Phật Thuyết Kinh đại Phật đảnh Cứu Cánh Kiên Cố Và Mật Nhân Của Như Lai Về Chư Bồ Tát Vạn Hạnh để Tu Chứng Liễu Nghĩa - Phần Mười

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Lạt Mật Đế, Đời Đường

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI PHẬT ĐẢNH CỨU CÁNH

KIÊN CỐ VÀ MẬT NHÂN CỦA NHƯ LAI

VỀ CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH ĐỂ TU

CHỨNG LIỄU NGHĨA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Lạt Mật Đế, Đời Đường  

PHẦN MƯỜI  

Thế thì làm sao chúng không giống nhau?

Nhưng khi ông thấy sáng và tối, tánh của thị giác chẳng biến đổi.

Thế thì làm sao chúng không khác nhau?

Ông hãy nghiên cứu và thẩm tường tỉ mỉ thêm một lần nữa. Hãy tư duy và quán sát tường tận. Ánh sáng đến từ mặt trời, và đen tối xuất hiện vào đêm không trăng. Không ngăn ngại thuộc về hư không và chướng ngại thuộc về đại địa.

Vậy nhân bởi gì mà thị giác như thế sanh ra?

Thị giác có sự nhận biết nhưng hư không hoàn toàn vô tri. Do đó chúng không thể hòa hợp. Thị giác cũng chẳng thể từ tự nhiên mà có.

Tánh của thị giác, thính giác, và cho đến tri giác là bao trùm khắp và bổn thể chẳng dao động. Ông nên biết rằng, thị giác và hư không vô biên bất động, cùng với bốn đại dao động đất nước gió lửa, gọi là sáu yếu tố chính. Thể tánh chân thật của chúng hoàn toàn dung hòa với nhau. Chúng đều từ Như Lai tạng và vốn chẳng sanh hay diệt.

Này Khánh Hỷ! Do tánh của ông trầm luân nên chẳng hiểu rằng, thị giác, thính giác, và cho đến tri giác của ông đều vốn từ Như Lai tạng. Ông hãy quán sát thị giác, thính giác, và cho đến tri giác của ông.

Là sanh hay diệt?

Là giống nhau hay sai khác?

Là chẳng sanh hay diệt?

Là chẳng giống nhau hay sai khác?

Ông vẫn không biết rằng ở trong Như Lai tạng, tánh của thị giác chẳng khác giác ngộ minh liễu. Tánh của giác ngộ tức là thị giác trong sáng. Nó vốn thanh tịnh và trùm khắp pháp giới. Thị giác tùy theo tâm của chúng sanh mà ứng với khả năng hiểu biết của họ. Tương tự như thị giác của căn mắt biến khắp pháp giới, thì diệu đức oánh nhiên của thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác, và tri giác cũng biến khắp pháp giới.

Do chúng trùm khắp mười phương, thế thì làm sao chúng chỉ giới hạn ở một nơi chứ?

Sự thật thì tánh của giác tùy theo nghiệp của chúng sanh mà hiện ra. Thế gian vô tri và mê lầm mà cho rằng yếu tố của giác đến từ nhân duyên hoặc từ tánh tự nhiên. Những sự phân biệt và tính toán đó đều tạo bởi thức tâm. Chúng chỉ có lời nói và hoàn toàn chẳng có nghĩa lý chân thật.

Này Khánh Hỷ! Tánh của sáu thức chẳng có nguồn cội. Nhân bởi sáu căn và sáu trần hư vọng mà chúng sanh ra. Ông bây giờ hãy nhìn khắp Thánh Chúng ở Pháp Hội này. Khi mắt của ông tuần tự nhìn lướt qua thì thấy họ như đang ở trong gương và chẳng có phân biệt. Nhưng trong thức của ông sẽ nhận dạng theo thứ tự. Đây là Diệu Cát Tường Bồ Tát, Tôn Giả Mãn Từ Tử, Tôn Giả Đại Thải Thúc Thị, Tôn Giả Vô Diệt, và Tôn Giả Thu Lộ Tử.

Có phải thức phân biệt này là sanh từ căn mắt?

Là sanh từ sắc tướng?

Là sanh từ hư không?

Hay là nó đột nhiên sanh ra mà chẳng cần nhân?

Này Khánh Hỷ! Giả sử thức tánh của ông sanh từ căn mắt. Vậy nếu bốn loại này đều chẳng có sáng, tối, hình sắc, và hư không thì căn mắt của ông sẽ không hoạt động.

Căn mắt còn không hoạt động thì thức của ông sẽ phát khởi từ đâu?

Giả sử thức tánh của ông sanh từ sắc tướng mà chẳng phải từ căn mắt. Vậy thì ông sẽ không thấy ánh sáng và cũng không thấy đen tối. Như đã không nhận biết sáng hay tối, ông cũng sẽ không nhận biết hình sắc hay hư không.

Những tướng này còn chẳng thấy thì làm sao thức của ông phát khởi từ chúng đây?

Giả sử thức tánh của ông sanh từ hư không mà chẳng phải từ căn mắt hay sắc tướng. Nhưng nếu không có căn mắt thì sẽ chẳng thấy gì. Do đó ông sẽ không thể tự biết sáng, tối, hình sắc, hay hư không. Nếu các trần chẳng hiện hữu ở nơi các căn để làm duyên thì thị giác, thính giác, và cho đến tri giác sẽ không chỗ an lập.

Giả sử thức tánh của ông sanh từ hư không mà chẳng phải từ căn mắt hay sắc tướng. Tuy nhiên, hư không đồng với chẳng có gì. Và cho dù hư không có gì thì nó chẳng giống như vật có thật. Giả như hư không phát khởi thức của ông, thế thì ông làm sao phân biệt?

Giả sử thức tánh của ông đột nhiên sanh ra mà chẳng cần nhân.

Thế thì tại sao mặt trăng lại không hốt nhiên chiếu sáng ở giữa ban ngày?

Ông hãy nghiên cứu và thẩm tường tỉ mỉ thêm một lần nữa. Cái thấy là một chức năng của căn mắt. Trần cảnh hiện ra ở trước thì có hình tướng, nhưng hư không thì chẳng có.

Như vậy thức nhân ở đâu mà sanh ra?

Bởi thức khởi phân biệt nên tánh của nó là dao động, còn căn mắt là tĩnh lặng do bởi chỉ ghi nhận sắc trần. Do đó chúng không thể hòa hợp với nhau.

Các căn và thức của tai, mũi, lưỡi, thân, ý thì cũng lại như vậy. Sáu thức chẳng thể từ tự nhiên mà có.

Nếu yếu tố của thức chẳng phải do những điều trên mà sanh ra, thì ông phải biết rằng thức phân biệt của mắt, thức của tai, và cho đến thức của ý là viên mãn trạm nhiên và tánh của nó chẳng đến từ nơi nào hết. Thức, giác, hư không, đất, nước, gió, và lửa gọi là bảy yếu tố chính. Thể tánh chân thật của chúng hoàn toàn dung hòa với nhau. Chúng đều từ Như Lai tạng và vốn chẳng sanh hay diệt.

Này Khánh Hỷ! Do tâm của ông thô kệch và cạn hẹp nên chẳng hiểu rằng, thức của mắt, thức của tai, và cho đến thức hiểu rõ của ý đều vốn từ Như Lai tạng. Ông hãy quán sát tất cả sáu thức này của ông.

Là giống nhau hay sai khác?

Là hiện hữu hay rỗng không?

Là chẳng giống nhau hay sai khác?

Là chẳng hiện hữu hay rỗng không?

Ông vẫn không biết rằng ở trong Như Lai tạng, tánh của thức chẳng khác giác ngộ minh liễu. Tánh của giác ngộ tức là chân thức. Nó là diệu giác trạm nhiên và trùm khắp pháp giới. Nó bao hàm tất cả hư không trong mười phương.

Thế thì làm sao nó chỉ giới hạn ở một nơi chứ?

Sự thật thì tánh của thức tùy theo nghiệp của chúng sanh mà hiện ra. Thế gian vô tri và mê lầm mà cho rằng yếu tố của thức đến từ nhân duyên hoặc từ tánh tự nhiên. Những sự phân biệt và tính toán đó đều tạo bởi thức tâm. Chúng chỉ có lời nói và hoàn toàn chẳng có nghĩa lý chân thật.

Lúc bấy giờ Ngài Khánh Hỷ và toàn thể đại chúng, khi nghe lời khai thị vi diệu của Đức Phật Như Lai, thân tâm của họ an nhiên và chẳng bị ngăn ngại. Mỗi vị trong đại chúng nơi đây đều tự biết tâm của mình bao trùm mười phương và thấy tận cùng của hư không khắp mười phương như nhìn lá cây trong lòng bàn tay. Tất cả vạn vật trên thế gian đều là từ diệu minh nguyên tâm. Nó giác liễu thanh tịnh, trùm khắp viên dung, và bao hàm mười phương.

Họ lại quán sát thân thể của chính mình khi sanh ra từ cha mẹ. Họ thấy chúng như vi trần phiêu lãng trong hư không và có lúc chúng tồn tại hay diệt mất. Chúng như những bọt nước nổi trôi giữa biển cả mênh mông và sanh diệt không dấu vết. Họ liễu đạt và tự biết rằng, diệu tâm bổn nguyên là thường trụ bất diệt.

Khi thông đạt điều chưa từng có, Ngài Khánh Hỷ chắp tay đảnh lễ Phật và ở trước Như Lai mà nói kệ tán thán Đức Phật rằng:

Diệu trạm tổng trì bất động Tôn

Cứu Cánh Kiên Cố hiếm trên đời

Tiêu trừ ức kiếp điên đảo tưởng

Chẳng qua muôn kiếp chứng pháp thân

Nay nguyện giác ngộ thành Pháp Vương

Trở lại hóa độ hằng sa chúng

Hoằng thệ rải khắp vi trần sát

Như thế tức là báo Phật ân

Thỉnh cầu Thế Tôn chứng giám cho

Đời ác năm trược nguyện vào trước

Nếu một chúng sanh chưa thành Phật

Vĩnh viễn sẽ không vào tịch diệt

Đại hùng đại lực đại từ bi

Giúp con diệt trừ niệm hoài nghi

Để mau chứng đắc vô thượng giác

Và ngồi Đạo Tràng khắp mười phương

Cho dù hư không có tiêu vong

Tâm như kim cang vô động chuyển.

Lúc bấy giờ Tôn Giả Mãn Từ Tử đang ở giữa đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vén áo lộ vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay cung kính và bạch Phật rằng: Thế Tôn là bậc đại uy đức và khéo diễn giải đệ nhất nghĩa đế của Như Lai cho chúng sanh.

Trong số người thuyết pháp, Thế Tôn thường ngợi khen con là đệ nhất. Nhưng nay khi nghe pháp âm vi diệu của Như Lai, con giống như kẻ mù muốn nghe tiếng con muỗi ở khoảng cách hơn một trăm bước. Kẻ đó vốn còn chẳng thấy con muỗi, huống nữa là nghe được tiếng của nó.

Tuy Phật đã giải thích rõ ràng để diệt trừ hoài nghi của con, nhưng hiện tại con vẫn chưa hiểu rõ tường tận nghĩa này để dứt sạch mọi hoài nghi.

Bạch Thế Tôn! Mặc dù Bhikṣu Khánh Hỷ và những vị khác đã khai ngộ nhưng tập lậu chưa trừ. Riêng con và những vị vô lậu khác ở trong chúng hội đã tận trừ các lậu. Tuy nhiên khi nghe lời Pháp Âm của Như Lai hôm nay, con vẫn còn sự khúc mắc và hoài nghi.

Bạch Thế Tôn! Nếu thật sự tất cả căn và trần trong thế gian, cùng với uẩn xứ giới đều từ Như Lai tạng và bổn nguyên thanh tịnh, thế thì tại sao hốt nhiên sanh ra sơn hà đại địa và tất cả tướng hữu vi?

Chúng tuần tự biến đổi, khi vừa kết thúc rồi lại bắt đầu.

Như Lai cũng nói rằng bổn tánh của đất nước gió lửa hoàn toàn dung hòa lẫn nhau. Chúng trùm khắp pháp giới và trạm nhiên thường trụ.

Bạch Thế Tôn! Nếu yếu tố của đất biến khắp, vậy thì làm sao nó cùng chung với nước?

Và nếu yếu tố của nước biến khắp thì yếu tố của lửa sẽ không sanh.

Làm sao biết rõ yếu tố của nước với lửa đều cùng khắp hư không và chẳng hủy diệt lẫn nhau?

Bạch Thế Tôn! Tánh của đất có sự ngăn ngại nhưng yếu tố của hư không thì thông suốt.

Thế thì làm sao cả hai cùng trùm khắp pháp giới?

Con chẳng biết nghĩa này sẽ về đâu. Kính mong Như Lai với lòng đại từ mà tuyên giảng để tách rời đám mây u mê của con và các đại chúng.

Khi nói lời ấy xong, Ngài cúi đầu đảnh lễ sát đất, khâm kính và khát ngưỡng lời giáo huấn từ bi vô thượng của Như Lai.

Lúc bấy giờ Thế Tôn bảo Ngài Mãn Từ Tử cùng những vị Ứng Chân ở trong chúng hội với các lậu tận trừ và đã đạt đến quả vị Vô Học rằng: Hôm nay Như Lai sẽ rộng vì mọi người trong chúng hội nơi đây mà tuyên nói về nghĩa lý tối thắng ở trong những thắng nghĩa chân thật, hầu khiến cho những vị Thanh Văn định tánh các ông ở trong Pháp hội này, cùng tất cả các vị Ứng Chân và những vị khác mà chưa chứng đắc hai loại không, sẽ hướng về thượng thừa và đều sẽ vào Đạo Tràng tịch diệt của Nhất Thừa, là nơi tu hành tĩnh mịch chân chánh.

Ông nay hãy lắng nghe! Ta sẽ thuyết giảng cho ông.

Ngài Mãn Từ Tử cùng những vị khác đều khâm kính Pháp Âm của Phật và lặng yên để nghe lời dạy của Như Lai.

Đức Phật bảo: Này Mãn Từ Tử! Theo như lời ông nói, nếu tất cả vốn thanh tịnh thì tại sao hốt nhiên sanh ra sông núi đất đai?

Chẳng phải ông thường nghe Như Lai tuyên nói về tánh giác diệu minh và bổn giác minh diệu hay sao?

Ngài Mãn Từ Tử thưa rằng: Dạ vâng, thưa Thế Tôn! Con thường nghe Phật tuyên giảng về nghĩa lý này.

Đức Phật bảo: Vậy có phải ông cho rằng bổn giác minh liễu là thể tánh trong sáng?

Hay là bổn giác minh liễu vẫn thiếu sự hiểu biết cho đến khi đạt đến giác ngộ?

Ngài Mãn Từ Tử thưa rằng: Bổn giác minh liễu được biểu thị bởi hiểu biết và sự hiểu biết đó thêm vào nó.

Đức Phật bảo: Giả sử bổn giác minh liễu được biểu thị bởi hiểu biết và sự hiểu biết đó thêm vào nó khi đạt đến giác ngộ. Nhưng sự giác ngộ mà có điều hiểu biết thêm vào thì không thể là giác ngộ chân thật. Sự giác ngộ như thế sẽ thiếu hiểu biết nếu nó không được thêm vào. Nhưng sự giác ngộ mà thiếu hiểu biết thì không thể gọi là bổn giác minh liễu trạm nhiên. Cho nên, nếu ông cho rằng sự hiểu biết phải thêm vào bổn giác minh liễu thì ông đã hiểu sai lệch.

Đó là vì sự giác ngộ chân thật thì không cần thêm vào điều gì. Nhân có sự hiểu biết thêm vào nên có chỗ thành lập. Khi chỗ hư vọng đã thành lập thì sẽ sanh vọng tâm của ông. Ban đầu ở trong đó chẳng có sự giống nhau hay sai khác, nhưng rồi do dấy khởi bốc cháy mà hình thành sai khác. Sai khác từ sự sai khác kia, rồi nhân bởi sai khác mà thành lập giống nhau. Nhân bởi sai khác và giống nhau sanh khởi nên sự chẳng giống nhau hay sai khác lại thành lập.

Sự nhiễu loạn như thế hỗ tương sanh khởi một tinh thần căng thẳng. Khi tinh thần căng thẳng kéo dài sẽ chấp trước pháp trần. Tinh thần căng thẳng và chấp trước pháp trần cùng tạo ra tâm vẩn đục, rồi từ đó mà dẫn đến khởi sanh trần lao phiền não. Sự khuấy động trở thành Thế Giới của trần cảnh, và tĩnh lặng trở thành hư không. Hư không thì giống nhau, nhưng Thế Giới có sai khác. Nó đích thật là pháp hữu vi và chẳng phải tương đồng hay dị biệt.

Một khi ánh sáng của hiểu biết được thêm vào bổn giác thì u ám của hư không hiện ra. Chúng giao tiếp lẫn nhau và tạo thành sự dao động ở trong tâm. Cho nên mới có phong luân và nó trì giữ Thế Giới. Nhân bởi hư không sanh khởi dao động, kiên cố của minh giác tạo lập chướng ngại và trở thành kim bảo. Do minh giác tạo lập kiên cố, cho nên mới có kim luân và nó bảo trì Quốc Độ.

Kiên cố của minh giác tạo thành kim luân. Dao động của minh giác lưu xuất phong luân. Gió và kim ma xát với nhau nên mới có ánh sáng của lửa và tánh của nó là biến hóa. Do ánh sáng của kim sanh ra ẩm ướt và ánh sáng của lửa bốc lên nên mới có thủy luân trùm khắp cõi giới mười phương.

Khi lửa bừng lên và nước đổ xuống, sự giao tiếp của chúng thành lập cứng chắc. Ẩm ướt là biển cả. Khô ráo là châu lục. Do bởi lẽ này nên ánh lửa thỉnh thoảng lóe khởi ở trong biển lớn kia và sông ngòi luôn chảy mãi ở trên châu lục.

Nếu nước chiếm ưu thế và lửa suy kém thì sẽ kết thành núi cao. Cho nên cục đá khi bị đập sẽ xẹt lửa và khi bị nung sẽ thành nước.

Nếu đất chiếm ưu thế và nước suy kém thì sẽ mọc ra cỏ cây. Cho nên rừng cây khi bị đốt sẽ thành đất tro và khi bị ép sẽ thành chất lỏng.

Những sự giao tiếp hư vọng cùng nhau lần lượt phát sanh làm chủng tử. Bởi nhân duyên ấy mà Thế Giới tương tục chẳng ngừng.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Những hiểu biết hư vọng của chúng sanh là do sự hiểu biết được thêm vào bổn giác. Một khi hư vọng đã thành lập thì sự nhận biết không thể vượt khỏi nó. Bởi nhân duyên ấy mà căn tai chỉ cảm nhận âm thanh và căn mắt không thể siêu du sắc trần.

Do sáu trần sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp được nhận biết qua hư vọng nên bị phân khai thành những giác quan: Thấy, nghe, ngửi, nếm, chạm, và biết.

Có những chúng sanh sanh ra là bởi nghiệp siết trói tương đồng. Có những chúng sanh sanh ra là bởi hợp tụ hoặc ly tán. Khi chúng sanh ở thân trung uẩn thấy một điểm sáng lóe lên, rồi lại nhìn kỹ vào chỗ lóe sáng nên có tưởng hình thành. Dị kiến trở thành ghét và đồng tưởng trở thành ái.

Dòng chảy của ái làm chủng tử và thu hút tưởng vào thai. Do vậy khi cha mẹ giao cấu sẽ phát sanh lực thu hút với một chúng sanh mà họ có nghiệp tương đồng. Bởi có những nhân duyên ấy nên thác vào thai, rồi phát triển ở tuần thứ nhất, thứ nhì, và những giai đoạn kế tiếp.

Sanh từ bào thai, sanh từ trứng, sanh từ ẩm ướt, và sanh từ biến hóa đều ứng theo nghiệp của chúng. Sanh từ trứng là do nghĩ tưởng. Sanh từ bào thai là do tình cảm. Sanh từ ẩm ướt là do hợp tụ. Sanh từ biến hóa là do ly tán. Do tình cảm, nghĩ tưởng, hợp tụ, và ly tán mà chúng sanh có thể chuyển từ một loại sanh này đến loại sanh khác. Tùy theo nghiệp thọ báo mà họ thăng hay đọa. Bởi nhân duyên ấy mà chúng sanh tương tục chẳng ngừng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần