Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng đảnh Vương - Phần Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG ĐẢNH VƯƠNG
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẦN BỐN
Như thuật biến hóa hình
Ngu si cho có người
Có mà không thật có
Người sáng không còn mê.
Pháp sinh, không chốn sinh
Người trí không còn chấp
Các pháp đều là không
Người ngu không hiểu rõ.
Pháp đã có sinh ra
Thì phải có diệt mất
Từ sinh đến bệnh chết
Trừ bỏ, không lo sợ.
Tất cả pháp đều không
Pháp cũng không chốn về
Thiện Tư nên biết rõ
Phật đã thuyết giảng pháp.
Đạo pháp không tạo tác
Thì không thể đạt được
Nếu không chứng được đạo
Còn thấy việc ba cõi.
Nếu tưởng cầu Phật Đạo
Chẳng phải cầu Chánh Giác
Nếu chí tâm cầu đạo
Thì không nên vọng tưởng.
Mọi sinh tử tự nhiên
Chẳng quán pháp tự nhiên
Tự nhiên không thật có
Đó là tướng giải thoát.
Hoàn toàn không chỗ sinh
Thuyết giảng không thể đạt
Do hành nghiệp vô minh
Nhân nêu pháp vô vi.
Dùng nhiều các nghĩa lý
Các pháp thì như nhiên
Chúng đều không sinh khởi
Nên không chống trái nhau.
Tất cả đều phụng hành
Pháp sâu xa vi diệu
Do hết thảy sinh khởi
Bồ Tát hành từ bi.
Đồng Tử Thiện Tư dùng kệ đáp:
Phật xuất hiện ở đời
Đều thương yêu chúng sinh
Thân vì còn lưới nghi
Nên nói nghĩa pháp này.
Lời Phật không nghĩ bàn
Hiện đầy đủ phương tiện
Hủy hoại các lưới ma
Diệt sáu mươi hai tà.
Đoạn trừ gốc sinh tử
Ngồi nơi cội cây Phật
Mãi không còn đắm chìm
Diệt hẳn các tưởng chấp.
Hiểu rõ nghiệp hư giả
Đức Phật diệt kiến chấp
Dũng mãnh vì thế gian
Dứt nghi ngờ cho con.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Đồng Tử Thiện Tư: Nẻo hành của Bồ Tát chưa từng hư dối, hóa độ khắp nơi, nhờ ân đức che chở, cứu giúp nên không tranh cãi, trừ bỏ tất cả những lỗi lầm nên không còn cấu uế, thương yêu chúng sinh, thực hành nghĩa lý sâu xa, không còn vọng tưởng. Thế gian không kiên cố nên trừ bỏ ham muốn.
Do không ham muốn nên dứt hết sự trói buộc, thường thực hành từ, bi, hỷ, xả cứu giup chúng sinh, tâm không còn hư vọng, hành hóa theo tâm đại Từ, pháp không thể nắm bắt, tu tập về nghĩa lớn.
Không lìa bỏ tinh tấn, hành đạo chân chánh thì không bị nghiệp lay chuyển, không bị quấy phá, hành trì pháp nhẫn nhục nên không tranh cãi, không có đối tượng được thấy biết, sớm tối tuân hành. Thiện Tư nên dốc sức lìa bỏ sự biếng trễ, thành tựu đạo hạnh, nhập vào định ý chánh thọ, nên tâm vắng lặng.
Do tu tập theo Thánh tuệ nên các pháp vĩnh viễn không còn chỗ chấp giữ. Thực hành vô sở úy, tâm không khiếp sợ, phát tâm Bồ Đề thì việc làm không bị chướng ngại nên thành tựu mười lực của Như Lai.
Phải thực hành những gì để đạt được chỗ thù thắng?
Nên noi theo trí tuệ ấy, phụng hành bậc hơn người, đi khắp mười phương cõi Phật, việc làm không hề ngăn ngại, nhằm độ thoát tất cả.
Phật liền nói kệ:
Tạo nghiệp không hư vọng
Là lời của Bồ Tát
Nhờ phụng trì giải thoát
Không sợ các chướng ngại.
Không hạnh là chánh hạnh
Đó là nghiệp Bồ Tát
Nếu hiểu được hạnh này
Thì không còn tham cầu.
Dùng pháp để cứu độ
Các Bồ Tát đã giảng
Nghĩ không thủ đắc ấy
Hạnh này là vô thượng.
Nói ta làm đạo pháp
Tức ở trong điên đảo
Ở nơi nghiệp điên đảo
Liền có sự lo sợ.
Giả sử có tranh tụng
Không thấy chỗ tranh chấp
Người trí thấu đạt được
Thực hành thừa vô thượng.
Thừa ấy không sợ hãi
Đại Thừa lớn bậc nhất
Sợ cùng với không sợ
Cũng đều không buông lung.
Tất cả không thật có
Tối thắng trong các hành
Ví rõ đều hư, tĩnh
Hành kia mới vô thượng.
Thực hành pháp thâm diệu
Giữ gìn tất cả pháp
Chỗ tế độ sâu xa
Diệt trừ các tưởng vọng.
Hành hóa pháp huyền diệu
Cả hai không nơi chốn
Có thể biết bản tế
Không nhớ nghĩ các pháp.
Pháp hoàn toàn không uế
Cũng không lìa cấu uế
Pháp ấy vốn thanh tịnh
Trở lại bỏ các dục.
Mà thị hiện tà, nghịch
Ái dục không vững chắc
Không chuyển nghĩa văn tự
Câu này là vô thượng.
Không chấp như huyễn hóa
Đây là giáo vô ngôn
Nhờ bỏ hành điên đảo
Nên ý không tranh tụng.
Các hành của chúng sinh
Thật không thể nắm bắt
Nếu hiểu được hành này
Mới gọi là thiện giáo.
Chúng sinh do vô minh
Nên gọi là phàm phu
Pháp chúng sinh cũng vậy
Đạo này là vô thượng.
Niệm này của chúng sinh
Vĩnh viễn không thủ đắc
Đây là từ bậc nhất
Gọi là từ vô lượng.
Bố thí khắp thế gian
Mới gọi là Bồ Tát
Thường ưa thích xả bỏ
Mới gọi tâm tuệ đạo.
Giả sử không đạt pháp
Vì các pháp không thật
Bồ Tát thông suốt hết
Đó là thích bố thí.
Hiểu pháp không thủ đắc
Thì không còn sợ hãi
Trên hết trong các pháp
Nên gọi là bố thí.
Tướng pháp không thể đạt
Pháp Phật không nghĩ bàn
Giới ấy không hủy phạm
Không chấp vào các pháp.
Cảnh Phật không nghĩ bàn
Không thấy được các cõi
Nơi giới không tưởng, cầu
Được Bồ Tát khen ngợi.
Nên nhẫn các chúng sinh
Tất cả không thủ đắc
Lời Đức Phật đã dạy
Là pháp nhẫn bậc nhất.
Phật lại bảo Đồng Tử Thiện Tư: Sắc là không, không thể nắm bắt. Thọ, tưởng, hành, thức là không, cũng không thể nắm bắt. Gọi là không, sắc tức là không lại chẳng khác không. Thọ, tưởng, hành, thức là không, cũng chẳng khác không.
Bốn đại, năm ấm, mười tám giới, ba cõi đều là không, mười hai nhân duyên là không, tức là không lại chẳng khác không.
Thế gian, xuất thế gian, hữu vi, vô vi, bốn đại đều là không, cũng chẳng khác không. Sắc như bọt nước, thọ như bong bóng nước, tưởng như cây chuối, hành như mộng, thức như huyễn, ba cõi như biến hóa, năm đường như hình ảnh. Sở dĩ như hình ảnh là do nhân duyên sinh.
Nguồn gốc của ba cõi: Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới đều do tâm ý tạo ra, giống như họa sĩ tô vẽ lên vách, ván. Nhân duyên hợp thành giống như chim bay giữa hư không. Bồ Tát cũng vậy, tu tập hành trì không mong cầu, du hóa khắp mười phương. Giống như mặt trời đi qua nơi hư không mà không bị cấu nhiễm, u ám.
Bồ Tát cũng như thế, một mình đi vào ba cõi mà tâm không bị đắm nhiễm, trừ bỏ ba độc tăm tối: Dâm, nộ, si.
Giống như hoa sen sinh ra từ bùn lầy mà chẳng cùng bùn lầy hòa hợp, Bồ Tát cũng vậy, ở trong sinh tử mà chứng đắc đạo quả Chánh Giác Vô Thượng, tâm thanh tịnh như hư không, hoàn toàn không còn chấp trước, độ thoát cho tất cả chúng sinh.
Khi ấy, Đức Phật nói kệ:
Tâm ấy không thủ đắc
Thì không có tranh tụng
Nếu không chấp chúng sinh
Đó là nhẫn bậc nhất.
Bồ Tát lìa lười nhác
Tâm không chấp việc làm
Hoàn toàn không tu tập
Mới là tối tinh tấn.
Tâm và thân Bồ Tát
Chân thật không tà vạy
Không chấp sự giảng nêu
Là tinh tấn bậc nhất.
Nếu có người biếng trễ
Bồ Tát giáo hóa họ
Không tâm, không chốn hành
Trụ tinh tấn thứ nhất.
Tâm ấy không nắm bắt
Trong ngoài không đắm vướng
Nếu tâm không thủ đắc
Tức gọi là định ý.
Tâm thường siêng tu tập
An nhiên, không thật có
Không tư duy chánh thọ
Gọi là đạt Tam Muội.
Sở dĩ nói định ý
Do thực hành hạnh này
An trú vào tự nhiên
Là định ý bậc nhất.
Không biết trí hiện hữu
Sao biết pháp tự nhiên?
Tự nhiên và trí tuệ
Cả hai đều không thật.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bảo Vân - Phần Hai Mươi Mốt
Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Phổ Siêu Tam Muội - Phẩm Ba - Phẩm Cử Bát - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh đại Phú
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh Xóm Ngựa - Phần Ba - Hộ Trì Các Căn
Phật Thuyết Kinh đại Bi đại ái - Phẩm Mười Một - Phẩm Biết Ba đời