Phật Thuyết Kinh đại Trang Nghiêm Pháp Môn - Phần Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Na Liên Đề Lê Da Xá, Đời Tùy

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI TRANG NGHIÊM PHÁP MÔN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Na Liên Đề Lê Da Xá, Đời Tùy  

PHẦN BỐN  

Khi Kim Sắc nữ thuyết pháp này, trong đại chúng có ức ngàn người phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Lại có các chúng trời, người, đã trồng căn lành sâu xa từ đời trước, số người ấy nhiều đến năm trăm người, đạt được vô sinh pháp nhẫn, ba vạn ba ngàn trời, người xa lìa bụi nhơ cõi trần, đạt được mắt pháp trong sạch.

Thắng Kim Sắc nữ tâm trong sạch, vui mừng, đắc được pháp thuận nhẫn.

Đạt được pháp thuận nhẫn rồi, Kim Sắc nữ liền đảnh lễ sát chân Văn Thù Sư Lợi và sinh lòng hổ thẹn sâu sắc, đối với thân mình, cô nói: Con đối với chánh pháp giống như người chết, xin hãy rủ lòng lành thương xót, cho phép con xuất gia.

Văn Thù Sư Lợi nói: Bồ Tát xuất gia, chẳng phải tự mình cắt tóc mà gọi là xuất gia.

Vì sao?

Vì nếu phát lòng đại tinh tấn, thì trừ được tất cả phiền não của chúng sinh. Gọi đó là Bồ Tát xuất gia. Bồ Tát xuất gia, chẳng phải do tự mình đắp y gọi là xuất gia. Phải siêng năng, đoạn trừ ba độc, làm ô nhiễm tâm của chúng sinh, mới gọi là xuất gia.

Chẳng phải tự thọ trì giới hạnh, gọi là xuất gia, mà có thể làm cho người phá hủy cấm giới, an trụ trong tịnh giới, mới gọi là xuất gia.

Chẳng phải một mình, ngồi ở nơi chùa vắng, suy nghĩ, mà gọi là xuất gia, đối với nữ sắc, lưu chuyển trong sinh tử, phải biết dùng tuệ phương tiện để giáo hóa, làm cho giải thoát, mới được gọi là xuất gia.

Không phải tự thân, giữ gìn luật nghi mà gọi là xuất gia. Nếu phát khởi bốn vô lượng tâm rộng rãi, làm an ổn chúng sinh, thì được gọi là xuất gia.

Chẳng phải tự thân, tu hành pháp lành mà gọi là xuất gia. Hay làm cho chúng sinh tăng trưởng căn lành mới được gọi là xuất gia.

Chẳng phải được vào Niết Bàn, gọi là xuất gia, mà vì muốn an ổn cho tất cả chúng sinh vào đại Niết Bàn, đó mới gọi là xuất gia.

Chẳng phải tự mình trừ được các phiền não, thì gọi là xuất gia. Mà phải siêng năng đoạn trừ tất cả phiền não của chúng sinh, đó mới được gọi là xuất gia.

Chẳng phải tự giữ gìn thân tâm của chính mình, thì gọi là xuất gia, mà phải giữ gìn thân tâm cho tất cả chúng sinh, đó mới gọi là xuất gia.

Chẳng phải tự cởi bỏ phiền não ràng buộc trong thân tâm của mình, thì gọi là xuất gia, mà phải vì sự cởi bỏ phiền não trói buộc trong thân tâm của tất cả chúng sinh, đó mới được gọi là xuất gia.

Chẳng phải tự mình biết sợ hãi sinh tử, để được giải thoát, thì gọi là xuất gia, mà có thể trừ được tất cả sự sợ hãi sinh tử của chúng sinh, làm cho họ được giải thoát, đó mới gọi là xuất gia.

Chẳng phải tự mình vui với Niết Bàn thì gọi là xuất gia, mà phải chuyên cần tu hành tinh tấn, làm cho chúng sinh đầy đủ tất cả Phật Pháp, đó mới được gọi là xuất gia.

Văn Thù Sư Lợi nói: Này cô gái! Người xuất gia, là khởi lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh, thì mới gọi là xuất gia. Xuất gia, nghĩa là không thấy tất cả chúng sinh xấu xa, cũng không chấp giữ lấy tướng, đó là xuất gia. Xuất gia, là không nêu ra tội của người khác, giáo hóa người biết hổ thẹn, khiến họ sám hối, đó là xuất gia.

Này cô gái! Người xuất gia khó khăn là vì lệ thuộc người khác. Bồ Tát không như vậy, thân tâm tự tại, nên không có sự lệ thuộc.

Nữ hỏi: Tại sao xuất gia lại gọi là lệ thuộc?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Người phụ thuộc vào giới, gọi là xuất gia. Người phá giới, không được gọi là xuất gia. Người phụ thuộc thiền định, gọi là xuất gia. Người loạn tâm, không được gọi là xuất gia. Phụ thuộc vào trí tuệ, thì gọi là xuất gia, ngu si không được gọi là xuất gia. Người phụ thuộc giải thoát, gọi là xuất gia, xa lìa giải thoát, không gọi là xuất gia.

Nữ hỏi: Văn Thù Sư Lợi! Tại sao Bồ Tát gọi là không phụ thuộc?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Bồ Tát, bên trong tự mình chứng ngộ được pháp, chứ không từ nơi sự học kia, nên gọi là không phụ thuộc.

Vì sao?

Vì Bồ Tát đối với Nhất thiết trí, tự mình mở ra mà hiểu.

Khi Văn Thù Sư Lợi thuyết pháp xuất gia này, có năm trăm Bồtát tâm sinh vui vẻ, cởi bỏ y phục và chuỗi ngọc trên thân, dâng lên Văn Thù Sư Lợi và khen ngợi: Hay thay, hay thay! Nói pháp này, thật sướng thích, ta nên tu hành theo.

Bấy giờ, Văn Thù Sư Lợi bảo Kim Sắc nữ: Người có thể lên xe, giáo hóa cho con của trưởng giả là Thượng Oai Đức. Nếu có thể giáo hóa được con của trưởng giả này, thì mới được gọi là xuất gia.

Khi Văn Thù Sư Lợi nói lời này xong, tất cả đại chúng đều kinh ngạc, nghĩ: Người con gái này, nay đã lìa bỏ tham dục, vì sao lại sai đến gặp người tham dục?.

Biết ý nghi ngờ của đại chúng, Kim Sắc Nữ nói: Bồ Tát xa lìa tham dục, dù vậy, vẫn thường gần với người tham dục để giáo hóa, làm cho họ xa lìa điều ác. Bồ Tát tự mình đã xa lìa sân si, dù có ở chung với người đầy đủ sân si để giáo hóa, cũng không có gì gọi là xấu.

Bồ Tát tự mình đã xa lìa phiền não, tuy có gần với người nhiều phiền não mà để giáo hóa họ, thì đó cũng là cách xa lìa điều ác. Ví như mẹ con cùng ở chung, nhưng đâu có sự tham nhiễm. Bồ Tát xa lìa sự tham dục, cũng lại như vậy, gần với người tham dục, cũng không nhiễm cái tham ấy. Ví như kẻ không có nam căn ở chung với con gái thì cũng không có tham nhiễm. Như vậy, Bồ Tát xa lìa ba cõi, dù ở trong Cõi Dục cũng không có tâm dục.

Khi đã biết rõ ác pháp phiền não sinh tử, đứng vững nơi ngằn mé của ly dục, Kim Sắc nữ liền đạt được ánh sáng ly dục, trừ được bóng tối tham dục, liền cúi đầu, đảnh lễ Văn Thù Sư Lợi, đi nhiễu bên phải ba vòng, nàng nói kệ, trước khi lên xe:

Con đang lên xe, lìa ba độc

Thể tánh trong sạch không tham nhiễm

Xa lìa sân hận phát lòng lành

Diệt ngu si để được trí tuệ.

Bỏ ham dò xét con trong sạch

Nay sẽ lên xe, đi đến rừng

Trước, con vì tham, tâm mê muội

Đam mê tài sắc, không biết rõ.

Giống như mây lớn che ánh nắng

Nên mặt đất không được chiếu tỏ

Ánh sáng kia, không đến, không đi

Bị mây lớn che, nên không hiện.

Như chúng sinh bị phiền não lấp

Trí trong sạch không, sáng rõ được

Trí kia, không đến, cũng không đi

Biết phiền não rồi, trí sáng ra.

Cũng chẳng phải từ nơi khác đến

Hiểu biết xấu, nên phiền não sinh

Hiểu biết trong sáng, phiền não diệt

Không chấp, cũng không xả, danh, sắc.

Cũng lại không sinh, cũng không diệt

Không đem cho, cũng không giữ lấy

Pháp vị như vậy, rất trong sạch

Giống như đèn sáng, trừ bóng tối.

Bóng tối kia, không đến, không đi

Như vậy, trí tuệ lìa phiền não

Phiền não không đi, cũng không đến

Cũng không sinh và cũng không diệt.

Như thầy thuốc giỏi chữa các bệnh

Trừ cả bệnh lạ, bệnh không sinh

Nhưng không trị được đất, lửa, gió

Văn Thù đúng là thầy thuốc lớn.

Trị bệnh phiền não cho chúng sinh

Trí tuệ, nhân duyên, không phiền não

Phiền não không đi, pháp không mất

Thân con đây, có đủ năm ấm

Và mười tám giới, mười hai nhập

Con trước kia chứa đầy phiền não

Nay đã xa lìa, được sạch trong.

Văn Thù Sư Lợi thuyết pháp giáo hóa cho đại chúng xong rồi, đại chúng rất là vui mừng.

Văn Thù Sư Lợi lại nói: Lành thay, lành thay! Đại chúng đã hết lòng nghe pháp.

Khi đã khen ngợi rồi, ở giữa đại chúng, Ngài nói: Hôm nay ta sẽ đi đến chỗ Như Lai. Đại chúng muốn nghe pháp, thì nên đến chỗ Đức Phật.

Nói xong, Văn Thù Sư Lợi và các đại chúng, đều trở về chỗ của mình. Khi ấy, Thắng Kim Sắc nữ cùng với tám mươi cô gái theo hầu vây quanh trước sau và cả con của trưởng giả cùng nhau lên xe báu, đi đến vườn. Đến nơi, họ bày ra đủ các loại lọng báu, cờ phướn, hương, hoa, chuỗi ngọc, cùng trăm thứ hương, đốt khắp rừng cây, để làm vui, ca hát, nhảy múa, vui đùa. Lại còn bày ra đủ các thứ thức ăn, thức uống ngon ngọt.

Bấy giờ, Thắng Kim Sắc nữ gối đầu lên đầu gối của con trưởng giả là Thượng Oai Đức, ngủ. Nàng liền dùng thần lực, biến thành thây chết trên chỗ nằm, phình trương, hôi thối, khó có thể đến gần. Chốc lát, gan ruột phanh ra, ngũ tạng lộ liễu, mùi hôi thối đáng ghét, đường đại tiểu tiện chảy tràn thứ nước bẩn.

Trong mắt, tai, mũi và các phần khác trên thân cũng như tất cả các lỗ chân lông đều có máu mủ chảy tràn, miệng toát ra mùi hôi thối, mùi phình trướng hôi thối lan khắp khu rừng, xương đầu lâu bể ra, não văng khắp nơi, tay, chân, gân cốt, rã rời đầy khắp. Ruồi xanh, giòi bọ rúc rỉa. Các thứ mùi hôi thối, nhơ nhớp đáng ghét, không thể kể hết.

Lúc thấy thây chết này, con của trưởng giả vô cùng sợ hãi, lông trên thân dựng ngược lên và suy nghĩ: Ta đang ở đây, đối với thây chết này không thể cứu giúp, không thể nương tựa. Xem khắp bốn phương, không biết nương dựa vào ai, càng thêm sợ hãi, con của trưởng giả kêu la hãi hùng.

Con của trưởng giả vì hai lý do mà sinh sợ hãi lớn:

Một là, vốn chưa từng thấy việc đáng sợ hãi đến như vậy.

Hai là, mọi người đều biết ta và cô gái kia, cùng đi đến chỗ này, mà nay bỗng nhiên cô chết, cho rằng ta giết, sợ Vua A Xà Thế không xét rõ sự thật, có thể bị giết oan!

Lúc này, con của trưởng giả một mình ở trong rừng, chung quanh không thấy một người nào, lại tự nghĩ: Ta đang sợ hãi.

Hỡi các Sa Môn, Bà La Môn, Trời, Rồng, Thần, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già… ai là người có thể cứu ta?

Con của trưởng giả kia, dù căn lành đời trước chín muồi, nhưng vì không nghe thấy những pháp của Văn Thù Sư Lợi và Kim Sắc nữ đã nói, nên mới quá sợ hãi như vậy.

Văn Thù Sư Lợi thấy vậy, liền dùng thần lực, làm cho các cây rừng đều nói kệ:

Thể tánh của các pháp

Như con trưởng giả thấy

Ba cõi đều giả dối

Như huyễn, đều không thật.

Da che sự xấu bẩn

Phàm phu không hổ thẹn

Do vì hiểu biết xấu

Vọng tưởng sinh tham đắm.

Ví như bình đầy phân

Trang trí đẹp bên ngoài

Người ngu si không biết

Đội lên đầu mà đi.

Bình rơi, liền bể tan

Vật dơ bẩn tràn khắp

Mùi hôi thối khó gần

Hối hận muốn lìa bỏ.

Như vậy, các phàm phu

Qua phân biệt nữ sắc

Thấy dài, ngắn, trắng, đỏ

Ưa nhiễm các biết xấu.

Nếu thấy thật tánh thân

Thân ngươi cũng như vậy

Ai thật thấy có người

Lại tham đắm thây thối.

Ngươi nay, không nên sợ

Pháp này, thể tánh không

Tất cả chẳng chân thật

Ngươi trước đã tham đắm.

Sao nay lại sợ hãi

Thích Ca Văn Đạo Sư

Ban an vui cho ngươi

Trong lời pháp cao cả.

Nói các dục: Vô thường

Như sương mù, điện chớp

Năm dục: Dối, không thật

Người trí nào tham đắm.

Như gió kích động nước

Làm bọt nước nổi lên

Chúng không thật tạo ra

Mà chỉ do nhân duyên.

Hòa hợp rồi sinh ra

Như vậy pháp danh sắc

Cũng không thật tạo ra

Do nghiệp lực không mất.

Các pháp hòa hợp sinh

Sắc đẹp, đã từng thấy

Nay đã đi đâu rồi!

Sắc xấu từ đâu lại.

Mà sinh lòng hoảng sợ?

Pháp không có chỗ dừng

Cũng không nơi khác đến

Không đi đến vị lai.

Do tập khởi nên thấy

Trong ấy không người tạo

Cũng không người nhận lấy

Xa lìa pháp tác thọ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần