Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng đảnh Vương - Phần Bảy

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG ĐẢNH VƯƠNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẦN BẢY  

Lại xét về ấn ấy cũng như hư không, không thật có, không thể làm cho có được. Hư không và ấn kia là hai, không hư dối. Phật và chánh pháp cũng như thế. Giảng thuyết Kinh này cũng không có đối tượng để giảng thuyết. Cũng như quốc vương thương yêu đứa con muốn lập làm Thái Tử và đem đất nước, tài sản giao phó cho con.

Nhà Vua bảo với đại thần: Đem sự nghiệp lớn này giao phó cho Thái Tử, lại đem Thánh tài, thiên hạ, đất nước, tất cả muôn dân giao phó để nối truyền về sau, các đại thần đều phụng mạng. Ngày nay, Kinh pháp này cũng như vậy.

Đồng Tử Thiện Tư theo Phật lanh thọ pháp rồi sẽ đem truyền trao cho vô số Bồ Tát khiến họ nhập vào pháp vô thượng. Đức Phật kiến lập pháp chính yếu của Kinh này cho các vị Bồ Tát. Gốc của phước đức rất mạnh mẽ, nếu dốc sức nắm giữ thì phước ấy không thể lường tính.

Người thọ trì Kinh này, thuyết giảng được Kinh Đảnh Vương mà không giải được nghi ngờ thì không thành Chánh Giác. Muốn đạt được biện tài thì đối với tất cả pháp không còn chấp trước, nên học các giáo pháp mà Kinh Đảnh Vương đã giảng thuyết. Chỗ gọi là pháp thế gian tức là chánh đạo.

Vì sao?

Vì người đời tin vào đạo nếu gặp được Kinh này, ban đầu dù không tin, nhưng nhờ nghe Kinh, lâu ngày sẽ thành tựu.

Nếu người thọ trì Kinh này rồi, giảng thuyết rộng rãi cho người khác, đều gọi là bậc chí hiền, khắp cả nhân loại không hề khinh dối, hiểu được pháp của Chư Phật tạo lợi ích cho chúng sinh, ủng hộ thế gian không ai sánh bằng.

Nếu nói Kinh này thì được ngàn ức Chư Thiên ở giữa hư không khen ngợi Lành thay! Lời giảng thuyết của Bậc Chánh Giác.

Lành thay! Khó có thể sánh kịp. Giảng thuyết Kinh Điển vi diệu là nêu lên sự tinh anh của đạo và trí tuệ, lơi ích không thể nghĩ bàn.

Nếu giảng thuyết bốn câu kệ tụng cho người, hoặc lại tinh tấn tu học vô số Kinh Điển, hoặc dùng pháp sâu xa không nghĩ bàn giảng rộng cho người khác, thì người ấy có tâm từ bao la, như cùng với Đức Phật đàm đạo, ưa thích Kinh Điển, tuyên dương Pháp Đảnh Vương này, hướng dẫn Kinh Điển nơi đạo vô thượng nên gọi là không thể nghĩ bàn.

Phật bảo Hiền Giả A Nan: Nếu người thọ lãnh pháp như vậy thì vào đời Tượng Pháp, Kinh Điển luôn được lưu truyền và giảng nói. Nếu có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di thọ trì, đọc tụng Kinh Điển, thì công đức của người ấy là vô lượng, vô biên không thể nêu hết.

Ví như hư không, không có biên vực.

Này Hiền Giả A Nan! Nếu người lãnh thọ Kinh Điển này, tuy không nhiều chỉ với bốn câu kệ mà đọc tụng, giảng thuyết cho người khác, thì phước đức không thể suy lường, là vô cùng vô tận không thể ví dụ.

Bấy giờ Đức Phật nói kệ:

Hư không còn đo được

Các tướng có thể nêu

Phước đức của người này

Không thể nào cùng tận.

Phụng thờ mười phương cõi

Đấng Vô Thượng cứu đời

Nếu có người thọ trì

Là cúng dường Chư Phật.

Nếu người có thần thông

Nâng Thế Giới mười phương

Không bằng nghe Kinh này

Và phụng thờ Chư Phật.

Trong Thế Giới mười phương

Xả bỏ mười nghiệp ác

Nhờ phụng sự Chư Phật

Nghe không bằng cúng dường.

Cúng dường Phật quá khứ

Và vị lai, hiện tại

Ở trong mười phương này

Được trời, người tôn kính.

Tất cả pháp hữu vi

Quy phục Đấng Đại Nhân

Nếu người trì Kinh này

Điều Chánh Giác đã thuyết.

Dâng y và thực phẩm

Chẳng phải chính trí tuệ

Có người trì Kinh này

Tuệ ấy là tối thượng.

Cả mười phương Thế Giới

Các châu báu đầy khắp

Đem dâng Đấng Chánh Giác

Phước này chưa thù thắng.

Có người học Kinh này

Điều Đảnh Vương đã thuyết

Cúng dường các Đức Phật

Là chỗ nêu bậc nhất.

Như Lai giảng nói Kinh

Không chấp vào Phật Đạo

Tâm nương vào chỗ ấy

Nhằm cúng dường Như Lai.

Không nương vào thế tục

Là phụng sự bậc nhất

Không nâng cao, hạ thấp

Mới gọi là cúng dường.

Chánh pháp Đức Phật kia

Hết thảy không thủ đắc

Như Lai đã giảng thuyết

Là kính lễ bậc nhất.

Đã cúng dường, phụng sự

Nơi Đức Phật Định Quang

Thấy pháp các Bồ Tát

Là cúng dường bậc nhất.

Cúng dường bậc nhất ấy

Như cúng Phật, Thế Tôn

Từ đấy được thọ ký

Vị lai sẽ thành Phật.

Muốn ở trong Phật Đạo

Bậc chúng sinh tôn quý

Tu pháp thanh tịnh này

Tức cúng dường Đạo Sư.

Nhờ cúng dường như thế

Chứng được đạo vô thượng

Thương chúng sinh trì pháp

Hướng về tất cả tuệ.

Pháp Chư Phật mười phương

Đã thuyết giảng cứu đời

Đều quy về nẻo chánh

Là cúng dường bậc nhất.

Đã được vào cõi Phật

Trí Phật không nghĩ bàn

Bèn gầm tiếng sư tử

Cũng như ta ngày nay.

Nhờ tiếng sư tử ấy

Trong các pháp dũng mãnh

Cứu thoát hàng ức chúng

Niết Bàn dứt các lậu.

Phật lại bảo Đồng Tử Thiện Tư: Ông lãnh thọ Kinh Điển này và đem nêu giảng khắp mười phương để cho tất cả chúng sinh thọ trì, phụng hành chánh pháp. Dùng trí tuệ vô biên chỉ dạy cho người đồng học khiến họ tu tập, thực hành sáu pháp độ vô cực, vượt thoát ba cõi.

Nếu Thiện Nam, Thiện Nữ nào thọ trì Kinh Điển này và thuyết giảng cho người khác, thì phước đức không thể lường tính, giống như hư không, không thể hạn lượng.

Khi Đức Phật thuyết giảng như vậy xong, Đồng Tử Thiện Tư và tất cả Thánh Chúng, các Bộ Chúng, Trời, Rồng, Thần, A Tu La, người thế gian, nghe điều Đức Phật giảng nói đều rất hoan hỷ, đảnh lễ và lui ra.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần