Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bảo Vân - Phẩm Bốn - Phẩm đà la Ni - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Mạn Đà La Tiên, Đời Lương

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA BẢO VÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Mạn Đà La Tiên, Đời Lương  

PHẨM BỐN

PHẨM ĐÀ LA NI  

TẬP MỘT  

Bấy giờ, Đức Phật bảo Đại Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại: Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp hiểu biết sâu xa vi tế.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Hiểu sự mong cầu xuất ly.

2. Hiểu các pháp một cách rốt ráo.

3. Hiểu đầy đủ tất cả các pháp.

4. Hiểu sự tùy thuận hết thảy pháp tướng.

5. Hiểu sự phân tích hết thảy các pháp.

6. Hiểu mười hai nhân duyên sâu xa khó suy xét.

7. Hiểu nghiệp lực chẳng thể nghĩ bàn.

8. Hiểu nghĩa sâu rộng như chỗ thuyết giảng.

9. Hiểu và thông đạt thuận như đạo lý.

10. Hiểu về nhất chân đế.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát hiểu sự mong cầu xuất ly, cho đến nào là Bồ Tát hiểu về nhất chân chế?

Bồ Tát hằng nghĩ nhớ: Hết thảy thế gian thật là thống khổ! Bị lửa dữ của tám khổ thiêu đốt, dâm dục như lửa hừng đốt cháy toàn thân, lửa sân hừng hực, vọng khởi loạn tưởng, vô minh si ám che lấp nhãn căn.

Bồ Tát thấy rồi lại nghĩ: Những chúng sinh này làm sao ra khỏi nhà lửa ba cõi, thoát được nạn lửa?!

Vì nhân duyên độ thoát những chúng sinh ấy, nên ta phải cầu hiểu các pháp, cầu được bình đẳng thuận theo các pháp.

Được bình đẳng rồi, như thật biết rõ tướng huyễn của các pháp.

Rõ biết huyễn rồi thì hiểu đúng pháp luật. Hiểu đúng như thật rồi, theo đó quán sát mươi hai nhân duyên sâu xa khó lường. Được duyên quán rồi, liền quán sát nghiệp lực chẳng thể nghĩ bàn.

Quán như vậy xong, nghĩ: Pháp này thật là hiếm có. Tất cả các pháp tuy không có tự thể nhưng lại khéo tạo ra đủ loại sắc tướng.

Nhờ hiểu rõ sự vi tế như vậy nên đối với nghĩa lý đã nghe liền được thông tỏ. Do thấu tỏ về ý nghĩa hơn nên thông đạt chân như. Đạt chân như rồi được thấy thật tế. Thấy thật tế rồi, nên có thể độ thoát tất cả chúng sinh ra khỏi nhà lửa sinh tử.

Thiện nam! Đây là Bồ Tát hiểu sự mong cầu xuất ly, cho đến hiểu đầy đủ về nhất chân đế. Đó là mười pháp Đại Bồ Tát hiểu biết sâu xa vi tế.

Thiện nam! Đại Bồ Tát có đầy đủ mười pháp biện tài hội lý.

Những gì là mười?

Đó là: Hết thảy các pháp chỉ là giả danh, không ngã, không nhân, không chúng sinh, không thọ mạng, không nuôi dưỡng, không tạo tác, không thọ nhận, vô tri, vô kiến, nguy hiểm, tai ách chẳng được tự tại, rỗng không, không sở hữu, do nhân duyên giả hợp, phân biệt hư vọng. Như vậy gọi nó là giả hợp, giả danh.

Thiện nam! Có đạo lý này là tùy thuận nơi pháp tướng.

Không ngã, không nhân, không chúng sinh, không thọ mạng, không tạo tác, không thọ nhận, vô tri, vô kiến, không có tự tại, phân biệt hư vọng, nhân duyên giả hợp. Nói pháp như vậy là hợp lý đạo, tùy thuận nơi pháp tướng, không trái với pháp tướng, cùng lý tương ưng. Quán sát đúng lý một cách như thật, tất không điên đảo là làm rõ về pháp tướng. Biện tài như vậy cùng lý tương ưng, nên gọi là biện tài hội lý.

Thiện nam! Đây là Bồ Tát đầy đủ mười pháp biện tài hội lý.

Thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp biện tài sáng tỏ.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Biện tài cởi bỏ mọi trói buộc.

2. Biện tài vô tận.

3. Biện tài không đoạn tuyệt.

4. Biện tài tạo lợi ích khắp nơi.

5. Biện tài không thấp kém.

6. Biện tài không kinh sợ.

7. Biện tài không ai bằng.

8. Biện tài không bị ngăn cản, phá hoại.

9. Biện tài vô cùng.

10. Biện tài bốn vô ngại đầy đủ.

Thiện nam! Đây là Đại Bồ Tát đầy đủ mười pháp biện tài sáng tỏ.

Thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp biện tài tịnh khiết.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Biện tài không vụng về.

2. Biện tài không hoảng sợ.

3. Biện tài không yếu hèn.

4. Biện tài không tự khoe khoan.

5. Biện tài không giảm mất nghĩa lý.

6. Biện tài không giảm mất văn từ.

7. Biện tài không sai phương pháp.

8. Biện tài không sai thời.

9. Biện tài không thô thiển, khó hiểu.

10. Biện tài rõ ràng.

Thiện nam! Bồ Tát biện tài không vụng về.

Vì sao?

Vì không có gì lo sợ. Bồ Tát ở giữa đại chúng như Sư Tử Vương không khiếp sợ.

Bồ Tát biện tài không tự khoe, cũng không dua nịnh.

Vì sao?

Vì đã lìa xa phiền não. Người còn phiền não thì luôn tự khoe, chẳng phải là không còn phiền não.

Bồ Tát biện tài không làm tổn giảm ý nghĩa.

Vì sao?

Vì đã đắc pháp như vậy.

Bồ Tát không biện tài vô nghĩa.

Vì sao?

Vì đã chứng đắc pháp.

Thiện nam! Người chưa chứng pháp làm giảm mất nghĩa, ấy chẳng phải là người đắc pháp.

Bồ Tát biện tài không giảm mất văn từ.

Vì sao?

Vì đã tu hết thảy các phương pháp.

Bồ Tát khéo học vô lượng Kinh Pháp nên không sai thời, khoảng trước khoảng sau đều không sai. Bồ Tát biện tài không thô thiển, khó hiểu. Lời nói không thô ác, không trái tai.

Vì sao?

Vì lìa xa các lỗi lầm, ác khẩu. Bồ Tát biện tài rõ ràng.

Vì sao?

Vì lợi căn đầy đủ.

Thiện nam! Đó là Bồ Tát đầy đủ mười pháp biện tài tịnh khiết.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp biện tài hay làm cho tất cả chúng sinh hoan hỷ.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Ái ngữ.

2. Sắc diện tươi vui, không nhăn nhó.

3. Thường nói nghĩa lý.

4. Thường nói chánh pháp.

5. Nói pháp bình đẳng.

6. Không tự kheo tài năng mình.

7. Không khinh chê.

8. Tâm không nhiễm ô.

9. Hành động không suất.

10. Biện tài đủ loại.

Thiện nam! Bồ Tát nói lời ái ngữ làm cho chúng sinh tâm được hoan hỷ.

Bồ Tát sắc diện tươi vui, không nhăn nhó, luận bàn cởi mở làm cho chúng sinh vui thích.

Bồ Tát thường nói nghĩa lý, lời nói ưu ái nên tâm chúng sinh vui thích.

Bồ Tát thường luôn thuyết pháp, lời nói lợi ích, làm cho chúng sinh vui thích.

Bồ Tát thuyết pháp bình đẳng, khiến cho tâm ý chúng sinh vui thích.

Bồ Tát không tự khoe tài năng của mình, lìa xa kiêu mạn, phóng túng, cao ngạo, tùy theo mỗi loài chúng sinh mà dạy bảo khiến họ được hoan hỷ.

Bồ Tát không có tâm khinh chê, ân cần vì chúng sinh nói pháp khiến họ được hoan hỷ.

Bồ Tát không còn sự nhiễm ô, trì giới thanh tịnh nên khiến chúng sinh hoan hỷ.

Bồ Tát hành động không khinh suất, luôn tu nhẫn nhục.

Bồ Tát biện tài đủ loại, dùng lời ái ngữ nên khiến chúng sinh hoan hỷ.

Này thiện nam! Đó là Đại Bồ Tát đầy đủ mười pháp biện tài có khả năng làm cho tất cả chúng sinh hoan hỷ.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp ngôn ngữ biện tài, được người tín thọ.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Bồ Tát đối với các chúng sinh chẳng phải là bậc pháp khí thì không nên nói pháp.

2. Chúng sinh hủy báng pháp, Bồ Tát cũng không vì họ mà giảng nói.

3. Những kẻ đến đùa cợt, khinh nhờn, Bồ Tát cũng không vì họ mà giảng nói.

4. Ngoại đạo tà kiến, Bồ Tát cũng không nên giảng nói cho họ.

5. Người không cung kính, Bồ Tát cũng không nên giảng nói cho họ.

6. Người không tín tâm, Bồ Tát không nên giảng nói cho họ.

7. Người dối trá, dua nịnh, Bồ Tát không nên giảng nói cho họ.

8. Bồ Tát không vì tự thân thiếu thốn, không vì tài sản mà thuyết pháp.

9. Bồ Tát không vì lợi dưỡng, ganh ghét, tham tiếc mà nói pháp.

10. Người đầu óc phân tán, lõa hình và câm điếc, Bồ Tát không nên nói pháp cho họ.

Vì sao?

Này thiện nam! Đối với các chúng sinh, Bồ Tát không có lẫn tiếc, cũng không hề dấu pháp. Bồ Tát không thể không thương xót chúng sinh, không thể không làm lợi vật. Nhưng vì các chúng sinh đối với Phật Pháp chẳng phải là bậc pháp khí, do vậy Bồ Tát không thể thâu nhận.

Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại thưa: Kính bạch Thế Tôn! Những chúng sinh nào, Bồ Tát nên vì họ nói pháp?

Đức Phật bảo: Này thiện nam!

Bồ Tát nói pháp vì các chúng sinh như: Người có tín căn.

Người có khả năng thành thục.

Người đối với Phật quá khứ đã trồng căn lành, có đủ pháp khí.

Người không quanh co, lìa xa sự dối trá.

Người có oai nghi, thật không giả dối.

Người không tham đắm nơi danh vọng, lợi dưỡng của thế gian.

Người tín tâm đầy đủ, được bạn lành thâu giữ.

Người tạo các nghiệp thiện, dễ có thể khai ngộ.

Chúng sinh lợi căn, đối với nghĩa lý đã nói có khả năng thông hiểu ý nghĩa sâu xa, tu hành như lời nói, tinh tấn dũng mãnh, có khả năng thành Phật.

Này thiện nam! Đối với những chúng sinh như vậy, Chư Phật và Bồ Tát nên vì họ mà nói pháp.

Này thiện nam! Đó là Đại Bồ Tát đầy đủ mười pháp, lời nói phát ra được người tín thọ.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát lại có mười pháp giỏi khéo thuyết pháp.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Chỉ vì tu hành các pháp Phật mà nói pháp. Thuyết pháp như vậy nhưng Phật và pháp đều không thủ đắc.

2. Vì muốn tu hành các Ba La Mật mà nói pháp, nhưng cũng chẳng thủ đắc sự tu hành này và các Ba La Mật.

3. Vì hạnh bồ đề mà Bồ Tát thuyết pháp, nhưng chẳng thủ đắc Bồ Đề cùng hạnh bồ đề.

4. Vì diệt phiền não nên thuyết pháp, nhưng chẳng thủ đắc nơi phiền não cùng sự diệt phiền não.

5. Vì tu tập xuất ly để chứng diệt nên Bồ Tát nói pháp, nhưng chẳng thủ đắc sự xuất ly, cũng chẳng thủ đắc sự chứng diệt.

6. Vì chứng đạt quả Tu đà hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm nên Bồ Tát nói pháp nên chẳng thủ đắc Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm.

7. Vì quả A La Hán nên Bồ Tát thuyết pháp, nhưng chẳng thủ đắc A La Hán cùng quả A La Hán.

8. Vì đạt quả Bích Chi Phật nên Bồ Tát thuyết pháp, nhưng Duyên Giác cùng Duyên Giác quả cũng chẳng thủ đắc.

9. Vì diệt sự chấp chặt các ngã kiến nên Bồ Tát thuyết pháp, nhưng ngã cùng sự chấp trước đều chẳng thủ đắc.

10. Bồ Tát tuy nói có các nghiệp báo, nhưng nghiệp cùng nghiệp báo cũng chẳng thủ đắc.

Vì sao?

Vì Bồ Tát tư duy thấy rằng: Các pháp được nói do nương nơi danh dự. Nhưng vào danh dự này để tìm pháp thì chẳng được.

Vì sao?

Vì gọi là pháp ấy chẳng phải là thể của văn tự. Xét văn tự ấy cũng không là thể của pháp. Vì nghĩa này, nên nương vào giả danh tục đế để giảng nói ở nơi pháp không danh mà lập nên danh tự. Danh tự như vậy đều là hư vọng, phi chân thật. Phi chân thật ấy chẳng phải là Đệ nhất nghĩa. Đã chẳng phải là chân đế, nên là pháp hư vọng, dối gạt tất cả hàng phàm phu.

Này thiện nam! Đó là Đại Bồ Tát đầy đủ mười pháp giỏi khéo thuyết pháp.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần