Phật Thuyết Kinh đại Tát Già Ni Kiền Tử Sở Thuyết - Phẩm Tám - Phẩm Công đức Không Lỗi Lầm Của Như Lai - Tập Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI TÁT GIÀ NI

KIỀN TỬ SỞ THUYẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM TÁM

PHẨM CÔNG ĐỨC

KHÔNG LỖI LẦM CỦA NHƯ LAI  

TẬP BA  

Bước đi tới hoặc lui

Các tướng hiện điềm lành

Lìa các màu đen tối

Không có nốt ruồi xấu.

Mày như trăng đầu tháng

Cũng như vàng đen huyền

Mắt trong không đục dơ

Mắt lớn sáng như sao.

Miệng Ngài vuông tròn đẹp

Tiếng hay phát âm hòa

Các tướng vượt quần sinh

Lìa những dây phiền não.

Lông mày rất tươi đẹp

Mũi thẳng ống treo ngược

Hai mắt lớn và dài

Như cánh hoa sen xanh,

Mi đều giáp liền nhau

Tướng tròn đầy như khuôn

Răng dài sắc đều nhau

Răng sáng tỏa trong miệng,

Lông thân ngang bằng nhau

Cổ, họng không cao thấp

Cho nên tướng Cù Đàm

Người, Trời không bằng được.

Đầu tròn như chiếc dù

Xương trên đỉnh ngang bằng

Da trán không nhăn nheo

Như viên ngọc thật tròn.

Lông Cù Đàm mịn màng

Không rối, không phân tán

Uyển chuyển xoáy về phải

Thường xuất tỏa hương thơm,

Lông Cù Đàm tươi sạch

Trần cấu không thể nhiễm

Như lưu ly trong sáng

Không bị vẫy bùn dơ,

Lông Cù Đàm đầy đủ

từng sợi thứ tự mọc

Như cây cỏ Lăng chỉ

Đều mịn không rối nhau,

Lông Cù Đàm mềm mại

Như lông bụng ong chúa

Lìa tướng bệnh yếu già

Tóc đen không đổi trắng.

Ngực Cù Đàm nở nang

Giống như Sư Tử Vương

Như voi, như lộng cao

Cũng như mốc Kim Cang,

Như bình vàng đứng thẳng

Như bức tranh cuốn tròn

Như hoa Bát Đầu Ma

Như ngọc công đức Trời,

Như ngồi xếp kiết già

Mỗi mỗi trong các đốt

Sức như Na La Diên

Vì vậy, vượt thế gian.

Cù Đàm, ngực chữ vạn

Đầy đủ ngàn căm xe

Tay chân tướng không khác

Ngàn căm không khác nhau,

Chủ nhân chính là đây

Các tiểu tướng Cù Đàm

Nhị Thừa và ngoại đạo

Trời người đều không bằng.

Đại Vương nên biết! Sa Môn Cù Đàm đã thành tựu thân với các tướng đẹp như thế. Tất cả chúng sinh không ai có được như vậy, nên ta nói Sa Môn Cù Đàm không có lỗi lầm.

Đại Vương nên biết! Sa Môn Cù Đàm hoàn toàn thành tựu năng lực tâm đại từ, có thể làm đến lợi ích rất lớn cho tất cả chúng sinh, không có tâm hại. Tâm đại từ ấy không bị ngăn ngại, không bị cách trở, luôn luôn vận hành, tự nhiên tỏa chiếu khắp các cảnh giới trong thế gian, đi thẳng vào phiền não sử của các chúng sinh.

Đại Vương nên biết! Giống như nước trong sạch, nhờ ngọc báu Ma ni, vì bản chất của nó làm trong sạch nước, tự no là trong sáng mà làm cho tất cả nước đục thành trong. Cũng vậy, nước tâm đại từ, tự thân thanh tịnh, lại có khả năng làm cho thanh tịnh tất cả nước đục kiến chấp, bùn phiền não của tất cả chúng sinh. Sa Môn Cù Đàm đã hoàn toàn thành tựu rộng lớn như thế, nên ta nói Sa Môn Cù Đàm không có lỗi lầm.

Rồi nói kệ rằng:

Cù Đàm đại từ bi

Xem khắp mười phương cõi

Tâm đối các chúng sinh

Không lúc nào rời bỏ,

Nên gọi Phật Thế Tôn

Thành tựu tâm đại bi

Vì thế, nhất thiết trí

Không có những lỗi lầm.

Như nước trong sạch kia

Ngọc như ý ma ni

Tự thể vốn sáng trong

Làm sạch các nước đục,

Cũng vậy, Đức Cù Đàm

Tự tánh lìa cấu bẩn

Dùng nước tâm đại từ

Sạch tâm nhơ chúng sinh.

Đại Vương nên biết!

Đối với chúng sinh, Sa Môn Cù Đàm đã hoàn toàn thành tựu ba mươi hai quán tâm đại bi.

Ba mươi hai quán tâm đó là:

1. Sa Môn Cù Đàm thay các chúng sinh rơi vào chỗ tối tăm, ngu si, nên khởi tâm từ bi.

2. Sa Môn Cù Đàm thấy các chúng sinh rơi vào sự ràng buộc của vô minh, nên khởi tâm đại bi.

3. Sa Môn Cù Đàm thấy các chúng sinh bị rơi vào nơi rất nguy hiểm trong thế gian, nên khởi tâm đại bi.

4. Sa Môn Cù Đàm thấy các chúng sinh từ bỏ chốn tịch tịnh, đi theo thế gian, nên khởi tâm đại bi.

5. Sa Môn Cù Đàm thấy các chúng sinh rơi xuống thác dữ, trôi theo dòng, nên khởi tâm đại bi.

6. Sa Môn Cù Đàm thấy các chúng sinh rơi vào chốn điên đảo, nguy hiểm đau khổ tột cùng, nên khởi tâm đại bi.

7. Sa Môn Cù Đàm thấy các chúng sinh đi theo đường ác, từ bỏ Thánh đạo, nên khởi tâm đại bi.

8. Sa Môn Cù Đàm thấy các chúng sinh bị dây phiền não lớn trói buộc và luôn luôn bị các lưới phiền não vây bủa, nên khởi tâm đại bi.

9. Sa Môn Cù Đàm thấy các chúng sinh ở trong các cảnh giới thường không đầy đủ, không thỏa mãn, nên khởi tâm đại bi.

10. Sa Môn Cù Đàm thấy các chúng sinh bị các ái nhiễm làm chủ, không được tự tại, nên khởi tâm đại bi.

11. Sa Môn Cù Đàm thấy các chúng sinh thường bị khổ đau lớn của già, chết dày vò, nhưng không sinh nhàm chán, nên khởi tâm đại bi.

12. Sa Môn Cù Đàm thấy các chúng sinh không thoát khỏi bệnh tật, thường bị đau khổ bởi những căn bệnh hành hạ, nên khởi tâm đại bi.

13. Sa Môn Cù Đàm thấy các chúng sinh bị ba ngọn lửa thiêu đốt suốt ngày đêm, không bao giờ dừng nghỉ, nên khởi tâm đại bi.

14. Sa Môn Cù Đàm thấy các chúng sinh bị trói buộc trong nghề nghiệp thấp hèn làm tăng trưởng sự khổ đau ở thế gian, nên khởi tâm đại bi.

15. Sa Môn Cù Đàm thấy các chúng sinh thường ôm lòng sợ hãi không an ổn, nên khởi tâm đại bi.

16. Sa Môn Cù Đàm thấy các chúng sinh bị lợi nhỏ cám dỗ mà quên đi họa lớn, nên khởi tâm đại bi.

17. Sa Môn Cù Đàm thấy các chúng sinh bị say sưa theo những điều buông lung, không biết rắn độc từ xưa đang ngủ trong tâm, trên đường, đồng trống. Thường bị oan gia năm ấm theo đuổi, nên khởi tâm đại bi.

18. Sa Môn Cù Đàm thấy các chúng sinh thường bị các triền cái cướp đoạt tài sản thiện, nên khởi tâm đại bi.

19. Sa Môn Cù Đàm thấy các chúng sinh bị vô minh che mắt, thường mờ mịt không thấy được bậc thiện tri thức, nên khởi tâm đại bi.

20. Sa Môn Cù Đàm thấy các chúng sinh thường bị mọi việc làm rối loạn tâm, giống như tơ rối không ai gỡ ra được, nên khởi tâm đại bi.

21. Sa Môn Cù Đàm thấy các chúng sinh thường ở chỗ ồn ào náo nhiệt, xa lìa nơi tịch tĩnh, nên khởi tâm đại bi.

22. Sa Môn Cù Đàm thấy các chúng sinh thường ở chỗ hoạn nạn, lìa chốn bình an, nên khởi tâm đại bi.

23. Sa Môn Cù Đàm thấy các chúng sinh bị tà kiến trói buộc, nên khởi tâm đại bi.

24. Sa Môn Cù Đàm thấy các chúng sinh rơi vào sự cám dỗ của miếng mồi ngon, nương theo tà kiến sử, nên khởi tâm đại bi.

25. Sa Môn Cù Đàm thấy các chúng sinh ở trong đêm dài chấp tưởng điên đảo, tâm điên đảo. Ở trong pháp vô thường mà khởi ý tưởng là thường, ở trong pháp đau khổ khởi ý tưởng là vui. Ở trong pháp bất tịnh sinh ý tưởng là tịnh, ở trong pháp vô ngã mà sinh ý tưởng là ngã, nên khởi tâm đại bi.

26. Sa Môn Cù Đàm thấy các chúng sinh từ vô thỉ đến nay phải nhận lấy việc sinh tử, gánh vác những điều ác xa, chịu đau khổ vô cùng mà không hề mỏi mệt, nên khởi tâm đại bi.

27. Sa Môn Cù Đàm thấy các chúng sinh nương theo thế gian, sức lực yếu kém, chẳng phải vững chắc mà cho là vững chắc, nên khởi tâm đại bi.

28. Sa Môn Cù Đàm thấy các chúng sinh bị nhiễm ô làm bẩn, thường ở trong vô số những cấu uế, nên khởi tâm đại bi.

29. Sa Môn Cù Đàm thấy các chúng sinh bị sự tham ái trói buộc, không biết nhàm chán xa lìa, nên khởi tâm đại bi.

30. Sa mon Cù Đàm thấy các chúng sinh bị các việc cúng dường, cung kính chinh phục mà thường mong cầu của cải và các vật cúng dường, nên khởi tâm đại bi.

31. Sa Môn Cù Đàm thấy các chúng sinh thường bị các cảnh giới trói buộc, sinh tâm lo âu và bực bội, nên khởi tâm đại bi.

32. Sa Môn Cù Đàm thấy các chúng sinh rơi vào chỗ kiêu căng, ngã mạn, nên khởi tâm đại bi.

Đại Vương nên biết! Đó là Sa Môn Cù Đàm đối với chúng sinh đã thành tựu hoàn toàn ba mươi hai tâm quán đại bi. Cho nên ta nói Sa Môn Cù Đàm không có lỗi lầm.

Rồi nói kệ rằng:

Cù Đàm thấy chúng sinh

Nhốt trong ngục thế gian

Luân chuyển đi các cõi

Thường chịu mọi đau khổ,

Ngu tối che tâm họ

Không biết sinh chán lìa

Cho nên Vô Thượng Tôn

Thường khởi tâm đại bi.

Cù Đàm thấy chúng sinh

Ưa đắm các thế gian

Bốn dòng Trời về đâu?

Trôi xuôi không trở lại,

Thường chìm biển sinh tử

Không biết cầu ra khỏi

Cho nên Đấng mười lực

Thường khởi tâm đại bi.

Cù Đàm thấy chúng sinh

Rơi vào hiểm họa lớn

Đi theo con đường tà

Không có người cứu giúp,

Cho nên Cù Đàm quán

Phát khởi tâm đại bi

Dẫn đến Bồ Đề Phật

Chỗ tối thắng không sợ.

Cù Đàm thấy chúng sinh

Bị trói trong lao ngục

Làm tôi tớ cho ái

Sai đi các cảnh giới,

Trôi lăn biển già chết

Không hay biết gì cả

Cho nên Đấng thập lực

Thường khởi tâm đại bi.

Cù Đàm thấy chúng sinh

Đốt mạnh ba loại lửa

Thường ở các đường ác

Bao điều khổ hành hạ,

Rất sợ các đường ác

Không có nơi nương tựa

Cho nên Đấng thập lực

Thường khởi tâm đại bi.

Cù Đàm thấy chúng sinh

Ưa đắm trong các cõi

Tâm tự do buông thả

Tham đắm các cảnh giới,

Thường bị mọi điều hại

Nhưng không sinh sợ hãi

Cho nên Đấng mười lực

Thường khởi tâm đại bi.

Cù Đàm thấy chúng sinh

Vô minh tăm tối che

Các thứ lộng che chắn,

Không lìa khỏi triền cái

Tà kiến rối như tơ

Không có người tháo mở

Cho nên Đấng thập lực

Thường khởi tâm đại bi.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần