Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Thập Luân - Phẩm Năm - Phẩm Tướng Luân

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG THẬP LUÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM NĂM

PHẨM TƯỚNG LUÂN  

Bấy giờ, Đại Phạm Thiên tên là Thiên Tạng, vốn gieo trồng căn lành từ lâu, an trú vào Địa thứ mười là Đại Bồ Tát, hiện ở trong chúng hội, từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, gối phải quỳ sát đất, dùng kệ thưa hỏi Đức Phật:

Nay con cúi đầu thưa

Biển công đức vô biên

Nguyện xin Phật cho phép

Đoạn trừ các nghi hoặc.

Ngưỡng nguyện giữ công đức

Trong pháp vị tối thượng

Chúng sinh đều thích nghe

Như vậy Đệ nhất nghĩa.

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo Đại Phạm Thiên Tạng: Ông cứ tùy ý thưa hỏi, Như Lai Thế Tôn sẽ tùy theo lời hỏi để trả lời khiến ông được hoan hỷ chưa từng có.

Bấy giờ, Đại Phạm Thiên Tạng nói:

Kính vâng Thế Tôn!

Rồi dùng kệ hỏi:

Tu thiền định, trí tuệ

An trú không buông lung

Vì trú đệ nhất nghĩa

Mà ở nơi sinh tử.

Siêng năng tu tụng Kinh

Vượt qua biển phiền não

Thì sẽ chứng bất thoái

Hay rơi vào đường ác.

Luôn dốc sức khuyến hóa

Nhờ định hướng Niết Bàn

Do ở trong sinh tử

Bị rơi vào đường ác.

Trí tuệ hàng Sát Lợi

Nương theo mười luân này

Vì ở nơi sinh tử

Mà thành tựu Phật Đạo.

Tâm ác khó điều phục

Phiền não nhiều tán loạn

Làm sao được tịnh tâm

Thiền, tụng mà giáo hóa.

Đức Phật bảo Đại Phạm Thiên Tạng: Lành thay, lành thay! Ông đã có đầy đủ các hạnh ở nơi hằng hà sa coi Phật đời quá khứ tu tập ba nghiệp, giữ tâm thiền định, thường siêng năng tụng Kinh, điều hành các việc của Tăng Chúng, làm Phật Pháp hưng thịnh, xây dựng Tam Bảo, như rường cột lớn lại có thể vì vô lượng chúng sinh mà hỏi Như Lai về nghĩa lý này. Nếu hàng Thiện Nam nương vào oai lực của luân thọ ký, ở chỗ Đức Phật thời quá khứ mà giảng nói, an trú nơi thần thông.

Đó gọi là Như Lai tạo mọi thành tựu cho chúng sinh khiến họ chán lìa để diệt trừ bệnh phiền não, vì muốn làm viên mãn đạo pháp nơi ba thừa, nên từ mười phương cho đến hằng hà sa Chư Phật hiện tại cũng giảng thuyết: Nương theo oai thần của luân thọ ký, nhằm thành tựu chúng sinh, khiến họ chán lìa, diệt trừ tất cả phiền não, chứng viên mãn đạo quả ba thừa, an trụ trong chánh pháp.

Ông ở đời quá khứ nghe được Đức Phật thuyết giảng. Ta cũng như vậy, nương theo oai thần của luân thọ ký, muốn thành tựu cho tất cả chúng sinh nên khiến họ chán lìa, diệt trừ các phiền não, chứng được đầy đủ pháp ba thừa. Cho nên Đại Phạm, ông nên lắng nghe kỹ, khéo suy niệm.

Đại Phạm Thiên Tạng thưa: Kính vâng Đức Thế Tôn!

Đức Phật nói: Nếu có người nương theo mười luân bất thiện thì không đạt đầy đủ thiền định ở Cõi Dục cũng không thể thành tựu căn lành ở Cõi Dục, huống nữa là thành tựu tất cả thiền định ở Cõi Sắc và Cõi Vô Sắc. Lại cũng không thể thành tựu pháp nơi ba thừa và các căn lành khác.

Những gì là mười?

Có người muốn tu các thiền định nhưng không đủ, có người muốn phá giới tạo thành pháp ác, sinh tâm điên đảo, cũng chấp trước các tướng lành, tâm ác khó điều phục nên không thuận theo Thánh Hiền, các căn hết sức thô tháo nên không tạo đủ căn lành tốt đẹp.

Chỉ nói hai lưỡi, ưa thích tranh chấp, nói lời thô ác, thường nói lời nhục mạ, thích nói lời thêu dệt dối tra, sinh tâm tham lam, thấy người được lợi ích tâm nổi ganh ghét. Tất cả chúng sinh có tâm não hại tạo nhiều tà kiến cho là không có nhân quả.

Này Đại Phạm Thiên Tạng! Đầy đủ mười việc tuy muốn tu thiền định nhưng không thể thành tựu một chút điều lành ở Cõi Dục, huống nữa là thành tựu căn lành ở Cõi Sắc, Cõi Vô Sắc và pháp lành của ba thừa.

Lại nữa, Đại Phạm! Lại có mười việc không thể chứng được thiền định. Đó là ưa Thích Ca hát, ưa thích lời nói, thích ngủ nhiều, mong cầu nhiều, ưa thích sắc đẹp, ưa thích hương hoa, ưa thích mùi vị, ưa thích âm thanh, ưa thích xúc chạm, ưa thích ngắm nhìn. Đại Phạm đó là mười điều không thể chứng đắc thiền định.

Giả sư có đạt được liền mất đi, hoàn toàn không thể có. Chỉ dạy lòng tin được đàn việt bố thí, nhưng vì đó mà tâm sinh pháp ác. Nếu ở trong chúng có Vua Sát Lợi nhiều tội lỗi, nhục mạ người khác, dùng dao gậy chật tay chân của họ, hoặc phạm vào tội lớn phải chịu khổ lâu dài.

Hoặc bị bệnh, khi chết sinh vào đường ác cho đến địa ngục A tỳ. Ví như A Lan Ca Lan, Uất Đầu Lam Phất, Điệt Số Câu Ca Lê, Đề Bà Đạt Đa, hủy phá những thiền định như vậy nên phải bị vào địa ngục A tỳ chịu các tội nặng.

Bấy giờ, Đức Phật bảo Tôn Giả Kiều Trần Như: Hôm nay, ta cho phép các Tỳ Kheo thanh tịnh thọ nhận các thứ tốt nhất như giường nằm, đồ ngồi, đầy đủ thức ăn ngon lạ có thể trừ tất cả các bệnh tật cho chúng sinh.

Vì sao?

Vì nếu Tỳ Kheo ngồi thiền không đủ các thời thì tất cả tâm xấu nổi lên làm tán loạn, chỉ nhớ tới các việc ác, không thể thành tựu thiền định, cho đến ở địa ngục A tỳ chịu các tội báo. Nếu các duyên đầy đủ, tu tập các thiền định thì dễ thành tựu, tâm chuyên nhất, đã đạt rồi thì làm cho tăng trưởng. Tất cả pháp bất thiện và tâm tán loạn thì quán sát biết rõ không làm cho nó sinh khơi, hướng đến Niết Bàn, tới bờ bên kia.

Nếu có người ngồi thiền chưa thuần thục, đầu, giữa, cuối đêm thường siêng năng tu tập, xa lìa ồn náo, ít ham thích, biết đủ, đối với tất cả kết sử khởi tâm đoạn trừ, tất cả tham dục, sân hận, kiêu mạn, tự cao, nói hai lưỡi, nói lời thô ác, nói dối những loại như vậy đều được từ bỏ, nên được thọ nhận sự cúng dường, cung kính của trăm ngàn triệu Tứ Thiên Vương và Phạm Thiên, huống gì là Bà La Môn, Sát Lợi, Cư Sĩ, Tỳ Xá, Thủ Đà mà không cúng dường.

Đức Thế Tôn nói kệ:

Tu thiền diệt các kết

Nghiệp khác không thể sinh

Cho nên thiền thứ nhất

Người trí nên cúng dường.

Bấy giờ, Đại Phạm Thiên Tạng thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu có Tỳ Kheo tu thiền định thì hàng Sát Lợi, Đại Thần có thể dùng hình phạt roi, gậy, ngói, đá chặt đứt thân hình của họ không?

Đức Phật nói: Này thiện nam! Như các Tỳ Kheo xuất gia tu pháp của Phật, cạo bỏ râu tóc, mặc áo Ca Sa thì tất cả hàng Trời, Người, A Tu La đều nên cúng dường. Nếu giữ gìn giới cấm thì không nên dùng hình phạt nhốt vào ngục, chặt đứt tay chân, cho đến giết chết, đều không nên dùng những pháp luật như thế.

Vì sao?

Vì ngoài các vị đa văn và bậc trì giới ra, còn có những Tỳ Kheo phá giới, ở trong giáo pháp của ta mà xuất gia, tạo các việc ác khác nào ung nhọt, chẳng phải Bà lamôn mà tự cho là Bà La Môn, chẳng phải phạm hạnh mà cho là phạm hạnh, bị thoái chuyển quên mất các quả vị chứng đắc của Bậc Thánh. Vì các phiền não trói buộc quá chặt nên bị tổn hại.

Lại các Tỳ Kheo xấu ác, phá giới có thể thị hiện giáo hóa cho Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân phi nhân, được vô lượng kho tàng công đức châu báu. Nếu có người theo ta để xuất gia thì chúng sinh phải tạo mười tưởng thù thắng, được vô lượng, vô biên phước đức.

Những gì là mười?

Đó là có các chúng sinh được theo ta xuất gia nên nhớ tưởng niệm Phật. Vì do tâm thanh tịnh này mà được nhân duyên vui vẻ, không tin tất cả ngoại đạo khác, cho đến Kinh sách của ngoại đạo. Nếu khi gặp được thì nên suy nghĩ kỹ về giới của Thánh, nhờ nhân duyên này mà đoạn trừ sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối cho đến không uống rượu, hội nhập thành Niết Bàn.

Lại thấy có người theo ta xuất gia nên khởi tâm bố thí, vì nhân duyên này ở đời vị lai được giàu có vô cùng, khéo đi khéo hướng tới do cúng dường tối thắng nên thường được cung cấp đầy đủ, cho đến vào thành Niết Bàn không lo sợ.

Lại thấy có người theo ta xuất gia tu pháp của Phật, dịu dàng chân thật, thường thực hành nhẫn nhục mà không sinh vội vàng, tâm không cuồng loạn, ưa thích chánh pháp, thường thích nơi chốn vắng lặng, cho đến muốn nhập vào thành Niết Bàn dứt mọi sợ hãi.

Nếu có chúng sinh phá giới, làm những việc phi pháp, oai nghi tồi tệ, thấy người như vậy nên nói nhỏ nhẹ đầy đủ lễ nghi. Do nhân duyên ấy, người đó đời sau sinh vào nhà giàu sang, có uy lực lớn, thường được tất cả mọi người chiêm ngưỡng cho đến nhập vào thành Niết Bàn.

Này Đại Phạm Thiên Tạng! Nếu theo pháp ta xuất gia, thực hành việc ác, Tỳ Kheo như vậy là mù tối không thấy, đây không phải Sa Môn mà tự xưng là Sa Môn, không phải là phạm hạnh mà tự xưng phạm hạnh, bị chìm đắm, đọa lạc, các phiền não làm hại.

Tỳ Kheo tu hành pháp ác như thế còn có thể khai thị giáo hóa cho tất cả hàng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân Phi Nhân đều được tất cả kho tàng công đức pháp thiện, làm người bạn lành.

Tuy không ít muốn, biết đủ, nhưng cạo bỏ râu tóc, mặc áo Ca Sa, do nhân duyên này có thể làm tăng trưởng căn lành cho chúng sinh ở trong hàng Trời, Người, mà khai thị giáo hóa việc lành.

Cho nên Tỳ Kheo theo ta xuất gia nếu trì giới hay phá giới, ta đều không cho phép, Vua Chuyển Luân Thánh Vương, Đại Thần, Tể Tướng, không được dùng hình phạt giam cầm, cắt bỏ tay chân, cho đến đoạn mạng, huống nữa là Tỳ Kheo phạm nhẹ tội phá giới, thiếu oai nghi.

Tuy người đã chết, nhưng năng lực vẫn còn, như bò vàng, tuy bị chết người vẫn giữ lấy, cũng như xạ hương sau khi chết cũng còn hữu dụng làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Tỳ Kheo làm ác tuy phạm giới cấm, nhưng năng lực của người ấy còn có thể làm lợi ích cho vô lượng hàng Trời, Người.

Ví như có người mua bán vào trong biển lớn, giết vô lượng chúng sinh, móc lấy mắt của họ rồi dùng trái A Ma Na giã nhỏ gấp năm lần hòa vào nhau thành một thứ thuốc tốt. Nếu có chúng sinh mắt mờ, không có mắt cho đến mù bẩm sinh thì dùng thuốc báu này bôi lên mắt, các bệnh được lành, đôi mắt trong sáng.

Đúng vậy, đúng vậy! Nếu các Tỳ Kheo phá giới cấm, làm các việc ác ở trong pháp Phật, gọi là người đã chết nhưng cũng có thể làm cho những chúng sinh khác được pháp nhãn trí tuệ thanh tịnh, có thể khiến cho người thấy còn được như vậy, huống nữa là khai thị giáo hóa đầy đủ các pháp.

Này Đại Phạm! Ví như đốt hương, thân hương tuy đã hết nhưng mùi thơm vẫn còn. Tỳ Kheo phá giới cũng lại như vậy, tự rơi vào đường ác nhưng vẫn làm cho căn lành của chúng sinh tăng trưởng.

Tỳ Kheo làm ác vì không tin sự thiêu đốt, sau khi qua đời rơi vào ba đường ác, còn có thể khiến cho người khác được lợi ích lớn, chỉ rõ đạo Niết Bàn. Do nhân duyên này, tất cả Cư Sĩ không nên chê bai khinh lờn Tỳ Kheo phá giới, đều được giữ gìn tôn trọng cúng dường, không cho phép dùng hình phạt nhốt giam thân họ, cho đến giết mạng sống.

Chúng Tăng bốn phương nếu đến thời bố tát, tự tứ cho phép đuổi đi, không cùng làm tác pháp yết ma, những vật ăn uống, chỗ ngồi của Tăng Chúng trong ba đời đều không cho dùng, nhưng đều không cho phép các Vua, Đại Thần, dùng hình phạt roi, gậy, giam giữ cho đến giết mạng sống của họ.

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:

Ngắm hoa cúc tuy héo

Hơn hẳn các hoa khác

Các Tỳ Kheo phá giới

Cũng hơn hẳn ngoại đạo.

Lại nữa, này Đại Phạm Thiên Tạng! Có năm thứ tội nghịch là tội ác nhất.

Những gì là năm?

Đó là vì có tâm giết hại cha mẹ, A La Hán, phá hoại sự hòa hợp của chúng Thanh Văn cho đến với tâm ác làm thân Phật chảy máu. Như vậy gọi là năm tội nghịch.

Nếu người làm năm tội nghịch, nếu người cứ tạo mỗi một tội nghịch thì không được xuất gia thọ giới Cụ Túc, tức là phạm trọng tội phải đuổi đi. Nếu đã có các oai nghi của người xuất gia thì không nên dùng hình phạt roi, gậy cho đến giam nhốt.

Lại có bốn tội nặng, giống như tội nghịch phạm vào tội căn bản.

Thế nào là bốn?

Giết Bích Chi Phật gọi là phạm căn bản của tội sát sinh. Làm ô nhiễm A La Hán và Tỳ Kheo Ni gọi là phạm căn bản của tội tà dâm. Nếu có người đem tài vật cúng dường cho Phật, Pháp, Tăng mà tự ý lấy vật ấy sử dụng gọi là phạm căn bản của tội trộm cắp.

Nếu có nhiều nhận thức sai lầm phá hoại Tỳ Kheo Tăng gọi là phạm căn bản của tội phá Tăng. Nếu có người ở trong bốn tội căn bản mà phạm mỗi một tội thì đều không cho phép xuất gia trong pháp của Phật. Giả sử đã xuất gia rồi cũng không được thọ giới Cụ Túc. Nếu đã lãnh thọ giới Cụ Túc liền đuổi khỏi Tăng Chúng.

Nhờ đã xuất gia và có phép tắc oai nghi thì không nên dùng roi, gậy, gông cùm để giết mạng sống. Như vậy đều phạm căn bản của tội chẳng phải tội nghịch. Có tội căn bản gọi là tội nghịch, còn có tội nghịch chẳng phải là tội căn bản. Có tội chẳng phải tội căn bản cũng chẳng phải là tội nghịch.

Thế nào là tội nghịch cũng là tội căn bản?

Nếu có người xuất gia lãnh thọ giới Cụ Túc, thấy được đạo đế mà đoạn trừ mạng căn của họ gọi là tội nghịch cũng gọi là tội căn bản. Chúng sinh như vậy ở trong giới luật của ta nên đuổi đi. Thế nào là tội căn bản mà chẳng phải là tội nghịch?

Nếu có người ở trong pháp của ta xuất gia, chúng sinh phàm phu như vậy làm hại mạng người, hoặc dùng thuốc độc, hoặc phá hoại thai người, gọi là tội căn bản chẳng phải là tội nghịch. Nếu có các vật ăn uống, nằm ngồi của Tăng bốn phương thì đều không được cùng nhau hưởng lợi dưỡng.

Nếu có chúng sinh đối với Phật, Pháp, Tăng sinh tâm nghi ngờ, xuất gia ở trong ấy tự nói: Còn có Thế Tôn! Hoặc ở trong các loại tướng tốt mà sinh tâm nghi ngờ. Lại có người ở trong pháp thuyết giảng của Như Lai mà sinh tâm do dự. Đối với hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật cho đến Đại Thừa, trong đó phỉ báng tội của họ, thấy người khác đọc tụng mà làm cản trở cho đến một bài kệ.

Đây chẳng phải là tội căn bản, cũng chẳng phải là tội nghịch. Gọi là rất ác, gần với tội nghịch. Chúng sinh như vậy nếu không sám hối để trừ tội căn bản, hoàn toàn không cho xuất gia trong pháp của Phật. Giả sử đã xuất gia, thọ giới Cụ Túc mà không sám hối lỗi lầm thì cũng đuổi ra khỏi chúng.

Vì sao?

Vì không tin chánh pháp, hủy báng ba thừa, phá hoại mắt chánh pháp, muốn diệt chánh pháp, đoạn dứt ba ngôi báu, làm giảm bớt hàng Trời, Người, không được lợi ích rơi vào ba đường ác. Hai loại người này gọi là hủy báng chánh pháp, chê bai Thánh Hiền, chịu sống lâu ở địa ngục, đã chịu các nghiệp. Gọi là tội căn bản của giới trọng.

Thế nào là phạm tội căn bản không có oai nghi?

Nếu có Tỳ Kheo phạm giới dâm là tội căn bản, nếu giết người phàm phu thì phạm tội căn bản, đoạn trừ ba ngôi báu, vật không cho mà lấy là phạm tội căn bản, lời nói lừa dối là phạm tội căn bản. Ở trong bốn tội căn bản này nếu phạm một tội thì các Tỳ Kheo khi làm các tác pháp yết ma không cho tham dự.

Những tài vật như thức ăn uống, đồ ngồi nằm của Tăng bốn phương đều không thọ dụng. Nhưng Vua, Đại Thần, các quan không nên dùng hình phạt roi, gậy, giam cầm để đoạn dứt mạng sống. Đó gọi là thể, tánh tướng của tội căn bản.

Thế nào gọi là căn bản nơi tội trọng?

Nếu người thực hành như vậy sau khi qua đời rơi vào ba đường ác, làm như vậy là căn bản của đại ác, cho nên gọi là toi căn bản.

Ví như viên sắt nặng, tuy ném lên không trung nhưng tức khắc rơi trên mặt đất. Năm tội nghịch như thế, phạm vào bốn giới trọng và hai hạng chúng sinh hủy hoại chánh pháp, phỉ báng chánh pháp. Như vậy có mười một loại tội, nếu có người phạm mỗi một tội, sau khi qua đời đều rơi vào địa ngục A tỳ.

Cho nên làm tội nghịch thì phạm vào trọng tội căn bản, đều không cho phép độ người khác xuất gia, những người phạm tội nghịch như vậy, trong thân họ không diệt được các phiền não trói buộc để thành tựu thiền định, huống nữa là có thể vượt thoát và chứng được Bồ Tát.

Sau khi mạng chung, chắc chắn rơi vào địa ngục chịu các khổ của đường ác. Nếu có Thiện Nam, Thiện Nữ nào nhờ lòng tin hiểu sâu xa quy y pháp của Phật, hướng đến quả vị Thanh Văn, Bích Chi Phật và đại thừa.

Ở trong pháp của ta mà được xuất gia lãnh thọ giới Cụ Túc, có nhiều lòng tin, giữ gìn bốn trọng tội căn bản, thường siêng năng tinh tấn dũng mãnh không ngừng nghỉ, luôn luôn ủng hộ Nhân phi nhân, hoàn toàn xứng đáng thọ nhận sự cúng dường của hàng Trời, Người. Ở trong ba thừa, tùy thời được An Lạc.

Vì sao?

Vì chí cầu giải thoát cho đến khi xả bỏ thân mạng cũng không phạm giới.

Vì sao?

Ba loại chúng sinh này đều cầu Niết Bàn, tu tập nhân đó, y quy Thế Tôn, nương theo Kinh luật, dựa vào đệ tử chân chánh của Thanh Văn.

Nếu có chúng sinh phạm vào bốn giới trọng, chẳng phải là đệ tử của Phật, ta đã thị hiện giáo hóa pháp tướng sâu xa, tất cả là vô thường, khổ, không, vô ngã, vì lợi ích An Lạc của chúng sinh nên giảng thuyết pháp Ba La Đề Mộc Xoa. Như có người đối với Kinh, luận, thiền định mờ mịt, không hiểu rõ, phá giới, chìm đắm thì bị rơi vào ba đường ác.

Nếu có Thiện Nam hay Thiện Nữ ở trong pháp thanh tịnh Ba La Đề Mộc Xoa này mà không phạm tội căn bản, ta là Thế Tôn của họ, họ là đệ tử của ta, tùy thuận theo lời dạy của ta mà an trú trong pháp của Phật, tất cả việc làm đều được thành tựu giới thân an ổn và các pháp lành, cũng có thể xây dựng lợi ích An Lạc lớn cho hàng Trời, Người.

Bạch Thế Tôn! Những người như vậy thì đầy đủ tất cả thừa Thanh Văn, Bích Chi Phật cho đến Đại Thừa đều được khéo an trú.

Vì sao?

Vì giữ gìn giới căn bản và hết thảy chánh pháp và các pháp hữu lậu, vô lậu, tất cả đều nhờ đó mà được thành tựu nên gọi là giới căn bản. Ví như nhờ đất mà tất cả vạn vật, trăm thứ cỏ, thuốc, lúa phát triển. Ví như khéo học bốn giới căn bản thì tất cả pháp lành nhờ đó được sinh.

Ví như đất rộng lớn tất cả các núi, núi Vua Thiết Vi, núi Vua Đại Thiết Vi, núi chúa Tu Di đều đứng vững trên đó. Khéo học bốn pháp căn bản như vậy Thanh Văn, Bích Chi Phật cho đến Đại Thừa vô thượng đều nương đó mà an trú.

Ví như mặt đất lớn tất cả vạn vật đều nương vào đó mà sống. Như vậy người học bốn pháp căn bản này thì thiền định, giải thoát, Tổng trì cho đến quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác cũng nhờ đó mà thành tựu. Ví như mặt đất lớn các vật dơ, sạch đều chứa tất cả.

Như vậy này thiện nam, thiện nữ khéo học bốn giới căn bản, trì giới, hủy phạm giới là pháp khí, là chẳng phải pháp khí đều được viên mãn đầy đủ. Tự quán sát kỹ không nói tội lỗi của người không tự cao, cũng không nhục mạ người khác, có thể làm tất cả biển pháp thiện, như mặt đất lớn là chỗ nương tựa của tất cả chúng sinh.

Như vậy, này thiện nam, thiện Nữ, có thể tu tập hoàn toàn bốn giới căn bản. Đối với tất cả sự giảng thuyết Kinh luận của Như Lai đều ưa thích vui vẻ thọ trì, không sinh các loại tưởng phi pháp. Tất cả chúng sinh đều nương vào bốn nhiếp pháp để sinh sống.

Bấy giờ, Tôn Giả Ưu Ba Ly từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, chắp tay thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu Thế Tôn nói như vậy là pháp khí và chẳng phải là pháp khí đều không quở trách thì ở đời vị lai, người ấy thực hành việc ác, Tỳ Kheo như vậy chẳng phải là Sa Môn mà làm Sa Môn, chẳng phải phạm hạnh mà làm phạm hạnh.

Hôm nay, Như Lai phải nên quở trách tâm hạng người ấy và đuổi ra khỏi chúng?

Đức Phật nói: Ta đều không chấp nhận người thế tục quở trách. Lại có mười điều quở trách phi pháp tức bị tội nặng.

Những gì là mười?

Nếu có Tăng không hòa hợp, đứng trước Vua của nước mà quở trách gọi là phi pháp.

Nếu có Tăng không hòa hợp, ở trong chúng Bà La Môn mà quở trách cũng gọi là phi pháp.

Nếu có Tăng không hòa hợp, ở trong quyến thuộc của Vua mà quở trách, gọi là phi pháp.

Nếu có Tăng không hòa hợp đối với hàng Cư Sĩ mà quở trách, gọi là phi pháp.

Nếu có Tăng không hòa hợp, trong hàng phụ nữ, trẻ em mà quở trách, gọi là phi pháp.

Nếu có Tăng không hòa hợp, ở trước vị Tăng thanh tịnh mà quở trách, gọi là phi pháp.

Nếu có Tăng không hòa hợp, ở trong chúng Tỳ Kheo Ni mà quở trách, gọi là phi pháp.

Nếu có Tăng không hòa hợp, ở trước kẻ oán địch mà quở trách, gọi là phi pháp.

Nếu có Tăng không hòa hợp, vì tâm sân giận mà cùng quở trách, gọi là phi pháp.

Có mười điều phi pháp như vậy không nên quở trách. Giả sử được cử ít tội cũng không nên nhận cử tội. Nếu lại có quở trách ít mà đúng như lời Phật dạy thì không nên nhận cử tội người khác.

Lại có mười điều quở trách phi pháp không nên nhận.

Những gì là mười?

Đó là nếu ngoại đạo đến quở trách cũng không nên nghe lời. Chẳng phải là Cư Sĩ trì giới mà phạm tội nghịch chê bai chánh pháp, hủy hoại Bậc Hiền Thánh, nếu khởi tâm cuồng tâm tán loạn, vì Chư Thiên khác bố thí, cho là tịnh nhân của Tăng bốn phương. Nếu là Tỳ Kheo phạm giới này được cử tội đều không nên nhận. Đó gọi là mười điều quở trách phi pháp không được thọ nhận.

Nếu có Tỳ Kheo làm các điều ác ở trong Tăng Chúng, có vị Tỳ Kheo thanh tịnh đầy đủ oai nghi, đối với các điều phi pháp đều không làm, thành tựu năm pháp thì nên đảnh lễ vị Tăng đó.

Các Tỳ Kheo ác nói: Hôm nay tôi muốn cử tội ông, là thật chứ không hư dối.

Khi ấy, chẳng phải thời, với tâm từ bi, hiền hòa mà nói: Vì muốn cho chánh pháp của Phật tồn tại lâu dài và hưng thịnh.

Nhưng tất cả pháp Phật, nếu cho phép ta giảng thuyết thì ta sẽ đúng như pháp cử tội ông.

Người ấy nếu không cho phép, ta sẽ đảnh lễ Tỳ Kheo trì giới, ngồi trên tòa đó mà thưa: Thưa Đại Đức! Vị Tỳ Kheo này phạm những việc như vậy, dựa nơi năm pháp mà cử tội ông ta. Tỳ Kheo ngồi trên tòa nên suy nghĩ lời nói này đúng theo Kinh, đúng theo luật nên dùng pháp diệt tránh để trừ diệt.

Nếu phạm tội nặng nên dùng pháp trọng để trị, nếu phạm tội vừa nên dùng pháp vừa để trị, nếu phạm tội nhẹ thì dùng pháp nhẹ để trị, dạy cho họ sám hối lỗi lầm.

Tôn Giả Ưu Ba Ly thưa Phật: Thưa Thế Tôn! Nếu tạo các việc ác, Tỳ Kheo thật có tội lỗi. Hoặc dựa vào thế lực của Cư Sĩ, hoặc dựa vào tài vật của người giàu có, hoặc dựa vào học vấn giỏi, hoặc dựa vào những ngôn từ biện bạch, hoặc dựa vào đệ tử. Đó là các thế lực.

Tăng Chúng phải cùng nhau hòa hợp nương vào Kinh, nương vào luật, nương vào người có giới đức, không dùng ngôn ngữ mà dùng thế lực nên làm như thế nào?

Đức Phật đáp: Nên đến cung Vua, Đại Thần, Tể Tướng đúng như pháp mà trị tội.

Tôn Giả Ưu Ba Ly thưa: Bạch Thế Tôn! Tỳ Kheo làm những điều ác như thế, hoặc thế lực của tài vật, hoặc năng lực của sự hiểu rộng, hoặc năng lực của biện tài có thể khiến cho Vua, Đại Thần trong nước vui vẻ.

Hoặc có nhiều bè nhóm phi pháp thì nên bỏ chăng?

Phật bảo: Này Tôn Giả Ưu Ba Ly! Nếu những việc chưa hiển bày thì nên bỏ qua, còn những việc đã rõ ràng thì Tăng nên nhanh chóng đuổi đi không nên cùng sống chung.

Này Tôn Giả Ưu Ba Ly! Ví như nhìn thấy lúa tẻ bị gốc cành lá của cỏ vức làm hại mà đau lòng, cỏ đó giống với lúa. Nếu chưa nhổ đi thì không thể phân biệt, vứt bỏ đi rồi ruộng lúa của nông phu sẽ tốt tươi vì đã trừ bỏ hết cỏ dại.

Vì sao?

Vì chỉ còn lúa.

Này Tôn Giả Ưu Ba Ly! Tỳ Kheo phá giới làm ác như vậy, nếu nương vào năng lực của Cư Sĩ hoặc trong Tăng Chúng, khi lỗi chưa hiện ra thì người không nên chỉ trích, những việc đã hiện ra rồi, Chư Thiên liền quở trách, nên nói với Tăng Chúng không nên che giấu. Nếu có Tỳ Kheo ác thì Chúng Tăng nên mau chóng hòa hợp đuổi đi.

Này Tôn Giả Ưu Ba Ly! Ví như biển lớn không dung chứa các thây chết.

Như vậy, các đệ tử Thanh Văn của ta nếu dua nịnh phá giới, những người ác này không nên sống chung, cũng như vậy. Nếu có Tỳ Kheo phá giới được Vua Sát Lợi và các vị hầu cận làm bè nhóm phi pháp, như vậy, Tỳ Kheo này được nương tựa vào tài vật của người giàu có, hiểu biết rộng, ngôn từ biện luận, nhờ những năng lực này làm tâm họ buông lung, ở trong Tăng Chúng không sợ.

Bấy giờ, Tỳ Kheo biết hổ thẹn, trì giới, tâm nghi ngờ không nên cùng tranh cãi, không nên che chở, không cùng làm bạn.

Tỳ Kheo trì giới như vậy liền nói: Vua và Đại Thần của nước này nên đến nước khác.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần