Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bản Sinh Tâm địa Quán - Phẩm Ba - Phẩm Yếm Xả - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH ĐẠI THỪA
BẢN SINH TÂM ĐỊA QUÁN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã, Đời Đường
PHẨM BA
PHẨM YẾM XẢ
PHẦN MỘT
Bấy giờ, Trưởng Giả Trí Quang nhờ uy thần của Phật, liền từ tòa đứng dậy đảnh lễ chân Phật, cung kính chắp tay bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn, con nay theo Phật, nghe được diệu Pháp Báo Ân rất sâu ấy, trong lòng hớn hở, cho rằng được sự chưa từng có bao giờ, như người đang đói khát gặp được món ăn Cam Lộ.
Con nay mong muốn đền trả bốn ân, cúng dường Phật, Pháp, Tăng, xuất gia tu đạo, thường siêng tinh tấn mong chứng bồ đề!
Phật đại từ bi, trong một thời tại thành Tỳ Xá Ly ông Vô Cấu Xưng nói pháp rất sâu rằng: Ông Vô Cấu Xưng Duy Ma Cật, lấy tâm thanh tịnh làm gốc thiện nghiệp, lấy tâm bất thiện làm gốc ác nghiệp. Tâm thanh tịnh thì Thế Giới thanh tịnh, tâm tạp uế, Thế Giới tạp uế. Trong Phật Pháp của ta lấy tâm làm chủ. Tất cả các pháp đều do tâm.
Nay ông là người tại gia có phước đức lớn, mọi thứ châu báu chuỗi ngọc không gì là không đầy đủ. Họ hàng trai, gái yên ổn an lạc, lại thành tựu chánh kiến, không hủy báng Tam Bảo, biết đem tâm hiếu dưỡng cung kính tôn thân, khởi tâm đại từ bi cấp cho kẻ cô độc và cho đến các loại sâu, kiến… cũng không làm hại.
Ông lấy nhẫn nhục làm áo mặc, từ bi làm nhà ở, tôn kính bậc có đức, tâm không kiêu mạn. Thương xót tất cả chúng sinh như con đỏ. Không tham tài lợi, thường tu thiện xả, cúng dường Tam Bảo, tâm không biết đủ, vì pháp bỏ mình vẫn không lẫn tiếc.
Người tại gia như thế tuy không xuất gia nhưng đã đầy đủ vô lượng, vô biên công đức. Đời sau ông sẽ đầy đủ muôn hạnh, vượt trên ba cõi chứng Đại Bồ Đề. Sự tu tập của ông đúng là chân Sa Môn, cũng là Bà La Môn, là chân Tỳ Kheo, là chân xuất gia. Người như thế nên gọi là tại gia xuất gia.
Hoặc có một thời, Đức Thế Tôn ở nơi Tinh Xá trong Vườn Trúc Ca Lan Đà, vì đám lục quần Tỳ Kheo tánh tình xấu ác, nói pháp nhằm khuyên dạy họ:
Các ông Tỳ Kheo, các ông hãy nghe cho kỹ! Nghe cho kỹ! Vào bể Phật Pháp tín là căn bản, qua sông sinh tử giới là thuyền bè. Nếu người xuất gia không giữ giới cấm, tham đắm mọi thứ dục lạc ở đời, hủy hoại giới quý báu của Phật, hoặc mất chánh kiến lạc vào rừng tà kiến, dẫn theo vô lượng người rơi xuống hố sâu lớn.
Tỳ Kheo như thế không gọi là người xuất gia, chẳng phải Sa Môn, chẳng phải Bà La Môn, hình tướng giống Sa Môn, nhưng tâm thường tại gia, Sa Môn như thế không có hạnh viễn ly.
Hạnh viễn ly có hai thứ:
Một là thân viễn ly.
Hai là tâm viễn ly.
Thân viễn ly, như người xuất gia thân ở nơi thanh vắng, không bị nhiễm cảnh dục là thân viễn ly. Nếu như người xuất gia tu tâm thanh tịnh không bị nhiễm cảnh dục gọi là tâm viễn ly. Thân tuy xa lìa thế tục, nhưng tâm vẫn còn tham cảnh dục, người như thế không gọi là viễn ly.
Như các tịnh tín nam và tịnh tín nữ, thân tuy ở nơi làng xóm mà phát tâm vô thượng, dùng tâm đại từ bi đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh, tu hành như thế là chân viễn ly. Lúc đó, lục quần Tỳ Kheo tánh khí xấu ác nghe pháp âm ấy liền đạt được pháp nhẫn nhu thuận. Nay chúng con tuy tin lời Phật nói, nhưng đều còn có tâm hoài nghi, ý chưa quyết định.
Lành thay Thế Tôn!
Ngài hay cắt đứt mọi sự nghi ngờ của thế gian!
Ngài là bậc ở nơi tất cả các pháp luôn được tự tại!
Ngài là bậc có lời nói chân thực, lời nói duy nhất không hai!
Ngài là bậc biết đạo, là bậc mở đạo!
Vậy, kính xin Như Lai vì chúng con cùng tất cả chúng sinh đời mai sau, bỏ phương tiện, giảng nói pháp chân thực, làm cho chúng con dứt hẳn được sự ngờ vực, nghi hoặc, vào được Phật Đạo.
Nay trong hội này có hai hàng Bồ Tát:
Một là Bồ Tát xuất gia.
Hai là Bồ Tát tại gia.
Hai hàng Bồ Tát ấy đều khéo đem lại sự lợi lạc cho tất cả chúng sinh, không hề dừng nghỉ.
Như con suy nghĩ: Bồ Tát xuất gia không bằng người tại gia tu hạnh Bồ Tát.
Vì sao thế?
Xưa có Kim Luân Thánh Vương phát tâm cầu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, chán ngán sự vô thường, khổ, không của thế gian, bỏ ngôi Luân Vương như nhổ bỏ nước mũi, nước bọt, dốc theo nẻo xuất gia thanh tịnh đi vào trong Đạo Phật.
Khi ấy, tám vạn bốn ngàn phu nhân, thể nữ nơi hậu cung thấy Vua xuất gia đều mang lòng luyến mộ tâm ý xốn xang sầu não quá thể, khởi ra sự đau khổ trong tình ái biệt ly, như bị nỗi khổ nơi địa ngục.
Kim Luân Thánh Vương từ lúc bắt đầu nhận ngôi Vua đã cảm mến được các bảo nữ cùng ngàn Vương Tử và các đại thần quyến thuộc, nay Nhà Vua bỏ ngôi báu đi xuất gia, họ cùng đau lòng giữa tình ly biệt, tiếng gào khóc của họ vang dậy bốn thiên hạ.
Những người quyến thuộc ấy đều nói: Vua chúng tôi phước trí vô lượng vô biên, làm sao mà nỡ bỏ chúng tôi đi xuất gia!
Thương thay! Khổ thay! Thế Giới rỗng không! Từ nay trở đi chúng tôi khổng còn nơi nương cậy!
Nếu có các thiện nam, thiện nữ nào với lòng tin thanh tịnh, quy y Phật, Pháp, Tăng, Phát Tâm Bồ Đề, lìa bỏ cha mẹ xuất gia nhập đạo, thì cha mẹ thương xót, ân niệm tình thâm, sự buồn khổ trong ly biệt thật cảm động cả Trời Đất.
Như cá ở chỗ vũng nước cạn phải lăn lóc trên mặt đất, thời nỗi khổ về ái biệt ly cũng thế và như tâm nơi đám họ hàng Kim Luân Vương kia không khác.
Bồ Tát xuất gia đem đến lợi ích cho chúng sinh, sao lại làm nhiễu hại cha mẹ, vợ con khiến nhiều người chịu khổ não quá như vậy?
Do nhân duyên ấy, Bồ Tát xuất gia không có từ bi, không đem lại lợi ích cho chúng sinh, thế nên không bằng Bồ Tát tại gia đủ tâm đại từ bi, thương xót chúng sinh làm lợi ích tất cả!
Lúc đó, Đức Phật bảo Trưởng Giả Trí Quang: Quý hóa thay! Quý hóa thay! Ông có tâm đại từ bi khuyến thỉnh Như Lai nói về sự hơn kém của hai hàng Bồ Tát xuất gia và tại gia. Nay ông hỏi và cho rằng Bồ Tát xuất gia không bằng tại gia, nghĩa ấy không phải.
Sở dĩ thế là sao?
Bồ Tát xuất gia hơn tại gia vô lượng vô biên không thể lấy gì sánh ví được sao vậy?
Vì Bồ Tát xuất gia dùng năng lực trí tuệ chân chánh quán sát hàng tại gia một cách tỉ mỉ vẫn thấy có nhiều lỗi lầm. Đó là tất cả nhà cửa ở thế gian, trong đó tích góp nhiều vật báu mà vẫn chưa biết là đầy đủ, cũng như biển cả dung nhận tất cả nước các con sông lớn, nhỏ nhưng cũng chưa từng cho là đầy đủ.
Này thiện nam, phía Nam Hương sơn, phía Bắc Tuyết Sơn có ao A Nậu, bốn Đại Long Vương đều ở trong ấy và mỗi vị ở một góc: Long Vương ở góc Đông Nam là Bạch Tượng Đầu, Long Vương ở góc Tây Nam là Thủy Ngưu Đầu, Long Vương ở góc Tây Bắc là Sư Tử Đầu, Long Vương ở góc Đông Bắc là Đại Mã Đầu.
Nước từ bốn góc ấy chảy ra bốn sông lớn:
Sông Căng Già, nước sông này chảy đến chỗ nào thì loài voi trắng theo đó sinh sản.
Sông Tín Độ, nước sông này chảy đến chỗ nào thì loài trâu theo đó sinh sôi.
Sông Bạc Sô, nước sông này chảy đến chỗ nào thì loài sư tử theo đó xuất hiện.
Sông Tư Đà, nước sông này chảy đến chỗ nào thì loài ngựa lớn theo đó mà sinh ra.
Những con sông lớn ấy, trong mỗi con sông lại có năm trăm dòng sông vừa vừa, trong mỗi con sông vừa vừa lại có vô lượng sông nhỏ. Tất cả nước trong các con sông lớn, vừa vừa và nhỏ ấy đều chảy vào biển cả, song, biển cả kia vẫn chưa từng cho là đầy đủ. Chúng sinh trong thế gian với mọi thứ hiện có về nơi ở, nhà cửa cũng như thế.
Họ gom góp được các thứ ngọc báu ở bốn phương đem lại đều để vào trong nhà ấy, song họ chưa từng cho là đầy đủ. Cầu nhiều, tích góp nhiều thì tạo ra nhiều tội lỗi. Vô thường vụt đến, phải vứt bỏ nhà cũ ra đi, khi ấy chủ nhà tùy nghiệp mà chịu báo, trải qua vô lượng kiếp hoàn toàn không có chỗ nào để quay về cả.
Này thiện nam, đây nói về nhà tức là nói về cái thân năm uẩn, mà chủ căn nhà ấy là bản thức của ông. Người có trí tuệ ai lại ưa căn nhà hữu vi ấy. Mà chỉ thích cung điện báu Bồ Đề an lạc xa lìa hẳn mọi thứ lão, bệnh, tử, ưu bi khổ não thôi.
Nếu những thiện nam… có căn khí linh lợi, lòng tin thanh tịnh sâu dày, muốn độ cha mẹ, vợ con, họ hàng để họ vào được ngôi nhà Vô Vi Cam Lộ thì nên quy Tam Bảo, xuất gia học đạo.
Bấy giờ, Đức Như Lai nói lại ý nghĩa trên bằng lời kệ sau đây:
Bồ Tát xuất gia hơn tại gia
Tính toán, thí dụ không sánh kịp.
Tại gia bức bách như lao ngục
Muôn cầu giải thoát rất là khó,
Xuất gia thư thái như hư không
Tự tại, vô vi khỏi ràng buộc.
Xét kỹ tại gia nhiều lỗi lầm
Tạo tác tội lỗi không bờ bến
Mưu sống, cầu nhiều thường chẳng đủ
Cũng như biển cả khó đầy được.
Long Vương ở trong ao A Nậu
Bốn góc chảy ra bốn bể lớn
Bao nhiêu nước sông lớn, vừa, nhỏ
Ngày đêm tuôn chảy không hề ngừng
Song, biển cả kia chưa từng đủ
Tham cầu nhà cửa cũng như thế.
Tại gia khởi nhiều các nghiệp ác
Chưa từng sám, tẩy cho trừ diệt.
Không biết ái niệm nguy ngập thân
Không rõ mạng căn như sương sớm.
Sứ giả Diễm Ma cùng giục thúc
Vợ con, nhà cửa sao theo được
U minh tăm tối trong đêm dài
Riêng đến cửa chết tùy nghiệp chịu.
Chư Phật xuất hiện khởi lòng thương
Muốn cho chúng sinh nhàm trần tục.
Ông nay đã nhận thân khó được
Nên siêng tinh tấn chớ phóng dật
Nhà cửa tại gia rất đáng chán
Nhà báu không tịch khó nghĩ bàn
Rời hẳn bệnh khổ và ưu não
Những bậc có trí quán sát kỹ.
Thiện Nam, tín nữ ở đời sau
Muốn độ cha mẹ và quyến thuộc
Để vào thành Cam Lộ Vô Vi
Mong cầu xuất gia tu diệu Đạo
Tu hành dần dần thành Chánh Giác
Sẽ chuyển Vô Thượng Đại Pháp Luân.
Lại nữa thiện nam Tử, Bồ Tát xuất gia xem nhà cửa nơi thế gian cũng như đá lửa càng sinh lo, chán.
Sao vậy?
Ví như chút lửa có thể đốt cháy tất cả cỏ cây…, nhà cửa nơi thế gian cũng như thế. Tâm tham muốn tìm cầu, giong ruổi khắp bốn phương, nếu có được những gì thì sự thọ dụng vẫn không đủ. Trong tất cả thời gian theo đuổi tìm kiếm đều không hề biết chán và nếu không được gì thì tâm sinh sầu não, ngày đêm càng truy cầu thêm.
Thế nên tất cả nhà cửa nơi thế gian hay sinh ra vô lượng lửa phiền não, vì khởi tâm tham, thường không biết đủ. Của báu ở thế gian cũng như cỏ cây, còn tâm tham dục thì như nhà cửa thế gian.
Do nhân duyên ấy, tất cả Chư Phật thường nói: Ba cõi là nhà lửa! Thiện Nam Tử, Bồ Tát xuất gia nên luôn quán tưởng như thế, chán lìa thế gian mới là xuất gia chân chánh.
Khi ấy, Đức Như Lai lại nói nghĩa trên bằng lời kệ sau đây:
Bồ Tát xuất gia xem nhà đời
Cũng như chút lửa của thế gian
Tất cả cỏ cây dần cháy hết
Nhà đời, nên biết cũng như thế.
Chúng sinh có nhiều những của báu
Lạ còn tìm cầu, thường không đủ
Cầu không được khổ thường tại tâm
Lửa lão, bệnh, tử không lúc dứt.
Do nhân duyên ấy các Thế Tôn
Nói rằng ba cõi là nhà lửa
Nếu muốn vượt qua khổ ba cõi,
Nên tu phạm hạnh làm Sa Môn
Tam muội thần thông được hiện tiền
Tự lợi lợi tha đều viên mãn.
Lại nữa thiện nam, ưa muốn xuất gia thì nên quán nhà cửa, như trong hang đá núi sâu có kho báu lớn. Ví như ông Trưởng Giả chỉ có một con, nhà ông rất giàu, của báu vô lượng, tôi trai tớ gái, người hầu, voi, ngựa vô số. Trong thời sau này người cha chợt bị bệnh nặng.
Thầy hay thuốc tốt không sao cứu chữa được, ông Trưởng Giả tự biết mình không bao lâu nữa sẽ chết, liền gọi con lại bảo: Phàm tất cả của báu hiện có của ta, ta giao phó hết cho con, con cố gắng giữ gìn đừng để mất mát. Người cha dặn dò trao gởi rồi liền mất. Sau đó, con ông Trưởng Giả không thuận mạng cha, tha hồ phóng túng, đua đòi, gia nghiệp hao tốn, của cải tan mất, tôi tớ lại lẩn trốn không còn nương tựa nữa.
Khi ấy, tâm bà mẹ già mang sự lo buồn, sầu não bị bệnh nặng rồi mất. Người con ấy bị nghèo cùng, không còn có chỗ nhờ cậy, liền vào nơi hang núi nhặt củi, hái quả bán đi mua cháo cơm tự sống qua ngày. Một ngày kia, gặp mưa tuyết, người con ấy tạm thời vào trong hang đá nghỉ ngơi.
Trong hang ấy là chỗ Quốc Vương xưa cất giấu đồ Thất Bảo, không ai biết cả, nay đã trải qua hàng trăm ngàn năm, nơi đây vắng bặt bóng người lui tới. Bấy giờ, người nghèo kia do nhân duyên đưa đẩy, tình cờ vào trong hang thây rất nhiều vàng, tâm vui mừng quá cho rằng được sự chưa từng có bao giờ.
Nhân đó, người ấy mới chia ra: Ngần này phần vàng để dựng cất nhà cửa, ngần này phần vàng là để cưới vợ, phần này thuê tôi tớ, phần này mua voi, ngựa, tùy tâm muốn gì đều được như ý. Đang khi trù tính như thế, có bọn giặc vì chạy đuổi con hươu đến trước hang, thấy người nghèo ấy đem vàng phân phối ra từng phần, liền bỏ không đuổi hươu nữa, mà giết người lấy vàng.
Phàm ngu si cũng giống như thế, quá ham sự vui sướng ở đời không thích lìa bỏ. Hang đá núi sâu như nhà cửa của đời, vàng ngọc chôn giấu cũng như thiện căn, sứ giả của Diêm Ma Vương tức là bọn giặc. Theo nghiệp chịu báo bị đọa trong ba đường ác, không nghe thấy tên hiệu của cha mẹ, Tam Bảo, lại làm mất cả căn lành.
Do nhân duyên ấy, người đời cần nên chán rời, phát tâm Vô Thượng Đại Bồ Đề, xuất gia tu đạo mong thành tựu bậc Diệu Giác.
Khi ấy, Đức Như Lai nói lại nghĩa trên bằng lời kệ:
Ưa thích tại gia, các Bồ Tát
Xem xét nhà cửa như kho quý.
Ví như Trưởng Giả có một con
Nhà ông rất giàu nhiều của báu
Tôi tớ người hầu cùng xe ngựa
Tất cả cần dùng đều sung túc.
Về sau Trưởng Giả thân bị bệnh
Thầy giỏi khắp đời đều bó tay
Sắp mất, kêu gọi người thân tộc
Giao phó gia tài cho người con
Dạy răn con giữ tâm hiếu dưỡng
Siêng việc hưởng tự đừng đoạn tuyệt.
Khi ấy người con trái mạng cha
Thả lòng ngu si, phóng dật nhiều
Mẹ già lo buồn thân đau yếu
Lại nhân con hư liền chết mất.
Quyến thuộc xa lìa không chỗ nương
Nhặt củi đổi cháo làm thường dụng
Đến núi sâu kia gặp gió tuyết
Vào trong hang đá tạm nghỉ ngơi.
Trong hang xưa giấu của quý báu
Đã trải lâu xa không người biết
Kẻ ấy gặp được kho vàng thực
Sinh lòng hớn hở chưa từng có.
Tức thời phân phối số vàng kia
Tùy ý muốn gì đều dùng nó
Hoặc để dựng nhà, hoặc cưới vợ
Tôi tớ, voi, ngựa và xe cộ
So tính mai sau không bỏ được
Bọn giặc đuổi hươu chạy đến trước
Là oán giữ kia khi hội ngộ
Liền giết người nghèo lấy vàng đi.
Chúng sinh ngu si cũng như thế
Hang đá cũng như nhà cửa đời
Chôn giấu vàng thật ví thiện căn
Quỷ sứ Diễm Ma như giặc cướp.
Do nhân duyên ấy, các Phật Tử
Sớm nên xuất gia tu thiện phẩm
Quán xem thân mạng như bọt nổi
Siêng tu giới, nhẫn Ba la mật.
Sẽ tới cây Bồ Đề Thất Bảo
Trên tòa Kim Cang chứng như như
Thường trụ bất diệt khó nghĩ bàn
Chuyển xe chánh pháp độ quần sinh.
Lại nữa thiện nam, tất cả nhà cửa hiện có của thế gian, cũng như món ăn uống ngon ngọt mà bị lẫn lộn thuốc độc. Ví như ông Trưởng Giả chỉ có một người con, căn khí linh lợi, thông minh, trí tuệ, thấu suốt được quán môn bí mật Ca Lâu La, biết dùng phương tiện khéo léo để phân biệt những thứ thuốc độc, vì thế cha mẹ thương yêu, nhớ mến không gì sánh ví được.
Bấy giờ, con ông Trưởng Giả vì có việc cần nên đi ra ngoài chợ chưa kịp trở về, ở nhà cha mẹ cùng thân tộc có việc vui mừng, bày đặt yến tiệc, sắm sửa đầy đủ các món ăn uống ngon quý. Nhưng, lúc đó có kẻ thù oán nào ngấm ngầm đem thuốc độc bỏ vào trong thức ăn uống, không một ai hay biết.
Khi ấy cha mẹ cũng không biết là trong món ăn có thuốc độc lẫn lộn, vậy là cả nhà lớn, bé đều ăn phải món ăn lẫn thuốc độc đó. Sau người con về tới, cha mẹ vui mừng đưa cho con những món ăn uống còn để phần.
Con ông Trưởng Giả khi chưa dùng đến các món ăn uống ấy, liền niệm quán môn Ca Lâu La bí mật, biết ngay là trong món ăn có lẫn thuốc độc. Người con tuy biết sự việc, nhưng không dám nói rõ là cha mẹ đã ăn lầm phải thuốc độc.
Sở dĩ thế là sao?
Vì nếu cha mẹ biết mình đã ăn phải thuốc độc thì càng thêm phiền muộn, não loạn, độc khí chóng phát, càng làm cho người ta chóng chết.
Người con mới đặt ra phương tiện thưa cha mẹ: Con sở dĩ chưa dùng món ăn uống này vì con phải đi ra chợ một chút, khi về con sẽ ăn.
Sao vậy?
Vừa rồi con có mua được một viên ngọc báu vô giá, con bỏ trong két quên chưa khóa. Cha mẹ nghe con nói đến thứ ngọc báu thì sinh tâm hoan hỷ, mặc cho con đi. Người con bèn chạy vội đến nhà thầy thuốc giỏi, cầu thuốc hay là thuốc A Già Đà giải độc. Được thuốc ấy rồi, người con chạy vội về nhà, lấy sữa, tô và đường phèn, ba vị sắc chung rồi hòa với thuốc A Già Đà.
Làm thuốc xong, người con mới thưa cha mẹ: Kính xin cha, mẹ uống nước Cam Lộ này, đây là thuốc A Già Đà ở núi Tuyết, sở dĩ thế là sao?
Lúc nãy cha mẹ ăn lầm phải thuốc độc trộn trong thức ăn, con tạm ra ngoài một chút, bản ý của con chỉ vì cha mẹ cùng mọi người dốc tìm được thuốc hay bất tử này mà thôi. Khi ấy tâm cha mẹ và mọi người rất vui mừng, cho như là được sự chưa từng có, liền uống ngay thuốc ấy, nên hết các độc khí, không bị chết và thân mạng được sống lâu.
Bồ Tát xuất gia cũng thế, cha mẹ quá khứ bị chìm đắm trong sinh tử, cha mẹ hiện tại không thoát ly được, thì nẻo sinh tử trong mai sau khó dứt hết và phiền não hiện tại cũng khó dẹp trừ. Do nhân duyên ấy, vì muốn độ cha mẹ và các chúng sinh nên đã mạnh mẽ phát tâm đồng thể đại từ bi cầu Đại Bồ Đề xuất gia nhập đạo.
Này thiện nam, thế gọi là nhà cửa nơi thế gian như thuốc độc lẫn trộn trong món ăn ngon tốt.
Khi ấy, Đức Như Lai nói lại ý nghĩa trên bằng lời kệ:
Nhà cửa sở hữu của thế gian
Nói là thuốc độc lẫn mỹ thực.
Ví như Trưởng Giả có một con
Thông minh, lợi trí lại nhiều tài
Giỏi môn bí mật Ca Lâu La
Có phương tiện khéo biết thuốc độc.
Con có sự duyên ra ngoài chợ
Tạm thời buôn bán chưa về nhà
Cha mẹ yên vui hợp thân thuộc
Cỗ quý trăm mùi đều đầy đủ.
Có một kẻ ác mang thuốc độc
Ngầm đến, bỏ vào món ăn uống
Người con khi ấy không ở nhà
Cha mẹ vì con lưu một phần.
Cả nhà ăn lầm thuốc tạp độc
Con niệm quán môn biết có độc
Liền chạy vội đến chỗ thầy thuốc
Cầu được thuốc Già Đà bất tử.
Ba vị hòa sắc, thuốc thành rồi
Liền thưa thân thuộc uống nhanh nhanh
Uống thuốc như thế như Cam Lộ
Khỏi mọi tạp độc đều an lạc.
Tất cả thiện nam có lòng tin
Xuất gia tu đạo cũng như thế
Vì cứu cha mẹ và chúng sinh
Uống phải thuốc độc của phiền não
Tâm cuồng điên đảo tạo các tội
Chìm mãi trong bể khổ sinh tử.
Cắt ái, từ thân vào Đạo Phật
Được gần Điều Ngự Đại Y Vương
Tu về vô lậu A Già Đà
Sinh lại nhà cha mẹ ba cõi
Khiến uống thuốc pháp dứt ba chướng
Sẽ chứng quả vô thượng bồ đề
Mãi đời vị lai thường chẳng diệt
Làm chỗ quy y độ chúng sinh
Rốt ráo ở nơi Đại Niết Bàn
Và, Phật Bồ Đề trí tròn sáng.
Lại nữa thiện nam, Bồ Tát xuất gia thường quán tất cả nhà cửa của thế gian cũng như gió lớn không hề dừng.
Sao vậy?
Thiện nam, tâm ý của hàng tại gia thường khởi vọng tưởng chấp trước ngoại cảnh, không thể thông tỏ được sự thực, mãi say đắm trong nẻo vô minh tối tăm, mọi sự tiếp xúc với cảnh luôn bị điên đảo không hề an trụ được. Ác giác dễ khởi, thiện tâm khó sinh. Do vọng tưởng duyên khởi ra các phiền não. Nhân các phiền não tạo ra nghiệp thiện, ác.
Và y vào các nghiệp thiện, ác ấy mà thọ nhận lấy quả báo trong năm đường, cứ như thế, như thế, sinh tử không dứt. Chỉ có đạt được chánh kiến, tâm không điên đảo, tạo mọi nghiệp thiện, làm nhân cho ba thiện căn và lấy tín tăng trưởng cho hạt giống vô lậu của các pháp ấy, phát khởi thần thông vô lậu tam muội, thần thông như thế, như thế là chứng Thánh Quả tương tục.
Nếu dẹp được vọng tưởng, tu tập chánh quán thời tất cả phiền não sẽ được dứt sạch hẳn.
Bấy giờ, Trưởng Giả Trí Quang bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn, tu tập chánh quán có vô lượng môn, vậy tu tập những quán môn nào mới dẹp được vọng tưởng?
Đức Thế Tôn bảo ông Trưởng Giả: Này thiện nam, cần nên tu tập chánh quán vô tướng. Quán vô tướng là dẹp trừ được vọng tưởng. Song, chỉ quán thực tánh chứ không cần nhận thức về mười hiện tướng, vì thể của tất cả các pháp môn vốn không tịch, vượt mọi sự nhận thức lãnh hội thông thường thế gọi là chánh quán.
Nếu có Phật Tử nào an trụ nơi chánh niệm, quán sát như thế, tu tập vô tướng vô vi trong thời gian dài, gió dữ của vọng tưởng vắng bặt, không còn dấy động nữa, thì Thánh Trí xuất hiện ngay chứng, đắc diệu lý, thành tựu viên mãn. Thiện nam, đó là Hiền Thánh, đó là Bồ Tát, đó là Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Do nhân duyên ấy, tất cả Bồ Tát vì muốn dẹp trừ vọng tưởng mãi mãi không dấy khởi lên nữa, vì muôn trả bốn ân, thành tựu được bốn đức, xuất gia tu học, ngừng tâm vọng tưởng, trải vô lượng kiếp thành tựu Phật Đạo.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Tám Mươi Bảy
Phật Thuyết Kinh Hiền Giả Ngũ Phước đức
Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Mười Chín - Phẩm Mã Dụ
Phật Thuyết Kinh Bảo Nữ Sở Vấn - Phẩm Mười Hai - Phẩm đại Thừa
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Hai Mươi Bốn - Pháp Hội ưu Ba Ly
Phật Thuyết Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật - Phần Mười Chín - Pháp Giới Thông Hóa
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Phi Ngã - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh đương Thành Học Lực - Phần Hai