Phật Thuyết Kinh Sinh - đức Phật Thuyết Giảng Về Chuyện Người Trả Nợ Làm Thân Trâu Bò
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH SINH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
ĐỨC PHẬT THUYẾT
GIẢNG VỀ CHUYỆN NGƯỜI
TRẢ NỢ LÀM THÂN TRÂU BÒ
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Đức Phật du hóa tại khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ, cùng với chúng Đại Tỳ Kheo gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị và hội đủ các vị Bồ Tát. Vào lúc sáng sớm, Đức Phật mặc y, tay ôm bình bát đi vào thành khất thực.
Cùng lúc, có người dân phương xa đem theo một con trâu lớn, mạnh mẽ, béo tốt bán cho người ở trong thành này. Người mua dắt trâu ra về, tính là sẽ làm thịt. Tại cửa thành ấy, con trâu và Đức Phật gặp nhau. Người chủ thấy con trâu vừa to vừa khỏe, sợ nó vùng vẫy nên mời hơn mười người cùng giúp sức dẫn đi.
Con trâu từ xa nhìn thấy Đức Phật, trong lòng buồn vui lẫn lộn, bèn bứt đứt dây buộc, sổng chạy rất nhanh, mười người theo bắt mà không thể không chế được trâu. Nó hướng về chỗ Đức Như Lai mà chạy tới. Đức Phật biết là trâu đang nhớ về thọ mạng đời trước của nó.
Tôn Giả A Nan thấy vậy nên đã đi lên trước nhằm đánh đuổi nó tránh sang một bên, sợ nó xúc phạm đến Đức Như Lai. Tất cả mọi người ai cũng sợ hãi, sợ nó làm tổn thương tới Đức Phật.
Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Hãy đi lại đây, chớ nên ruồng đuổi nó.
Con trâu liền đi thẳng đến chỗ Đức Phật, quỳ hai chân trước, kêu lớn tiếng bên chân Ngài, nước mắt ròng ròng, từ miệng nó phát ra lời thưa: Kính xin Đức Thế Tôn mở rộng lòng thương xót, cứu độ nguy ách khiến con thoát khỏi nạn ấy. Ở vào đời này, bậc Đại Thánh rất khó gặp, hằng trăm ngàn ức đời Đức Thế Tôn mới xuất hiện nơi thế gian, là vì để hóa độ muôn loài. Vậy kính xin Ngài rủ lòng đại từ để con một lần thấy được sự tế độ.
Đức Phật dạy: Lành thay! Thật đáng thương xót! Do tâm ý của ngươi mê lầm mới gặp phải hoạn nạn. Tôn Giả A Nan, với các chúng Trời, Rồng, Quỷ, Thần ai cũng ngạc nhiên, lấy làm kỳ quái, vì sao loài Súc Sinh lại biết quy y với Đấng Thiên Tôn.
Tôn Giả A Nan bèn bước lên trước, quỳ mọp, hỏi Đức Phật: Con trâu này vừa gặp Đức Phật, vì sao nó tự quy y Ngài?
Chắc là có gốc ngọn thế nào chăng?
Đức Phật nói: Về thời quá khứ xa xưa, có một vị Chuyển Luân Vương làm chủ bốn cõi thiên hạ, có ngàn người còn và bảy thứ báu, trị nước theo pháp chân chánh, không bức bách muôn dân, thiên hạ thái bình, dân chúng được an lành, năm thứ lúa thóc luôn dồi dào.
Nhà vua lại có đủ bốn đức, coi dân như con, dân phụng sự vua như cha, các hàng Sa Môn, Phạm Chí, Trưởng Giả cho tới chúng dân ai cũng tỏ bày tình thân hữu. Bản thân nhà vua chưa từng bệnh hoạn, luôn được khang kiện, an lạc. Người trong bốn cõi thường ca ngợi công đức của Nhà Vua, lan truyền đến khắp mười phương.
Bấy giờ, vị Chuyển Luân Vương đi du hành xem xét khắp bốn phương xong xuôi, sửa soạn quay về cung, thì trông thấy một người, hình như quen ở đâu đã từ lâu lắm, đang bị người chủ nợ bắt trói nơi gốc cây, không thể đi được.
Khi ấy, vị Chuyển Luân Vương và bảy thứ báu cùng đi theo, đều dừng lại không tiến lên phía trước, lấy làm lạ về sự việc, từ xa trông thấy người quen biết xưa cũ ấy bị người bắt trói là do nợ năm mươi lượng vàng phải trả, nên chủ nợ bắt giữ lại chẳng cho đi.
Thánh Vương bảo người chủ nợ: Mở ra cho nó đi! Ta sẽ trả gấp bội cho Khanh là một trăm lượng vàng.
Người chủ nợ thưa: Tôi lại chuyển trả cho ông Mỗ một trăm lượng vàng nên phải lấy số vàng này để bù vào, do đó mà không thể coi thường được. Đức Thánh Vương liền ra lệnh cho kẻ bề tôi trở về cung lấy trao cho người chủ nợ ấy một trăm lượng vàng.
Kẻ bề tôi vâng lời. Người chủ nợ liền mở trói và người mắc nợ được trở về nhà yên ổn. Chủ nợ nhận vàng của Nhà Vua nhưng không trả cho ông Mỗ nọ, khiến ông này nhiều lần đi tới cửa Vua cầu tìm vàng nhưng chẳng được, tìm người chủ nợ kia thì ông ta đã trốn đâu mất.
Trong vòng sinh tử, quanh đi quẩn lại vô số kiếp, chẳng bồi thường số nợ cần trả, cho đến đời này phải bị đọa vào trong loài trâu ấy, chỗ nợ và chỗ bán để trả nợ đã lên đến mấy ngàn lượng vàng, vì vậy trâu mới tới quy y Phật. Duyên từ đời trước đã dắt dẫn buộc lấy thì sao mà thoát được.
Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Vua Chuyển Luân thời ấy là thân Ta, người chủ nợ lường gạt đó là con trâu này đây. Đức Phật là vị Thánh Vương đã bảo lãnh để giúp trả nợ, nhưng y đã không trả nợ, nên nay phải quy ngưỡng Đức Phật để cầu trả nợ giúp.
Đức Phật nói với người chủ trâu: Phật sẽ vì ông mà đi khất thực để bù vào đủ số vàng mà ông đã bỏ ra mua trâu.
Người chủ trâu không chịu, muốn đòi lấy lại trâu, Đức Phật lại bảo: Đem cân con trâu này nặng bao nhiêu, ta sẽ bằng lòng trả từng ấy cân vàng cho ông. Vậy mà người ấy vẫn không chịu.
Khi đó, các vị trời Đế Thích, Phạm Thiên Vương đều hiện ra, chắp tay bạch Đức Phật: Đức Phật chớ đi khất thực, Ngài muốn có được muôn ngàn ức lượng vàng, chúng tôi xin sẵn sàng đem đến trải đầy lên hai bên da trâu. Trời Đế Thích, Phạm Thiên, Tứ Đại Thiên Vương đem vàng đến chất đông rồi trải đầy lên hai bên da trâu, người kia mới chịu không đòi trâu nữa.
Đức Phật đem trâu về nơi Tinh Xá Kỳ Hoàn. Vào đấy, trâu xem thấy thân tướng Đức Phật, hình ảnh các vị Thánh Chúng và đức hạnh của các vị Bồ Tát thật là lồng lộng không lường, đường đường sáng chói, như mặt trăng trong chòm sao, uy thần tỏa chiếu khắp chốn, không thể nêu bày hết được.
Trong thời gian này trâu suy ngẫm, niệm Phật, niệm Pháp và niệm Thánh Chúng, qua bảy ngày thì mạng chung, liền được sinh lên Cõi Trời, tự nhớ và biết được công đức của Đức Thế Tôn đối với đời trước của mình.
Nên trâu đã trở lại nhân gian tung rải hoa cúng dường Đức Phật, nhằm báo đáp ân đức kia, rồi cung kính đảnh lễ nơi chân Phật. Đức Phật vì nó thuyết giảng Kinh Pháp, trâu liền phát tâm cầu đạo quả vô thượng chánh chân, tức thì được an trụ nơi địa bất thoái chuyển, chứng được pháp nhẫn vô sinh và trở lại Cõi Trời.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Xá La Bộ
Phật Thuyết Kinh Hư Không Tạng Bồ Tát - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Mười Hai - Phẩm Như Lai Tánh - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Nhất Thiết Như Lai Kim Cương Tam Nghiệp Tối Thượng Bí Mật đại Giáo Vương - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Diệu Tý Bồ Tát Sở Vấn - Phần Mười Ba - Nói Về Tám Pháp