Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng đảnh Vương - Phần Năm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG ĐẢNH VƯƠNG
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẦN NĂM
Pháp ấy không thủ đắc
Biết thực hành chánh pháp
Chẳng dùng thức biết pháp
Tự nhiên, không thật có.
Nếu biết được hành này
Tâm Bồ Tát kiên cố
Thực hành Đệ nhất nghĩa
Thế gian không đạt tới.
Chúng hội không sánh bằng
Vì chúng mà thuyết pháp
Bồ Tát tuy giáo hóa
Không chấp vào chúng sinh.
Đức Phật lại bảo Đồng Tử Thiện Tư: Tất cả các pháp giống như huyễn hóa, huyễn hóa vốn không nên đều không thật có. Người đời mê lầm, tự chấp thân mình và thân người khác đều là thật có.
Do nơi có nên chìm đắm trong năm đường, nếu có thể hiểu được thì không còn lo sợ.
Nguồn gốc của các pháp không có trong ngoài, nhờ hiểu rõ như vậy nên tâm không khiếp sợ, không bị nạn nơi ba cõi, ba cõi thảy đều không. Nếu có Bồ Tát hiểu được gốc không này, thì dù một mình trong ba đời mà không hề bị nạn. Thấu rõ về sinh tử cũng như hư không, không hình tướng, cũng không tên gọi.
Tất cả các pháp cũng không có hình tướng và tên gọi như vậy. Do vô minh nên giong ruổi trong ba cõi, lưu chuyển mãi không ngừng. Giống như năm việc ở giữa hư không, không thể làm cấu uế, tự nhiên như vậy nên tâm thanh tịnh.
Nếu quyền biến chưa thông thì bị ba độc, năm ấm, sáu trần ngăn che. Tuy có phải trái, nhưng gốc tịnh không bị cấu nhiễm, tâm thường mở mang, thông suốt nghĩa không của ba đời nên hội nhập vào đạo lớn.
Phật liền nói kệ:
Chúng sinh như huyễn hoa
Huyễn ấy không thật có
Người giảng thuyết như vậy
Vĩnh viễn không sợ hãi.
Thân mình và thân người
Cả hai đều vắng lặng
Nếu hiểu được như vậy
Thì không còn lo sợ.
Các pháp trong lẫn ngoài
Không chấp có hiện hữu
Tâm không còn khiếp sợ
Không gặp nạn thế gian.
Các pháp không ngăn ngại
Như đi vào hư không
Chỗ đến như hư không
Pháp ấy là như nhiên.
Nếu hiểu được như thế
Bồ Tát dứt lo sợ
Phân biệt tất cả pháp
Hiểu rõ hành chúng sinh.
Không chấp vào chúng sinh
Pháp ấy đều như vậy
Đem phân biệt các cõi
Các cõi không thật có.
Đó là vào đường đạo
Gọi là đạo vô thượng
Do đạt được nghĩa này
Biết tâm hành chúng sinh.
Các cõi và chúng sinh
Cả hai không thật có
Do nhớ nghĩ như vậy
Nên hiểu tất cả pháp.
Các việc trong lẫn ngoài
Không tưởng cầu hòa hợp
Do vì không bỏ pháp
Mới gọi chân bản tế.
Pháp ấy không nghĩ bàn
Nên gọi là pháp Phật
Đây tất không thật có
Nên cũng không hình thành.
Thực hành được như vậy
Số người không bao nhiêu
Dùng trí tuệ vô vi
Mới gọi trí tuệ Phật.
Thừa sự vì đại chúng
An ổn khap tất cả
Không lo sợ thế gian
Vì đời không thật có.
Ở trong Thế Giới này
Hoặc các Thế Giới khác
Nẻo hành của Bồ Tát
Cầu đạt tuệ vô thượng.
Pháp ấy là sâu xa
Pháp Phật không nghĩ bàn
Nếu pháp không thủ đắc
Tức là gần Phật Đạo.
Chư Phật và Kinh pháp
Tất cả đều là không
Nếu thực hành như vậy
Sẽ được gần Phật Đạo.
Do thực hành như thế
Người đời không thể sánh
Tâm kia không đắm vướng
Mới gần gũi Phật Đạo.
Đức Phật lại bảo Đồng Tử Thiện Tư: Nếu có Bồ Tát nghe được pháp sâu xa này, hoặc thọ trì, đọc tụng, tâm không sợ hãi, khéo mặc áo giáp thệ nguyện, tâm như kim cang, đến nơi gốc cây Bồ Đề ngồi chốn Đạo Tràng, nhập vào cảnh giới của Phật.
Đạt được Pháp Môn giải thoát chí chân vô ngại, quán pháp vô vi, không chỗ hòa hợp, đến cảnh giới Chư Phật trong mười phương tu tập đại từ bi rộng lớn, thành tựu mười tám pháp Bất cộng của Chư Phật.
Trí tuệ nơi ba đời của Chư Phật sáng như Mặt Trời, Mặt Trăng, phước đức không ai sánh bằng, trí tuệ vượt hư không, ánh sáng của đạo rực rỡ không gì có thể ví dụ được, đạt đến trí tuệ vô thượng, vô kiến đảnh tướng.
Nếu có người nghe được Kinh Điển vô hạn này, rồi đem nghĩa lý sâu xa trong ấy giảng thuyết cho người tin hiểu, ưa thích, thì nên biết người ấy trong quá khứ đã từng gặp Chư Phật không thể tính kể.
Lại có người không khinh mạn, đùa cợt, Đức Phật quán xét biết được người ấy vốn đã sớm tin hiểu Kinh này, thì từ lâu thấy được Như Lai.
Nếu người không ưa thích, tin hiểu Kinh Điển ấy, nghe rồi thì sinh đùa giỡn tức là kẻ phóng túng, là đám dị học của ngoại đạo, là các ma và quyến thuộc của chúng. Nếu người tin hiểu pháp này tức là đệ tử của Phật, Phật là thầy của họ, được Phật sẽ gần gũi cho xuống tóc làm Sa Môn.
Còn những kẻ bất tín kia là ngoại đạo, tà nghiệp, gồm chín mươi sáu tà phái, dị học.
Khi ấy, Đức Phật nói kệ:
Thấy Phật bên gốc cây
Hành Đạo Tràng chân thật
Người không tin Phật Đạo
Trí tuệ không thể đạt.
Pháp ấy không ngăn ngại
Rốt ráo không thủ đắc
Hiểu pháp không xứ sở
Đó gọi là giải thoát.
Ý vào nơi Thánh tuệ
Vua của tất cả pháp
Các pháp và tuệ đạo
Chẳng phải điều Phật thuyết.
Hữu vi và vô vi
Kẻ ngu si tưởng chấp
Hàng Bồ Tát dứt tưởng
Chư Phật bậc sáng suốt.
Quán khắp thế gian này
Tất cả không thủ đắc
Do hiểu rõ thế gian
Cũng là không nơi chốn.
Phật, Thánh và chúng sinh
Nơi ấy không tưởng chấp
Người đã dứt mọi tưởng
Lành thay! Từ vô thượng.
Giả sử cõi chúng sinh
Pháp giới cũng như thế
Mới được gọi tên là
Bồ Tát dứt mọi chấp.
Do thấy việc bi thương
Tâm bi không hình tướng
Vì tâm bi không tướng
Kẻ ngu chẳng chốn hành.
Năm việc trong hư không
Không nơi nào không có
Cả thế gian như thế
Chính là bi hơn hết.
Chánh pháp vô thượng kia
Mới gọi là pháp Phật
Không tham đắm thế tục
Đó là pháp như nhiên.
Đấng cứu đời sáng soi
Sắc kia không thật có
Do pháp vô sắc ấy
Mới gọi vô kiến đảnh.
Hư không, không giới hạn
Bao trùm khắp tất cả
Là chánh pháp của Phật
Gọi là không thể quán.
Trí tuệ không thể đạt
Là đạo lớn vô thượng
Tuệ không thể thủ đắc
Đấy chẳng còn kiên cố.
Bờ này và bến kia
Đã thấy hoặc không thấy
Hiểu rõ, không hành theo
Chẳng phải cầu vọng tưởng.
Nhớ nghĩ pháp trí tuệ
Pháp ấy là bình đẳng
Nếu trái với pháp Phật
Thì không phải bạn lành.
Siêng năng, không siêng năng
Đều gọi là hư vọng
Không hành bình đẳng này
Thì không phải bạn lành.
Do sinh ra pháp ấy
Hoặc lại diệt pháp kia
Các chúng Tỳ Kheo này
Không khéo nghĩ lời Phật.
Có thể đoạn các khổ
Gốc tịnh không thật có
Thuyết giảng pháp như vậy
Tức giảng nêu lời Phật.
Phật lại bảo Đồng Tử Thiện Tư: Nếu cho các hành đều do sự tu tập mà đạt được thì nên dùng sự tu tập trong ba cõi để hành hóa về đạo.
Có xét đến ngã và ngã sở nên thực hành đại từ, tu tập đại bi rộng lớn, nương vào ba cõi thực hành ba giải thoát, ưa thích bốn đại nên tu tập vô thường, khổ, không, vô ngã.
Do sinh, lão, bệnh, tử mà cầu bốn vô sở úy, dùng mười hai nhân duyên để hiểu về mười hai Bộ Kinh. Nhờ mười tám giới mà tu tập mười tám pháp bất cộng của Chư Phật.
Do chúng sinh trong mười phương phạm mười điều ác nên tu tập mười điều thiện, cầu mười lực. Dùng ba sự che lấp để đạt ba sự sáng suốt, tham đắm nơi sáu tình nên tu sáu pháp Độ vô cực, sáu pháp thần thông, tùy theo bệnh cho thuốc khiến không còn nguy hiểm.
Đức Phật ví như vị lương y, Kinh pháp như thuốc tốt, vì có bệnh tật mà có vị lương y cùng thuốc men, không bệnh thì không thuốc, tất cả đều vốn không, không hình tướng, không tên gọi cũng không có giả hiệu.
Tâm như hư không, không gì so sánh được, mênh mông không giới hạn mới thích ứng với đạo.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương - Phẩm Hai Mươi Sáu - Phẩm Xả Thân
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bốn Quả - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Sườn Núi Na Già
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Sáu Mươi Mốt - Pháp Hội Vô Tận ý Bồ Tát - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tam Muội Niệm Phật - Phẩm Một - Mở đầu