Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Như Lai Bí Mật Tạng - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bất Không, Đời Đường

PHẬT THUYẾT KINH ĐẠI PHƯƠNG

QUẢNG NHƯ LAI BÍ MẬT TẠNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bất Không, Đời Đường  

PHẦN HAI  

Thiện nam tử! Bồ Tát thành tựu hai pháp, lấy nhất thiết trí làm đầu để tu hành thiền định:

1. Nhập định theo phương tiện.

2. Xuất thiền theo nguyện lực.

Đây là hai.

Phật thuyết kệ:

Người dõng mãnh thường khởi

Trí huệ hành thiền định

Chiến thắng các kiết sử

Thường muốn đắc thiền định

Xuất thiền theo nguyện lực

Đáng là bậc Đạo Sư

Người có đức như vậy

Chứng đắc nơi thiền định.

Thiện nam tử! Bồ Tát thành tựu hai pháp, lấy nhất thiết trí làm đầu ở nơi trí huệ:

1. Tự xa lìa các kiến chấp.

2. Đoạn trừ tất cả kiến chấp của chúng sanh để tu hành trí huệ.

Đây là hai.

Phật thuyết kệ:

Xa lìa các kiến chấp

Tu hành lợi chúng sanh

Thắng trí được hiện tiền

Trí an ổn hành đạo.

Thiện nam tử! Bồ Tát thành tựu bốn pháp ở nơi phương tiện:

1. Đem lòng từ bi thương xót chúng sanh, làm việc để cứu độ.

2. Tấm lòng đại bi chơn thật không có mõi mệt.

3. Hỷ lạc đối với pháp, sanh lòng hoan hỷ.

4. Xa lìa các phiền não, không có khiếp nhược.

Đây là bốn.

Phật thuyết kệ:

Tu từ không sân nhuế

Lòng bi không mệt mỏi

Dùng pháp sanh hoan hỷ

Bỏ phiền não không sợ.

Thiện nam tử! Bồ Tát có bốn pháp không nhàm chán:

1. Nghe nhiều không nhàm chán.

2. Tu tập công đức mãi vẫn không mãn nguyện.

3. Ở chốn tịch tịnh nhưng cũng chưa mãn nguyện.

4. Hồi hướng cũng chưa mãn nguyện.

Đây là bốn.

Phật thuyết kệ:

Tạo đức nghe nhiều chưa tự mãn

Ở chốn tịch tĩnh chưa tự mãn

Hồi hướng phước đức chưa tự mãn

Bốn pháp như vậy, không nhàm chán.

Thiện nam tử! Bồ Tát có bốn pháp vô túc:

1. Bồ Tát tưởng niệm Phật ở thời quá khứ mà suy nghĩ như vậy: Chư Phật đều tu tập Bồ Đề tối thắng.

Sao mình lại không tu tập?

2. Nhớ nghĩ đến Chư Phật ở đời vị lai, biết mình cũng ở trong số đó.

3. Quán niệm Phật ở hiện tại.

4. Khi quán niệm Phật khởi lên suy nghĩ: Chư vị Phật đã hiểu rõ tất cả các pháp. Trong lúc quán niệm không có khiếp nhược.

Đây là bốn.

Phật thuyết kệ:

Tưởng niệm Phật quá khứ

Tâm trí không khiếp nhược

Phật kia đắc đạo quả

Sao mình lại không được

Nghĩ đến Phật vị lai

Mình cũng trong số đó

Không dao động tinh tấn

Quyết định ở số này

Quán Chiếu Đấng Đạo Sư

Khi hành Bồ Tát đạo

Mình sẽ trừ kiết sử

Chứng bồ đề tịch diệt

Hiểu rõ tất cả pháp

Chỗ trụ như điều mong

Không sanh tâm khiếp sợ

Tinh tấn gấp bội lần.

Thiện nam tử! Bồ Tát có bốn pháp không thối thất đối với Đại Thừa:

1. Tâm như đất.

2. Tâm như nước.

3. Tâm như lửa.

4. Tâm như gió.

Đây là bốn.

Phật thuyết kệ:

Tâm giống như đất, nước

Cũng giống như gió lửa

Làm không làm đồng đẳng

Không đắc đạo không thối.

Thiện nam tử! Bồ Tát có bốn pháp hiểu rõ vô ngã:

Bồ Tát suy nghĩ thế này: Ta phải biết tất cả tư tưởng, hành động trong cảnh giới của các chúng sanh. Ta phải biết các căn trong cảnh giới của các chúng sanh. Ta phải đoạn trừ tất cả phiền não trong cảnh giới của các chúng sanh, để vì họ mà thuyết pháp.

Vô lượng Chư Phật đã biết rõ, chúng ta cần phải hiểu được.

Chẳng phải ngã thân cũng chẳng phải ngã tâm, có thể hiểu rõ được pháp này.

Các thiện pháp của ta có thể hiểu rõ pháp này, không có ngã thì gọi là Bồ Tát.

Đây là bốn.

Phật thuyết kệ:

Tâm, hành của chúng sanh

Không thể suy lường được

Phiền não và phân biệt

Vọng tưởng sanh thị phi

Trí Phật cũng như vậy

Vô lượng bất tư nghì

Không phải sức của ta

Hiểu rõ nơi trí Phật

Các kiết sử ngược lại

Không sắc, không thể thấy

Cần phải đoạn trừ hết

Hiển lộ đạo giải thoát.

Thiện nam tử! Bồ Tát có bốn pháp không có khiếp nhược:

1. Nguyện làm các căn lành.

2. Tu tập trí tuệ phương tiện.

3. Tu tập tín, tấn, niệm, lực.

4. Tin tưởng nơi đạo vô thượng.

Đây là bốn.

Phật thuyết kệ:

Khéo vui vẻ thấm nhuần

Các hương, huệ, phương tiện

Tín, tấn, niệm và lực

Đạt được đạo giải thoát

Bốn pháp trí huệ này

Trì pháp không nhàm chán

Không mệt mỏi xa lìa

Cứu giúp cho thế gian.

Thiện nam tử! Có bốn pháp chướng ngại, Bồ Tát phải nên biết rõ:

1. Hủy báng chánh pháp.

2. Bỏn xẻn về giáo pháp.

3. Ôm lòng tăng thượng mạn.

4. Tu định vô sắc.

Đây là bốn.

Phật thuyết kệ:

Có bốn điều chướng ngại

Tổn hại tâm Bồ Đề

Bồ Tát cần phải biết

Nên xa lìa chúng gấp

Đối chánh pháp hủy báng

Học rộng mà không dạy

Tăng thượng mạn, cống cao

Nhập Thiền định bất thiện

Nên hộ trì chánh pháp

Học rồi phải truyền dạy

Bỏ kiêu mạn, cống cao

Xa thiền định, bất thiện.

Thiện nam tử! Bồ Tát có bốn pháp cần phải mau chóng hành động:

1. Phải dùng sự hiểu biết để hành động chớ không dùng tâm kiêu mạn.

2. Có căn lành thì đem hồi hướng đạo Bồ Đề không nên hướng đến hạ thừa.

3. Đối với các cõi không sanh tâm nhiễm trước. Nếu có sanh tâm nhiễm trước thì phải một lòng vì hóa độ chúng sanh ở đó.

4. Ngày đêm ba thời luôn luôn tu ba phần. Diệt trừ tội lỗi, ác nghiệp chưa đến không làm.

Đây là bốn.

Phật thuyết kệ:

Dùng trí hành động, không dùng mạn

Hồi hướng vô thượng, không hạ thừa

Người trí không tin, nơi các hữu

Phát tâm lợi ích cho chúng sanh

Ngày đêm ba thời cũng như vậy

Ba phần hối lỗi diệt ác trược

Không làm điều ác tu việc thiện

Người trí nên tu thiện nghiệp này.

Thiện nam tử! Bồ Tát có bốn pháp rất hoàn hảo.

1. Không tự khen mình.

2. Không khinh hủy người.

3. Xa lìa điều ác.

4. Diệt trừ các mạn.

Đây là bốn.

Phật thuyết kệ:

Không tự khen mình, chẳng khinh người

Điều ác đã làm nguyện sám hối.

Không sanh kiêu mạn và tà mạn

Giữ tâm đoan chánh tu hạnh lành.

Thiện nam tử! Bồ Tát có hai pháp mau chóng làm đoan nghiêm chơn chánh:

1. Nếu có ai hỏi điều gì thì như thật đáp.

2. Trước đã thấy điều gì thì không nên che giấu. Đây là hai.

Phật thuyết kệ:

Trả lời theo câu hỏi

Không dấu điều đã thấy

Thà xả bỏ thân mạng

Không nói lời vọng ngữ

Chơn chánh nơi pháp này

Đây là gốc hiền thiện

Người ấy được chơn chất

Mau hiểu đạo bồ đề.

Thiện nam tử! Bồ Tát có hai pháp không có nịnh hót dối trá:

1. Tuy được nhiều lợi dưỡng hơn nhưng không muốn ca ngợi phước đức của mình.

2. Không được lợi dưỡng cũng không nên tự đề cao mình.

Đây là hai.

Phật thuyết kệ:

Tuy được nhiều lợi dưỡng

Không tự thị phước đức

Người trí không ham muốn

Không nịnh hót để được

Giả sử không lợi dưỡng

Đây là nghiệp của mình

Không muốn hơn người khác

Để nghiệp kia thuần thục.

Thiện nam tử! Bồ Tát có hai pháp không mong cầu người khác đền đáp:

1. Ta phải vì lợi ích cho chúng sanh chứ không bao giờ để cho chúng sanh làm lợi ích cho mình.

2. Ta cần phải hiểu biết, chỉ vì để giác ngộ.

Đây là hai.

Phật thuyết kệ:

Nên lợi ích chúng sanh

Gánh vác cho mọi người

Ta cầu đạo vô vi

Không trông mong người khác

Không cầu pháp hữu vi

Chỉ cầu đạo vô vi

Ta hộ trì thế gian

Chẳng mong được đền đáp.

Thiện nam tử! Bồ Tát có hai pháp, việc không nên làm cần phải làm:

1. Đối với người không biết ân nghĩa nhưng vẫn thường giúp đỡ.

2. Đối với người biết ân nghĩa càng gánh vác trọng trách.

Đây là hai.

Phật thuyết kệ:

Chúng sanh không biết ân

Không mong cầu đền đáp

Các ấm, giới và nhập

Đều làm vì bồ đề.

Thiện nam tử! Bồ Tát có hai pháp, nên đến những chỗ này:

1. Thường diện kiến Chư Phật.

2. Thường gặp chư Bồ Tát.

Đây là hai.

Phật thuyết kệ:

Hai chỗ thường nên gặp

Làm tăng trưởng chủng tánh

Thường gặp chư Như Lai

Bậc Bồ Tát, tri thức.

Thiện nam tử! Bồ Tát có hai pháp không nên tu:

1. Không cùng người tu hạnh Thanh Văn đồng ở chung.

2. Không sợ hãi những chỗ độc hại nhưng yên tỉnh.

Đây là hai.

Phật thuyết kệ:

Không cùng ở chung với

Người tu hạnh Thanh Văn

Các nơi đều không sợ

Miễn sao được tịch tỉnh.

Thiện nam tử! Đây gọi là mới nhập vào pháp căn bản Như Lai Mật Tạng. Bồ Tát nào nếu nhập vào sơ pháp căn bản này thì Bồ Tát đó thành tựu được pháp Như Lai Bí Mật Tạng.

Khi Thế Tôn Thuyết nhập vào sơ pháp Như Lai Mật Tạng này, sáu vạn chúng sanh Trời, người đều phát tâm Vô Thượng Chánh Chơn, mười ngàn Bồ Tát đắc pháp Vô sanh nhẫn. Năm trăm Tỳ Kheo không nhiễm thọ các pháp, vĩnh viễn dứt trừ các lậu hoặc, tâm được giải thoát.

Khi ấy, Ba Ngàn Đại Thiên Thế Giới chấn động sáu cách, hào quang chiếu khắp, âm nhạc Trời không đánh tự kêu. Trời, người, A tu la v.v… đồng thanh xướng lên ba lần như vậy chúng sanh nào được nghe pháp Như Lai Mật Tạng chắc chắn được lợi ích an lạc.

Nếu có ai viết chép, thọ trì, đọc tụng, tu hành đúng như lời thuyết thì các chúng sanh này sẽ không mất pháp Như Lai Bí Mật Tạng.

Lúc bấy giờ, Bồ Tát Vô Lượng Chí Trang Nghiêm Vương nghe pháp Như Lai Mật Tạng này bèn suy nghĩ: Ta nên dùng pháp gì để cúng dường đấng Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri.

Rồi lại nghĩ tiếp: Vật ở ngoài dễ bỏ, vật bên trong khó xả. Ta nên dùng thân để cúng dường Như Lai Thế Tôn.

Liền bay lên hư không thuyết kệ:

Con xin dùng thân này

Cúng dường đấng Biến Giác

Dùng pháp xả vô thượng

Nguyện như bậc Đạo Sư

Cúng dường Lưỡng Túc Tôn

Việc này không gì khó

Thế nào là hy hữu

Đó là thân cúng dường

Con cúng bậc Vô Đẳng

Dâng thân bậc Từ Nhãn

Vì Trời người cúng dường

Như Đại trí Sư Tử.

Bấy giờ, Bồ Tát Vô Lượng Chí Trang Nghiêm Vương liền phóng thân đến chỗ Như Lai. Nhờ thần lực của Phật nên có hoa kỳ lạ với màu sắc đặc biệt khác lạ chưa từng thấy rất là đẹp, rực rỡ, trang nghiêm thanh tịnh rải trên Như Lai. Thân Bồ Tát này không rơi xuống đất cũng không hiện ở hư không.

Các loại hoa này bay đến trên thân Phật, tức khắc trở về trụ trong hư không biến thành tràng hoa lớn phủ khắp bốn thiên hạ. Trong tràng hoa này có loại hoa treo lủng lẳng, có hoa xâu thành dây đều phát ra ánh sáng lớn.

Trong hào quang này lại hiện ra hoa sen tươi đẹp. Trên hoa sen các Bồ Tát ngồi giống như Bồ Tát Vô Lượng Chí Trang Nghiêm Vương.

Bồ Tát này từ trên hoa bước xuống, đảnh lễ sát chân Phật, đồng thanh cất lời thỉnh cầu: Cúi xin đức Thế Tôn thuyết pháp Như Lai Bí Mật Tạng khiến cho chánh pháp không bị đoạn tuyệt và giữ gìn quyến thuộc Như Lai Mật Tạng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần