Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba Mươi Hai - Pháp Hội Vô úy đức Bồ Tát - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT 

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ BA MƯƠI HAI

PHÁP HỘI VÔ ÚY ĐỨC BỒ TÁT  

PHẦN HAI  

Thưa Đại Mục Kiền Liên! Đức Thế Tôn thọ ký Ngài là thần thông đệ nhất, thần thông của Ngài có thể đến Thế Giới Hương Tượng biết trong Thế Giới ấy tất cả các cây đều sản xuất hương Chiên Đàn thượng diệu chăng?

Tôn Giả đáp: Nay tôi mới nghe tên Thế Giới ấy thì làm sao có thể đến đó được.

Đức Phật tại đó hiệu là gì?

Vô Úy Đức nói: Đức Phật Hiệu Phóng Hương Quang Minh Như Lai Ứng Cúng đẳng Chánh Giác trụ tại Thế Giới ấy thuyết pháp.

Tôn Giả hỏi: Làm thế nào được thấy Đức Phật ấy?

Vô Úy Đức chẳng rời chỗ ngồi chẳng động oai nghi mà thệ nguyện rằng: Nếu Bồ Tát lúc sơ phát tâm có thể hơn hàng Thanh Văn và Duyên Giác, nguyện đức Phóng Hương Quang Minh Như Lai hiện thân nơi đây, cũng khiến hàng Thanh Văn, Duyên Giác thấy Thế Giới Hương Tượng và ngửi mùi cây hương Chiên Đàn thượng diệu.

Vô Úy Đức phát thệ nguyện xong, đức Phóng Hương Quang Minh Như Lai từ nơi thân phóng quang. Do Đức Phật ấy phóng quang nên Chư Thanh Văn đây đều được thấy Thế Giới Hương Tượng và Đức Phật có chúng Bồ Tát vây quanh, lưới báu che giăng, Đức Phật ấy vì chúng mà thuyết pháp. Tại đây đại chúng đều được nghe tiếng thuyết pháp. 

Do thần lực của Đức Phật ấy nên đại chúng đây còn được ngửi hơi hương Chiên Đàn thượng diệu của cây Thế Giới ấy.

Bấy giờ Đức Phật Phóng Hương Quang Minh nói rằng:

Đúng như vậy, như lời nói của Vô Úy Đức: Bồ Tát lúc sơ phát tâm đã hơn hàng Thanh Văn và Duyên Giác cảnh giớỉ.

Lúc ấy tại núi Kỳ Xà Quật, Di Lặc Bồ Tát bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Hương thơm vi diệu này từ đâu đến?

Đức Phật nói: Này Di Lặc! Vô Úy Đức cùng Chư Thanh Văn luận nghị như pháp và phát thệ nguyện. Đức Phóng Hương Quang Minh dùng thần lực hiện thân và Thế Giới Hương Tượng cùng hơi hương cây Chiên Đàn, nên hơi hương thượng diệu ấy khắp Cõi Tam Thiên Đại Thiên này.

Vô Úy Đức bảo Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên: Nếu đã thấy các công đức thù thắng bất tư nghị như vậy mà còn có thể phát tâm Thanh Văn Tiểu Thừa hẹp kém chỉ tự độ, thì nên biết là thiện căn rất nhỏ ít. Ai là người đã thấy sự việc Bồ Tát thành tựu vô lượng công đức mà chẳng phát tâm vô thượng Bồ Đề.

Ngài có biết Thế Giới Hương Tượng ấy cách đây bao nhiêu chăng?

Tôn Giả đáp: hẳng biết.

Vô Úy Đức nói: Ngài thừa thần thông trải qua trăm ngàn kiếp cũng không thể biết không thể thấy Thế Giới ấy. Như tất cả tre lau lùm rừng cõi này làm con số không thể tính đếm, qua khỏi các Phật Thế Giới như số trên đây mới có Thế Giới Hương Tượng ấy.

Bấy giờ Đức Phật ấy thâu nhiếp quang minh, Thế Giới Hương Tượng cùng Đức Phật ấy và Chúng Bồ Tát bỗng chẳng còn hiện.

Tôn Giả Đại Ca Diếp nói với Vô Úy Đức rằng: Cô đã từng thấy Thế Giới Hương Tượng và Đức Phóng Hương Quang Minh Như Lai rồi phải chăng?

Vô Úy Đức nói: Thưa Ngài Ca Diếp!

Như Lai có thể thấy được chăng?

Như lời Phật dạy: Nếu dùng sắc thấy ta và dùng âm thanh cầu ta, người ấy đều hành đạo tà chẳng thấy được Như Lai. Vì thân Chư Như Lai là pháp thân, pháp chẳng thấy nghe thì làm sao thấy nghe được.

Tùy phương tiện nào mà chúng sanh hạp thích thì Phật vì họ mà thị hiện, thân Phật không chướng ngại vì an trụ phương tiện vậy.

Nhưng Ngài Đại Ca Diếp hỏi tôi có thấy Đức Phật và Thế Giới ấy chăng?

Thưa Ngài Đại Ca Diếp Tôi thấy Đức Phật ấy chẳng phải là nhục nhãn thấy vì chẳng phải là sắc được thấy bởi nhục nhãn. Chẳng phải thiên nhãn thấy vì không có thọ, chẳng phải huệ nhãn thấy vì rời lìa tưởng tướng, chẳng phải pháp nhãn thấy vì rời lìa các hành, chẳng phải Phật nhãn thấy vì rời lìa thức thấy vậy.

Tôi thấy Như Lai cũng như chỗ thấy của Đại Ca Diếp vì đã diệt trừ tâm vô minh ái kiến vậy.

Thưa Ngài Đại Ca Diếp! Tôi thấy Đức Phật ấy cũng như chỗ thấy của Đại Ca Diếp Tôn Giả. Lại cũng còn thấy ngã ngã sở v.v…

Tôn Giả hỏi: Nếu pháp không hẳn tại sao phát khởi vô minh ái và tướng ngã ngã sở, vì rất cả chúng sanh chẳng thấy được vậy?

Vô Úy Đức nói: Thưa Ngài Đại Ca Diếp, tất cả pháp không có hẳn thì nó thế nào được thấy?

Tôn Giả nói: Nếu tất cả Phật Pháp cứu cánh là không có thì thế nào thấy được.

Vô Úy Đức nói: Thưa Ngài Đại Ca Diếp! Ngài có thấy Phật Pháp Tăng trưởng nghĩa chăng?

Tôn Giả nói: Tôi còn chẳng biết phàm phu pháp hà huống Phật Pháp.

Vô Úy Đức nói: Vì thế nên, thưa Ngài Đại Ca Diếp, pháp ấy chẳng thành tựu thì thế nào có đứt nối mà người chẳng chứng kia thấy.

Thưa Ngài Đại Ca Diếp! Các pháp không có hẳn chẳng hiện bày được, vì thế nên tất cả pháp đều không. Nếu bổn pháp không có thì thế nào thấy được pháp giới thanh tịnh ấy. Thưa Ngài Đại Ca Diếp, nếu ai muốn thấy tịnh Như Lai thì thiện nam, thiện nữ ấy phải tịnh tự tâm.

Tôn Giả hỏi Vô Úy Đức: Thế nào khéo tịnh tự tâm?

Vô Úy Đức nói: Như tự thân chân như và tất cả pháp chân như, nếu tin nơi ấy chẳng tạo tác chẳng vong thất, thấy như vậy thì tự tâm thanh tịnh.

Tôn Giả hỏi: Tự tâm lấy gì làm thể?

Vô Úy Đức nói: Lấy không làm thể. Nếu chứng không ấy thì tin tự thân không, vì tin tự thân không nên tin chân như không, vì tất cả các pháp tịch tĩnh vậy.

Tôn Giả nói: Cô theo Đức Phật nào nghe pháp như vậy mà được chánh kiến.

Như Phật từng dạy: Người phát chánh kiến có hai nhân duyên, một là nghe pháp nơi người, hai là tự nội tư duy.

Vô Úy Đức nói: Nhờ âm thanh ngoài mà có nghe, vì nghe âm thanh ngoài nên sau đó nội tư duy. Thưa Ngài Đại Ca Diếp Bồ Tát Đại Sĩ chẳng nhờ người nói chẳng mượn âm thanh sao lại bảo là an trụ nội tư duy.

Tôn Giả nói: Vì cô theo pháp được nghe mà quan sát nên gọi là quán hạnh.

Tôn Giả lại hỏi Vô Úy Đức: Thế nào là Bồ Tát nội tự tư duy?

Vô Úy Đức nói: Thưa Ngài Đại Ca Diếp! Nếu cùng Chư Bồ Tát thuyết pháp đồng sự mà chẳng phát khởi tướng chúng sanh. Bồ Tát nội quán như vậy thì gọi là thành tựu nội quán.

Thưa Ngài Đại Ca Diếp!

Tất cả các pháp đầy đủ bổn tế trung tế và hậu tế, vì tất cả pháp lấy chân như làm thể vậy. Vì tất cả pháp hiện tại chân như thế vậy. Nếu quán như vậy, Bồ Tát này gọi là thành tựu nội quán.

Tôn Giả nói: Cô an trụ pháp ấy thế nào?

Vô Úy Đức nói:

Phải làm như vậy: Như chân như ấy thấy không phược không giải.

Tôn Giả hỏi: Thấy thế nào thì gọi là chánh kiến?

Vô Úy Đức nói: Nếu rời lìa sự thấy hai bên, chẳng làm chẳng phải chẳng làm, thấy mà chẳng thấy như vậy thì gọi là chánh kiến.

Thưa Ngài Đại Ca Diếp! Pháp ấy chỉ có danh tự, mà vì ly danh tự, vì vĩnh viễn chẳng chứng vậy.

Tôn Giả lại hỏi: Thế nào được tự thấy?

Vô Úy Đức nói: Như chỗ thấy của Đại Ca Diếp.

Tôn Giả nói: Tôi chẳng thấy tự thân và ngã sở?

Vô Úy Đức nói: Phải nên thấy tất cả pháp như vậy, vì không có ngã và ngã sở vậy.

Lúc Vô Úy Đức nói pháp ấy, Tôn Giả Tu Bồ Đề lòng rất vui mừng mà nói với Vô Úy Đức rằng: Cô khéo được lợi lành mà hay thành tựu biện tài ấy.

Vô Úy Đức nói: Thưa Ngài Tu Bồ Đề! Pháp có được có chẳng được mà có thể cầu ư, sao Ngài bảo tôi khéo được biện tài.

Tôi có biện thuyết này: Nếu tôi nói không có chỗ giác tri hoặc nội hoặc ngoại thì là có biện tài.

Tôn Giả hỏi: Cô chứng được gì đắc pháp gì mà có diệu biện như vậy?

Vô Úy Đức nói: Vì chẳng tự biết vì chẳng từ người mà biết, chẳng thấy có tướng pháp thiện pháp bất thiện sai biệt, biết pháp như vậy: Chẳng thấy nhiễm tịnh hữu lậu vô lậu hữu vi vô vi thế gian xuất thế gian và pháp phàm phu, vì pháp thể ấy chẳng thể thấy vậy, là Chư Phật Pháp, mà đắc Phật Pháp chẳng thấy Phật Pháp.

Thưa Ngài Tu Bồ Đề! Nếu không chỗ biết thấy như vậy thì có biện tài này.

Tôn Giả hỏi: Thế nào là biện tài?

Vô Úy Đức nói: Thưa Ngài Tu Bồ Đề!

Như chỗ sở đắc tịch diệt của Ngài vậy.

Vô Úy Đức nói với Tôn Giả Xá Lợi Phất: Như pháp thể ấy không nghe không được mà có chỗ nói.

Vô Úy Đức hỏi Tôn Giả Tu Bồ Đề: Thưa Ngài Tu Bồ Đề!

Pháp thể trụ được chăng, lại có thể tăng giảm chăng mà có biện tài như vậy?

Tôn Giả nói: Nếu chứng vô lậu và pháp không có sai biệt không có biện thuyết, vì pháp thể ấy chẳng thể nói được vậy.

Vô Úy Đức nói: Thưa Ngài Tu Bồ Đề! 

Ở nơi tất cả pháp sao Ngài lại sanh niệm rằng được lợi lành được biện tài như vậy?

Tôn Giả Tu Bồ Đề nói: Cô do được biện tài mà nói hay chẳng được biện tài mà nói?

Vô Úy Đức nói: Thưa Ngài Tu Bồ Đề!

Ngài có tin lời Đức Phật dạy tất cả các pháp như hưởng chăng?

Tôn Giả nói: Tôi tin sự ấy.

Vô Úy Đức nói: Hưởng ấy là có hay không có biện tài?

Tôn Giả nói: Do nơi nội thanh mà có ngoại hưởng.

Vô Úy Đức nói: Thưa Ngài Tu Bồ Đề!

Do vì có thanh mà có hưởng ấy, hưởng ấy mà có thì là tánh tướng gì?

Nhưng hưởng ấy không có tánh tướng.

Tại sao?

Vì nếu do duyên sanh thì hưởng ấy không có nghĩa sanh.

Tôn Giả nói: Tất cả pháp duyên sanh.

Vô Úy Đức nói: Thưa Ngài Tu Bồ Đề! Tất cả pháp thể tánh chẳng sanh.

Tôn Giả nói: Nếu tất cả pháp thể tánh cứu cánh không có như vậy, sao Đức Như Lai dạy rằng hằng hà sa Chư Phật sẽ thành Chánh Giác?

Vô Úy Đức nói: Thưa Ngài Tu Bồ Đề! Pháp giới là có thể sanh được chăng?

Tôn Giả nói: Chẳng thể sanh được.

Vô Úy Đức nói: Tất cả Chư Phật Như Lai đều là pháp giới tánh tướng.

Tôn Giả nói: Chẳng thấy tất cả pháp giới vậy.

Vô Úy Đức nói: Bao nhiêu lời được nói, ngôn ngữ vô tánh, mà nói hằng hà sa Chư Phật sẽ thành Chánh Giác, lời nói này có nghĩa gì.

Tại sao?

Vì pháp giới bất sanh bất diệt nên tất cả thuyết chẳng phải thuyết vì cứu cánh thanh tịnh vậy. Vì kia chẳng phải sự chẳng thể ngôn thuyết được, rời lìa nơi thiệt tể.

Tôn Giả Tu Bồ Đề nói: Rất lạ, Vô Úy Đức là cô gái tại gia mà hay thiện xảo thuyết pháp như vậy, lại có biện tài vô tận như vậy.

Vô Úy Đức nói: Thưa Ngài Tu Bồ Đề! Chư Bồ Tát không có giữ lấy hay chẳng giữ lấy, nghe hay chẳng nghe hoặc tại gia hoặc xuất gia mà có biện tài.

Tại sao?

Vì tâm thanh tịnh vậy. Do tâm tịnh nên trí hiển, do trí hiển nên hiển biện tàỉ.

Vô Úy Đức bảo Tôn Giả Tu Bồ Đề rằng: Nay nên khéo nói hạnh của Bồ Tát.

Tôn Giả nói: Cô nói đi, tôi lắng nghe.

Vô Úy Đức nói:

Bồ Tát thành tựu tám thứ pháp hạnh nên chẳng được nói là tại gia, xuất gia:

Một là Bồ Tát được tâm thanh tịnh quyết định tin bồ đề.

Hai là Bồ Tát thành tựu đại từ đại bi nên chẳng bỏ chúng sanh.

Ba là vì thành tựu đại từ bi nên thiện xảo tất cả sự thế gian.

Bốn là hay xả bỏ thân mạng chi phần và thành tựu phương tiện thiện xảo.

Năm là thiện xảo vô lượng phát nguyện.

Sáu là thành tựu bát nhã Ba la mật hạnh vì rời lìa tất cả chấp kiến.

Bảy là đại dũng mãnh tinh tấn vì tu các thiện nghiệp mà không chán đủ vậy.

Tám là được vô ngại trí vì được vô sanh pháp nhẫn vậy.

Thưa Ngài Tu Bồ Đề!

Chư Bồ Tát do thành tựu tám pháp như vậy nên chẳng được gọi là tại gia hay xuất gia, tùy theo oai nghi nào cũng an trụ trong Bồ Đề không hề chướng ngạỉ.

Bấy giờ Tôn Giả La Hầu La bảo Vô Úy Đức rằng: Lời nói ấy là ngôn thuyết bất tịnh. Cô mang guốc báu ngồi tòa cao mà luận nghị qua lại cùng Chư Đại Thanh Văn.

Cô há chẳng nghe Đức Phật dạy rằng: Là người bất tịnh thì chẳng được thuyết pháp và cũng chẳng được thuyết pháp cho người ngồi tòa cao ư?

Vô Úy Đức nói: Thưa Ngài La Hầu La!

Ngài có thiệt biết tịnh và bất tịnh chăng?

Thưa Ngài La Hầu La!

Thế gian này là tịnh chăng?

Tôn Giả nói: Không tịnh chẳng tịnh vậy.

Vô Úy Đức nói: Như Lai chế giới theo đó mà thọ hành rồi phạm giới đó là tịnh và bất tịnh. Nếu lại có người chẳng phạm giới đó là chẳng phải tịnh và bất tịnh.

Thưa Ngài La Hầu La! Thôi đi chớ có nói như vậy. Nếu người y như thuyết pháp y như chế giới mà tu hành, thì người ấy nói bất tịnh. Nhưng vì người ấy chứng được pháp vô lậu, thì người ấy không có phạm và chẳng phạm nên cũng không có tịnh và bất tịnh.

Tại sao?

Vì Chư Đại Thanh Văn đã quá các thuyết pháp đã quá các chế giới. Đức Như Lai vì chư Thanh Văn hữu học đến trong tam giới nên vì họ thuyết pháp vì họ chế giới. Như Chư Đại Thanh Văn ấy đã quá Tam Giới. Do đây nên nói quá hay chẳng quá Tam Giới như vậy.

Do vì họ chẳng biết được giới nên nói tịnh và bất tịnh. Như hư không chỉ có ngôn thuyết duy trì lực thấy biết, thế nên được nói tịnh và bất tịnh vậy.

Tôn Giả La Hầu La hỏi: Tịnh và bất tịnh có sai biệt gì?

Vô Úy Đức nói: Ví như chân kim rời lìa hẳn cấu uế làm những đồ trang sức và chẳng làm, màu sắc chân kim có sai biệt gì?

Tôn Giả nói: Không có sai biệt.

Vô Úy Đức nói: Tịnh cùng bất tịnh chỉ có ngôn thuyết danh tự để làm sai biệt mà không có sai biệt gì khác.

Tại sao?

Vì tất cả pháp tánh rời lìa tất cả cấu uế không nhiễm không trước vậy.

Thưa Ngài La Hầu La! Người ngồi tòa cao rộng chẳng nên thuyết pháp. Bồ Tát ngồi tòa trải cỏ hơn người ngồi tòa cao hơn cả đại Thanh Văn ngồi tại Phạm Thiên.

Tôn Giả nói: Cô nói vậy là có nghĩa gì?

Vô Úy Đức nói: Thưa Ngài La Vân! Ngài có thấy Bồ Tát ngồi trên tòa gì mà thành vô thượng Bồ Đề chăng?

Tôn Giả nói: Ngồi trên tòa cỏ.

Vô Úy Đức nói: Bồ Tát ngồi tòa cỏ mà trong đại thiên Thế Giới tất cả Phạm Thiên, Đế Thích, Tứ Thiên Vương cùng chư Thiên Tử cho đến Trời Sắc Cứu Cánh đều đền lễ lạy chắp tay lạy chân Bồ Tát.

Tôn Giả nói: Đúng như vậy.

Vô Úy Đức nói: Do thành tựu pháp như vậy mà Bồ Tát ngồi tòa cỏ hơn người ngồi tòa cao rộng lớn, hơn đại Thanh Văn ở tại Phạm Thiên.

Vua A Xà Thế bảo Vô Úy Đức rằng: Con há chẳng biết Tôn Giả La Hầu La đây là con trai của Thích Ca Như Lai ở trong hàng học giới là tối đệ nhứt ư?

Vô Úy Đức nói: Thôi đi Phụ Vương chớ nói như vậy.

Phụ Vương có thấy nghe sư tử chúa sanh con dã can chăng?

Vua nói: Không hề thấy.

Vô Úy Đức nói: Phụ Vương có thấy có nghe Chuyển Luân Thánh Vương lễ kính Chư Tiểu Vương chăng?

Vua nói: Không có.

Vô Úy Đức nói: Đúng vậy. Như Lai Sư Tử Vương chuyển đại pháp luân Chư Thanh Văn cung kính vây quanh. Nếu y chánh pháp thì ai là chân tử của Đức Như Lai. Thì nên đáp rằng chính là Chư Bồ Tát vậy. Vì thế chẳng nên nói Đức Như Lai có con hay Đức Như Lai không con.

Nếu nói Đức Như Lai có chân tử thì nên nói ai phát tâm Vô Thượng Bồ Đề là chân tử của Đức Như Laỉ. Lúc nói pháp trên đây, trong Cung Vua A Xà Thế có hai vạn nữ nhân phát tâm bồ đề, hai vạn Thiên Tử đầy đủ pháp ấy nghe Vô Úy Đức Sư Tử Hống rồi đều phát tâm bồ đề.

Vua A Xà Thế lại nói: Đây là con trai của Chư Phật quá khứ vị lai hiện tại lìa hẳn phiền não học giới Thanh Văn thế nào chẳng phải chân tử!

Chư Thiên vì cúng dường Vô Úy Đức nên rải hoa lên Đức Phật khắp thành Vương Xá. Bấy giờ Vô Úy Đức rời tòa ngồi đến lễ kính Chư Đại Thanh Văn rồi dưng cúng các thực phẩm đúng như pháp.

Cúng dường xong, Vô Úy Đức bạch rằng: Chẳng biết chư Tôn Giả đại Thanh Văn có chi sáng sớm rời xa Đức Phật mà đến chốn này, phải nên nghe Đức Phật thuyết pháp rồi sẽ đi khất thực. Chư Tôn Giả về đi, trong giây lát đây tôi sẽ đến chỗ Đức Phật.

Vô Úy Đức cùng Phụ Vương A Xà Thế và Vương Mẫu vô lượng nhân chúng doanh vây xuất thành đến chỗ Đức Phật đồng đảnh lễ chân Phật rồi ngồi một phía. Chư Thanh Văn ấy cũng đến lễ chân Phật rồi ngồi qua một bên.

Tôn Giả Xá Lợi Phất tác lễ bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Vô Úy Đức, cô gái nhỏ đây rất kỳ lạ, được phước lợi rất lớn.

Đức Phật phán: Này Xá Lợi Phất! Vô Úy Đức đây đã ở nơi chín mươi ức Phật quá khứ phát tâm bồ đề vun trồng căn lành để cầu vô thượng Phật Đạo.

Tôn Giả Xá Lợi Phất bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn!

Vô Úy Đức đây có thể chuyển thân nữ ấy chăng?

Đức Phật phán: Này Xá Lợi Phất!

Ông thấy Vô Úy Đức là nữ nhân ư?

Ông chớ có thấy như vậy.

Tại sao?

Vì Bồ Tát này phát nguyện lực mà thị hiện thân nữ nhân để độ chúng sanh.

Vô Úy Đức phát thệ rằng: Nếu tất cả pháp chân thiệt phi nam phi nữ thì khiến nay tôi hiện thân trượng phu cho tất cả đại chúng được thấy. Thệ xong liền diệt tướng nữ hiện thân trượng phu thăng lên hư không cao bằng bảy cây Đa La rồi dừng ở tại đó không xuống.

Đức Phật phán: Này Xá Lợi Phất! Ông có thấy Bồ Tát Vô Úy Đức trụ tại hư không chẳng xuống ấy chăng?

Tôn Giả bạch: Tôi đã thấy, bạch Đức Thế Tôn!

Đức Phật phán: Này Xá Lợi Phất! Vô Úy Đức Bồ Tát này lại quá bảy ngàn A tăng kỳ kiếp được thành Chánh Giác hiệu Ly Cấu Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, Thế Giới tên Quang Minh, Đức Phật ấy thọ trăm kiếp.

Chánh Pháp trụ thế mười kiếp, thuần Bồ Tát Tăng ba vạn bất thối chuyển Bồ Tát, Thế Giới ấy đất bằng lưu ly thanh tịnh, đường sá tám hướng trang nghiêm phủ với hoa sen báu, không có tên các ác đạo, Trời, người đông đầy thọ diệu lạc và thắng pháp vị như Trời Đâu Suất.

Mẹ của Vô Úy Đức là Nguyệt Quang Phu Nhân cùng Vua A Xà Thế đồng chắp tay hướng Phật bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Tôi được đại lợi, chín tháng hoài thai người con này, nay Đại Sư tử hống như vậy. Nay tôi đem căn lành ấy hồi hướng vô thượng bồ đề, sau này tại Thế Giới Quang Minh của Phật Ly Cấu tôi sẽ thành đạo vô thượng Chánh Chân Chánh Giác.

Đức Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Này Xá Lợi Phất! Nguyệt Quang Phu Nhân đây sau khi xả thân người sẽ sanh làm Thiên Tử Trời Đao Lợi hiệu là Quang Minh Tăng Thượng. Lúc Phật Di Lặc xuất thế sẽ là con trai lớn của Đại Vương thời ấy, cúng dường Phật Di Lặc rồi xuất gia, hay ghi nhớ thọ trì tất cả pháp của Phật Di Lặc tuyên thuyết. Từ đó thứ đệ gặp Chư Phật hiền kiếp và đều cúng dường.

Đến thời kỳ Phật Ly Cấu xuất thế, sẽ hiện thân làm Đại Vương hiệu Trì Địa có đủ bảy báu cúng dường đức Ly Cấu Như Lai, sau đó thành Phật Hiệu Biến Quang Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác thành tựu Thế Giới trang nghiêm như Thế Giới Quang Minh của Phật Ly Cấu.

Nghe Đức Phật thọ ký, Nguyệt Quang phu nhân vui mừng hớn hở liền cởi chuỗi báu anh lạc giá trị trăm ngàn lượng vàng dâng lên cúng dường Đức Phật, xin phép Vua A Xà Thế rồi xuất gia thọ đủ năm trăm chánh giới tu tập phạm hạnh.

Vô Úy Đức Bồ Tát ở trước Đức Phật bạch rằng: Do sức nhân duyên thệ nguyện này khiến thuở vị lai lúc tôi thành Phật chúng Bồ Tát đều mặc pháp phục tất cả hóa sanh. Nếu thệ nguyện trên đây không hư thì khiến nay tôi sẽ hiện thân như niên thiếu Tỳ Kheo tám lạp. Phát nguyện xong, Bồ Tát Vô Úy Đức liền hiện thân mặc pháp phục thành Tỳ Kheo đầy đủ oai nghi.

Vô Úy Đức Bồ Tát nói với Phụ Vương A Xà Thế rằng: Tâu Phụ Vương! Tất cả các pháp đều như vậy, tức thì bỗng hóa sanh tướng rời các tướng được phân biệt sanh khởi, không các điên đảo.

Tâu Phụ Vương! Lại liền bây giờ hiện trở lại thân nữ nhân, Phụ Vương có thấy chăng?

Vua nói: Đã thấy. Nhưng ta chẳng phải do tướng sắc thân để thấy. Nay ta thấy hiện thân Tỳ Kheo rồi lại thấy thân nữ nhân trở lạỉ.

Đức Phật hỏi Vua: Này Đại Vương! Thân nào là thiệt?

Đại Vương phải nên học như vậy an trụ chánh kiến đối với tất cả pháp. Các chúng sanh vì bị phiển não thiêu đốt nên chẳng đạt pháp lực. Vì chẳng đạt nên chẳng phải chỗ nghi mà sanh lòng nghi hối.

Phải nên thường thường thân cận Như Lai và Văn Thù Sư Lợi Đồng Tử Bồ Tát, vì do sức oai đức của Bồ Tát ấy mà khiến cho Đại Vương được thọ hối quá.

Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Này A Nan! Ông thọ trì pháp môn Vô Úy Đức Bồ Tát thọ ký này đọc tụng chớ quên.

Này A Nan! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân đầy đủ thất bảo đem cúng thí Chư Phật Như Lai chật khắp đại thiên Thế Giới được công đức không bằng có người hay thọ trì một câu một kệ pháp môn này, huống là người thọ trì đủ hoặc đọc hoặc tụng rộng vì người giảng nói và như pháp tu hành.

Đức Phật Thế Tôn nói Kinh này rồi. Nguyệt Quang phu nhân mẹ của Vô Úy Đức tất cả Đại Chúng Thiên Long, Bát Bộ nghe Đức Phật dạy xong đều rất vui mừng tín thọ phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần