Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bảo Vân - Phẩm Sáu - Phẩm Nhị đế - Tập Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Mạn Đà La Tiên, Đời Lương
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI THỪA BẢO VÂN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Mạn Đà La Tiên, Đời Lương
PHẨM SÁU
PHẨM NHỊ ĐẾ
TẬP HAI
Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp ra khỏi nhà ở.
Những gì là mười?
Đó là:
1. Không luyến ái một gì, không trụ nơi hỗn tạp.
2. Quay lưng nơi cảnh tham.
3. Lìa xa khát ái, không nhiễm trần cấu.
4. Tùy thuận phụng hành nơi chánh pháp Phật.
5. Nỗ lực tinh tấn, khéo học biết đủ.
6. Sử dụng áo quần thích hợp, ăn uống thích hợp, đồ nằm thích hợp, thuốc thang thích hợp.
7. Không tích trữ bình bát, pháp phục, tiền tài, các vật…
8. Nơi các trần cảnh thường sinh lo sợ.
9. Hướng đến tịch tĩnh.
10. Tu đạo không bỏ.
Thiện nam! Như vậy là Bồ Tát đầy đủ mười pháp ra khỏi nhà ở.
Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp nuôi mạng mình thanh tịnh.
Những gì là mười?
Đó là:
1. Lìa xa tự cao, dua nịnh, lợi dưỡng.
2. Lìa xa mọi thứ hình tướng.
3. Lìa xa sự o bế.
4. Không cầu tiền của ngang trái.
5. Lìa tiền của phi pháp.
6. Lìa tiền của bất tịnh.
7. Không luyến đắm tiền của.
8. Không bị lợi dưỡng làm nhiễm ô.
9. Không mong cầu khát ái.
10. Đối với tiền của như pháp nên sinh biết đủ.
Thiện nam! Bồ Tát lìa xa tự cao, dua nịnh lợi dưỡng như thế nào?
Đó là Đại Bồ Tát không vì lợi dưỡng mà hiện bày thân cao ngạo, miệng tự cao, tâm tự cao.
Thế nào là không hiện bày thân cống cao?
Như khi thấy đàn việt thí chủ, Đại Bồ Tát không tự tạo oai nghi thân tướng khác thường: Bước đi chầm chậm, hiện tướng tịch tĩnh, nhìn trước một tầm, dáng vẽ sầu khổ, hoặc làm công việc như chẳng hư dối. Thân cao ngạo, Bồ Tát đều không được làm.
Thế nào là không hiện bày khẩu cống cao?
Đại Bồ Tát không vì nhân duyên lợi dưỡng mà nói nhỏ nhẹ, từ từ, cho đến phát ra lời ái ngữ thuận theo lời nói của người. Đó là khẩu cao ngạo phải nên lìa xa.
Thế nào là tâm tự cao?
Như có thí chủ muốn đem tài vật cúng dường, Đại Bồ Tát ngoài miệng ra vẻ ít muốn mà trong lòng rất muốn lấy nhiều.
Thiện nam! Đây gọi là lòng khao khát danh lợi, nghĩa là miệng nói không tham, nhưng tâm thật muốn được.
Thế nào là lìa xa mọi thứ hình tướng?
Như thấy đàn việt, Đại Bồ Tát không nên tạo những tướng này: Chỉ bày y bát của ta bị hư hoại nhiều, thiếu các loại thuốc men, hiện tại ta thiếu thốn, cầu xin sự bố thí… Đại Bồ Tát không được nói những lời ấy.
Thế nào là lìa xa sự o bế?
Như thấy Đàn việt, Đại Bồ Tát không nên nói: Này Đàn Việt! Nên bố thí cho ta vật ấy, ta đem ân đức báo đáp cho ông. Bồ Tát không nên nói lời ấy ở trước thí chủ và làm cho họ biết ta trì giới, biết ta đa văn, biết ta thiểu dục. Ta vì từ bi mà thọ sự bố thí của người nên không được tạo phương tiện nhằm cổ động, tán dương.
Thế nào là Bồ Tát lìa sự mong cầu tiền của ngang trái?
Đại Bồ Tát không làm thân bị thương, không làm tâm bị thương để cầu tài vật. Nói thân bị thương nghĩa là vì tài vật nên không kiêng sợ lao nhọc, muốn người tứ phương hầu hạ thân bệnh một cách cấp tốc, trái với giới luật. Nói tâm bị thương nghĩa là sinh nhiều ganh ghét, giảm trừ lợi dưỡng đối với các bạn đồng học.
Thế nào là Bồ Tát xa lìa tiền của phi pháp?
Không dùng cân nhẹ, đong thiếu, lừa dối người, không dùng những việc giả dối thân quen và lừa đảo mà cầu tài vật.
Thế nào là Bồ Tát lìa tiền của bất tịnh?
Đối với những vật có liên quan như vật của Tháp, vật của pháp, vật của Tăng, Bồ Tát không nên lấy. Người chẳng tùy hỷ thì không được thọ dụng.
Thế nào là Bồ Tát không luyến tham tài lợi?
Đại Bồ Tát nếu được tài vật, không nên cho là của ta, không tạo sự tích tụ tài vật ấy. Khi đó, nên đem nó bố thí cho cha mẹ, những người thân quen cùng các quyến thuộc… trong thời gian này, Bồ Tát cũng được thọ dụng. Khi được tài vật, Bồ Tát không sinh nhiễm đắm.
Lúc không được tài vật, Bồ Tát cũng không hốt hoảng, cũng không khao khát. Đối với thí chủ, Bồ Tát không khởi tâm ác, không giữ lấy lỗi. Được tài vật như pháp, Bồ Tát cho chúng cùng hưởng thì được Phật khen ngợi, Bồ Tát Đại Sĩ không chê cười, Thiên thần tán dương, bạn bè hoan hỷ. Bồ Tát dùng tài vật ấy với tâm biết đủ mà trụ.
Thiện nam! Như vậy là Bồ Tát đầy đủ mười pháp nuôi mạng mình thanh tịnh.
Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp tâm không mệt mỏi.
Những gì là mười?
Đó là:
1. Chỉ vì nhân duyên thiện là tạo lợi ích cho các chúng sinh, Bồ Tát trụ trong sinh tử không thấy mệt mỏi.
2. Vì tạo lợi ích cho chúng sinh, Bồ Tát thọ khổ nơi sinh tử không thấy mệt mỏi.
3. Vì khuyên chúng sinh gắng tu pháp thiện, Bồ Tát không thấy mệt mỏi.
4. Bồ Tát cùng các chúng sinh tạo các sự nghiệp không thấy mệt mỏi.
5. Vì chúng sinh Tiểu Thừa, Bồ Tát nói pháp Thanh Văn mà không thấy mệt mỏi.
6. Đối với hàng Thanh Văn, Bồ Tát không oán ghét.
7. Tu pháp trợ đạo mà không mệt mỏi.
8. Vì đã thành tựu viên mãn hạnh bồ đề, Bồ Tát không sinh mệt mỏi.
9. Nguyện cầu Niết Bàn nhưng không thủ đắc Niết Bàn.
10. Hành hạnh bồ đề, tâm không tạm nghỉ.
Thiện nam! Như vậy là Bồ Tát đầy đủ mười pháp tâm không mệt mỏi.
Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp phụng hành lời Phật dạy.
Những gì là mười?
Đó là:
1. Lìa xa tất cả sự phóng dật, trụ nơi không phóng dật.
2. Khéo tự thủ hộ thân, không tạo nghiệp ác.
3. Khéo tự thủ hộ miệng, không tạo nghiệp ác.
4. Khéo tự thủ hộ tâm, không tạo nghiệp ác.
5. Luôn sợ nẻo ác, lìa xa tất cả các pháp bất thiện.
6. Nói đạo lý chân thật, lìa các đạo phi pháp.
7. Luôn nói chánh pháp, bỏ mọi phi pháp.
8. Lìa xa nghiệp xấu, thuận theo đức nghiệp.
9. Không làm nhơ chánh pháp, giới luật của Như Lai. Lìa xa tất cả phiền não độc hại, rộng hộ trì Phật Pháp.
10. Đối với pháp bất thiện, thường giữ tự tâm.
Thiện nam! Như vậy là Bồ Tát đầy đủ mười pháp phụng hành lời Phật dạy.
Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp khiến nét mặt tươi sáng, vui vẻ, không nhăn nhó.
Những gì là mười?
Đó là:
1. Các căn vắng lặng.
2. Các căn thanh tịnh.
3. Các căn sáng suốt.
4. Các căn không nhiễm.
5. Các căn tinh khiết.
6. Lìa xa phẫn hận.
7. Lìa xa các sự sai khiến.
8. Không còn trói buộc.
9. Lìa các oán hại, hận thù.
10. Lìa các sự giận dữ.
Thiện nam! Như vậy Bồ Tát đầy đủ mười pháp khiến nét mặt tươi sáng, vui vẻ, không nhăn nhó.
Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại thưa: Bạch Thế Tôn! Như con hiểu nghĩa Phật giảng nói, do các căn thanh tịnh nên Đại Bồ Tát có sắc diện tươi vui, do lìa phiền não nên mặt không nhăn nhó.
Phật nói: Đúng vậy, đúng vậy! Thiện nam! Đúng như lời ông nói! Do các căn thanh tịnh nên Đại Bồ Tát có sắc diện tươi vui, do lìa phiền não nên mặt không nhăn nhó.
Thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp đa văn viên mãn.
Những gì là mười?
Đó là:
1. Sinh tử mạnh mẽ, dâm dục rực cháy, Đại Bồ Tát biết rõ đúng như thật.
2. Sân hận rực cháy, Bồ Tát biết đúng như thật.
3. Ngu si loạn tâm, Bồ Tát biết đúng như thật.
4. Các hành vô thường, Bồ Tát biết đúng như thật.
5. Ba cõi đều khổ, Bồ Tát biết đúng như thật.
6. Thế gian hư rỗng, Bồ Tát biết đúng như thật.
7. Các pháp vô ngã, Bồ Tát biết đúng như thật.
8. Thế gian hư dối, chấp vào vọng tưởng, thọ sinh phân biệt, Bồ Tát biết đúng như thật.
9. Hết thảy các pháp nhờ nhân duyên sinh, Bồ Tát biết đúng như thật.
10. Niết Bàn tịch tĩnh, Bồ Tát biết đúng như thật.
Ba vô tánh này, Bồ Tát nghe, nghĩ, tu tuệ, Bồ Tát biết đúng như thật rồi, không nên phân biệt âm thanh, lời nói, danh từ. Tuy biết như vậy, nhưng phát tâm rộng lớn, hưng khởi đại từ bi, thệ nguyện kiên cố, vì các chúng sinh mà tinh tấn dũng mãnh nhổ tận gốc rễ nơi khổ đau.
Thiện nam! Như vậy là Bồ Tát đầy đủ mười pháp đa văn viên mãn.
Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp thọ trì chánh pháp.
Những gì là mười?
Đó là:
1. Vào thời mạt pháp, sau năm trăm năm khi chánh pháp diệt, sẽ khởi lên sự tranh cãi về Kinh Giáo của Đức Như Lai.
2. Vô lượng chúng sinh tu hành tà đạo, đèn trí sắp diệt, không ai chỉ đường.
3. Tu Đa La Kinh sâu xa vi diệu, hết thảy pháp Ma Đức Lặc Già Pháp Mẫu có đại oai đức, nghĩa lý rộng lớn, nhưng Bồ Tát vẫn có khả năng thọ trì, đọc tụng, tuyên thuyết, cung kính cúng dường.
4. Cũng hay vì người khác chỉ bày nghĩa ấy, giải thích sâu rộng, làm cho họ được dễ hiểu.
5. Đối với người hành pháp, Bồ Tát sinh đại hoan hỷ, khéo hộ niệm họ.
6. Tâm không mong cầu, ưa nghe chánh pháp.
7. Đối với người nói pháp, Bồ Tát sinh tưởng như Đức Thế Tôn.
8. Ở trong chánh pháp, Bồ Tát sinh tưởng về cam lồ, sinh tưởng về diệu dược.
9. Không tiếc thân mạng, cầu học chánh pháp.
10. Được chánh pháp rồi, nỗ lực tu hành.
Thiện nam! Như vậy là Bồ Tát đầy đủ mười pháp thọ trì chánh pháp.
Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp sinh Pháp Vương Tử.
Những gì là mười?
Đó là:
1. Dùng tướng trang nghiêm thân đầy đủ các vẻ tốt đẹp.
2. Tu chỉnh các văn viên mãn vi diệu.
3. Thuận theo đạo của Đức Như Lai tu hành.
4. Trụ ở nơi chốn thuộc cảnh giới Như Lai.
5. Hiểu thông suốt pháp không thoái chuyển của Chư Phật.
6. Khéo giỏi cứu độ chúng sinh khổ nạn.
7. Khéo giỏi học tập quy tắc của chúng Thánh.
8. Khéo giỏi quán khắp bốn tâm vô lượng.
9. Có khả năng chấn giữ thành nhất thiết trí.
10. Ở chỗ Đức Như Lai, trụ xứ của chúng Phạm.
Thiện nam! Như vậy là Bồ Tát đầy đủ mười pháp sinh Pháp Vương Tử.
Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp được Thích, Phạm, Tứ Thiên Vương cung nghênh.
Những gì là mười?
Đó là:
1. Không thoái chuyển nơi tâm bồ đề.
2. Tất cả chúng ma không thể não loạn.
3. Không dao động nơi chánh pháp Phật.
4. Thâm nhập các pháp mật tạng vi diệu.
5. Tùy thuận tất cả pháp trí bình đẳng.
6. Ở trong pháp Phật không theo lời nói của người khác.
7. Ở trong pháp Phật được trí vô ngại.
8. Không cùng hạnh với tất cả Thanh Văn, Duyên Giác.
9. Đứng đầu nơi các thế gian.
10. Trụ nơi an ổn, nơi pháp nhẫn không sinh.
Thiện nam! Như vậy là Bồ Tát đầy đủ mười pháp được Thích, Phạm, Tứ Thiên Vương cung nghênh.
Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp biết các căn tánh.
Đó là: Có các chúng sinh tánh dâm dục nhiều, Bồ Tát biết rõ như thật. Hoặc tánh sân hận, hoặc tánh ngu si, hoặc tánh cang cường, hoặc tánh bình thường, hoặc tánh dịu hiền, hoặc tánh hung dữ, hoặc tánh nóng nảy, hoặc tánh chậm chạp… Bồ Tát đều biết một cách như thật. Như biết một người, cùng chúng sinh khắp các cõi, Bồ Tát cũng biết như vậy.
Thiện nam! Như vậy là Bồ Tát đầy đủ mười pháp nhận biết các căn tánh.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba