Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai Mươi Mốt - Phẩm Hai - Phẩm Tám Mươi Bài Kệ Số Hai - Phần Hai - Chuyện Công Chúa Kanhà

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG HAI MƯƠI MỐT  

PHẨM HAI

PHẨM TÁM MƯƠI BÀI KỆ HAI  

PHẦN HAI

CHUYỆN CÔNG CHÚA KANHÀ  

Truyền thuyết kể rằng thời xưa, Vua Brahmadatta ở xứ Kàsi nhờ có quân hùng tướng mạnh chiếm Quốc Độ Kosala, giết Vua kia và cướp vị Chánh Hậu lúc ấy đang có thai, đưa về Ba La Nại và phong bà làm Vương Phi.

Về sau bà sinh một gái, và vì Vua này không có con trai hay gái gì cùng huyết thống với mình, nên vô cùng hoan hỷ và phán: Này mỹ hậu, hãy chọn một điều ước Trẫm ban tặng ái Khanh. Bà nhận điều ước nhưng chưa lựa chọn. Bấy giờ họ đặt tên công chúa là Kanhà.

Vừa khi nàng lớn lên, mẫu hậu bảo: Này con yêu quý, Phụ Vương đã ban mẹ một điều ước, mẹ đã nhận song còn trì hoãn sự lựa chọn. Nay con hãy chọn điều gì con thích.

Do dục tình phát triển quá độ phá tan nỗi e thẹn của một thiếu nữ, nàng nói với mẹ: Con không thiếu thứ gì cả. Xin Phụ Vương hãy triệu tập một đại hội để kén phò mã cho con. Mẫu hậu kể lại chuyện này với Vua.

Vua phán: Hãy cho công chúa thứ gì nàng muốn. Và Vua ban lệnh truyền mở hội kén phò mã. Trong sân chầu, một đám nam nhi tụ tập phục sức cực kỳ lộng lẫy. Kanhà cầm một giỏ hoa trong tay, đứng nhìn từ cánh cửa lầu thượng và không hài lòng về một chàng trai nào cả.

Lúc ấy Ajjuna, Nakula, Bhìmasena, Yudhitthila, Sahadeva, thuộc dòng Vua Pàndu, là năm Hoàng Tử của Vua này, sau khi học tập đủ các học thuật tại Takkasilà với một vị Giáo Sư lừng danh Thế Giới, đang lãng du đây đó với ý định tìm hiểu thông suốt các phong tục địa phương, và vừa đến Ba La Nại.

Khi nghe tin loan báo vang dậy khắp Kinh Thành, và hỏi thăm để biết chuyện gì đang xảy ra, họ liền đến đứng cả năm người thành một hàng, trông hình dáng như năm pho tượng bằng vàng.

Thoạt nhìn thấy họ, Kanhà say mê luôn cả năm, liền ném vòng hoa lên đầu của năm chàng trai khi họ đứng trước mặt nàng và bảo: Tâu mẫu hậu, con xin chọn cả năm chàng. Hoàng Hậu trình việc này với Vua.

Vì Vua đã ban cho nàng điều ước, nên không thể nói: Con không được làm việc này, nhưng lòng Vua vô cùng phiền muộn. Tuy thế, sau khi hỏi nguồn gốc năm chàng là con ai, và khi biết đó là con Vua Pàndu, Vua nghênh tiếp năm chàng vô cùng trọng thể và gả Công Chúa làm vợ cả năm chàng.

Nhờ mãnh lực của dục tình nồng nhiệt, nàng chiếm được tình yêu của năm chàng Vương Tử trong Cung Điện bảy tầng của nàng.

Bấy giờ nàng có một kẻ hầu cận vừa gù, vừa què và dù nàng đã chiếm trọn con tim của năm Vương Tử, ngay khi năm chàng đã ra khỏi cung đình, nàng tìm được cơ hội và bị lửa dục nung nấu, nên đã phạm tội lỗi với gã nô lệ lưng gù kia.

Trong khi trò chuyện với gã, nàng nói: Không có ai được ta yêu quý bằng chàng. Ta sẽ giết năm Vương Tử này và lấy máu từ cổ họ xoa vào đôi chân chàng.

Khi nàng bầu bạn với vị Thái Tử trong năm vị kia, nàng thường bảo: Chàng thân yêu đối với thiếp hơn bốn chàng kia. Vì chàng, thiếp sẽ hy sinh cả đến tính mạng mình. Khi Phụ Vương băng hà, thiếp sẽ trao Quốc Độ cho riêng chàng. Nhưng khi bầu bạn với các chàng kia, nàng cũng làm y hệt như vậy.

Các chàng vô cùng đẹp lòng vì nàng, và suy nghĩ: Nàng thương yêu chúng ta và nhờ đó Vương vị này sẽ thuộc về ta. Một hôm nàng bị bệnh, họ tụ tập quanh nàng, một người xoa đầu, kẻ xoa tay chân, trong khi gã nô lệ ngồi dưới chân nàng.

Với vị Thái Tử Ajjuna đang xoa đầu nàng, nàng lấy đầu ra hiệu ngầm bảo: Không ai được thiếp thương yêu hơn chàng. Bao lâu thiếp còn sống, thiếp sẽ sống vì chàng và khi Phụ Vương từ trần, thiếp sẽ trao Vương Quốc cho chàng, và thế là nàng chiếm trọn tim chàng. Đới với các người kia, nàng cũng làm dấu bằng tay chân với ý nghĩa như vậy.

Nhưng đối với gã gù lưng, nàng làm dấu bằng lưỡi với ngụ ý: Chỉ có chàng là người duy nhất được ta yêu quý. Ta chỉ sống vì chàng. Nhờ những điều nàng đã nói trước kia, tất cả bọn họ đều hiểu các dấu hiệu này có ý nghĩa gì.

Nhưng trong khi mỗi người nhận ra dấu hiệu dành riêng cho mình, Vương Tử Ajjuna vừa thấy các dấu hiệu tay, chân và lưỡi ấy liền suy nghĩ: Trong trường hợp ta cũng như với các người khác, chắc phải có điều gì đó nàng muốn chứng tỏ bằng dấu hiệu kia, vậy đối với gã lưng gù này hẳn cũng có một thân tình nào đây.

Thế rồi vừa đi ra ngoài với các em, chàng hỏi: Các hoàng đệ có thấy công chúa năm chồng này làm dấu với ta bằng đầu nàng chăng?

Thưa vâng, có thấy.

Các em có hiểu ý nghĩa của nó chăng?

Thưa không. Ý nghĩa của nó là như vậy, như vậy.

Thế các em có biết ý nghĩa dấu hiệu bằng tay chân của nàng với các em chăng?

Thưa vâng, chúng em có biết. Nàng cũng làm dấu cho ta như vậy.

Thế các em có biết ý nghĩa dấu hiệu nàng bảo gã lưng gù bằng lưỡi chăng?

Chúng em không biết.

Chàng liền bảo họ: Nàng cũng phạm tội với gã đó. Vì họ không tin chàng, chàng bảo gã lưng gù đến và hỏi gã, gã liền kể cho chàng mọi chuyện.

Khi họ nghe gã nói, họ đều mất hết lòng say mê đối với nàng và bảo nhau: Ôi rõ ràng giống đàn bà thật xấu xa tội lỗi. Vừa rời khỏi các nam nhi như chúng ta vốn quý tộc cao sang và đầy đủ phúc phận, nàng đã phạm tà hạnh với một gã lưng gù gớm ghiếc, đáng ghê tởm như thế này.

Ai có trí tuệ lại ham thích kết duyên với đám nữ nhi vô sĩ gian tà như vậy?

Sau khi lần lượt phỉ báng nữ nhân như trên, năm Vương Tử suy nghĩ: Chúng ta đã chán chê đời sống vợ chồng rồi. Các vị lui về ở ẩn tại vùng Tuyết Sơn, và sau khi đã thành tựu Pháp Thiền quán Kasina, lúc mạng chung, các vị đi theo nghiệp của mình.

Chim chúa Kunàla là Vương Tử Ajjuna, chính vì lý do ấy, khi nêu ra điều gì bản thân đã thấy, chim ấy đều bắt đầu câu chuyện với lời: Ta đã thấy. Khi kể lại những việc khác mà chim ấy đã thấy thời xưa, chim ấy cũng dùng những lời ấy. Sau đây là phần giải thích một sự việc được nêu ra ở chuyện khởi đầu.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần