Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi Tám - Phẩm Lực - Phần Năm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH TĂNG NHẤT A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẨM BA MƯƠI TÁM
PHẨM LỰC
PHẦN NĂM
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở thành La Duyệt, trong Vườn Trúc Ca Lan Đà, cùng chúng đại Tỳ Kheo năm trăm người.
Bấy giờ, Vua A Xà Thế bảo quần thần: Các ngươi mai sửa soạn xe Vũ Bảo, ta muốn đến gặp Thế Tôn.
Quần Thần vâng lệnh Vua, sửa soạn xe Vũ Bảo, rồi đến trước Vua tâu: Xa giá đã xong, Vua nên biết thời. Vua ngồi xe Vũ Bảo, đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy và ngồi một bên.
Khi ấy, Vua A Xà Thế bạch Thế Tôn: Cúi mong Thế Tôn nhận lời thỉnh của con mà ở thành La Duyệt nhập hạ chín mươi ngày. Thế Tôn làm thinh nhận lời. Vua thấy Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh, liền từ chỗ ngồi đứng lên, cúi lạy và lui đi.
Rồi Vua A Xà Thế tùy thời cúng dường y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc men. Khi ấy, tại thành Tỳ Xá Ly, quỷ thần hưng thịnh. Nhân dân chết chóc vô kể, trong một ngày cả trăm người chết. Quỷ thần, La Sát, đầy dẫy ở đó. Người mặt mũi vàng khè, trải qua ba, bốn ngày rồi chết.
Nhân dân Tỳ Xá Ly kinh hoàng, tụ tập một nơi bàn luận: Ðại thành này rất thịnh đạt, dân chúng giàu có, vui sướng vô hạn, như trụ xứ của Trời Ðế thích thế mà ngày nay bị quỷ thần hại, rồi sẽ chết hết, hoang sơ ví như núi rừng, ai có thần đức để trừ tai nạn này?
Mọi người bảo nhau: Chúng ta nghe nói Sa Môn Cù Đàm hễ đi đến đâu thì những quỷ tà ác không thể đến gần quấy nhiễu. Nếu Như Lai đến đây thì quỷ thần này sẽ chạy tan.
Nhưng hôm nay Thế Tôn ở trong thành La Duyệt, được A Xà Thế cúng dường, sợ rằng Ngài không đến đây du hóa.
Có người lại nói: Như Lai có lòng từ bi rộng lớn, thương nhớ chúng sanh, xem khắp tất cả, người chưa độ sẽ khiến được độ, không bỏ tất cả chúng sanh, như mẹ yêu con. Nếu có người thỉnh thì Như Lai đến ngay.
Vua A Xà Thế chẳng giữ được đâu!
Ai chịu đến nước Vua A Xà Thế bạch với Thế Tôn rằng: Trong thành chúng con gặp việc nguy khốn, cúi mong Thế Tôn từ mẫn chiếu cố?
Khi ấy, có đại Trưởng Giả Tối Ðại ở trong chúng ấy.
Mọi người mới bảo Trưởng Giả: Chúng tôi nghe Sa Môn Cù Đàm đi đến đâu, các quỷ tà ác không thể hại được. Nếu Như Lai đến đây thì tai nạn này có thể trừ được. Ông hãy đến chỗ Thế Tôn bạch với Ngài đầy đủ ý này, để thành quách còn tồn tại mãi.
Trưởng Giả lặng thinh theo lời mời mọi người. Từ chỗ ngồi đứng lên đi về nhà, sửa soạn hành trang lên đường. Trưởng Giả dẫn người làm đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy, rồi ngồi một bên.
Khi ấy, Trưởng Giả bạch Thế Tôn: Nhân dân trong thành Tỳ Xá Ly gặp tai nạn, người chết rất nhiều, trong một ngày, xe chở xác chết có đến cả trăm. Cúi xin Thế Tôn thương xót tiếp độ, để những người còn lại được an ổn vô sự.
Chúng con lại nghe, Thế Tôn đi đến đâu. Thiên Long quỷ thần không dám bén mảng quấy nhiễu. Mong Ngài rũ lòng chiếu cố đến thành kia, độ cho dân chúng an ổn vô sự.
Thế Tôn bảo: Nay ta đã nhận lời thỉnh của Vua A Xà Thế ở thành La Duyệt. Chư Phật Thế Tôn chẳng nói hai lời. Nếu Vua A Xà Thế bằng lòng thì Như Lai sẽ đến.
Trưởng Giả Tối Ðại bạch Phật: Việc này rất khó, Vua A Xà Thế chắc chắn không để Như Lai đến nước kia.
Vì sao thế?
Vua A Xà Thế chẳng có mảy may thân thiện với nước con, ông luôn luôn tìm phương tiện muốn hại dân nước con. Nếu Vua A Xà Thế trông thấy con là giết ngay, huống là cho bày tỏ việc này. Nếu Vua ấy nghe được nhân dân nước kia bị quỷ thần hại, thì vui mừng không lường.
Thế Tôn bảo: Chớ sợ hãi!
Nay ông hãy đến tâu Vua việc này: Như Lai thọ ký cho Vua hoàn toàn không hư vọng, không hai lời. Phụ vương Ngài vô tội mà bị giết. Ðáng lẽ Ngài phải sanh vào địa ngục A tỳ suốt một kiếp.
Nhưng ngày nay, Ngài đã lìa bỏ tội này, sửa đổi tội lỗi, có tín căn thành tựu đối với Pháp Như Lai. Do đức bổn này, diệt được tội kia, không còn sót mảy may. Ðời này Ngài mạng chung, sẽ sanh vào Địa Ngục Phách Cừu.
Ở đó mạng chung sẽ sanh lên Trời Tứ Thiên Vương, rồi sanh lên Trời Diệm Thiên. Ở đó mạng chung, Ngài sanh lên Trời Ðâu Suất, Trời Hóa Tự Tại, Trời Tha Hóa Tự Tại, rồi trở lại đến Trời Tứ Thiên Vương.
Ðại Vương nên biết!
Trong hai mươi kiếp Ngài không đọa đường ác, hằng sanh trong loài người, thân cuối cùng do lòng tin kiên cố, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo tên là Phật Bích Chi Trừ Ác.
Vua kia nghe xong sẽ mừng rỡ không kềm được, cũng sẽ bảo ông rằng: Tùy ngươi cầu xin điều gì, ta sẽ không trái ý.
Trưởng Giả bạch Thế Tôn: Nay con sẽ nương oai thần của Thế Tôn để đến chỗ Vua. Rồi, ông từ chỗ ngồi đứng lên, cúi lạy, đi đến chỗ Vua. Bấy giờ, Vua A Xà Thế cùng các quần thần đang ở trên điện cao bàn luận. Ðại Trưởng Giả đi đến trước Vua.
Vua từ xa trông thấy, bảo quần thần: Nếu người này đến đây, các Ngươi muốn bắt làm gì?
Có người nói: Chúng ta sẽ bắt đem xẻo năm chỗ.
Có người nói: Sẽ bêu đầu.
Vua A Xà Thế nói: Các Ngươi cứ giục bắt giết đi, chẳng cần gặp ta.
Trưởng Giả nghe xong kinh sợ, vội lớn tiếng nói: Tôi là sứ giả của Phật.
Vua nghe tiếng Phật liền xuống tòa, quỳ gối phải, hướng về chỗ Phật, hỏi Trưởng Giả ấy rằng: Như Lai dạy dỗ điều gì?
Trưởng Giả đáp: Thế Tôn thọ ký trước cho Thánh Vương, không có hư vọng, lời dạy không có hai lời.
Như Lai nói: Vua giết hại Vua cha, do tội này đáng vào địa ngục A tỳ suốt một kiếp. Sau, Vua lại biết hối lỗi với Như Lai nên sẽ sanh trong địa ngục Phách Cừu.
Ở đó, khi Vua chết, sẽ sanh lên Trời Tứ Thiên Vương, lần lượt sanh lên Trời Tha Hóa Tự Tại, rồi lại trở về Trời Tứ Thiên Vương.
Trong hai mươi kiếp Vua không rơi ba đường ác, hằng sanh trong loài người. Thân cuối cùng do lòng tin kiên cố, Vua xuất gia học đạo, tên là Phật Bích Chi Trừ Ác, xuất hiện ở đời.
Vua nghe xong mừng rỡ, liền bảo đại Trưởng Giả: Nay ông muốn xin điều gì, ta sẽ cho.
Trưởng Giả tâu: Xin Vua chớ trái lời cầu xin.
Vua A Xà Thế bảo: Nay ông nếu nói cần gì, ta cũng chẳng trái ý.
Trưởng Giả tâu Vua: Nhân dân thành Tỳ Xá Ly gặp tai nạn, bị quỷ thần làm hại vô kể. La Sát quỷ thần rất hung bạo. Cúi mong Ðại Vương để Thế Tôn đến nước đó cho quỷ thần chạy tan.
Vì sao thế?
Chúng tôi từng nghe, Như Lai đến đâu thì Trời, Rồng, quỷ thần, chẳng được tiện lợi. Cúi mong Ðại Vương chấp thuận để Thế Tôn đến nước kia.
Vua nghe xong thở dài nói: Ðiều yêu cầu này rất lớn, chẳng phải tầm thường. Nếu ông xin ta thành quách, làng xóm, của cải quốc gia hay vợ con thì ta chẳng tiếc.
Ta không ngờ ông xin đến Thế Tôn, nhưng trước ta đã hứa, thì thôi!
Ðành theo ý ông!
Trưởng giả hết sức vui mừng liền đứng lên cáo từ lui đi.
Ông đến chỗ Thế Tôn thưa: Vua A Xà Thế đã chấp thuận để Thế Tôn đến nước kia.
Thế Tôn bảo: Người về trước đi. Như Lai sẽ tự biết đúng lúc. Trưởng Giả cúi lạy, nhiễu Phật ba vòng rồi lui đi. Sáng sớm, Thế Tôn đem các chúng Tỳ Kheo vây quanh trước sau ra khỏi Vườn Trúc Ca Lan Đà, đến thành Tỳ Xá Ly.
Vua A Xà Thế đang ở trên lầu cao với một người cầm lọng, trông thấy Thế Tôn đi về phía nước kia liền than thở bảo tả hữu: Chúng ta bị Trưởng Giả kia lừa rồi. Nay ta sống làm gì mà để Thế Tôn ra khỏi nước. Vua A Xà Thế đem năm trăm lọng tiễn đưa Thế Tôn, sợ bụi bặm lấm thân Ngài. Người trong thành La Duyệt cũng đem năm trăm lọng báu theo sau Thế Tôn.
Thích Đề Hoàn Nhân biết ý Thế Tôn cũng đem năm trăm lọng báu ở trên hư không sợ bụi đất lấm thân Như Lai. Các thần sông cũng cầm năm trăm lọng báu ở trên hư không.
Nhân dân Tỳ Xá Ly nghe tin hôm nay Thế Tôn sẽ vào thành, lại đem năm trăm lọng báu đến rước. Bấy giờ, có hai ngàn năm trăm lọng báu treo ở Hư Không.
Khi Thế Tôn trông thấy các lọng báu này, Ngài bèn mỉm cười, miệng phóng hào quang năm màu: xanh, vàng, trắng, đen, đỏ.
Thị giả A Nan thấy ánh sáng này liền suy nghĩ: Ðây là cớ gì?
Thế Tôn cười ắt có lý do, không phải việc thường.
Tôn Giả A Nan liền quỳ xuống chấp tay bạch Thế Tôn: Như Lai không có cười suông, cười ắt phải có duyên cớ.
Thế Tôn bảo: Nay thầy có thấy hai ngàn năm trăm lọng báu cúng dường Như Lai chăng?
Tôn Giả A Nan bạch: Dạ thấy, thưa Thế Tôn.
Thế Tôn bảo: Nếu Như Lai không xuất gia học đạo thì trong hai ngàn năm trăm kiếp sẽ làm Chuyển Luân Thánh Vương cai trị nhân dân. Vì Như Lai xuất gia học đạo nên không nhận lọng báu này.
A Nan nên biết!
Quá khứ lâu xa có Vua tên Thiện Hóa Trị, ở nước Mật Hy La, dùng pháp cai trị, có cách thức tiếp nạp, thống lãnh cõi Diêm Phù Đề, mọi người đều tùng phục.
Bấy giờ, Vua có tám vạn bốn ngàn phu nhân, thể nữ đều thuộc dòng Sát Lợi. Ðệ nhất phu nhân tên Nhật Quang, cũng không có con nối dõi.
Vua liền nghĩ: Nay ta thống trị cõi Diêm Phù, mà không có con. Vua liền cầu khẩn thần núi, thần cây, thần minh trong Trời Đất mong được một đứa con. Chưa được mấy ngày, phu nhân hoài thai.
Phu nhân Nhật Quang báo cho Vua hay: Ðại Vương nên biết!
Nay tôi biết được mình mang thai, hãy nên gìn giữ cho. Qua tám chín tháng, phu nhân sanh một Thái Tử, nhan sắc đoan chánh như màu hoa đào. Phu nhân trông thấy hết sức vui mừng đến báo cho Vua. Vua cũng mừng rỡ không kiềm được. Cả tám vạn bốn ngàn phu nhân thấy sanh Thái Tử cũng đều vui mừng.
Quốc Vương cho mời quần thần, Quốc Sư, Đạo Sĩ đến xem tướng cho Thái Tử, lại đặt tên tự để đời xưng hô.
Các thầy tướng tâu Vua: Nay sanh Thái Tử rất đoan chánh khác đời, ai trông thấy cũng yêu mến. Bây giờ, đặt tên là Ái Niệm. Ðặt tên tự xong, mọi người ra về.
Quốc Vương thương yêu Thái Tử chưa hề rời mắt. Ngài xây giảng đường ba mùa cho Thái Tử, cùng đông đảo thể nữ để Thái Tử vui chơi.
Bấy giờ, Thái Tử liền nghĩ: Thể nữ ở đây có thường còn không lìa thế gian, cũng không biến đổi chăng?
Nay ta xem tất cả bọn họ đều vô thường hết, chả ai còn mãi ở đời, tức là huyễn ngụy, không chân thật mà khiến nhân dân đắm nhiễm yêu thích, không ai biết xa lìa.
Nay ta dùng họ làm gì?
Nên bỏ mà học đạo. Ngay ngày đó, Thái Tử Ái Niệm cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo. Ngay đêm ấy, Thái Tử dứt hết mọi trói buộc, suy nghĩ pháp có tập đều là Pháp hoại diệt. Rồi Thái Tử thành Phật Bích Chi.
Thành Phật rồi, Ngài liền nói kệ:
Dục là pháp vô thường,
Biến đổi không chắc thật,
Biết đây là hoạn lớn,
Không chung, đi một mình.
Phật Bích Chi nói kệ xong, bay lên hư không, vòng quanh thành Mật Hy La ba vòng.
Bấy giờ, Quốc Vương đang ở trên điện cao cùng vui chơi với các cung nhân, thấy Phật Bích Chi nhiễu thành ba vòng, hết sức vui mừng bảo: Nay Thái Tử của ta bay trên không trung như chim bay.
Vua không biết Thái Tử thành Phật Bích Chi, nên bảo: Con hạ xuống điện này cùng ta vui chơi.
Bấy giờ, A Nan!
Phật Bích Chi hạ xuống điện, muốn độ cha mẹ.
Vua bảo: Hôm nay vì sao Thái Tử mặc y thể nữ, lại cạo râu tóc khác người?
Phật Bích Chi đáp: Nay con mặc rất thanh nhã, chẳng phải theo thói người thường.
Vua bảo: Vì sao không vào cung?
Phật Bích Chi nói: Từ nay về sau, con không tập dục nữa, cũng không ưa ngũ dục.
Vua nói: Nếu không ưa ngũ dục thì đến ở sau vườn của ta. Quốc vương đích thân đến vườn, tạo dựng nhà cửa. Phật Bích Chi vì muốn độ cha mẹ nên đến ở nhà trong vườn. Ngài nhận sự cúng dường của Vua một thời gian rồi nhập Vô Dư Niết Bàn. Vua đem Xá Lợi trà tì, rồi lập thần tự lớn ở đó.
Ngày khác, Vua lại đến vườn xem xét, thấy thần tự ấy hư hỏng điêu tàn, liền nghĩ:
Ðây là thần tự của con trai ta, nay bị hư hoại.
Vua bèn lấy lọng của mình che lên thần tự.
Ðó là vì lòng yêu thương chưa hết.
Thế nên, A Nan! Chớ cho như thế!
Vua Thiện Hóa bấy giờ chính là ta. Ta vì con mà lấy lọng che trên thần tự. Do công đức này lưu chuyển trong trời người, mấy trăm ngàn lần làm Chuyển Luân Thánh Vương, hoặc làm Ðế Thích, Phạm Thiên.
Lúc ấy, ta không biết con ta là Phật Bích Chi. Nếu ta biết là Phật Bích Chi thì công đức không thể đo lường. Nếu Như Lai không thành đạo Vô Thượng Chánh Chân, thì lại thêm hai ngàn năm trăm lần làm Chuyển Luân Thánh Vương cai trị thiên hạ.
Vì ta thành đạo, nên nay có hai ngàn năm trăm lọng tự nhiên ứng hiện.
Vì thế, A Nan! Do nhân duyên này Như Lai cười. Thừa sự Chư Phật, công đức không thể kể xiết.
Thế nên, A Nan! Hãy tìm phương tiện cúng dường Chư Phật, Thế Tôn.
Như thế, A Nan! Hãy học điều này.
Rồi Thế Tôn dẫn chúng Tỳ Kheo vào thành Tỳ Xá Ly, Ngài đứng giữa cửa thành nói kệ:
Nay đã thành Như Lai,
Thế gian cao trọng nhất,
Ðem lời chí thành này,
Tỳ Xá Ly không khác.
Lại đem pháp chí thành,
Ðược đạt đến Niết Bàn,
Ðem lời chí thành này,
Tỳ Xá Ly không khác.
Lại đem Tăng chí thành,
Chúng Hiền Thánh đệ nhất,
Ðem lời chí thành này,
Tỳ Xá Ly không khác.
Hai chân được an ổn,
Bốn chân cũng như thế,
Ði đường cũng tốt lành,
Ðến nơi cũng lại thế.
Ngày đêm được an ổn,
Không có bị xúc nhiễu,
Ðem lời chí thành này,
Khiến Tỳ Xá không khác.
Như Lai nói xong, La Sát quỷ thần đều bỏ chạy không yên chỗ, không vào thành Tỳ Xá Ly nữa, những người bệnh tật đều được trừ lành.
Bấy giờ Thế Tôn đi dạo bên hồ Di Hầu, nhân dân trong nước thừa sự cúng dường y phục, thức ăn, giường nằm, thuốc men, tùy sức mà cúng dường Phật và Tỳ Kheo Tăng. Họ cũng thọ Bát Quan Trai không lỡ thời tiết.
Lúc ấy, trong thành Tỳ Xá Ly có lục sư ngoại đạo du hóa ở đó. Lục sư là Bất Lan Ca Diếp, A Di Chuyên, Cù Da Lâu, Bỉ Ưu Ca Chiên, Tiên Tỷ Lô Trì, Ni Kiền Tử.
Các lục sư nhóm lại một chỗ, nói: Sa Môn Cù Đàm ở thành Tỳ Xá Ly được nhân dân cúng dường, còn chúng ta chẳng được cúng dường, chúng ta hãy đến luận nghị với ông ta, xem ai thắng ai thua.
Bất Lan Ca Diếp nói: Có các Sa Môn, Bà La Môn không nhận lời ông ta mà đến cật vấn. Ðây chẳng phải là pháp của Bà La Môn, Sa Môn. Chúng ta chưa nhận lời của Sa Môn Cù Đàm mà đến vấn nạn thì đâu được luận nghị với ông ta.
A di chuyên nói: Không thí, không nhận, cũng không người cho, cũng không đời này, đời sau. Chúng sanh cũng không có quả báo thiện ác.
Cù Da Lâu nói: Ở bên này Sông Hằng giết hại người vô số, thịt chất thành núi, ở bên trái Sông Hằng tạo các công đức. Do đó, đều không có quả báo thiện ác.
Bỉ Hư Ca Chiên nói: Dù cho ở bên trái Sông Hằng bố thí, trì giới, tùy thời cung cấp không cho thiếu thốn, cũng chẳng có phước báo.
Tiên Tỷ Lô Trì nói: Không có nói năng, cũng không có quả báo của ngôn ngữ. Chỉ có im lặng là sung sướng.
Ni Kiền Tử nói: Có ngôn ngữ, cũng có quả báo của ngôn ngữ, Sa Môn Cù Đàm cũng là người, chúng ta cũng là người, Sa Môn Cù Đàm biết gì, chúng ta cũng biết, Sa Môn Cù Đàm có thần túc, chúng ta cũng có thần túc, nếu Sa Môn kia hiện một thần túc, chúng ta sẽ hiện hai thần túc.
Ông ta hiện hai thần túc, ta sẽ hiện bốn thần túc, ông ta hiện bốn thần túc, ta sẽ hiện tám thần túc, ông ta hiện tám, ta hiện mười sáu.
Ông ta hiện mười sáu, ta hiện ba mươi hai, hằng khiến tăng thêm nhiều, hoàn toàn không chịu thua ông ta, đủ sức cùng ông ta thi thố.
Nếu ông ta không chịu luận với chúng ta, đó là lỗi của ông ta, nhân dân nghe được sẽ không cúng dường ông ta nữa, chúng ta sẽ được cúng dường.
Bấy giờ, có Tỳ Kheo Ni nghe được các lục sư tụ họp một chỗ bàn luận: Sa Môn Cù Đàm nếu không chịu nghị luận cùng người, chúng ta đủ thắng được.
Tỳ Kheo Ni Du Lô liền bay lên hư không hướng về lục sư nói kệ:
Thầy ta không ai bằng,
Tối tôn không người hơn,
Ta là đệ tử Ngài,
Tên là Du Lô Ni.
Ngươi nếu có cảnh giới,
Hãy cùng ta nghị luận,
Ta sẽ đáp từng việc,
Như sư tử chụp nai.
Lại, ngoài thầy ta ra,
Vốn không có Như Lai,
Nay ta Tỳ Kheo Ni,
Ðủ hàng phục ngoại đạo.
Tỳ Kheo Ni nói xong, ngoại đạo chẳng thể ngước nhìn thấy mặt, huống là luận nghị. Bấy giờ, nhân dân thành Tỳ Xá Ly từ xa trông thấy Tỳ Kheo Ni ở trên hư không luận nghị với lục sư mà lục sư không đáp được.
Ai nấy đều hoan hỷ reo mừng vô lượng: Hôm nay lục sư bị khuất phục rồi. Nhóm lục sư buồn bã ra khỏi thành Tỳ Xá Ly, không vào thành nữa. Khi ấy, rất đông Tỳ Kheo nghe Tỳ Kheo Ni Du Lô tranh luận thắng lục sư, liền đến chỗ Thế Tôn cúi lạy, rồi bạch đầy đủ nhân duyên này với Thế Tôn.
Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Tỳ Kheo Ni Du Lô có đại thần túc, có đại oai thần, trí huệ, đa văn.
Ta vẫn thường nghĩ: Không có ai tranh luận với lục sư nổi, chỉ có Như Lai và Tỳ Kheo Ni này.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Các thầy có thấy Tỳ Kheo Ni nào khác có thể hàng phục ngoại đạo như Tỳ Kheo Ni này không?
Các Tỳ Kheo đáp: Thưa không, bạch Thế Tôn!
Thế Tôn bảo: Này các Tỳ Kheo!
Trong hàng Thanh Văn của Ta, Tỳ Kheo Ni hàng phục ngoại đạo đệ nhất là Tỳ Kheo Ni Du Lô. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Có sáu xúc thọ nhập.
Thế nào là sáu?
Nghĩa là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý nhập. Ðó là sáu nhập.
Người phàm phu nếu mắt thấy sắc, liền khởi tâm dính mắc, không thể xa lìa. Họ vì thấy sắc, dính mắc cùng cực nên lưu chuyển trong sanh tử, không có lúc giải thoát.
Lục tình cũng vậy, họ khởi ý dính mắc, không thể xa lìa, do đó lưu chuyển không có lúc giải thoát. Nếu là đệ tử Hiền Thánh của Thế Tôn, thì khi mắt thấy sắc không dính mắc, không có tâm ô trược.
Họ có thể phân biệt ngay: Mắt này là pháp vô thường, là pháp khổ, không, chẳng phải thân ta. Lục tình cũng vậy, không khởi tâm nhiễm ô, phân biệt được lục tình này là pháp vô thường, khổ, không, vô ngã.
Ngay khi tư duy điều này, họ liền đắc Tư Đà Hàm quả. Ở trong hiện pháp họ đắc A Na Hàm hoặc A La Hán. Ví như, có người đói quá, muốn chà vỏ lúa, quạt cho sạch rồi nấu ăn để hết đói khát. Bậc đệ tử Hiền Thánh cũng vậy, đối lục tình này nên tư duy là ô uế bất tịnh, thì liền thành đạo quả, vào Vô Dư Niết Bàn.
Thế nên, Tỳ Kheo! Hãy tìm phương tiện diệt lục tình này.
Như thế, các Tỳ Kheo! Nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Hữu Học Lậu Tận
Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh Chúng Tập
Phật Thuyết Kinh ưu điền Vương
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Hai Mươi Bảy - Phẩm đẳng Thú Tứ đế
Phật Thuyết Kinh ánh Sáng Hoàng Kim - Phẩm Hai Mươi Tám - Phẩm Diệu Tràng Tán Dương
Phật Thuyết Kinh Tứ Thập Nhị Chương - Chương Ba Mươi Tám - Có Sanh Tất Có Diệt
Phật Thuyết Kinh Vô Thượng Y - Phẩm Một - Phẩm Sự Suy Lường Công đức