Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bảo Vân - Phẩm Hai - Phẩm Mười Ba La Mật - Tập Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Mạn Đà La Tiên, Đời Lương

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA BẢO VÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Mạn Đà La Tiên, Đời Lương  

PHẨM HAI

PHẨM MƯỜI BA LA MẬT  

TẬP NĂM  

Này thiện nam! Đủ mười việc cúng dường này là thông hiểu phương tiện Ba la mật đầy đủ.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp nguyện Ba la mật đầy đủ.

Những gì là mười?

1. Nguyện không thấp kém.

2. Nguyện không khiếp nhược.

3. Nguyện vì lợi ích độ thoát tất cả chúng sinh.

4. Nguyện xưng tán công đức tất cả Chư Phật.

5. Nguyện hàng phục tất cả ma oán.

6. Nguyện không do nhân gì mà tin kẻ khác.

7. Nguyện không biên vực.

8. Nguyện không kinh sợ.

9. Nguyện không mệt mỏi, chán nản.

10. Nguyện rốt ráo viên mãn thanh tịnh các nguyện.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát nguyện không thấp kém?

Đại Bồ Tát không vì thọ nhận cái vui nơi ba cõi mà phát thệ nguyện. Đó gọi là Bồ Tát nguyện không thấp kém.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát nguyện không khiếp nhược?

Đại Bồ Tát phát hoằng thệ nguyện không cầu thoát ly ra ngoài ba cõi mà tự thủ chứng. Đó gọi là Bồ Tát nguyện không khiếp nhược.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát nguyện vì lợi ích độ thoát tất cả chúng sinh?

Đại Bồ Tát phát nguyện như vậy: Nguyện cho tất cả chúng sinh cùng tận đời vị lai đều đạt được Vô dư Niết Bàn trước, sau đó ta đối với Niết Bàn của Phật mà Bát Niết Bàn. Đó gọi là Bồ Tát nguyện cứu độ tạo lợi ích cho tất cả chúng sinh.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát nguyện xưng tán công đức tất cả Chư Phật?

Đại Bồ Tát phát nguyện như vậy: Nếu có chúng sinh nào chưa phát tâm Bồ Tát thì ta giáo hóa khiến cho phát tâm. Đã phát tâm rồi thì ta giúp cho người đó thực hành các hạnh Bồ Tát theo thứ lớp. Đã tu hành rồi thì ta làm cho người đó an tọa nơi Đạo Tràng, ta thiết lễ cúng dường, thỉnh vị ấy chuyển pháp luân, thỉnh trụ ở thế gian đem lại lợi ích cho chúng sinh, chớ vào Niết Bàn. Đây gọi là Bồ Tát nguyện xưng tán công đức tất cả Chư Phật.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát nguyện hàng phục tất cả ma oán?

Đại Bồ Tát phát nguyện như vậy: Nay ta nên làm những việc như thế, chứng đắc đạo quả bồ đề vô thượng rồi thì cõi nước của ta không nghe danh từ ma. Tất cả dân ma không sinh trong cõi nước ta. Đây gọi là Bồ Tát nguyện hàng phục tất cả ma oán.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát nguyện không vì lý do gì tin theo người khác?

Đại Bồ Tát không tin người khác nên nguyện được thành tựu đạo quả bồ đề vô thượng.

Vì sao?

Vì Bồ Tát dùng trí tuệ, tác niệm tư duy: Chúng sinh cõi này vướng mắc khổ nơi sinh tử, không ai giải cứu, không ai bảo hộ. Vì cứu hộ họ nên ta phát nguyện chứng đắc đạo quả bồ đề vô thượng. Đầy gọi là Bồ Tát nguyện không vì lý do gì tin theo kẻ khác.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát phát nguyện vô biên?

Bồ Tát phát nguyện không có giới hạn, hạnh không chấp trước. Do vậy, Bồ Tát trịch áo bày vai phải, quỳ gối phải chấm đất, chí tâm khuyến thỉnh, quán khắp mười phương hết thảy Thế Giới có chư Bồ Tát an tọa ở Đạo Tràng, có chư Bồ Tát ở mười phương cõi thành tựu đạo quả Đẳng Chánh Giác, Bồ Tát thỉnh các vị ấy chuyển pháp luân.

Các chúng sinh căn tánh bất đồng, tùy theo đó mà khéo nhớ nghĩ, tin hiểu những lời pháp yếu của Chư Phật giảng thuyết. Tin hiểu như vậy, tùy theo đó mà được an vui. Sau khi phát khởi tùy hỷ, liền hồi hướng lên quả vị bồ đề vô thượng. Đây gọi là Bồ Tát phát nguyện vô biên đầy đủ.

Thiện nam! Thế nào Bồ Tát phát nguyện không lo sợ?

Đại Bồ Tát từ lúc mới phát tâm, nghe pháp thâm diệu của Chư Phật, nghe công đức vô cùng sâu xa của Phật, nghe thần thông diệu dụng hết mức sâu xa của chư Bồ Tát, nghe phương tiện vô cùng sâu rộng của chư Bồ Tát, Bồ Tát không lo, không sợ, không hãi, không Kinh, mà nghĩ: bồ đề vô lượng, vô biên của Chư Phật, cảnh giới vô lượng, vô biên của Chư Phật, thành tựu đầy đủ cho chúng sinh vô lượng, vô biên.

Những hạng như ta làm sao có thể nghĩ tính về cảnh giới của Như Lai?

Vì sao?

Vì chỉ có Chư Phật Như Lai tự hay biết việc đó. Còn ta thì chẳng thể biết. Đây gọi là Bồ Tát nguyện đầy đủ không kinh không sợ.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát phát nguyện không mệt mỏi?

Bồ Tát nếu thấy chúng sinh cứng cõi, khó điều, phục phóng dật buông lung, chẳng nhận sự giáo hóa. Các Bồ Tát này ngán sợ điều đó. Do nhân duyên ngán sợ những chúng sinh cứng cõi khó điều phục, khó giáo hóa như vậy, nên Bồ Tát liền sinh tâm mệt mỏi, chối bỏ họ, phát nguyện vãng sinh về Thế Giới thanh tịnh, về cõi tịnh của Phật.

Trong cõi tịnh ấy không có những chúng sinh cứng cõi như vậy, cùng các danh từ ấy. Bồ Tát không muốn nghe tên người này, huống nữa là thấy hình tướng. Nếu có Bồ Tát chối bỏ chúng sinh thì cũng chẳng được thọ sinh đến các Cõi Phật thanh tịnh.

Trong các Bồ Tát ấy, có nhiều trí tuệ phát tâm bình đẳng như vậy: Tất cả Thế Giới có các chúng sinh gàn bướng, cố chấp, ngu tối, đui điếc, câm ngọng, không có tánh Niết Bàn. Chư Phật, Bồ Tát đã bỏ rơi họ từ Thế Giới ấy.

Ta nguyện những chúng sinh ấy đều vân tập đến trong Quốc Độ Phật trang nghiêm của ta. Những chúng sinh như vậy, ta chẳng để sót một ai, đều khiến cho ta tất cả đều được quả vị bồ đề vô thượng, an tọa nơi Đạo Tràng giác ngộ rốt ráo quả Phật.

Khi Đại Bồ Tát nghĩ như vậy, từ lúc mới phát tâm, tất cả tâm ma không chỗ nào mà không rúng động, được tất cả Chư Phật trong mười phương khen ngợi. Cõi Phật trang nghiêm của Bồ Tát này sớm được thành tựu, thanh tịnh viên mãn. Bồ Tát chứng đắc đạo quả bồ đề vô thượng.

Đây gọi là Bồ Tát nguyện không chán nản, mệt mỏi.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát khéo thành tựu rốt ráo đầy đủ các nguyện?

Đại Bồ Tát an tọa nơi Đạo Tràng, phá trừ quân ma, cho đến chứng đắc bồ đề vô thượng, sau không còn phát nguyện, đây gọi là được nguyện như ý, được nguyện bồ đề viên mãn. Ví như bát dầu tràn đầy, chẳng thể chứa thêm một giọt như vi trần.

Do vậy mà nói bát dầu ấy tràn đầy, rốt ráo viên mãn. Đại Bồ Tát chứng đắc Phật đạo, không còn phát nguyện giống như vi trần cũng lại như vậy. Do tất cả các nguyện đều rốt ráo viên mãn nên gọi là khéo hoàn thiện đầy đủ.

Thiện nam! Đại Bồ Tát do mười pháp này nên nguyện Ba la mật được đầy đủ.

Thiện nam! Đại Bồ Tát có mười pháp lực Ba la mật đầy đủ.

Những gì là mười?

1. Đầy đủ lực chẳng bị hàng phục.

2. Đầy đủ lực chẳng bị phá hoại.

3. Đầy đủ lực phước đức.

4. Đầy đủ lực trí tuệ.

5. Đầy đủ lực quyến thuộc.

6. Đầy đủ lực thần thông.

7. Đầy đủ lực tự tại.

8. Đầy đủ lực Đà La Ni.

9. Đầy đủ lực không bị chấn động.

10. Đầy đủ lực siêu việt vô trí.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát đầy đủ lực chẳng bị hàng phục?

Tất cả ngoại đạo đều chẳng thể hàng phục Đại Bồ Tát. Đây gọi là Bồ Tát đầy đủ lực chẳng bị hàng phục.

Thế nào là Bồ Tát đầy đủ lực chẳng bị phá hoại?

Thiện nam! Đại Bồ Tát đối với các hàng trời, người trong đám chúng sinh, không một chúng sinh nào dùng đạo lực của mình có thể phá hoại lực của Bồ Tát. Đây gọi là Bồ Tát đầy đủ lực chẳng thể bị phá hoại.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát đầy đủ lực phước đức?

Trong các hạnh phước đức, không có một hạnh nào của thế gian và xuất thế gian mà Bồ Tát không trải qua. Đây gọi là Bồ Tát đầy đủ lực phước đức.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát đầy đủ lực trí tuệ?

Đối với các pháp Phật, Đại Bồ Tát dùng thiện tuệ nên không một pháp nào là không thấy, không chứng, không thông đạt, chỉ trừ trí tuệ sâu xa của Như Lai. Đây gọi là Bồ Tát đầy đủ lực trí tuệ.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát đầy đủ lực quyến thuộc?

Quyến thuộc của Bồ Tát là người không phá giới, người không tà kiến, người chẳng trái oai nghi, người không tà mạng.

Vì sao?

Vì quyến thuộc của Bồ Tát theo chỗ có tư sinh cùng nhau chia đều, nghĩa là đầy đủ tự lợi và lợi tha. Đây gọi là Bồ Tát đầy đủ lực quyến thuộc.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát đầy đủ lực thần thông?

Đối với các lực thần thông của thế gian cùng các cảnh giới của hàng Thanh Văn, Duyên Giác, Đại Bồ Tát đều siêu việt.

Vì sao?

Vì lực thần thông của Bồ Tát là tối thắng. Nếu an lập Cõi Diêm Phù Đề trong một sợi lông, Bồ Tát làm được, không có tổn giảm. Bốn châu như vậy với bao nhiêu Thế Giới, hoặc tam thiên đại thiên Thế Giới, hoặc số Thế Giới nhiều như các Sông Hằng mà an lập chúng trong một vi trần, Bồ Tát vẫn an lập được, không tăng giảm.

Hoặc hai, hoặc ba, hoặc bốn, hoặc năm, hoặc sáu, hoặc bảy, hoặc tám, hoặc chín, hoặc mười hằng hà sa số Thế Giới, hoặc có thể nêu, hoặc không thể nêu bày, hằng hà sa số Thế Giới an lập trong một vi trần, Bồ Tát an lập cũng không tăng giảm. Những Thế Giới ấy cũng không chướng ngại nhau. Chúng sinh trong ấy cũng không thấy chật chội. Đây gọi là Bồ Tát đầy đủ lực thần thông.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát đầy đủ lực tự tại?

Đại Bồ Tát hóa tác bảy báu đầy ấp trong tam thiên đại thiên Thế Giới này. Do lực tự tại nên mọi việc đều được toại nguyện, cho đến chẳng thể nói, chẳng thể nói Thế Giới các thức bảy báu đầy khắp trong ấy đều được tự tại. Đây gọi là Bồ Tát đầy đủ lực tự tại.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát đầy đủ lực Đà La Ni?

Bồ Tát đối với các Cõi Phật nhiều chẳng thể nói, chẳng thể nói, tùy theo pháp của Chư Phật giảng nói về các loại văn tự, chương cú, ý nghĩa sâu xa, chỉ trong một sát na, một la bà, một mâu hưu la, Bồ Tát nghe qua một lần là có thể thọ trì, thông đạt, giải nói. Đây gọi là Bồ Tát đầy đủ lực Đà La Ni.

Thế nào là Bồ Tát đầy đủ lực chẳng bị chấn động?

Trong các hàng trời, người trong chúng sinh, không một chúng sinh nào có khả năng làm Đại Bồ Tát chấn động, chỉ trừ Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri. Đây gọi là Bồ Tát đầy đủ lực chẳng bị chấn động.

Thế nào là Bồ Tát đầy đủ lực siêu việt vô trí?

Đối với tất cả trí, Bồ Tát có khả năng siêu việt. Tất cả chúng sinh còn chẳng bằng, huống nữa là vượt qua Bồ Tát. Chỉ trừ phương tiện thiện giải của Như Lai. Đây gọi là Bồ Tát đầy đủ lực siêu việt, vô trí.

Thiện nam! Đây là Đại Bồ Tát đầy đủ mười pháp lực Ba la mật viên mãn.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp trí Ba la mật viên mãn.

Những gì là mười?

1. Đầy đủ trí nhân vô ngã.

2. Đầy đủ trí pháp vô ngã.

3. Đầy đủ trí vô phần hạn.

4. Đầy đủ trí nơi cảnh giới của tam muội.

5. Đầy đủ trí trấn giữ.

6. Đầy đủ trí không bị phá hoại.

7. Đầy đủ trí quán hạnh của chúng sinh.

8. Đầy đủ trí vô dụng công.

9. Đầy đủ trí của tất cả pháp tướng.

10. Đầy đủ trí xuất thế gian.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát đầy đủ trí nhân vô ngã?

Đại Bồ Tát quán thấy các ấm lúc sinh, lúc diệt. Khi ấm này sinh, không chân thật sinh, bất động, bất tác, đều là hư vọng, nên quán thấy nó như vậy. Khi ấm này diệt, không thấy tan hoại.

Bồ Tát lại nghĩ: Ấm này là không ngã, không nhân, không chúng sinh, không thọ giả, không dưỡng dục, sĩ phu. Chỉ có các phàm phu ngu si chấp trước theo ngã kiến mà cho là hiểu biết. Ấm này phi ngã, trong ngã không ấm. Đối với năm ấm, sinh chấp trước sâu xa quyết cho là có bản thể.

Do vậy mà không đạt pháp tánh chân thật. Do không thông đạt đạo lý chân thật nên bị lưu chuyển trong sinh tử. Giống như vòng lửa không có dừng nghĩ, đối với pháp tánh chân thật này, Bồ Tát thông đạt rốt ráo, không có thiếu sót. Đây gọi là là Bồ Tát đầy đủ trí nhân vô ngã.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát đầy đủ trí pháp vô ngã?

Đối với sự hủy báng, tổn giảm, Đại Bồ Tát nhận biết một cách như thật.

Đối với sự hủy báng tăng thượng, Đại Bồ Tát cũng biết như thật và suy nghĩ: Đối với pháp giả danh, vì an lập, phân biệt mà có các danh. Cái phân biệt cùng với cái được phân biệt, tất cả các pháp tự tánh vốn không. Những văn cú, có thể phân biệt ấy, tự tánh cũng là không. Thể tánh của pháp ấy không như phân biệt. Danh tự phân biệt không phải là thế ấy.

Vì sao?

Vì tất cả các pháp chỉ có danh tướng, chỉ giả danh mà nói. Ở trong pháp này không nên chấp trước. Pháp giả danh này chẳng phải là cứu cánh, hoàn toàn là phi hữu, nhưng các pháp ấy do nương vào nhân duyên khác, mượn duyên khác hiệp lại nên liền có sinh. Nhân duyên tan rã, chúng cũng theo đó hoại diệt. Những pháp như vậy, Đại Bồ Tát biết một cách như thật. Đây gọi là Bồ Tát đầy đủ trí pháp vô ngã.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát đầy đủ trí không phần, hạn?

Trong một sát na, Bồ Tát không sinh khởi trí, cho đến sát na thứ hai cũng không sinh khởi trí.

Vì sao?

Vì Đại Bồ Tát trong các sát na, trí tuệ đều sinh khởi vô biên, vô ngai, không có phần, hạn. Đây gọi là Bồ Tát đầy đủ trí không phần hạn.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát đầy đủ trí nơi cảnh giới của tam muội?

Đại Bồ Tát đều biết tất cả tam muội của hàng Thanh Văn, biết tất cả tam muội của hàng Duyên Giác, biết tất cả tam muội của Bồ Tát, biết tất cả tam muội của Như Lai. Với tam muội này, Bồ Tát biết được hành xứ của Thanh Văn.

Với tam muội này Bồ Tát biết được hành xứ của Duyên Giác. Với tam muội này, Bồ Tát biết được hành xứ của Bồ Tát. Với tam muội này, Bồ Tát cũng biết về nẻo hành hóa của Như Lai, là tam muội của Phật. Lại có quả báo đã được thành tựu. Người tự chứng đắc trí ấy đều có thể nhận biết rõ. Đây gọi là Bồ Tát đầy đủ trí nơi cảnh giới của tam muội.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát đầy đủ trí trấn giữ?

Đối với chỗ trấn giữ của Thanh Văn, hoặc chỗ trấn giữ của Bích Chi Phật, hoặc chỗ trấn giữ của Bồ Tát, Bồ Tát hãy còn nhận biết, huống nữa là các loại chúng sinh. Đây gọi là Bồ Tát đầy đủ trí trấn giữ.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát đầy đủ trí chẳng thể phá hoại?

Tất cả trí tuệ chẳng thể hoại của Đại Bồ Tát thì các ngoại đạo, hoặc các binh ma, hoặc các Thanh Văn, hoặc các Duyên Giác đều chẳng thể phá được. Đây gọi là Bồ Tát đầy đủ trí chẳng thể phá hoại.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát đầy đủ trí quán hành của chúng sinh?

Đại Bồ Tát dùng trí thanh tịnh minh bạch trong sáng, quán thấy chúng sinh trong cõi này, có các chúng sinh đã phát tâm bồ đề, có các chúng sinh chưa phát tâm bồ đề. Có các chúng sinh đã tu phạm hạnh bồ đề, có các chúng sinh chưa tu hạnh bồ đề.

Có các chúng sinh trụ nơi Địa thứ nhất, cho đến Địa thứ mười và thành tựu quả vị Đẳng Giác, sau đó thì chuyển pháp luân chân chánh, Phật sự viên thành, xong nhập Niết Bàn. Có các chúng sinh nhập Niết Bàn của Thanh Văn thừa, có vị nhập Niết Bàn của Duyên Giác thừa.

Có các chúng sinh sinh lên Cõi Trời. Có các chúng sinh nơi ba đường dữ. Sự việc như vậy, Bồ Tát đều thấy rõ thông suốt. Đây gọi là Bồ Tát đầy đủ trí quán hành của chúng sinh.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát đầy đủ trí vô dụng công?

Đại Bồ Tát hoặc đi, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc nằm, hoặc ra, hoặc vào, không thêm công dụng mà trí luôn sinh. Giống như có người vào lúc ngủ say, hơi thở luôn sinh. Trí Bồ Tát sinh cũng lại như vậy không đâu là không hiện bày cùng khắp. Đây gọi là Bồ Tát đầy đủ trí không dụng công.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát đầy đủ trí thông suốt tất cả pháp tướng?

Đối với tất cả pháp, hoặc tướng chung, hoặc tướng riêng, hoặc vô lượng tướng, Đại Bồ Tát đều biết rõ. Hoặc tướng như huyễn, hoặc tướng hư vọng Bồ Tát đều biết. Đây gọi là Bồ Tát đầy đủ trí thông suốt tất cả pháp tướng.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát đầy đủ trí xuất thế gian?

Đại Bồ Tát do được đầy đủ trí vô lưu nên siêu việt tất cả hàng trời, người nơi thế gian. Đây gọi là Bồ Tát đầy đủ trí xuất thế gian.

Thiện nam! Đây là Đại Bồ Tát đầy đủ mười pháp trí Ba la mật viên mãn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần