Phật Thuyết Kinh đại Phật đảnh Cứu Cánh Kiên Cố Và Mật Nhân Của Như Lai Về Chư Bồ Tát Vạn Hạnh để Tu Chứng Liễu Nghĩa - Phần Ba Mươi Mốt

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Lạt Mật Đế, Đời Đường

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI PHẬT ĐẢNH CỨU CÁNH

KIÊN CỐ VÀ MẬT NHÂN CỦA NHƯ LAI

VỀ CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH ĐỂ TU

CHỨNG LIỄU NGHĨA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Lạt Mật Đế, Đời Đường  

PHẦN BA MƯƠI MỐT  

Này Khánh Hỷ! Mười loại kiến giải điên cuồng giữa lúc tu tập tĩnh lự như thế, đều là do sự giao tiếp của tâm với hành uẩn nên mới xuất hiện những nhầm lẫn ấy. Do chúng sanh mê muội và chẳng thể tự suy ngẫm chính xác nên khi gặp những trường hợp đó hiện tiền, họ sẽ nhận mê là giác và nói rằng mình đã thăng lên quả vị của Bậc Thánh. Do vì đã thành lập đại vọng ngữ như thế nên họ sẽ đọa địa ngục Vô gián.

Sau khi Ta diệt độ, các ông phải mang lời của Như Lai để truyền dạy vào thời Mạt Pháp, hầu khiến cho tất cả chúng sanh sẽ hiểu rõ nghĩa này và không để cho tâm ma của chính họ dấy khởi tội nghiệt thâm trọng.

Các ông hãy bảo hộ, che chở, tiêu diệt tà kiến, và làm cho thân tâm của họ khai ngộ diệu nghĩa chân thật, đừng để họ gặp lối rẽ trên con đường tuệ giác vô thượng, và chớ khiến lòng mong mỏi khi được một chút mà cho là đủ. Các ông hãy trở thành bậc đại giác vương thanh tịnh để chỉ dẫn hữu tình.

Này Khánh Hỷ! Khi thiện nam tử kia tu hành chánh định đạt đến chấm dứt của hành uẩn, người ấy có thể sẽ quán sát dòng chảy nhiễu động ở trong thanh vắng ẩn khuất của tâm mình, là tánh sanh khởi chung của tất cả chúng sanh trong thế gian. Bất chợt nốt gút giấu kín nhỏ bé đã giữ lưới nghiệp vay trả từ nhiều đời của mỗi chúng sanh liên quan với họ sẽ mở tung, và sự cảm ứng với lưới nghiệp dày kín đó sẽ đoạn tuyệt.

Bây giờ người ấy sắp trải nghiệm một đại ngộ minh liễu ở bầu Trời tịch diệt. Đây ví như người ấy nhìn lên ánh bình minh mờ nhạt ở phía đông sau khi tiếng gà gáy vang lên. Sáu căn của người ấy sẽ rỗng không và tĩnh lặng. Chúng không còn rong ruổi sáu trần và nội ngoại trạm nhiên trong sáng. Người ấy vào không chỗ vào và hiểu sâu về thọ mạng nguyên do của mười hai thể loại chúng sanh.

Người ấy có thể sẽ quán sát nguyên do của các thể loại chúng sanh, nhưng sẽ không bị chúng thu hút. Thức của họ sẽ hòa nhập với mọi thứ trong các Thế Giới khắp mười phương. Ánh sáng mờ nhạt mà họ quán sát sẽ không phai mất, và nó sẽ tỏa chiếu những gì đã từng giấu kín. Đây gọi là đã tới khu vực của thức uẩn.

Nếu đạt được sự hợp nhất của thức với các thể loại chúng sanh mà chẳng bị chúng lôi cuốn, người ấy sẽ tiêu trừ sự phân biệt của sáu căn và mỗi căn có thể sử dụng chức năng của những căn khác.

Thí dụ như là căn mắt và căn tai sẽ kết nối lẫn nhau để cùng hoạt động thanh tịnh với tính năng tách rời hay hợp nhất. Các Thế Giới trong mười phương cùng với thân tâm của họ sẽ như ngọc lưu ly, trong ngoài lung linh xuyên suốt.

Đến giai đoạn này thì gọi là đạt đến chấm dứt của thức uẩn. Người ấy sẽ có thể siêu xuất ô trược của thọ mạng. Khi quán sát nguyên do của thức uẩn thì họ thấy những ảnh tượng giả tạo dường như tồn tại nhưng lại chẳng tồn tại và vọng tưởng điên đảo là căn bổn của nó.

Này Khánh Hỷ! Khi đã hoàn toàn dứt trừ hành uẩn, thiện nam tử kia sẽ trở về cội nguồn của thức. Đến đây, mặc dù sự sanh diệt của hành uẩn đã không còn, nhưng đối với tịch diệt tinh thuần nhiệm mầu thì họ vẫn chưa viên mãn. Tuy nhiên, người ấy sẽ có thể làm cho các căn của mình hoạt động như một hoặc thay thế hoạt động cho nhau.

Do thức của họ kết nối với hết thảy thể loại chúng sanh nên tất cả trở thành như một bản thể. Bởi vậy người ấy có thể sẽ kết luận rằng mình là nguồn cội viên mãn trở về của tất cả, là bổn nhân chân thật thường hằng. Do đó họ sẽ khởi sanh kiến giải thù thắng.

Người ấy sẽ rơi vào sự chấp trước sai lầm của nhân đó. Người ấy trở thành bạn lữ của Phạm chí Hoàng Phát và theo luận thuyết quay về minh đế. Họ sẽ mê muội con đường giác ngộ của Phật và quên mất chánh tri kiến.

Đây gọi là lập luận thứ nhất. Người ấy dựa trên ý tưởng có điều gì để đạt được nên cho rằng có nơi để trở về. Do đó họ sẽ lìa xa giác ngộ viên thông, bội nghịch thành tịch diệt, và gieo trồng hạt giống ngoại đạo.

Lại nữa, Khánh Hỷ! Khi đã hoàn toàn dứt trừ hành uẩn, thiện nam tử kia sẽ trở về cội nguồn của thức. Đến đây, mặc dù sự sanh diệt của hành uẩn đã không còn, nhưng đối với tịch diệt tinh thuần nhiệm mầu thì họ vẫn chưa viên mãn.

Một khi đã vào thức uẩn, người ấy có thể sẽ xem thức đó là bản thể của mình và nó trải rộng đến tận cõi giới hư không. Họ có thể sẽ cho rằng tất cả chúng sanh thuộc mười hai thể loại đều lưu xuất từ trong thân mình. Do đó họ sẽ khởi sanh kiến giải thù thắng.

Người ấy sẽ rơi vào sự chấp trước sai lầm, rằng mình có năng lực nhưng thật ra chẳng phải. Người ấy trở thành bạn lữ của Đại Tự Tại Thiên và nghĩ rằng mình có thể hiện ra thân vô biên. Họ sẽ mê muội con đường giác ngộ của Phật và quên mất chánh tri kiến.

Đây gọi là lập luận thứ nhì. Người ấy dựa trên ý tưởng chính mình có năng lực nên cho rằng mình tạo ra tất cả. Do đó họ sẽ lìa xa giác ngộ viên thông, bội nghịch thành tịch diệt, gieo trồng hạt giống trở thành thiên thần đại kiêu mạn và cho rằng bản ngã của mình viên dung biến khắp.

Lại nữa, khi đã hoàn toàn dứt trừ hành uẩn, thiện nam tử kia sẽ trở về cội nguồn của thức. Đến đây, mặc dù sự sanh diệt của hành uẩn đã không còn, nhưng đối với tịch diệt tinh thuần nhiệm mầu thì họ vẫn chưa viên mãn. Một khi đã vào thức uẩn, người ấy có thể sẽ nương tựa nơi đó, rồi nhận lầm thân tâm của mình từ kia lưu xuất và mọi thứ ở khắp hư không trong mười phương đều từ đó sanh khởi.

Bởi cho rằng thân tâm của mình vọt ra từ thức uẩn, người ấy có thể sẽ kết luận rằng thân này là chân thật thường hằng và không sanh không diệt. Sự thật thì họ vẫn đang ở trong sanh diệt nhưng lại tính toán mà cho đó là thường trụ.

Chẳng những đã mê muội về tánh không sanh không diệt, mà họ còn mê muội về pháp sanh diệt. Họ an nhiên trụ ở cảnh giới u mê chìm đắm đó và khởi sanh kiến giải thù thắng. Người ấy sẽ rơi vào sự chấp trước sai lầm, rằng những gì vô thường là thường. Người ấy trở thành bạn lữ của Tự Tại Thiên. Họ sẽ mê muội con đường giác ngộ của Phật và quên mất chánh tri kiến.

Đây gọi là lập luận thứ ba. Người ấy dựa trên ý tưởng có nơi nương tựa nên đã tính toán sai lầm. Do đó họ sẽ lìa xa giác ngộ viên thông, bội nghịch thành tịch diệt, và gieo trồng hạt giống điên đảo về viên mãn.

Lại nữa, khi đã hoàn toàn dứt trừ hành uẩn, thiện nam tử kia sẽ trở về cội nguồn của thức. Đến đây, mặc dù sự sanh diệt của hành uẩn đã không còn, nhưng đối với tịch diệt tinh thuần nhiệm mầu thì họ vẫn chưa viên mãn.

Nếu nhận biết thức của mình viên dung biến khắp, người ấy có thể sẽ thành lập kiến giải dựa trên sự nhận biết đó, rồi cho rằng hết thảy cỏ cây khắp mười phương đều là hữu tình giống như loài người chẳng khác. Người ấy bảo rằng cỏ cây sanh làm người, rồi khi con người chết thì trở lại sanh làm cỏ cây ở khắp mười phương. Họ cho rằng sự nhận biết cùng khắp là như thế và khởi sanh kiến giải thù thắng.

Người ấy sẽ rơi vào sự chấp trước sai lầm, rằng những gì vô tri có tri giác. Người ấy trở thành bạn lữ của ngoại đạo Tị Khứ và Hữu Quân. Họ chấp trước vạn vật đều có tri giác. Họ sẽ mê muội con đường giác ngộ của Phật và quên mất chánh tri kiến.

Đây gọi là lập luận thứ tư. Người ấy dựa trên ý tưởng rằng có tri giác biến khắp nên dẫn đến kết luận sai lệch. Do đó họ sẽ lìa xa giác ngộ viên thông, bội nghịch thành tịch diệt, và gieo trồng hạt giống điên đảo về tri giác.

Lại nữa, khi đã hoàn toàn dứt trừ hành uẩn, thiện nam tử kia sẽ trở về cội nguồn của thức. Đến đây, mặc dù sự sanh diệt của hành uẩn đã không còn, nhưng đối với tịch diệt tinh thuần nhiệm mầu thì họ vẫn chưa viên mãn. Khi đã được tùy thuận về tính năng hỗ tương ở trong viên dung của các căn, người ấy có thể sẽ cho rằng tất cả đều phát sanh từ trong sự biến hóa viên dung đó.

Thế nên họ sẽ cầu mong ánh sáng của lửa, ưa thích thanh tịnh của nước, yêu mến dòng chuyển của gió, và xem xét thành tựu của đất. Họ sẽ tôn sùng các yếu tố này, rồi thành lập kiến giải rằng chúng là bổn nhân thường trụ. Người ấy sẽ rơi vào sự chấp trước sai lầm, rằng những gì không sanh là sanh.

Người ấy trở thành bạn lữ của Phạm chí Mãn Ẩm Quang và những Phạm Chí khác, mà cho rằng thân tâm phải khổ nhọc phụng sự và tôn sùng nước lửa để cầu mong ra khỏi sanh tử. Họ sẽ mê muội con đường giác ngộ của Phật và quên mất chánh tri kiến.

Đây gọi là lập luận thứ năm. Người ấy mê muội chạy theo bốn đại, rồi dựa trên sự tính toán và chấp trước của tôn sùng mà thành lập nhân hư vọng nên dẫn đến quả hư vọng. Do đó họ sẽ lìa xa giác ngộ viên thông, bội nghịch thành tịch diệt, và gieo trồng hạt giống điên đảo về biến hóa.

Lại nữa, khi đã hoàn toàn dứt trừ hành uẩn, thiện nam tử kia sẽ trở về cội nguồn của thức. Đến đây, mặc dù sự sanh diệt của hành uẩn đã không còn, nhưng đối với tịch diệt tinh thuần nhiệm mầu thì họ vẫn chưa viên mãn. Nếu trong tánh viên minh mà tính toán rằng có hư vô trong đó, người ấy có thể sẽ muốn diệt trừ mọi biến hóa khởi sanh và dùng đoạn diệt vĩnh viễn để nương trụ.

Họ cho đó là chỗ nương tựa và khởi sanh kiến giải thù thắng. Người ấy sẽ rơi vào sự chấp trước sai lầm, rằng những gì chẳng phải nương tựa là chỗ nương tựa. Người ấy trở thành bạn lữ của các thần hư không ở Trời Vô Tưởng. Họ sẽ mê muội con đường giác ngộ của Phật và quên mất chánh tri kiến.

Đây gọi là lập luận thứ sáu. Người ấy dựa trên ý tưởng rằng hư không ở trong viên minh, nên thành tựu trạng thái trống rỗng. Do đó họ sẽ lìa xa giác ngộ viên thông, bội nghịch thành tịch diệt, và gieo trồng hạt giống của tư tưởng đoạn diệt.

Lại nữa, khi đã hoàn toàn dứt trừ hành uẩn, thiện nam tử kia sẽ trở về cội nguồn của thức. Đến đây, mặc dù sự sanh diệt của hành uẩn đã không còn, nhưng đối với tịch diệt tinh thuần nhiệm mầu thì họ vẫn chưa viên mãn.

Ở trong trạng thái dường như viên thường, họ có thể sẽ cố sức giữ thân thể để mong thường trụ, đồng như tánh tinh viên, trường thọ chẳng nghiêng ngả, và khởi sanh kiến giải thù thắng.

Người ấy sẽ rơi vào sự chấp trước sai lầm của tham muốn những thứ mà chẳng thể được. Người ấy trở thành bạn lữ của Tiên Nhân Vô Tỉ và mong cầu sống lâu. Họ sẽ mê muội con đường giác ngộ của Phật và quên mất chánh tri kiến.

Đây gọi là lập luận thứ bảy. Người ấy dựa trên sự chấp trước về nguồn gốc của mạng sống, rồi thành lập nhân kiên cố hư vọng để hướng đến quả trường thọ thế gian. Do đó họ sẽ lìa xa giác ngộ viên thông, bội nghịch thành tịch diệt, và gieo trồng hạt giống của trường thọ hư vọng.

Lại nữa, khi đã hoàn toàn dứt trừ hành uẩn, thiện nam tử kia sẽ trở về cội nguồn của thức. Đến đây, mặc dù sự sanh diệt của hành uẩn đã không còn, nhưng đối với tịch diệt tinh thuần nhiệm mầu thì họ vẫn chưa viên mãn. Khi đã quán sát mạng sống liên kết tương thông của tất cả thể loại chúng sanh, người ấy có thể sẽ lui về để giao lưu với trần lao của mình.

Do sợ chúng tiêu tan nên họ sẽ biến hóa và ngồi ở trong một cung điện hoa sen đầy khắp bảy báu với rất nhiều mỹ nữ, rồi thao túng tâm mình và khởi sanh kiến giải thù thắng. Người ấy sẽ rơi vào sự chấp trước sai lầm, rằng những gì không thật là thật. Họ sẽ trở thành bạn lữ của Ma Vương, mê muội con đường giác ngộ của Phật, và quên mất chánh tri kiến.

Đây gọi là lập luận thứ tám. Người ấy dựa trên sự phát khởi của suy tư sai lệch, rồi quyết định chìm đắm hưởng thụ. Do đó họ sẽ lìa xa giác ngộ viên thông, bội nghịch thành tịch diệt, và gieo trồng hạt giống thiên ma.

Lại nữa, khi đã hoàn toàn dứt trừ hành uẩn, thiện nam tử kia sẽ trở về cội nguồn của thức. Đến đây, mặc dù sự sanh diệt của hành uẩn đã không còn, nhưng đối với tịch diệt tinh thuần nhiệm mầu thì họ vẫn chưa viên mãn. Ở trong sự hiểu biết về căn nguyên của mạng sống, người ấy sẽ phân biệt giữa tinh tế và thô kệch.

Dựa trên sự hỗ tương qua lại của nhân quả, họ sẽ quyết định cái gì là thật và cái gì là giả. Họ chỉ cầu cảm ứng và bội nghịch đạo thanh tịnh. Ở trong tiến trình của kiến khổ đoạn tập, chứng diệt tu Đạo, họ dừng nghỉ ở giai đoạn diệt mà chẳng tiến thêm về phía trước và khởi sanh kiến giải thù thắng.

Người ấy nhầm lẫn rằng mình đã thành bậc Thanh Văn định tánh, rồi trở thành bạn lữ của hàng Tăng Chúng không chịu học hỏi và những kẻ tăng thượng mạn. Họ sẽ mê muội con đường giác ngộ của Phật và quên mất chánh tri kiến.

Đây gọi là lập luận thứ chín. Người ấy dựa vào tâm tinh viên mong cầu cảm ứng để hướng đến quả tịch tĩnh. Do đó họ sẽ lìa xa giác ngộ viên thông, bội nghịch thành tịch diệt, và gieo trồng hạt giống để sanh vào hàng bị pháp không siết buộc.

Lại nữa, khi đã hoàn toàn dứt trừ hành uẩn, thiện nam tử kia sẽ trở về cội nguồn của thức. Đến đây, mặc dù sự sanh diệt của hành uẩn đã không còn, nhưng đối với tịch diệt tinh thuần nhiệm mầu thì họ vẫn chưa viên mãn.

Nếu ở trong giác minh thanh tịnh viên dung mà phát khởi nghiên cứu thâm diệu, thì người ấy liền thành lập tịch diệt mà chẳng tiến thêm về phía trước và khởi sanh kiến giải thù thắng.

Người ấy nhầm lẫn rằng mình đã thành bậc Độc Giác định tánh, rồi trở thành bạn lữ của hàng tự mình giác ngộ các duyên và những ai không hồi tâm hướng về Đại Thừa. Họ sẽ mê muội con đường giác ngộ của Phật và quên mất chánh tri kiến.

Đây gọi là lập luận thứ mười. Người ấy dựa vào tâm hòa hợp với viên giác để trở thành quả trạm nhiên minh liễu. Do đó họ sẽ lìa xa giác ngộ viên thông, bội nghịch thành tịch diệt, và gieo trồng hạt giống để sanh vào hàng không thể vượt khỏi chấp trước của viên giác quang minh.

Này Khánh Hỷ! Mười loại kiến giải giữa lúc tu tập tĩnh lự như thế là do si mê nên dẫn đến cuồng loạn. Nhân bởi sự mê muội nên ở trong sự chứng đắc chưa trọn vẹn, họ sanh tâm mà cho rằng mình đã chứng đắc viên mãn. Đây đều là do sự giao tiếp của tâm với thức uẩn nên mới xuất hiện những nhầm lẫn ấy.

Do chúng sanh mê muội và chẳng thể tự suy ngẫm chính xác nên khi gặp những trường hợp đó hiện tiền với mỗi cảnh hiện ứng theo tập khí yêu thích trong tâm mê muội của họ, người ấy sẽ dừng nghỉ ở đó và cho rằng đây là chốn nương tựa an ổn cứu cánh.

Họ sẽ nói rằng mình đã viên mãn đạo vô thượng. Do vì đã thành lập đại vọng ngữ như thế, nên sau khi chấm dứt nghiệp chiêu cảm mà đã dẫn dắt người ấy trở thành tà ma ngoại đạo, họ sẽ đọa địa ngục Vô gián. Còn về hàng Thanh Văn và bậc Duyên Giác thì họ sẽ không tăng tiến thêm nữa.

Các ông phải nhất tâm gìn giữ đạo của Như Lai. Sau khi Ta diệt độ, các ông phải mang pháp môn này để truyền dạy vào thời mạt pháp, hầu khiến cho tất cả chúng sanh sẽ hiểu rõ nghĩa này và không để cho tâm ma của chính họ dấy khởi tội nghiệt thâm trọng. Các ông hãy bảo hộ, an ủi, cứu giúp, tiêu diệt tà duyên, và làm cho thân tâm của họ vào tri kiến của Phật. Như thế, từ lúc khởi đầu cho đến khi thành tựu, họ sẽ không gặp đường rẽ.

Trong Hằng Hà sa kiếp, chư Như Lai nhiều như vi trần ở thuở quá khứ đã nương pháp môn như thế nên tâm khai ngộ và đắc đạo vô thượng.

Một khi thức uẩn chấm dứt, các căn của ông sẽ liền thay thế hoạt động lẫn nhau. Và từ trong chức năng hỗ tương đó, ông sẽ có thể vào trí tuệ khô kim cang của bậc Bồ Tát. Khi đạt đến quang minh viên mãn của tâm tinh thuần, ông sẽ trải qua sự biến hóa.

Tâm của ông sẽ trở thành như một mặt trăng báu ở trong lưu ly thanh tịnh. Như thế cho đến, ông sẽ trải qua các giai đoạn tu hành của Bồ Tát, như là bốn sự tu hành thêm của tâm, Mười Tín, Mười Trụ, Mười Hành, Mười Hồi Hướng, Mười Địa kim cang, và Đẳng Giác viên minh. Bấy giờ ông sẽ vào biển trang nghiêm vi diệu, viên mãn tuệ giác, và trở về không chỗ chứng đắc.

Đây là những việc ma vi tế được phân tích bằng giác tuệ minh liễu bởi Chư Phật Thế Tôn thuở quá khứ trong lúc tu Chỉ và tu Quán. Một khi am hiểu cảnh ma hiện tiền, ông sẽ có thể tẩy trừ tâm cấu nhiễm của mình và không rơi vào tà kiến.

Bấy giờ uẩn ma tiêu diệt, thiên ma tồi toái, đại lực Quỷ Thần bỏ chạy bạt mạng, và yêu tinh quỷ quái sẽ chẳng còn dám xuất hiện. Ông sẽ thẳng tiến đến vô thượng giác mà không chút mệt mỏi. Cho dù những ai với căn lành cạn mỏng thì cũng có thể tăng tiến đến đại tịch diệt và tâm chẳng mê muội.

Vào thời Mạt Pháp sẽ có những chúng sanh ngu độn. Mặc dù họ thích tu tập chánh định nhưng vẫn chưa thông hiểu tĩnh lự và không biết Thuyết Pháp nên Ta e sợ họ rơi vào tà kiến.

Vì vậy, ông hãy dốc lòng khuyên bảo họ hãy thọ trì Phật đảnh Thần Chú này của ta. Nếu những ai vẫn chưa có thể tụng thuộc lòng, ông hãy dạy họ biên chép Thần Chú này và đặt ở thiền đường, hoặc mang theo bên mình. Như thế, tất cả chúng ma đều chẳng thể quấy nhiễu họ.

Ông hãy cung kính và khâm tuân lời dạy của mười phương Như Lai. Hãy tu hành tinh tấn để đạt đến cứu cánh tịch diệt. Đây là giáo huấn cuối cùng của Ta.

Lúc ấy Tôn Giả Khánh Hỷ liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ khâm phụng lời dạy bảo của Phật và ghi nhớ chẳng quên.

Ở giữa đại chúng, Ngài lại bạch Phật rằng: Như lời Phật dạy, ở trong tướng hiện của năm uẩn có năm nhóm hư vọng, là căn bổn của tâm tưởng si mê. Chúng con chưa bao giờ được nghe Như Lai khai thị tường tận như thế.

Lại nữa, khi năm uẩn này tiêu trừ, là chúng tiêu tan cùng một lúc hay là theo thứ tự?

Giả sử chúng tan biến theo thứ tự, vậy thì cái gì xác định đặc điểm của mỗi uẩn?

Kính mong Như Lai khởi lòng đại từ mà giảng giải để khiến cho đại chúng nơi đây được tâm thanh tịnh với mắt trong sáng, và cũng sẽ làm con mắt cho tất cả chúng sanh vị lai ở vào thời mạt pháp.

Phật bảo Ngài Khánh Hỷ: Bổn giác viên mãn thanh tịnh, tinh nguyên chân thật, và nhiệm mầu trong sáng thì không lưu giữ sanh tử hay các trần cấu và cho đến hư không. Tất cả những thứ đó đều nhân bởi vọng tưởng mà sanh khởi.

Tuy nhiên, từ trong bổn giác tinh nguyên chân thật vi diệu này, hư vọng lại phát sanh y báo thế gian. Đây ví như trường hợp của gã Từ Thọ đã mê lầm về khuôn mặt của mình khi thấy nó trong gương. Si mê của anh ta chẳng khởi sanh từ bất cứ nguyên nhân nào.

Do ở trong vọng tưởng nên có những chúng sanh thành lập tánh nhân duyên. Còn những kẻ mê muội về tánh nhân duyên thì cho là tự nhiên. Sự thật thì tánh của hư không kia cũng là do huyễn hóa sanh ra. Cho rằng vạn vật sanh ra từ nhân duyên hay tự nhiên, đều là vọng tâm tính toán của chúng sanh.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần