Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bảo Vân - Phẩm Bảy - Phẩm Bảo Tích - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Mạn Đà La Tiên, Đời Lương

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA BẢO VÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Mạn Đà La Tiên, Đời Lương  

PHẨM BẢY

PHẨM BẢO TÍCH  

TẬP HAI  

Thiện nam! Chẳng phải do danh tự gọi là Bồ Tát, mà phải khéo hành pháp thiện, hành tâm bình đẳng, mới gọi là Bồ Tát. Hoặc khéo thành tựu ba mươi hai pháp, cũng gọi là Bồ Tát.

Ba mươi hai pháp là gì?

Đó là:

1. Thường vì chúng sinh, hết lòng cầu pháp lạc.

2. Khiến tất cả chúng sinh được trụ trong nhất thiết trí.

3. Thường tự xưng tán hàng pháp khí vô thượng.

4. Tâm không oán ghét trí tuệ người khác.

5. Phá trừ kiêu mạn, ham thích Phật đạo.

6. Tâm địa kiên cố, cung kính không dối.

7. Thân nhau trọn vẹn cho đến khi thành Phật.

8. Đối với người thân kẻ sơ, tâm thường bình đẳng.

9. Nói thường mỉm cười, biết lượng lời nói.

10. Khéo thăm hỏi trước, mặt không nhăn nhó.

11. Làm công việc trọn vẹn, không bỏ lỡ.

12. Rộng vì chúng sinh mà hành đại bi bình đẳng, tâm không mệt mỏi.

13. Đa văn không chán.

14. Tự trách lỗi mình, không trách lỗi người.

15. Đối với người có tội, từ bi mà quở trách.

16. Dùng tâm bồ đề hành các oai nghi.

17. Đã hành bố thí không mong đền đáp.

18. Hành trì giới luật không cầu sinh Thiên.

19. Sinh nhẫn vô ngại đối với các chúng sinh.

20. Vì tu tất cả các thiện căn nên khuyên hành tinh tấn.

21. Bỏ Vô Sắc Giới, chọn nơi thiền định.

22. Hành tuệ phương tiện hợp với bốn nhiếp pháp.

23. Tâm từ bình đẳng đối với người trì giới, phá giới.

24. Chí tâm nghe pháp, tâm ưa xa lìa tịch tĩnh.

25. Trụ nơi A Lan Nhã, không tham đắm các loại vinh hoa nơi thế gian.

26. Ở trong đại thừa thấy lợi ích hơn.

27. Lìa tri thức ác, gần gũi bạn lành.

28. Thường vận hành bình đẳng bốn loại tâm thanh tịnh, hiện bày năm thần thông diệu dụng.

29. Thường nương nơi chân trí.

30. Đối với các chúng sinh tà hạnh, chánh hạnh đều không xả bỏ.

31. Lời nói chắc chắn, quý pháp chân thật.

32. Trong tất cả thiện căn, lấy tâm bồ đề làm Thượng Thủ. Nếu ai đủ ba mươi hai pháp này gọi là ở quả vị Bồ Tát.

Thiện nam! Công đức của Bồ Tát vô lượng, vô biên, nên dùng nhân duyên thí dụ mới biết rõ.

Thiện nam! Ví như đại địa dung nạp các chúng sinh, tâm không phân biệt, không mong báo ân. Bồ Tát cũng vậy, từ lúc mới phát tâm cho đến khi an tọa nơi Đạo Tràng, tất cả chúng sinh đều được lợi ích, nhưng tâm Bồ Tát không phân biệt, không mong báo ân.

Thiện nam! Ví như nước nuôi sống tất cả trăm loại cây: Lúa, cỏ thuốc, cây cối, rừng rậm… đều được tăng trưởng. Bồ Tát cũng vậy, tự tâm thanh tịnh, từ bi trùm khắp, xông ướp tất cả chúng sinh khiến cho tăng trưởng tất cả pháp thiện.

Thiện nam! Ví như lửa có khả năng hầm chín trăm loại lúa gạo, cỏ thuốc, hoa quả… trí tuệ Bồ Tát cũng lại như vậy, khéo làm thành thục tất cả thiện căn.

Thiện nam! Ví như phong luân có khả năng thành lập tất cả Thế Giới. Quốc Độ Chư Phật. Phương tiện của Bồ Tát cũng lại như vậy, khéo thành lập tất cả pháp thiện.

Thiện nam! Như mặt trăng mới mọc, ánh sáng ngày càng tăng trưởng rực rỡ. Tâm tịnh của Bồ Tát cũng lại như vậy, tất cả pháp thiện ngày càng tăng trưởng.

Thiện nam! Ví như mặt trời mọc, cùng lúc phát sáng, rộng vì tất cả chúng sinh mà chiếu soi. Bồ Tát cũng vậy, phát ánh sáng trí tuệ chiếu khắp tất cả chúng sinh trong cùng một lúc.

Thiện nam! Như Sư Tử Vương đi đến đâu cũng không kinh sợ. Bồ Tát cũng vậy, trì giới thanh tịnh, trí tuệ chân thật, ở bất cứ nơi đâu cũng không kinh sợ.

Thiện nam! Ví như đại tượng Vương quý giá khéo được điều phục, chuyên chở đồ nặng mà tâm không mệt mỏi. Bồ Tát cũng vậy, khéo điều phục tâm, làm lợi ích lớn mà tâm không mệt mỏi.

Thiện nam! Ví như hoa sen sinh ở trong nước mà không bị nước làm nhiễm ô. Bồ Tát cũng vậy, sinh ở thế gian nhưng không bị các pháp thế gian làm ô nhiễm.

Thiện nam! Như người đốn cây, cây sinh trở lại. Bồ Tát cũng vậy, vì phương tiện lực, tuy đoạn kết sử nhưng còn ưa thích thiện căn nên sinh trở lại nơi ba cõi.

Thiện nam! Ví như các dòng nước ở khắp nơi chảy vào biển cả đều thành một vị. Bồ Tát cũng vậy. Dùng đủ loại pháp môn, tu tập các căn lành, hồi hướng vì đạo quả bồ đề vô thượng đều thành một vị.

Thiện nam! Ví như Tu Di sơn Vương là nơi y chỉ của Chư Thiên Trời Đao Lợi và Tứ Thiên Vương. Tâm đại bồ đề của Bồ Tát cũng lại như vậy, lấy nhất thiết trí làm chỗ nương tựa.

Thiện nam! Như đại Quốc Vương dùng sức mạnh nơi quần thần để khéo làm việc nước. Trí tuệ của Bồ Tát cũng lại như vậy, dùng lực của phương tiện khéo hành tất cả Phật sự.

Thiện nam! Ví như trời trong xanh, quang đãng, không có mây, chắc chắn không có tướng mưa. Người ít pháp nghe Bồ Tát nên không có chỗ hiễu biết, không nhắm thuần pháp vũ, cũng lại như vậy.

Thiện nam! Ví như trời có mây, chắc chắn có mưa, chúng sinh sung túc, mầm cây sinh trưởng. Từ mây đại bi, Bồ Tát phát khởi mưa pháp lớn tạo lợi ích cho chúng sinh cũng lại như vậy.

Thiện nam! Như Chuyển Luân Thánh Vương, đến ở nơi nào cũng đủ bảy báo. Bồ Tát cũng vậy, đến ở nơi nào cũng hiện bày đầy đủ ba mươi bảy phẩm pháp nơi thế gian.

Thiện nam! Như chỗ có ngọc báu ma ni thì có vô lượng vàng, bạc, châu báu… Bồ Tát cũng vậy, đến ở nơi nào thì nơi đó có vô lượng trăm ngàn thứ báu là Thanh Văn, Bích Chi Phật.

Thiện nam! Như Chư Thiên Cõi Trời Đao Lợi vào vườn Tạp tạng, tùy ý sử dụng tự tại. Bồ Tát cũng vậy, nhờ tâm chân tịnh nên đối với các chúng sinh giáo hóa một cách bình đẳng.

Thiện nam! Ví như Phật nơi chú thuật, thuốc độc chẳng thể hại, Bồ Tát có kết sử cũng lại như vậy, nhờ lực của trí tuệ nên không bị đọa nơi cõi ác.

Thiện nam! Như nơi thải bỏ các thứ phân uế trong thành lớn, nếu trồng mía, nho,… vào trong ruộng ấy thì có lợi ích. Bồ Tát có kết sử cũng như vậy, chỗ tập khí còn lại vì nhất thiết trí mà tạo nhân duyên.

Thiện nam! Ví như có người chưa từng học pháp binh khí thì không thể dụng võ. Bồ Tát cũng vậy, chẳng học tập tất cả các pháp thì không thể tính toán, chọn lọc, phân biệt, thọ trì, tu hành.

Thiện nam! Ví như thợ gốm đối với những đồ gốm chưa được nung thì không cho vào lửa lớn. Bồ Tát cũng vậy, đối với các chúng sinh có trí tuệ kém cõi, không thể lắng nghe pháp lớn của Chư Phật thì không giảng nói cho họ. Giả sử người đó nghe được ắt sinh cuồng loạn.

Thiện nam! Đại Bồ Tát muốn học Kinh Bảo Vân vi diệu thì thường phải tu tập pháp chánh quán đích thực.

Thế nào là chánh quán?

Tư duy chân thật là pháp chánh quán. Không quán ngã, nhân, chúng sinh, thọ mạng, gọi là chánh quán chân thật, trung đạo.

Thiện nam! Quán chân thật nghĩa là quán sắc chẳng phải thường, cũng chẳng phải vô thường. Quán thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải thường, cũng chẳng phải vô thường. Đó gọi là pháp quán chân thật, trung đạo.

Vì sao?

Vì thường là một bên, vô thường là một bên, chính giữa của hai bên thường với vô thường, không sắc, không hình, không mạng, không nhận biết. Đó gọi là pháp quán chân thật, trung đạo.

Ngã là một bên, vô ngã là một bên, chính giữa của hai bên ngã với vô ngã, không sắc, không hình, không mạng, không nhận biết. Đó gọi là pháp quán chân thật, trung đạo.

Thiện nam! Hoặc tâm có thật một bên, hoặc tâm chẳng phải thật là một bên. Hoặc không có tâm thức, không có tâm số, các pháp đại địa. Đó gọi là pháp quán chân thật trung đạo.

Như vậy, pháp thiện, pháp bất thiện. Các pháp thế gian, pháp xuất thế gian. Pháp có tội, pháp vô tội. Hữu lậu, vô lậu. Hữu vi, vô vi. Cho đến có cấu, không cấu cũng lại như vậy. Lìa hai bên, chẳng chấp giữ, cũng chẳng thể nêu bày. Đó gọi là pháp quán chân thật trung đạo.

Thiện nam! Có là một bên, không là một bên, chính giữa có không, không sắc, không hình, không nhận biết. Đó gọi là pháp quán chân thật trung đạo.

Thiện nam! Ta đã nói mười hai nhân duyên: Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên già, chết, ưu bi, khổ não. Nhân duyên như vậy là chiêu tập thành khối khổ lớn.

Nếu vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thị xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì già, chết, ưu bi, các khổ não lớn như vậy diệt.

Minh cùng vô minh không hai, không khác. Nếu biết như vậy gọi là pháp quán chân thật trung đạo.

Như vậy, hành và phi hành, thức cùng đối tượng của thức, sinh sắc có thể thấy cùng không thể thấy, các lục nhập cùng phi lục nhập, xúc và đối tượng của xúc, thọ và thọ diệt, ái cùng ái diệt, thủ cùng thủ diệt, hữu cùng hữu diệt, sinh cùng sinh diệt, già chết và già chết diệt đều là không hai, không khác. Nếu biết như vậy gọi là pháp quán chân thật trung đạo.

Lại nữa, thiện nam! Xét quán chân thật, chẳng do quán không mà khiến các pháp không. Vì pháp vốn tánh tự là không, chẳng do quán vô tướng mà khiến pháp vô tướng. Vì thể tánh của pháp vốn tự là vô tướng.

Chẳng do quán vô nguyện mà khiến pháp vô nguyện. Chỉ vì tánh của pháp vốn tự là vô nguyện, chẳng do quán vô khởi, vô sinh, vô ngã, vô thủ, vô tánh. Chỉ vì xưa nay các pháp vốn là vô khởi, vô thủ, vô tánh. Nếu quán như vậy gọi là quán chân thật.

Lại nữa, thiện nam! Chẳng do vô nhân người gọi là không. Vì không tự nó vốn là không. Khoảng trước, khoảng sau, khoảng giữa cũng không. Vì pháp vốn tự không, chẳng do sắc diệt thành không. Nên nương vào không, chớ nương vào người.

Nếu do đạt được không mà nương vào không thì Phật gọi người này là thoái đọa.

Thiện nam! Thà khởi ngã kiến tích tụ như núi Tu Di, chớ nên chấp nơi không kiến rồi khởi tà mạn.

Vì sao?

Vì tất cả kiến chấp còn có không để đối trị, còn nếu khởi không kiến thì chẳng thể trị.

Thiện nam! Như lương y cho thuốc để trị bệnh mà giấu kín thuốc này, không đưa ra ngoài.

Ý ông nghĩ sao?

Như vậy người bệnh chắc được lành chăng?

Bồ Tát Bảo Tích đáp: Không, bạch Thế Tôn! Thuốc này không đưa ra ngoài thì bệnh ấy càng nặng.

Phật bảo: Thiện nam! Các kiến chấp như vậy chỉ không mới diệt được. Nếu khởi không kiến thì chẳng thể trị.

Ví như có người kinh sợ hư không đến nỗi kêu gào đấm ngực, nói như vậy: Bỏ hư không ấy đi.

Ý ông nghĩ sao?

Hư không như vậy có thể trừ bỏ chăng?

Bồ Tát Bảo Tích đáp: Không, bạch Thế Tôn!

Phật bảo: Thiện nam! Nếu sợ pháp không như vậy, thì ta nói người này là cuồng loạn, mất tâm.

Vì sao?

Vì thường đi trong không mà sợ không. Ví như thợ vẽ, tự tay vẽ tượng quỷ Dạ Xoa, khi thấy liền kinh sợ, bất tĩnh ngã xuống đất. Tất cả phàm phu cũng lại như vậy, tự tạo sắc, thanh, hương, vị, xúc nên qua lại sinh tử, thọ các khổ não không tự nhận biết.

Thiện nam! Ví như huyễn sư giả tạo mãnh hổ. Hổ hư huyễn thành, rồi trở lại ăn thịt huyễn sư. Sa Môn hành đạo cũng lại như vậy, pháp của đối tượng được quán đều không, đều vắng lặng, không có người thấy. Sự quán như vậy cũng không.

Thiện nam! Ví như hai cây, không có tướng lửa, dùng hai cây cọ nhau, từ trong phát sinh ra lửa, nhân đó thiêu cây ấy.

Thiện nam! Quán chân thật như vậy sẽ sinh trí tuệ của bậc Thánh. Thánh trí sinh rồi, nhân đó diệt bỏ thật quán.

Thiện nam! Ví như đốt đèn, tất cả ám tối đều tự không còn. Không từ đâu đến, cũng không đi về đâu.

Chẳng phải đến từ phương Đông, cũng chẳng đến từ phương Nam, Tây, Bắc, bốn hướng, thượng hạ, mà đèn sáng này cũng không nghĩ rằng: Ta có thể diệt tối. Nhưng vì pháp đèn sáng thì tự không có bóng tối. Sáng, tối đều không, không tạo tác, không giữ lấy.

Thiện nam! Trí tuệ chân thật như vậy sinh thì vô trí tự diệt. Trí cùng vô trí, hai tướng đều không, không tạo tác, không giữ lấy.

Thiện nam! Ví như nhà tối, ngàn năm chưa từng có ánh sáng, giả sử có người ở trong ấy đốt đèn, ý ông nghĩ sao?

Chắc bóng tối nghĩ rằng: Ta ở đây lâu nên không đi đâu.

Bồ Tát Bảo Tích đáp: Không, bạch Thế Tôn! Vì khi đốt đèn, bóng tối vô lực ắt phải diệt đi.

Phật bảo: Thiện nam! Như vậy, đối với nghiệp kết tích tập hàng trăm ngàn vạn kiếp lâu nay, dùng trí nhất quán liền có thể diệt trừ. Đèn ánh sáng ấy là dụ cho Thánh tuệ căn này. Ám tối ấy chỉ cho các nghiệp kết tụ.

Thiện nam! Ví như người gieo giống giữa hư không mà có thể tăng trưởng thì điều này không thể có. Bồ Tát thủ chứng cũng lại như vậy, làm tăng trưởng Pháp Phật thì điều này không thể xảy ra.

Thiện nam! Ví như gieo giống ở nơi ruộng tốt thì có thể sinh trưởng, điều ấy có thể xảy ra. Bồ Tát cũng vậy, có thể tăng trưởng Phật Pháp nơi thế gian uế tạp có các kết sử.

Thiện nam! Ví như những nơi lục địa, cao nguyên, không thể sinh hoa sen. Bồ Tát cũng vậy, ở trong vô vi không thể sinh Phật Pháp.

Thiện nam! Ví như nơi nước đọng bùn nhơ mới sinh hoa sen. Bồ Tát cũng vậy. Sinh trưởng pháp Phật nơi bùn nhơ sinh tử, nơi chúng sinh tà định.

Thiện nam! Ví như nước nơi bốn biển, là nơi đầy ắp muôn loài sinh sống, Bồ Tát có vô lượng các thiện căn hữu vi cũng lại như vậy.

Thiện nam! Ví như tách một sợi lông làm thành trăm phần, lấy một phần, nhúng vào một giọt nước biển, tất cả hàng Thanh Văn có thiện căn hữu vi cũng lại như vậy.

Thiện nam! Ví như lỗ trống nơi con trùng, hạt cải, Thanh Văn có trí tuệ hữu vi cũng lại như vậy.

Thiện nam! Ví như mười phương hư không là vô lượng, vô biên, Bồ Tát có trí tuệ hữu vi cũng lại như vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần