Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Hai Mươi Mốt - Phẩm Bỏ Vương Cung Xuất Gia - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
PHẬT THUYẾT
KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
PHẨM HAI MƯƠI MỐT
PHẨM BỎ VƯƠNG CUNG XUẤT GIA
PHẦN HAI
Xa Nặc nghe lời phán quyết của Thái Tử, giống như mãnh thú bị tên độc, hết sức khổ não to tiếng khóc bạch Thái Tử: Ngày nay Ngài nỡ nào xa lìa tôn thân hay sao?
Thái Tử đáp: Này kẻ hiền Xa Nặc, ta nay muốn cầu quả tối thắng, thà xả bỏ tôn thân gia tộc, chớ để đến đời vị lai ta cùng quyến thuộc bỏ mạng trong miệng của quỷ vô thường hay sao?
Rồi Thái Tử vì Xa Nặc nói kệ:
Ta nay vì cầu quả Niết Bàn
Rời xa thân tộc đi xuất gia
Vị lai tử thần cướp mạng sống
Mạng khi vào miệng quỷ không tha.
Xa Nặc nghe Thái Tử nói như vậy, lại ân cần thưa hỏi:
Bạch Đại Thánh Thái Tử, tất cả thế gian đều nói: Thái Tử nhất định làm Đại Chuyển Luân Vương, tại sao Thái Tử lại xa lánh?
Thái Tử lại cắt ngang lời nói Xa Nặc: Ôi! Này Xa Nặc, ngươi không nên nói lời như vậy, trong đời quá khứ ta đã từng ở nơi cung Trời Đâu Suất tốt đẹp hơn Cung Điện trần gian này. Ta đã từng làm Thiên Vương thống lãnh ba mươi ba tầng Trời, lúc ấy ta vẫn không thích thọ hưởng cảnh vui nơi ấy.
Vì sao?
Vì ta thấy cảnh khổ sinh già bệnh chết, huố ng lại ngày nay ở nơi cõi nhân gian này. Ở cảnh giới nhân loại này, tuy thời gian thì ngắn mà sự đau khổ ô trược thì nhiều, ở vương vị cai trị thế gian, tuy tạm thời được tự do mà không thoát khỏi cảnh khủng bố của sinh, già, bệnh, chết.
Hễ ai sống trong thế gian này đều bị sự thống trị của quỷ vô thường, nên các vị vua không thể tự do an lạc.
Xa Nặc lại thưa: Bạch Đại Thánh Thái Tử, tuy Thái Tử không cần vương vị thế gian, nhưng đối với Đại Vương Tịnh Phạn nay tuổi đã già, còn Thái Tử đang độ thanh xuân, chớ nên để Đại Vương khổ não.
Thái Tử đáp: Này kẻ hiền Xa Nặc, ta nay ở bên Đại Vương sinh tâm ái kính. Như Đại Vương yêu quý ta, ta cũng yêu quý Đại Vương gấp bội lần.
Đại Vương có điều đặc biệt yêu mến thân tộc, ta cũng không muốn xa cách thân tộc, ta đối với thân quyến lại không có tâm tưởng gì khác, nhưng chỉ vì ta kinh hãi lo sợ ở trong các cõi chịu cảnh khổ sinh tử.
Ngày nay muốn tìm đường giải thoát, nên nay ta tạm xa lánh tình thân ân trọng đối với thân tộc để rồi đời vị lai thương mến cứu hộ quyến thuộc, lại trong đời vị lai khỏi bị xa lìa.
Xa Nặc bạch Thái Tử: Tâm Thái Tử đã quyết định rồi sao?
Cần kíp phải xuất gia hay sao?
Thái Tử đáp: Này kẻ hiền Xa Nặc, ta đã quyết định.
Xa Nặc lại hỏi: Bạch Thái Tử vì cớ gì?
Thái Tử đáp: Ta thấy cái khổ vô thường ở thế gian, ý ta muốn chuyên tâm cầu tìm cảnh giới tốt đẹp hơn.
Xa Nặc lại thưa hỏi: Bạch Thái Tử, vì nhân duyên gì Ngài tìm cảnh giới tốt đẹp?
Thái Tử đáp: Giả sử trong thế gian này không có sinh già bệnh chết, không có cảnh yêu mến nhau mà bị xa lìa, không có cảnh ghét nhau mà phải gặp nhau, ta được vương vị thọ hưởng các phước đức mà không bị cảnh vô thường, hoàn toàn là cảnh chân thật, bất cứ ai sinh trong loài người đều không bị cảnh ô trược. Nếu được như vậy, ta có thể ở lại nơi đây an tâm hưởng lạc.
Này kẻ hiền Xa Nặc, ngươi không nên trái ý ta, ta ra lệnh cho ngươi mau mau thắng yên cương con ngựa chúa Kiền Trắc đồng sinh một ngày với ta.
Xa Nặc bạch: Y như lời Thái Tử dạy không dám trái ý. Xa Nặc nghe những lời quyết định của Thái Tử, nên cũng biết được thâm tâm của Thái Tử, tuy biết sắc lệnh nghiêm cấm của Đại Vương Tịnh Phạn, nhưng nhờ thần lực Chư Thiên gia hộ, nên Xa Nặc phát tâm hoan hỷ đi dắt con ngựa Kiền Trắc đem đến cho Thái Tử.
Nên có kệ:
Xa Nặc vì thần lực Chư Thiên
Lệnh cấm Đại Vương đành phải phạm
Cũng vì Bồ Tát bổn nguyện thành
Phát tâm dắt ngựa thắng yên cương.
Lúc ấy Xa Nặc tiến đến chuồng ngựa, đứng trước máng cỏ chụp lấy con ngựa Kiền Trắc, dùng vàng ròng làm dây cương với bảy thứ ngọc quý trang điểm, xuyên qua miệng ngựa dẫn ra khỏi chuồng, buộc riêng vào một trụ cọc.
Lấy bàn chải chải nhẹ trên lưng, rồi phủ lên mình bằng một lớp lụa mềm mại, tiếp theo đặt trên lưng một chiếc yên với hai bàn đạp đều làm bằng vàng, được đính vào bằng bảy thứ ngọc quý và cuối cùng phủ lên trên một màn lưới vàng.
Ngựa được khớp yên cương, bàn đạp dây đai đều được chỉnh tề, liền dắt đến trước mặt Thái Tử. Lúc ấy ngựa Kiền Trắc cùng sinh một ngày với Thái Tử, từ xa trông thấy thân hình tráng kiện của Thái Tử, hết sức vui sướng cất tiếng hí to, tiếng hí của ngựa chúa Kiền Trắc đáng ra nghe to đến nửa do tuần, nhưng nhờ thần lực của Trời Thủ Đà Hội và Chư Thiên khiến tiếng ngựa tan biến trong những đám mây, vì sợ người ta nghe được làm cản trở việc xuất gia của Thái Tử.
Bấy giờ Thái Tử vui mừng hớn hở tràn ngập châu thân liền lấy bàn tay phải mềm mại như màn lưới, với những ngón tay thon thon như những cánh sen, với màu đỏ hồng như tử kim, vuốt ve từ bờm đến lưng ngựa và Ngài nói:
Này ngựa Kiền Trắc, ngươi đồng sinh một ngày với ta, ta nay muốn cầu giáo pháp cam lộ, ngươi phải nỗ lực đưa ta đi một cách an toàn tốt đẹp, đừng để người trong hoàng thành hay được cản trở.
Này ngựa Kiền Trắc, ngươi trong khi chiến đấu còn hết sức mình liều chết để thắng đối phương, huống ngày nay đi với ta, ngươi phải hết sức khéo léo phò tá, để ta đi tìm cái vui xuất thế gian.
Vì cái vui thế gian chỉ là cái vui trong chốc lát, chẳng bao lâu nó trở về hoại diệt, cái vui lúc bấy giờ trở thành đại khổ não.
Ta vì pháp mà ra sức, việc này rất gian nan. Ta nay vì tất cả chúng sinh thế gian mà xuất gia tu hành chánh đạo để tìm phương pháp giải thoát, ngươi khéo nỗ lực ra sức dũng mãnh phi đi thật nhanh.
Ta nay xuất gia vì đem lại lợi ích to lớn cho tất cả chúng sinh thế gian trong đó có loài các ngươi.
Thái Tử đứng trên đất, chánh niệm phát đại thệ nguyện: Đây là lần cuối cùng ở tại gia ta cỡi ngựa, từ nay trở đi không còn ngồi trên lưng ngựa như ngày hôm nay.
Phát nguyện rồi, liền nắm dây cương nhảy lên mình ngựa Kiền Trắc, Ngài ngồi trên yên lại nói với ngựa Kiền Trắc một lần nữa: Này ngựa Kiền Trắc, ngươi nỗ lực chở ta, đây là lần chở cuối cùng, ta nay vì làm điều lợi ích cho Chư Thiên dân chúng thế gian, nên phát tâm xuất gia.
Khi Thái Tử ngồi trên lưng ngựa chúa Kiền Trắc thì cũng có tất cả chúng A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, La Sát, Chư Thiên Cõi Địa Cư, Chư Thiên Cõi Thủ Đà Hội, Chư Thiên Cõi A Ca Nị Tra đồng đi theo ngựa Kiền Trắc.
Lúc ấy Chư Thiên tay cầm lọng trắng, chung quanh lọng và cán lọng được dùng các ngọc quý trang điểm, phủ trên lọng bằng một mành lưới bảy báu, trân châu ở giữa các mắt mành lưới đều treo các chuông rung làm bằng vàng, Chư Thiên đồng cầm che trên mình Thái Tử.
Thái Tử cỡi ngựa Kiền Trắc lần lần hướng ra cửa thành, tiếng động chân ngựa vang xa một Câu Lô xa, Chư Thiên Cõi Thủ Đà Hội dùng thần lực không cho tiếng động vang xa, sợ xảy ra sự chướng ngại cản trở việc xuất gia của Thái Tử.
Khi Thái Tử xuất gia, trong hư không có một Dạ Xoa tên là Bát Túc cùng với quyến thuộc, mỗi người đều dùng tay đỡ lấy bốn chân ngựa, từ từ đi một cách an ổn.
Thái Tử lúc sắp cất bước ra khỏi cung có một Thiên Tử xướng lên: Nguyện vị đại thuyền trưởng, có đại pháp tốt đẹp, nay muốn cứu vớt vô lượng chúng sinh đang chìm đắm trong biển phiền não.
Chư Thiên lại xướng lên: Nguyện Đại Thánh Thế Tôn không chướng ngại, nay muốn xuất gia vượt qua biển sinh tử.
Thái Tử bảo Xa Nặc: Này kẻ hiền Xa Nặc, ngươi nay nên đi trước chỉ đường cho ta ra khỏi nội cung. Khi muốn ra khỏi thành phải tháo chốt mở các cửa, mà tiếng động mở cửa vang xa đến một Câu Lô xa.
Khi ấy có hàng phi nhân đến tháo chốt mở cửa, còn Trời Thủ Đà Hội dùng thần lực làm tan biến tiếng động, khiến không cho người nghe, vì sợ rằng có sự cản ngăn trong khi Thái Tử xuất gia.
Xa Nặc bạch Thái Tử: Thưa Thái Tử cửa cung đã mở rồi.
Thái Tử hỏi: Cửa cung đã mở rồi sao?
Tâm ta quyết định xuất gia, với sở nguyện cầu lợi ích cho chúng sinh thành tựu không còn gì phải nghi ngờ.
Xa Nặc bạch: Tâu Đại Thánh Thái Tử, rất đặc biệt ít có thay, vì cửa Cung này trước khi mở nó phải cần nhiều sức mạnh mới mở được, nay đây Thái Tử vừa đến nơi thì cửa liền mở.
Đại Thánh Thái Tử đến gần bên cửa cũng như luồng gió mạnh thổi tan đám mây giạt qua hai bên.
Khi Thái Tử từ trong cửa cung bước ra ngoài, rồi nói lời thề này: Đây là lần cuối cùng ta ra khỏi cửa cung này, từ nay trở đi không ra khỏi cửa cung này nữa.
Thái Tử ra khỏi cung đi chậm rãi đến cửa Tỳ Da Ra, bên cạnh cửa có một tướng Dạ Xoa tên là Thiện Nhập cùng với năm trăm quyến thuộc Dạ Xoa, đồng thấy Thái Tử đi bộ chậm rãi tiến đến, chúng nói với nhau: Hiện giờ trong lúc nửa đêm không phải giờ mở cửa, mà nay Đại Thánh Thái Tử Tất Đạt Đa đi đến dưới cửa, ta nay đây sẽ vì Thái Tử chăng?
Khi ấy chúng Dạ Xoa đồng nói: Chúng ta sẽ vì Thái Tử mở cửa, tùy ý Thái Tử ra đi, vì ra khỏi nơi đây, Ngài sẽ được thành tựu như ý, chứng được đạo quả cam lộ rồi, Ngài sẽ vì Chư Thiên, nhân loại thế gian đem lại nhiều điều lợi ích lớn.
Dạ Xoa Thiện Nhập vội vàng mở toang cửa Tỳ Da Ra. Cửa này trong khi mở hay đóng, liếng động thấu đến nửa do tuần, lúc ấy Trời Tịnh Cư dùng thần thông làm lan biến tiếng động, không để cho người ta nghe, vì sợ làm ngăn cản sự xuất gia của Thái Tử.
Thái Tử ra đi từ cửa Tỳ da ra của thành Ca Tỳ La, khi vừa ra khỏi thấy quân tướng canh gác cửa này, hoặc có người nắm lấy chốt cửa ngủ say không biết Thái Tử ra lúc nào.
Hoặc có người bị thần lực của quỷ Dạ Xoa làm mê muội, hoặc có người bị sức thần thông của Chư Thiên làm hôn ám, hoặc có người tuy hết sức cẩn thận có tài canh gác nhưng tất cả đều ngủ vùi không hay Thái Tử ra đi.
Lúc ấy Ma Vương Ba Tuần ở Cõi Dục thấy Thái Tử ra đi xuất gia, vì muốn khủng bố Thái Tử dùng sức thần thông hóa hiện đám mây lớn, rồi từ đó phát ra tiếng sấm vang rền, hay những tiếng sét đánh điếc tai.
Hoặc hiện các dòng sông lớn, cuốn trôi những tảng đá nổi lên lặn xuống cuồn cuộn trôi đi. Hoặc ở trước Thái Tử hiện những ngọn núi to cao vút, hoặc hiện những gộp núi sâu thẳm, hoặc hiện những đám lửa cháy lan tràn ngùn ngụt.
Cùng lúc ấy Chư Thiên Cõi Trời Tịnh Cư ẩn thân trong những đám mây lớn dùng sức thần thông khiến cho các thứ tiếng sấm sét, dòng sông cuốn đá, núi cao to lớn, gộp núi sâu thẳm.
Lửa cháy dữ dội đều không hiện ra được, rồi nắm lấy Ma Vương Ba Tuần ném cách ra ngoài vô lượng trăm ngàn do tuần, không để làm ngăn trở việc xuất gia của Thái Tử.
Khi Thái Tử ra ngoài cửa thành Ca Tỳ La, cất giọng như sư tử gầm nói như thế này: Ta nay thà gieo mình xuống gộp đá mà chết, thà uống các thứ độc dược mà chết, thà nhịn ăn uống mà đành bỏ mạng. Nếu bổn nguyện cứu thoát chúng sinh trong biển sinh tử không thành tựu, ta thề trọn đời không trở lại thành Ca Tỳ La này.
Chư Thiên nghe lời thề của Thái Tử như tiếng sư tử gầm, tất cả đều vui mừng.
Thuở ấy, khi Thái Tử cất tiếng nói như sư tử gầm, tất cả quỷ thần bảo vệ thành Ca Tỳ La, hoặc có quỷ thần giữ cửa, hoặc có quỷ thần bảo vệ tường thành, hoặc có quỷ thần bảo vệ vọng gác đều lớn tiếng xướng lên: Đúng như vậy! Đúng như vậy!
Lời nguyện của Ngài như tiếng sư tử gầm không có sợ sệt, nguyện Ngài sẽ thành tựu viên mãn.
Các quỷ thần vì trong lòng hớn hở, giơ cao hai tay, miệng ca ngợi Thái Tử: Bậc Đại dũng mãnh ra khỏi thành Ca Tỳ La rồi quay lại nhìn.
Thái Tử nghe tiếng tán thán của quỷ thần trong tâm không còn sợ sệt, hết sức vui mừng, toàn thân lông tóc dựng ngược, nói lời thề: Ngày nay ta nguyện trọn đời không trở lại trong thành này nữa, nếu ta chưa chứng pháp cam lộ mà Chư Thánh hằng ca ngợi. Khi đoạn được dòng phiền não sinh tử, chứng được đạo quả Niết Bàn, sau đó ta mới trở lại thành này.
Khi Thái Tử đứng ở ngoài thành nói lời thề quyết liệt: Chừng nào ta chứng được đạo chân như Bồ Đề, rồi sau đó mới trở lại vào thành giáo hóa. Tiếng nói như sư tử gầm.
Chỗ đất Thái Tử đứng nói lời này, về sau người ta xây một bảo Tháp đặt tên là: Tháp tiếng nói Thái Tử như sư tử gầm.
Lúc ấy nơi đây có một đại thọ Ni Câu Đà, vị thần cây này dùng kệ nói với Thái Tử:
Như có người chặt bỏ cây này
Cốt yêu cần phải đào tận gốc
Như chặt đồ vật phải đứt hai
Vượt dòng phải đến bên bờ kia
Một lời nói ra không thể dối
Đã sinh oán giận, nào lại vui.
Thái Tử dùng kệ trả lời Thọ Thần:
Tuyết Sơn có thể còn di chuyển
Nước trong đại hải có thể khô
Tinh tú có thể rơi xuống đất
Lời ta nói ra không đổi thay.
Lúc ấy Chư Thiên Trời Tịnh Cư lại nói kệ:
Cõi này, nay hiện phương thần dược
Chữa bệnh chúng sinh độc phiền não
Những ai bị nhằm tên ái bắn
Nay người khéo tay đều nhổ khỏi.
Cõi này nay hiện đại lương y.
Chữa lành chúng sinh tất cả bệnh
Như người khổ sở già bệnh chết
Ra toa trị liệu thảy đều lành.
Cõi này nay hiện đèn trí tuệ
Chiếu phá vô minh si điên đảo
Những kẻ mù lòa trong đêm tối
Đều được thấy rõ ánh quang minh.
Cõi này nay hiện mặt trời lớn
Ánh sáng chiếu khắp cả thế gian
Vì mắt trí tuệ sáng tròn đầy
Chiếu khắp mười phương các Thế Giới.
Cõi này nay hiện đại thuyền trưởng
Hiện sẽ chuyên chở các chúng sinh
Thuyền buồm trí tuệ đầy phương tiện
Cứu vớt nhân thiên vô lượng ức.
Cõi này nay hiện đại thương chủ
Muốn dạy thương nhân qua sa mạc
Vô lượng chúng sinh đang mê hoặc
Hướng đạo dạy đi con đường chánh.
Cõi này nay hiện Đấng Đại Vương
Vua pháp thế gian người tối thượng
Ngọn cờ đại pháp được nêu cao
Để rõ pháp tà và pháp chánh
Cõi này nay hiện Đại Đạo Sư
Hàng phục tất cả các chúng sinh
Nhân thiên những ai chưa điều phục
Tất cả rồi đây sẽ phục tùng.
Cõi này nay hiện Đấng Đại Vương
Vua pháp xuất thế người tối thượng
Sẽ chuyển vi diệu đại pháp luân
Xô dẹp tất cả các ngoại đạo
Cõi này nay hiện Đấng Đại Giác
Giác ngộ thế gian người chưa giác
Những ai trói buộc bởi phiền não
Mở trói tất cả được tự do.
Cõi này nay hiện cờ Đế Thích
Sẽ tuôn vô biên trận mưa pháp
Đầy đủ mười lực không ai bằng
Có tài hàng phục các ngoại đạo
Cỡi đại bạch tượng xuống trần gian
Qua Cõi vô minh xa thăm thẳm
Cầm chày Kim Cang trí tuệ bén
Dẹp tan ngoại đạo các tà ma.
Cõi này nay hiện Đại Phạm Vương
Thương xót thế gian khắp mọi loài
Đem lại lợi ích chúng ngu si
Đánh trống thổi loa tuyên đại pháp.
Cõi này nay hiện Đại Long Vương
Tuôn xuống thế gian trận mưa pháp
Chúng sinh ba cõi nhuần lợi ích
Bệnh tà nhiệt não thảy đều trừ.
Chư Thiên Cõi Tịnh Cư nói kệ xong, miệng liền xưng niệm: Nam Mô Tôn Giả Đại Trượng Phu Thân, lễ bái rồi đi theo hầu Thái Tử. Lúc ấy Chư Thiên Trời Tịnh Cư tùy theo quả báo tiền nghiệp được thân hành vi diệu, oai đức dũng mãnh, chí lực tinh tấn, những gì khó làm đã vượt qua rồi, giờ đây vì Thái Tử thân phóng quang minh dẹp tan bóng tối, soi đường cho Thái Tử đi, giống như vầng mặt trời từ trong đám mây dày dặt tỏa ánh sáng chói lọi.
Đúng như vậy! Từ thân Chư Thiên Tịnh Cư phóng hào quang sáng tỏ soi đường Thái Tử đi cũng lại như vậy. Chư Thiên Cõi Dục đều hóa thân đồng tử đẹp đẽ dễ thương, đi phía trước hướng đạo cho Thái Tử đi trên con đường bằng phẳng.
Vua Trời Đại Phạm cùng quyến thuộc Phạm Thiên vây quanh đồng đi bên phải Thái Tử.
Vua Trời Đao Lợi cùng quyến thuộc Đế Thích Cõi Trời Ba mươi ba vây quanh, đồng đi bên trái Thái Tử.
Bốn Đại Thiên Vương, thân đeo chuỗi anh lạc tuyệt vời, đầu đội Thiên Quan tua tủa những chuỗi anh lạc.
Cùng vô lượng trăm ngàn vạn chúng Càn Thát Bà, Cưu Bàn Trà, Long Vương, Dạ Xoa thân mặc áo giáp kiên cố, tay cầm đủ thứ binh khí: Cung tên, kiếm bén, gươm, gậy sắt, mâu, giáo, chĩa ba, câu, mác, thiết bài, thiết luân đi phía trước mở đường cho Thái Tử và họ thúc Thái Tử: Đi theo con đường này, nhanh lên không được nghỉ.
Lại trên hư không có vô lượng vô biên trăm ngàn các chúng Chư Thiên, vui mừng hớn hở tràn ngập châu thân, khổng thể kềm chế, đem các loài hoa mọc dưới nước hay trên đất liền rải trên mình Thái Tử và các loại bột hương như: Chiên Đàn, Trầm Thủy, Đa Già La, ngoài ra còn có các thứ hương khác như: Hương bột, hương xông, hương thoa mỗi Chư Thiên cầm trên tay đi theo rải trên mình Thái Tử để cúng dường.
Nói về trong cung, khi các thể nữ thức dậy hoảng hốt kêu lên: Thái Tử đâu? Thái Tử đâu?
Nàng Da Du Đà La chỉ thấy mình nằm trơ trọi trên giường, không thấy Thái Tử đâu cả, liền la lên: Ôi thôi! Ngày nay chúng ta bị Thái Tử đánh lừa. Liền lớn tiếng kêu gào, thân nhào xuống đất, hốt lấy bụi chà lên đầu, đưa hai tay bức lấy đầu tóc, bứt lấy các chuỗi anh lạc trên thân ném xuống đất, hai tay cào xé y phục, thân hình và tứ chi đều bị xây xát, cất tiếng khóc thốt ra những lời chua xót đau thương, thân tâm nàng thống thiết bức xúc khổ não vô cùng.
Khi ấy người canh giữ bảo vệ thể nữ nội cung của Thái Tử, chạy đến tâu báo Đại Vương Tịnh Phạn: Xin Đại Vương biết cho, đêm hôm nay khi hạ thần thức dậy không thấy Thái Tử đâu.
Người canh chuồng ngựa thấy mất ngựa Kiền Trắc, cũng vội vã đến tâu Đại Vương Tịnh Phạn: Xin Đại Vương biết cho, đêm nay trên chuồng ngựa cũng không còn thấy con ngựa Kiền Trắc.
Đại Vương Tịnh Phạn nghe những lời tâu như vậy, cất tiếng la to xướng lên thế này: Ôi thôi! Ôi thôi! Con yêu dấu ta ơi! Nói như vậy rồi nhào xuống đất chết giấc.
Quan đại phu lấy nước lạnh Chiên Đàn rưới trên mình nhà vua, trong chóc lát Đại Vương tỉnh lại, tinh thần trở lại trạng thái bình thường, rồi sau đó gọi tướng bảo vệ hoàng thành đến ra sắc lệnh: Các khanh cấp tốc chuẩn bị bốn binh chủng, mặc áo giáp đi tìm Thái Tử gấp.
Vị tướng quân phòng vệ nghe sắc lệnh khẩn trương từ nội cung ban ra, vội vã đi truyền lệnh khắp tất cá các tướng lãnh chiến đấu: Này các tướng sĩ, các ngươi phải biết Đại Vương Tịnh Phạn ban sắc lệnh thế này: Bá quan Đại Thần bất cứ ở chỗ nào, hễ ai thọ hưởng lương thực bổng lộc của ta, tất cả đều mau mau nhóm họp, phân chia đi theo các ngả đường tìm Thái Tử. Nếu ai gặp được Thái Tử ở đâu, khéo đem lời phủ dụ, đừng để Thái Tử ở trong rừng núi hang đá, nên rước trở về Hoàng Cung.
Các quần thần bá quan văn võ ở trong thành Ca Tỳ La đều nghe tướng quân phòng vệ rung chuông truyền cáo: Tất cả Quần Thần, những ai hưởng bổng lộc của Đại Vương Tịnh Phạn, tất cả đều ra khỏi thành Ca Tỳ La đi tìm Thái Tử, nếu ai thấy Thái Tử ở đâu nên đem lời phủ dụ khuyên Thái Tử trở về Hoàng Cung.
Bấy giờ, tất cả Quần Thần bá quan, hoàng tộc và dân chúng nội thành Ca Tỳ La, người hưởng bổng lộc hay không hưởng bổng lộc đều từ thành tỏa ra đi tìm Thái Tử.
Quan Đại Thần, tuyên các sắc lệnh Nhà Vua xong rồi, dần dần đến nhà vị Đại Thần trông coi chuồng ngựa Thái Tử, nói với vị ấy: Đại Vương Tịnh Phạn ra lệnh cấp tốc ra ngoài thành đi tìm Thái Tử.
Đại Thần trông ngựa nói: Ta giữ chỗ ở của Thái Tử không được đi đâu.
Quan giữ thành lặp lại lời nói thế này: Đại Vương Tịnh Phạn ra sắc lệnh nghiêm khắc, tất cả những ai hầu hạ hai bên Thái Tử đều bị giam cầm.
Đại Thần trông ngựa đáp: Thưa nhân giả, nếu muốn giam cầm tôi, trước tiên Ngài cùng tất cả vợ con, anh em, chú bác, cô dì thân quyến của Ngài đều phải bị giam cầm. Khi ấy tất cả dân chúng trong thành đều ra khỏi thành đi tìm Thái Tử, nhưng Thái Tử được sức thần thông của Chư Thiên ngăn che nên người đi tìm không thấy được Thái Tử.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Pháp Tập Yếu Tụng - Phẩm Hai Mươi Chín - Phẩm Tương ứng
Phật Thuyết Kinh đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Năm - Kinh Tập - Chương Một - Phẩm Rắn - Kinh Từ Bi
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Năm - Kinh Tập - Chương Hai - Tiểu Phẩm - Kinh Dhammika
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nê Hoàn - Phẩm Ba - Phẩm Trưởng Giả Thuần đà