Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Phẩm Ba Mươi Tám - Phẩm Ly Thế Gian - Phần Mười Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI PHƯƠNG

QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường  

PHẨM BA MƯƠI TÁM

PHẨM LY THẾ GIAN  

PHẦN MƯỜI BA  

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười thân:

Thân người, vì giáo hoá tất cả loài người.

Thân phi nhân, vì giáo hoá địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ.

Thân trời, vì giáo hoá chúng sanh Cõi Dục, Cõi Sắc, Cõi Vô Sắc.

Thân hữu học, vì thị hiện bậc hữu học.

Thân vô học, vì thị hiện bậc A la hán.

Thân Duyên Giác, vì giáo hoá cho được vào bậc Bích Chi Phật.

Thân Bồ Tát, vì làm cho thành tựu đại thừa.

Thân Như Lai, vì trí thủy quán đảnh.

Ý sanh thân, vì thiện xảo xuất sanh.

Pháp Thân vô lậu, vì dùng vô công dụng thị hiện thân tất cả chúng sanh.

Nếu Chư Bồ Tát thành tựu pháp này thời được thân vô thượng của Như Lai.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười ý:

Ý thượng thủ, vì phát khởi tất cả thiện căn.

Ý an trụ, vì tin sâu kiên cố bất động.

Ý thâm nhập, vì tùy thuận Phật Pháp mà hiểu.

Ý rõ biết ở trong, vì biết rõ tâm sở thích của chúng sanh.

Ý vô loạn, vì tất cả phiền não chẳng tạp.

Ý minh tịnh, vì khách trần chẳng nhiễm trước được.

Ý khéo quán sát chúng sanh, vì không có một niệm lỗi thời.

Ý khéo lựa chỗ làm, vì chưa từng có một chỗ sanh lỗi lầm.

Ý kính giữ gìn các căn, vì điều phục chẳng cho buông lung tán loạn.

Ý khéo nhập tam muội, vì thâm nhập Phật tam muội, không ngã, không ngã sở.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được ý vô thượng của tất cả Phật.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười hạnh:

Hạnh nghe chánh pháp, vì ưa thích chánh pháp.

Hạnh thuyết pháp, vì lợi ích chúng sanh.

Hạnh rời tham, sân, si, bố úy vì điều phục tự tâm.

Hạnh Dục Giới, vì giáo hóa chúng sanh cõi dục.

Hạnh chánh định Sắc Giới, Vô Sắc Giới, vì làm cho họ mau xoay trở lại.

Hạnh xu hướng pháp nghĩa, vì mau được trí huệ.

Hạnh thọ sanh tất cả xứ, vì tự tại giáo hoá chúng sanh.

Hạnh tất cả Cõi Phật, vì lễ bái cúng dường Chư Phật.

Hạnh Niết Bàn, vì chẳng dứt sanh tử tiếp nối.

Hạnh thành tựu viên mãn tất cả Phật Pháp, vì chẳng bỏ pháp hạnh của Bồ Tát.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được hạnh vô lai vô khứ của Đức Như Lai.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười chỗ an trụ:

An trụ tâm bồ đề, vì chưa từng quên mất.

An trụ Ba La Mật, vì chẳng nhàm trợ đạo.

An trụ thuyết pháp, vì tăng trưởng trí huệ.

An trụ A Lan Nhã, vì chứng đại thiền định.

An trụ tùy thuận nhất thiết trí đầu đà tri túc tứ Thánh Chúng, vì thiểu dục thiểu sự.

An trụ thâm tín, vì gánh vác chánh pháp.

An trụ thân cận Đức Như Lai, vì học Phật oai nghi.

An trụ xuất sanh thần thông, vì viên mãn đại trí.

An trụ đắc nhẫn, vì viên mãn thọ ký.

An trụ Đạo Tràng, vì đầy đủ thập lực, vô úy và tất cả Phật Pháp.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được an trụ nhất thiết trí vô thượng.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười chỗ ngồi:

Chỗ ngồi Chuyển Luân Vương, vì phát khởi mười thiện đạo.

Chỗ ngồi Tứ Thiên Vương, vì tất cả thế gian tự tại an lập Phật Pháp.

Chỗ ngồi Ðế Thích, vì làm thắng chủ cho tất cả chúng sanh.

Chỗ ngồi Phạm Vương, vì ở người và mình tâm đều được tự tại.

Chỗ ngồi sư tử, vì hay thuyết pháp.

Chỗ ngồi chánh pháp, vì dùng sức tổng trì biện tài mà khai thị.

Chỗ ngồi kiên cố, vì thệ nguyện rốt ráo.

Chỗ ngồi đại từ, vì làm cho ác chúng sanh đều vui mừng.

Chỗ ngồi đại bi, vì nhẫn chịu tất cả khổ chẳng mỏi nhàm.

Chỗ ngồi Kim Cang, vì hàng phục ma quân và ngoại đạo.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được chỗ ngồi Chánh Giác Vô Thượng của Đức Như Lai.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười chỗ nằm:

Chỗ nằm tịch tịnh, vì thân tâm yên lặng.

Chỗ nằm thiền định, vì tu hành đúng lý.

Chỗ nằm Tam Muội, vì thân tâm nhu nhuyến.

Chỗ nằm Phạm Thiên, vì chẳng não hại mình và người.

Chỗ nằm thiện nghiệp, vì chẳng bị khuynh động.

Chỗ nằm chánh đạo, vì thiện hữu khai giác.

Chỗ nằm diệu nguyện, vì thiện xảo hồi hướng.

Chỗ nằm tất cả việc đều xong, vì việc làm đều hoàn mãn.

Chỗ nằm bỏ những công dụng, vì tất cả đều quen thuộc.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được chỗ nằm đại pháp vô thượng của Như Lai đều có thể khai ngộ tất cả chúng sanh.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười chỗ sở trụ:

Dùng đại từ làm chỗ sở trụ, vì tâm bình đẳng với tất cả chúng sanh.

Dùng đại bi làm chỗ sở trụ, vì chẳng khinh người chưa học.

Dùng đại hỷ làm chỗ sở trụ, vì rời tất cả ưu não.

Dùng đại xả làm chỗ sở trụ, vì nơi hữu vi vô vi đều bình đẳng.

Dùng tất cả Ba la mật làm chỗ sở trụ, vì bồ đề tâm làm đầu.

Dùng nhất thiết không để làm chỗ sở trụ, vì thiện xảo quan sát.

Dùng vô tướng làm chỗ sở trụ, vì chẳng ra khỏi chánh vị.

Dùng vô nguyện làm chỗ sở trụ, vì quán sát thọ sanh.

Dùng niệm huệ làm chỗ sở trụ, vì nhẫn pháp thành tựu viên mãn.

Dùng tất cả pháp bình đẳng làm chỗ sở trụ, vì được thọ ký.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được chỗ sở trụ vô ngại vô thượng của Như Lai.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười chỗ sở hành:

Dùng chánh niệm làm chỗ sở hành, vì đầy đủ niệm xứ.

Dùng những xu hướng làm chỗ sở hành, vì xu hướng pháp Chánh Giác.

Dùng trí huệ làm chỗ sở hành, vì được Phật hoan hỷ.

Dùng Ba La Mật làm chỗ sở hành, vì đầy đủ nhất thiết chủng trí.

Dùng tứ nhiếp làm chỗ sở hành, vì giáo hóa chúng sanh.

Dùng sanh tử làm chỗ sở hành, vì chứa nhóm thiện căn.

Dùng sự nói chuyện đùa tạp với chúng sanh làm chỗ sở hành, vì tùy nghi giáo hóa xa lìa hẳn.

Dùng thần thông làm chỗ sở hành, vì biết cảnh giới các căn của tất cả chúng sanh.

Dùng thiện xảo phương tiện làm chỗ sở hành, vì tương ưng bát nhã Ba La Mật.

Dùng đạo Tràng làm chỗ sở hành, vì thành nhất thiết trí mà chẳng dứt hạnh Bồ Tát.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được chỗ sở hành đại trí huệ vô thượng của Đức Như Lai.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười thứ quán sát:

Biết các nghiệp quán sát, vì vi tế đều thấy.

Biết các loài quán sát, vì chẳng chấp chúng sanh.

Biết các căn quán sát, vì rõ thấu các căn.

Biết các pháp quán sát, vì chẳng hoại pháp giới.

Thấy Phật Pháp quán sát, vì siêng tu Phật nhãn.

Ðược trí huệ quán sát, vì thuyết pháp đúng lý.

Vô sanh nhẫn quán sát, vì quyết rõ Phật Pháp.

Bất thối địa quán sát vì diệt phiền não vượt khỏi Tam Giới Nhị Thừa địa.

Quán đảnh địa quán sát, nơi tất cả Phật Pháp được tự tại bất động.

Thiện giác trí Tam Muội quán sát, vì ra làm Phật Sự khắp mười phương.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được trí đại quán sát vô thượng của Như Lai.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười môn phổ quán sát:

Phổ quán sát tất cả những kẻ đến cầu xin, vì dùng tâm không trái nghịch để làm thỏa mãn ý của họ.

Phổ quán sát tất cả những chúng sanh phạm giới, vì an trí họ trong giới thanh tịnh của Đức Như Lai.

Phổ quán sát tất cả những chúng sanh có tâm tổn hại, vì an trí họ trong nhẫn lực của Đức Như Lai.

Phổ quán sát tất cả những chúng sanh giải đãi, vì khuyên họ tinh cần chẳng bỏ gánh lấy gánh Ðại Thừa.

Phổ quán sát tất cả chúng sanh loạn tâm, vì làm cho họ an trụ nhất thiết trí địa không tán động của Đức Như Lai.

Phổ quán sát tất cả những chúng sanh ác huệ, vì làm cho họ trừ nghi hoặc phá kiến chấp hữu lậu.

Phổ quán sát tất cả những thiện hữu bình đẳng, vì thuận giáo mạng của thiện hữu mà an trụ trong Phật Pháp.

Phổ quán sát tất cả pháp đã được nghe, vì mau được chứng thấy nghĩa tối thượng.

Phổ quán sát tất cả chúng sanh vô biên, vì thường chẳng bỏ rời sức đại bi.

Phổ quán sát tất cả Phật Pháp, vì mau được thành tựu nhất thiết trí.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được đại trí huệ phổ quán sát vô thượng của Đức Như Lai.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười điều phấn tấn:

Ngưu Vương phấn tấn, vì che chói tất cả đại chúng Thiên, Long, Bát Bộ v.v…

Tượng Vương phấn tấn, vì tâm khéo điều nhu gánh vác tất cả những chúng sanh.

Long Vương phấn tấn, vì nổi mây dầy đại pháp, chiếu điển quang giải thoát, chấn sấm nghĩa như thật, rưới mưa Cam Lồ Căn, lực, giác phần, thiền định, giải thoát, Tam Muội.

Ðại Kim Sí Ðiểu Vương phấn tấn, vì cạn nước tham ái, phá vỏ ngu si, chụp bắt những ác độc long phiền não, khiến ra khỏi biển khổ lớn sanh tử.

Ðại Sư Tử Vương phấn tấn, vì an trụ đại trí vô úy, bình đẳng dùng làm khí trượng, xô dẹp chúng ma và ngoại đạo.

Dũng kiện phấn tấn, vì có thể ở trong chiến trận lớn sanh tử, xô diệt tất cả phiền não oan thù.

Ðại Trí phấn tấn, vì biết uẩn, xứ, giới và các duyên khởi tự tại khai thị tất cả pháp.

Ðà La Ni phấn tấn, dùng sức niệm huệ thọ trì chánh pháp chẳng quên, tùy theo căn của chúng sanh mà vì họ tuyên thuyết.

Biện tài phấn tấn, vì vô ngại mau chóng phân biệt tất cả, đều làm cho được lợi ích tâm hoan hỷ.

Như Lai phấn tấn, vì nhất thiết chủng trí những pháp trợ đạo đều thành tựu viên mãn, dùng một niệm tương ưng huệ, những chỗ đáng được tất cả đều được, những chỗ đáng ngộ tất cả đều ngộ. Ngồi tòa sư tử, hàng ma oán địch thành Vô Thượng, Chánh Ðẳng, Chánh Giác.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ trong pháp này thời được nơi tất cả pháp phấn tấn tự tại vô thượng của Chư Phật.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười Sư Tử Hống:

Ðại Bồ Tát xướng rằng:

Tôi sẽ quyết định thành Ðẳng Chánh Giác. Ðây là đại bồ đề Tâm Đại Sư Tử Hống.

Tôi sẽ làm cho tất cả chúng sanh, người chưa được độ thời được độ, người chưa giải thoát được giải thoát, người chưa an được an, người chưa Niết Bàn được chứng Niết Bàn. Ðây là đại bi Sư Tử Hống.

Tôi sẽ làm cho chủng tánh của Tam Bảo Phật, Pháp và Tăng không đoạn tuyệt. Ðây là báo đáp ơn Như Lai Đại Sư Tử Hống.

Tôi sẽ nghiêm tịnh tất cả Cõi Phật. Ðây là thệ nguyện rốt ráo kiên cố Đại Sư Tử Hống.

Tôi sẽ trừ diệt tất cả ác đạo và các nạn xứ. Ðây là tự trì tịnh giới Đại Sư Tử Hống.

Tôi sẽ đầy đủ thân, ngữ, ý tướng hảo trang nghiêm của Chư Phật. Ðây là cầu phước không nhàm Đại Sư Tử Hống.

Tôi sẽ thành tựu viên mãn những trí huệ của tất cả Chư Phật. Ðây là cầu trí không nhàm Đại Sư Tử Hống.

Tôi sẽ trừ diệt tất cả chúng ma và những nghiệp ma. Ðây là tu chánh hạnh dứt các phiền não Đại Sư Tử Hống.

Tôi sẽ rõ biết tất cả pháp không ngã, không chúng sanh, không thọ mạng, không bổ đặc già la, trống không, vô tướng, vô nguyện, sạch như hư không. Ðây là Vô Sanh Pháp Nhẫn Đại Sư Tử Hống.

Tối hậu sanh Bồ Tát chấn động tất cả Phật Độ đều làm cho trang nghiêm thanh tịnh.

Bấy giờ tất cả Ðế Thích, Phạm Vương, Tứ Thiên Vương đều đến tán thán khuyến thỉnh: Ngưỡng mong Bồ Tát dùng pháp vô sanh mà thị hiện thọ sanh.

Bồ Tát liền dùng huệ nhãn vô ngại quán sát khắp thế gian tất cả chúng sanh không ai bằng ta.

Liền thị hiện đản sanh ở vương cung tự đi bảy bước Đại Sư Tử Hống: Ta là tối thắng đệ nhất ở thế gian. Ta sẽ hết hẳn biên tế sanh tử. Ðây là như thuyết mà làm Đại Sư Tử Hống.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được Đại Sư Tử Hống của Như Lai.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười pháp thanh tịnh thí:

Bình đẳng bố thí, vì chẳng lựa chúng sanh.

Tùy ý bố thí, vì thoả mãn chỗ nguyện cầu.

Chẳng loạn bố thí, vì làm cho được lợi ích.

Tùy nghi bố thí, vì biết thượng trung hạ.

Chẳng trụ bố thí, vì chẳng cầu quả báo.

Mở rộng xả thí, vì tâm chẳng luyến tiếc.

Tất cả bố thí, vì rốt ráo thanh tịnh.

Hồi hướng bồ đề thí, vì xa rời hữu vi vô vi.

Giáo hoá chúng sanh bố thí, vì nhẫn đến đạo Tràng chẳng bỏ.

Tam luân thanh tịnh bố thí, vì chánh niệm quán sát người thí, kẻ thọ và vật thí như hư không.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được bố thí quảng đại thanh tịnh vô thượng của Như Lai.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười thanh tịnh giới:

Thân thanh tịnh giới, vì giữ gìn ba điều ác nơi thân.

Ngữ thanh tịnh giới, vì xa lìa bốn lỗi nơi lời nói.

Tâm thanh tịnh giới, vì xa lìa tham, sân, tà kiến.

Thanh tịnh giới chẳng phá tất cả học xứ, vì làm tôn chủ ở trong tất cả nhân thiên.

Thanh tịnh giới thủ hộ tâm bồ đề, vì chẳng thích tiểu thừa.

Thanh tịnh giới giữ gìn điều chế của Đức Như Lai, vì nhẫn đến tội vi tế cũng sanh lòng rất e sợ.

Thanh tịnh giới ẩn mật hộ trì, vì khéo cứu chúng sanh phạm giới.

Thanh tịnh giới chẳng làm tất cả điều ác, vì thệ tu tất cả pháp lành.

Thanh tịnh giới xa lìa tất cả kiến chấp hữu lậu, vì không chấp nơi giới.

Thanh tịnh giới thủ hộ tất cả chúng sanh, vì phát khởi đại bi.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được thanh tịnh giới vô thượng không lỗi lầm của Đức Như Lai.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười thanh tịnh nhẫn:

Thanh tịnh nhẫn an thọ sự mắng nhục, vì thủ hộ các chúng sanh.

Thanh tịnh nhẫn an thọ dao gậy, vì khéo hộ trì mình và người.

Thanh tịnh nhẫn chẳng sanh giận hại, vì nơi tâm chẳng động.

Thanh tịnh nhẫn chẳng trách kẻ ti tiện, vì người trên hay rộng lượng.

Thanh tịnh nhẫn có ai về nương đều cứu độ, vì xả bỏ thân mạng mình.

Thanh tịnh nhẫn xa lìa ngã mạn, vì chẳng khinh kẻ chưa học.

Thanh tịnh nhẫn bị tàn hại hủy báng chẳng sân, vì quán sát như huyễn.

Thanh tịnh nhẫn bị hại không báo oán, vì chẳng thấy mình và người.

Thanh tịnh nhẫn chẳng theo phiền não, vì lìa những cảnh giới.

Thanh tịnh nhẫn tùy thuận chân thiệt trí của Bồ Tát biết tất cả vô sanh, vì chẳng do người dạy mà được nhập cảnh nhất thiết trí.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được pháp nhẫn vô thượng chẳng do tha ngộ của tất cả Chư Phật.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần