Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Sáu - Phẩm Sáu Bài Kệ - Chuyện Chim Bồ Câu Tiền Thân Kapota

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG SÁU  

PHẨM SÁU BÀI KỆ  

CHUYỆN CHIM BỒ CÂU

TIỀN THÂN KAPOTA  

Ta đây mạnh khỏe, dạ an vui. Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỳ Kheo tham lam. Chuyện vị Tỳ Kheo tham lam này đã được kể đầy đủ theo nhiều cách.

Ở đây bậc Ðạo Sư hỏi có thật ông tham lam chăng, và khi ông thú nhận quá đúng thế, Ngài bảo: Này Tỳ Kheo, không phải chỉ bây giờ mà ngày xưa nữa, ông cũng tham lam và đã chết vì lòng tham ấy. Nói xong Ngài kể một chuyện quá khứ.

Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì ở Ba La Nại, Bồ Tát được sinh làm bồ câu con và sống trong lồng kết bằng liễu gai ở nhà bếp của một phú thương thành Ba La Nại. Bấy giờ một con quạ thèm ăn cá thịt lại làm bạn với bồ câu này, và sống cùng chỗ ấy.

Một hôm nó chợt thấy nhiều cá thịt liền nghĩ: Ta sẽ ăn đám cá thịt này. Rồi nằm xuống rên rỉ trong lồng.

Khi bồ cầu đến bảo: Này bạn, ta cùng bay nhanh ra tìm mồi.

Quạ từ chối đáp: Tôi đang bị ốm liệt vì cơn đau bụng do bội thực, bạn đi đi.

Khi bồ câu khuất dạng, quạ tự nhủ: Kẻ thù hay quấy phá ta đã đi rồi. Bây giờ ta muốn ăn thịt cá tùy thích.

Nghĩ vậy, quạ ngâm vần kệ đầu:

Ta đây khỏe mạnh, dạ an vui,

Vì chú bồ câu đã biến rồi,

Ta muốn làm cơn thèm dịu xuống

Rau thơm cùng thịt khỏe thêm người!

Vì thế khi người đầu bếp chiên cá thịt xong, vừa bước ra khỏi bếp, vừa chùi mồ hồi chảy dòng dòng, con quạ nhảy ra khỏi tổ và dấu mình trong chậu gia vị.

Chậu ấy phát ra tiếng cạch khiến người đầu bếp vội quay lại, tóm lấy con quạ vặt hết lông. Rồi xay một ít gừng tươi và hạt cải trắng, chú giả chung với chà là thối, bôi lên khắp mình con quạ, vừa xát mạnh thân nó với một mảnh sành làm cho nó bị thương nặng. Sau đó chú lấy sợi dây treo mảnh sành lên cổ nó rồi lại ném vào thúng và bỏ đi.

Khi bồ câu trở về thấy quạ, liền bảo: Ông hạc nào đây lại nằm trong thúng của bạn thân ta đó kìa?

Bạn ta tính tình nóng nảy sẽ về giết chim lạ mặt này ngay.

Nói đùa thế xong, bồ câu ngâm vần kệ thứ hai:

Con mây này với chiếc mào cao,

Ngài chiếm chỗ chim bạn tớ sao?

Ông hạc, đến đây, thân hữu quạ

Tính tình nóng nảy, biết không nào?

Quạ nghe vậy liền ngâm vần kệ thứ ba:

Bạn cứ cười to trước cảnh này,

Ta lâm hoạn nạn đáng thương thay!

Hỏa đầu quân vặt lông trần trụi,

Gia vị, chà là thối tẩm đầy.

Bồ câu vẫn còn muốn đùa, liền ngâm vần kệ thứ tư:

Tắm sạch, dầu thơm xát ngạt ngào,

No say ăn uống thỏa dường bao!

Cổ ông sáng chói đồ trang sức,

Ông đến Ba La Nại đó sao?

Quạ ngâm tiếp vần kệ thứ năm:

Bạn thiết hay cừu địch của ta

Chớ đi Ba La Nại bây giờ!

Mình trần chúng vặt, còn trêu ghẹo

Buộc mảnh sành trên ngực ấy mà!

Bồ câu nghe vậy, ngâm vần kệ cuối cùng:

Bỏ các thói hư tật xấu kia

Tính tình như quạ khó làm ghê!

Chim nên thận trọng bay xa lánh

Thực phẩm loài người ăn thỏa thuê.

Sau khi khiển trách quạ xong, bồ câu không ở lại đó nữa mà giương đôi cánh bay đi nơi khác. Nhưng Quạ chết ngay tại chỗ. Ðến đây bậc Ðạo Sư chấm dứt pháp thoại và tuyên thuyết các sự thật. Vào lúc kết thúc các sự thật, vị Tỳ Kheo tham lam đã đắc Nhị Quả Nhất Lai.

Rồi Ngài nhận diện tiền thân: Thuở ấy, con quạ là Tỳ Kheo tham lam này và bồ câu chính là ta vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần