Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng Vô Tưởng - Chương Ba Mươi Sáu - Như Lai Niết Bàn - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG VÔ TƯỞNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng

Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương  

CHƯƠNG BA MƯƠI SÁU

NHƯ LAI NIẾT BÀN  

TẬP MỘT  

Bấy giờ, trong chúng hội có vị Vua Đại Phạm tên Kiện Hành, đem nhiều thứ để cúng dường Phật, rồi cung kính chấp tay, nhiễu bên phải ba vòng, vọt lên không trung cao bảy cây Đa La, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Kinh Điển đại thừa gồm có mấy loại tổng trì tam muội?

Tạng bí mật của đạo tu hành, cảnh giới ưa giảng nói vô ngại của Như Lai, quốc độ thế gian có bao nhiêu thứ?

Vì Như Lai có lòng đại từ thương xót tất cả nên hôm nay con mới nêu ra câu hỏi này. Cúi xin đấng Nhị Túc thương xót mà giảng nói rõ. Khi nghe Phật nói rồi, con sẽ lãnh nhận, thọ trì.

Lúc ấy, trong đại chúng có Thiên Tử tên Vô Tận Ý, nương vào uy thần của Phật vì các hàng Phạm Thiên nói kệ:

Lành thay! Vua Đại Phạm

Hỏi Phật nghĩa chân thật

Phật sẽ đáp như thật

Độ khắp các chúng sinh.

Nên phải hết lòng nghe

Cung kính và tôn trọng

Từng phần Kinh Phương

Đẳng hằng sa nghĩa khó hiểu.

Như Lai Đại Pháp Vương

Mở bày rộng pháp giới

Phật đắc pháp tổng trì

Nhị thừa chẳng thể đạt.

Đức Phật dạy: Này Đại Phạm! Nghĩa của Kinh đại thừa chẳng phải chỉ một mà cả đến hàng vạn thứ. Giả sử có người trí như Tôn Giả A Nan, sống lâu đến như số cát Sông Hằng cũng không thể nào thọ trì nhận biết được hết nghĩa lý ấy.

Lại có thể khiến cho người ấy miệng nói rất nhanh, trải qua thời gian như số cát Sông Hằng cũng không thể nào nói hết được.

Vì sao?

Vì nghĩa lý của Kinh Đại Thừa rất thâm thúy, không thể nghĩ bàn, không thể xưng lường, là cảnh giới khó nhận biết.

Cả Chư Phật ở quá khứ, hiện tại, vị lai giảng nói về nghĩa lý, câu cú trong Kinh cũng không thể hết được.

Này Phạm Thiên! Ví như vị thầy thuốc chữa bệnh, đối với tác dụng của thuốc cũng không thể nào nói hết được. Chư Phật Thế Tôn cũng như vậy.

Này Phạm Thiên! Ví như người nữ chỉ có mỗi một đứa con, vì muốn cho con mau lớn nên hết lòng chăm sóc, nuôi dưỡng. Chư Phật, Thế Tôn cũng như vậy.

Này Phạm Thiên! Ông đã vì hàng chúng sinh nêu ra câu hỏi này.

Tôi sẽ hết lòng nghe nhận nghĩa lý ấy.

Khi ấy, Bồ Tát Đại Vân Mật Tạng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Trong Kinh này có bốn trăm tam muội, nghĩa lý rất sâu xa, thật khó hiểu được. Cúi mong Như Lai hãy phân biệt giảng nói.

Phật dạy: Lành thay! Lành thay! Này thiện nam! Theo như ông nói, vì nhằm trị bệnh cấu uế tạp ác của chúng sinh, khiến đạt được tâm chánh tín nhẫn nhục, tâm chánh tinh tấn, tâm niệm, tâm định, vì muốn cho những người phước ít ở đời sau sinh khởi phước đức nên ông đã nêu ra những vấn đề ấy.

Này thiện nam! Nếu như có người thuộc bốn bộ chúng, ở nơi các xóm làng, thành ấp, quốc độ, thọ trì, đọc tụng, biên chép, giảng nói Kinh này thì sáng sớm Trời mưa, mưa xong thì dừng.

Này thiện nam! Tùy theo sự thọ trì, đọc tụng, biên chép, giảng nói Kinh này của những chúng sinh nơi quốc độ ấy, nên biết những người ấy đạt được thân Kim Cang.

Vì sao?

Là do trong Kinh Điển này có Thần Chú.

Vì các hàng chúng sinh mà Chư Phật nơi ba đời đã cùng nói ra thần chú này: Ức cứu lệ, mâu cứu lệ, Đầu Để, tỷ Đầu Để, đà ni yết để, đà na lại để, đà na tăng tháp hề.

Nếu bốn bộ chúng nào đọc tụng chú này thì được Chư Phật khen ngợi. Nếu quốc độ nào muốn cầu mưa thì vị Vua nước ấy vào sáu ngày trai nên tắm rửa sạch sẽ, cúng dường Tam Bảo, tôn trọng, tán thán, xưng danh Long Vương. thiện nam! Tính chất của bốn đại có thể khiến biến đổi. Tụng trì chú này, nếu Trời không mưa xuống, chắc chắn không có việc đó.

Đầu tiên, ông đã hỏi về nghĩa lý của bốn trăm tam muội, vậy hãy chí tâm lắng nghe, ta sẽ giảng nói cho ông rõ.

Này thiện nam! Trong Kinh có tam muội Tịnh thủy đại hải thậm thâm của Chư Phật, Bồ Tát. Các hàng Thanh Văn, Duyên Giác chẳng thể nào biết được, nên gọi là thâm diệu hết mực.

Tam Muội này có năng lực đoạn dứt tất cả sự đói khát, thiếu thốn của sinh tử nên gọi là tịnh thủy.

Biên giới của tam muội này là không thể nắm bắt nên gọi là đại hải.

Chư Phật, Thế Tôn đều cùng bình đẳng với nhau nên gọi là tam muội.

Nếu Bồ Tát nào có đầy đủ tam muội này thì đạt được thân: Thường, lạc, ngã, tịnh, đạt được thân đa văn hải, đa văn bảo tạng, thân không còn sự động chuyển, bất thoái đối với tâm bồ đề, thân Phật tuệ thường trụ, không còn sự thay đổi, tâm không nghi ngại, không lìa pháp vũ, thường gặp Tam Bảo, gặp tri thức thiện, thành tựu tất cả phước đức chân chánh.

Này thiện nam! Ông nên thọ trì tam muội này, thọ trì sẽ được thành tựu đầy đủ vô lượng công đức.

Lại nữa, này thiện nam! Lại có tam muội tịnh thủy đại hải sở nhập thậm thâm.

Không có tam muội nhưng có thể bày rõ về tướng tam muội, nên gọi là thâm diệu tột bậc.

Vì rửa sạch sinh tử nên gọi là nước.

Không thể dò tới đáy nên gọi là đại hải.

Đạt được thân bất động thường, lạc, ngã, tịnh nên gọi là nhập.

Vì rốt ráo nên gọi là tam muội.

Này thiện nam! Nếu Bồ Tát nào đạt đầy đủ tam muội này thì có khả năng biến hóa thành các hình dáng của Chư Thiên.

Thấy sự việc về Phạm Thiên, liền biến thành hình dạng Phạm Thiên. Vì phá trừ sự việc Phạm Thiên nhưng tâm không đắm chấp.

Thấy sự việc về Tự Tại Thiên, liền biến thành hình dạng Tự Tại Thiên.

Thấy sự việc về Bát Tý, liền biến thành hình dạng Bát Tý.

Thấy sự việc về Kiến Đà, liền biến thành hình dạng Kiến Đà.

Thấy sự việc về Thiên Mẫu, liền biến thành hình dạng Thiên Mẫu.

Thấy sự việc về quỷ liền biến thành hình dạng quỷ.

Tuy hiện ra các loại hình dạng như thế, nhưng vì để phá bỏ cái thấy sai lầm, tâm thật không mê chấp.

Thấy kẻ đồ tể, liền hiện thành hình dạng đồ tể là vì muốn giáo hóa họ không sát sinh.

Kể từ quán rượu cho đến hình dạng của Chiên Đà La cũng đều như vậy.

Gặp nơi bài bạc, đùa cợt liền hiện thành hình dạng như thế là nhằm đoạn trừ sự bần cùng.

Dẫu hiện hình dạng súc sanh, vợ con, nô tỳ, tôi tớ, nhưng bên trong tâm thường tu phạm hạnh.

Tuy đeo những đồ trang sức quý báu nhưng tâm thường thanh tịnh.

Tuy thị hiện ăn uống những món ngon ngọt, nhưng bên trong thường lấy cái vui của pháp để tự làm no đủ, thấm đượm.

Tuy vào nơi dâm dục nhưng vì để giáo hóa những kẻ bất thiện muốn làm việc xấu.

Hiện các loại thân như: Bậc trí thức, thầy bói, chim thứu, cho đến tất cả tạp loại súc sanh. Cũng lại hiện nhập vào những hình dạng thấp kém, thân không đầy đủ là nhằm nói rõ về cái đáng lo của thân.

Thậm chí hiện chín mươi lăm loại tà đạo, tùy theo sự thị hiện từng mỗi hình dạng ấy mà phá trừ kiến chấp của họ.

Thị hiện bốn trăm lẻ bốn thứ bệnh nơi thân là muốn trị mọi bệnh cả trong lẫn ngoài cho chúng sinh.

Hiện đọc tụng ngoại thư, hiểu tất cả ngôn ngữ, thị hiện hình dạng nô tỳ, tôi tớ già trẻ trai gái, cùng thọ trì với hình dạng sinh, già, bệnh, chết là muốn điều phục các chúng sinh.

Hiện có khả năng hiểu được ngôn ngữ của các loài chim, thú, hiện ra các loại hoa, hương, thuốc cỏ, quả cây, quả cỏ. Hoặc là hiện hình dạng thân Vua, thân các Vương Tử, Đại Thần, Trưởng Giả. Hoặc hiện dạng thân Sa Môn, Bà La Môn, Đế Thích, Thiên Vương, Chuyển Luân Thánh Vương, Mặt Trời, Mặt Trăng v.v… sở dĩ thị hiện ra dạng thân Tứ Đại Thiên Vương là vì muốn ủng hộ bốn cõi thiên hạ.

Thị hiện thần thông tự tại của Chư Phật, trọn không rốt ráo nhập vào Niết Bàn.

Biến ra các màu sắc nhưng không làm ảnh hưởng đến tính chất của màu sắc.

Tuy được vãng sinh tịnh độ của Chư Phật, nhưng hoàn toàn không phân biệt hình tướng của các quốc độ ấy.

Đạt được tam muội thâm diệu của Chư Phật, nhưng đối với pháp giới hoàn toàn không có phân biệt.

Làm chủ cả hàng Trời, người nhưng tâm không kiêu ngạo.

Tuy nói về việc mộng nhưng lại không thấy tướng mộng.

Bên ngoài hiện việc ma, nhưng thật sự không có nghiệp ma.

Hành động trong thế gian nhưng không bị cấu nhiễm theo thế pháp. Chẳng khác nào như hoa sen ở nơi cấu bẩn mà không bị nhiễm ô.

Thiện nam! Đạt như vậy gọi là thành tựu được tam muội Sở nhập đại hải thậm thâm tam muội với đối tượng hội nhập là biển thâm diệu.

Bấy giờ, trong chúng hội có Bà La Môn tên Thiện Đức, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Giáo pháp của Như Lai là vô cùng sâu xa bí mật, Thế Tôn đã phân biệt diễn nói cho các chúng sinh.

Thế nhưng Đề Bà Đạt Đa ngu si căn độn phước mỏng kia, đã không nghe, không nhận, không biết ơn nghĩa, lại chỉ thuần hành động đồng với đám lục quần Tỳ Kheo xấu ác, làm tăng trưởng nẻo địa ngục, làm thân Phật chảy máu, phá hoại chúng Tăng. Sinh vào dòng họ Thích nhưng lại càng tăng thêm kiêu mạn, thật gượng gọi là người, nhưng chẳng phải là người, vì xét hành vi của họ, chẳng khác nào súc sanh.

Lại đã từ vô lượng A tăng kỳ kiếp thường sinh tâm ác nghịch đối với Như Lai. Những ai bố thí cho họ thì chẳng được quả báo, việc tu tập pháp thiện cũng không thành tựu, chẳng khác nào Ni kiền tử. Ni kiền tử nói không nhận, không cho, Đề Bà Đạt Đa cũng như thế. Đúng là bè nhóm của ma, chẳng phải là quyến thuộc của Phật.

Vì sao?

Vì thường khởi tâm hại đối với Như Lai. Tuy gọi là Sa Môn nhưng thật chẳng đúng nghĩa Sa Môn, giống như bên trong áo ca sa có che đậy dao bén. Thật là kẻ ngu tối, đáng gọi là kẻ vô mạng. Đồ chúng hiện có của ông ta cũng như vậy. Thật chẳng phải là Thế Tôn, nhưng lại sinh tưởng Thế Tôn.

Nếu Thế Tôn, Như Lai là bậc Nhất thiết trí, thì do Đâu lại chấp nhận cho kẻ xấu ác ấy cạo tóc xuất gia, thọ giới cụ túc?

Những điều Như Lai giảng nói đều khiến khắp chúng sinh phát sinh căn lành thì vì sao chỉ một mình người ấy lại không phát sinh?

Như Lai từ bi thường giảng nói những điều An Lạc, rộng nói chánh pháp cho tất cả chúng sinh. Hễ nghe, người ngu tối đều được thấm đượm, căn lành mở bày.

Thế tại sao Đề Bà Đạt Đa không được hưởng sự lợi ích ấy?

Như Lai tánh tịnh, thân tịnh, tâm tịnh, quyến thuộc nên tịnh, tại sao trong chúng lại có những người này?

Khi ấy, nương theo thần lực của Phật, Bồ Tát Đại Vân Mật Tạng bảo với Thiện Đức: Lành thay! Lành thay! Này đại Bà La Môn! Đối với sự việc này, các hàng Thanh Văn, Phật Bích Chi đều không thể nói. Thế mà nay ông lại có thể thưa về nghĩa ấy, vậy thì ông hãy chí tâm lắng nghe, ta sẽ nương theo đạo lực nơi uy thần của Phật mà nói rộng cho ông rõ.

Ông không nên cho Đề Bà Đạt Đa không biết ơn nghĩa. Đây là người biết ơn, chứ không phải là không biết ơn. Tuy hành động đồng với lục quần Tỳ Kheo nhưng không gọi là ác được. Đề Bà Đạt Đa là không thể nghĩ bàn. Nghiệp hạnh tu tập của ông ta tu đều đồng với Như Lai.

Nghiệp hạnh của Như Lai cũng chính là nghiệp hạnh của Đề Bà Đạt Đa. Tất cả chúng sinh không thể khai hiển công đức chân thật của Như Lai Thế Tôn. Thế mà Đề Bà Đạt Đa lại có khả năng khai thị cho người, khiến cho vô lượng A tăng kỳ chúng sinh an trụ nơi căn lành.

Nghiệp hạnh của Như Lai chẳng phải hạt giống của địa ngục, thế sao ông lại cho Đề Bà Đạt Đa là người của địa ngục?

Ông cho rằng hạnh đồng với lục quần, nhưng ông nay nên biết lục quần Tỳ Kheo thật chẳng phải là pháp hạnh xấu ác mà là đồng với hạnh Phật.

Này Đại Bà La Môn! Máu nơi thân Như Lai thật sự không chảy ra. Đề Bà Đạt Đa cũng không thể làm cho chảy ra.

Nếu nói: Bóng cây có thể làm cho chảy máu thì việc đó hoàn toàn không có. Thân Như Lai cũng như vậy. Nếu nói làm cho thân chảy máu thì nên biết đấy tức là phương tiện thiện xảo không thể nghĩ bàn.

Này Đại Bà La Môn! Chủng tánh của Đức Thích Ca Như Lai thanh tịnh như ngọc lưu ly xanh biếc. Các đệ tử hiện có của Như Lai không hủy giới cấm. Ta cũng không thấy có đệ tử nào của Như Lai phá giới cả. Chánh Pháp vô thượng được Như Lai giảng nói thật sự khiến cho người nghe phát sinh căn lành, chứ chẳng phải là không phát sinh.

Đại chúng của Như Lai thành tựu trì giới, đều nhập vào cảnh giới của Chư Phật. Đồ chúng quyến thuộc như rừng cây chiên đàn, chỉ toàn chiên đàn bao vây xung quanh, không thể phá hoại, như núi Kim cương. Cũng không thấy có người có khả năng phá hoại. Có sự sợ hãi tức là có thể phá hoại. Đệ tử của Như Lai hoàn toàn không có sợ hãi.

Nếu đã không còn sợ hãi, sao cho là có thể phá hoại?

Không thể phá hoại, chẳng khác nào như đàn sư tử. Như Lai là vị Pháp Vương, là Vua Sư Tử, chỉ toàn Sư Tử là quyến thuộc của mình. Quyến thuộc như vậy thật khó có thể lường xét. Đây chẳng phải là cảnh giới của hàng Thanh Văn, Duyên Giác. Không thể hủy diệt, giống như lửa âm ỉ dưới tro tàn.

Như Lai là bậc Nhất thiết trí vô thượng, một khi đã chấp nhận cho ai đó thế phát thọ giới cụ túc, thì người ấy hoàn toàn không còn hủy hoại giới cấm. Tất cả chúng sinh đều nhập vào cảnh giới nơi đối tượng được nhận biết của Như Lai nên Như Lai được gọi là Nhất thiết trí. Đề Bà Đạt Đa đầy đủ những yếu tố như vậy nên không gọi là phá hoại Tăng.

Này Đại Bà La Môn! Giả sử đến như ngàn vạn vô lượng chúng ma cũng không thể phá hoại được. Nếu nói Đề Bà Đạt Đa xấu ác, phá hoại Tăng chúng thì nên biết đấy là phương tiện thiện xảo.

Vì sao lại cho rằng hạnh đồng súc sanh?

Đề Bà Đạt Đa thật sự là sinh trong dòng họ thanh tịnh của Như Lai Thích Ca, không phải sinh trong loài súc sanh. Nếu nói dòng họ Thích làm các điều ác, chuyện ấy hoàn toàn không thể xảy ra.

Sở dĩ Đề Bà Đạt Đa thực hành hạnh ác là vì muốn hiển thị diệu lực nơi công đức của Như Lai Thích Ca. Sinh trong dòng họ Thích mà gọi là kẻ ngu tối, hoàn toàn không có chuyện đó.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần