Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bảo Vân - Phẩm Hai - Phẩm Mười Ba La Mật - Tập Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Mạn Đà La Tiên, Đời Lương
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI THỪA BẢO VÂN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Mạn Đà La Tiên, Đời Lương
PHẨM HAI
PHẨM MƯỜI BA LA MẬT
TẬP MỘT
Khi ấy, Đức Phật bảo Đại Bồ Tát Hàng Phục Nhật Thiết Chướng Ngại: Lành thay! Lành thay! Này thiện nam! Thật là hay lắm! Ông vì lợi ích của tất cả chúng sinh, vì an lạc cho tất cả thế gian, đặc biệt là vì muốn trang nghiêm cho đại chúng Trời, người nên đã đem những câu như vậy thỉnh vấn Như Lai.
Này thiện nam! Hãy chú tâm lắng nghe, ghi nhớ cho kỹ, Như Lai sẽ vì ông phân biệt, giải thích.
Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại thưa: Dạ vâng! Kính bạch Thế Tôn! Con xin muốn nghe.
Phật bảo: Này thiện nam! Đại Bồ Tát tu hành bố thí Ba la mật phải đầy đủ mười pháp.
Những gì là mười?
1. Thí pháp đầy đủ.
2. Thí vô úy đầy đủ.
3. Thí của cải đầy đủ.
4. Bố thí hoàn toàn không mong đền đáp.
5. Bố thí tình thương đầy đủ.
6. Bố thí hoàn toàn không kiêu mạng.
7. Bố thí nhiệt tình, chu đáo, trọn vẹn.
8. Cúng dường đầy đủ.
9. Thí đầy đủ, không nương tựa vào nơi chốn.
10. Bố thí tinh khiết đầy đủ.
Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát bố thí pháp đầy đủ?
Thiện nam! Bồ Tát thọ trì chánh pháp lòng không mong cầu, không vì lợi dưỡng, không vì tri thức, không vì danh tiếng, mọi việc làm đều muốn diệt trừ tất cả nhân duyên khổ đau của chúng sinh. Thuyết pháp cho các chúng sinh, Bồ Tát dùng tâm không vướng mắc, một lòng bình đẳng không phân biệt.
Như thuyết pháp cho hàng Quốc Vương, Vương Tử, triều thần giàu sang và cho hạng, Chiên Đà La, người hạ tiện cũng lại như vậy, giữ lòng bình đẳng không phân biệt huống chi là đối với tất cả chúng sinh, muôn dân trong thành ấp, Bồ Tát thuyết pháp như vậy không sinh kiêu mạn.
Thiện nam! Đó gọi là Bồ Tát bố thí pháp đầy đủ.
Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát bố thí vô úy đầy đủ?
Thiện nam! Bồ Tát tự thân xả bỏ tất cả dao, gậy, không khiến cho các chúng sinh sợ hãi, dùng chỗ pháp hành khuyến hóa, dạy bảo, xem các chúng sinh như cha mẹ, vợ con, quyến thuộc, thiện tri thức.
Vì sao?
Vì như lời Phật dạy: Từ vô thỉ, đời đời kiếp kiếp lưu chuyển, không có một chúng sinh nào chẳng phải là cha mẹ, vợ con, tri thức, quyến thuộc của các ông. Thậm chí, đối với tất cả bốn loài chúng sinh, kể cả loại nhỏ bé nhất, cần phải thí cho chúng sự không sợ hãi, lóc thịt mình nuôi chúng, chẳng khiến phải âu lo, huống nữa là đối vơi các chúng sinh lớn.
Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát bố thí của cải đầy đủ?
Bồ Tát nếu thấy chúng sinh tâm tánh xấu ác, tạo nghiệp bất thiện thì liền cho tài vật, sau đó chỉ dạy chúng sinh tu các hạnh lành, dứt nghiệp xấu ác.
Bồ Tát lại nhớ nghĩ lời của Như Lai dạy: Ai hành bố thí tức diệt ba loại pháp ác, đó là ganh ghét, bỏn sẻn, tham ái. Do vậy, chúng ta hành bố thí không nên sinh tâm kiêu mạn, phải nương vào lời dạy của Như Lai mà hành hóa.
Thiện nam! Đó là Bồ Tát bố thí tài vật đầy đủ.
Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát bố thí đầy đủ, không mong đền đáp?
Thiện nam! Bồ Tát làm việc bố thí không vì tự thân, không vì quyến thuộc, không vì thế tục, không vì ân nghĩa mà hành bố thí. Các Bồ Tát này đúng như pháp bố thí, vui vẻ bố thí. Do nhân duyên như vậy nên Bồ Tát không có tâm mong cầu đền đáp.
Thiện nam! Đó là Bồ Tát bố thí đầy đủ, hoàn toàn không mong cầu báo đáp.
Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát bố thí tình thương đầy đủ?
Thiện nam! Bồ Tát thấy các chúng sinh khốn khổ như: Đói, khát, không một mảnh vải che thân, hoặc thân mặc rách rưới, hoặc không ai cứu giúp, không chỗ nương tựa, phước đức mỏng manh, thân không được an. Thấy vậy, Bồ Tát liền sinh tâm ân cần thương xót.
Vì muốn đem lại lợi ích an lạc cho chúng sinh nên Bồ Tát cấp tốc tu hạnh bồ đề vô thượng, nghĩ: Các chúng sinh khốn khổ, không ai cứu hộ, không nơi nương tựa, sinh tử lưu chuyển khắp nơi trong sáu nẻo, thọ các thống khổ không một phút giây ngừng nghỉ, cho nên Bồ Tát nguyện làm Tôn Sư.
Làm người thủ lãnh, làm người dẫn đường, làm người cứu độ, làm chỗ nương tựa cho các chúng sinh. Bồ Tát dùng tình thương lớn thâu nhận, bảo phủ lấy tâm chúng sinh, xót thương thâu tóm vô lượng, vô biên tất cả chúng sinh như vậy. Tu thiện căn này, Bồ Tát không sinh kiêu mạn.
Thiện nam! Đó là Bồ Tát bố thí tình thương đầy đủ.
Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát bố thí hoàn toàn không kiêu mạn?
Thiện nam! Bồ Tát làm việc bố thí chẳng cho bằng cách ném, chẳng khinh khi người nhận thí, chẳng mạ nhục, bực tức khi bố thí, chẳng ỷ giàu sang, bố thí qua loa, chẳng cầu danh tiếng, chẳng ỷ vào sự đa văn của mình. Bồ Tát khi bố thí phải ân cần, cung kính, tự tay ban vật thí cho họ.
Thiện nam! Đó là Bồ Tát bố thí hoàn toàn không có kiêu mạn.
Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát bố thí nhiệt tình, chu đáo, trọn vẹn?
Thiện nam! Nếu Bồ Tát thấy các Hòa Thượng, Sư Tăng, bậc đáng tôn kính cùng các bạn đồng tu thì phải hết lòng ân cần, cung kính, chắp tay lễ bái, nghênh tiếp đón đưa, vui hòa niềm nỡ. Đối với các pháp sự tu hành, Bồ Tát tương ưng với thiện, thường làm bạn với nhau.
Thiện nam! Đó là Bồ Tát bố thí nhiệt tình, chu đáo, trọn vẹn.
Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát cúng dường đầy đủ?
Thiện nam! Đó là Bồ Tát bày biện các vật cúng dường ở trước Phật, trước Pháp, trước Tăng. Hoặc đến chỗ Tháp Miếu của Như Lai, Bồ Tát quét dọn sạch sẽ, đem các loại hương hoa cúng dường. Hoặc tháp Như Lai bị hư hoại thì Bồ Tát liền tu sửa.
Bồ Tát cúng dường Chư Phật như vậy. Đối với chánh pháp của Như Lai, Bồ Tát sau khi nghe rồi liền thọ trì, đọc tụng, biên chép, giảng nói, suy nghĩ về ý nghĩa ấy, tu hành như pháp, không còn điên đảo. Bồ Tát cúng dường chánh pháp như vậy.
Bồ Tát đem các loại y phục, đồ ăn, thức uống, nệm lót, thuốc thang, tất cả tài sản, thậm chí đến cả nước lạnh, nước nóng… cung cấp cúng dường Chúng Tăng.
Thiện nam! Như vậy gọi là Bồ Tát cúng dường đầy đủ.
Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát bố thí đầy đủ không nương vào nơi chốn?
Thiện nam! Khi Bồ Tát thực hành bố thí không tạo ước nguyện nhưng vì căn lành mà nên khiến được sinh vào Cõi Trời, hoặc tuần tự đến các Cõi Trời, hay sinh làm Quốc Vương, triều thần, tể tướng giàu sang.
Thiện nam! Đó là Bồ Tát bố thí đầy đủ không nương vào xứ xở.
Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát bố thí đầy đủ sự tịnh khiết?
Thiện nam! Như trước đã nói, Bồ Tát thực hành các loại thí đều khéo quan sát. Nhờ quán sát như vậy nên các lỗi lầm, cấu uế, chướng ngại của sự bố thí không phát sinh.
Thiện nam! Như vậy, Bồ Tát bố thí đầy đủ sự tịnh khiết.
Thiện nam! Đó là mười pháp bố thí Ba la mật đầy đủ của Bồ Tát.
Này thiện nam! Bồ Tát có đầy đủ mười pháp trì giới Ba La Mật.
Những gì là mười?
1. Hộ trì giới cấm Ba La Đề Mộc Xoa.
2. Hộ trì học giới ứng hợp của Bồ Tát.
3. Xa lìa hết thảy mọi phiền não, thiêu đốt.
4. Lìa xa tư duy bất thiện.
5. Tin nơi nghiệp nhân quả.
6. Khởi tưởng sợ hãi tội lỗi.
7. Biết quán xát hổ thẹn.
8. Thọ trì kiên cố.
9. Trì giới không có chỗ nương tựa.
10. Hành tịnh giới tam luân.
Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát giữ gìn giới cấm Ba La Đề Mộc Xoa?
Những giới cấm Như Lai chế trong Tu Đa La, Tỳ Ni và trong các Kinh, Bồ Tát sống bất cứ nơi đâu cũng phải nên học và thọ trì đúng như pháp, không cậy nơi chủng tộc, không vướng nơi các kiến chấp, không chia rẻ đồ chúng, không nhìn lỗi người, không dấy tưởng thấp kém, không tham vướng nơi tạp nghệ. Đối với giới luật sinh tâm ân cần, tôn kính, thọ trì như pháp. Như vậy là Bồ Tát giữ gìn giới cấm Ba La Đề Mộc Xoa.
Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát gìn giữ học giới ứng hợp của Bồ Tát?
Thiện nam! Bồ Tát tư duy, suy xét kỹ: Ta chẳng những thọ trì Ba La Đề Mộc Xoa, mà còn mà phải chứng được quả vị Bồ Đề Vô Thượng. Do đó, bất cứ trong Kinh nào nói về các loại oai nghi của Bồ Tát, các loại luật nghi của Bồ Tát được Như Lai chế định, ta phải nên học, thọ trì đúng như pháp.
Bồ Tát tu tập giới, oai nghi như thế nào?
Phi xứ, phi thời, Bồ Tát không nên thuyết pháp. Phải biết thời, thông hiểu về Quốc Độ, dùng mỹ âm hòa nhã, vì họ mà giảng nói.
Vì sao?
Vì chớ để cho chúng sinh sinh tâm bất thiện, nên bảo hộ họ, ý tự thâu giữ sáu tình. Như vậy Bồ Tát mới đạt được hạnh bồ đề viên mãn.
Thế nào là luật nghi, giới đầy đủ?
Đó là nói lời tốt đẹp, nói lời diệu êm, không trụ nơi uế tạp loạn. Thích sống nơi vắng lặng tịnh, sắc diện luôn tươi vui. Sau khi đầy đủ oai nghi như vậy, Bồ Tát thông suốt các pháp luật nghi của Như Lai chế, dùng tâm ân cần thọ trì trọn vẹn.
Như vậy là Bồ Tát gìn giữ học giới ứng hợp của Bồ Tát.
Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát lìa xa hết thảy sự thiêu đốt của phiền não?
Thiện nam! Bồ Tát hoặc bị tham dục thiêu đốt, hoặc bị sân hận thiêu đốt, hoặc bị si mê thiêu đốt, kể cả bị hết thảy vô lượng các lửa phiền não thiêu đốt, hoặc các loại nhân duyên nơi tài sản, tiền của,… thiêu đốt thân tâm. Bồ Tát nên tu ba loại pháp môn đối trị, phải sớm lìa xa nhân duyên ba độc.
Đối trị dục như thế nào?
Nhân duyên của dâm dục là gì?
Tu quán bất tịnh là đối trị dục. Hết thảy nữ sắc là nhân duyên dâm.
Tu quán bất tịnh như thế nào?
Đó là quán các phần trong thân này như: Lông, tóc, móng, răng, da, mọi thứ cấu bẩn, nước mắt, mồ hôi, đờm dãi, phân, nước tiểu, gân, thịt, huyết mạch, não, mô, mỡ sa, xương tủy, mỡ nước, mũ, tim, phổi, lá lách, thận, gan, mật ruột, dạ dày, nước vàng trắng, sinh thục, nhị tạng, đầy dẫy những bất tịnh. Bồ Tát nên khéo quán sát ba mươi sáu vật của thân như vậy.
Quán sát như thế, lại tư duy: Có những hài nhi, phàm phu ngu si, không sáng suốt, ít phần thiện căn, còn có khả năng quan sát ba mươi sáu vật, không sinh tham dục. Huống gì là người trí gồm đủ tướng đại nhân, thiện căn sâu dày. Bồ Tát tu quán bất tịnh như vậy.
Thế nào gọi là nữ sắc?
Đó là những nữ giới: Hay ưa trang điểm, sửa sắc đẹp ngoại hình được duyên dáng, cho ba mươi sáu vật giả hợp hôi thối là hình tướng đẹp, làm mê hoặc các hạng phàm ngu.
Nếu khi thấy sắc, Bồ Tát nên khởi niệm: Như Lai thường dạy: Hết thảy cảnh giới như mộng, như huyễn, đều là hư vọng.
Có người trí nào đối với các cảnh giới như mộng, huyễn… lại sinh tâm tham dục?
Quán sát như vậy nên sớm xa lìa.
Đó gọi là Bồ Tát lìa nhân duyên của dục.
Đối trị sân hận như thế nào?
Thế nào là nguyên nhân của sân hận?
Thiện nam! Đối với các chúng sinh, Bồ Tát luôn sinh tâm từ bi. Những nhân duyên có khả năng làm sân sinh khởi, Bồ Tát đều phải lìa xa. Như vậy là Bồ Tát tu đối trị sân, lìa nhân duyên của sân. Sau khi quán như vậy, Bồ Tát liền được lìa si. Được lìa si rồi, không sinh khổ não. Nếu bị hạ nhục hoặc mất tài vật, Bồ Tát cũng không sinh bức bách khổ não. Như vậy là Bồ Tát lìa xa hết thảy sự thiêu đốt của phiền não.
Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát lìa xa tư duy bất thiện?
Thiện nam! Bồ Tát một mình ở nơi thanh vắng tịch tĩnh, không bè bạn, phát tâm như vậy: Nay ta an trụ nơi thanh tịnh, không ồn ào, náo loạn. Do vậy, được trụ nơi giới luật an lạc, thanh tịnh của Như Lai. Có các Sa Môn cạo bỏ râu tóc, mặc y hoại sắc, hành khổ hạnh, gần tri thức ác, tư duy bất thiện nên đã đánh mất giới luật của Như Lai giảng dạy. Như vậy là Bồ Tát lìa xa tư duy bất thiện.
Thế nào là Bồ Tát tin nơi nghiệp, nhân quả?
Bồ Tát khởi sự tư duy: Như Phật dạy: Sa Môn tạo công đức, phải nên chí tâm trì giới, tu trí một cách hết sức chuyên cần.
Vì sao?
Vì chí tâm tạo công đức như vậy nên thọ được quả báo an lạc như ý. Do tin như vậy nên liền được lìa xa các nghiệp bất thiện. Đó gọi là Bồ Tát tin nơi nghiệp, nhân quả.
Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát khởi tưởng lo sợ về tội?
Đối với tội lỗi vi tế, Bồ Tát luôn sinh lo sợ hãy còn không dám cố phạm.
Vì sao?
Vì như Phật dạy Sa Môn: Thể tánh của tội lỗi là độc dược, hoặc nhiều, hoặc ít đều có thể làm chết người.
Hết thảy tội lỗi hoặc lớn hoặc nhỏ đều khiến cho chúng sinh đọa vào ba đường ác khốn khổ: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Cũng lại như vậy, tư duy như thế Bồ Tát liền sinh tưởng lo sợ đối với hết thảy tội. Đó gọi là Bồ Tát lo sơ về nghiệp tội.
Thế nào là Bồ Tát biết quán sát hổ thẹn?
Bồ Tát thân quen với bốn bộ chúng và dân chúng trong nước.
Những người như vậy gởi cho Bồ Tát các loai vật báu: Vàng, bạc, trân châu, lưu ly, ngọc bích, nhưng Bồ Tát không sinh tham. Hoặc vật của Tháp Miếu, hoặc các vật của Tăng giao phó cho Bồ Tát, Bồ Tát cũng không dùng riêng.
Vì sao?
Vì như Phật dạy: Bồ Tát đối với các phần thân mình, thà chịu cắt thịt tùy ý dùng, chớ không dùng vật chẳng phải là xả thí. Như vậy là Bồ Tát biết quán sát, hổ thẹn.
Thế nào là Bồ Tát thọ trì kiên cố?
Bồ Tát nếu bị các Thiên thần và quyến thuộc của ma làm nhiễu loạn, khiến sinh tâm tham đắm tất cả tài vật cùng năm thứ dục lạc, nhưng tâm Bồ Tát luôn an trụ bất động, không bị phân tán, cũng không thoái chuyển. Như vậy là Bồ Tát thọ trì kiên cố.
Thế nào là Bồ Tát hành trì giới không có nơi chốn nương tựa?
Bồ Tát hành trì tịnh giới, nghĩ rằng: Không vì giới đây mà ta sẽ được sinh Thiên và làm Chư Thiên, đế chủ, các Quốc Vương, các triều đại thần. Bồ Tát hành trì giới là hoàn toàn không thủ đắc. Đó gọi là Bồ Tát hành trì giới không có nơi chốn nương tựa.
Thế nào là Bồ Tát hành tịnh giới tam luân?
Đó là Bồ Tát dùng thân thanh tịnh, khẩu thanh tịnh, tâm thanh tịnh để trì giới.
Thế nào là Bồ Tát thân giới thanh tịnh?
Đó là hết thảy thân nghiệp bất thiện: Sát sinh, trộm cướp, tà dâm, Bồ Tát đều đã lìa xa. Đó gọi là Bồ Tát thân nghiệp thanh tịnh.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Minh độ Kinh đạo Hành Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Hai Mươi Năm - Phẩm Chúc Lụy
Phật Thuyết Kinh đại Tát Già Ni Kiền Tử Sở Thuyết - Phẩm Sáu - Phẩm Thỉnh Thọ Trai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Hiển Thức - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh ưu Ba Ly Vấn Phật - Phần Hai - Ba Mươi Xả đọa
Phật Thuyết Kinh Trì Tâm Phạm Thiên Sở Vấn - Phẩm Một - Phẩm ánh Sáng Của Bồ Tát Minh Võng
Phật Thuyết Kinh Quang Tán - Phẩm Mười - Phẩm Huyễn
Phật Thuyết Kinh Quán Phật Tam Muội Hải - Phẩm Mười Hai - Quán Mật Hạnh Của đức Phật
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba Mươi Bốn - Pháp Hội Công đức Bảo Hoa Phu Bồ Tát
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Sáu Mươi - Phẩm Học Không Bất Chứng