Phật Thuyết Kinh Phạm Võng Phật Lô Xá Na - Phần Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT KINH
PHẠM VÕNG PHẬT LÔ XÁ NA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẦN BỐN
Này Phật Tử! Nếu đã ở trước trong Tăng phường, sau thấy các vị khách Bồ Tát Tỳ Kheo đến nơi Tăng phường, nhà cửa, thành thị, thôn xóm của mình, hay của vua chúa, đến nơi kiết hạ an cư, hay chỗ trai hội cầu phước thì mình là Tăng ở trước, nên đón rước, tiễn đưa cúng dường thức ăn uống, phòng ở, đồ nằm, giường cây hay giường giây, mọi việc đều cung cấp.
Nếu không có sẵn thì dù phải bán mình, bán cả con cái cũng gắng cung phụng những vật cần dùng cho những vị ấy. Nếu có thí chủ đến thỉnh Chư Tăng thì các vị khách Tăng ấy cũng có phần.
Vị chỉ Tăng phường phải theo thứ tự mời các vị khách Tăng ấy thọ thỉnh. Nếu Chư Tăng ở trước chỉ thọ riêng, không mời các vị khách Tăng thì vị chủ Tăng phường phạm tội lỗi vô lượng, không khác gì loài vật, không phải là Sa Môn, không phải là dòng họ Thích Ca. Nếu cố ý làm như vậy thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Trường hợp nào cũng không được thọ thỉnh riêng biệt, thu nhận đồ hiến cúng về cho mình. Vật cúng dường là thuộc về Chư Tăng mười phương.
Nếu thọ thỉnh riêng biệt, tức là lấy vật của Chư Tăng mười phương gom góp cho mình, xâm phạm đến vật của Phật Đà, Thánh Hiền Hòa Thượng, A Xà Lê, Đại Sư, Chư Tăng, Cha Mẹ và người bệnh trong tám ruộng phước vì chỉ dùng cho riêng mình, nên phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Dù là Bồ Tát xuất gia hay Bồ Tát tại gia hoặc vị thí chủ nào, khi muốn thỉnh Chư Tăng để hiến cúng cầu nguyện.
Phải đến Tăng phường hỏi vị Tri Sự mà thưa: Vị Tri sư bảo: Theo thứ tự thỉnh Chư Tăng để hiến cúng cầu nguyện tức là thỉnh được Chư Hiền Thánh Tăng mười phương.
Nếu như người đời thỉnh mời riêng biệt, dù thỉnh năm trăm vị La Hán và Bồ Tát cũng không bằng thỉnh một vị Tăng phàm phu theo thứ tự của Tăng Chúng. Thỉnh riêng là nề nếp của ngoại đạo, bảy Đức Phật không có phép thỉnh riêng. Việc đó không thuận với đạo hiếu. Nếu cố ý thỉnh riêng thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Vì do tâm xấu ác, vì lợi dưỡng nên mua bán dâm nam dâm nữ, tự tay làm thức ăn, tự xay giã, coi tướng nam nữ, đoán mộng tốt xấu, đoán thai trai gái, làm các chú thuật, xảo thuật, luyện tập chim săn, thú săn như chim ưng, pha chế thuốc độc hòa hợp bằng trăm ngàn thứ độc, độc rắn, độc nơi vàng, bạc sống, độc hại dữ, không có lòng từ bi, lòng hiếu thuận. Nếu cố ý làm thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Vì tâm xấu ác nên chính mình hủy báng Tam Bảo, giả vờ như kính mến đối với Tam Bảo, miệng nói không mà việc làm thì hoàn toàn là có, làm quản lý cho người đời, vì họ làm mai mối nam nữ kết hợp sắc dục tạo ra đủ thứ hệ lụy. Sáu ngày chay trong mỗi tháng, hay ba tháng chay trong năm cũng sát sánh, trộm cướp, phá trai phạm giới, thì phạm tội khinh cấu.
Đây là mười giới nhẹ, cần nên vâng học kính tâm phụng trì, trong phẩm Chế giới có giảng rõ.
Này Phật Tử! Sau khi Như Lai nhập diệt, trong đời ác, nếu thấy ngoại đạo và những kẻ tàn ác hay đám giặc cướp chiếm đoạt, buôn bán hình tượng Phật Đà, hình tượng Bồ Tát, hình tượng cha mẹ, bán Kinh bán luật, bán các vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, bán Bồ Tát mới phát tâm bồ đề, cho quan lại sai khiến hay cho kẻ khác làm nô bộc, tỳ thiếp.
Là Bồ Tát khi đã thấy sự việc ấy nên sanh tâm từ bi, dùng mọi cách để cứu vớt, đi khắp mọi nơi để kiếm tiền chuộc lại hình tượng Phật, Bồ Tát cùng tất cả Kinh Luật, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Bồ Tát mới phát tâm. Nếu không chuộc như vậy thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Không được cất chứa buôn bán dao gậy, cung tên, dụng cụ cân non đong thiếu, dựa vào uy thế của quan quyền chiếm đoạt tài vật của người khác, giam cầm và phá hoại sự thành công của người khác, bằng tâm ác độc, nuôi lớn mèo, chồn, heo, chó. Nếu cố ý làm những việc như vậy thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Không được đem tâm đen tối xem sự đấu sức của nam nữ, quân trận của tướng sĩ, giặc cướp… không được xem ca múa, cờ bạc, đá cầu, đá bóng, bói toán, làm liên lạc cho đám giặc… những việc như trên đều không được làm. Nếu cố ý làm thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Phải nghiêm trì giới pháp, mọi cử động đi đứng nằm ngồi, ngày đêm sáu thời đều đọc tụng giới pháp, giữ vững chắc như kim cương, như chiếc phao nổi khi qua biển, như các Tỳ Kheo bị trói buộc bằng cỏ, thường phát khởi đức tin cao đẹp của đại thừa.
Tự biết ta là Phật sẽ thành, Chư Phật là Phật đã thành, nên luôn phát tâm bồ đề không thối lui. Nếu khởi lên một ý niệm của nhị thừa, ngoại đạo, thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Phải thường phát khởi mọi nguyện cầu, như hiếu thuận cha mẹ, Đại Sư, Chư Tăng, Tam Bảo.
Nguyện gặp được vị Pháp Sư tuyệt hảo và các vị tri thức thiện cùng một sự học, để luôn luôn dạy cho mình Kinh Luật đại thừa và các quả vị Bồ Tát như mười Phát thú, mười Trưởng dưỡng, mười Kim Cang, mười Địa làm cho mình lý giải và thực hành chính xác.
Nguyện kiên trì giới Phật, thà xả bỏ thân mạng chứ niệm niệm không lìa bỏ tâm ấy. Nếu Bồ Tát không phát những lời nguyện như vậy thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Khi phát khởi mười lời thề nguyện rộng lớn rồi, để kiên trì giới pháp của Phật, tự thề: Thà đem thân này gieo xuống hố lửa, núi đao, quyết không phá hủy giới pháp của Chư Phật nơi ba đời bằng cách làm sự bất tịnh với người nữ nào.
Lại thề: Thà bị lưới sắt nóng ngàn lớp quấn lấy thân hình, quyết không đem thân phá giới mặc y phục của tín đồ dâng cúng.
Thề: Thà miệng phải nuốt viên sắt nóng hay dòng lửa dữ đến cả trăm ngàn đời, quyết không đem miệng phá giới ăn thực phẩm của tín đồ dâng cúng.
Thề: Thà thân này bị nằm trong lưới sắt đỏ hay trên đất sắt nóng, quyết không đem thân phá giới nằm ngồi giường ghế của tín đồ dâng cúng.
Thề: Thà thân này một đời vài đời chịu hàng trăm mũi giáo đâm vào, quyết không đem thân phá giới dùng các loại thuốc men của tín đồ dâng cúng.
Thề: Thà thân này gieo vào vạc sắt nóng cả trăm ngàn đời, quyết không đem thân phá giới vào phòng nhà, ruộng vườn, đất đai của tín đồ dâng cúng.
Thề: Thà thân này bị chùy sắt giáng đập từ đầu đến chân nát như bụi, quyết không đem thân phá giới nhận sự cung kính lễ bái của tín đồ.
Lại thề: Thà bị cả trăm khí cụ bằng sắt móc mất đôi mắt, quyết không đem mắt với tâm phá giới nhìn vào sắc đẹp của người.
Thề: Dù một đời hai đời bị cả trăm ngàn dùi sắt đâm vào hai tai, quyết không đem tai ấy với tâm phá giới nghe tiếng hay ho.
Thề: Thà bị trăm ngàn dao bén cắt mắt mũi đi, quyết không đem mũi ấy với tâm phá giới ngửi đến hương thơm.
Thề: Thà lưỡi bị cả trăm ngàn dao bén cắt đứt, quyết không đem lưỡi ấy với tâm phá giới nếm vào vị ngon.
Thề: Thà thân này bị chặt bị chém bằng búa sắt, quyết không đem thân ấy với tâm phá giới chạm vào chỗ ưa thích.
Lại phát nguyện: Nguyện cho tất cả chúng sanh đều thành Phật. Nếu Bồ Tát không phát khởi những lời thề như vậy thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Thường mỗi năm có hai kỳ thực hành hạnh Đầu Đà, mùa đông, mùa hạ phải tọa thiền an cư. Thường dùng nhánh dương làm tăm, đậu để rửa, ba pháp y, bình bát, tọa cụ, tích trượng, lư hương, đãy lọc nước, khăn tay, con dao, đồ lấy lửa, nhíp, giường giây, Kinh Luật Bồ Tát, hình tượng Phật và Bồ Tát.
Là Bồ Tát khi thực hành hạnh Đầu Đà và du hóa, dù đi lại cả trăm ngàn dặm cũng phải mang mười tám vật ấy theo mình. Hai kỳ Đầu Đà là từ rằm tháng giêng đến rằm tháng ba, từ rằm tháng tám đến rằm tháng mười.
Trong hai kỳ này, mười tám vật vẫn mang theo mình như hai cánh của con chim. Đến ngày Bố Tát, các vị Bồ Tát mới học mỗi nửa tháng phải Bố Tát, tụng mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh. Khi tụng, đối trước tượng Phật, Bồ Tát mà tụng.
Một người Bố Tát thì một người tụng. Nếu hai, ba cho đến hàng trăm ngàn người cũng chỉ tụng một người. Người tụng ngồi cao người nghe ngồi thấp, ai cũng mang pháp y chín điều, bảy điều hay năm điều. Kiết hạ an cư nhất nhất phải đúng như pháp.
Khi thực hành hạnh Đầu Đà, đừng đến chỗ tai nạn, chỗ nguy hiểm, quốc chúa tàn ác, chỗ đất quá cao thấp, chỗ cây cối rậm rạp, chỗ có cọp beo sư tử, chỗ hay bị nạn nước lửa gió, chỗ có giặc cướp, chỗ đường sá lắm rắn độc, những nơi tai nạn như vậy đều không được đến đó. Thực hành hạnh Đầu Đà cho đến kiết hạ an cư đều không được đến những nơi tai nạn như vậy. Nếu cố ý đến thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Phải nên theo thứ tự đúng pháp mà ngồi, người thọ giới trước thì ngồi trước, người thọ giới sau thì ngồi sau.
Không kể già trả, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, người sang như Quốc Vương, Vương Tử, cho đến huỳnh môn, nô bộc, tỳ thiếp… tất cả đều nên theo thứ tự mà ngồi: Người thọ giới trước thì ngồi trước, người thọ giới sau thì ngồi sau.
Đừng như ngoại đạo ngu si già cũng như trẻ không trước không sau, ngồi trước ngồi sau lộn xộn như binh nô. Trong chánh pháp của Như Lai, người trước ngồi trước, người sau ngồi sau. Là Bồ Tát mà không theo thứ tự mà ngồi thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Thường nên khuyến hóa mọi người xây dựng Tăng phường nơi núi rừng, ruộng vườn, xây dựng tháp Phật, chỗ an cư tọa thiền trong mùa đông, mùa hạ, tất cả những cơ sở hành đạo đều nên kiến tạo. Là Bồ Tát nên diễn giảng cho mọi người về Kinh Luật đại thừa.
Những lúc tật bệnh, nước có nạn giặc giã, ngày cha mẹ, anh em, Hòa Thượng, A Xà Lê mạng vong thì từ ngày ấy cho đến ngày thất thứ ba và chung thất cũng nên trì tụng và diễn giảng Kinh Luật đại thừa.
Những lúc làm chay cầu phước đi lại làm ăn bị lửa dữ thiêu đốt, nước lớn trôi chìm, gió bão thổi dạt thuyền bè nơi sông to biển lớn gặp nạn quỷ la sát, cũng nên trì tụng giảng nói Kinh Luật đại thừa.
Cho đến hết thảy khổ báo, ba ác, bảy nghịch, tám nạn, gông cùm, xiềng xích, trói buộc, nhiều dâm dục, sân giận, ngu si, tật bệnh đều nên giảng nói Kinh Luật đại thừa. Nếu Bồ Tát mới học không làm như vậy thì phạm tội khinh cấu.
Chín giới như vậy cần nên vâng học kính tâm phụng trì, trong phẩm Phạn đàn có giải rộng.
Này Phật Tử! Khi nhận người thọ giới không được lựa chọn. Tất cả Quốc Vương, Vương Tử, Tể Tướng, Trăm Quan, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Thiện Nam, Thiện Nữ, dâm nam, dâm nữ, Phạm Thiên nơi mười tám tầng Trời, thiên nhân nơi sáu tầng Trời thuộc Cõi Dục.
Những kẻ vô căn, hai căn, huỳnh môn, nô bộc, tỳ thiếp, tất cả quỷ thần ai cũng được thọ giới Bồ Tát. Phải nên dạy người thọ giới nhuộm pháp y bằng hoại sắc cho hợp với chánh pháp.
Hoại sắc là nhuộm tất cả pháp y và ngọa cụ bằng màu sắc phá hủy của các màu sắc chính là xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, tía. Mọi thứ y phục đều nhuộm như vậy. Bất cứ quốc độ nào, dân chúng mặc y phục thế nào thì vị Tỳ Kheo phải ăn mặc khác họ.
Khi sắp thọ giới Bồ Tát, vị Pháp Sư phải xét hỏi: Ở đời nay, ông có tạo bảy tội nghịch không?
Vị Pháp Sư Bồ Tát không được cho người ở đời này làm bảy tội nghịch thọ giới Bồ Tát. Bảy tội nghịch là làm thân Phật chảy máu, giết cha, giết mẹ, giết Hòa Thượng, giết A Xà Lê, phá yết ma Tăng và Pháp luân Tăng, giết Thánh Hiền. Nếu tạo đủ bảy tội nghịch thì kẻ ấy thân hiện tại không thể được giới Bồ Tát. Ngoài ra ai cũng có thể thọ và đắc giới.
Các pháp của người xuất gia không lạy Quốc Vương, cha mẹ, bà con, không lạy quỷ thần, hễ ai hiểu lời nói của vị Pháp Sư đều được thọ giới. Có người từ trăm ngàn dặm đến cầu pháp, nếu vị Pháp Sư ấy vì tâm ác, giận ghét không truyền ngay cho họ giới pháp mà tất cả chúng sanh đều có phần thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Nếu giáo hóa cho người phát sanh đức tin đại thừa rồi, Bồ Tát làm Pháp Sư chỉ bảo cho người, khi thấy học muốn thọ giới Bồ Tát phải chỉ bảo cách thỉnh hai vị đại sư là Hòa Thượng và A Xà Lê.
Hai vị đại sư phải hỏi người ấy có phạm bảy tội nghịch làm trở ngại không?
Nếu người ấy đời này có phạm bảy tội nghịch thì Pháp Sư không được cho người ấy thọ giới Bồ Tát, nếu không phạm bảy tội nghịch thì cho họ được thọ. Nếu người nào phạm mười giới trọng nên dạy họ sám hối, bằng cách đối trước hình tượng Phật, Bồ Tát.
Ngày đêm sáu thời tụng mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh, thiết tha đảnh lễ ba ngàn Đức Phật ở ba thời gian quá khứ, hiện tại, vị lai, cầu cho được thấy tướng tốt. Sám hối như thế cứ một tuần, hai, ba tuần cho đến một năm phải làm sao thấy được tướng tốt.
Tướng tốt là thấy Phật đến xoa trên đỉnh đầu, thấy ánh sáng của Phật, thấy hoa sen hoặc thấy các tướng kỳ lạ khác thì tội lỗi liền diệt hết. Nếu không thấy được tướng tốt như vậy, dù có sám hối cũng không có lợi ích. Người ấy, ở thân đời này không được đắc giới, nhưng có lợi ích cho việc thọ giới.
Nếu ai phạm bốn mươi tám giới khinh nên chỉ bảo người ấy sám hối trước một vị khác thì tội lỗi sạch ngay, không như bảy tội nghịch. Làm Pháp Sư chỉ dạy phải thấu hiểu các cách trên đây.
Nếu không hiểu rõ Kinh Luật đại thừa, những giới khinh, giới trọng, không rõ sự đúng, sai, không lý giải đệ nhất nghĩa đế, tánh tập chủng, tánh trưởng dưỡng, tánh không thể hoại, tánh đạo chủng, tánh chánh pháp, trong tất cả các tánh như vậy không thấu rõ quán hạnh nhiều ít và ra vào thế nào, mười chi thiền định và bao nhiêu quán hạnh khác cũng đều không hiểu ý nghĩa của nó.
Là Bồ Tát vì quyền lợi, danh vọng, cầu điều xấu xa, cầu quá nhiều, vì tham nhiều đệ tử mà làm như thấu hiểu tất cả. Đó chính là tự lừa dối mình lại lừa dối kẻ khác. Vậy mà còn cố ý truyền giới cho người thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Không được vì lợi dưỡng mà giảng nói giới pháp vĩ đại của ngàn Đức Phật cho người chưa thọ giới Bồ Tát, những kẻ ngoại đạo và người xấu ác. Trước những kẻ tà kiến cũng không được nói. Trừ Quốc Vương, ngoài ra không được nói cho ai cả.
Những người ác ấy không thọ giới của Phật Thì như súc sinh đời đời sanh ra không gặp Tam Bảo, như cây cỏ đất đá không hồn, nên gọi là hàng ngoại đạo tà kiến, người xấu ác chẳng khác gì đầu gỗ. Là Bồ Tát trước những kẻ như vậy mà nói đến giáo pháp của bảy Đức Phật thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Nếu đem hết lòng tin mà xuất gia và lãnh thọ giới pháp chân chánh của Phật rồi, lại cố ý khởi tâm hủy phạm giới thì không được nhận mọi sự hiến cúng của thí chủ, không được đi trên đất của đất nước, cũng không được uống nước của đất nước, bị cả năm ngàn quỷ dữ thường ngăn chận trước mặt bảo: Đó là giặc lớn.
Khi vào nhà cửa, thành thị, thôn xóm thì bị đám quỷ thường quét dấu chân của người ấy, người đời ai cũng nhục mạ: Đó là tên giặc trong pháp Phật. Chúng sanh không ai muốn nhìn, kẻ phạm giới chẳng khác gì loài vật, đầu gỗ.
Nếu cố ý vi phạm giới pháp chính yếu thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Nên thường xuyên nhất tâm thọ trì, đọc tụng Kinh Luật đại thừa, lột da làm giấy, chích máu làm mực, rút tủy làm nước, chẻ xương làm bút để sao chép giới pháp của Phật Trên vỏ cây giấy.
Trên giấy như giấy dó, giấy dạ. Trên lụa như lụa trắng, lụa tơ tằm. Trên thẻ tre. Thường dùng bảy thứ báu hay những thứ tạp ngọc vô giá, thơm đẹp làm hộp để tôn trí Kinh Luật đại thừa đó. Nếu không cúng dường đúng pháp như vậy thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Nên thường xuyên phát khởi tâm đại bi, khi vào những nơi thành thị, thôn xóm, nhà cửa, thấy bất cứ ai đều nên nói: Này các người! Hãy nên lãnh thọ ba quy y và mười giới pháp.
Nếu thấy tất cả các loài súc sinh như bò, ngựa, heo, dê, đều tâm nghĩ miệng nói: Súc sinh các con! Các con nên phát tâm bồ đề. Là Bồ Tát đi đến đâu dù là nói non, rừng rú hay khe suối, đồng nội cũng đều làm cho tất cả chúng sanh phát tâm bồ đề. Nếu Bồ Tát không giáo hóa chúng sanh như vậy thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Nên thường thực hành giáo hóa bằng khởi tâm đại bi. Khi vào nhà tín đồ hay nhà quyền quý, đối với tập thể nào người xuất gia cũng không được đứng thuyết pháp cho người tại gia. Phải ngồi ở chỗ cao, trước mặt họ.
Pháp Sư Tỳ Kheo cũng không được đứng đất nói pháp cho bốn chúng. Khi thuyết pháp, vị Pháp Sư được mời ngồi chỗ cao, hương hoa cúng dường, còn bốn chúng ngồi nghe ở chỗ thấp với ý niệm như kính thuận cha mẹ, cung kính lời giáo huấn của Pháp Sư như các Đạo Sĩ thờ thần lửa. Nếu người thuyết pháp không đúng pháp như vậy thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Như Quốc Vương, Thái Tử, trăm quan, đối với bốn chúng đệ tử, đã đem đức tin đại thừa lãnh thọ giới của Chư Phật rồi, mà lại tự ỷ quyền quý cao sang để phá hoại giáo pháp giới luật của Phật, lập ra quy chế ràng buộc bốn chúng đệ tử của Như Lai, không cho họ xuất gia, hành đạo, cũng không cho họ tạo lập hình tượng, chùa tháp và truyền ba Kinh Luật.
Lại đặt chức thống quản để chế ngự Chư Tăng, lập sổ sách để kiểm soát Chư Tăng, Bồ Tát Tỳ Kheo để đứng ở đất, bạch y Cư Sĩ lại tự ngồi cao, làm nhiều điều trái chánh pháp, giới luật như binh nô thờ chủ. Nhưng Tỳ Kheo Bồ Tát chính nên được mọi người kính trọng lại bắt làm kẻ tay sai của đám quan quyền một cách trái giáo pháp với giới luật.
Nếu hàng Quốc Vương, trăm quan đã có tâm tốt lãnh thọ giới của Phật rồi chớ gây tạo những tội lỗi phá Tam Bảo như thế. Nếu cố ý làm những pháp phá hoại Tam Bảo thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Nếu đã có tâm tốt xuất gia rồi, lại vì danh vọng, quyền lợi, nên trước mặt Quốc Vương, trăm quan nói về giới pháp của bảy Đức Phật một cách phi lý, làm cho các vị đệ tử Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni và Bồ Tát bị trói buộc bằng lao tù hay quân dịch.
Như con sâu trong thân sư tử tự ăn thịt sư tử, không phải con sâu ở ngoài. Cũng thế, chính Phật Tử tự hủy phá pháp Phật chứ không phải ngoại đạo, ma vương phá được. Người lãnh thọ giới pháp của Phật, nên hộ trì giới luật của Phật như thương yêu con một, như kính thờ cha mẹ, không được vi phạm.
Là Bồ Tát khi nghe ngoại đạo và người ác dùng lời xấu ác hủy báng giới pháp của Phật, thì đau đớn chẳng khác nào cả ba trăm mũi nhọn đâm vào tim mình, hay cả ngàn lưỡi dao, vạn cây gậy đánh đập vào thân.
Thà tự mình vào trong địa ngục cả trăm kiếp, chứ không muốn nghe tiếng nói của kẻ ác hủy báng, phá hoại giới pháp của Phật, dù một lần, huống nữa là tự mình phá hoại giới pháp của Chư Phật, hay tạo điều kiện khuyến khích kẻ khác phá hoại pháp Phật, không còn gì là tâm hiếu thuận. Nếu cố ý làm như vậy thì phạm tội khinh cấu.
Chín giới nhẹ như vậy, cần nên vâng học, kính tâm phụng trì.
Này Phật Tử! Bốn mươi tám giới pháp khinh nhẹ như trên đây, các người hãy thọ trì, Chư Bồ Tát quá khứ đã tụng, Chư Bồ Tát vị lai sẽ tụng, Chư Bồ Tát hiện tại đang tụng.
Này Phật Tử! Hãy lắng nghe kỹ, mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh ấy, Chư Phật Trong ba đời đã tụng, sẽ tụng và đang tụng. Như Lai nay cũng tụng như vậy.
Đại chúng các người không kể Quốc Vương, vương tử, trăm quan, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Thiện Nam, Thiện Nữ, hễ lãnh thọ giới Bồ Tát thì phải thọ trì, đọc tụng, giảng thuyết.
Viết chép Kinh nói về giới pháp của Phật Tánh thường trú, truyền bá cho tất cả chúng sanh trong ba đời, khiến sự cảm hóa được liên tục. Như vậy, sẽ thấy được ngàn Đức Phật, Ngài nào cũng trao tay cho, đời đời không sa vào đường dữ, tám nạn, thường được sanh trong loài Trời, người.
Hôm nay, Ta ở nơi cây Bồ Đề này, đã khai thị tóm tắt giới pháp của bảy Đức Phật, các người hãy nhất tâm học tập, hoan hỷ phụng hành giới pháp ấy, như Như Lai đã khai thị tất cả trong phần khuyến học của phẩm Vô tướng Thiên Vương.
Khi ấy, ba ngàn người học hạnh Bồ Tát lắng nghe Đức Phật Tụng giới, hết lòng kính trọng, hoan hỷ phụng hành.
Bấy giờ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói xong mười phẩm pháp giới vô tận trong phẩm Pháp Môn Tâm Địa Của Đức Lô Xá Na ở Thế Giới Hoa Tạng đã nói, ngàn trăm ức Thích Ca khác cũng nói như vậy.
Từ Cung Thiên Vương Ma Hê Thủ La đến cội Bồ Đề, trải qua mười chỗ thuyết các pháp phẩm cho chư vị Bồ Tát và vô lượng đại chúng không thể kể hết được thọ trì, đọc tụng, giảng nói, lý giải nghĩa lý như nhau.
Một ngàn trăm ức Thế Giới, Thế Giới Hoa Tạng, các Thế Giới nhiều như vi trần đều giảng thuyết về kho tàng tâm, kho tàng địa, kho tàng giới, kho tàng vô lượng hạnh nguyện, kho tàng nhân quả Phật Tánh thường trú.
Như vậy, Chư Phật đã nói xong vô lượng kho tàng chánh pháp. Tất cả chúng sanh trong ngàn trăm ức Thế Giới đều thọ trì, hoan hỷ phụng hành. Nếu khai thị tướng nghĩa của tâm địa rộng rãi thì phải như trong phẩm Phật hoa quang vương đã nói.
Người sáng tuệ nhẫn mạnh
Thọ trì được pháp này
Khi chưa thành Phật đạo
Được hưởng năm điều lợi.
Một là thập phương Phật
Thương tưởng hộ trì cho
Hai là lúc lâm chung
Chánh niệm, tâm an vui.
Ba là sanh nơi nào
Cùng Bồ Tát làm bạn
Bốn là những công đức
Giới độ đều thành tựu.
Năm, đời này, đời sau
Đủ phước tuệ giới tánh
Là hành xứ của Phật
Người trí khéo suy nghĩ.
Kẻ vướng tướng, chấp ngã
Không thể tin pháp này
Diệt tận, chứng Niết Bàn
Không gieo giống nơi ấy.
Muốn nảy mầm Bồ Đề
Tuệ giác soi thế gian
Thường nên quan sát kỹ
Thật tướng của các pháp.
Không sanh cũng không diệt
Không thường lại không đoạn
Không giống cũng chẳng khác
Không đến cũng không đi.
Trong thể nhất tâm ấy
Nỗ lực tu trang nghiêm
Việc Bồ Tát nên làm
Phải tuần tự học tập.
Nơi học nơi vô học
Chớ sanh tưởng phân biệt
Gọi là đệ nhất đạo
Cũng là pháp đại thừa.
Mọi hý luận lỗi lầm
Đều do đây dứt sạch
Trí toàn giác của Phật
Đều do đấy mà thành.
Thế nên các Phật Tử
Phải phát tâm dũng mãnh
Nghiêm trì giới của Phật
Trong sạch như minh châu.
Chư Bồ Tát quá khứ
Đã học tập giới này
Vị lai thì sẽ học
Như hiện tại đang học.
Đây là đường Phật đi
Là chỗ Phật khen ngợi
Ta đã tùy thuận nói
Tụ vô lượng phước đức.
Hồi hướng cho chúng sanh
Cùng đến nhất thiết trí
Nguyện người nghe pháp này
Chóng thành tựu Phật Đạo.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một