. Lạc mất tức khổ.
Phật dạy: Thọ lạc nên quán khổ, thọ khổ nên quán lạc, như mũi tên găm vào thân thể, không khổ không lạc nên quán sinh diệt vô thường. Đó là thọ niệm chỉ. Nên biết tâm thọ khổ, lạc, không khổ, không lạc.
Tâm ấy là thế nào?
Tâm ấy là vô thường, từ nhân duyên sinh ra, sinh diệt không ngừng, giống như sinh, chỉ do điên đảo nên cho là một, xưa không nay có, mà đã có lại không, nên gọi là vô thường.
Làm sao quán biết tâm là không?
Từ nhân duyên sinh có nhân, có sắc thì có thể nhận biết nhớ nghĩ. Muốn thấy được như vậy tức do chúng hòa hợp sinh ra nhãn thức. Như mặt trời ưa thích châu báu, có mặt trời thì có ngọc trai.
Có cỏ khô, phân bò các duyên hòa hợp nên sinh ra lửa, chỉ một duyên để tìm cầu lửa thì không thể được, các duyên hòa hợp thì có lưa. Nhãn thức cũng như vậy, không trú trong mắt, cũng chẳng phải trú ở trong sắc, không trú ở chặng giữa, không có chỗ trú.
Cho nên, Đức Phật dạy: Quán tâm quá khứ, hiện tại đều như huyễn hóa, hoặc khổ, hoặc vui, không khổ không vui, tâm mỗi mỗi đều biến đổi, đều diệt. Có tâm tham dục hoặc không tham dục cũng vậy, mỗi mỗi đều sinh, mỗi mỗi đều diệt, quán trong tâm, ngoài tâm, quán trong ngoài tâm cũng vậy. Đó gọi là tâm niệm chỉ.
Lại nữa, quán tâm thuộc về cái gì?
Quán tưởng tư duy, nhớ nghĩ các dục, các tâm tương ưng với pháp và không tương ưng với pháp. Quán kỹ đối tượng và không có đối tượng nắm bắt.
Vì sao?
Vì từ nhân duyên sinh nên vô thường. Do vô thường nên khổ. Vì khổ nên không được tự tại. Do không được tự tại nên không chủ thể. Vì không chủ thể nên không tĩnh lặng. Trước hết quán riêng biệt về thân, thọ, tâm, pháp thì không thể được.
Nay quán tổng quát về bốn niệm chỉ trong đó chủ thể cũng không thể nắm bắt được, nhưng lìa bỏ các xứ để mong cầu thì cũng không thể được. Nếu thường thì không thể được, không thường cũng không thể được.
Nếu thường thì đối với thường khổ hay vui cũng phải luôn nhớ. Nếu người thường có thần ngã thì không có tội sát sinh, não hại, cũng không có Niết Bàn. Nếu thân là thần ngã, khi thân vô thường diệt thì thần ngã cũng phải diệt, không có đời sau cung không có tội phước.
Quán rộng khắp như vậy đều không có chủ thể. Các pháp đều không, không tự tại, do các duyên hòa hợp mới sinh ra, các duyên hủy hoại thì diệt đi. Như vậy, pháp do duyên hòa hợp gọi là pháp niệm chỉ. Nếu hành giả chứng được pháp niệm chỉ rồi lại nhàm chán các pháp không, già, bệnh, chết của thế gian đều chẳng có chút gì là thường, lạc, ngã, tịnh cả.
Sao ta lại đối với pháp không này mong cầu làm gì?
Nên phải an trú trong pháp thiện tối thượng để hội nhập Niết Bàn, kiến lập năng lực tinh tấn đạt được Thâm Xá Ma Đà. Khi chứng đắc Thâm Xá Ma Đà thì an trú trong bốn pháp niệm chỉ. Quán tướng các pháp đều khổ, không vui, không vui là thật còn lại hư dối. Nhân của khổ là các phiền não như tham ái… chẳng phải trời, chẳng phải thời, chẳng phải ngoại cảnh đều do vọng ngữ sinh ra, do phiền não và nghiệp phát sinh khổ này.
Nếu chứng được Niết Bàn thì tất cả khổ đều diệt tận, chẳng phải sắc, Vô Sắc và sự khởi đầu của Thế Giới. Tất cả các vọng ngữ có thể diệt được khổ này. Tám Chánh đạo như chánh kiến… là đường Niết Bàn. Chẳng như ngoại đạo hành các khổ hạnh như trì giới, thiền định, trí tuệ không thiết thực.
Vì sao?
Vì trong Phật Pháp, hành cả ba môn giới, định, tuệ thì có thể hội nhập Niết Bàn. Ví như người đứng trên mặt đất bằng, cầm cung tên tốt có thể bắn chết giặc thù. Hành cả ba pháp môn cũng vậy, giới là mặt đất bằng phẳng, thiền định là cung tốt, trí tuệ là tên nhọn, đầy đủ ba pháp môn thì có thể giết giặc phiền não. Thế nên, hàng ngoại đạo không thể chứng đắc Niết Bàn.
Bấy giơ, hành giả khởi pháp quán bốn duyên như duyên bắn cung giỏi.
Quán khổ có bốn thứ, do nhân duyên sinh nên vô thường, tâm bị khổ não nên khổ, không một thứ gì nắm bắt được nên không, không tạo tác, không thọ nhận nên vô ngã.
Quán bốn thứ tích tập và phiền não, nghiệp hữu lậu hòa hợp nên gọi là tập. Giống như quả sinh là nhân. Ở trong đó được tất cả hành nên có sinh, chẳng giống như quả liên tục nên gọi là duyên.
Quán tận có bốn thứ: Vì tất cả phiền não che phủ nên gọi là Bế. Trừ lửa phiền não gọi là diệt. Đứng đầu trong tất cả pháp gọi là diệu. Vượt ra khỏi Thế Giới gọi là xuất.
Quán đạo có bốn thứ: Có thể đạt đến Niết Bàn nên goi là đạo. Không điên đảo nên gọi là chánh. Tất cả chỗ Bậc Thánh đi qua gọi là tích. Thoát khỏi sầu não của thế gian nên gọi là ly.
Quán như vậy được pháp giống như vô lậu gọi là pháp Noãn.
Thế nào là noãn?
Thường siêng năng tinh tấn, nên gọi là pháp noãn. Các củi phiền não bị lửa trí vô lậu thiêu đốt, các dục phát sinh tướng ban đầu gọi là pháp nhẫn. Ví như cái dùi nung vào lửa, lúc đầu phát ra khói nên gọi là noãn. Đây là tướng đầu tiên của quả vị Niết Bàn.
Trong đệ tử Phật có hai hạng người:
1. Phần nhiều ưa thích mong cầu thiền định. Đó là người thuộc đạo hữu lậu.
2. Phần nhiều trừ bỏ tham ái, ưa thích trí tuệ chân thật.
Đây là hạng người hướng thẳng đến Niết Bàn, hội nhập vào pháp noãn. Người có tướng noãn thì đạt được nhất tâm sâu xa. Pháp chân thật như ảnh trong gương thấu suốt cảnh giới vô lậu.
Bấy giờ, hành giả đạt được an ổn lớn, tự nghĩ: thiền định của ta sẽ đạt được Niết Bàn. Người thấy đạo như vậy, như người đào giếng đã đến đất mềm thì sẽ biết chẳng bao lâu là có nước. Như người đánh giặc, giặc đã thất bại, tự biết mình đã thắng nên trong lòng an ổn. Như người sắp chết, ta muốn biết còn sống hay không thì trước tiên dùng gậy gõ vào thân. Nếu người ấy các mạch bên trong nổi lên thì biết rằng còn ấm, chắc rằng có thể sống.
Cũng vậy, người nghe pháp tư duy vui vẻ, tâm khong tham chấp, lòng hăng hái, hành giả có pháp noãn như vậy gọi là pháp noãn, cũng gọi là có thể đạt được phần thiện căn của Niết Bàn. Pháp thiện căn có mười sáu hành duyên với bốn đế. Trong sáu địa, một trí tuệ co tất cả pháp cơ bản vô lậu. Dã nhân là người mới đạt được vô lậu thì có thể đạt được an ổn, gọi là có pháp noãn, càng tiến dần lên thì gọi là pháp Đảnh, như sữa tươi chuyển hóa thành sữa đặc.
Người quán thật tướng nơi các pháp cho rằng: Ta phải thoát khỏi khổ. Tâm ưa thích pháp này là pháp chân thật có thể đoạn trừ các thứ khổ não và già, bệnh, chết.
Bấy giờ, nên tư duy ai giảng thuyết pháp này?
Là Phật Thế Tôn. Từ đây được lòng tin thanh tịnh đối với Phật bảo.
Nếu không có pháp này thì tất cả phiền não lấy cái gì để có thể ngăn cản?
Ta phải làm thế nào để được một chút ánh sáng trí tuệ chân thật?
Từ đây, được lòng tin thanh tịnh đối với Pháp bảo, được sự vui mừng lớn.
Nếu ta không thể làm bạn tốt với đệ tử của Phật thì phải làm thế nào để được một chút ánh sáng trí tuệ chân thật?
Từ đây, được lòng tin đối với Tăng Bảo thanh tịnh, được niềm vui lớn. Trong ba ngôi báu, nhất tâm thanh tịnh hợp với trí tuệ chân thật là thiện căn trên hết, cũng gọi là pháp Đảnh, cũng gọi là có thể đạt được phần thiện căn của Niết Bàn.
Như trong kinh Ba la diên có nêu:
Ngôi báu Phật, Pháp, Tăng
Ai lòng tin thanh tịnh
Gọi thiện căn pháp Đảnh
Các ông nhất tâm giữ.
Như thế, lòng tin đối với Phật, Bồ Tát, Bích Chi Phật, A La Hán ít mà đối với dã nhân lại nhiều.
Lại nữa, lòng tin này có thể bị phá trừ, có thể mất đi cho nên gọi là ít trí tuệ, như trong Kinh Pháp Cú có nêu:
Chuối sinh quả thì chết
Tre ra hoa cũng vậy
La sinh con liền chết
Người kém nuôi cũng thế.
Phá mất chẳng được lợi
Người hèn được tiếng khen
Phần trong sạch diệt hết
Cho đến pháp đảnh mất.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba