Phật Thuyết Kinh đại Tát Già Ni Kiền Tử Sở Thuyết - Phẩm Tám - Phẩm Công đức Không Lỗi Lầm Của Như Lai - Tập Chín
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI TÁT GIÀ NI
KIỀN TỬ SỞ THUYẾT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM TÁM
PHẨM CÔNG ĐỨC
KHÔNG LỖI LẦM CỦA NHƯ LAI
TẬP CHÍN
Đại Vương nên biết!
Sa Môn Cù Đàm biết thiên nhãn trí lực, tức là biết đúng như thật. Thấy tất cả chúng sinh sinh diệt đọa lạc, hoặc thọ hình sắc thiện hoặc thọ hình sắc ác, hoặc sinh cõi thiện, hoặc sinh cõi ác.
Biết rõ tất cả các nghiệp nhân, biết thân, miệng, ý của chúng sinh làm ác và phỉ báng Thánh Nhân, tăng thêm tà kiến. Vì nghiệp ác nên bỏ thân này liền đọa vào địa ngục. Biết thân, miệng, ý của chúng sinh thiện là không phỉ báng Thánh Nhân, tăng thêm chánh kiến.
Do nghiệp duyên, do bỏ thân này liền sinh ở cõi thiện. Có thể thấy Thế Giới mười phương Chư Phật không cùng tận, giống như hư không không có giới hạn. Thấy rõ chúng sinh lúc sinh, lúc diệt, thấy lúc thành lúc hoại của các Thế Giới. Cũng biết tâm Bồ Đề của các chúng sinh lúc sinh lúc diệt. Thấy tất cả Chư Phật từ khi mới thành chánh giác, chuyển bánh xe Chánh Pháp cho đến lúc nhập Niết Bàn.
Thấy các bậc Thanh Văn khi chứng giải thoát rồi thì nhập Niết Bàn. Thấy các bậc Duyên Giác dùng sức thần thông bảo các chúng sinh ở ân bố thí. Những việc như thế, tất cả năm phép thần thông của Thanh Văn, Duyên Giác và các Bồ Tát không thể thấy được.
Thiên nhãn Sa Môn Cù Đàm thành tựu công đức như thế. Dùng thiên nhãn quán các chúng sinh, ai đáng được Phật hóa độ, ai đáng được Thanh Văn, Duyên Giác hóa độ. Thấy như vậy rồi, tùy theo người được độ mà hiện thân ấy để thuyết pháp, đó gọi là biết thiên nhãn trí lực.
Đại Vương nên biết! Sa Môn Cù Đàm biết lậu tận trí lực, các lậu hoặc đã hết, giải thoát hoàn toàn.
Cho nên tuyên bố rằng: Ta đã chấm dứt việc thọ sinh, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, lại không có đời sau. Trí lậu tận của Phật thanh tịnh vi diệu. Nói thanh tịnh là không còn tập khí. Trí Thanh Văn còn có giới hạn.
Vì sao?
Vì còn có tập khí.
Trí Bích Chi Phật cũng còn có giới hạn.
Vì sao?
Vì không có đại bi. Trí lậu tận của Phật vô lượng, vô biên.
Vì sao?
Biết tất cả các hạnh, thành tựu đầy đủ nhất thiết trí, đoạn sạch tất cả những tập khí, có đủ đại từ, đại bi, trang nghiêm bằng bốn vô sở úy. Đối với tất cả pháp không thủ tướng, tất cả thế gian không thể hơn được.
Đi, đứng, nằm, ngồi không có những lỗi lầm. Giống như hư không trong sạch, không chướng ngại, không có xen lẫn những khói mây. Cũng vậy, lậu tận trí của Đức Phật không lẫn những tập khí phiền não. Thường thuyết pháp cho tất cả chúng sinh, khiến người nghe đoạn dứt các phiền não, đó gọi là lậu tận trí lực.
Đại Vương nên biết! Sa Môn Cù Đàm thành tựu hoàn toàn mười loại trí lực như thế để trang nghiêm, nên được gọi là Như Lai Ứng Chánh Biến Tri. Cho nên ta nói là không có lỗi lầm.
Rồi nói bài kệ rằng:
Thị xứ và phi xứ
Chư Phật biết như thật
Lời Thế Tôn chân thật
Nên không có lỗi lầm.
Các đời trong quá khứ
Thánh chiếu không chướng ngại
Vị lai và hiện tại
Trí tuệ không chìm mất,
Nghiệp và quả báo nghiệp
Trí về nhân và quả
Đều hay biết như thật
Cho nên gọi là Phật.
Thế gian vô số tánh
Từng loại biết như thật
Trong tánh khéo hiểu rõ
Cho nên người không bằng.
Thế gian nhiều loại tin
Và vô số người tin
Trí tuệ biết như thật
Cho nên nói lời thật.
Như thật biết căn thuần
Với căn được tự tại
Sức thần thông thiền định
Giác phần và giải thoát,
Biết nhiễm và thanh tịnh
Như thật hiểu sai khác
Như Lai không cách trở
Vì lìa mọi chướng ngại,
Quá khứ vô số đời
Mỗi mỗi trí lực thấy
Chính mình và thân người
Trí ấy biết như thật.
Mắt Phật trong không đục
Vượt thế gian Trời Người
Dùng mắt thanh tịnh ấy
Thấy chúng sinh sinh diệt,
Biết các lậu tận trí
Và biết chỗ giải thoát
Là cảnh giới vô lậu
Thánh Nhân biết như thật.
Năng lực không ai bằng
Phật Thế Tôn tự tại
Hiện ở trong nhất tâm
Mà tâm không sai khác,
Không lấy cũng không bỏ
Tự nhiên ở hiện tiền
Như bánh xe theo nghiệp
Tự nhiên mà xoay chuyển,
Nhất niệm biết như thật
Các tâm niệm chúng sinh
Ở tâm và chúng sinh
Không khởi có hai tướng,
Ở trong tất cả pháp
Đầy đủ các công đức
Cho nên nói Cù Đàm
Tự tại không lỗi lầm.
Đại Vương nên biết! Sa Môn Cù Đàm hoàn toàn thành tựu bốn Vô sở úy.
Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Thế nào là bốn vô sở úy cua Như Lai?
Đáp: Đại Vương! Đó là nhất thiết trí vô úy, lậu tận vô úy, chướng đạo vô úy và tận khổ đạo vô úy.
Đại Vương nên biết! nhất thiết trí vô úy tức là Sa Môn Cù Đàm đều biết rõ hết tất cả pháp.
Nếu Trời, Người, Ma, Phạm, Sa Môn, Bà La Môn trong thế gian đều nói rằng: Sa Môn Cù Đàm không thể biết rõ tất cả các pháp. Nếu lời nói ấy đúng như thật, là điều không thể có.
Vì sao?
Vì Sa Môn Cù Đàm có khả năng biết rõ tất cả các pháp. Cho nên gọi là Bình Đẳng Chánh Giác, nghĩa là biết rõ các pháp phàm phu, pháp Thánh Nhân, pháp Thanh Văn, pháp Duyên Giác, pháp Phật, pháp Bồ Tát, pháp học, pháp vô học, pháp thế gian, pháp xuất thế gian, pháp thiện, pháp bất thiện, pháp hữu lậu, pháp vô lậu, pháp hữu vi, cho nên gọi là Chánh Giác. Nói bình đẳng tức là thấy bình đẳng, vì pháp chân thật, nói vô tướng bình đẳng, vì không có các tướng.
Nói vô nguyện bình đẳng, vì không đắm nhiễm ba cõi, không sinh bình đẳng vì tánh vô sinh. Không hành bình đẳng, vì tánh vô hành, vô xuất bình đẳng, vì tánh vô xuất, vô chí xứ bình đẳng vì tánh vô chí xứ. Chân thật bình đẳng vì không có ba đời. Giải thoát bình đẳng vì tánh vô minh. Niết Bàn bình đẳng vì không sinh tử. Vì thế, Sa Môn Cù Đàm đều có khả năng biết rõ tất cả pháp đến chỗ không còn sợ hãi.
Với tâm thương yêu rộng lớn, ở trong đại chúng rống lên tiếng rống Sư Tử, vận chuyển bánh xe pháp Phật, tất cả Trời, Người, Ma, Phạm, Sa Môn, Bà La Môn trong thế gian không ai có khả năng chuyển vận Chánh Pháp như thế. Đó gọi là nhất thiết trí vô úy.
Đại Vương nên biết! Lậu tận vô úy là Sa Môn Cù Đàm các lậu hoặc đã hết, cho nên đã tuyên bố rằng: Ta lậu hoặc đã hết.
Nếu như Trời, Người, Ma, Phạm, Sa Môn, Bà La Môn trong thế gian nói rằng: Sa Môn Cù Đàm các lậu hoặc chưa hết. Nếu nói lời như thế thì không đúng sự thật.
Vì sao?
Vì Sa Môn Cù Đàm các lậu hoặc đã hết. Đối với dục lậu, hữu lau, vô minh lậu và kiến lậu tâm đạt được giải thoát, các tập khí đã diệt. Cho nên, Sa Môn Cù Đàm các lậu hoặc đã hết, đến chỗ vô úy, ở trong đại chúng rống lên tiếng rống Sư Tử, xoay chuyển bánh xe Phật Pháp. Tất cả Trời, Người, Ma, Phạm, Sa Môn, Bà La Môn trong thế gian, chưa từng có ai có khả năng vận chuyển như thế, đó gọi là Lậu tận vô úy.
Đại Vương nên biết! Chướng đạo vô úy là Sa Môn Cù Đàm biết các pháp dục có thể chướng ngại Thánh đạo, cho nên đã nói rằng: Dục có thể làm chướng ngại đạo. Nếu như Trời, Người, Ma, Phạm, Sa Môn, Bà La Môn trong thế gian đều nói rằng. Các pháp dục không làm chướng ngại đạo. Nếu nói lời như vậy là không đúng sự thật.
Vì sao?
Vì Sa Môn Cù Đàm biết rõ đúng như thật là pháp chướng đạo. Pháp chướng đạo nghĩa là mười nghiệp bất thiện, có thể làm chướng ngại Thánh đạo. Sa Môn Cù Đàm có khả năng biết đúng như thật đến chỗ vô úy. Ở trong đại chúng rống lên tiếng rống Sư Tử, xoay chuyển bánh xe Phật Pháp, tất cả Trời, Người, Ma, Phạm, Sa Môn, Bà La Môn trong thế gian chưa từng có ai có khả năng chuyển vận bánh xe Phật Pháp như thế, đó gọi là chướng đạo vô úy.
Đại Vương nên biết! Tận khổ đạo vô úy là Sa Môn Cù Đàm nói: Tu tập đạo Thánh tận diệt ngọn nguồn khổ đau, đạt giải thoát vô thượng. Nếu như tất cả Trời, Người, Ma, Phạm, Sa Môn, Bà La Môn trong thế gian đều nói, tu tập Thánh đạo không thể chấm dứt hoàn toàn ngọn nguồn các đau khổ. Nếu nói như vậy thì không đúng sự thật.
Vì sao?
Vì Sa Môn Cù Đàm đã chứng vô thượng giải thoát, chấm dứt mọi đau khổ.
Thế nào gọi là Thánh đạo chân thật?
Đó là nhất thừa.
Nó có hai loại: Chỉ và quán.
Lại có ba loại: Không tam muội, vô tướng tam muội và vô nguyện tam muội.
Lại có bảy pháp: Từ bốn niệm xứ cho đến tám Thánh đạo, đó gọi là Thánh đạo hoàn toàn chân thật. Đạo rốt ráo là không tăng, không giảm, không giữ, không bỏ, không nắm, không buông, không chánh, không tà, không một, không hai, đó gọi là chánh đạo chân thật hoàn toàn.
Sa Môn Cù Đàm có khả năng biết đúng như thật đến chỗ vô úy, ở trong đại chúng rống lên tiếng rống Sư Tử, xoay chuyển bánh xe Phật Pháp, tất cả Trời, Người, Ma, Phạm, Sa Môn, Bà La Môn chưa từng có người nào có khả năng xoay chuyển bánh xe pháp như vậy nên gọi là Tận khổ đạo vô úy.
Đại Vương nên biết! Sa Môn Cù Đàm đã hoàn toàn thành tựu trí bốn vô úy như thế, có khả năng rống lên tiếng rống Sư Tử, cho nên ta nói là không có lỗi lầm.
Rồi nói bài kệ rằng:
Cù Đàm như Sư Tử
Trong chúng nói vô úy
Thế gian không ai bằng
Làm gì có người hơn?
Cù Đàm chứng các pháp
Như thật không hư vọng
Do thấy đúng như thật
Rống tiếng Sư Tử chúa.
Nếu có ai nói rằng:
Cù Đàm nói không đúng
Cù Đàm không thể thấy
Là không có điều đó.
Vì người không thấy tướng
Ở trong Trời và người
Sư Tử rống tự tại
Phát tiếng diệu vô úy.
Cù Đàm hết lậu hoặc
Đã đắc thân vô lậu
Vượt thế gian Trời người
Nên nói không ai bằng.
Cù Đàm vì chúng sinh
Nói các pháp chướng đạo
Tất cả đều như thật
Nên không nói hư vọng.
Cù Đàm nói tiến thủ
Tự chứng nói như thế
Người tu hành pháp ấy
Không có các chướng ngại.
Cù Đàm biết như vậy
Đến chỗ thắng vô úy
Đạt diệu lạc vô úy
Cù Đàm trụ an ổn.
Chuyển bánh xe chánh pháp
Chưa ai từng xoay chuyển
Thế gian không thể chuyển
Trừ Bậc Lưỡng Túc Tôn.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba