Phật Thuyết Kinh đại Tập Những điều Bồ Tát Hư Không Tạng Hỏi Phật - Phần Mười Chín

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bất Không, Đời Đường

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI TẬP NHỮNG ĐIỀU

BỒ TÁT HƯ KHÔNG TẠNG HỎI PHẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bất Không, Đời Đường  

PHẦN MƯỜI CHÍN  

Bồ Tát Từ Thị nói: Cũng như biển cả đồng một vị mặn, biển trí của pháp Phật cũng đồng một pháp vị như vậy.

Hoặc Phật hay pháp đều bình đẳng, không, vô tướng, vô nguyện, không sinh, không khởi, bình đẳng một tướng, một vị. Nếu Bồ Tát biết rõ về tướng một vị ấy thì vượt trên cảnh giới của ma. Đó là pháp môn vượt hơn các ma của Bồ Tát.

Bồ Tát Hư Không Tạng nói: Ví như hư không hơn hẳn tất cả cảnh giới đã có, cũng không có sáu căn. Như vậy, Bồ Tát biết tự tánh của tất cả các pháp là thanh tịnh, bình đẳng giống như hư không cùng với thân, khẩu, ý hội nhập vào ánh sáng trí tuệ. Nếu đạt được ánh sáng trí tuệ ấy thì vượt hơn cảnh giới của ma. Đó là pháp môn vượt hơn các ma của Bồ Tát.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói: Nhân Giả, những lời các vị nói đều là cảnh giới của ma.

Vì sao?

Vì nếu nêu bày bằng văn tự thì đều là nghiệp của ma, cho đến lời Phật nói cũng là nghiệp của ma. Không có ngôn ngữ, xa lìa mọi văn tự thì ma không thể hiện bày. Nếu không nêu bày thì sẽ không có kiến chấp về ngã và văn tự. Vì vô ngã cho nên đối với các pháp không tăng giảm. Người hội nhập như vậy thì vượt hơn cảnh giới của ma. Đó là pháp môn vượt hơn các ma của Bồ Tát.

Khi ấy, Bồ Tát Đại Hư Không Tạng bảo Ma Ba Tuần: Ngươi có nghe giảng nói về pháp môn vượt hơn cảnh giới của ma ấy chăng?

Ba Tuần đáp: Đúng vậy, tôi đã có nghe.

Bồ Tát Đại Hư Không Tạng bảo: Ba Tuần! Ngươi đối với pháp môn vượt hơn cảnh giới ma mà các Đại Bồ Tát đã giảng nói còn dám tạo tác các việc của ma chăng?

Đáp: Thưa Đại Sĩ! Tôi từ xưa đã nghe pháp môn thù thắng vượt hơn cảnh giới của ma, hoặc sẽ nghe thì cũng không dám làm việc của ma, huống nữa là trong hiện tại.

Lúc đó, trong chúng hội có bốn quyến thuộc của Chư Thiên hộ trì Đạo Tràng Bồ Đề. Một tên là Điền Khước Lê, hai tên là Tam Mâu Đắc Khước Lê, ba tên là Cụ Hương, bốn tên là Tịnh Tín.

Bốn vị Trời này bảo Ma Ba Tuần: Xưa, ta thấy người ở nơi cội Bồ Đề, lúc Đức Như Lai đang an tọa nơi ấy thành tựu đạo quả Chánh Giác, người đã dẫn binh ma đến đó gây trở ngại.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn thể hiện tâm từ bi với giới pháp thuận hợp, dịu dàng, định tuệ kiên cố, dũng mãnh, phước trí tinh tấn, dùng tay báu ấn mạnh xuống mặt đất khiến vô lượng Thế Giới liền chấn động. Diệu lực thần thông của Đức Thế Tôn đã thu phục ngươi và đám quyến thuộc, đó là điều rõ ràng.

Nay ở chỗ Phật và Bồ Tát lại muốn làm việc ma sao?

Ba Tuần! Ngươi và đám quyến thuộc từ nay về sau đối với Phật và Bồ Tát phải nên tôn trọng, tu tập, cúng dường.

Bấy giờ, Ma Ba Tuần liền biến hóa ra tám vạn bốn ngàn ức lọng báu che khắp đại chúng, lại dùng vô số vô lượng hoa đẹp cùng hương bột, hương xoa của Cõi Trời để tung rải nơi chỗ Phật và đại chúng trong hội và thưa: Tất cả mọi sự trang nghiêm hiện có nơi Cõi Dục và hết thảy sự trang nghiêm nơi mọi Cõi Phật.

Cho đến sự trang nghiêm nơi cung điện của tôi cùng với các thứ châu báu thù thắng hiện có, các vật dụng tốt đẹp nhất nơi Cõi Trời, cõi người, đều đem đến để cúng dường Phật và Chúng Tăng, cũng đem cúng dường Bồ Tát Hư Không Tạng.

Lúc ấy, Bồ Tát Hư Không Tạng nói với Ma Ba Tuần: Ngươi và đám quyến thuộc đều nên phát tâm cầu đạo quả vô thượng bồ đề Chánh Đẳng Giác.

Khi đó, Ma Ba Tuần cùng tám vạn bốn ngàn quyến thuộc đều phát tâm cầu đạt đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Trong đám quyến thuộc ấy có một người con của ma tên là Ác Diện, là kẻ đứng đầu trong các quân ma, tâm không kính tin, ưa làm việc phi pháp, bèn nói: Cần gì phải phát tâm bồ đề này.

Chúng ta nên dùng vô số cách để làm cho Kinh như vậy ẩn mất nơi đất, không còn được lưu truyền.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Hư Không Tạng: Này Đại Sĩ! Có nghe ma nói chăng?

Ông nên tuyên thuyết thần chú để thu phục, ngăn chận các ma và đám quyến thuộc khiến chúng không thể thực hiện được điều vừa nói, lại cũng nhờ uy lực nơi thần chú này mà các chúng ma được an trụ trong đạo quả vô thượng bồ đề.

Lúc đó, Bồ Tát Đại Hư Không Tạng liền nói thần chú:

Đát nhĩ dã, tha a mạt xỉ, vĩ mạt xỉ tam mạt đê bà tứ, đa nô tán địa, nỗ lỗ đát la nãi niết già đát nhĩ, vị đát la dữu yết đê, ca lỗ nã nể, san nê bà để dã, mạt để thiện đa lạc ngật lộc đạt ma niết vật lý đê đạt ma ngật sử đê ô khu lý nễ xí lý hộ lư, hộ lư, hộ lư, hộ lư, đát yết lê, đát tha pha, nể để thỉ la, nô mạt để, ác ngật sái, da niết nể, thế yết lê, xa phả yết lý the một đà địa cầm xỉ, đế đạt mâu nhập lỗ la, nể tăng già nô ngạ mê, a nô đế lỗ a na để yết la ma nỉ phạt, nể la ha ni ma la, phả ngật sái, tư dứu hột để, hột lý, đê an nỗ lê a xa ta đát lê tát vĩ sái dã nỗ ngạ minh a lý dã nỗ ca lê tất đệ tất đà phả nê mẫu ngật sái, nỗ câu lê nễ la, ha nễ phả la phạ nễ nam đạt lý sái, nễ ma la bát lý sái, nặc a vĩ phiến đỗ dã đát phạ, lư ma ha la nhã nặc xã yết lư, nê phạ na mẫn nại lạc một la, ha ma, ta ham phả để mẫu đà bát la, tát na nê phạ na ngạ dược ngật sá, yết lý đởm phả lý đát la, nam tát tha, tỷ đởm ta phạ, ta đinh dã, dã nam đạt ma bà nả ca na ma lạc ngật sái, phạt tát đạt ma tả phả lý dược la, ha da ta phạ ha.

Bồ Tát Đại Hư Không Tạng nói thần chú rồi, tức thì tam thiên đại thiên Thế Giới đều chấn động đủ sáu cách. Ma ác kia, tâm không có niềm tin thanh tịnh, không thích pháp, nghe giữa hư không có tiếng nói lớn: Nếu có người được nghe thần chú này.

Hoặc ma, hoặc con trai, con gái của ma, hoặc là dân ma, không phát tâm cầu đạo quả vô thượng bồ đề, không từ bỏ việc làm của ma thì bị Lạc Xoa Kim Cang Thủ dùng chày Kim cang đại hoa diệm đánh vỡ đầu kẻ ấy.

Lúc này, các ma, tâm đều lo sợ kinh hồn, đều ngước lên nhìn hư không, thấy có năm trăm vị đại Kim Cang Thủ, mỗi vị đều sắp giáng chày xuống nơi đầu các ma ác. Tất cả các ma đều khiếp sợ nên cùng lúc phát tâm cầu đạo quả Bồ Đề Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Khi ấy, Đức Thế Tôn vui vẻ mỉm cười.

Tôn Giả A Nan liền chắp tay nhất tâm bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như Lai mỉm cười chẳng phải là không có duyên cớ. Nguyện xin Như Lai vì con mà giảng nói rõ.

Thế Tôn bảo A Nan: Ông có thấy năm trăm chúng ma này vì kinh sợ nên cùng phát tâm Bồ Đề chăng?

Tôn Giả A Nan thưa: Đúng vậy, thưa Thế Tôn, con đã thấy.

Đức Phật lại bảo Tôn Giả A Nan: Ma Ba Tuần này lúc thành Phật cùng với đám quyến thuộc kia ở nơi các Thế Giới mỗi mỗi đều có tên gọi khác nhau.

Tôn Giả A Nan thưa: Bạch Thế Tôn! Trải qua thời gian bao lâu, ma này sẽ thành tựu đạo quả vô thượng bồ đề, được đạo quả ấy rồi, hiệu Phật và Thế Giới tên gọi là gì?

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Ma Ba Tuần này vào đời vị lai, ở chỗ mười ngàn vị Phật làm việc của ma. Từ trú xứ của các vị Phật ấy được nghe pháp môn Kim cang tràng, phá trừ phiền não, đạt được thanh tịnh. Lại, nơi chốn Phật đó được nghe pháp môn bí mật sâu xa, giữ gìn phép tắc oai nghi, hành trì giới pháp mà được công đức.

Vào đời sau rốt, nơi trú xứ của Đức Như Lai Vô Biên Vô Cấu Tràng, siêng thực hành các phương tiện, cũng làm các việc ma, nhưng căn lành thành tựu, tâm vững chắc, được ánh sáng của tất cả pháp Phật, phát tâm bồ đề. Sau đó, trải qua nơi vô lượng, vô số trú xứ của Phật, cung kính cúng dường đối với pháp của vị Phật ấy, xuất gia tu đạo, hộ trì chánh pháp, giáo hóa thành tựu vô lượng chúng sinh.

Lại, trải qua bốn vạn A tăng kỳ kiếp, sẽ được thành đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, danh hiệu là Diệu Trụ Đắc Pháp Quang, gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Thế Giới tên là Thanh Tịnh an lập, kiếp là Thanh Tịnh.

Lại nữa, này Tôn Giả A Nan: Thế Giới Thanh tịnh an lập ấy, các cõi nước đều giàu có, muôn dân an lạc, như ở Cõi Trời Đâu Suất Đà luôn đầy đủ các vật báu thọ dung. Bồ Tát ở cõi ấy luôn đầy đủ các vật thọ dụng cũng như vậy.

Đức Như Lai Diệu Trụ Đắc Pháp Quang có tuổi thọ là bốn mươi trung kiếp, có sáu mươi bốn ức các chúng Thanh Văn và một vạn hai ngàn chúng Đại Bồ Tát.

Này A Nan Đà! Như vậy các ma, hoặc con trai, hoặc con gái, dân ma cùng phát tâm an trụ nơi đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, đều được sinh vào Thế Giới Thanh tịnh.

Khi ấy, Đức Như Lai Diệu Trụ Đắc Pháp Quang biết rõ tâm niệm của họ rồi thì đều thọ ký đạo quả vô thượng bồ đề.

Bấy giờ, trong chúng hội có chư vị Trời Đế Thích, Phạm Vương, Hộ thế thấy Ma Ba Tuần được thọ ký đạo quả bồ đề, tất cả đều sinh tâm cho là điều hết sức kỳ lạ, đặc biệt, khen ngợi và thưa:

Bạch Thế Tôn! Các ma đó ở nơi Phật đã khéo nêu giảng về giáo pháp, giới luật, tuy làm việc của ma, mà hãy còn gặp Đức Như Lai, lại có phước đức và được thọ ký sẽ chứng đắc đạo quả vô thượng bồ đề, Niết Bàn rốt ráo.

Bạch Thế Tôn! Lẽ nào có hàng thiện nam, Thiện Nữ, là những người khéo dùng tín tâm đối với pháp Phật, mà chỗ phước nghiệp đạt được có thể so sánh! Nên biết đấy đều là canh giới của Chư Phật, các hàng Thanh Văn, Duyên Giác không thể suy lường được.

Lúc đó, Đức Phật bảo Trời Đế Thích, Phạm Vương Hộ Thế và chúng Trời người: Như lời các ông đã nói, là thật chứ không hư dối. Đó chính là cảnh giới của Chư Phật, Như Lai.

Này thiện nam! Nói về tâm là pháp duyên sinh. Ví như tấm vải lụa được nhuộm có chỗ thấm màu, hoặc có chỗ thì không thấm màu, tâm hành của chúng sinh cũng lại như vậy, hoặc khởi phiền não, hoặc không khởi phiền não, hoặc có lợi căn hay độn căn. Như Lai đều tùy theo căn cơ của chúng sinh mà thuyết pháp thích hợp để giáo hóa, khiến cho tất cả cùng được tỏ ngộ, thâm nhập nơi chánh pháp.

Này thiện nam! Nói về phiền não thì không có nơi chốn, cũng không chỗ trụ, lại không tích tụ. Từ chỗ hòa hợp với tác ý không đúng như lý mà sinh ra.

Nếu quan sát đúng như lý thì tánh của tạp nhiễm là thanh tịnh. Nhưng mật ý của Như Lai gọi là tà kiến, nếu nhận biết đúng như thật tức là chánh kiến, không phải là tà, chánh, do nhận thức vượt qua chỗ thật có nơi hiện tại. Nếu đối với tà kiến và chánh kiến nhận biết rõ về mình, không sinh chấp giư thì gọi là hội nhập vào nẻo chánh kiến.

Này thiện nam! Phiền não như lớp da, sự thanh tịnh là tánh, do bị nó ngăn che nên trí tuệ không có hiệu lực, vì thế không thấy được bản tánh thanh tịnh. Lại nữa, có sự phân biệt gọi là phiền não, không phân biệt gọi là tánh thanh tịnh.

Này thiện nam! Ví như đại địa nương vào nước mà trụ, nước nương vào gió mà trụ, gió dựa vào hư không mà trụ. Đó là cái không trong bốn giới, không có chỗ nương tựa.

Do hư không ấy không hủy hoại, không lay động, nên không có chỗ tích tụ. Do không có chỗ tích tụ nên trụ nơi chẳng sinh diệt, tương ưng với tự tánh. Vì thế, ba cõi chẳng tồn tại lâu dài, là vô thường, biến đổi, chang phải là cảnh giới hư không.

Như vậy, uẩn, xứ, giới dựa vào nghiệp, phiền não mà trụ, nghiệp phiền não dựa vào tác ý không đúng như lý mà trụ, tác ý không đúng như lý thì dựa nơi tự tánh của tâm thanh tịnh mà trụ. Tâm thanh tịnh này không bị phiền não của khách trần làm cho cấu nhiễm.

Tác ý không đúng như lý, nghiệp, phiền não, uẩn, xứ, giới hiện có, tất cả đều do nhân duyên hòa hợp mà có, nếu thiếu nhân duyên thì không sinh khởi.

Tánh thanh tịnh ấy thì không có nhân duyên, không có hòa hợp, chẳng có sinh diệt, tánh như hư không. Tác ý không đúng như lý thì như gió, nghiệp, phiền não như nước, uẩn, xứ, giới như đất. Do đó, tất cả pháp đều không bền chắc, nguồn gốc không trụ, xưa nay đã thanh tịnh.

Này thiện nam! Đó gọi là pháp môn quang minh của tự tánh thanh tịnh. Bồ Tát đã chứng nhập nơi pháp môn này, nên không bị các thứ cấu uế của phiền não làm ô nhiễm, cũng không suy nghĩ phân biệt về pháp thanh tịnh này.

Vì không suy nghĩ phân biệt, nên dứt bặt tất cả mọi sự tìm cầu, quán xét duyên dựa, chứng được tánh thanh tịnh, vì chứng được tánh thanh tịnh nên vượt hơn cảnh giới của ma. Nhờ vượt hơn cảnh giới của ma nên được an trụ vào cảnh giới của Phật.

Nhờ an trụ vào cảnh giới của Phật nên vượt hơn cảnh giới của chúng sinh, hội nhập vào pháp giới bất động. Do hội nhập vào pháp giới thanh tịnh bất động, nên nhập vào cảnh giới bình đẳng không sai khác. Đó gọi là đạt được trí nhất thiết trí.

Khi Đức Phật giảng nói pháp này thì có vô lượng Bồ Tát đều xa lìa mọi sự trói buộc cấu uế của chướng nơi nghiệp, phiền não, chứng được pháp nhẫn vô sinh.

Bấy giờ, Ưu Bà Tắc Thất lợi cúc đa ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cung kính đảnh lễ nơi chân Phật, thưa: Bạch Thế Tôn! Nay con từ nơi Phật được nghe pháp môn thanh tịnh giải thoát này tức thì dứt hết mọi nghi ngờ.

Vì sao?

Vì từ xưa con đã từng bày ra hầm lửa lớn và trộn chất độc vào thức ăn, khởi tâm muốn làm tổn hại Đức Như Lai, nhưng oai đức của Đức Thế Tôn không hề bị thương tổn. Đức Phật lại vì con mà thuyết giảng chánh pháp, con tuy ít tin theo, tâm còn nghi ngờ, nhưng đã sinh lòng hối hận.

Nay ở trước Phật, lại được nghe Kinh Điển sâu xa này, lưới nghi đều tiêu trừ, tâm không còn lo sợ. Được ánh sáng của giáo pháp, liền phát tâm bồ đề cầu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Bạch Thế Tôn! Nay con được gọi là người đạt lợi ích, thù thắng lớn.

Lúc đó, Đức Phật khen ngợi trưởng giả Thất Lợi Cúc Đa: Lành thay! Lành thay, này thiện nam! Nay ông được nghe Như Lai thuyết giảng giáo pháp, nên sinh khởi niềm tin thanh tịnh. Do nhân duyên này, nên đối với Chư Phật hiện có ở hiền kiếp, ông nên phụng sự, cung kính, cúng dường. Ở cho các Đức Phật đó rộng tu phạm hạnh.

Hộ trì chánh pháp, trải qua bảy trăm vạn A tăng kỳ kiếp sẽ được thành Phật hiệu là Ly Nhất Thiết Triền, gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Khi Ưu Bà Tắc Thất Lợi Cúc Đa nghe Phật thọ ký cho mình đạo quả vô thượng bồ đề thì rất vui mừng, cho là đạt được điều chưa từng có, liền cởi xâu chuỗi anh lạc quý đang đeo nơi thân tung rải lên chỗ Phật, thưa: Bạch Thế Tôn!

Nay ở trong nhà con có bốn kho lớn, chứa đầy các thứ vật báu. Con sẽ đem kho thứ nhất cấp cho đám vợ con, kẻ hầu hạ và binh lính. Kho thứ hai thì đem cho những người nghèo cùng khốn khổ, cô độc, hành khất. Kho lớn thứ ba thì xin đem cúng dường cho tất cả Tỳ Kheo vãng lai và tăng chúng bốn phương.

Kho báu lớn thứ tư thì xin dâng cúng Như Lai và các bậc Tỳ Kheo thượng thủ. Nguyện xin Đức Thế Tôn làm cho con sớm được thành tựu công đức bố thí không còn trụ nơi tướng. Nay con muốn ở trong giáo pháp của Đức Như Lai được xuất gia thọ giới, tu tập phạm hạnh, khéo giảng nói giới luật.

Đức Thế Tôn liền chấp thuận. Lúc đó, Ưu Bà Tắc Thất Lợi Cúc Đa được xuất gia, thọ giới cụ túc.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần