Phật Thuyết Kinh đại Tát Già Ni Kiền Tử Sở Thuyết - Phẩm Tám - Phẩm Công đức Không Lỗi Lầm Của Như Lai - Tập Bảy

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI TÁT GIÀ NI

KIỀN TỬ SỞ THUYẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM TÁM

PHẨM CÔNG ĐỨC

KHÔNG LỖI LẦM CỦA NHƯ LAI  

TẬP BẢY  

Đại Vương! Túc mạng thần thông trí hạnh của Sa Môn Cù Đàm là nghĩ biết được trong quá khứ một đời, hai đời, cho đến mười đời, ngàn đời, vô lượng trăm đời, vô lượng ngàn đời, vô lượng trăm ngàn đời. Biết sự thành hoại của Trời đất, vô lượng Thế Giới hình thành rồi hoại diệt, vô lượng kiếp hình thành hoại diệt.

Biết các chúng sinh ở trong đó có dòng họ như thế, tên như thế, thân hình như thế, thọ mạng như thế, chịu đau khổ như thế và thọ hưởng vui sướng như thế, sống ở nơi như thế, y phục, ăn uống như thế. Chết ở trong đó rồi sinh trở lại trong đó, chết ở chỗ kia rồi sinh trở lại chỗ kia, chết đây sinh kia, chết kia sinh đây. Lại biết hết quá khứ, biet các Đức Phật trong tận quá khứ này đến quá khứ khác.

Như vậy, quyến thuộc, cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, từ lúc mới phát tâm xuất gia cầu đạo, cho đến tu tập hạnh nguyện cúng dường Chư Phật, giáo hóa điều phục tất cả chúng sinh, ngồi dưới cội bồ đề thành Đẳng chánh giác. Những danh hiệu như thế, trụ xứ như thế, ngồi tòa thù thắng, Thanh Văn, Thị Giả, Trời, Người, đại chúng, hoặc ngoại đạo như thế.

Lại nữa, thuyết pháp, độ chúng sinh, thọ mạng, diệt độ, thời kỳ chánh pháp tồn tại, thời kỳ tượng pháp tồn tại như thế, tất cả đều có khả năng nghĩ biết được.

Vì sao?

Vì Như Lai an trụ trong đại bi, khéo hiểu rõ khởi nghiệp. Là trí không có phiền não, vì an trụ trong thiền định. Là trí không sợ hãi, khéo giữ gìn trí tuệ. Là trí tự nhiên, không tìm cầu từ người khác, hiện tại khéo biết được. Là trí hoàn toàn không quên. Là trí công đức, đại thừa cứu cánh. Là trí thiện căn, từ Ba la mật sinh đến bờ kia. Đây gọi là biết bằng Túc mạng thần thông trí hạnh.

Đại Vương nên biết! Như ý thần thông trí hạnh của Sa Môn Cù Đàm là vì muốn điều phục những chúng sinh tà kiến, kiên cường khó giáo hóa, khiến họ theo chánh pháp. Cho nên Sa Môn Cù Đàm thị hiện các loại thần thông để giáo hóa, hoặc bằng sắc tướng, hoặc bằng thế lực, hoặc bằng biến hóa.

Sắc tướng là thị hiện thân Phật, thân Bồ Tát, thân Duyên Giác, thân Thanh Văn, thân Thích Đề Hoàn Nhân, thân Phạm, Vua Trời và Vua bốn Cõi Trời. Hoặc thân Chuyển Luân Thánh Vương và các thân khác, cho đến thân Súc Sanh.

Tùy theo chúng sinh mà ứng hiện để giáo hóa, đều có thể thị hiện để thuyết pháp. Nếu có chúng sinh tự ỷ vào sức mạnh của tự thân mà khởi lên thái độ kiêu mạn, sân giận, cống cao, vì muốn giáo hóa những chúng sinh như thế, nên Ngài thị hiện đại lực Na La Diên, lấy núi Tu Di đặt ở đầu ngón tay, rồi ném vào trong vô lượng Thế Giới ở các phương khác.

Hoặc có khi gom nắm tam thiên đại thiên Thế Giới, dưới đến tận cùng thủy tế rồi dùng một tay nhấc cao lên đến Trời Hữu Đảnh, trải qua một kiếp. Thị hiện năng lực như vậy để làm cho chúng sinh kia dứt bỏ tâm kiêu mạn, tự đại và cống cao mà thuyết pháp cho họ.

Biến hóa là dùng năng lực biến hóa, có thể biến biển lớn kia thành nước trong lỗ dấu chân trâu, biển lớn không giảm mà lỗ chân trâu cũng không lớn ra. Ngược lại, biến nước trong lỗ dấu chân trâu trở thành biển lớn.

Hoặc khi kiếp số sắp kết hỏa tai nổi lên cầu ứng hiện nước thì liền biến làm nước. Cầu ứng hiện gió thì liền biến làm gió. Khi thủy tai nổi lên, cầu ứng hiện lửa thì liền biến làm lửa, cầu ứng hiện gió thì liền biến làm gió. Khi phong tai nổi lên, cầu ứng hiện nước thì liền biến làm nước, cầu ứng hiện lửa thì liền biến làm lửa. Thể hiện những loại biến hóa như thế, chỉ dạy các chúng sinh, khiến họ sinh tâm vui mừng mà thuyết pháp cho họ.

Vì sao?

Vì sức thần thông Như Lai bao gồm các pháp tín, dục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Điều phục tâm nhu hòa, đạt được sự tự tại, tu tập hoàn hảo. Đó gọi là thần thông như ý.

Đại Vương nên biết! Lậu tận thông trí hạnh của Sa Môn Cù Đàm là các lậu hoặc đã hết, xa lìa tất cả phiền não tập khí. Đó là dục lậu, hữu lậu, kiến lậu và vô minh lậu. Nó không giống chỗ đạt được lậu tận của tất cả Thanh Văn và Bích Chi Phật.

Vì sao?

Tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật tuy đạt được lậu tận, nhưng đối với các sinh xứ vẫn còn bị chướng ngại, không đủ sức tự tại giáo hóa chúng sinh. Vì thế, họ còn có sự chướng ngại. Sa Môn Cù Đàm không còn có sự chướng ngại, nên gọi là Lậu tận trí thông.

Đại Vương nên biết! Sa Môn Cù Đàm hoàn toàn thành tựu thần thông trí hạnh như thế, cho nên ta nói là không có lỗi lầm.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Thế nào là bốn Trí vô ngại của Như Lai?

Đáp: Đại Vương! Bốn Trí vô ngại của Như Lai là:

1. Pháp vô ngại.

2. Nghĩa vô ngại.

3. Từ vô ngại.

4. Nhạo thuyết vô ngại.

Đại Vương! Pháp vô ngại của Sa Môn Cù Đàm nghĩa là quán chúng sinh mới phát tâm, hành tâm nhiều dục, hành tâm ít dục và pháp thiện, pháp ác, pháp thế gian và pháp xuất thế gian, pháp có thể làm, pháp không thể làm, có pháp hữu lậu và pháp vô lậu, có pháp hữu vi và vô vi, pháp đen và pháp trắng, pháp sinh tử và pháp Niết Bàn, bồ đề bình đẳng, pháp tánh bình đẳng. Biết đúng như thật, tùy theo đối tượng nghe để thuyết pháp. Đó gọi là Pháp vô ngại.

Đại Vương nên biết!

Nghĩa vô ngại của Sa Môn Cù Đàm là đối với các pháp nhận thức bằng trí đệ nhất nghĩa, là vô ngã trí, vô chúng sinh trí, vô nhân trí, vô thọ mạng trí. Biết về quá khứ bằng trí không chướng ngại. Biết về vị lai bằng trí vô biên. Biết hiện tại bằng trí nhất thiết chủng.

Biết rõ về trí của bốn đế, đó là khổ không hòa hợp trí, biết tập không tạo tác trí, biết diệt tự tánh trí, biết đạo có thể không tạo tác trí. Biết tâm các chúng sinh thực hành theo trí. Tất cả đều đúng như thật, tùy theo đối tượng nghe để thuyết pháp. Đó gọi là nghĩa vô ngại trí.

Đại Vương nên biết! Trí của Sa Môn Cù Đàm đối với ngôn từ không ngại là hoàn toàn hiểu rõ các âm thanh, ngôn ngữ.

Nghĩa là, biết được âm thanh, ngôn ngữ văn tự của Trời, Rồng, Quỷ Thần, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Ma Hầu La Già, người và chẳng phải người. Tùy theo đối tượng nghe của từng loại khác nhau, tùy theo từng loại với âm thanh khác nhau của từng địa phương mà thuyết pháp thuyết nghĩa. Đó gọi là từ vô ngại trí.

Đại Vương nên biết! Nhạo thuyết vô ngại trí của Sa Môn Cù Đàm là tùy theo đối tượng nghe và người cầu hỏi, tất cả ngôn ngữ văn tự, ngay trong miệng phân biệt mà trả lời thẳng ngay. Tâm không nhàm chán mệt mỏi, nghĩa là tất cả thiền định Tam ma bạt đề, biện thuyết ba thừa, tùy theo những tâm hạnh của chúng sinh để trả lời đúng như yêu cầu.

Ngôn ngữ bóng bẫy, nói không trở ngại, giống như dòng nước chảy không bao giờ cùng tận. Đó gọi là Nhạo thuyết vô ngại trí.

Đại Vương nên biết! Sa Môn Cù Đàm đã thành tựu bốn vô ngại trí như thế, cho nên ta nói Ngài không có lỗi lầm.

Nha Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Thế nào là bốn tâm vô lượng của Như Lai?

Đáp: Đại Vương! Bốn tâm vô lượng của Như Lai là tâm từ vô lượng, tâm bi vô lượng, tâm hỷ vô lượng và tâm xả vô lượng.

Đại Vương! Sa Môn Cù Đàm có mười loại tâm đại từ vô lượng:

1. Tâm từ rộng lớn bình đẳng, đối với chúng sinh không có sự lựa chọn.

2. Tâm từ rộng lớn làm lợi ích. Có khả năng khai mở con đường thiện Niết Bàn cho Trời và người, đóng cửa những con đường ác.

3. Tâm từ rộng lớn cứu độ, hoàn toàn có khả năng đưa tất cả chúng sinh qua khỏi hiểm nạn của sinh tử.

4. Tâm từ rộng lớn thương xót, không bỏ tất cả chúng sinh, nuôi dưỡng các căn.

5. Tâm từ rộng lớn giải thoát, diệt trừ những phiền não nóng bức của chúng sinh.

6. Tâm từ rộng lớn phát sinh bồ đề, dạy các chúng sinh về bồ đề Niết Bàn Vô Thượng.

7. Đối với chúng sinh tâm từ rộng lớn không bị trở ngại, phóng ánh sáng lớn chiếu khắp tất cả cảnh giới của chúng sinh.

8. Tâm từ rộng lớn như hư không, cứu hộ tất cả chúng sinh.

9. Tâm từ rộng lớn duyên với pháp, giác ngộ tất cả chúng sinh cùng biết được pháp chân thật.

10. Vô duyên đại từ, chứng được tánh thật pháp, xa lìa sinh tử.

Đại Vương nên biết! Đó gọi là tâm từ vô lượng.

Đại Vương nên biết! Sa Môn Cù Đàm có mười loại tâm đại bi vô lượng:

1. Đại bi bất cộng, vì tánh đại bi.

2. Đại bi không nhàm chán, thay tất cả chúng sinh chịu mọi sự đau khổ.

3. Đại bi đi vào tất cả đường ác, ở trong sinh tử giáo hóa chúng sinh.

4. Đại bi thọ sinh trong các Cõi Trời người, thị hiện các pháp đều vô thường.

5. Đại bi không bỏ các tà định của chúng sinh, ở trong vô lượng kiếp khởi tâm thệ lớn trang nghiêm thành tựu.

6. Đại bi không đắm trước niềm vui của chính mình mà đem cho niềm vui của tất cả chúng sinh.

7. Đại bi không cần báo đáp, tự tâm thanh tịnh.

8. Đại bi diệt trừ tâm điên đảo của tất cả chúng sinh, để nói pháp chân thật.

9. Đại bi nói pháp tánh chân thật, biết các pháp giới tự tánh thanh tịnh.

10. Đại bi nói về không, không có sở hữu, không bị các khách trần phiền não làm ô nhiễm.

Đại Vương! Đó gọi là tâm bi vô lượng.

Đại Vương nên biết!

Sa Môn Cù Đàm có mười loại tâm đại hỷ vô lượng:

1. Tâm đại hỷ vui mừng các chúng sinh phát tâm bồ đề.

2. Tâm đại hỷ nghĩ đến các chúng sinh đã từ bỏ các cõi.

3. Tâm đại hỷ đối với người phạm giới, không sinh tâm ác, giao hóa họ được thành tựu.

4. Tâm đại hỷ đối với tất cả các chúng sinh hay đấu tranh, kiện tụng đều khiến cho họ hòa hợp và được trí Vô thượng.

5. Tâm đại hỷ vì các chúng sinh thường hộ chánh pháp.

6. Tâm đại hỷ vì xa lìa thế gian và xuất thế gian.

7. Tâm đại hỷ khiến cho các chúng sinh không đắm trước mọi thứ của cải, thường vui trong chánh pháp.

8. Tâm đại hỷ không để cho những khó khăn khuất phục.

9. Tâm đại hỷ không hoại diệt pháp giới, làm cho các chúng sinh thường ưa thích thiền định, giải thoát tam muội liên tục không gián đoạn.

10. Tâm đại hỷ khiến các chúng sinh chuyên cầu sự tịch tĩnh, diệt trừ tâm loạn, đạt được trí tuệ vô thượng, xa lìa tà kiến và có đầy đủ các hạnh nguyện.

Đó gọi là tâm đại hỷ vô lượng.

Đại Vương nên biết! Sa Môn Cù Đàm có mười loại tâm xả vô lượng:

1. Tâm đại xả là tất cả chúng sinh cung kính, cúng dường mà vẫn không tăng thêm tâm vui mừng. Còn đối với tất cả những chúng sinh khinh mạn, hủy nhục cũng không sinh tâm buồn giận.

2. Tâm đại xả là thường sống ở trong thế gian nhưng không bị nhiểm bởi tám pháp của thế gian.

3. Tâm đại xả là biết khả năng, biết thời, đối với khả năng hay chẳng phải khả năng, tâm vẫn thực hành bình đẳng.

4. Tâm đại xả không đem cho chúng sinh pháp học và vô học của Thanh Văn, Bích Chi Phật.

5. Tâm đại xả là lìa xa tất cả phiền não tập khí.

6. Tâm đại xả không vui tu hành bồ đề Nhị Thừa để nhàm chán sinh tử.

7. Tâm đại xả là xa lìa ngôn ngữ thế gian và Niết Bàn, ngôn ngữ chẳng lìa dục, ngôn ngữ cười đùa, ngôn ngữ làm người khác buồn bực, ngôn ngữ Thanh Văn và Duyên Giác, cho đến tất cả các ngôn ngữ làm chướng ngại bồ đề.

8. Tâm đại xả, nếu có chúng sinh đợi thời cơ được giáo hóa thì lúc đó Như Lai tạm thời xả bỏ cho họ.

9. Tâm đại xả, nếu có chúng sinh đáng được Đức Phật giáo hóa thì tùy theo đó liền thấy các sắc thân ứng hiện.

10. Tâm đại xả là lìa xa hai pháp không cao và không thấp, không giữ không bỏ, không hư không thật, quán sát bình đẳng, an trụ ở chân thật và đạt được nhẫn thanh tịnh.

Đó gọi là tâm đại xả vô lượng.

Đại Vương nên biết! Sa Môn Cù Đàm hoàn toàn thành tựu bốn vô lượng tâm như vậy. Cho nên ta nói là không có lỗi lầm.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Thế nào là tướng năm căn của Như Lai?

Đáp: Đại Vương!

Tướng năm Căn của Như Lai là: Tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn và tuệ căn.

Đại Vương nên biết! Tín căn của Sa Môn Cù Đàm là tin ở bốn pháp.

Bốn pháp ấy là:

1. Ở trong sinh tử thực hành chánh kiến, tin ở nghiệp báo, thậm chí bị mất mạng cũng không làm điều ác.

2. Tin hạnh Bồ Tát, không theo tà kiến, chuyên cầu bồ đề, không cầu các thừa khác.

3. Tin hiểu các pháp, đồng với không, vô tướng và vô nguyện, đồng với đệ nhất nghĩa đế. Đồng với hiểu rõ nghĩa lý nhân duyên sâu xa, không có ta không có người, không có chúng sinh, không có phân biệt.

4. Tin vào mười lực, bốn pháp vô úy, mười tám pháp bất cộng của Chư Phật. Khi tin như thế rồi, cắt bỏ những lưới nghi, tóm thâu tất cả giáo pháp của Đức Phật.

Đó gọi là Tín căn.

Đại Vương nên biết! Tinh tấn căn của Sa Môn Cù Đàm là nếu pháp nào thuộc về tín căn thì pháp ấy chính là pháp tu tinh tấn căn, do đó gọi là tinh tấn căn.

Nếu pháp nào thuộc về tinh tấn căn thì pháp ấy không bao giờ bị quên mất, do đó gọi là niệm căn.

Nếu pháp nào được thuộc về niệm căn thì pháp ấy không quên, không mất và nhất tâm bất loạn, do đó gọi là định căn.

Nếu pháp nào được thuộc về định căn là đối tượng quán của tuệ, là thể tánh của tuệ, bên trong tự chiếu tỏ, không biết do người khác, tự trụ trong chánh hạnh, đó gọi là tuệ căn.

Đại Vương nên biết! Sa Môn Cù Đàm hoàn toàn thành tựu năm căn như vậy, cho nên ta nói là không có lỗi.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Thế nào là tướng năm Lực của Như Lai?

Đáp: Đại Vương! Tướng năm Lực của Như Lai là: Tín lực, tinh tấn lực, niệm lực, định lực và tuệ lực.

Đại Vương nên biết! Tín lực của Sa Môn Cù Đàm là tin vào một mục đích không bao giờ thay đổi. Đến nỗi Trời ma biến làm thân Phật, thị hiện ra vào thiền định giải thoát cũng không lay chuyển được, đó gọi là tín lực.

Ở trong các pháp thiện đạt tâm kiên cố. Đạt được sức như thế, tu các thiền định, các Trời và người không thể phá hoại, đều được thành tựu như sở nguyện, đó gọi là tinh tấn lực.

Trụ ở trong các pháp nhưng không bị phiền não phá hoại.

Vì sao?

Vì có năng lực chánh niệm nên có thể thu phục được. Bởi vậy, không đánh mất năng lực của niệm, đó gọi là niệm lực.

Xa lìa nơi ồn ào náo nhiệt, thích độc hành. Tuy có nói ngôn ngữ, âm thanh, nhưng không làm chướng ngại Sơ Thiền, khéo trụ ở giác quán, không chướng ngại Nhị Thiền. Tâm sinh hoan hỷ không chướng ngại Tam Thiền.

Dẫu thích giáo hóa tất cả chúng sinh nhưng không bỏ Phật Pháp và cũng không làm chướng ngại Tứ Thiền. Khi thực hành Tứ Thiền không bị chướng ngại bởi các pháp chướng ngại định, không bỏ các định cũng không theo định mà có thể tự tại thọ sinh bất cứ ở đâu, đó gọi là định lực.

Biết pháp thế gian và pháp xuất thế gian, không có một pháp nào có thể hoại đó là trí. Trong đời sống, tất cả nghề nghiệp không học từ thầy mà chỉ tự nhiên biết. Tất cả hạnh khổ của thế gian và ngoại đạo, vì giáo hóa chúng sinh nên đều thọ nhận thực hành, là pháp xuất thế gian. Nó có khả năng vượt qua thế gian, thành tựu năng lực tuệ, đó gọi là tuệ lực.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần