Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Phẩm Ba Mươi Tám - Phẩm Ly Thế Gian - Phần Mười Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI PHƯƠNG

QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường  

PHẨM BA MƯƠI TÁM

PHẨM LY THẾ GIAN

PHẦN MƯỜI BỐN  

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười pháp tinh tấn thanh tịnh:

Thân thanh tịnh tinh tấn, vì thừa sự cúng dường Chư Phật, Bồ Tát và các Sư Trưởng, tôn trọng phước điền chẳng thối chuyển.

Ngữ thanh tịnh tinh tấn, vì pháp đã nghe rộng vì người mà diễn thuyết, tán thán công đức của Chư Phật không mỏi mệt.

Ý thanh tịnh tinh tấn, vì khéo có thể nhập xuất từ, bi, hỷ, xả, thiền định, giải thoát và các tam muội không thôi nghỉ.

Tâm chánh trực thanh tịnh tinh tấn, vì không dối, không dua bợ, không vạy vò, không hư giả tất cả siêng tu không thối chuyển.

Tâm tăng thắng thanh tịnh tinh tấn, vì thường xu cầu thượng thượng trí huệ nguyện đủ tất cả pháp bạch tịnh.

Thanh tịnh tinh tấn chẳng luống bỏ vì nhiếp lấy bố thí, giới, nhẫn, đa văn và bất phóng dật nhẫn đến bồ đề không nghỉ giữa chừng.

Dẹp phục tất cả ma thanh tịnh tinh tấn, vì đều có thể trừ diệt tham dục, sân hận, ngu si, tà kiến, tất cả phiền não, những cái triền.

Thành tựu viên mãn trí huệ quang minh thanh tịnh tinh tấn, có làm việc chi đều khéo quán sát, đều khiến rốt ráo chẳng cho ăn năn về sau, được Phật bất cộng pháp.

Vô lai vô khứ thanh tịnh tinh tấn, vì được trí như thiệt nhập môn pháp giới, thân ngữ và tâm thảy đều bình đẳng, rõ tướng tức là phi tướng không chấp trước.

Thành tựu pháp quang thanh tịnh tinh tấn, vì vượt quá các địa được Phật quán đảnh, dùng thân vô lậu mà thị hiện mất, thọ, sanh, xuất gia, thành đạo, thuyết pháp, diệt độ, đầy đủ sự Phổ Hiền như vậy.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ pháp này, thời được đại thanh tịnh tinh tấn vô thượng của Như Lai.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười thanh tịnh thiền:

Thanh tịnh thiền, thường thích xuất gia, vì rời bỏ tất cả sở hữu.

Thanh tịnh thiền, được chân thiện hữu, vì chỉ dạy chánh đạo.

Thanh tịnh thiền, ở A Lan Nhã nhẫn chịu mưa gió, vì lìa ngã và ngã sở.

Thanh tịnh thiền, lìa chúng sanh ồn náo, vì thường thích tịch tịnh.

Thanh tịnh thiền, tâm nghiệp điều nhu, vì thủ hộ các căn.

Thanh tịnh thiền, tâm trí tịch diệt, vì tất cả âm thanh những chướng thiền định chẳng thể làm loạn.

Thanh tịnh thiền, giác đạo phương tiện, vì quán sát tất cả đều hiện chứng.

Thanh tịnh thiền, rời tham đắm, vì chẳng bỏ cõi dục.

Thanh tịnh thiền, phát khởi thông minh, vì biết tất cả căn tánh chúng sanh.

Thanh tịnh thiền, tự tại du hý, vì nhập Phật tam muội biết vô ngã.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ trong đây thời được đại thanh tịnh thiền vô thượng của Như Lai.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười thanh tịnh huệ:

Thanh tịnh huệ, biết tất cả nhân, vì chẳng hoại quả báo.

Thanh tịnh huệ, biết tất cả duyên vì chẳng trái hòa hiệp.

Thanh tịnh huệ, biết chẳng đoạn chẳng thường, vì rõ thấu duyên khởi đều như thiệt.

Thanh tịnh huệ, trừ tất cả kiến chấp, vì không thủ xả nơi tướng chúng sanh.

Thanh tịnh huệ, quán tâm hành của tất cả chúng sanh, vì biết rõ như huyễn.

Thanh tịnh huệ, biện tài quảng đại, vì phân biệt các pháp vấn đáp vô ngại.

Thanh tịnh huệ, tất cả ma, ngoại đạo, Thanh Văn, Duyên Giác, chẳng biết được, vì thâm nhập Như Lai trí.

Thanh tịnh huệ, thấy Pháp Thân vi diệu của Phật, thấy bổn tánh thanh tịnh của tất cả chúng sanh, thấy tất cả pháp đều tịch diệt, thấy tất cả cõi đồng như hư không, vì biết tất cả tướng đều vô ngại.

Thanh tịnh huệ, tất cả tổng trì, biện tài, phương tiện đều đến bỉ ngạn, vì làm cho được nhất thiết trí tối thắng.

Thanh tịnh huệ, nhất niệm tương ưng Kim Cang trí, rõ tất cả pháp bình đẳng, vì được nhất thiết pháp tối tôn trí.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ trong đây, thời được đại trí huệ vô ngại của Như Lai.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười thanh tịnh từ:

Thanh tịnh từ, tâm bình đẳng, vì nhiếp khắp chúng sanh không lựa chọn.

Thanh tịnh từ, lợi ích, vì tùy có chỗ làm đều làm cho hoan hỷ.

Thanh tịnh từ, nhiếp người đồng như mình, vì rốt ráo đều làm cho ra khỏi sanh tử.

Thanh tịnh từ, chẳng bỏ thế gian, vì tâm thường duyên niệm chứa nhóm thiện căn.

Thanh tịnh từ, có thể đến giải thoát, vì khiến khắp chúng sanh trừ diệt tất cả phiền não.

Thanh tịnh từ, xuất sanh bồ đề, vì khiến khắp chúng sanh phát tâm cầu nhất thiết trí.

Thanh tịnh từ, thế gian vô ngại, vì phóng đại quang minh bình đẳng chiếu khắp.

Thanh tịnh từ, đầy khắp hư không, vì cứu hộ chúng sanh không xứ nào chẳng đến.

Thanh tịnh từ, pháp duyên, chúng pháp như như chân thiệt.

Thanh tịnh từ, vô duyên vì nhập Bồ Tát ly sanh tánh.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được thanh tịnh từ quảng đại vô thượng của Như Lai.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười thanh tịnh bi:

Thạnh tịnh bi, không bạn bè, vì riêng mình phát tâm đó.

Thạnh tịnh bi, không mỏi nhàm, vì thay thế tất cả chúng sanh thọ khổ chẳng cho là nhọc.

Thạnh tịnh bi, thọ sanh ở xứ nạn, vì cứu độ chúng sanh nạn.

Thạnh tịnh bi, thọ sanh ở đường lành, vì thị hiện vô thường.

Thạnh tịnh bi, vì tà định chúng sanh, vì nhiều kiếp chẳng bỏ hoằng thệ.

Thạnh tịnh bi, chẳng nhiễm trước sự vui của mình, vì cho khắp chúng sanh sự sung sướng.

Thạnh tịnh bi, chẳng cầu báo ân, vì tu tâm trong sạch.

Thạnh tịnh bi, có thể trừ điên đảo vì nói pháp như thiệt.

Ðại Bồ Tát biết tất cả pháp bổn tánh thanh tịnh không nhiễm trước không nhiệt não, vì do khắp trần phiền não nên thọ những điều khổ. Biết như vậy rồi Bồ Tát ở nơi chúng sanh mà khởi đại bi gọi là bổn tánh thanh tịnh, vì họ mà diễn thuyết pháp vô cấu thanh tịnh, quang minh.

Ðại Bồ Tát biết tất cả pháp như dấu chim bay giữa không gian, chúng sanh si lòa chẳng thể quán sát biết rõ các pháp Bồ Tát phát khởi tâm đại bi tên là chân thiệt trí, vì họ mà khai thị pháp Niết Bàn.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được thanh tịnh bi quảng đại vô thượng của Như Lai.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười thanh tịnh hỷ:

Thanh tịnh hỷ, phát bồ đề tâm.

Thanh tịnh hỷ, đều xả bỏ sở hữu.

Thanh tịnh hỷ, chẳng ghét bỏ chúng sanh phá giới giáo hóa cho họ được thành tựu.

Thanh tịnh hỷ, có thể nhẫn thọ chúng sanh tạo ác mà thệ nguyện cứu độ họ.

Thanh tịnh hỷ, xả thân cầu pháp chẳng sanh lòng ăn năn.

Thanh tịnh hỷ, tự bỏ dục lạc thường thích pháp lạc.

Thanh tịnh hỷ, làm cho tất cả chúng sanh bỏ tư sanh lạc thường thích pháp lạc.

Thanh tịnh hỷ, thấy Chư Phật thời cung kính cúng dường không nhàm đủ, an trụ nơi pháp giới bình đẳng.

Thanh tịnh hỷ, làm cho tất cả chúng sanh ưa thích thiền định giải thoát tam muội du hý nhập xuất.

Thanh tịnh hỷ, lòng ưa thích đầy đủ công hạnh thuận tất cả khổ hạnh của Bồ Tát đạo, chứng được định huệ tịch tịnh bất động của Đức Mâu Ni.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được thanh tịnh hỷ quảng đại vô thượng của Như Lai.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười thanh tịnh xả:

Thanh tịnh xả, tất cả chúng sanh cung kính cúng dường, Bồ Tát chẳng sanh lòng ái trước.

Thanh tịnh xả, tất cả chúng sanh khinh mạn hủy nhục, Bồ Tát chẳng sanh lòng giận hờn.

Thanh tịnh xả, thường đi trong thế gian chẳng bị tám pháp thế gian làm nhiễm.

Thanh tịnh xả, đối với pháp khí chúng sanh chờ thời mà hóa độ, với chúng sanh không pháp khí cũng chẳng hiềm ghét.

Thanh tịnh xả, chẳng cầu pháp học và vô học của Nhị Thừa.

Thanh tịnh xả, tâm thường xa lìa tất cả dục lạc thuận phiền não.

Thanh tịnh xả, chẳng khen hàng nhị thừa nhàm lìa sanh tử.

Thanh tịnh xả, xa lìa tất cả lời thế gian, lời phi Niết Bàn, lời phi ly dục, lời chẳng thuận lý, lời não loạn người khác, lời Thanh Văn, lời Duyên Giác, nhẫn đến những chướng Bồ Tát đạo đều xa lìa tất cả.

Thanh tịnh xả, hoặc có chúng sanh căn đã thành thục phát sanh niệm huệ mà chưa biết được pháp tối thượng, chờ thời tiết mới hóa độ.

Thanh tịnh xả, hoặc có chúng sanh đã được Bồ Tát giáo hóa từ thưở trước, đến Phật Ðịa mới điều phục được, Bồ Tát cũng chờ thời tiết.

Thanh tịnh xả, đối với hai hạng chúng sanh trên Bồ Tát, không có quan niệm cao hạ thủ xả, xa lìa tất cả những phân biệt, hằng trụ chánh định, nhập pháp như thiệt, tâm được kham nhẫn.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ trong pháp này thời được thanh tịnh xả quảng đại vô thượng của Như Lai.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười nghĩa:

Ða văn nghĩa, vì kiên cố tu hành.

Pháp nghĩa, vì khéo léo suy gẫm lựa chọn.

Không nghĩa, vì đệ nhất nghĩa không.

Tịch tịnh nghĩa, rời những chúng sanh ồn náo.

Bất khả thuyết nghĩa, vì chẳng chấp tất cả ngữ ngôn.

Như thiệt nghĩa, vì rõ thấu Tam Thế bình đẳng.

Pháp Giới nghĩa, vì tất cả các pháp đồng một vị.

chân như nghĩa, vì tất cả Như Lai thuận nhập.

Thiệt tế nghĩa, vì biết rõ rốt ráo như thiệt.

Ðại Bát Niết Bàn nghĩa, vì diệt tất cả khổ mà tu những hạnh Bồ Tát.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ trong pháp này thời được nhất thiết trí vô thượng nghĩa.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười pháp:

Chân thiệt pháp, vì như thuyết tu hành.

Ly thủ pháp, vì đều lìa năng thủ và sở thủ.

Vô tránh pháp, vì không có tất cả mê lầm gây gỗ.

Tịch diệt pháp, vì trừ diệt tất cả nhiệt não.

Ly dục pháp, vì tất cả tham dục đều dứt trừ.

Vô phân biệt pháp, vì dứt hẳn phan duyên phân biệt.

Vô sanh pháp, vì dường như hư không bất động.

Vô vi pháp, vì lìa những tướng sanh trụ diệt.

bổn tánh pháp, vì tự tánh vô nhiễm thanh tịnh.

Xả bỏ tất cả Ô Ba Ðề Niết Bàn pháp, vì hay sanh tất cả Bồ Tát hạnh tu tập chẳng dứt.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được pháp quảng đại vô thượng của Đức Như Lai.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười công cụ trợ đạo phước đức:

Khuyên chúng sanh phát khởi tâm bồ đề là công cụ trợ đạo phước đức của Bồ Tát, vì chẳng dứt ngôi Tam Bảo.

Tùy thuận Thập Hồi Hướng là công cụ trợ đạo phước đức của Bồ Tát, vì dứt tất cả pháp bất thiện, chứa nhóm tất cả thiện pháp.

Trí huệ dạy dỗ là công cụ trợ đạo phước đức của Bồ Tát, vì vượt hơn phước đức Tam Giới.

Tâm không mỏi mệt là công cụ trợ đạo phước đức của Bồ Tát, vì rốt ráo độ thoát tất cả chúng sanh.

Xả bỏ tất cả sở hữu trong thân ngoài thân là công cụ trợ đạo phước đức của Bồ Tát, vì nơi tất cả vật chẳng chấp trước.

Vì đầy đủ tướng hảo mà tinh tấn bất thối là công cụ trợ đạo phước đức của Bồ Tát, vì mở cử đại thí không hạn cuộc.

Thượng, Trung, Hạ, ba phẩm thiện căn đều đem hồi hướng vô thượng bồ đề tâm không khinh trọng là công cụ trợ đạo phước đức của Bồ Tát, vì tương ứng với thiện xảo phương tiện.

Với chúng sanh tà định hạ liệt bất thiện đều sanh lòng đại bi chẳng khinh tiện là công cụ trợ đạo phước đức của Bồ Tát, vì thường phát khởi tâm hoằng thệ của bậc Đại Nhân.

Cung kính cúng dường tất cả Như Lai với tất cả Bồ Tát khởi Như Lai tưởng làm cho chúng sanh đều hoan hỉ, đây là công cụ trợ đạo phước đức của Bồ Tát, vì giữ bổn chí nguyện rất bền chắc.

Trong vô số kiếp, Đại Bồ Tát tích tập thiện căn tự muốn được chứng Vô Thượng Bồ Ðề như ở trong bàn tay, nhưng đầu đem xả thí cho tất cả chúng sanh lòng không ưu não cũng không hối hận, tâm Bồ Tát rộng lớn đồng hư không giới.

Ðây là công cụ trợ đạo phước đức của Bồ Tát, vì phát khởi trí huệ chứng đại pháp.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ trong đây thời đầy đủ phước đức quảng đại vô thựơng của Như Lai.

Chư Phật Tử!

Ðại Bồ Tát có mười công cụ trợ đạo trí huệ: Gần gũi chân thiện tri thức đa văn, cung kính, cúng dường, tôn trọng, lễ bái tùy thuận mọi việc chẳng trái lời dạy bảo. Ðây là công cụ trợ đạo trí huệ thứ nhất, vì tất cả chánh trực không hư dối.

Lìa hẳn kiêu mạng thường có hạnh khiêm hạ cung kính, thân ngữ ý ba nghiệp không thô bạo, nhu hòa thiện thuận chẳng dối trá, chẳng vạy vò. Ðây là công cụ trợ đạo trí huệ thứ hai, vì thân Bồ Tát kham làm pháp khí.

Niệm huệ tùy giác chưa từng tán loạn, hổ thẹn, nhu hòa tâm an bất động, thường nhớ lục niệm, thường thật hành lục hòa kính, thường tùy thuận trụ sáu pháp kiên cố. Ðây là công cụ trí huệ thứ ba, vì làm phương tiện cho mười trí.

Thích pháp thích nghĩa, lấy pháp làm vui, thường thích lóng nghe chánh pháp không nhàm đủ, bỏ rời thế luận và thế ngôn thuyết, chuyên tâm nghe thọ lời xuất thế gian, xa lìa tiểu thừa, nhập đại thừa huệ. Ðây là công cụ trợ đạo trí huệ thứ tư, vì nhất tâm ghi nhớ không tán động.

Tâm chuyên gánh vác sáu môn Ba la mật, thật hành đã thành thục bốn pháp phạm trụ, đều khéo tu hành tùy thuận minh pháp, điều siêng thỉnh hỏi người trí thông mẫn, xa lìa ác thú quy hướng đường lành tâm thường mến thích chánh niệm quán sát, điều phục lòng mình, thủ hộ ý người. Ðây là công cụ trợ đạo trí huệ thứ năm, vì kiên cố tu hành chân thiệt hạnh.

Thường thích xuất ly chẳng chấp ba cõi, hằng giác tự tâm không bao giờ có ác niệm, ba giác quán đã tuyệt, ba nghiệp đều lành quyết định biết rõ tự tánh của tâm. Ðây là công cụ trợ đạo trí huệ thứ sáu, vì có thể làm cho mình và người được tâm thanh tịnh.

Quán sát ngủ uẩn đều như huyễn sự, thập bát giới như độc xà, thập nhị xứ như hư không, tất cả pháp như huyễn, như diệm, như trăng trong nước, như mộng, như ảnh, như hưởng, như tượng, như vẽ giữa hư không, như vòng lửa quây.

Như màu mống rán, như ánh sáng mặt nhật mặt nguyệt, vô tứơng vô hình, phi thừơng phi đoạn, chẳng đến chẳng đi, cũng không sở trụ, quán sát như vậy biệt tất cả pháp vô sanh vô diệt. Ðây là công cụ trợ đạo trí huệ thứ bảy, vì biết tất cả pháp tánh không tịch.

Ðại Bồ Tát nghe tất cả pháp không ngã, không chúng sanh, không thọ giã, không bổ đặc già la, không tâm, không cảnh, không tham sân si, không thân, không vật, không chủ, không đối đãi, không chấp trước, không hành động, như vậy, tất cả đều vô sở hữu, trọn về nơi tịch diệt.

Nghe rồi tin sâu chẳng nghi chẳng hủy báng. Ðây là công cụ trợ đạo trí huệ thứ tám, vì có thể thành tựu tri giải viân mãn.

Ðại Bồ Tát khéo điều các căn như lý tu hành, hằng trụ chỉ quán tâm ý tịch tịnh, tất cả động niệm đều trọn chẳng phát khởi, vô ngã, vô nhân, vô tác, vô hành, không chấp ngả tưởng, không chấp ngả nghiệp, không có tỳ vết, không có nứt rạn, cũng không đức nhẫn nơi đây, thân ngữ ý ba nghiệp không lai không khứ, không có tinh tấn cũng không dũng mãnh.

Quán tất cả chúng sanh tất cả các pháp đều bình đẳng mà không sở trụ.

Chẳng phải thử ngạn, chẳng phái bỉ ngạn, thử bĩ tánh ly, không từ đâu đến, đi không đến đâu. Thường dùng trí huệ tư duy như vậy. Ðây là công cụ trợ đạo trí huệ thứ chín, vì đến chỗ bỉ ngạn phân biệt tứơng.

Ðại Bồ Tát thấy pháp duyên khởi nên thấy pháp thanh tịnh, vì thấy pháp thanh tịnh nên thấy Quốc Độ thanh tịnh, vì thấy Quốc Độ thanh tịnh nên thấy hư không thanh tịnh, vì thấy hư không thanh tịnh nên thấy pháp giới thanh tịnh, vì thấy pháp giới thanh tịnh nên thấy trí huệ thanh tịnh.

Ðây là công cụ trợ đạo trí huệ thứ mười của Bồ Tát, vì tu hành tích tập nhất thiết trí.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ trong mười pháp này thời được trí huệ vi diệu thanh tịnh vô ngại nơi tất cả pháp của Đức Như Lai.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười minh túc:

Minh túc, khéo phân biệt các pháp.

Minh túc, chẳng chấp trước các pháp.

Minh túc, lìa điên đảo kiến.

Minh túc, trí huệ quang chiếu soi các căn.

Minh túc, khéo phát khởi chánh tinh tấn.

Minh túc, hay thâm nhập Chân Đế trí.

Minh túc, diệt nghiệp phiền não thành tựu tận trí vô sanh trí.

Minh túc, thiên nhãn trí khéo quán sát.

Minh túc, túc trụ niệm biết thưở trước thanh tịnh.

Minh túc, lậu tận thần thông trí dứt những lậu của chúng sanh.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được đại quang minh vô thượng nơi tất cả Phật Pháp của Như Lai.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười điều cầu pháp:

Trực tâm cầu pháp, vì không dua nịnh phỉnh phờ.

Tinh tấn cầu pháp, vì xa lìa lười biếng khinh mạn.

Nhất hướng cầu pháp, vì chẳng tiếc thân mạng.

Vì trừ phiền não cho tất cả chúng sanh mà cầu pháp, vì chẳng vì danh lợi cung kính.

Vì lợi ích mình và người tất cả chúng sanh mà cầu pháp, vì chẳng riêng tự lợi.

Vì nhập trí huệ mà cầu pháp, vì chẳng thích văn tự.

Vì thoát khỏi sanh tử mà cầu pháp, vì chẳng tham thế lạc.

Vì độ chúng sanh mà cầu pháp, vì phát bồ đề tâm.

Vì dứt nghi cho tất cả chúng sanh mà cầu pháp, vì làm cho họ không do dự.

Vì đầy đủ Phật Pháp mà cầu pháp, vì chẳng thích những thừa khác.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được đại trí huệ tất cả Phật Pháp chẳng do người khác dạy.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười pháp minh liễu:

Tùy thuận thế tục sanh trưởng thiện căn, đây là đồng mông phàm phu minh liễu pháp.

Ðược bất hoại tín vô ngại, tỏ ngộ tự tánh của các pháp, đây là tùy tín hành nhân minh liễu pháp.

Siêng tu tập chánh pháp, tùy thuận chánh pháp mà an trụ, đây là tùy pháp hành nhân minh liễu pháp.

Xa lìa bát tà, hướng về bát chánh đạo, đây là đệ bát nhân minh liễu pháp.

Trừ diệt những kiết sử, dứt lậu sanh tử thấy chân thiệt đế, đây là tu đà hoàn nhân chân minh liễu pháp.

Quán sát ham muốn là họa hoạn biết không qua lại, đây là Tư Ðà Hàm nhân minh liễu.

Chẳng luyến Tam Giới, cầu hết hữu lậu, đối với pháp thọ sanh, nhẫn đến chẳng sanh một niệm ái trước, đây là A Na Hàm nhân minh liễu pháp.

Chứng lục thần thông, được bát giải thoát, cửu định, tứ biện tài thảy đều thành tựu, đây là A La Hán nhân minh liễu pháp.

Tánh thích quán sát nhất vị duyên khởi, tâm thường tịch tịnh, tri túc, ít việc, tỏ ngộ do mình được chẳng do người thành tựu các môn thần thông trí huệ, đây là Bích Chi Phật nhân minh liễu pháp.

Trí huệ rộng lớn, các căn sáng lẹ, thường thích độ thoát tất cả chúng sanh, siêng tu phước trí các pháp trợ đạo, tất cả công đức thập lực tứ vô úy của Như Lai đều đầy đủ viên mãn, đây là Bồ Tát nhân minh liễu pháp.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần