Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Năm Mươi Bốn - Phẩm đại Như
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT
KINH BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẨM NĂM MƯƠI BỐN
PHẨM ĐẠI NHƯ
Lúc bấy giờ Chư Thiên Cõi Dục, Cõi Sắc đem hương bột Chiên Đàn Cõi Trời và những hoa sen xanh, đỏ, hồng, trắng, Cõi Trời vói rải cúng dường Đức Phật, rồi đến chỗ Đức Phật đảnh lễ chân Phật đứng qua một phía mà thưa rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Vô thượng bồ đề của Chư Phật thật là rất sâu, khó thấy, khó hiểu, chẳng thể suy gẫm mà biết được, là vi diệu tịch diệt, chỉ có bức trí mới biết được, ngoài ra tất cả thế gian chẳng thể tin được.
Tại sao vậy?
Vì trong bát nhã Ba la mật sâu xa nói thế này: Sắc tức là bát nhã Ba la mật, bát nhã Ba la mật tức là sắc, nhẫn đến nhất thiết chủng trí tức là bát nhã Ba la mật, bát nhã Ba la mật tức là nhất thiết chủng trí. Sắc tướng như, bát nhã Ba la mật tướng như là một như, không hai, không khác. Nhẫn đến nhất thiết chủng trí tướng như, bát nhã Ba la mật tướng như là một không hai, không khác.
Đức Phật dạy: Đúng như vậy.
Này Chư Thiên Tử! Sắc tức là bát nhã Ba la mật, bát nhã Ba la mật tức là sắc. Nhẫn đến nhất thiết chủng trí là bát nhã Ba la mật, bát nhã Ba la mật là nhất thiết chủng trí. Sắc tướng như, nhẫn đến nhất thiết chủng trí tướng như là một như, không hai, không khác.
Thế nên, này Chư Thiên Tử! Lúc mới thành đạo, lòng Đức Phật muốn yên lặng chẳng muốn thuyết pháp.
Tại sao vậy?
Vì pháp vô thượng bồ đề của Đức Phật chứng được rất sâu, khó thấy, khó hiểu, chẳng thể suy gẫm được, là vi diệu tịch diệt, chỉ bức trí biết được, còn tất cả thế gian chẳng thể tin được.
Tại sao vậy?
Vì vô thượng bồ đề không người được, không chỗ được, không thời gian được, đây là tướng rất sâu của các pháp, chính là không có hai pháp.
Này Chư Thiên Tử! Ví như vì hư không rất sâu nên pháp này rất sâu, vì như rất sâu nên pháp này rất sâu, vì pháp tánh, thiệt tế, bất khả tư nghì, vô biên rất sâu nên pháp này rất sâu, vì vô lai, vô khứ rất sâu nên pháp này rất sâu, vì bất sanh, bất diệt, vô cấu, vô tịnh, vô trí, vô đắc rất sâu nên pháp này rất sâu.
Này Chư Thiên Tử! Vì ngã rất sâu nhẫn đến tri giả, kiến giả rất sâu nên pháp này rất sâu.
Này Chư Thiên Tử! Vì sắc rất sâu, thọ, tưởng, hành, thức rất sâu nên pháp này rất sâu. Vì sáu Ba la mật nhẫn đến vô pháp hữu pháp không rất sâu nên pháp này rất sâu. Vì tứ niệm xứ đến nhất thiết chủng trí rất sâu nên pháp này rất sâu.
Chư thiên Cõi Dục, Cõi Sắc thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Pháp vừa Đức Phật dạy, tất cả thế gian chẳng thể tin được.
Bạch Đức Thế Tôn! Pháp sâu xa này chẳng vì lấy hay bỏ sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà nói, nhẫn đến chẳng vì bỏ hay lấy nhất thiết chủng trí mà nói.
Các thế gian đều thọ lấy mà thật hành nào sắc là ngã, là ngã sở, nào thọ, tưởng, hành, thức là ngã, là ngã sở, nhẫn đến nhất thiết chủng trí là ngã, là ngã sở.
Đức Phật dạy: Đúng như vậy.
Này Chư Thiên Tử! Pháp rất sâu xa này chẳng phải vì lấy hay bỏ sắc mà nói, nhẫn đến chẳng phải vì lấy hay bỏ nhất thiết chủng trí mà nói.
Này Chư Thiên Tử! Nếu có Bồ Tát vì thọ lấy sắc nhẫn đến vì thọ lấy nhất thiết chủng trí mà tu hành, Bồ Tát này chẳng tu hành được bát nhã Ba la mật, chẳng tu hành được Thiền Na Ba la mật nhẫn đến chẳng tu hành được nhất thiết chủng trí.
Ngài Tu Bồ Đề thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Pháp rất sâu xa này tùy thuận tất cả pháp: Tùy thuận Đàn Ba la mật nhẫn đến tùy thuận nhất thiết chủng trí.
Pháp này vô ngại: Chẳng ngại sắc, thọ, tưởng, hành, thức nhẫn đến chẳng ngại nhất thiết chủng trí.
Này Chư Thiên Tử! Pháp này tên là vô ngại tướng, vì đồng như hư không, vì đồng như Pháp tánh, Pháp trụ, thiệt tế, bất khả tư nghì tánh, vì đồng như hư không, vô tướng, vô tác.
Pháp này sanh tướng: Sắc chẳng sanh nhẫn đến nhất thiết chủng trí chẳng sanh, vì bất khả đắc vậy. Pháp này không xứ sở, vì xứ sở của sắc nhẫn đến xứ sở của nhất thiết chủng trí bất khả đắc vậy.
Bấy giờ Chư Thiên Cõi Dục, Cõi Sắc thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Ngài Tu Bồ Đề là Phật Tử, tùy Phật sanh.
Tại sao vậy?
Vì chỗ nói của Ngài Tu Bồ Đề đều hiệp với không.
Ngài Tu Bồ Đề nói: Này Chư Thiên Tử! Các Ngài bảo Tu Bồ Đề là Phật Tử, tùy Phật sanh?
Thế nào là tùy Phật sanh?
Vì tướng như nên Tu Bồ Đề tùy Phật sanh.
Tại sao vậy?
Vì Đức Như Lai tướng như chẳng lai, chẳng khứ, Tu Bồ Đề tướng như cũng chẳng lai, chẳng khứ, thế nên Tu Bồ Đề là tùy Phật sanh.
Lại Tu Bồ Đề từ nào đến giờ vẫn tùy Phật sanh.
Tại sao vậy?
Vì Đức Như Lai tướng như tức là tất cả pháp tướng như, tất cả pháp tướng như tức là Đức Như Lai tướng như. Trong tướng như này cũng không có tướng như. Thế nên Tu Bồ Đề là tùy Phật sanh.
Lại Đức Như Lai như là tướng thường trụ, Tu Bồ Đề như cũng là tướng thường trụ. Đức Như Lai như tướng cũng không dị biệt. Thế nên Tu Bồ Đề là tùy thuận Phật sanh.
Đức Như Lai tướng không có chỗ ngại, tất cả pháp như tướng cũng không có chỗ ngại, đây là Như Lai như tướng cùng nhất thiết pháp như tướng là một như, không hai, không khác.
Như tướng này vô tác trọn không chẳng như, nên như tướng này là như duy nhất, không hai, không khác. Thế nên Tu Bồ Đề là tùy Phật sanh.
Đức Như Lai như tướng tất cả chỗ vô niệm, vô biệt, Tu Bồ Đề như tướng cũng tất cả chỗ vô niệm, vô biệt. Đức Như Lai như tướng chẳng dị biệt, chẳng thể được, Tu Bồ Đề cũng vậy. Thế nên Tu Bồ Đề là tùy Phật sanh.
Đức Như Lai như tướng chẳng xa rời các pháp như tướng, như: Này trọn không chẳng như, vì như chẳng khác nên Tu Bồ Đề là tùy Phật sanh, mà cũng không chỗ tùy. Lại Đức Như Lai như tướng chẳng quá khứ, chẳng vị lai, chẳng hiện tại, các pháp như tướng cũng chẳng quá khứ, chẳng vị lai, chẳng hiện tại, thế nên Tu Bồ Đề là tùy Phật sanh.
Lại Đức Như Lai như chẳng ở trong như quá khứ, chẳng ở trong như vị lai, chẳng ở trong như hiện tại. Quá khứ như, vị lai như, hiện tại như cũng chẳng ở trong Như Lai như, là một như, không hai, không khác.
Sắc như, Như Lai như, thọ, tưởng, hành, thức như, Như Lai như, là một như, không hai, không khác. Ngã như nhẫn đến tri giả như, Như Lai như, là một như, không hai, không khác.
Đàn Ba la mật như nhẫn đến nhất thiết chủng trí như, Như Lai như, là một như, không hai, không khác. Đại Bồ Tát do được như vậy nên gọi là Như Lai.
Lúc Ngài Tu Bồ Đề nói phẩm như tướng trên đây, cõi đại thiên Thế Giới này chấn động sáu cách.
Chư Thiên Cõi Dục, Cõi Sắc đem bột Chiên Đàn hương Trời rải trên Đức Phật, cũng rải trên Ngài Tu Bồ Đề mà thưa rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Phật là chưa từng có. Ngài Tu Bồ Đề do Đức Như Lai như mà tùy Phật sanh.
Ngài Tu Bồ Đề lại nói với Chư Thiên: Này các Ngài! Tu Bồ Đề chẳng từ trong sắc mà Phật sanh, cũng chẳng từ trong sắc như mà tùy Phật sanh. Tu Bồ Đề chẳng rời sắc mà tùy Phật sanh, cũng chẳng rời sắc như mà tùy Phật sanh.
Nhẫn đến Tu Bồ Đề chẳng từ trong nhất thiết chủng trí mà tùy Phật sanh, cũng chẳng trong nhất thiết chủng trí mà tùy Phật sanh, chẳng rời nhất thiết chủng trí như mà tùy Phật sanh.
Tu Bồ Đề chẳng từ trong vô vi mà tùy Phật sanh, chẳng từ vô vi như mà tùy Phật sanh, chẳng rời vô vi mà tùy Phật sanh, cũng chẳng rời vô vi như mà tùy Phật sanh.
Tại sao vậy?
Vì tất cả pháp ấy đều là vô sở hữu, đều là bất khả đắc, không người tùy sanh, cũng không pháp tùy sanh.
Lúc bấy giờ Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Như ấy chân thiệt chẳng hư. Pháp tướng, pháp trụ, pháp vị rất sâu. Trong đây, sắc không thể được, sắc như không thể được.
Tại sao vậy?
Vì sắc còn không thể được, huống gì sắc như mà lại có thể được. Nhẫn đến nhất thiết chủng trí chẳng thể được, nhất thiết chủng trí như chẳng thể được.
Tại sao vậy?
Vì nhất thiết chủng trí còn chẳng thể được, huống gì nhất thiết chủng trí như mà lại có thể được.
Đức Phật dạy: Đúng như vậy.
Này Xá Lợi Phất! Như ấy chân thiệt chẳng như. Pháp tướng, pháp trụ, pháp vị rất sâu. Trong đây, sắc nhẫn đến nhất thiết chủng trí đều chẳng thể được, sắc như nhẫn đến nhất thiết chủng trí như đều chẳng thể được.
Tại sao vậy?
Vì sắc nhẫn đến nhất thiết chủng trí còn chẳng thể được, huống gì sắc như nhẫn đến nhất thiết chủng trí như mà lại có thể được.
Lúc Ngài Xá Lợi Phất nói như tướng trên đây, trong pháp Hội có hai trăm vị Tỳ Kheo vì chẳng thọ tất cả pháp nên được hết phiền não, thành A La Hán, năm trăm Tỳ Kheo Ni xa trần lìa cấu, được pháp nhãn thanh tịnh.
Năm ngàn Đại Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn. Sáu ngàn Bồ Tát vì chẳng thọ tất cả pháp nên hết phiền não, tâm được giải thoát, thành A La Hán.
Đức Phật Phán dạy: Này Xá Lợi Phất! Sáu ngàn Bồ Tát thành A La Hán trên đây, Đời trước họ gặp năm trăm Đức Phật, cúng dường, gần gũi. Họ thật hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định.
Vì không có sức phương tiện của bát nhã Ba la mật nên họ thật hành biệt dị. Họ nghĩ rằng đây là bố thí, đây là trì giới, đây là nhẫn nhục, đây là tinh tấn, đây là thiền định.
Vì không có bát nhã Ba la mật nên không có sức phương tiện. Vì không có sức phương tiện nên thật hành biệt dị. Vì biệt dị nên không được tướng không biệt dị.
Vì không được tướng không biệt dị nên chẳng được vào bực Bồ Tát. Vì chẳng được vào bực Bồ Tát nên được quả Tu Đà Hoàn nhẫn đến quả A La Hán.
Này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát dẫu thật hành Bồ Tát Đạo mà xa rời bát nhã Ba la mật thì không có sức phương tiện, nên ở nơi thiệt tế chứng lấy mà thành quả vi Thanh Văn thừa.
Ngài Xá Lợi Phất thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Do nhân duyên gì cũng đồng tu hành pháp không, vô tướng, vô tác, mà người không sức phương tiện thì chứng lấy thiệt tế, thành Thanh Văn thừa, người có sức phương tiện lại được vô thượng bồ đề?
Đức Phật phán dạy: Này Xá Lợi Phất! Có Bồ Tát vì rời tâm bát nhã Ba la mật mà tu pháp không, vô tướng, vô tác nên không có sức phương tiện, do đây mà thành Thanh Văn thừa.
Này Xá Lợi Phất! Lại có Bồ Tát chẳng rời tâm bát nhã Ba la mật mà tu pháp không, vô tướng, vô tác nên có sức phương tiện, do đây mà vào bực Bồ Tát, được vô thượng bồ đề.
Này Xá Lợi Phất! Như thân chim dài lớn đến trăm do tuần hoặc hai trăm, ba trăm do tuần mà không có cánh, từ Trời Đao Lợi rơi xuống Diêm Phù Đề.
Ý ngươi nghĩ sao, này Xá Lợi Phất! Giữa đường đang rơi, chim không cánh ấy muốn trở về cung Trời có được chăng?
Bạch Đức Thế Tôn! Không thể được.
Này Xá Lợi Phất!
Chim ấy mong rằng sau khi rơi xuống Diêm Phù Đề, thân chim sẽ nguyên vẹn không đau đớn có được chăng?
Bạch Đức Thế Tôn! Không thể được. Lúc đã rơi xuống đất, chim ấy tất phải đau đớn hoặc chết. Vì chi ấy thân thể đã lớn lại không cánh.
Cũng vậy, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát dầu có thời gian kiếp số bằng cát Sông Hằng, tu hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, sanh đại tâm, làm đại sự vì được vô thượng bồ đề mà thọ vô lượng nguyện, nếu xa rời sức phương tiện của bát nhã Ba la mật tất phải sa vào Thanh Văn thừa hoặc Bích Chi Phật.
Này Xá Lợi Phất! Nếu Bồ Tát dầu tưởng niệm trì giới, thiền định, trí huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến của Chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại nhưng lại tướng thọ trì, Bồ Tát này chẳng biết, chẳng hiểu Chư Phật, giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, chỉ nghe tiếng nói về danh tự, không, vô tướng, vô tác, rồi nắm lấy tiếng danh tự ấy để hồi hướng vô thượng bồ đề. Bồ Tát này trụ trong bực Thanh Văn, Bích Chi Phật, không thể qua khỏi được.
Tại sao vậy?
Vì Bồ Tát này xa rời sức phương tiện của bát nhã Ba la mật mà thọ trì các thiện căn để hồi hướng vô thượng bồ đề.
Này Xá Lợi Phất! Có Bồ Tát từ khi mới phát tâm đến nay không xa rời tâm bát nhã Ba la mật, tu hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, ví có sức phương tiện của bát nhã Ba la mật nên không nắm lấy tướng, ở nơi giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến của Chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại, chẳng nắm lấy tướng không, vô tướng, vô tác, giải thoát môn.
Phải biết Bồ Tát này chẳng sa vào Thanh Văn, Duyên Giác mà thẳng đến vô thượng bồ đề.
Tại sao vậy?
Vì Bồ Tát này từ nào vẫn không nắm lấy tướng trong khi tu các thiện căn: Không nắm lấy tướng bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, không nắm lấy tướng giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến Chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại.
Này Xá Lợi Phất! Đây gọi là Bồ Tát có sức phương tiện dùng tâm ly tướng mà tu hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, nhẫn đến dùng tâm ly tướng tu hành nhất thiết chủng trí.
Ngài Xá Lợi Phất thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Như tôi nhận hiểu nghĩa của Đức Phật nói, nếu Đại Bồ Tát chẳng rời lìa sức phương tiện của bát nhã Ba la mật, phải biết Bồ Tát này gần vô thượng bồ đề.
Tại sao vậy?
Vì từ khi mới pháp tâm đến nay, Bồ Tát này không pháp biết được: Hoặc là sắc hoặc là thọ, tưởng, hành, thức nhẫn đến nhất thiết chủng trí.
Bạch Đức Thế Tôn! Có thiện nam, thiện nữ cầu Bồ Tát Đạo mà xa rời bát nhã Ba la mật và sức phương tiện, phải biết người ấy nơi vô thượng bồ đề hoặc được hoặc chẳng được.
Tại sao vậy?
Vì Thiện Nam, Thiện Nữ cầu Bồ Tát Đạo ấy có bố thí đều nắm lấy tướng, có trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định đều nắm lấy tướng, thế nên chẳng nhất định được vô thượng bồ đề.
Bạch Đức Thế Tôn! Vì cớ trên đây nên Đại Bồ Tát muốn được vô thượng bồ đề chẳng nên xa rời sức phương tiện của bát nhã Ba la mật. Đại Bồ Tát này trụ trong sức phương tiện của bát nhã Ba la mật, dùng tâm vô tướng, vô đắc xứng đáng tu hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định. Nhẫn đến dùng tâm vô tướng, vô đắc cứng đáng tu nhất thiết chủng trí.
Lúc bấy giờ Chư Thiên Cõi Sắc, Cõi Dục bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Vô thượng bồ đề thiệt là khó được.
Tại sao vậy?
Vì Đại Bồ Tát phải biết tất cả các pháp rồi mới được vô thượng bồ đề, pháp ấy cũng chẳng thể được.
Đức Phật phán dạy: Đúng như vậy.
Này Chư Thiên Tử! Vô thượng bồ đề rất khó được. Đức Phật cũng đã được tất cả pháp nhất thiết chủng trí rồi được vô thượng bồ đề, cũng không chỗ được, không hay biết, không bị biết, không người biết.
Tại sao vậy?
Vì các pháp rốt ráo thanh tịnh vậy.
Ngài Tu Bồ Đề thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Như lời dạy của Phật, vô thượng bồ đề rất khó được. Theo tôi hiểu nghĩa của Phật dạy thì vô thượng bồ đề này rất dễ được.
Tại sao vậy?
Vì không có người được vô thượng bồ đề, cũng không có pháp bị được, tất cả pháp, tất cả pháp tướng không: Không pháp bị được, không người hay được, vì tất cả pháp không vậy. Cũng không pháp tăng được, không pháp giảm được.
Từ bố thí nhẫn đến nhất thiết chủng trí, các pháp này đều không có cái bị được, không có ai hay được. Do đây nên theo ý tôi thì vô thượng bồ đề dễ được.
Tại sao vậy?
Vì sắc sắc tướng không nhẫn đến nhất thiết chủng trí nhất thiết chủng trí tướng không.
Ngài Xá Lợi Phất nói với Này Tu Bồ Đề: Thưa Ngài! Nếu tất cả pháp không như hư không, hư không kia chẳng nghĩ rằng tôi sẽ được vô thượng bồ đề.
Nếu Đại Bồ Tát tin hiểu tất cả pháp không như hư không mà vô thượng bồ đề này dễ được, tại sao hiện nay có hằng hà sa Bồ Tát cầu vô thượng bồ đề lại thối chuyển?
Thế nên biết rằng vô thượng bồ đề chẳng phải dễ được.
Ngài Tu Bồ Đề thưa: Thưa Ngài Xá Lợi Phất! Nơi vô thượng bồ đề, sắc, thọ, tưởng, hành, thức có thối chuyển chăng?
Nhẫn đến nhất thiết chủng trí có thối chuyển chăng?
Không có thối chuyển.
Thưa Ngài Xá Lợi Phất! Nơi vô thượng bồ đề, rời sắc, thọ, tưởng, hành, thức có pháp gì thối chuyển chăng?
Nhẫn đến rời nhất thiết chủng trí có pháp thối chuyển già chăng?
Không có thối chuyển.
Thưa Ngài Xá Lợi Phất! Ý Ngài nghĩ thế nào?
Sắc như tướng, thọ như tướng nhẫn đến rời nhất thiết chủng trí như tướng, nơi vô thượng bồ đề có thối chuyển chăng?
Không có gì thối chuyển.
Thưa Ngài Xá Lợi Phất! Rời sắc như tướng nhẫn đến rời nhất thiết chủng trí như tướng, có pháp gì thối chuyển nơi vô thượng bồ đề chăng?
Không có pháp thối chuyển.
Thưa Ngài Xá Lợi Phất! Nơi vô thượng bồ đề như có thối chuyển chăng?
Nhẫn đến pháp tánh, pháp trụ, pháp vị, thiệt tế, bất tư nghì tánh, nơi vô thượng bồ đề có thối chuyển chăng?
Không có thối chuyển.
Thưa Ngài Xá Lợi Phất! Rời như, rời pháp tánh, pháp trụ, pháp vị, thiệt tế, bất tư nghì tánh, nơi vô thượng bồ đề có pháp gì thối chuyển chăng?
Không có pháp gì thối chuyển.
Thưa Ngài Xá Lợi Phất! Nếu các pháp rốt ráo chẳng thể được thì pháp gì thối chuyển nơi vô thượng bồ đề?
Như lời Ngài Tu Bồ Đề nói, trong pháp nhẫn ấy không có Bồ Tát thối chuyển nơi vô thượng bồ đề.
Nếu không thối chuyển, cứ theo Đức Phật dạy, người cầu đạo có ba hạng: A La Hán đạo, Bích Chi Phật Đạo và Phật Đạo, ba hạng này là không sai khác. Như lời Tu Bồ Đề nói thời chỉ có một hạng Đại Bồ Tát cầu Phật Đạo thôi.
Bây giờ Ngài Mãn Từ Tử bảo Ngài Xá Lợi Phất: Ngài nên hỏi Tu Bồ Đề là có một Bồ Tát thừa chăng?
Ngài Xá Lợi Phất hỏi Ngài Tu Bồ Đề: Phải chăng Ngài muốn nói có một Bồ Tát thừa?
Ngài Tu Bồ Đề nói: Thưa Ngài Xá Lợi Phất! Ở trong chư pháp như, Ngài muốn có ba thừa: Thanh Văn, Bích Chi Phật và Phật thừa chăng?
Thưa Ngài Tu Bồ Đề! Không.
Thưa ngài Xá Lợi Phất! Trong ba thừa sai biệt ấy có như để được chăng?
Thưa Ngài Tu Bồ Đề! Không.
Thưa Ngài Xá Lợi Phất! Như ấy có một tướng, hai tướng, ba tướng chăng?
Thưa Ngài Tu Bồ Đề! Không.
Thưa Ngài Xá Lợi Phất! Trong như ấy, Ngài muốn có nhiều Bồ Tát nhẫn đến có một Bồ Tát được chăng?
Thưa Ngài Tu Bồ Đề! Không.
Thưa Ngài Xá Lợi Phất! Trong bốn thứ ấy đều không thể có được người ba thừa, sao Xá Lợi Phất lại nghĩ rằng người cầu Thanh Văn thừa, người cầu Bích Chi Phật thừa, người cầu Phật thừa?
Thưa Ngài Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát nghe Chư pháp như tướng này mà lòng chẳng kinh, chẳng sợ, chẳng ăn năn, chẳng nghi thì gọi là Đại Bồ Tát hay thành tựu vô thượng bồ đề.
Đức Phật khen Ngài Tu Bồ Đề: Lành thay! Lành thay!
Này Tu Bồ Đề! Lời của ngươi nói đó đều là Phật lực. Nếu Đại Bồ Tát nghe nói như ấy không có các pháp biệt dị mà chẳng kinh sợ, nghi ngờ, phải biết Bồ Tát này hay thành tựu vô thượng bồ đề.
Ngài Xá Lợi Phất thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Thành tựu bồ đề nào?
Đức Phật dạy: Thành tựu Phật vô thượng bồ đề.
Ngài Tu Bồ Đề thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu muốn thành tựu vô thượng bồ đề, Đại Bồ Tát phải tu hành thế nào?
Đức Phật dạy: Phải sanh khởi tâm bình đẳng với tất cả chúng sanh, cũng dùng tâm bình đẳng khi nói với họ, không có thiên lệnh.
Với tất cả chúng sanh phát khởi tâm đại từ, cũng dùng tâm đại từ khi nói với họ.
Với tất cả chúng sanh phải có tâm khiêm hạ, cũng dùng tâm khiêm hạ khi nói với họ.
Với tất cả chúng sanh phải có tâm làm an ổn, cũng dùng tâm làm an ổn khi nói với họ.
Với tất cả chúng sanh phải có tâm vô ngại, cũng dùng tâm vô ngại khi nói với họ.
Với tất cả chúng sanh phải có tâm không não hại, cũng dùng tâm không não hại nói với họ.
Với tất cả chúng sanh phải có tâm ái kính, cũng dùng tâm ái kính khi nói với họ. Ái kính họ như cha mẹ, như anh chị em, như con cháu, như bà con, như bạn bè.
Đại Bồ Tát này phải tự mình chẳng sát sanh, cũng chẳng dạy người khác chẳng sát sanh, khen ngợi pháp chẳng sát sanh, vui mừng khen ngợi các người chẳng sát sanh.
Nhẫn đến tự mình phải không tà kiến, cũng dạy người khác không tà kiến, khen ngợi pháp không tà kiến, vui mừng khen ngợi những người không tà kiến. Muốn thành tựu vô thượng bồ đề, Đại Bồ Tát phải tu hành như vậy.
Lại này Tu Bồ Đề! Muốn thành tựu vô thượng bồ đề, Đại Bồ Tát phải tu hành Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, phải tự tu hành từ tâm, bi tâm, hỉ tâm, xả tâm, phải tự tu hành không xứ định, thức xức định, vô sở hữu xứ định, Phi phi tưởng xứ định, khen ngợi pháp Sơ Thiền đến pháp Phi phi tưởng xứ định, vui mừng khen ngợi những người tu hành Sơ Thiền đến tu hành Phi phi tưởng xứ định.
Phải tự mình đầy đủ Đàn Ba la mật, Thi Ba la mật, Nhẫn Ba la mật, Tấn Ba la mật, Thiền Ba la mật, bát nhã Ba la mật, cũng dạy người khác đầy đủ sáu Ba la mật, khen ngợi sáu pháp Ba la mật, vui mừng khen ngợi những người đầy đủ Sáu Ba la mật.
Này Tu Bồ Đề! Muốn thành tựu vô thượng bồ đề, Đại Bồ Tát phải tự mình tu nội không nhẫn đến Bát Thánh Đạo, tự tu không, vô tướng, vô tác, Tam Muội, tự tu bát bội xả, tự tu cửu thứ đệ định, cũng dạy người khác tu nội không nhẫn đến cửu thứ đệ định, khen ngợi các pháp nội không nhẫn đến cửu thứ đệ định, vui mừng ngợi khen những người tu nội không nhẫn đến cửu thứ đệ định.
Đại Bồ Tát phải tự đầy đủ Mười trí lực, Bốn vô úy, Bốn trí vô ngại, mười tám pháp bất cộng, đại từ đại bi, cũng dạy người khác đầy đủ mười trí lực nhẫn đến đại từ đại bi, khen ngợi các pháp ấy, vui mừng khen ngợi những người đấy đủ mười trí lực nhẫn đến đại từ đại bi.
Đại Bồ Tát phải tự mình thuận quán, nghịch quán mười hai nhân duyên, cũng dạy người khác thuận quán, nghịch quán mười hai nhân duyên, khen ngợi pháp quán ấy và vui mừng khen ngợi người thật hành. Muốn thành tựu vô thượng bồ đề, Đại Bồ Tát phải tu hành như vậy.
Đại Bồ Tát lại phải tự mình biết khổ dứt tập chứng diệt tu đạo, cũng dạy người biết khổ dứt chứng diệt tu đạo, khen ngợi pháp biết dứt chứng tu ấy và vui mừng khen ngợi người biết khổ dứt tập chứng diệt tu đạo.
Đại Bồ Tát tự mình phát sanh chứng trí quả Tu Đà Hoàn nhẫn đến tự phát sanh chứng trí quả Bích Chi Phật mà chẳng tự chứng lấy quả Tu Đà Hoàn nhẫn đến chẳng tự chứng lấy quả Bích Chi Phật, cũng dạy người khác chứng quả Tu Đà Hoàn nhẫn đến dạy người khác chứng quả Bích Chi Phật.
Khen ngợi pháp Tu Đà Hoàn quả nhẫn đến khen ngợi pháp Bích Chi Phật Đạo, vui mừng khen ngợi người chứng nhập qủa Tu Đà Hoàn nhẫn đến người chứng nhập Bích Chi Phật Đạo.
Đại Bồ Tát tự mình nhập Bồ Tát vị, tịnh Phật Quốc Độ, thành tựu chúng sanh, cũng dạy người khác nhập Bồ Tát vị, tịnh Phật Quốc Độ, thành tựu chúng sanh, khen ngợi pháp nhập Bồ Tát vị, tịnh Phật Quốc Độ, thành tựu chúng sanh, vui mừng khen ngợi người nhập Bồ Tát vị, tịnh Phật Quốc Độ, thành tựu chúng sanh.
Đại Bồ Tát tự mình phát khởi Bồ Tát thần thông, tự sanh nhất thiết chủng trí, cũng dạy người khác phát khởi Bồ Tát thần thông, sanh nhất thiết chủng trí, khen ngợi pháp phát khởi Bồ Tát thần thông, pháp sanh nhất thiết chủng trí, vui mừng khen ngợi người phát khởi Bồ Tát thần thông, sanh nhất thiết chủng trí.
Đại Bồ Tát phải tự dứt tập khí tất cả kiết sử, cũng dạy người dứt tập khí tất cả kiết sử, khen ngợi pháp dứt tập khí, vui mừng khen ngợi người dứt tập khí tất cả kiết sử.
Lại này Tu Bồ Đề! Muốn thành tựu vô thượng bồ đề, Đại Bồ Tát phải tự nắm lấy thọ mạng thành tựu, cũng dạy người nắm lấy thọ mạng thành tựu, khen ngợi pháp nắm lấy thọ mạng thành tựu, vui mừng khen ngợi người nắm lấy thọ mạng thành tựu.
Đại Bồ Tát thành tựu pháp trụ, cũng dạy người thành tựu pháp trụ, khen ngợi pháp thành tựu pháp trụ, vui mừng khen ngợi người thành tựu pháp trụ.
Này Tu Bồ Đề! Muốn thành tựu vô thượng bồ đề, Đại Bồ Tát phải tu hành như vậy. Cũng phải học sức phương tiện của bát nhã Ba la mật như vậy.
Lúc học như vậy, Bồ Tát này sẽ được sắc vô ngại, sẽ được thọ, tưởng, hành, thức vô ngại, nhẫn đến sẽ được pháp trụ vô ngại.
Tại sao vậy?
Vì Đại Bồ Tát này từ trước nhẫn lại chẳng thọ lấy sắc, chẳng thọ lấy thọ, tưởng, hành, thức, nhẫn đến chẳng thọ lấy nhất thiết chủng trí.
Tại sao vậy?
Vì sắc mà chẳng người thọ là chẳng phải sắc. Nhẫn đến nhất thiết chủng trí mà chẳng người thọ là chẳng phải nhất thiết chủng trí. Lúc nói Bồ Tát hạnh này, có hai ngàn Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Vô Tướng Tâm Tam Muội
Phật Thuyết Kinh Chư Pháp Tập Yếu - Phẩm Ba Mươi Ba - Sinh Thiên
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Mười - Mười Pháp - Phẩm Ba - Phẩm Lớn - Phần Mười - Kosalà
Phật Thuyết Kinh Trường Bộ - Kinh Phúng Tụng - Phần Năm - Bốn Pháp
Phật Thuyết Kinh Thiên Chuyển đà La Ni
Phật Thuyết Kinh đại Bi - Phẩm Sáu - Phẩm Trì Chánh Pháp
Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng đại Tập Hiền Hộ Bồ Tát - Phẩm Hai - Phẩm Tư Duy