Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bảo Vân - Phẩm Hai - Phẩm Mười Ba La Mật - Tập Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Mạn Đà La Tiên, Đời Lương
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI THỪA BẢO VÂN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Mạn Đà La Tiên, Đời Lương
PHẨM HAI
PHẨM MƯỜI BA LA MẬT
TẬP HAI
Thế nào là Bồ Tát khẩu nghiệp thanh tịnh?
Đó là hết thảy khẩu nghiệp bất thiện: Vọng ngữ, nói hai lưỡi, ác khẩu mắng chửi, nói lời ly gián… Bồ Tát đều đã lìa xa. Đó gọi là Bồ Tát khẩu nghiệp thanh tịnh.
Thế nào là Bồ Tát tâm nghiệp thanh tịnh?
Đó là hết thảy tâm nghiệp bất thiện: Tham dục, sân hận, ngu si…
Bồ Tát đều đã lìa xa. Đó gọi là Bồ Tát tâm nghiệp thanh tịnh.
Như vậy gọi là hành trì tịnh giới tam luân.
Thiện nam! Đó gọi là Bồ Tát đầy đủ trì giới Ba la mật thanh tịnh.
Thiện nam! Bồ Tát có đủ mười nhẫn nhục Ba la mật.
Những gì là mười?
1. Đầy đủ nội nhẫn.
2. Đầy đủ ngoại nhẫn.
3. Đầy đủ pháp nhẫn.
4. Đầy đủ nhẫn được Phật ấn chứng.
5. Đầy đủ không nhẫn phương sở.
6. Đầy đủ nhẫn bình đẳng.
7. Đầy đủ không nhẫn kiến sự.
8. Đầy đủ không nhẫn dao động.
9. Đầy đủ nhẫn từ bi.
10. Đầy đủ thành tựu nhẫn thệ nguyện.
Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát đầy đủ nội nhẫn?
Như bên trong có: Ưu, bi, khổ não, sầu lo, buồn bực, bứt rứt… Bồ Tát đều nhẫn chịu một cách mặc nhiên, không nổi nóng. Đó gọi là Bồ Tát đầy đủ nội nhẫn.
Thế nào là Bồ Tát đầy đủ ngoại nhẫn?
Thiện nam! Có người nói lời thô ác, mắng chửi, nguyền rủa, phỉ báng Bồ Tát cùng cha mẹ và hết thảy các quyến thuộc, các vị Hòa Thượng, Sư Tăng cho đến hủy báng Phật, Pháp, Tăng Bảo…, Bồ Tát nghe rồi vẫn gắng nhẫn không sân, không buồn phiền, không ôm lòng oán hận. Đó gọi là Bồ Tát đầy đủ ngoại nhẫn.
Thế nào là Bồ Tát đầy đủ pháp nhẫn?
Đối với những Kinh, giáo sâu xa của chư Như Lai giảng dạy, Đại Bồ Tát trừ các nghi hoặc, ý hướng khó đạt cảnh giới Chư Phật. Đây là các pháp xưa nay tich tĩnh, không sinh không duyệt, tự tánh là Niết Bàn. Nghe pháp như vậy, Bồ Tát không sinh kinh hãi, không khiếp sợ, không mất vía, khỏi sự tư duy, sâu xa trong mọi lúc.
Có người nào không nghe chánh pháp vi diệu sâu xa như vậy của Như Lai, mà đạt được quả vị bồ đề Vô Thượng chăng?
Vì nhân duyên này phải nên chí tâm thọ trì, đọc tụng, quán xát tu hành chánh pháp như thế. Đó gọi là Bồ Tát đầy đủ pháp nhẫn.
Thế nào là Bồ Tát đầy đủ được Phật ấn chứng?
Đại Bồ Tát nếu sinh sân hận liền phải chí tâm lắng lòng tư duy: Sân này do đâu sinh và do đâu diệt?
Ai sinh ra?
Vì sao sinh ra?
Nương nhân gì sinh?
Quán sát như vậy không thấy nhân sân, không thấy nơi sinh, không thấy nguyên do. Vì nhân duyên này liền nhẫn được nó, không sinh phiền não. Đó gọi là Bồ Tát đầy đủ được Phật ấn chứng.
Thế nào là Bồ Tát đầy đủ nhẫn không phương sở?
Bồ Tát không chỉ nhẫn vào ban ngày mà ban đêm không nhẫn. Không chỉ nhẫn vào ban đêm mà ban ngày không nhẫn. Không chỉ nhẫn ở nước này mà không nhẫn ở nước kia. Không chỉ nhẫn ở nước kia mà không nhẫn ở nước này.
Không chỉ nhẫn nơi hàng tri thức mà không nhẫn với chẳng tri thức. Không chỉ nhẫn với chẳng tri thức ma không nhẫn với hàng tri thức. Bồ Tát không như vậy, trong tất cả thời, bất cứ nơi đâu cũng đều có thể nhẫn, an chịu tất cả. Đó gọi là Bồ Tát nhẫn không phương sở.
Thế nào là Bồ Tát đầy đủ nhẫn bình đẳng?
Bồ Tát không chỉ nhẫn với cha mẹ, tôn trưởng, vợ con, tất cả quyến thuộc của mình, mà không nhẫn các đối tượng khác.
Bồ Tát không như vậy.
Vì sao?
Vì Bồ Tát thực hành nhẫn không hề có thân sơ. Bất luận là hạng tôn quý, thấp hèn, kể cả hạng Chiên Đà La, Bồ Tát đều dùng tâm bình đẳng kham nhẫn tất cả. Đó gọi là Bồ Tát đầy đủ nhẫn bình đẳng.
Thế nào là Bồ Tát đầy đủ nhẫn không kiến sự?
Bồ Tát hành trì nhẫn không vì duyên sự, nhẫn không vì tiếng tăm, nhẫn không vì được lưu truyền tên tuổi ở đời, nhẫn không vì hổ thẹn, Bồ Tát ở nơi nào chốn nào luôn tu nhẫn nhục. Đó gọi là Bồ Tát đầy đủ không nhẫn kiến sự.
Thế nào là Bồ Tát đầy đủ không nhẫn nhiễu động?
Sân hận chưa phát khởi vì ác chưa sinh, nên tạm nhẫn nhục, đó không gọi là nhẫn của Bồ Tát. Nếu gặp cảnh ác như bị đấm, bị đánh bằng cây, bằng dao, hoặc bị đá, hoặc bị giết, hoặc bị mắng chửi…, Bồ Tát đều nhẫn. Đó gọi là Bồ Tát đầy đủ không nhẫn nhiễu động.
Thế nào là Bồ Tát đủ nhẫn từ bi?
Bồ Tát nếu làm Quốc Vương, Vương Tử, triều thần phú quý, của cải sung mãn, quyền lực tự tại.
Giả sử bị người mạ nhục, mắng chửi, phỉ báng, khinh khi đủ cách, Bồ Tát đều kham nhẫn, không sân, không hận, không tỏ vẻ sang giàu, nên suy nghĩ: Những chúng sinh này ta đều cậy nhờ, được ta giúp đỡ. Do vậy không nên đối với chỗ như thế lại khởi sự sân hận, phải xả bỏ ngay. Vì nhân duyên ấy mà từ bi được tăng trưởng, hay an nhẫn, không sinh sân hận. Đó gọi là Bồ Tát đủ nhẫn từ bi.
Thế nào là Bồ Tát đầy đủ nhẫn thệ nguyện?
Đại Bồ Tát nên nghĩ rằng: Ở trước Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, ta ngguyện như sư tử, gầm vang. Ta sẽ tu hạnh cầu đạt đạo quả bồ đề vô thượng. Thấy các chúng sinh chìm đắm sâu thẳm trong bun lầy sinh tử, ta phải cứu vớt khiến họ được độ thoát. Do vậy, nay ta không thể đối với các chúng sinh đáng cứu độ lại khởi tâm sân hận, thù oán, không nhịn, không nhẫn. Nếu ta không nhẫn, còn chẳng tự độ, huống là độ người.
Thiện nam! Ví như thầy thuốc, thấy những người mù liền khởi niệm: Nay ta nên vì những người này trừ thảy các loại màng chướng mù tối trong mắt cho họ. Tuy nghĩ như vậy, nhưng chính y sư mắt cũng bị mù từ lâu.
Thiện nam! Ý ông nghĩ sao?
Y sư như vậy có khả năng trừ bệnh mắt cho chúng sinh không?
Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại thưa: Không, bạch Thế Tôn!
Phật nói: Này Thiện nam! Bồ Tát cũng như vậy, đối với vô minh ấy đã là người bẩm sinh nơi thế gian, tự thân không có tuệ nhãn, làm sao có khả năng trừ vô minh cho thế gian?
Tự thân bệnh mắt còn chẳng thể trị, há có khả năng trị cho kẻ khác?
Vì nhân duyên này, Bồ Tát muốn trừ hết thảy vô minh tăm tối của chúng sinh, trước phải tự trừ hết thảy các ám chướng của mình, sau mới trị cho người. Do vậy, Bồ Tát phải kham nhẫn, không sinh sân hận. Như vậy là Bồ Tát đầy đủ nhẫn tự thệ nguyện.
Thiện nam! Đó gọi là Đại Bồ Tát hoàn thiện đầy đủ mười pháp nhẫn nhục Ba la mật.
Này Thiện nam! Đại Bồ Tát có đầy đủ mười pháp tinh tấn Ba la mật viên mãn.
Những gì là mười?
1. Tinh tấn như Kim Cang bất hoại.
2. Tinh tấn dũng mãnh.
3. Tinh tấn lìa hai bên.
4. Tinh tấn tăng thêm.
5. Tinh tấn luyện trị.
6. Tinh tấn không dừng nghĩ.
7. Tinh tấn thanh tịnh.
8. Tinh tấn vô tỷ.
9. Tinh tấn không khinh miệt.
10. Tinh tấn không kế sách.
Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát tinh tấn bất hoại, dụ như kim cang?
Đại Bồ Tát dũng mãnh tinh tấn phát thệ nguyện rộng lớn vì các chúng sinh: Ai chưa Niết Bàn, ta khiến được Niết Bàn. Ai chưa được độ, ta khiến được độ. Ai chưa giải thoát, ta khiến được giải thoát. Ai chưa an lập, ta khiến được an lập. Ai chưa giác ngộ, ta khiến được giác ngộ.
Lúc Bồ Tát dũng mãnh, hiện bày tâm quảng đại như vậy, Ma Ba Tuần liền đến chỗ Bồ Tát, can gián: Thiện nam! Không nên dũng mãnh tinh tấn nhọc sức như thế.
Vì sao?
Vì xưa kia ta đã từng dũng mãnh như vậy, cũng vì chúng sinh mà phát thệ nguyện lớn: Ai chưa Niết Bàn, khiến được Niết Bàn… thệ nguyện như vậy đều là vọng ngữ, khi dối thế gian, chỉ là hàng phàm phu, ấu trĩ không chân thật.
Thiện nam! Ta chưa từng thấy có người nào tinh tấn, phát thệ nguyện lớn như vậy, vì nguyện lực mà chứng đắc quả vị bồ đề vô thượng.
Thiện nam! Ta chỉ thấy vô lượng, vô biên hết thảy chúng sinh tinh tấn như vậy đạt được Thanh Văn thừa, Bích Chi Phật thừa liền nhập Niết Bàn. Do đó, ông nên sớm xả bỏ tinh tấn, vì chỉ khiến cho thân tâm lao lực, khổ nhọc.
Khi ấy, Bồ Tát liền nghĩ: Có nên quát mắng Ma Ba Tuần không?
Nó đến không cố tình nhiễu loạn ta chăng?
Nó không muốn tạo chướng ngại gây khó khăn cho pháp sự của ta chăng?
Sau khi xét kỹ như vậy, Bồ Tát nói: Lành thay! Ba Tuần! Ít ham muốn tự hành trì, biết việc khổ vui nơi thế gian chăng?
Này Ba Tuần!
Như Lai dạy: Hết thảy thế gian này, nghiệp là thầy giỏi sai khiến. Do dựa nương nhân nơi nghiệp lực mà bị sai sử.
Ba Tuần! Ông nên tự thu giữ, trở về với chánh đạo. Nay ông não hại ta, vì nhân duyên ấy, đời vị lai sẽ thọ khổ mãi mãi, không có lợi ích.
Cũng vậy, ma chúng và dân thiên ma cùng nhau kéo đến cố tạo chướng ngại, não hại Bồ Tát không lay chuyển, không phân tán, không thối lui. Đó là Bồ Tát đầy đủ tinh tấn như kim cang.
Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát tinh tấn dũng mãnh?
Đại Bồ Tát hành tinh tấn dũng mãnh tức có khả năng vượt hơn các hạnh tu trước. Các hàng Bồ Tát khác chẳng thể bằng một phần của Bồ Tát này, cho đến dùng toán số ví dụ cũng chẳng thể sánh, huống nữa là các Thanh Văn, Bích Chi Phật…
Bồ Tát từ lúc mới phát tâm, hết lòng tinh tấn thâu giữ tất cả pháp tạng của Như Lai, liền xa lìa được hết thảy pháp bất thiện. Đó là Bồ Tát đầy đủ tinh tấn dũng mãnh.
Thế nào là Bồ Tát đầy đủ tinh tấn lìa nhị biên?
Đại Bồ Tát tuy hành tinh tấn dũng mãnh như vậy, nhưng không được quá sức, tự khổ thân mình, cũng không được yếu đuối, bê trễ, biếng nhác. Đó là Bồ Tát đầy đủ tinh tấn lìa nhị biên.
Thế nào là Bồ Tát đầy đủ tinh tấn tăng trưởng?
Đại Bồ Tát tinh tấn như vậy: Thân Như Lai thế nào, thân ta như thế đó. Đảnh thượng Như Lai không ai thấy được, ánh sáng tròn đầy một tầm, tướng hảo thù thắng, công đức Chư Phật đầy đủ vô lượng, không thể nghĩ bàn, trí tuệ vô ngại, thường như Sư Tử gầm, hiện bày lực vô sơ úy…, ta cũng phải như vậy. Tinh tấn như thế gọi là Bồ Tát đầy đủ tinh tấn tăng trưởng.
Thế nào là Bồ Tát đầy đủ tinh tấn luyện trị?
Thiện nam! Như ngọc báu ma ni cùng vàng, bạc… nhờ tôi luyện nên cấu bẩn không còn, ánh sáng tinh khiết trong suốt, ai thấy cũng khen: Ngọc báu ma ni cùng vàng bạc nay được sáng đẹp là nhờ tôi luyện. Cũng vậy, Bồ Tát tu hành tinh tấn, trừ sạch hết thảy cấu uế, bất tịnh, cũng lại như thế.
Thế nào là cấu bẩn của tinh tấn?
Bê trễ, biếng nhác là cấu bẩn của tinh tấn. Đối với sự ăn uống chẳng tự biết đủ, chẳng biết tiết chế, đó là cấu bẩn của tinh tấn. Bồ Tát đều phải trừ sạch. Bồ Tát dũng mãnh như vậy, không còn cấu, không còn uế thì ánh sáng tinh khiết hiển lộ. Đó là Bồ Tát đầy đủ tinh tấn tôi luyện.
Thế nào là Bồ Tát đầy đủ tinh tấn không dừng nghĩ?
Đại Bồ Tát trong bốn oai nghi thường tu tinh tấn, không tạm ngơi nghĩ trong mọi thời gian, không gian.
Đó gọi là Bồ Tát đầy đủ tinh tấn không dừng nghĩ?
Thế nào là Bồ Tát đầy đủ tinh tấn thanh tịnh?
Đại Bồ Tát thường tu tinh tấn như vậy. Giả sử có các pháp bất thiện thô ác, nhân duyên lắm chướng ngại đạo, các việc không lợi ích, Bồ Tát đều phải trừ sạch. Có các pháp thiện tùy thuận Niết Bàn, không nghịch chánh đạo, hỗ trợ bồ đề, hướng tới bồ đề, Bồ Tát phải làm cho tăng trưởng rộng lớn. Trong một niệm còn không cố sinh khỏi các ác vi tế, huống gì là đối với đại ác. Đó gọi là Bồ Tát đầy đủ tinh tấn thanh tịnh.
Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát đầy đủ tinh tấn vô tỷ?
Bồ Tát suy nghĩ: Nếu hằng hà sa số Thế Giới khắp mười phương là ngục A tỳ, bị lửa dữ thiêu đốt, Bồ Tát thấy các chúng sinh trong những Thế Giới ấy không ai cứu, không ai hộ, không nơi chốn quay về, khốn khổ không chỗ hướng đến, Bồ Tát liền phát tâm dũng mãnh, một mình không bạn.
Giả như vì nhân duyên chỉ độ thoát cho một người, Bồ Tát hãy còn đi đến cứu độ giúp họ thoát khỏi những Thế Giới lửa dữ như thế, huống nữa là nhiều người. Như vậy, các Thanh Văn, Bích Chi Phật… cùng các ngoại đạo chẳng thể so sánh với Bồ Tát. Đó là Bồ Tát đầy đủ tinh tấn vô tỷ.
Thế nào là Bồ Tát đầy đủ tinh tấn không khinh miệt?
Bồ Tát không nên nghĩ: Hàng phàm phu như nơi thế gian chẳng thể chứng đắc bồ đề. Nay sự tinh tấn tu tập của ta còn chẳng đủ, lại biếng nhác, yếu đuối thua kém muôn đắc pháp bồ đề phải dũng mãnh tu tập tinh tấn như cứu lửa cháy trên đầu, trải qua vô lượng kiếp như vậy mới đạt được.
Nay ta nếu không gắn sức thọ nhận, xốc vác với gánh nặng như thế, há có thể chứng đắc Pháp bồ đề ư?
Bồ Tát lại tư duy niệm tưởng: Quá khứ đã có vô lượng Chư Phật Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, Chư Phật Chánh Đẳng Giác nơi đời hiện tại và các vị sẽ thành tựu Chánh Đẳng Giác nơi đời vị lai, tất cả đều dùng kế sách dũng mãnh như vậy, tu hành như vậy, tinh tấn như vậy, nên Chư Phật, Như Lai đều thành tựu quả vị Chánh Giác.
Nay ta phải dùng kế sách tinh tấn dũng mãnh như thế, các chúng sinh chẳng thể sánh được. Duyên theo các chúng sinh mà thành tựu đạo quả bồ đề vô thượng cũng lại được như vậy. Do đó, nay thà vì tất cả chúng sinh, ta thọ khổ địa ngục, chứ không vì lợi ích tự thân, riêng chứng giải thoát, chọn lấy Niết Bàn. Đó là Bồ Tát đầy đủ tinh tấn không khinh miệt.
Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát đầy đủ tinh tấn không kế sách?
Bồ Tát tinh tấn như vậy, chẳng phải theo kế sách của người khác, chẳng chấp theo đường lối của người khác, cũng chẳng vì chuyên cần tinh tấn như vậy mà cho là kế sách của mình khác lạ so với tha nhân, cũng chẳng tự cao.
Phải nên tư duy: Có người trí nào làm việc chánh, việc tư, lại đợi kế sách của người khác?
Đó là Bồ Tát đầy đủ tinh tấn không kế sách.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Hiền Ngu - Phẩm Hai Mươi Tám - Phẩm Kim Thiên
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Chín - Chín Pháp - Phẩm Chín - Phẩm Bốn Như ý Túc
Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Một - Bố Thí độ Vô Cực - Kinh Số Mười Bốn - Kinh Tu đại Noa
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Mười Hai - Phẩm Cú Nghĩa
Phật Thuyết Kinh độ Thế Phẩm - Phần Mười Bốn
Phật Thuyết Kinh Tâm Phật - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Thập Nhất Diện Quán Thế âm Thần Chú
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Năm Mươi Chín - Kinh Xem Thợ Làm Bình