Phật Thuyết Kinh đại Tát Già Ni Kiền Tử Sở Thuyết - Phẩm Năm - Phẩm Vương Luận - Tập Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI TÁT GIÀ NI

KIỀN TỬ SỞ THUYẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM NĂM

PHẨM VƯƠNG LUẬN  

TẬP BỐN  

Đại Vương! Đó là Vua thực hành pháp hạnh trị tội những chúng sinh cùng nhau tụ họp lam việc không lợi ích kia.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Vua thực hành pháp hạnh trị phạt những chúng sinh nổi lên chống đối nhà Vua kia như thế nào?

Đáp: Đại Vương! Vua thực hành pháp hạnh, trước hết dùng lời nói tốt đẹp như pháp hướng dẫn chỉ dạy họ. Nếu họ nghe theo lệnh Vua liền bỏ tâm chống đối, xin Vua trị tội mình thì Vua nên ban bố đại ân, tha thứ trọng tội cho họ. Dựa vào nơi quốc thổ mà nhà Vua quản lý, không giảm, không đoạt, không đuổi đi.

Vì sao?

Vì để họ biết Vua có ba việc:

1. Có tánh.

2. Có ân.

3. Có thế lực mạnh.

Để những người chưa hàng phục khiến họ hàng phục, người đã hàng phục khiến họ không làm nữa, người có ý đồ chống lại khiến họ không dám phát khởi.

Đại Vương nên biết! Những người có tội kia được miễn tội, họ trở lại kính phục nhà Vua, nhân dân an ổn. Nhà Vua như pháp kia được phước vô lượng, tiếng tốt lưu truyền khắp nơi.

Nếu như người có tội ấy khi nghe lệnh của nhà Vua mà không chịu nhận tội thì nên tăng thêm hình phạt nặng, nhưng không được tử hình, không được hủy hoại thân thể, chỉ tịch thu hết tài sản, Quốc Độ nhân dân và đuổi đến nơi khác.

Vì sao?

Vì khiến những chúng sinh khác không còn nổi lên phản nghịch.

Đại Vương! Đó là Vua thực hành pháp hạnh, trị phạt những chúng sinh phản nghịch.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Vua thực hành pháp hạnh, trị tội những chúng sinh tà hạnh như thế nào?

Đáp: Đại Vương! Người ác như vậy, không tử hình, không hủy hoại các chi tiết trên thân, không được đuổi đi, không được tịch thu tài sản của người đó, mà chỉ trách mắng để trị tội, và nói như thế này: Nếu còn làm việc như thế, sẽ bị tội nặng. Đó là Vua thực hành pháp hạnh trị tội những chúng sinh tà hạnh.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Vua thực hành pháp hạnh trị phạt những chúng sinh có đời sống sai trái như thế nào?

Đáp: Đại Vương! Phải nên tùy thuận chúng Tăng như pháp, nếu vị Tỳ Kheo kia phá giới tà kiến, không theo chánh pháp, như thật để tu hành.

Tỳ Kheo sống không đúng chánh pháp như thế, Tăng nên hòa hợp gọi họ đến trước Tăng bắt họ phải nói lên lỗi của mình. Nếu người kia tự biết việc của mình làm là có tội, tùy theo phạm nặng hay nhẹ nên như pháp mà trị.

Hoặc Tỳ Kheo kia chống lại lệnh của Tăng, không nghe theo lời dạy bảo của thầy bạn, của thiện tri thức mà còn quấy phá Chúng Tăng, không để cho ai tu hành được. Nếu quốc chủ kia là người Pháp Vương thì Tăng nên đến thưa để nhà Vua dạy bảo họ phải tuân theo lệnh của Tăng.

Bấy giờ, Vua mới thực hành pháp hạnh. Trước hết, phải gọi Tỳ Kheo phá giới kia đến, dùng lời khéo léo khuyến khích, dẫn dụ để họ tuân theo lệnh của Tăng. Nếu Tỳ Kheo ấy không tuân theo, nên tập hợp hai chúng lại để họ có mặt trước Tăng trả lời sự thật.

Nếu có tội thì nên theo pháp của Tăng trị tội Tỳ Kheo kia, nhưng không được tử hình, không được hủy hoại thân thể, không giam cầm, không xiềng xích, không đánh đập, không được cởi bỏ Ca Sa, không tịch thu tài sản mà chỉ quở trách rồi đuổi đi.

Đại Vương nên biết! Nếu có hai nhóm bè đảng tranh nhau kiện tụng, dựa vào sự phá giới, theo tà kiến, dựa vào tà hạnh điên đảo, dựa vào những việc làm sai trái, khởi lên những cố chấp sai lầm, và những lời nói ngôn ngữ kỳ quái.

Vua thực hành pháp hạnh tự biết pháp, tự biết nghĩa nên như pháp để chấm dứt sự tranh cãi đó. Nếu Quốc Vương là kẻ ngu muội, không có trí, không tự biết pháp, không biết nghĩ, không biết chánh pháp, không biết tà pháp, không biết đúng pháp luật, không biết phi pháp luật, không biết đúng pháp ngữ, không biết phi pháp ngữ.

Thì nhà Vua nên hỏi các vị Sa Môn có đạo đức biết pháp, biết nghĩa, có trí tuệ, thường tu theo chánh pháp, làm lợi ích chúng sinh, khéo biết chấm dứt sự tranh cãi, có thể nói như pháp.

Nên hỏi các vị ấy, vì đối với chánh pháp các ngài biết phạm hay không phạm. Biết như vậy, rồi sau đó theo đúng như pháp chấm dứt sự tranh cãi đó.

Đại Vương! Đó là Vua thực hành pháp hạnh trị tội những chúng sinh có đời sống sai trái.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Nếu Quốc Vương kia là một hôn quân, không có trí, trong nước có rất nhiều Sa Môn, Bà La Môn mà những việc làm của họ đều khác nhau, đúng sai lẫn lộn.

Mỗi người tự nói rằng: Ta là Sa Môn tu hành chánh đạo, có thể làm lợi ích cho chúng sinh. Ta là ruộng phước, đáng được dành cúng dường.

Những điều đúng sai lẫn lộn như vậy, làm sao biết được vị nào là Sa Môn chân chánh, vị nào là chẳng phải Sa Môn?

Đâu là chánh đạo, đâu là tà đạo?

Ai là người nói đúng pháp, ai nói phi pháp?

Đáp: Đại Vương nên biết!

Có một vị Đại Sa Môn con dòng họ Thích, vì đạo xuất gia, chứng đắc thần thông, có đại danh xưng là Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri. Các đệ tử Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni. Ở trong pháp của vị Cù Đàm kia đều là những Sa Môn chân chánh, thường hành chánh đạo, làm lợi ích cho chúng sinh. Họ là ruộng phước biết rõ chánh pháp, nói đúng như pháp.

Đại Vương nên biết! Ngoài pháp của Sa Môn Cù Đàm ra, tất cả các Bà La Môn khác đều là tà đạo, chẳng phải Sa Môn chân chánh, họ đều nói lời phi pháp. Đại Vương không nên nghe theo lời nói ấy.

Vì sao?

Vì họ không phải chánh pháp thì làm sao nói như pháp?

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Nếu Quốc Vương kia là một kẻ hôn quân, không có trí, không biết pháp Vua, không thực hành theo chánh pháp, tự do làm ác.

Vậy thì Quốc Vương ấy có tội ai trị phạt ông ta?

Đáp: Đại Vương! Vua kia tự thân làm ác thì chính ông ta trị tội mình.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Thế nào gọi là tự thân gây tội, rồi tự thân trị tội?

Đáp: Đại Vương! Vị Vua kia nên theo hai pháp để tự trị tội mình:

1. Nương vào nội lực.

2. Nương vào ngoại lực.

Nương vào nội lực, vị Vua phải nên suy nghĩ rằng: Nay hành động của ta là buông lung hay chẳng phải buông lung. Có lòng từ hay không có lòng từ. Là việc nên làm hay không nên làm. Là thiện nghiệp hay ác nghiệp.

Nếu người biết việc đó không nên làm, là ác nghiệp liền chấm dứt không làm, sinh tâm hổ thẹn, tự hối hận ăn năn, sợ mang phải tiếng xấu, sợ đọa vào các đạo, nên nương hai pháp để bảo vệ, giữ gìn thân mình:

1. Không lung.

2. Không có tâm từ.

Như vậy, gọi là nương vào trí lực tự trị tội mình.

Nếu Vua không có trí, không có khả năng tư duy như thế, nên đi khắp mọi nơi trong nước tìm cầu các Sa Môn có trí tuệ lớn, khéo biết vương luận, thường thực hành chánh pháp, có thể nói đúng sự thật. Vị Vua kia nên đích thân đến chỗ những vị Sa Môn ấy.

Nếu nhà Vua không đích thân đến được thì nên sai đại thần, Vương Tử, người tôn quý, hoặc người được tôn trọng đi đến chỗ Sa Môn ấy thưa rằng: Nhà Vua rất quý trọng và mong muốn được gặp, các vị có thể đến chỗ nhà Vua.

Nếu những Sa Môn ấy đến thì Vua nên ra nghinh đón, đảnh lễ, thăm hỏi, và phải hết lòng cung kính tôn trọng hỏi Sa Môn: Những gì là việc làm thiện?

Những gì là hành động ác?

Thực hành những pháp nào có thể được lợi ích?

Thực hành những pháp nào không có lợi ích?

Tâm ta ám muội, không có trí tuệ, xin vì ta giảng nói.

Khi ấy, vị Sa Môn nên thuyết giảng rõ ràng cho nhà Vua về những pháp các Vua trong quá khứ đã làm và các Pháp Vương luận.

Dùng lời nói từ tốn nói với nhà Vua rằng: Pháp này nên phụng hành, có lợi ích lớn, đó là mười pháp thiện như không sát sinh…

Những pháp thế này không nên thực hành, không có ích lợi, gọi là mười pháp ác, như: Sát sinh,… những pháp thế này là Vua thực hành pháp hạnh đã làm. Nay Vua chưa biết thì nên bỏ mười pháp ác thực hành mười phap thiện. Khi Vua đã nghe như vậy rồi phải thọ trì, như pháp hối cải. Nếu được như vậy, gọi là nương vào năng lực bên ngoài tự trị tội mình.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Vua thực hành pháp hạnh phải bảo hộ thế gian như thế nào?

Đáp: Đại Vương! Vua thực hành pháp hạnh không thiêu đốt, không phá hoại, không úng nước, đó là hạnh giữ gìn khí thế gian.

Vì sao?

Vì tất cả những việc làm đó đều là nghiệp bất thiện. Vì thế, Vua thực hành pháp hanh không nên thiêu đốt, phá hoại, úng nước thành ấp, tụ lạc, núi rừng, sông đầm, vườn tược, cung điện trang nghiêm, lầu các. Tất cả đường sá, cầu cống, hang ổ, nhà cửa tự nhiên. Tất cả các thứ lúa, đậu, mè, ngô, hoa quả, cỏ cây, rừng rú đều không nên thiêu đốt, phá hoại, úng nước, chặt phá.

Vì sao?

Vì các vật ấy là vật chung của các chúng sinh ở đó, chúng không có tội lỗi gì, không nên làm mất đi vật thọ dụng của chúng, khiến chúng phải đau khổ.

Lại nữa, ngoài tất cả những rừng cây, các Trời thiện tịnh và tất cả quỷ thần đều sống chung ở trong đó và cùng có nhà cửa, cung điện, lầu đài trang nghiêm của các vị Trời đó. Vườn, ao, nhà cửa, cung điện, lầu các trang nghiêm nên xem tất cả dưới nước hay trên cạn đều có các côn trùng sinh sống.

Đó là các loài chim sẻ, chuột, gà, chó, chim gáy gù, bồ câu, oanh vũ, voi, ngựa, trâu, dê, mèo, hổ, rắn, mọt, ngỗng, vịt, các, ba ba…, cho đến tất cả các loài côn trùng nhỏ bé. Vua thực hành pháp hạnh và các chúng sinh cùng nương vào nơi thế gian này để sinh sống, không nên phá hoại. Như vậy, gọi là Vua thực hành pháp hạnh bảo hộ thế gian, làm cho chúng sinh được an lạc.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Vua thực hành pháp hạnh có vô lượng Chư Thiên hầu hạ, đi theo che chở cho Vua, bởi vì năng lực của Trời tự trị, có quyền che chở cho người.

Nhưng vì sao nói người lại che chở cho Trời?

Đáp: Đại Vương! Vua thực hành pháp hạnh có thể cho Trời ăn thức ăn trong sạch để đời sống chân chánh. Nghĩa là, Vua nói cho họ về thiền định, giải thoát và mười điều thiện trong pháp môn cam lồ chánh giáo của Như Lai, khiến họ ra khỏi sự đau khổ trong đường ác.

Đó gọi là che chở, trừ các sự sát sinh bất thiện, xấu xa… vì sao?

Vì ở trong nghiệp ác để đời sống của mình có một phần của chúng sinh. Cho nên, Vua thực hành pháp hạnh, tức là thân có thể tích tập vô lượng công đức, có lợi ích trong hiện tại và vị lai, cũng có thể tích tập các quả thiện.

Đại Vương! Vua thực hành pháp hạnh không nên thiêu đốt, phá hoại, hủy diệt tháp miếu của Như Lai, cho đến phòng ốc, nhà cửa, các vật sinh sống của những vị Sa Môn tịnh hạnh. Vườn tược, lầu các, quán xá, cây rừng, hoa quả không nên chiếm đoạt, không nên phá. Ngoài ra là còn vì muốn có lợi ích cho Phật, Pháp, Tăng.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Vua thực hành pháp hạnh có quan phụ tá nhà Vua là vị quan tể tướng đứng đầu trong triều đình. Nhưng ông ta lại không lo việc nước mà chỉ mưu lợi cho mình.

Hoặc vì tư thù mà hại đến việc công, hoặc nhận hối lộ bẻ cong pháp luật. Để nhân dân tụ họp bè đảng tăng thêm sự khinh thường, làm loạn. Dùng sức mạnh uy hiếp kẻ yếu đuối. Lấy quyền quý khinh thường sự thấp hèn. Lấy sự giàu sang khinh chế người nghèo khổ.

Lấy việc quanh co, dua nịnh để dối gạt điều ngay thẳng. Kẻ giàu có thì huênh hoang vênh váo, còn người nghèo khổ phải chịu thiệt thòi. Kẻ dối trá dua nịnh lại lên nắm chính quyền, còn bậc trung hiền phải lui về ở ẩn.

Hoặc khi còn ở chốn quan trường sợ lụy đến mình nên phải im lặng, hoặc tìm cầu tiền của hối lộ để được yên thân. Trăm họ bần cùng khốn khổ, không biết đâu để cứu vãn. Vì chán chường sự đau khổ nên họ nghĩ đến việc làm loạn, không nghe theo lệnh Vua. Ấy là do các quan lại hành xử không trung tiết, dối gạt người trên, nhiễu loạn kẻ dưới, hô hào để nhận bổng lộc của Vua.

Những người ác như thế, nên ghép họ vào số những chúng sinh nào?

Đáp: Đại Vương! Những người ác như thế nên ghép họ vào trong số những chúng sinh cướp đoạt bậc nhất để trị tội.

Vì sao?

Vì họ nhậm chức quan lớn, hưởng bổng lộc rất nhiều của nhà Vua, lại bỏ việc công lo việc tư, không giữ đúng phep tắc, cho nên tai họa làm loạn cũng chính là phát sinh từ đấy. Đây là kẻ giặc rất lớn của quốc gia. Vua là bậc Pháp Vương không xử tội họ bằng cách tử hình, cho nên ghép họ vào trong số chúng sinh cướp đoạt ở bậc cao nhất để trị tội.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Vua thực hành pháp hạnh, nếu trong nước có chúng sinh bất hiếu, không nghĩ đến ân dưỡng dục của cha mẹ, bỏ cha mẹ để ở với vợ con. Những thứ y phục, thức ăn, thuốc men dùng khi bệnh tật chỉ nghĩ đến cung cấp cho vợ con, không cho cha mẹ.

Cha mẹ già yếu không còn sức lực ra vào thì chưa từng lo lắng, gần gũi giúp đỡ, hầu hạ, thế mà đối với vợ con họ ngày đêm không lìa. Được một chút ngon ngọt không dám ăn một mình để dành cho vợ con.

Hoặc trộm của cha mẹ cung cấp cho vợ con ăn chơi thỏa thích. Cha mẹ nói điều tốt không chịu nghe theo, vợ con nói điều ác thì tin dùng không bỏ. Hoặc vì vợ con mà chửi mắng cha mẹ. Hoặc cùng với những người trong thân tộc như cô, chị, em gái sang hèn, trên dưới cùng với họ làm việc dâm dục, không biết hổ thẹn.

Những người như thế nên ghép họ vào trong số những chúng sinh nào?

Đáp: Đại Vương! Những người ác như thế, nên ghép họ vào trong số những chúng sinh cướp đoạt bậc nhất để trị tội họ.

Vì sao?

Vì ân cha mẹ sâu nặng như thế, hết lòng hiếu dưỡng còn không đền đáp hết, huống gì từ bỏ chống lại mệnh lệnh. Đó gọi là giặc cướp rất lớn trong thế gian.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Vua thực hành pháp hạnh, trong nước có người buông lung, không có lòng từ.

Đối với vợ con, tôi tớ, bà con, họ thường làm những điều bất nhẫn, sai khiến phi pháp, sai khiến phi thời. Người nào không làm, cưỡng bức khiến họ phải làm, đến cả đánh đập, chửi mắng không có điều gì không làm. Còn áo cơm không đủ ăn mặc, ngủ nghỉ không có chỗ, gọi chưa kịp đến thì thù ghét, lánh mặt. Xuất ngôn toàn là những lời mắng chửi giống như oan gia.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần