Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Sơ Phát Tâm Công đức - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI PHƯƠNG

QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường  

PHẨM MƯỜI BẢY

PHẨM SƠ PHÁT TÂM CÔNG ĐỨC  

PHẦN MỘT  

Lúc bấy giờ, Thiên Ðế Thích bạch Pháp Huệ Bồ Tát rằng: Thưa Phật Tử! Bồ Tát sơ phát bồ đề tâm được bao nhiêu công đức?

Pháp Huệ Bồ Tát nói: Nghĩa đó rất sâu, khó nói, khó biết, khó phân biệt, khó tin hiểu, khó chứng, khó làm, khó thông đạt, khó tư duy, khó đạt lượng, khó thu nhập. Tuy nhiên, thừa oai thần của Đức Phật, tôi sẽ nói cho ông.

Này Phật Tử! Giả sử có người đem tất cả đồ sở thích cúng dường chúng sanh trong vô số Thế Giới ở mười phương trọn một kiếp. Rồi sau đó dạy họ thọ trì ngũ giới thanh tịnh.

Cứ theo ý ông, công đức của người này nhiều chăng?

Thiên Ðế thưa: Công đức của người này, trừ Phật ra, không ai có thể lường được.

Pháp Huệ Bồ Tát nói: Này Phật Tử! Công đức của người này đem so với công đức sơ phát tâm của Bồ Tát chẳng bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần trăm ngàn, một phần ức, một phần trăm ngàn na do tha ức, một phần số, một phần ca la, một phần toán, một phần dụ, nhẫn đến chẳng bằng một phần ưu ba ni sa đà. 

Giả sử có người đem tất cả đồ sở thích cúng dường chúng sanh trong mười vô số Thế Giới ở mười phương trọn trăm kiếp, rồi sau đó dạy họ đều tu thập thiện.

Cúng dường như vậy trọn trăm ngàn kiếp rồi dạy trụ tứ vô lượng tâm.

Cúng dường trọn ức kiếp rồi dạy trụ tứ vô sắc định.

Cúng dường trọn trăm ức kiếp rồi dạy trụ quả Tu Ðà Hoàn.

Cúng dường trọn ngàn ức kiếp, rồi dạy trụ quả A La Hán.

Cúng dường trọn trăm ngàn na do tha ức kiếp, rồi dạy trụ Bích Chi Phật.

Này Phật Tử! Cứ theo ý của ông, công đức của người này có nhiều chăng?

Thiên Ðế thưa: Công đức của người này, trừ Phật ra, không ai có thể lường được.

Pháp Huệ Bồ Tát nói: Này Phật Tử! Công đức của người này đem so với công đức sơ phát tâm của Bồ Tát chẳng bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần trăm ngàn, một phần ức, một phần trăm ngàn na do tha ức, một phần số, một phần Ca La, một phần toán, một phần dụ, nhẫn đến chẳng bằng một phần ưu ba ni sa đà. 

Giả sử có người đem tất cả đồ sở thích cúng dường chúng sanh trong mười vô số Thế Giới ở mười phương trọn trăm kiếp, rồi sau đó dạy họ đều tu thập thiện.

Cúng dường như vậy trọn ngàn kiếp rồi dạy Tứ Thiền.

Cúng dường như vậy trọn trăm ngàn kiếp rồi dạy tứ vô lượng tâm.

Cúng dường trọn ức kiếp rồi dạy trụ tứ vô sắc định.

Cúng dường trọn trăm ức kiếp rồi dạy trụ quả Tu Ðà Hoàn.

Cúng dường trọn ngàn ức kiếp rồi dạy trụ quả Tư Ðà Hàm.

Cúng dường trọn trăm ngàn ức kiếp, rồi dạy trụ quả A Na Hàm.

Cúng dường trọn trăm ngàn na do tha ức kiếp, rồi dạy trụ Bích Chi Phật.

Này Phật Tử! Cứ theo ý của ông, công đức của người này có nhiều chăng?

Thiên Ðế thưa: Công đức của người này chỉ có Phật là biết được thôi.

Pháp Huệ Bồ Tát nói: Này Phật Tử! Công đức của người này đem so với công đức của Bồ Tát sơ phát tâm chẳng bằng một phần trăm, nhẫn đến chẳng bằng một phần ưu ba ni sa đà.

Tại sao thế?

Này Phật Tử! Tất cả Chư Phật lúc sơ phát tâm, chẳng phải chỉ vì đem tất cả đồ sở thích cúng dường chúng sanh trong mười vô số thế Giới ở mười phương trải qua trăm kiếp, nhẫn đến trăm ngàn Na Do tha kiếp mà phát Bồ Đề tâm. Cũng chẳng phải chỉ vì giáo hóa những chúng sanh ấy tu Ngũ Giới, Thập Thiện, Tứ Thiền, Tứ Không, nhẫn đến khiến trụ nơi quả A La Hán và Bích Chi Phật mà phát bồ đề tâm.

Chính là vì khiến chủng tánh Như Lai chẳng dứt, vì đầy khắp tất cả Thế Giới, vì độ thoát tất cả chúng sanh trong tất cả Thế Giới, vì biết rõ cả sự thành hoại của tất cả Thế Giới, vì biết rõ chúng sanh cấu tịnh trong tất cả Thế Giới, vì biết rõ sở thích, phiền não.

Tập khí của tất cả chúng sanh, vì biết rõ sự chết đây sanh kia của tất cả chúng sanh, vì biết rõ căn tánh phương tiện của tất cả chúng sanh, vì biết rõ tâm hành của tất cả chúng sanh, vì trí biết rõ Tam Thế chúng sanh, vì biết rõ cảnh giới bình đẳng của tất cả Phật, vì những điều trên đây mà phát tâm vô thượng bồ đề.

Này Phật Tử! Giả sử có người trong một khoảng một niệm có thể qua khỏi phương đông vô số Thế Giới, đi luôn như vậy trọn vô số kiếp, số Thế Giới của người này đã trải qua khó có ai biết được. 

Người thứ hai, trong một niệm có thể qua khỏi tất cả Thế Giới của người thứ nhất đã trải qua trong vô số kiếp, người này cũng đi luôn mãi trọn vô số kiếp. Cứ lần lượt tuần tự như vậy đến người thứ mười. Chín phương kia cũng đều như vậy. Thế là trong mười phương có cả thảy trăm người.

Số Thế Giới của trăm người này đã trải qua còn có thể biết được tế hạn. Công đức căn lành của Bồ Tát sơ phát vô thượng bồ đề tâm, không ai có thể biết tế hạn được.

Này Phật Tử! Tại sao vậy?

Vì Bồ Tát phát bồ đề tâm không có tế hạn. Nghĩa là vì muốn biết rõ thập phương tất cả Thế Giới, muốn biết diệu Thế Giới tức là thô Thế Giới, và thô tức là diệu, Thế Giới ngửa tức là Thế Giới úp, và úp tức là ngửa, tiểu Thế Giới tức là đại Thế Giới và đại tức là tiểu.

Thế Giới rộng tức là Thế Giới hẹp và hẹp tức là rộng, một Thế Giới tức là bất khả thuyết Thế Giới và bất khả thuyết tức là một, bất khả thuyết Thế Giới vào trong một Thế Giới và một Thế Giới vào trong bất khả thuyết, uế Thế Giới tức là tịnh Thế Giới.

Và tịnh tức là uế, muốn biết trong đầu một sợi lông tất cả Thế Giới tánh sai biệt, trong tất cả Thế Giới một đầu lông một thể tánh, muốn biết trong một Thế Giới xuất sanh tất cả Thế Giới, muốn biết tất cả Thế Giới không thể tánh, muốn dùng một niệm mà biết hết tất cả Thế Giới rộng lớn mà không chướng ngại. Vì cớ trên đây mà phát tâm vô thượng bồ đề.

Lại ví dụ: Giả sử có người trong khoảng một niệm có thể biết kiếp số thành hoại trong vô số Thế Giới ở phương Ðông, cứ niệm niệm biết như vậy trọn vô số kiếp. Người thứ hai trong khoảng một niệm có thể biết tất cả kiếp số của người thứ nhất đã biết trong vô số kiếp, rồi niệm niệm biết như vậy trọn vô số kiếp. Cứ tuần tự tăng lên đến người thứ mười, chín phương kia cũng như vậy.

Thế là có cả thảy trăm người. Kiếp số thành hoại của tất cả Thế Giới trong mười phương qua sự hiểu biết của trăm người này, còn có thể biết được ngằn mé. Công đức căn lành của Bồ Tát sơ phát tâm không ai có thể biết được ngằn mé.

Tại sao vậy?

Vì Bồ Tát chẳng phải chỉ vì biết sự thành hoại của bao nhiêu Thế Giới đó mà phát tâm vô thượng bồ đề. Mà vì muốn biết rõ sự thành hoại của tất cả Thế Giới không thừa không sót nên phát tâm.

Nghĩa là muốn biết kiếp dài tức là kiếp ngắn, ngắn tức là dài, dài ngắn bình đẳng, một kiếp bình đẳng với vô số kiếp, vô số với một củng vậy, kiếp có Phật bình đẳng với kiếp không Phật, không với có cũng vậy, trong kiếp một Phật có bất khả thuyết Phật.

Trong kiếp bất khả thuyết Phật có một Phật, hữu lượng kiếp bình đẳng với vô lượng kiếp, vô lượng kiếp bình đẳng với hữu lượng kiếp, hữu tận kiếp bình đẳng với vô tận kiếp, vô tận với hữu tận cũng vậy, bất khả thuyết kiếp bình đẳng với một niệm, một niệm bình đẳng với bất khả thuyết kiếp, tất cả kiếp vào phi kiếp, phi kiếp vào tất cả kiếp.

Vì muốn trong một niệm biết hết kiếp số thành hoại của tất cả Thế Giới trong ba thời quá khứ, vị lai và hiện tại, nên phát tâm vô thượng bồ đề. Ðây gọi là sơ phát tâm đại thệ trang nghiêm trí thần thông rõ biết tất cả kiếp.

Lại ví dụ: Giả sử có người, trong khoảng một niệm có thể biết những tri giải sai biệt của tất cả chúng sanh trong vô số Thế Giới ở phương Ðông. Niệm niệm biết rõ như vậy mãn vô số kiếp.

Người thứ hai trong khoảng một niệm có thể biết những tri giải của tất cả chúng sanh mà người thứ nhất đã biết trọn vô số kiếp. Lần lượt tuần tự đến người thứ mười. Chín phương kia cũng đều như vậy. 

Những tri giải riêng biệt của tất cả chúng sanh trong mười phương như vậy, còn có thể biết được ngằn mé. Công đức căn lành của Bồ Tát sơ phát tâm, không ai có thể biết được ngằn mé.

Tại sao vậy?

Vì Bồ Tát phát tâm chẳng phải vì chỉ muốn biết bao nhiêu tri giải của bao nhiêu chúng sanh đó, mà vì muốn biết những tri giải của các chúng sanh trong tất cả Thế Giới. Nghĩa là Bồ Tát phát tâm vô thượng bồ đề, vì muốn biết tất cả tri giải sai biệt vô biên, tri giải sai biệt của một chúng sanh bình đẳng với tri giải của vô số chúng sanh, vì muốn được trí phương tiện biết rõ bất khả thuyết tri giải sai biệt.

Muốn biết rõ mỗi mỗi tri giải sai biệt của tất cả chúng sanh trọn vẹn không thừa sót, muốn biết rõ tri giải thiện, bất thiện, quá khứ, hiện tại, vị lai, muốn biết rõ tri giải tương tợ và chẳng tương tợ, muốn biết rõ tất cả tri giải tức là một tri giải, một tri giải tức là tất cả tri giải.

Muốn biết được sức tri giải của Như Lai, muốn biết rõ sự sai biệt của hữu thượng giải, vô thượng giải, hữu dư giải, vô dư giải, đẳng giải, bất đẳng giải, hữu y giải, vô y giải, cộng giải, bất cộng giải, hữu biên giải, vô biên giải, sai biệt giải, vô sai biệt giải, thiện giải, bất thiện giải, thế gian giải.

Xuất thế gian giải, muốn được vô ngại ở nơi tất cả diệu giải, đại giải, vô lượng giải, chánh vị giải, muốn dùng vô lượng phương tiện biết rõ trọn vẹn thập phương tất cả chúng sanh giới, mỗi chúng sanh có nào là tịnh giải, tế giải, thô giải, muốn biết rõ trọn vẹn thâm mật giải, phương tiện giải, phân biệt giải, tự nhiên giải, tùy nhân khởi giải, tùy duyên khởi giải. Vì muốn được như trên đây mà Bồ Tát phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Lại ví dụ: Giả sử có người trong khoảng một niệm, có thể biết căn tánh sai biệt của tất cả chúng sanh trong vô số Thế Giới phương Ðông, niệm niệm biết như vậy trọn vô số kiếp.

Người thứ hai, trong một niệm, có thể rõ biết tất cả sự biết về căn tánh chúng sanh trọn vô số kiếp của người thứ nhất. Lần lượt tuần tự đến người thứ mười. Chín phương kia cũng đều như vậy.

Những căn tánh sai biệt của bao nhiêu chúng sanh trong bao nhiêu Thế Giới của trăm người đó rõ biết trọn vô số kiếp, còn có thể biết được ngằn mé. Công đức căn lành của Bồ Tát sơ phát tâm, không ai có thể biết được ngằn mé.

Tại sao vậy?

Vì Bồ Tát phát tâm chẳng phải chỉ vì biết bao nhiêu căn tánh đó, mà chính vì muốn biết rõ trọn vẹn những căn tánh sai biệt của tất cả chúng sanh trong tất cả Thế Giới. Nói rộng ra, nhẫn đến muốn biết trọn vẹn tất cả lưới căn tánh mà Bồ Tát phát tâm vô thượng bồ đề.

Lại ví dụ: Giả sử có người trong khoảng một niệm có thể biết những chỗ sở thích của những chúng sanh trong vô số Thế Giới ở phương Ðông, niệm niệm biết như vậy trọn vô số kiếp. Tuần tự nới rộng đến người thứ mười. Chín phương kia cũng đều như vậy. Chỗ sở thích của thập phương chúng sanh này còn có thể biết được ngằn mé. Công đức thiện căn của Bồ Tát sơ phát tâm, không ai có thể biết được ngằn mé.

Tại sao vậy?

Vì Bồ Tát phát tâm chẳng phải vì chỉ để biết chừng ấy sở thích của bao nhiêu chúng sanh đó, mà chính là vì muốn biết tất cả sở thích của tất cả chúng sanh trong tất cả Thế Giới.

Lại ví dụ: Giả sử có người trong khoảng một niệm có thể biết những phương tiện của những chúng sanh trong vô số Thế Giới ở phương Ðông. Tuần tự nới rộng như vậy nhẫn đến người thứ mười.

Chín phương kia cũng đều như vậy. Những loại phương tiện cùng thập phương chúng sanh đó còn có thể biết được ngằn mé. Công đức căn lành của Bồ Tát sơ phát tâm không ai có thể biết được ngằn mé.

Tại sao vậy?

Vì Bồ Tát phát tâm chẳng phải vì để biết bao nhiêu phương tiện của thập phương chúng sanh đó, mà chính là để biết trọn vẹn những phương tiện của tất cả chúng sanh trong tất cả Thế Giới.

Lại ví dụ: Giả sử có người trong khoảng một niệm có thể biết những tâm sai biệt của những chúng sanh trong vô số Thế Giới ở phương Ðông. Nới rộng nhẫn đến những tâm sai biệt của những chúng sanh trong thập phương Thế Giới, còn có thể biết ngằn mé.

Công đức căn lành của Bồ Tát sơ phát tâm, không ai có thể biết được ngằn mé.

Tại sao vậy?

Vì Bồ Tát phát tâm chẳng phải chỉ vì để biết ngần ấy tâm sai biệt, mà chính vì để biết trọn vẹn những tâm sai biệt của tất cả chúng sanh trong tất cả Thế Giới.

Lại ví dụ: Giả sử có người trong khoảng một niệm có thể biết những nghiệp sai biệt của những chúng sanh trong vô số Thế Giới ở phương Ðông. Nới rộng nhẫn đến những nghiệp sai biệt của những chúng sanh trong thập phương Thế Giới, còn có thể biết ngằn mé.

Công đức căn lành của Bồ Tát sơ phát tâm, không ai có thể biết được ngằn mé.

Tại sao vậy?

Vì Bồ Tát phát tâm chẳng phải chỉ vì để biết những nghiệp sai biệt của bao nhiêu chúng sanh đó, mà chính là vì để biết rõ trọn vẹn những nghiệp sai biệt của tất cả chúng sanh trong tất cả Thế Giới và cả Tam Thế.

Lại ví dụ: Giả sử có người trong khoảng một niệm có thể biết những nghiệp sai biệt của những chúng sanh trong vô số Thế Giới ở phương Ðông. Nới rộng nhẫn đến những nghiệp sai biệt của những chúng sanh trong thập phương Thế Giới, còn có thể biết ngằn mé.

Công đức căn lành của Bồ Tát sơ phát tâm, không ai có thể biết được ngằn mé.

Tại sao vậy?

Vì bồ tát phát tâm chẳng phải chỉ vì để biết những phiền não của bao nhiêu chúng sanh đó, mà chính vì để biết rõ trọn vẹn những phiền não sai biệt của những chúng sanh trong tất cả Thế Giới.

Nghĩa là muốn biết rõ trọn vẹn những phiền não nhẹ, nặng, chủng tử hiện hành, tất cả chúng sanh có vô lượng phiền não, các loại sai biệt, các loại giác quán để đói trị sạch tất cả những tạp nhiễm.

Muốn biết trọn vẹn phiền não y tựa vô minh, phiền não tương ưng với ai, để dứt kiết sử phiền não của tất cả loài. Muốn biết trọn vẹn tham phần, sân phần, si phần và đẳng phần phiền não, để dứt căn bổn phiền não. Muốn biết trọn vẹn ngã phiền não, ngã sở phiền não, ngã mạn phiền não, để giác ngộ hết tất cả phiền não.

Muốn biết trọn vẹn từ điên đảo phân biệt sanh ra căn bổn phiền não, tùy phiền não, nhân thân kiến sanh sáu mươi hai kiến chấp, để điều phục tất cả phiền não.

Muốn biết trọn vẹn cái phiền não, chướng phiền não, để phát tâm đại bi, tâm cứu hộ dứt tất cả phiền não khiến tất cả trí tánh thanh tịnh. Vì muốn được như vậy mà Bồ Tát phát tâm vô thượng bồ đề.

Lại ví dụ: Giả sử có người trong khoảng một niệm đem các thứ thượng vị ẩm thực, y phục, hoa hương, Phan Lọng, Tăng Già Lam, cung điện Thượng Diệu, Màn Trướng Báu, những Tòa Sư Tử trang nghiêm và những Diệu Bửu cung kính cúng dường vô số Chư Phật phương Ðông và những chúng sanh trong vô số Thế Giới, luôn trọn vô số kiếp và cũng khuyên những chúng sanh đó đồng cúng dường Phật.

Ðến khi Chư Phật nhập diệt đều xây Tháp cao rộng trang nghiêm để thờ Xá Lợi và hình tượng của Phật trọn vô số kiếp. Chín phương kia cũng đều như vậy.

Này Phật Tử! Công đức của người trên đây, theo ý ông, có nhiều chăng?

Thiên Ðế thưa: Công đức đó chỉ có Đức Phật là biết được thôi.

Pháp Huệ Bồ Tát nói: Công đức đem sánh với công đức của Bồ Tát sơ phát tâm không bằng một phần trăm, nhẫn đến chẳng bằng một phần ưu ba ni sa đà. Nới rộng như thế tuần tự đến người thứ mười. Công đức cúng dường của tất cả người trên đây cũng không bằng một phần ưu ba ni sa đà đối với công đức của Bồ Tát sơ phát tâm.

Tại sao vậy?

Vì Bồ Tát phát tâm chẳng phải chỉ hạn cúng dường bao nhiêu Đức Phật như vậy, mà chính vì để cúng dường thập phương Tam Thế tất cả Chư Phật.

Bồ Tát phát tâm này rồi, có thể biết tất cả quá khứ Chư Phật lúc mới thành Chánh Giác đến lúc nhập Niết Bàn, có thể tin bao nhiêu thiện căn của tất cả vị lai Chư Phật, có thể biết bao nhiêu trí huệ của tất cả hiện tại Chư Phật.

Tam Thế Chư Phật có bao nhiêu công đức, Bồ Tát này có thể tin được, thọ được, có thể biết, có thể tu, có thể được, có thể chứng, có thể trọn nên, có thể cùng Chư Phật bình đẳng một tánh.

Tại sao vậy?

Bồ Tát này vì chẳng dứt Phật Chủng mà phát tâm, vì đày khắp tất cả Thế Giới, vì độ thoát tất cả chúng sanh, vì biết rõ sự thành hoại của tất cả Thế Giới, vì biết rõ sự cấu tịnh của tất cả chúng sanh, vì biết rõ Ba cõi thanh tịnh của tất cả Thế Giới.

 Vì biết rõ sở thích, phiền não, tập khí của tất cả chúng sanh, vì biết rõ tất cả chúng sanh chết đây sanh kia, vì biết rõ căn tánh phương tiện của tất cả chúng sanh, vì biết rõ tâm hành của tất cả chúng sanh, vì trí biết rõ Tam Thế của tất cả chúng sanh.

Vì những điều trên đây mà Bồ Tát phát tâm vô thượng bồ đề. Do phát tâm nên thường được tất cả Tam Thế Chư Phật ức niệm, sẽ được vô thượng bồ đề. Liền được tất cả Tam Thế Chư Phật ban diệu pháp.

Liền cùng tất cả Tam Thế Chư Phật thể tánh bình đẳng. Ðã tu pháp trợ đạo của tất cả Tam Thế Chư Phật. Trang nghiêm Phật Pháp bất cộng của tất cả Tam Thế Chư Phật. Ðược trọn vẹn trí huệ thuyết pháp của tất cả Tam Thế Chư Phật.

Tại sao vậy?

Vì phát tâm như đây sẽ được thành Phật. Nên biết người này đồng với Tam Thế Chư Phật, bình đẳng với cảnh giới của Chư Phật, bình đẳng với công đức của Chư Phật, được trí huệ chân thật một thân cùng vô lượng thân rốt ráo bình đẳng của Chư Phật.

Lúc vừa phát tâm liền được thập phương tất cả Chư Phật đồng khen ngợi, liền có thể thuyết pháp giáo hoá điều phục chúng sanh trong tất cả Thế Giới, liền có thể chấn động tất cả Thế Giới, liền có thể chiếu sáng tất cả Thế Giới, liền có thể dứt diệt những khổ ác đạo của tất cả Thế Giới.

Liền có thể nghiêm tịnh tất cả Quốc Độ, liền có thể thị hiện thành Phật trong tất cả Thế Giới, liền có thể khiến tất cả chúng sanh đều được vui mừng, liền có thể vào tất cả pháp giới tánh, liền có thể được trí huệ quang minh của tất cả Phật.

Bồ Tát sơ phát tâm đây chẳng phải cầu được một ít trong Tam Thế, như là Phật, Phật Pháp, Bồ Tát, Bồ Tát pháp, Ðộc Giác, Độc Giác pháp, Thanh Văn, Thanh Văn pháp, thế gian, thế gian pháp, xuất thế gian, xuất thế gian pháp, chúng sanh, chúng sanh pháp, mà chỉ cầu được nhất thiết chủng trí, nơi các pháp giới, tâm không chấp trước.

Lúc bấy giờ, do thần lực của Phật, mười phương đều mười ngàn Phật Sát Vi Trần Số Thế Giới chấn động sáu cách, mưa hoa Trời, hương Trời, tràng hoa Trời, y phục Trời, báu Trời, đồ trang nghiêm Trời, trỗi kỹ nhạc Trời, phóng quang minh Trời và âm thanh Trời.

Lúc đó, mười phương, đều qua khỏi ngoài mười Phật Sát Vi Trần Số Thế Giới, có mười ngàn Phật Sát Vi Trần Số Phật đồng hiệu Pháp Huệ, và đều hiện thân ra trước Pháp Huệ Bồ Tát mà bảo rằng: Lành thay! Lành thay!

Này Pháp Huệ! Nay ông có thể thuyết được pháp đó. Chúng thế gian ở mười phương, đều mười ngàn Phật Sát vi Trần Số Chư Phật cũng thuyết pháp đó. Lúc ông thuyết pháp đó, có mười ngàn Phật Sát vi trần số Bồ Tát phát tâm vô thượng bồ đề.

Chư Phật chúng thế gian đều thọ ký cho họ: Qua khỏi ngàn bất khả thuyết vô biên kiếp, đồng xuất thế thành Phật trong một kiếp và đồng hiệu Thanh Tịnh Tâm Như Lai, Thế Giới khác nhau. Chư Phật chúng thế gian sẽ hộ trì pháp này, khiến Chư Bồ Tát thời vị lai, người chưa nghe đều được nghe.

Như ở Ta Bà Thế Giới này, trên đảnh Tu Di thuyết pháp như vậy khiến các chúng sanh nghe pháp thọ hóa, mười phương trăm ngàn Ức Na Do Tha vô lượng, vô biên, tận pháp giới hư không giới, trong tất cả Thế Giới cũng nói Pháp này giáo hóa chúng sanh.

Bồ Tát thuyết pháp đồng tên Pháp Huệ. Ðều do thần lực của Phật, nguyện lực của Phật, vì muốn hiển thị Phật Pháp, vì dùng trí quang chiếu khắp, vì muốn khai xiển thật nghĩa, vì khiến chứng được pháp tánh, vì khiến hội chúng đều hoan hỷ, vì muốn khai thị nhân Phật Pháp, vì được tất cả Phật bình đẳng, vì rõ pháp giới vô nhị, nên thuyết pháp như vậy.

Lúc đó Pháp Huệ Bồ Tát quan sát khắp tất cả chúng hội mười phương Thế Giới, muốn đều thành tựu các chúng sanh, muốn đều trừ sạch những nghiệp quả báo, muốn đều khai hiển thanh tịnh pháp giới, muốn đều nhổ trừ căn bổn tạp nhiễm, muốn đều tăng trưởng tín giải rộng lớn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần